Trang

Friday, May 11, 2012

Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tố cáo - Báo Đất Việt vào cuộc!

Tới tháng 5/2013 câu chuyện Trần Trung đã lên tới Ban Nội chính TW: Lãnh đạo bộ GDĐT đối diện Ban Nội chính TW
Đã quá hạn 60 ngày điều tra một tuần nay rồi (hạn 8/5/2012) mà Thanh tra Bộ GDĐT chưa trả lời đơn tố cáo hiệu trưởng Trần Trung của thầy Bình Trưởng phòng QL Khoa học và Đối ngoại. Điều ấy chứng tỏ muốn phủ định những bằng chứng thầy Bình đưa ra chẳng dễ gì. Tuyên bố Trần Trung sai thì chưa muốn! Làm sao đây? Thật khó xử quá.

Hôm nay thì đến lượt các bạn sinh viên Khoa Ngoại ngữ làm đơn tố cáo nhà trường SPKT Hưng Yên tới Báo Đất Việt (ở đây). Nội dung thì các bạn cũng đã viết trong ~ 300 comment trên baomoi.com rồi, nay các bạn trình bày đầy đủ, có bằng chứng rõ ràng.

Với sai phạm có hệ thống ngay từ ngày đầu về trường của một anh trưởng phòng thí nghiệm ở ĐH Bách khoa một bước nhảy lên làm hiệu trưởng việc Trần Trung mất chức chỉ còn tính bằng tháng, những kẻ đồng phạm cũng sẽ phải trả lời pháp luật và công luận. Thanh tra Bộ GDĐT nên điều tra lại quy trình tiến cử nhân vật này làm hiệu trưởng năm 2007 vì theo quy chế của Bộ thì muốn được đề bạt Hiệu trưởng ít cũng phải có kinh nghiệm quản lý đào tạo ở cấp khoa.

Các bạn các khoa khác bức xúc về việc thu phí vô tội vạ, bị bắt học các chứng chỉ do nhà trường tùy tiện đặt ra, các quy chế đào tạo thay đổi tùy tiện bất lợi cho sinh viên, v.v. nên vượt qua nỗi lo sợ bị trù úm để noi gương các bạn khoa Ngoại Ngữ. Các bạn có quyền đòi hỏi được tôn trọng và sự minh bạch thông tin từ nhà trường.

7 cô giáo chỉ vì mang thai mà bị Trần Trung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động*) cần lên tiếng để đòi lại công lý. Luật pháp và công luận đứng về phía các bạn. Hãy tìm hiểu Luật khiếu nại tố cáo và lên tiếng công khai với báo chí, cơ quan Hội phụ nữ, để các cơ quan chức năng (Bộ Giáo dục đào tạo, Cảnh sát điều tra) vào cuộc. Các thầy cô khác bị Trần Trung tùy tiện cách chức, điều chuyển cũng nên lên tiếng.**) Còn nhiều việc khác sẽ bị phơi bày khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, nhất là các dự án mua sắm và xây dựng và chất lượng khi nghiệm thu...

Các bạn cũng đừng nghĩ là như thế là làm xấu hình ảnh nhà trường ảnh hưởng đến cái bằng hay tương lai của các bạn sau này. Vì về cơ bản đại đa số các thầy cô giáo là tốt và có tâm huyết. Còn sự thối nát là trong nội bộ của bộ máy lãnh đạo chóp bu, mà gốc rễ là từ tư tưởng chỉ đạo bất nhân, chỉ xoay quanh quyền lực cá nhân và đồng tiền, từ tính cách độc đoán gia trưởng, mục hạ vô nhân, bất chấp luật pháp của đất nước và các quy chế của bộ GDĐT, coi thường cán bộ giảng viên và sinh viên của hiệu trưởng Trần Trung. Sự dũng cảm của các bạn và sự ra tay của các cơ quan chức năng sẽ rửa sạch ngôi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật HY.

Và chỉ có thế trường ĐH SPKT Hưng Yên, sau gần 10 năm được nâng cấp từ Cao đẳng, mới có cơ làm lại để trở thành một môi trường Sư phạm thật, một trường Đại học thật, là nơi đất lành chim đậu cho cán bộ giảng viên công tác và cho sinh viên học tập rèn luyện. Thế nào là một trường Đại học đúng nghĩa phải xây dựng? Xin đọc ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (Tp HCM), TS Bùi Trân Phượng: “Phải đúng nghĩa giáo dục và đúng nghĩa đại học”. Và để thực sự đổi mới các trường Đại học những người hiệu trưởng cần có những tố chất nào? Xin đọc TS Nguyễn Thị Từ Huy: "Sách và các nhà quản lý giáo dục"  

*) Theo thông tin chúng tôi được biết thì 7 cô giáo bị nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do chính đáng khi các cô đang mang thai là:
1. Cô Mạc Thị Bích                     (Khoa Cơ khí) 
2. Cô Trần Thị Bốn                     (Khoa CNTT)
3. Cô 
Nguyễn Thị Hiền                (Khoa CNTT)
4. Cô 
Đỗ Thị Huyền Trang          (Khoa CNTT)
5. Cô Trần Thị Thanh Huyền        (Khoa May và TT)
6. Cô Nguyễn Thị Diệu Huyền     (Khoa May và TT)
7. Cô Trần Thị Thu                      (Khoa May và TT)


**) Update 18/5: Đã có sự lên tiếng về một trường hợp giảng viên bị trù dập cá nhân: "Tiếng kêu của một cán bộ: "chỉ vài năm nữa Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sẽ bị tan tành dưới bàn tay con người ham tiền, thiếu tài, bất nhân, bất nghĩa như Trần Trung"

Update 5/8/2012: Dù đã muộn ba tháng, cuối cùng bộ GDĐT cũng đã ra kết luận về sai phạm của Trần Trung ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
_______________________________
Đọc tiếp Tố cáo của sinh viên Khoa Ngoại ngữ trên Báo Đất Việt:
Cập nhật lúc :9:19 AM, 11/05/2012
(ĐVO) Nhiều sinh viên và giảng viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đang hoang mang trước những thông tin về các dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo nhà trường trong đào tạo, quản lý tài chính…
Sự mờ ám trong chứng chỉ chuẩn đầu ra: 
Đất Việt nhận được đơn tố cáo của một số sinh viên khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (ĐH SPKT) Hưng Yên. Trong đơn tố cáo, các sinh viên này cho rằng nhà trường có những dấu hiệu vi phạm các quy định về thu chi, đào tạo…

Theo nội dung đơn tố cáo, việc trường ĐH SPKT Hưng Yên quy định các chứng chỉ chuẩn đầu ra mà sinh viên khoa Ngoại ngữ bắt buộc phải học và thi để đủ điều kiện thi tốt nghiệp có nhiều vấn đề cần làm rõ.

Cụ thể, đầu năm học thứ ba, trong tuần sinh hoạt công dân, các sinh viên khoa Ngoại ngữ được Trưởng khoa Hoàng Thị Bình thông báo về những chứng chỉ chuẩn đầu ra cho sinh viên trong khoa, đó là: Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, Chứng chỉ Biên – Phiên dịch, Chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành Thương mại, Chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành Kỹ thuật, Chứng chỉ tiếng Trung. Mỗi sinh viên phải đóng 600.000 – 800.000đ/một chứng chỉ để đăng ký học.

Các sinh viên khoa Ngoại ngữ cho rằng, các môn học trên không cần thiết phải tách ra thành chứng chỉ để thu tiền sinh viên và phải đưa các môn học này vào chương trình khung để giảng dạy. Trong đơn, các sinh viên khoa Ngoại ngữ tỏ rõ thái độ bức xúc trước việc dù phải đóng tiền học các chứng chỉ theo “quy định” nhưng sinh viên lại phải viết đơn “tự nguyện” học các chứng chỉ trên.

Theo phản ánh, sau khi nộp tiền học cho giáo vụ khoa, ngày 16/4/2012, giáo vụ khoa là cô Bùi Thị Phượng đã gọi điện thoại cho các lớp trưởng nói: “Các em phải đại diện lớp viết một lá đơn với nội dung là chúng em nhận thấy lợi ích của việc học chứng chỉ nên yêu cầu nhà trường mở lớp bồi dưỡng môn Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh”. Cô Phượng đã đọc nội dung cho các lớp trưởng viết rồi thu luôn mà không cần chữ ký xác nhận đồng ý của sinh viên các lớp. Vì sợ bị trù dập nên cán bộ của các lớp vẫn phải làm theo nội dung của cô giáo vụ yêu cầu mặc dù biết rằng có điều gì đó mờ ám đằng sau.

Nếu đã là quy định thì tại sao lại bắt sinh viên phải viết đơn với nội dung sinh viên tự nguyện đăng ký học những chứng chỉ trên?

Ngoài 5 chứng chỉ chuẩn đầu ra của khoa, sinh viên khoa Ngoại ngữ còn phải hoàn thành 5 chứng chỉ chuẩn đầu ra của trường. Đó là các chứng chỉ: Chứng chỉ Giáo dục Thể chất, Chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng, Chứng chỉ Giao tiếp, Chứng chỉ IELTS, Chứng chỉ B++ gồm 4 môn : Word, Excel, Photoshop, Origin. Quy định này được ông Trần Trung, hiệu trưởng trường ĐH SPKT Hưng Yên, ký ngày 2/6/2011, trong Thông báo số 205/ĐHSPKT về việc thực hiện quy định chuẩn đầu ra.

Với chứng chỉ B++ gồm 4 môn như trên, nhà trường không bắt buộc phải học nhưng vẫn phải thi và lệ phí thi là 120.000đ/1 môn; sinh viên nào không qua thì phải đóng tiền học lại là 800.000đ/1 môn. Sinh viên cho đây là một quy định “vô lý hết mức” vì chứng chỉ này không liên quan tới chương trình học và chuyên môn của sinh viên khoa Ngoại ngữ, mà là “những môn học cho bên kiến trúc đồ hoạ và mỹ thuật thì đúng hơn”. 

Trường ĐH SPKT Hưng Yên đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Vì vậy, sinh viên chỉ cần nộp học phí và thi đủ các tín chỉ theo quy định là đủ, không cần thiết phải đóng tiền để học thêm các chứng chỉ không liên quan khác.

Bên cạnh những điều khó hiểu, “mờ ám” trong việc quy định các chuẩn chứng chỉ đầu ra, sinh viên khoa Ngoại ngữ còn tố cáo nhà trường có nhiều biểu hiện vi phạm trong thu chi tài chính, lạm thu, sai quy định trong ban hành văn bản hành chính.

Trong đơn tố cáo, các sinh viên phản ánh: Các thông báo về việc học và thi chứng chỉ được đưa tới sinh viên theo phương thức truyền miệng hoặc các văn bản không có ký tên, đóng dấu. Số tiền sinh viên các lớp nộp cho khoa để học và thi chứng chỉ đều không có hóa đơn tài chính theo đúng quy định. Chất lượng giáo dục kém và nhiều khoản thu về học lại, học cải thiện điểm liên tục tăng qua từng kỳ, từng năm học cũng được phản ánh trong đơn tố cáo.

Nhiều sinh viên cho biết, họ và một số giáo viên đã có những phản ứng về những quy định vô lý của nhà trường, nhưng vì muốn “yên ổn để nhanh ra trường” nên tất cả nhanh chóng rơi vào im lặng. “Lãnh đạo nhà trường cũng yêu cầu sinh viên trong trường không được bàn tán hay tự ý cung cấp thông tin liên quan đến trường cho báo chí”.

Nhà trường chọn cách im lặng? 
Để tìm hiểu thông tin nhằm làm rõ những nội dung tố cáo của sinh viên, phóng viên Đất Việt đã đến làm việc với trường ĐH SPKT Hưng Yên. Tuy nhiên, khi phóng viên đến làm việc, toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường (hiệu trưởng và ba phó hiệu trưởng) đều không có mặt tại trường.

Làm việc với Trưởng phòng Hành chính trường, vị này cho biết tất cả lãnh đạo trường đều đang đi họp và sẽ rất bận, kín lịch làm việc trong những ngày tới. Để thuận tiện trong trao đổi và liên hệ công việc, chúng tôi muốn biết số điện thoại liên lạc của ban giám hiệu và Trưởng phòng Hành chính trường. Nhưng dù phóng viên gặng hỏi nhiều lần, vị trưởng phòng Hành chính này nhất quyết không chịu nói danh tính và số điện thoại. Vị này chỉ cung cấp cho phóng viên số điện thoại di động của ông Nguyễn Đức Giang, phó hiệu trưởng phụ trách học sinh – sinh viên.

Phóng viên đã gọi tới số điện thoại của phó hiệu trưởng Nguyễn Đức Giang nhiều lần, cả trong và ngoài giờ hành chính nhưng đều không liên lạc được (điện thoại có tín hiệu đổ chuông bình thường nhưng không có ai nghe máy).

Một chi tiết đáng chú ý, ngay khi biết phóng viên tới làm việc, Trưởng phòng Hành chính trường ĐH SPKT Hưng Yên đã hỏi ngay “đến làm việc về vấn đề của anh Bình à?”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, ông Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng quản lý khoa học và đối ngoại trường ĐH SPKT Hưng Yên, đã gửi đơn tố cáo và nhiều tài liệu liên quan đến một số cơ quan báo chí. Ông Bình tố cáo ông Trần Trung, Bí thư đảng ủy – Hiệu trưởng nhà trường, với nhiều nội dung liên quan đến các dấu hiệu vi phạm của ông Trung trong việc sử dụng tài sản công, bổ nhiệm cán bộ, thiếu minh bạch trong chi tiêu, quản lý tài chính, ký nhiều quyết định sai thể thức và không có giá trị pháp lý… Theo thông tin trên báo Nhà báo & Công luận, phóng viên báo này đã nhiều lần liên hệ làm việc với nhà trường để làm rõ vụ việc nhưng đều không nhận được sự hợp tác.

Hiện tại, khá nhiều sinh viên và giảng viên trường ĐH SPKT Hưng Yên đang hoang mang và không yên tâm học tập, công tác. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh những thông tin trên, làm rõ đúng sai và xử lý các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đất Việt sẽ tiếp tục điều tra và cung cấp những thông tin mới về vụ việc này đến bạn đọc.
                                                                                                                        Duy Minh

1 comment:

  1. Laptop xách tay, giá cả hợp lý
    ---------------
    478 Trường Sa - Phường 2- Quận Phú Nhuận- TP HCM

    Hotline: 0906.112.812 - 0909730124 (A MINH)
    Cung cấp các sản phẩm laptop sỉ và lẻ tại TPHCM
    CLICK xem chi tiết: Laptop xách tay giá rẻ tphcm hoặc Laptop xach tay gia re tphcm

    ReplyDelete