Trang

Monday, July 8, 2013

Hoan hô báo điện tử của bộ 4T ca ngợi Miến điện đổi mới và vạch mặt thủ đoạn bành trướng Bắc Kinh


Đọc infonet.vn 7/7/2013:
Myanmar ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc để kết thân phương Tây (Lê Trí)
Mượn cớ đánh cá, Trung Quốc lập mưu ‘gặm cho bằng hết’ Biển Đông (Lương Minh)


Myanmar ‘nghỉ chơi’ với Trung Quốc để kết thân phương Tây?

Chủ nhật 07/07/2013 07:00
Khi chính phủ bán dân sự của Tổng thống Myanmar Thein Sein lên nắm quyền, nhiều người đã thốt lên: Bình mới, rượu cũ. Điều đó chắc chắn không đúng với những chính sách đối ngoại, điển hình là chiến lược “thoát khỏi cái bóng Trung Quốc” mà Myanmar đang thực hiện.
Tổng thống Myanmar Thein Sein thăm Bắc Kinh hồi cuối năm 2012.
Rượu đã bắt đầu “mới”
Theo đánh giá của giới chuyên gia quốc tế, quá trình dân chủ hóa ở Myanmar dù có những tiến triển nhưng chưa thực sự được “như ý muốn”. Những vùng đất đai bị quân đội chiếm đoạt trái phép từ chính phủ trước vẫn chưa được trả lại cho dân nghèo, đời sống nhân dân vẫn giống như 3 năm trước đây: dưới mức nghèo khổ. Bà Aung San Suu Kyi – biểu tượng nổi bật nhất của sự thay đổi dân chủ ở Myanmar mới đây đã tuyên bố rằng "không có những thay đổi hữu hình" trong cuộc sống của người dân thường ở Myanmar. Điều này đặc biệt đúng với người dân nông thôn.
Nhưng nó lại không đúng với câu “bình mới rượu cũ”, đặc biệt là trong mối quan hệ của Myanmar với Trung Quốc. Ông Thein Sein thường nói rằng mục tiêu của chính sách đối ngoại Myanmar là “chung sống một cách hòa bình với phần còn lại của thế giới”. Giới chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố có phần mơ hồ này thực ra chỉ là cái để che giấu chính sách đối ngoại "Hướng Tây" mà Myanmar đang thực hiện. Nó có nhiều điểm tương đồng với chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ và Mỹ "Trục châu Á" của Mỹ.
Tạp chí “Chính sách đối ngoại” bình luận, "Hướng Tây" là một chính sách được thiết kế không chỉ để xây dựng lại mối quan hệ vững với phương Tây với chủ ý của Myanmar để cân bằng ảnh hưởng rất “đậm đặc” của Trung Quốc – một thứ di sản khó chịu mà chính quyền cũ để lại. “Hướng Tây” còn bao hàm cả ý nghĩa “tìm cách phát triển và duy trì mối quan hệ tốt hơn với các nước châu Á, đặc biệt là các thành viên ASEAN - những quốc gia bấy lây nay đã có mối quan hệ khá tốt với phương Tây”.
Chính sách “Hướng Tây” của ông Thein Sein được phản ánh trong kế hoạch tổ chức chuyến công du châu Âu lần thứ 2 trong vòng 5 tháng vào giữa tháng Bảy này. Đây sẽ là chính sách đối ngoại của Naypyidaw và nó có thể sẽ không thay đổi ít nhất là cho đến khi ông Thein Sein kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2015.
Những khuôn mặt lo âu và hồi hộp đứng chờ đón Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Myanmar.
“Cự tuyệt” Trung Quốc
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là chính sách đối ngoại của Naypyidaw đã thành công đến đâu và Myanmar cần phải làm gì để đảm bảo nó thành công? Quan trọng nhất, ai sẽ là người được hưởng lợi từ sự thành công của nó?
Nhiều nhà quan sát quốc tế đến nay vẫn tin rằng Myanmar là một trong những "người bạn trung thành của Trung Quốc". Nhưng điều đó không còn đúng nữa.
Đầu tiên, chỉ một vài tháng sau khi ông Thein Sein lên nắm quyền, ông đã ra lệnh đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone, một thỏa thuận trị giá hơn 3,6 tỷ USD mà Trung Quốc đã ký với chính quyền quân sự trước đây. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua, ông Thein Sein đã kiên quyết đưa đề tài con đập gây tranh cãi này vào các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh đã bóng gió đưa ra những đề nghị hấp dẫn như bồi thường hoặc “rót thêm viện trợ” để thuyết phục Myanmar nối lại dự án Myitsone, nhưng Thein Sein vẫn kiên quyết nói không.
Thứ hai, ông Thein Sein đang tìm cách xây dựng lòng tin với Mỹ và đồng minh thân cận nhất của mình ở châu Á là Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ dựa vào hai đối thủ cạnh tranh khó chịu nhất của Trung Quốc để tạo cân bằng cho Myanmar sau hơn 2 thập kỷ bị ảnh hưởng và chi phối bởi Bắc Kinh. Sự hợp tác với Mỹ và Nhật Bản sẽ không chỉ khiến Trung Quốc tổn thương về kinh tế mà còn về mặt quân sự.
Trung Quốc đã sớm nhận ra nguy cơ của mình và họ cũng “phản ứng” nhanh không kém. Đi “cửa trước” không được thì họ vòng “cửa sau”. Bắc Kinh đã sắp xếp một số “chuyến thăm hữu nghị” nhắm đến mục tiêu là các đảng phái chính trị khác nhau ở Myanmar, bao gồm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), các tổ chức xã hội dân sự như Tổ chức Xã hội Mở, cũng như giới truyền thông Myanmar… đến thăm Trung Quốc, nhằm “xây dựng sự hiểu biết tốt hơn giữa hai nước”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon đã thậm chí mở một tài khoản Facebook và khẳng định rằng "tình hữu nghị với Naypyidaw vẫn còn nồng thắm"… Điều đáng nói là tất cả những hành động này chưa từng xuất hiện trong chính sách của Trung Quốc đối với Myanmar.
Nhưng cái mà Trung Quốc không thể chối bỏ là thái độ “chống Trung Quốc” trong ý thức của người dân Myanmar ngày càng mạnh mẽ hơn thể hiện ở số vụ biểu tình, “nổi loạn” để buộc chính quyền phải dừng các dự án khai thác mỏ, khai thác rừng do Trung Quốc triển khai, ngày một nhiều hơn và gay gắt hơn.
Bên cạnh những giải pháp “củ cà rốt”, Trung Quốc cũng đã sử dụng đến “cây gậy” của mình là sự ảnh hưởng của họ đối với các nhóm dân tộc thiểu số đang thực hiện những cuộc chiến tranh du kích chống chính phủ. Đã có báo cáo rằng quân nổi dậy của “Nhà nước Wa” đã nhận được trực thăng vũ trang từ Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc đã phủ nhận điều này.
Phương Tây đang chờ xem giới quân sự Myanmar sẽ đóng vai trò như thế nào trong quá trình cải cách.
Nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”
Bên cạnh sức ép của Trung Quốc, chính sách “Hướng Tây” của Myanmar cũng đang phải đối mặt với sự “kém hồ hởi” của phương Tây bởi cả Mỹ và châu Âu đều cho rằng Myanmar “chưa đủ dân chủ” để có thể khiến họ cởi mở hơn nữa. Thái độ của phương Tây hiện nay là trạng thái "chờ xem". Họ chờ xem Myanmar và giới quân sự nước này sẽ đóng vai trò như thế nào trong quá trình cải cách. Họ chờ xem Myanmar có chấp nhận thay đổi hiến pháp để tăng tốc quá trình “chuyển đổi dân chủ” hay không và ngay cả khi tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tại Naypyidaw hồi tuần trước, mặc dù bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Hạ viện, Thura Shwe Mann khẳng định rằng họ có ý định tranh cử tổng thống vào năm 2015 vẫn không khiến phương Tây tin tưởng hơn.
Chính vì vậy, chính sách “Hướng Tây” của ông Thein Sein nếu không được thực hiện khéo léo rất có thể sẽ trở thành con dao 2 lưỡi khiến Myanmar sẽ “mất cả chì lẫn chài”. Họ sẽ mất Trung Quốc trong khi không với được tới phương Tây về hỗ trợ kinh tế, đầu tư, viện trợ quân sự, các gói viện trợ nhân đạo và hỗ trợ khác... Chính quyền của ông Thein Sein của có thể sẽ bị mất lòng tin của công chúng và mọi người sẽ không còn chờ đợi hay tin vào những lời hứa thay đổi. 
Lê Trí
________________

Mượn cớ đánh cá, Trung Quốc lập mưu ‘gặm cho bằng hết’ Biển Đông

Chủ nhật 07/07/2013 09:30
Lấy cớ là “tăng khả năng thực thi pháp luật hàng hải” và “bảo vệ ngư dân”, nhưng lực lượng tàu thuyền mà Trung Quốc xua ra Biển Đông ngày một lớn, phạm vi hoạt động ngày càng rộng và hành động ngày càng hung hăng. Mưu đồ dần dần mở rộng lãnh hải, lãnh thổ bằng tàu cá của Trung Quốc đã lộ diện.
Tàu Ngư Chính 312
Cuối tháng 3/2013, Trung Quốc đã đưa tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất của họ là Ngư Chính 312 khởi hành từ Quảng Châu đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chiếc tàu này đi cùng với 21 tàu tuần tra lớn nhỏ khác của Trung Quốc và hơn 3.000 nhân viên được giao nhiệm vụ “thực thi luật ngư nghiệp” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hạm đội tàu tuần tra này thuộc Cục Quản lý Biển và Thủy sản Trung Quốc (SSRFAB) kéo ra Biển Đông núp dưới danh nghĩa “hộ tống các tàu đánh cá Trung Quốc” và nực cười thay, thực chất của việc này là hộ tống các tàu đánh cá xâm phạm vùng biển của nước khác một cách trái phép với âm mưu “tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông”.
Trong bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc: Đánh cá để mở rộng lãnh hải” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Á Âu, tác giả Lucio Blanco Pitlo III đã nhận định: Nhờ chính sách “mở rộng phạm vi thực hiện các quyền hàng hải” của Trung Quốc, SSRFAB ngày càng được trao nhiều quyền lực, được trang bị tốt hơn với những con tàu hiện đại và cả những tàu chiến mà Hải quân Trung Quốc đóng mới hoặc hoán cải. Nhờ sự trợ giúp này mà thời gian qua, tần suất “tuần tra” trên Biển Đông của SSRFAB đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê, tổng số ngày tuần tra kiểu như vậy của Trung Quốc ở Biển Đông đã tăng lên từ mức 477 ngày hồi năm 2005 lên 1.235 ngày trong năm 2009.
Bằng sự hiếu chiến ngày càng tăng này, Trung Quốc đã giảm thiểu được số tàu cá nước này bị láng giềng bắt giữ do xâm nhập lãnh hải có chủ đích, cũng như đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông như thể đó là ao nhà của họ.
Hộ tống tàu cá của mình đi xâm nhập vùng biển nước khác nhưng Trung Quốc còn ngang ngược hơn khi tăng cường bắt giữ, trục xuất tàu thuyền của nước khác với cáo buộc “xâm phạm vùng biển Trung Quốc” bất chấp những tàu thuyền đó đang hoạt động trên ngư trường truyền thống của họ hàng trăm năm qua, hay thậm chí là còn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của nước họ.
Tàu cá Trung Quốc co cụm để chống bị bắt giữ khi xâm phạm lãnh hải nước ngoài.
Trong khoảng từ năm 2008-2009, Trung Quốc đã bắt giữ 135 và trục xuất 147 tàu thuyền nước ngoài.  Trong đó, Việt Nam có tới 63 tàu đánh cá và 725 ngư dân của họ đã bị giam giữ bởi Trung Quốc từ năm 2005  đến tháng 10/2010. Ngư dân Philippines từ Tây Bắc đảo Luzon cũng phàn nàn rằng họ không còn có thể đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống chỉ  nằm cách đất liền Philippines 124 hải lý.
Tạp chí Nghiên cứu Á Âu bình luận tiếp: Tăng cường tuần tra, xua ngày càng nhiều tàu chiến ra Biển Đông, Trung Quốc còn liên tục đẩy ngư dân của mình xuống xa hơn về phía Nam (Biển Đông) nhằm tránh đụng độ quân sự trong khi vẫn thực hiện được âm mưu mở rộng vùng hiện diện. Mới đây, nước này đã mở đường cho một trong những đội tàu đánh cá Trung Quốc lớn nhất bao gồm 30 tàu đánh cá (mỗi tàu có công suất 100 tấn) khởi hành từ Hải Nam đến hoạt động liên tục 40 ngày ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, Philippines phát hiện một số tàu đánh cá Trung Quốc và tàu hải giám lảng vảng trong vùng lân cận của bãi Thomas Shoal, một khu vực quân đội Philippines đang kiểm soát. Không lâu sau đó, Bắc Kinh lên tiếng cho rằng bãi Thomas Shoal là “thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc” và biến vùng biển này thành một điểm nóng tranh chấp mới dù trước đó Trung Quốc chưa bao giờ có sự hiện diện. Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc, tố cáo rằng rằng nhiều tàu cá của họ đã bị Trung Quốc sách nhiễu trong khi đang đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của nước này. Malaysia cũng bày tỏ lo ngại sau khi phát hiện sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong bãi James và phía bắc bãi cạn Luconia trên Biển Đông được tuyên bố chủ quyền hàng hải Malaysia.
Tất cả những hành động này đã mang về cho Trung Quốc một sự hiện diện lâu dài hơn và sâu rộng ở Biển Đông và những tác động nghiêm trọng trong khu vực. Việc “thực thi các quyền hàng hải, bao gồm đánh cá”, là một trong những chiêu bài để Trung Quốc khẳng định chủ quyền dân sự trên vùng biển tranh chấp. “Ở thời điểm này, Bắc Kinh có vẻ đang chiếm ưu thế nhưng vấn đề quan trọng hơn là họ sẽ gánh chịu được chi phí lớn đến đâu và duy trì sự hiện diện ảo tưởng đó thời gian bao lâu?”, tạp chí Nghiên cứu Á Âu đặt câu hỏi.
Sức mạnh trên biển của Trung Quốc có thể là một niềm tự hào quốc gia hiện đại, nhưng chính các quốc gia trong khu vực cũng đã nhận ra rằng để đảm bảo sự an toàn cho các ngư dân của họ và thực thi các quyền hàng hải, họ cần nâng cấp hoặc mua mới vũ khí để nâng cao sức mạnh hải quân – diễn biến nguy hiểm có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang.
Các quốc gia trong khu vực cũng đã gấp rút tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ ngư dân và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Để kết lại bài viết của mình, tạp chí Nghiên cứu Á Âu khẳng định, dù đã quyết định hộ tống ngư dân tiến xa hơn về phía Nam nhưng Trung Quốc cần hiểu rằng càng đi xa, nguy cơ "tai nạn" và "tính toán sai lầm" sẽ tự nhiên tăng lên gấp nhiều lần. Chính trị hóa hay quân sự hóa việc đánh bắt cá, để khẳng định quyền tài phán không có thực trong vùng biển tranh chấp, sẽ chỉ tạo ra những phản ứng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt, sẽ là rất vô nhân đạo khi một kẻ nào đó cố tình đẩy sinh mạng của những ngư dân vô tội vào chỗ nguy hiểm để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình.

No comments:

Post a Comment