Trang

Thursday, July 4, 2013

Hữu Nguyên: Nỗi Đau Rồng

Minh họa của Nhật Song
Xét cho cùng, dân tộc ta chưa tiến hóa/thoát thai khỏi thời hồng hoang trong quan hệ con người-con người!

Hữu Nguyên: Nỗi Đau RồngHai bậc đại công thần trong lịch sử nước nhà đều bị thảm án trên cùng một khúc sông oan. Ai cũng biết hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng trọng dụng, khoản đãi bậc hiền tài không dễ. Lịch sử ăm ắp những bài học

Nỗi Đau Rồng

Truyện ngắn của Từ Khôi



Chít lại chiếc khăn vấn trên đầu, khoác tay nải lên vai và từ tốn chống cây gậy trúc bước lên bến đò, ông già có chòm râu điểm bạc ghé vào quán nước nghỉ chân. Đón bát nước vối của bà hàng nước, ông già khẽ nhấp một ngụm và chợt ngừng lại nhìn bát nước. Vị nước vối khác hẳn với những lần ông dừng chân ở bến đò Thiên Thai phía đông bắc của ngọn núi cùng tên này. Bát nước có vị chát và ngái của lá vối tươi mới bẻ đem nấu. Dường như đoán biết được cảm nhận của ông già, bà hàng nước phân trần:
- Cụ xơi tạm. Nhà cháu chưa kịp băm lá để ủ cho ngấu từ cái đận lễ thập đình quan trạng. Gớm hôm ấy hội đông quá, cả thúng vối nhà cháu chả còn lấy một cọng. À mà cháu hỏi khí không phải, hôm đó cụ có dự hội không?
Khẽ lắc đầu, ông già đáp lời:
- Bà thứ lỗi. Cho tôi được hỏi lễ thập đình quan trạng là thế nào? Vị quan trạng nào mà được thập đình làm lễ?
Bà hàng nước có vẻ ngỡ ngàng. Lễ hội thập đình làng mình to thế mà sao ông lão không biết. À mà chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, ông ấy không biết là phải. Nghĩ vậy, bà hàng nước ôn tồn:
- Thưa cụ, trang Đông Cứu nhà cháu thờ đức quan trạng Lê thái sư thời đức vua Lý Nhân Tông. Nhiều làng quanh vùng cũng thờ ngài làm thành hoàng làng nên từ lâu đã sinh lệ thập đình để cùng chung lễ rước, lễ tế.
Ông lão giật mình, thảng thốt:
- Bà nói sao. Làng ta thờ đức Lê thái sư kỵ húy Văn Thịnh, người mở đầu khoa cử nước Việt ta?
Bà lão gật đầu. Câu chuyện tạm ngừng khi có người khách muốn mua nải chuối. Ông lão với chiếc điếu cày rồi lục túi lấy thuốc lào ra vê một điếu. Hút xong, ngẫm ngợi một lát, ông lão mua thêm thẻ nhang rồi hỏi bà hàng nước:
- Đền quan trạng đi hướng nào cụ nhỉ?
- Cụ cứ xuôi đê đoạn nữa rồi rẽ trái. Đấy cái quãng thằng bé chăn bò kia kìa. Cứ đi thẳng đoạn nữa là đến. Đền ở mạn sườn đông nam núi Thiên Thai này ấy.
Khoác tay nải lên vai, ông già cầm cây gậy trúc đi theo hướng bà hàng nước chỉ. Hơn một khắc (mười lăm phút), ông già đã đến chân núi phía đông nam núi. Ngước mặt nhìn lên tam quan cổ kính rồi ông già tiếp tục bước lên. Vào trong tam quan, ông nhìn thấy bên phải là một ngôi chùa, trên mái treo đại tự “Thiên thư tự” (nghĩa là chùa sách trời). Còn bên trái là một ngôi đền nhỏ, trên có đại tự “Thái sư tự”. Ông già rẽ sang bên trái.
Cụ thủ từ đền thái sư tiếp đón nhiệt thành. Ông già lấy thẻ nhang rút ra năm nén, châm lửa từ ngọn đèn dầu trên bàn thờ rồi kính cẩn chắp tay vái ba vái. Ông già lầm rầm khấn điều chi ông thủ từ không được rõ. Cụ thủ từ thấy lạ là ông già khấn rất lâu, vẻ khấn rất nhập tâm, nếp nhăn trên mặt chau lại. Còn ngạc nhiên quá, năm nén hương không hiểu sao hóa cong xoắn lại như rồng cuộn trước linh vị “Lê thái sư đại vương”.
Sau khi tĩnh tại bên chõng tre ngoài sân,  thưởng bát nước vối, ông già hỏi cụ thủ từ:
- Dám hỏi cụ, ai là hậu duệ đức Lê thái sư ở làng ta?
Cụ thủ từ lặng nhìn ông già, nét mặt có vẻ căng thẳng, hỏi lại:
- Cụ có phải là người họ Lê?
Ông già ngạc nhiên và lắc đầu:
- Sao cụ hỏi vậy. Tôi họ Nguyễn.
Nét mặt cụ thủ từ chùng xuống, rồi giãi bày:
- Từ cái đận xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm, dòng họ Lê của quan thái sư tứ tán cả để tránh họa tru di. Giờ chúng tôi vẫn thắc thỏm chờ mong hậu duệ của ngài hồi hương bản quán nhưng cứ tuyệt mù tăm. Thế nên tôi cứ ngỡ ông là hậu duệ ngài...
Ông già trầm ngâm:
- Dám hỏi cụ, hàng năm vào kỳ lễ hội thập đình thì vị quan triều đình nào chủ tế?
Cụ thủ từ lắc đầu:
- Các cụ truyền khẩu lại là dân làng Bảo Tháp chúng tôi tự lập đền thờ đức quan trạng nên tự bầu ra ông đám tế. Dân làng tôi tâm niệm: quan trạng là người thương dân, lập công với nước, vì việc chung mà lâm vào vòng họa hại thì dân làng phải nhớ ơn, phải lập đền thờ để chiêu tuyết cho ngài, ông ạ.
Cụ thủ từ ngừng lời và đưa đĩa trầu cau mời ông già. Ông già cảm tạ và nhón tay lấy miếng trầu ở đĩa đưa vào miệng. Cả hai người đều im lặng nhai trầu. Một lát, ông già bùi ngùi:
- Trình cụ, tôi cũng nghĩ quan thái sư do bị kẻ ganh ghét hãm hại chứ không thể nào bậc đại nhân, đại trí, đại dũng dốc lòng cuồn cuộn như nước triều biển Đông lại có âm mưu thoán nghịch. Thậm phi lý cụ ạ. Lẽ nào vị đỉnh giáp khai khoa, vị tổ của khoa bảng đất Việt, thầy học của vua, quan thị lang bộ binh giành lại phần cương thổ phía Bắc của tổ quốc, vị thái sư đầu triều với bao cuộc cải cách lớn đem lại cơm no áo ấm cho người dân cả nước lại hành động bột phát như kẻ điên bất nhân thế được. Thật không thể tưởng tượng nổi sao kẻ ác lại có thể tàn độc như thế.
Nghe những lời cảm khái đầy tâm trạng của ông già, cụ thủ từ lấy làm kính nể. Cụ thủ từ liền mời ông già ở lại xơi bữa cơm trưa nhưng ông già với tay lấy cây gậy trúc, khoác tay nải rồi đứng dậy. Trước khi chia tay, cụ thủ từ hỏi:
- Dám hỏi quý tính của ông là gì? Người nơi đâu?
Ông già khiêm tốn trả lời. Chỉ vừa nghe xong, hốt nhiên, cụ thủ từ quỳ mọp xuống:
- Lạy quan lớn. Con có mắt như đui. Công lao trời biển của người dân chúng con luôn biết ơn và kính ngưỡng thờ phụng.
- Ấy chết. Xin cụ chớ làm vậy. Tôi đã hết quan hoàn dân. Tôi kém tuổi cụ nên người phải lạy là tôi chứ.
Cụ thủ từ đã đứng dậy nhưng vẫn chắp tay nghiêm cẩn:
- Con đâu dám. Cụ có hoàn dân thì công lao cụ với non sông mãi mãi còn đó ai đâu dám quên ơn.
***
Sau lần viếng thăm đền quan thái sư Lê Văn Thịnh này, mỗi dịp về kinh đô hay từ Thăng Long trở về Côn Sơn qua đường sông Thiên Đức, ông già lại ghé bến Thiên Thai viếng đền thái sư. Biết tin, các bậc tiên chỉ làng và người dân đều đến lạy chào. Bữa ấy, ông già đề đạt với dân làng:
- Trình các cụ, các ông các bà, tôi muốn cung tiến một pho tượng do tôi vẽ kiểu sau nhiều đêm ngẫm suy. Đó không phải pho tượng thờ ngài vì pho tượng đương thời đã được hô thần nhập tượng.
Người dân xúm lại xem bản phác thảo pho tượng do ông già vẽ trên giấy dó. Ai cũng kinh ngạc. Đó là một con rồng tự cắn vào thân mình và chỉ có một lỗ tai trái. Ngẫm nghĩ thâm ý của ông già, dân làng chấp thuận để ông già bỏ tiền thuê đưa đá từ xứ Thanh về cho thợ đẽo tạc. Trọn vẹn công việc trong ba tháng. Dù pho tượng được đặt bên tả trước tam quan nhưng dân làng vẫn làm lễ hô thần nhập tượng rất chu đáo, cẩn trọng. Buổi chiều trước khi làm lễ, ông già đứng trầm ngâm bên pho tượng rồng rất lâu rồi nói với người thợ đá:
- Anh giúp cho ta đục một lỗ bên tai trái ông rồng. Nhớ chỉ bên trái thôi.
Người thợ vâng lời.
Biết bao người đã bàn tán về ý nghĩa pho tượng rồng kỳ quặc. Tượng rồng mình rắn, vảy cá chép, liền khối, nặng chừng ba tấn, mắt trợn tròn, miệng đầy răng lởm chởm ngoạm lấy thân mình, hai chi trước bấu xé cơ thể. Người tinh ý thì thấy bên tai trái rồng có lỗ còn bên tai phải thì không. Người cho đó là thể hiện nỗi oan của quan trạng, người lại cho đó là sự đau đớn tiếc nuối của vua Lý Nhân Tông sau này khi hối hận. Vua vì chỉ biết nghe lời trái chứ không nghe lời phải nên đã nghe lời xiểm nịnh hãm hại đại công thần. Lúc hối thì đã muộn nên đau đớn tự cắn xé hành hạ thân mình... Thế nhưng, đem các thuyết ấy hỏi thì ông già chỉ mỉm cười...
***
Chưa đầy một năm sau khi pho tượng rồng đá được tạo tác thì xảy ra một sự kiện kinh thiên động địa đất nước. Sự kiện ấy xảy ra ngay tại Lệ Chi Viên, cùng vùng đất Gia Định với Đông Cứu. Bữa quân lính triều đình về áp giải trọng phạm qua bến đò Thiên Thai người dân đứng chật cả hai bên bờ sông Thiên Đức. Khi đoàn áp giải trọng phạm lên bến đò Thiên Thai tạm nghỉ thì bỗng đâu bà hàng nước cố lách người qua đám đông và xin quân lính cho được dâng người trọng phạm già một nắm cơm và bát nước vối. Trong khi mấy người lính dùng dằng thì một viên quan võ bước tới ngăn cản, xô bà hàng nước về phía sau làm đổ hết bát nước và nắm cơm văng xuống đất. Bà hàng nước nức nở trong dòng nức nở dâng trào của dân làng:
- Cụ Ức Trai ơi, oan cho cụ lắm cụ ơi. Sao ông giời lại không có mắt thế hả ông giời ơi. Oan. Oan. Oan...
***
Nguyễn Trãi – anh hùng giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm giặc Minh phương Bắc, danh nhân văn hóa thế giới, vị đại công thần khai quốc nhà Lê lẽ nào lại chịu thảm cảnh đau thương tang tóc tru di tam tộc đến thế. Cụ Ức Trai đâu có ngờ tình cảnh trớ trêu xảy ra với bậc tiền nhân trước mình hơn ba trăm năm lại có thể ứng vận vào mình. Khi vua Lý Nhân Tông hối hận thì thái sư Lê Văn Thịnh đã mất. Và hai mươi hai năm sau vụ án Lệ Chi Viên, vua Lê Thánh Tông, người chịu ơn Nguyễn Trãi và bà lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ lên ngôi đã minh oan cho Ức Trai và ví ông như ngôi sao Khuê trên bầu trời. Nhưng hối nào có ích chi khi tam tộc Nguyễn Trãi đã bị tru di.
Sau vụ án, Lệ Chi Viên, nơi xảy ra cái chết của vua Lê Thái Tông bị triệt hạ. Pho tượng rồng do Ức Trai cung tiến ở đền quan thái sư cũng phải phá bỏ. Đêm ấy, trời không trăng, một số người dân Đông Cứu bàn nhau đào hố và chôn pho tượng rồng xuống rồi trồng cây lên sau đó dâng biểu tâu đã tự phá hủy rồi. Vì bí mật, lại không hiểu duyên cớ gì mà pho tượng không được khai quật lên sau mấy trăm năm. Cho đến một ngày năm 1991, vô tình dọn dẹp cổng đền, người dân Đông Cứu lại phát hiện ra ông rồng và đưa lên thờ ở bên trái đền như vị trí hiện tại.
Lệ Chi Viên và bến đò Thiên Thai nơi có đền thái sư Lê Văn Thịnh liền một dải đê trên sông Thiên Đức chỉ vài ba cây số nối kinh thành Thăng Long với Lục Đầu Giang nên có người gọi đây là khúc sông oan. Sau này không rõ vào năm nào, người ta đắp một con đê ngăn nước Thiên Đức để chống lũ cho hai xã Song Giang và Giang Sơn nên gọi là đê cộc. Khúc sông xưa chỉ còn một quãng ngắn gọi là sông Địa vì nằm trên địa bàn làng Địa. Bến đò Thiên Thai nơi trời đất khiến xui nên sự gặp gỡ giữa hai đại công thần của hai triều đại rực rỡ chịu bao oan khuất vì đều bị khép vào tội giết vua nay không còn. Dấu tích còn lại nơi bến đò xưa là chùa Bến. 
Đền thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi Viên và đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh ở Đông Cứu nay đã được trùng tu khang trang. Ai cũng biết hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng trọng dụng, khoản đãi bậc hiền tài không dễ. Lịch sử ăm ắp những bài học. Ngẫm ngợi về pho tượng rồng, một thầy giáo ở quê hương Gia Bình cảm tác:
        Trợn mắt nghiến răng nghĩ cực thay
        Ngoạm thân đau đớn nỗi oan này
        Việc đời thiên tử nghe tai trái

        Biết hối, Người đâu để giãi bày.

_____________
*) Vị trí hai địa địa danh Đông Cứu và Lệ chi viên chỉ cách nhau theo đường chim bay ~5km (trên bản đồ vệ tinh ở đây)

No comments:

Post a Comment