Trang

Wednesday, July 10, 2013

TS Đặng Hoàng Giang, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng: "xã hội đang không lành lặn và đang không lành mạnh"

Một bộ phận dân không còn tin vào pháp luật!

(Kienthuc.net.vn) - 25% người dân được hỏi cho rằng không bao giờ tố cáo dù có bị cán bộ công quyền vòi vĩnh tới quá 100 triệu đồng (theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2012).
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng, điều đó chứng tỏ một bộ phận người dân đã không còn tin vào luật pháp, dù hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng của ta khá hoàn chỉnh.
Bị nhũng nhiễu 100 triệu đồng cũng không tố cáo
Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012, có 25% người dân cho rằng không bao giờ tố cáo dù bị vòi vĩnh ở bất kể mức nào (từ 10.000đ đến 100 triệu đồng). Chỉ có 21% cho rằng sẽ tố cáo với mức tiền bị vòi vĩnh dưới 500.000đ. Là thành viên ban nghiên cứu, ông bình luận gì về điều này?
Con số đó cho thấy hiện trạng xã hội hiện nay rất đáng lo ngại. Người dân đã mất niềm tin vào chính nghĩa. Khi chúng ta là người chính nghĩa, tin vào những thể chế, luật pháp, thì chúng ta sẽ luôn muốn phanh phui những sự việc sai trái đó ra, đặc biệt khi mức nhũng nhiễu cao lên tới cả trăm triệu đồng. Thế mà người dân lại không tố cáo chứng tỏ họ không tin vào khả năng có chính nghĩa nữa.
Nhưng liệu có thể, số tiền dù lên tới cả trăm triệu cũng không nghĩa lý gì với họ nên họ chẳng cần quan tâm?
Dự án PAPI không chỉ khảo sát những người giàu có của Việt Nam mà tất cả các tầng lớp dân số trong xã hội. Với mặt bằng thu nhập hiện nay, với đại đa số người dân, 100.000đ đã là một số tiền đáng kể, nhất là khi sự nhũng nhiễu xuất hiện thường xuyên, mọi chỗ, mọi nơi.  
Vậy vì sao người ta lại không tố cáo?
Vì đi tố cáo sẽ mất thời gian, quy trình tố cáo rối rắm, thậm chí không những chẳng hiệu quả mà còn bị trù úm. Thứ hai, ở một khía cạnh nào đó nó phản ánh sự thờ ơ của chính người dân. Họ sẵn sàng trả tiền vì nhũng nhiễu và sẽ kiếm khoản tiền khác thay vào số tiền đó thay vì đi đòi chính nghĩa. Sự kết hợp giữa thờ ơ và mất lòng tin vào thể chế là điều rất đáng lo ngại. Trong một xã hội lành lặn, người dân luôn muốn điều đúng xảy ra, những điều sai, dù nhỏ, ví dụ như chuyện ăn cắp vặt, sẽ vẫn bị lên án, bị buộc phải trả lại. 
Điều đó chứng tỏ xã hội ta chưa lành lặn?
Trong khía cạnh câu chuyện đang bàn thì tôi nghĩ, xã hội đang không lành lặn và đang không lành mạnh.
TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng.
Người dân cũng có lỗi nhưng...
Nhưng có người bảo, 25% ấy cũng chỉ chiếm 1/4 trong xã hội, không phải là vấn đề lớn lắm?
Tôi không cho rằng như thế, 25% trong tổng số 14.000 người tham gia khảo sát, ở 63 tỉnh, thành trong cả nước và nằm trong mọi thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn... Nó đủ sức cho thấy bức tranh xã hội hiện nay. Hãy cứ hình dung, ngay với việc sát sườn với họ như thế, ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của họ như thế mà họ còn im lặng thì với chuyện xảy ra ở nơi khác, với người khác, họ sẽ lại càng im lặng mà thôi. Ta không có quyền kêu ca những cái ta đang phải chịu đựng khi chính chúng ta cũng có phần làm cho nó tồn tại.
Ông đang đổ lỗi cho người dân?
Không, đó là sự thực. Chính người dân cũng có lỗi. Giả dụ, bạn bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Hoặc bạn bị giữ xe, ra kho bạc nộp phạt; hoặc bạn "giúi" cho anh cảnh sát 50.000đ hay 100.000đ, bạn sẽ chọn cách nào? Rất nhiều người sẽ chọn cách "giúi" tiền, vì nhanh, được việc, vì bạn bè, nhiều người xung quanh cũng làm thế, vì mình không muốn đi ngược với số đông, thành kẻ lập dị! Thế nhưng, tôi không quy hết lỗi cho người dân. Phần lỗi lớn nhất, đương nhiên là thuộc về chính quyền, về những người lãnh đạo, quản lý xã hội, những người để cho tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng, xảy ra. 
Ông có thấy mâu thuẫn không khi chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng; có Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng ở các cấp... Thế nhưng người dân vẫn mất niềm tin vào chính nghĩa?
Thực tế, bộ khung pháp luật phòng chống tham nhũng của ta khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, vấn đề là thực thi thế nào. Chính việc thực thi không hiệu quả đã khiến cho người dân mất lòng tin. Cụ thể, theo báo cáo PAPI, 1/3 người dân được hỏi cho rằng chính quyền chưa nghiêm túc trong phòng chống tham nhũng!
Chỉ số PAPI cũng chính là một trong những thước đo hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng?
PAPI là một công cụ giúp chúng ta đo lường mức độ tham nhũng và qua đó cho thấy, hiệu quả việc phòng chống tham nhũng ở các địa phương, trong những lĩnh vực mà người dân trực tiếp cọ sát và có trải nghiệm trực tiếp. 

Tạo ra những thế hệ bị dối lừa
Ông bảo, người dân đã không còn muốn phân định đúng - sai, không còn tin vào chính nghĩa. Hệ quả của nó sẽ là gì?
Nó sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo. Con cháu chúng ta khi lớn lên sẽ tư duy tương tự chúng ta, sẽ thờ ơ, sẽ không tố cáo khi bị vòi vĩnh. Nôm na, nó sẽ tạo ra những thế hệ bị dối lừa và dối lừa.
Những thế hệ bị dối lừa và dối lừa?
Đúng vậy. Bây giờ, giả dụ bạn có em tầm 12, 13 tuổi. Ở nhà, bố mẹ bạn và chính bạn sẽ dạy em phải đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, không được đưa hối lộ... vì đó là hành vi xấu, phạm pháp. Thế nhưng, ngày mai, bạn chở em đi chơi. Em bạn thấy bạn đưa cho anh cảnh sát 100.000đ để không phải lập biên bản vì vượt đèn đỏ. Tất cả những điều mà em bạn được dạy trước đó đều tan biến hết qua hành động đó. Và em bạn sẽ hành xử như bạn khi bị xử phạt. Nói thế để thấy rằng, chúng ta đang tạo ra những thế hệ mà sự giáo dục ở nhà trường, trên lý thuyết khác xa thực tiễn. 
Một xã hội mà người ta không còn muốn phân định đúng - sai thì sẽ thế nào?
Nó chứng tỏ xã hội đó có nền tảng đạo đức yếu. Từ chuyện nhỏ là có viết biên bản nộp phạt hay không, nó lan sang chuyện ta giáo dục con em thế nào. Thế hệ đi trước không rõ ràng hành động của mình trong phân định đúng - sai thì làm sao mà dạy con em không được copy trong thi cử, không được chạy chọt xin điểm... được!
Tôi đang hình dung đó là một mớ bòng bong. Theo ông, cởi nút thắt ấy như thế nào và từ đâu?
Người dân cần phải có ý thức. Hãy bắt đầu từ việc đơn giản như khi bạn vào viện, nếu không phải cấp cứu thì hãy kiên nhẫn đợi đến lượt thay vì đưa phong bì cho bác sĩ để được ưu tiên khám trước. Đó là cách nhìn ngắn hạn, vì nay bạn có thể nhiều tiền hơn người nông dân, nhưng ngày mai sẽ có người nhiều tiền hơn bạn và bác sĩ nhận phong bì sẽ ưu ái họ hơn bạn. Nên nhớ, cơ chế "bôi trơn" chỉ lợi cho người lắm tiền thôi! Quan trọng nữa là, phải làm sao để người dân có mong muốn phân định đúng sai, tin rằng việc mình tố cáo tham nhũng là có ý nghĩa, là cần thiết. Muốn vậy, mấu chốt phải là từ phía nhà lãnh đạo, quản lý. Họ phải chứng minh được rằng họ có quyết tâm và làm được. Quyết tâm không chỉ trên giấy tờ mà phải trên thực tế nữa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Thực ra, chuyện người dân mất lòng tin kéo dài đã mấy năm nay, từ khi PAPI khảo sát (2010) chứ không phải chỉ ở thời điểm này. Nó xảy ra ở các tầng lớp khác nhau chứ không riêng trong những người có trình độ hay thu nhập nhất định, nên có thể kết luận là khá phổ biến".
TS Đặng Hoàng Giang

No comments:

Post a Comment