Trang

Wednesday, March 27, 2013

Nguyên thứ trưởng bộ Nội vụ: " "Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đặt vòng" vẫn còn tồn tại"


Hồ Chí Minh nói: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Vậy mà chúng ta sử dụng người tùy tiện như thế này thì có khai thác hiệu quả nguồn lực dân tộc?

Đọc:

"Nhà thơ làm kinh tế, thống chế đặt vòng" vẫn còn tồn tại

(Kienthuc.net.vn) - "Đấy là một sự chua chát nhưng lại điển hình của việc sử dụng năng lực con người không đúng chỗ. Lãng phí lắm!", ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.


Không thể máy móc

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức phiên thứ hai mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu vấn đề, nhiều cơ quan sau khi đưa một số cán bộ công chức ra khỏi bộ máy thì lại tuyển mới đúng bằng số đã giảm. Ông bình luận gì về điều này?
Tinh giản biên chế là một chủ trương lớn được quyết định từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII. Mục tiêu của Chính phủ là tinh giản được 15% cán bộ công chức, viên chức. Thế nhưng, sau một thời gian dài từ 2001 - 2010 thì mới tinh giản được có 8%. Như vậy, kết quả chưa thực sự được như mong muốn và con số mà Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra như thế cũng là điều dễ hiểu.
Vậy thực chất của việc tinh giản biên chế là gì?
Thực chất là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, số lượng phải phù hợp chứ không được để dư thừa. Muốn vậy thì phải có sự thanh lọc bộ máy, nghĩa là phải giảm.
Điều đó có mâu thuẫn gì với việc số lượng tinh giản biên chế ở nhiều cơ quan lại bằng chính số lượng tuyển mới, thưa ông?
À, xét về mặt cơ học thì nó có sự mâu thuẫn. Nhưng bản chất của vấn đề lại nằm ở cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những yếu tố này?
Cần nhớ rằng, trong quá trình phát triển thì dân số liên tục tăng. Việc tăng tự nhiên này buộc bộ máy Nhà nước phải có đội ngũ công chức bổ sung. Quốc gia nào cũng thế thôi.
Thứ hai là vừa rồi, ta thực hiện phân cấp trung ương và địa phương. Chính phủ, Bộ Nội vụ chỉ quản lý công chức hành chính còn viên chức sự nghiệp như giáo dục đào tạo, y tế... thì lại giao cho bộ, ngành và địa phương quản lý. Đây là nguyên nhân của việc biên chế tăng do sức ép của những yêu cầu về giáo dục, y tế... Trong hơn chục năm tôi phụ trách thì nhận thấy, tăng biên chế trong khối hành chính rất ít, chủ yếu là ở khối sự nghiệp. Thứ nữa là do đào tạo của xã hội rất lớn, nó tạo áp lực việc làm nên các địa phương, bộ ngành cũng phải tìm cách để làm sao huy động thêm nguồn nhân lực.
Như ông nói thì rõ ràng, nhiều khi việc tăng biên chế bằng chính số lượng tinh giản cũng là lẽ đương nhiên?
Đúng thế.

Nhưng vấn đề là, nếu thật sự có nhu cầu biên chế thì cần gì phải tinh giản nữa? 
Không thể máy móc rằng tinh giản biên chế nghĩa là cứ phải giảm, trong khi nhu cầu của xã hội là có thực và cần tăng lên. Việc tinh giản này là để những người không còn khả năng phục vụ, đáp ứng được công việc trong tình hình mới phải về nghỉ, để những người có đủ năng lực, trình độ lên thay.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói về việc tinh giản biên chế.
"Đó là thực tế đáng buồn!"
Ông nghĩ sao khi bây giờ, những người giỏi, người trẻ lại có xu hướng không vào làm việc trong cơ quan nhà nước?
Tôi đã từng tham dự buổi đối thoại trẻ và biết được xu hướng này. Tôi cho rằng trong thời buổi kinh tế thị trường thì việc làm ở đâu là quyền tự do của mỗi người. Nếu anh muốn cống hiến thì hãy vào làm trong cơ quan nhà nước.
Chẳng lẽ, người ta làm ở bên ngoài không phải là sự cống hiến ư?
Không nên lập luận như thế. Nhưng vấn đề là, khi vào làm trong Nhà nước, anh sẽ ý thức được rằng trọng trách của mình là phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Vào làm Nhà nước cũng có rất nhiều cơ hội mà bên ngoài, dù làm được nhiều tiền hơn cũng không thể có được.
Những cái được ấy là gì vậy, thưa ông?
Đó là cơ hội thăng tiến, là cơ hội được đi đào tạo ở nước ngoài, là những mối quan hệ xã hội. Mà quan hệ xã hội cũng là một tài sản lớn.
Tôi tin không phải người ta không nhận ra những điều ông nói. Thế nhưng, vào làm Nhà nước vẫn không phải là một lựa chọn ưu tiên của nhiều người giỏi? Thực tế thì có người đã chuyển từ Nhà nước ra bên ngoài làm? 
Đó là thực tế đáng buồn! Nhưng một trong những nguyên nhân là do cơ chế tuyển dụng của ta đang có những bất cập.
Phải chăng ý ông là chuyện chạy chọt để vào biên chế?
Đúng vậy. Nhiều người coi chuyện học hành, bằng cấp chỉ để trang trí, bởi họ thuộc diện "con ông cháu cha", không thì cũng nhờ những mối quen biết để yên trí vào làm trong cơ quan Nhà nước, vừa nhàn hạ lại vừa có nhiều cơ hội. Đương nhiên, ở đâu cũng có người cơ hội nhưng cũng không thể vì thế mà quy kết tất cả công chức, viên chức đều như nhau.
Và thường những người yếu kém mới phải chạy chọt?
Cái đó là rõ rồi!

Do cơ chế sử dụng công chức đấy chứ!
Đó chính là lý do của 30% công chức thuộc diện "sáng cắp ô đi, tối cắp về" như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ ra?
Nói 30% công chức không đáp ứng được công việc thì không phải mà có khi anh lãnh đạo, quản lý không dùng hết năng lực của họ. Thứ nữa, có thể họ được đào tạo ở lĩnh vực này nhưng anh lại giao họ làm việc khác. Nhân lực của ta cũng ghê gớm lắm, khoảng 2 triệu người có trình độ đại học cơ mà! Như vậy, tôi cho rằng việc đổ lỗi cho công chức là không công bằng. Đó còn là do cơ chế sử dụng công chức đấy chứ!
Nhưng người ta cũng phanh phui ra nhiều người dùng bằng giả, bằng không thực chất đấy, thưa ông?
Cái đó là có nhưng không thể cứ nhìn vào mấy trường hợp để mà bi quan về đội ngũ tri thức đang làm trong cơ quan Nhà nước hiện nay.
Nói như ông thì việc có 30% công chức không làm được việc ấy là có trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý?
Đúng thế! Nhưng ngay chính trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý cũng có vấn đề đấy thôi. Có khi, anh chỉ giỏi về chuyên môn, không rành về quản lý lại được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo và ngược lại. Thế thì chuyện sử dụng không đúng người cũng chẳng có gì là lạ. 
Theo ông, để việc tinh giản biên chế thực sự hiệu quả thì cần phải làm gì?
Trong chương trình tổng thể cải cách nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 đã đưa ra hai vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất là cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên. Trong cơ quan này cần bao nhiêu công chức, có công chức cao cấp không, có chuyên viên chính không... Thứ hai là trên cơ sở cơ cấu lại đội ngũ ấy thì tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức, từ đó quy định vị trí của anh như thế nào. Chừng nào chúng ta không minh định được tiêu chuẩn của từng vị trí công chức, không cơ cấu được số lượng công chức thì chừng đó ta chưa thể thực hiện tinh giản hiệu quả, chưa thể huy động được năng lực, trình độ của công chức.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Có một thời kỳ ở ta "nhà thơ làm kinh tế, thống chế đặt vòng". Đấy là một sự chua chát nhưng lại điển hình của việc sử dụng năng lực con người không đúng chỗ. Đến bây giờ, nó vẫn còn tồn tại. Lãng phí lắm! Cái nguy hiểm là giá trị không được khẳng định, thật giả lẫn lộn. Do đó, phải tạo ra môi trường, thể chế để mọi trình độ được sử dụng cho phù hợp, để người ta có cơ hội được dấn thân, cống hiến!".
Ông Thang Văn Phúc

No comments:

Post a Comment