Trang

Thursday, July 25, 2013

Báo Lao động và "Quyết giữ cờ tổ quốc"

Sáng nay 25/7 báo Lao động có bài viết cảm động về câu chuyện hải giám Tàu cướp phá tàu ngư dân, chặt vứt cờ Việt Nam xảy ra cách đây vài tuần. Câu chuyện này Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phản đối và yêu cầu phía "bạn" phải bổi thường. Vậy thì đâu có gì nhạy cảm. Vậy mà đến trưa nay bài báo đã bị rút: http://laodong.com.vn/Phong-su/Quyet-giu-co-to-quoc/129229.bld

May có 1 trang mạng còn lưu lại được, ở đây:
http://moitruongvasuckhoe.vn/tin-tuc/quyet-giu-co-to-quoc-706.html

Quyết giữ cờ tổ quốc!

Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng thuyền trưởng Võ Minh Vương - chủ tàu QNg 96787 vẫn chưa nguôi niềm phẫn nộ về việc bị tàu Trung Quốc bắt giữ, cướp bóc, chặt cờ tổ quốc trên tàu ném xuống biển. Dù bị hăm doạ, đánh đập đến ngất lịm... nhưng thuyền trưởng vẫn nhảy xuống biển vớt và bảo vệ cờ Tổ quốc.
Dù bọn cướp có đem cường bạo để chặt gãy cột cờ, song vẫn không thể nào bẻ gãy được tình yêu nước cùng những cột cờ tổ quốc trong tâm trí mỗi ngư dân vươn khơi bám biển Hoàng Sa.

Liều chết giữ cờ

Tôi đã gặp những ngư dân rất đỗi bình thường của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trên con tàu QNg 96787. Họ chí thú làm ăn, vươn khơi, bám vùng biển Hoàng Sa thân yêu của tổ quốc. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Minh Vương năm nay mới 35 tuổi, nhưng đã có thâm niên gần 20 năm đánh bắt ở Hoàng Sa. Dù đã qua nhiều ngày, anh vẫn chưa nguôi niềm phẫn nộ về việc Trung Quốc bắt giữ, cướp bóc tài sản và chặt cột cờ tổ quốc trên tàu anh ngày 7.7 mới đây.

Anh kể: “Tàu tôi có 14 người, toàn ngư dân An Vĩnh, Lý Sơn nhiều năm cùng nhau ra khơi đánh bắt. Lâu nay, tàu Trung Quốc vẫn tìm đủ mọi cách cản trở, đuổi bắt chúng tôi, nhưng họ vẫn không thể cản trở chúng tôi ra vùng biển truyền thống của cha ông để hành nghề. Hôm đó, chúng tôi từ biển Hoàng Sa đang chạy về phía đất liền Việt Nam, bất ngờ bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu 306 đuổi theo. Họ thả ca nô cập mạn tàu chúng tôi, trên ca nô có 5 người, mặc trang phục màu xanh, được trang bị dùi cui điện, nhảy lên tàu khống chế tôi, bắt tôi dừng tàu. Sau đó họ lấy dùi cui điện châm vào người, bắt toàn bộ ngư dân trên tàu tôi phải dồn ra mũi tàu. Họ đối xử rất vô nhân đạo khi bắt chúng tôi phải quỳ xuống, cúi đầu, giơ tay lên gáy, hễ ai có hơi ngẩng  đầu lên một cái là họ lập tức đánh đập, chích roi điện vào người”.

Tàu cá của ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Xuân Trường

Ông Võ Bê - cha của anh Vương - phẫn uất: “Tôi đã 61 tuổi đầu, hơn hai phần ba đời người bám biển Hoàng Sa, chưa bao giờ thấy ai đối xử bất nhân như vậy. Họ lôi thằng Vương ra riêng, cho rằng nó đã 7 lần bị bắt mà còn ngoan cố đưa tàu ra Hoàng Sa, rồi họ đánh Vương bất tỉnh tại chỗ. Sau đó họ thẳng tay đập phá, cướp bóc tài sản, cá mực trên tàu”. 

Anh Vương tức tối: “Họ còn ngang ngược, bất chấp quy ước quốc tế, đã dùng dao chặt gãy cột cờ tổ quốc trên tàu tôi, ném xuống biển. Tôi thấy họ xúc phạm đến lòng tự tôn dân tộc của mình quá, nên bất chấp tất cả, nhảy xuống biển vớt cột, cờ đưa lên tàu, thì bị 3 người họ xúm lại dùng dùi cui điện đánh bất tỉnh, sau đó họ ném lại cột, cờ xuống biển. Họ đối xử vô nhân tính với ngư dân chúng tôi và có hành vi vô đạo với lá cờ tổ quốc của nước khác như vậy, thật chẳng khác nào kẻ cướp”.  

Cùng gặp nạn với tàu anh Vương là tàu QNg90153 của ngư dân trẻ Mai Khắc Cường, năm nay mới tròn 30 tuổi, cũng ở xã An Hải, Lý Sơn. Ngày 7.7, tàu QNg 90153 do Cường làm thuyền trưởng, trên tàu có 14 ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, thì bị tàu 306 của Trung Quốc thả ca nô đuổi bắt. 

Ngư dân Mai Văn Lê - máy trưởng tàu QNg90153 - bần thần nhớ lại: “Tôi thấy họ từ cách 2 hải lý, nếu để họ bắt được thì đồng nghĩa với bị đối xử rất thậm tệ, bị mất hết tài sản, nên tôi lập tức kéo hết ga chạy về hướng đất liền. Nhưng rủi thay chạy ga lớn, máy chịu không nổi, nên tàu bị chết máy, vẫn bị họ đuổi đến. Những người trên ca nô mặc trang phục rằn ri xanh trắng, có quân hàm quân hiệu, dùng dùi cui điện khống chế chúng tôi, bắt quỳ giơ tay lên đầu cúi xuống, cụ cựa là họ đánh. Họ đối xử rất tàn bạo với những ngư dân chúng tôi trong tay không tấc sắt, trấn áp chúng tôi bằng sức mạnh bạo quyền, có chết chúng tôi cũng không chịu khuất phục. Rồi họ leo lên nóc cabin chặt cột cờ tổ quốc. Tôi nhìn thấy rõ ràng, họ dùng con dao màu đen, chặt vào cột cờ. Thế là tôi chẳng còn sợ gì nữa, tôi vừa khoát tay vừa muốn giật lại lá cờ tổ quốc. Bọn họ xúm lại, mấy tên dùng dùi cui điện đánh tôi ngã xuống boong tàu”. 

Thuyền trưởng Mai Khắc Cường, nét mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió Hoàng Sa, uất hận nhớ lại: “Khi bọn họ bắt tàu tôi về đảo Cây (Hoàng Sa) thì đã thấy tàu anh Vương bị cướp phá tả tơi nằm đó. Sau khi đập phá tàu, thu giữ tài sản, ngư lưới cụ, cá mực, họ lên nóc cabin chặt cột cờ tổ quốc, khi anh Lê ngăn lại thì họ đánh hội đồng làm anh ấy chết đi sống lại mấy lần vẫn không tha. Thật chẳng phải con người. Rồi bọn họ lấy hết cả xăng dầu trên tàu tôi, tàu anh Vương, chỉ để lại đúng số dầu đủ để tàu anh Vương kéo tàu tôi về đến Lý Sơn”.

Không hề nhụt chí 

Anh Cường nói: “Bọn họ nghĩ làm vậy có thể khiến ngư dân chúng tôi nhụt chí. Nhưng họ lầm. Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Lý Sơn. Bao lớp cha ông đã đổ mồ hôi và cả máu để tìm thấy quần đảo này, để mở ngư trường, thì làm sao chúng tôi bỏ được. Hơn nữa, với sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con cả nước, tiếp thêm nguồn sức mạnh lớn để chúng tôi vững tay lưới vươn khơi bám biển Hoàng Sa. Mỗi khi chúng tôi ra khơi, trước sự áp bức của bọn cướp biển, chúng tôi luôn mang trên mình sự ủng hộ của đất liền, niềm tin tưởng vào chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc”. Với món tiền hỗ trợ hơn 65 triệu đồng từ nguồn Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động - Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Cường đang gấp rút sửa chữa tàu cá, mua sắm lại ngư lưới cụ để kịp trở lại với Hoàng Sa trong mùa cá chính.

 Còn anh Vương - người đã nhiều lần bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản - vẫn bày tỏ sự bất khuất, không sợ hãi trước cường quyền của những kẻ cướp trên biển Hoàng Sa. Anh Vương nói như đinh đóng cột: “Tôi đã hạ quyết tâm suốt đời bám biển Hoàng Sa, hễ còn hơi thở thì tôi quyết còn hít thở không khí của vùng biển thân yêu này. Dù bọn họ có thể chặt gãy cột cờ tổ quốc trên tàu chúng tôi hết lần này đến lần khác, nhưng sẽ không thể bẻ gãy được cột cờ tổ quốc và cột mốc chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Hoàng Sa đã khắc sâu trong tâm khảm ngư dân chúng tôi”. 
Lá cờ tổ quốc được ngư dân Bùi Văn Phải và Phạm Quang Thạnh (bên trái) liều chết bảo vệ được trao lại cho T.Ư Đoàn TNCS HCM đưa về bảo tàng. Ảnh: T.T.Thư

Hôm nhận món tiền 100 triệu đồng của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động - Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” từ tay Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, anh Cường rưng rưng nói: “Ngư dân chúng tôi cảm tạ trước tấm lòng  “tương thân tương ái” của tổ chức Công đoàn, CNVCLĐ và cộng đồng, vì đã luôn ủng hộ chúng tôi vươn khơi bám biển, kịp thời chia sẻ khó khăn khi chúng tôi hoạn nạn. Chúng tôi nhanh chóng sửa chữa tàu, mua sắm ngư lưới cụ từ nguồn hỗ trợ, để tiếp tục vươn khơi bám biển trong thời gian sớm nhất”.

Nối tiếp truyền thống của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, những lớp lớp ngư dân Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa, không khuất phục trước sự đe dọa và hành vi bạo tàn của cướp biển. Ngư dân Bùi Văn Phải - chủ tàu, và ngư dân Phạm Quang Thạnh - thuyền trưởng của QNg 96382 của An Hải-Lý Sơn bị Trung Quốc bắn cháy ngày 20.3.2013 trên biển Hoàng Sa, cũng đã lại trở về với Hoàng Sa đánh bắt hải sản dài ngày trên con tàu được sửa chữa từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”. 

Anh Phải nhớ như in hành vi vô nhân đạo của phía Trung Quốc: “Khi tàu Trung Quốc hùng hổ áp sát tàu cá, chúng tôi ở mũi tàu đã giơ tay lên để chứng tỏ mình không có hành động chống đối hay phản ứng thái quá. Nhưng chẳng hiểu sao, họ lại bất ngờ nổ súng liên tiếp, chẳng rõ là họ nhằm vào tàu hay vào chúng tôi nữa, chỉ biết rằng ngay sau đó thì tàu bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa bùng lên, bao trùm cabin tàu, nếu nhỡ nổ mấy bình ga ở đó hoặc lan xuống hầm dầu làm nổ tàu, thì chắc chúng tôi đã tiêu đời rồi. Thấy lửa cháy bén lên cột cờ, tôi và anh Thạnh cùng xông lên, mặc lửa táp vào người, quyết gỡ cho được lá cờ tổ quốc mang xuống. Khi đó chúng tôi chỉ kịp nghĩ, cờ tổ quốc thiêng liêng tượng trưng cho chủ quyền của tổ quốc, nên chúng tôi bất chấp tính mạng phải giữ không cho cờ bị cháy”.

Hành động này của anh Phải, anh Thạnh được T.Ư Đoàn TNCS HCM trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, và lá cờ tổ quốc được anh Phải và Thạnh bảo vệ ở Hoàng Sa được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tuổi trẻ để giáo dục tinh thần yêu nước đến đông đảo thanh niên cả nước.
Theo laodong

No comments:

Post a Comment