Trang

Tuesday, July 23, 2013

Trần Ngân: "rõ ràng người dân có quyền nghi ngờ khả năng của bộ trưởng Luận và ekip của ông này"


Đọc thêm Dương Xuân, vietnamnet 25/7/13: "Có người bảo ngành giáo dục rất "dại", chỉ giỏi tạo cớ cho giới truyền thông "chọc ngoáy", hết Đồi Ngô rồi lại đến chuyện "cộng điểm" cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng có những chuyện của "tảng băng giáo dục" to tát hơn nhiều, mà lâu nay vẫn chưa bao giờ lộ diện."

Trần Ngân, Viet-studies.info 23/7/13, http://www.viet-studies.info/TranNgan_MoiBoTruongLuanDiTracNghiem.htm 

Trong thời gian gần đây, có rất nhiều chính sách của các bộ, ngành đã bị dư luận xã hội phản ứng (hay dùng từ dân dã hơn là “ném đá”) dữ dội vì sự ngớ ngẩn hoặc không khả thi của chúng dù hầu hết những chính sách đó mới chỉ ở dạng dự thảo. Tuy nhiên, có một Bộ bị phản ứng nhiều nhất lại đã thực sự ban hành những chính sách dạng này, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới thời bộ trưởng mới là ông Phạm Vũ Luận. Ở đây, chúng ta thử điểm qua một vài quyết định kỳ quái của bộ này.

1.     Qui định về cấm dạy thêm
Trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về Ban hành qui định về dạy thêm, học thêm. Trong đó có những ý chính như:
-        Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
-        Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Qui định này ngay từ khi ra đời đã gây rất nhiều phản ứng từ cả phía giáo viên và phụ huynh học sinh vì những qui định cứng nhắc, không có tác dụng thực tế trong việc hạn chế tình trạng học thêm. Nó chỉ có tác dụng duy nhất là là làm tăng chi phí của người học và làm giảm thu nhập của người dạy thêm vì bây giờ học sinh phải học thêm ngoài nhà trường qua một tổ chức trung gian thay vì do giáo viên tự tổ chức.
“Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM“Đừng biến GV thành “lính đánh thuê”: Với bậc tiểu học, phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm phần lớn đều mong muốn trẻ được học với GV trực tiếp giảng dạy vì GV mới nắm rõ học sinh (HS) yếu ở phần nào để bổ sung, nâng cao phần đó. Vậy sao không để các cô được đàng hoàng dạy HS của mình, cấm rất vô lý. Thông tư nói rằng giáo viên (GV) có thể dạy thêm bên ngoài nhà trường và không được dạy đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khác nào chúng ta đẩy họ ra các trung tâm, biến GV thành “lính đánh thuê”. Họ bị cắt giảm nguồn thu, thay vì được 300 nghìn, chỉ được 200 nghìn đồng.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM: “Bộ đang quản lý theo kiểu múc nước bằng rổ”: Nguyên nhân dạy thêm - học thêm (DTHT) nở rộ có rất nhiều nhưng đầu tiên và cơ bản nhất là chương trình học hiện nay rất nặng, các trường phổ thông không tăng tiết không thể xong chương trình nên cả thầy và trò cùng gồng lên để chạy… Có thể thấy thông tư 17 muốn múc nước ra khỏi cái hố tiêu cực từ DTHT nhưng đang múc nước bằng rổ.”
Trong thực tế, việc thực thi qui định này ở các địa phương đã dẫn tới việc mà báo chí gọi là “Bắt dạy thêm như bắt trộm”: “Cô T., giáo viên dạy văn Trường PM (Hà Nội), kể: “Tôi đang dạy cho một nhóm học sinh lớp 9 thì đoàn kiểm tra đến. Ngoài đại diện nhà trường, phòng GD-ĐT, còn có đại diện chính quyền, công an… Xem xét trên cơ sở quy định, tôi có lỗi. Nhưng cách “ập đến, bắt quả tang giáo viên tại chỗ, lập biên bản, đề nghị ký xác nhận” khiến giáo viên tủi hổ vô cùng” (Báo Tuổi trẻ, 2/11/2012)
2.     Cho mang máy quay phim, chụp hình vào phòng thi để chống tiêu cực
Rút kinh nghiệm từ vụ Đồi Ngô, để chống tiêu cực trong thi cử, ngày 26/2/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT cho phép thí sinh mang máy ghi âm, thu hình vào phòng thi để chống tiêu cực. Qui định này ngay từ khi ra đời cũng gây ra rất nhiều tranh cãi vì trên nguyên tắc, việc chống tiêu cực là việc của cơ quan nhà nước, giờ lại đẩy sang phía thí sinh là việc hết sức buồn cười, trên thế giới chưa từng có. Chưa kể nó gây nhiều khó khăn cho giám thị vì họ rất khó xác định thiết bị ghi âm, ghi hình nào được cho phép, cái nào không.
3.     Cấm phát tán thông tin tiêu cực
Cũng trong Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT kể trên có qui định: “…người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào”.
Qui định này quá ngớ ngẩn vì nó vi phạm những quyền tự do cơ bản của con người. Sau đó, chính ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng phải thừa nhận: "Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục đã chỉ đạo rà soát lại và trên tinh thần trái như vậy thì phải sửa theo đúng quy định pháp luật". (Báo Tiền phong, 28/2/2013)
4.     Yêu cầu chủ tịch tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong việc đưa tin về tiêu cực trong thi cử
Đầu năm 2013, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 2998/2013 về chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Văn bản trên yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).
Qui định này mới đưa ra đã khiến dư luận, đặc biệt là giới báo chí phản ứng rất mạnh vì nó trái ngược hoàn toàn với các luật đã được ban hành như Luật Báo chí. TS Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khẳng định chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là không phù hợp, trái với Luật Báo chí. “Luật quy định các cơ quan báo chí có quyền phản ánh, đưa tin mà không phải chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ cơ quan nào nhưng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin đó. Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT khác nào “bó chân” hoạt động của báo chí” - TS Khiển nói. (Người Lao động, 20/5/2013)
5.     Quy định về đào tạo liên thông
Sau khi báo chí nêu hiện tượng đào tạo liên thông dễ dãi nên nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng có thể dễ dàng có bằng đại học, ngày 25/12/2012, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 55/2012/TT-BGDĐT  về Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học, trong đó qui định: “Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm”.
Quy định này có nhiều điểm hết sức vô lý và vô cảm vì một số lý do như:
-        Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo hệ liên thông, điều này mọi người đều đồng tình nhưng Bộ GD&ĐT lại dùng tư duy cũ kỹ là siết đầu vào trong khi đáng lẽ là phải cải thiện quá trình đào tạo của các trường. Việc siết đầu vào bằng cách bắt các cử nhân đã tốt nghiệp cao đẳng thi lại các môn học phổ thông như Toán, Lý, Hóa… cũng là hết sức dớ dẩn vì các môn như Lý, Hóa… hầu như không có ứng dụng thực tế gì trong quá trình đào tạo đại học, đặc biệt là khối ngành kinh tế, xã hội. Có đạt điểm cao ở các môn này không hề giúp học tốt trong quá trình học ở bậc đại học. Các cử nhân cao đẳng đã thôi học các môn này 3 năm, giờ phải đi luyện thi lại rất tốn thời gian, tiền bạc của họ và lãng phí nguồn lực của xã hội khi bắt hàng trăm ngàn người phải đi học lại những kiến thức vô dụng cho cuộc sống và công việc của họ sau này.
-        Thông tư có hiệu lực thi hành vào tháng 2/2013 đã làm hàng trăm ngàn sinh viên cao đẳng đang học và sắp tốt nghiệp hết sức bất ngờ và sốc vì ảnh hưởng tới tương lai và dự tính của họ. Gia đình họ đã đầu tư cho họ đi học cả 2, 3 năm và kỳ vọng sau đó học thêm khoảng 2 năm là sẽ có bằng đại học. Giờ họ phải luyện thi lại hoặc phải đợi 3 năm, ảnh hưởng rất nhiều cuộc sống của họ sau này. Xã hội vẫn chuộng bằng đại học, giờ với tấm bằng cử nhân cao đẳng họ gần như không thể xin được công việc đúng chuyên ngành. Thi Toán, Lý, Hóa thì phải đi luyện thi lại, nếu không phải đợi thêm 3 năm, ảnh hưởng tới tương lai của không biết bao nhiêu người nhưng lãnh đạo Bộ chả thèm quan tâm.
6.     Cộng 2 điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học
Tháng 6/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, sẽ bổ sung đối tượng 03 (được cộng 2 điểm) đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Thông tư này bị hầu hết mọi người chê cười vì sự dớ dẩn của nó vì thường các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc những người hoạt động tiền cách mạng đều là những người đã gần đất xa trời thì đi thi đại học làm cái gì nữa. Khi bị dư luận phản ứng quá thì ông GS.TS Bùi Văn Ga, thứ trưởng vẫn cố gắng bào chữa rằng “chính sách này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù đối tượng bổ sung có thể rất ít.” (Vnexpress, 11/7/2013)
Nhưng chỉ vài ngày sau thì chính ông Ga phải ký thông tư  mới trong đó bãi bỏ chính sách “thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn” này của ông. Tuy nhiên, việc bỏ qui định này không phải là vì lãnh đạo Bộ thấy được sự ngớ ngẩn của nó mà là do sức ép từ công luận mà thôi như chính một cán bộ của Bộ này nói:
“một cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc rất kỹ trong sáng nay, và là một “nỗi đau của ngành Giáo dục”. Ông cho biết, đúng là Thông tư 24 không hề vi phạm pháp luật và cũng không thể biết được, sau này sẽ không có các bà mẹ trẻ được phong Anh hùng, vẫn muốn học Đại học. Nhưng trước sức ép của cấp trên, của một số tờ báo và trang thông tin điện tử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bãi bỏ Quyết định này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn các phóng viên viết về Giáo dục bình tĩnh, cân nhắc khi đưa tin, tránh làm lớn vấn đề không cần thiết.” (Vietq.vn, 16/7/2013)
7.     Hạn chế tỷ lệ thi đậu tốt nghiệp
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 được tổ chức sáng 20-7, Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ÐT TP.HCM, bày tỏ thắc mắc: “Ðề nghị hội đồng thi đua của bộ lý giải vì sao cắt cờ thi đua của ngành giáo dục TP.HCM - đơn vị duy nhất đạt 14/14 chỉ tiêu thi đua. Có phải vì lý do tỉ lệ tốt nghiệp của TP.HCM cao hơn năm trước 0,76%?”.
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận cho biết: “…Ban cán sự Ðảng, lãnh đạo bộ và 63 giám đốc sở đã có cuộc họp tuyệt mật và đi đến quyết tâm chiến lược là phải trung thực với dân, với Ðảng. Hội nghị đã thống nhất quyết tâm tỉ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó”. (Tuổi trẻ, 22/7/2013)
Đọc lời lý giải của bộ trưởng Luận với những từ đao to búa lớn như: “tuyệt mật”, “quyết tâm chiến lược”, “trung thực với dân, với Đảng”…, tác giả càng quá sức hồ nghi về năng lực trí tuệ tối thiểu của vị “tư lệnh ngành” này. Chỉ xin ghi lại ở đây ý kiến trong 2 bài báo mới đăng.
Trên báo Tuổi trẻ, 22/7/2013), tác giả Trần Hữu Tá đã phải cảm thán:
“Cứ đà này, tôi ngờ không lâu nữa, qua báo chí bà con ta sẽ được đọc những tin đại loại như: ngành thể thao hạ quyết tâm chiến lược là “kỷ lục của các vận động viên hàng đầu năm sau không được cao hơn năm trước”, với ngành nông nghiệp thì “năng suất, sản lượng vụ sau không được hơn vụ trước...”. Và ở quy mô nhà nước, “GDP năm nay dứt khoát không được vượt trội so với năm qua”. Chỉ cần có năng lực tư duy tối thiểu, ai cũng thấy những giả định vừa nêu trên là không thể chấp nhận được, đơn giản vì đó là một thứ logic rất phi logic.”
Còn tác giả Mi An trên Báo Đất Việt ngày 23/7/2013 viết: Báo Đất Việt, 23/7/2013 viết:
“Đọc những thông tin tường thuật về phiên tổng kết năm học của ngành giáo dục trên các báo, tôi thực sự choáng váng đến nỗi không dám tin vào mắt mình. Tại sao một chuyện phản giáo dục như vậy lại diễn ra ngay trong chính môi trường giáo dục?
Có nền giáo dục của nước nào được (hay bị) chỉ đạo một cách trớ trêu như nền giáo dục nước ta không? Tôi tự hỏi, bao nhiêu học sinh đã bị trượt oan, đã bị các thầy cô của họ đánh cho kỳ trượt để đảm bảo số lượng học sinh đỗ không “vượt trần” do Bộ quy định? Bao nhiêu cuộc đời có thể đã có một hướng rẽ khác, nếu như các thầy cô tôn trọng kết quả thật của bài thi các em?
Vậy là đã rõ, tất cả chỉ là trò diễn mà thôi, và học sinh vừa là diễn viên chính, diễn viên phụ kiêm luôn cascadeur đóng thế và những em bị trượt oan là “vật hy sinh” giúp cho những vị lãnh đạo ngành giáo dục muốn xã hội nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp “ảo” đó để thừa nhận họ đã có một nhiệm kỳ “thành công, hiệu quả”. Cứ nhìn vào cái cách người ta điều hành ngành giáo dục thế này, đừng hỏi tại sao mỗi năm lại càng thấy xã hội một tồi tệ đi. Học sinh học vì điểm giả, giáo viên dạy vì thành tích giả, Sở chỉ đạo tỷ lệ đỗ hay trượt, Bộ lấy yếu tố thành tích làm đầu, những nhân cách bị bóp méo, tri thức và học vấn bị đánh tráo bằng những trò mèo.
Mà tốt nhất là hàng năm, thay vì tổ chức cho trò đi thi, nên tổ chức những đợt sát hạch lương tâm của những đấng bậc làm thầy, lúc ấy chắc là có khối chuyện hay ho để nói.”
Như vậy là chỉ từ giữa năm 2012 tới nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành hành loạt qui định và chính sách hết sức kỳ quặc, có chất lượng kém thậm chí là dưới mức trí tuệ trung bình của xã hội nên gần như mọi người có thể lấy nó ra để đàm tiếu. 
Có thể rút ra một số điểm chung trong tư duy điều hành của lãnh đạo Bộ GD&ĐT hiện nay:
-        Giữ nguyên tư duy quản lý cổ hủ từ thời bao cấp: Không quản được thì cấm (cấm dạy thêm, dùng biện pháp hành chính để siết đầu vào hệ liên thông…). Đây là loại tư duy quản lý bậc thấp vì nó mang tính cai trị, đơn giản, dễ làm, dễ phủi trách nhiệm nhưng lại hết sức không phù hợp với một bộ quản lý ngành thuộc về tri thức và cũng có nhiều lãnh đạo là GS, TS như Bộ GD&ĐT.
-        Sử dụng những công cụ quản lý cũ, thể hiện tư duy xơ cứng, bảo thủ như bắt cử nhân cao đẳng thi đầu vào hệ liên thông bằng các môn học phổ thông như Toán, Lý, Hóa… mặc dù những môn này không đánh giá được năng lực thực sự của người học ở bậc đại học.
-        Thích đưa ra những ý tưởng kỳ quặc, đúng hơn là kỳ quái: cùng với việc sử dụng những tư duy và cách làm cũ ở trên thì khi đưa ra những biện pháp mới, lãnh đạo bộ lại hay có những ý tưởng kỳ quái nhiều khi đi ngược lại hoàn toàn cách nghĩ thông thường của xã hội hay đúng hơn là cách nghĩ của những người có năng lực trí tuệ ở mức bình thường (cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đặt trước chỉ tiêu tốt nghiệp không được cao hơn năm trước…).:
Khổ một nỗi là những chính sách này không phải được lãnh đạo Bộ ban hành tùy hứng mà đều đã được bàn thảo rất kỹ lưỡng như thừa nhận của lãnh đạo Bộ, thậm chí còn kỹ tới mức “tuyệt mật” và đưa lên hàng “quyết tâm chiến lược”. Đã được bàn thảo kỹ lưỡng thế mà vẫn còn đưa được ra những chính sách có chất lượng kém đến thế thì rõ ràng người dân có quyền nghi ngờ khả năng của bộ trưởng Luận và ekip của ông này như thứ trưởng Ga hay thứ trưởng Hiển và một số lãnh đạo cấp vụ. Chính vì vậy tác giả cho rằng nên mời bộ trưởng Luận và các lãnh đạo của bộ đi kiểm tra lại năng lực trí tuệ xem họ có đạt được ở mức tối thiểu hay không. Nếu không đạt được mà họ vẫn tiếp tục lèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam thì sẽ gây hại rất lớn đến tương lai của thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 23-7-13

No comments:

Post a Comment