Trang

Tuesday, March 12, 2013

Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn Việt Anh- Sài gòn tiếp thị

"Giáo sư từng nói sự ra đời của viện Nghiên cứu cao cấp về toán là một dấu mốc lịch sử của ngành toán Việt Nam, vậy ông có trông đợi gì?
Cải thiện trình độ nghiên cứu của nền toán học Việt Nam, là bước đi đầu tiên. Những việc tiếp theo của viện là những nhiệm vụ Nhà nước đã giao trong chương trình trọng điểm phát triển toán học quốc gia, cụ thể là nhiệm vụ chăm lo cho phong trào chuyên toán và học toán ở đại học, và nhiệm vụ triển khai toán học ứng dụng. Năm nay chương trình bắt đầu triển khai trong các trường hè cho học sinh chuyên toán, nâng cao trình độ cho giáo viên, trao học bổng cho các em học giỏi toán cấp 3, đại học, đặc biệt quan tâm đến các em ở các tỉnh xa."
"Cái chúng tôi mong muốn là có thêm nhiều nhà khoa học với tinh thần khoa học thực sự, trung thực trong khoa học, làm ra những kết quả được quốc tế công nhận. Đấy là mong muốn không chỉ riêng cho ngành toán. Hy vọng lớn hơn của tôi đối với viện là nó chứng tỏ được vai trò này trong toán để sau mười năm có thể mở rộng hoạt động sang các ngành khoa học khác. Hy vọng là mười năm nữa sẽ có một viện nghiên cứu cao cấp mới, không chỉ về toán."

"Ông có thấy Việt Nam vẫn chưa tìm được lối đi để có nguồn nhân lực tốt?
Tôi chưa thấy nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ có thể phối hợp trong công việc, tạo thành những tập thể mà ở trong đó, tài năng của mỗi người có thể phát triển.
Có nhiều chuyện mà theo đánh giá chung, tương đối sát với thực tế, là không những giáo dục không đi lên mà thậm chí còn đi xuống."

"Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng khoa học Việt Nam chưa phát triển vì thiếu kinh phí, thiết bị?
Chưa chắc đây là lý do chính, thực tế cho thấy có những thiết bị đắt tiền được mua mà đắp chiếu không sử dụng đến. Cái khó nhất vẫn là việc giải quyết những mâu thuẫn nội bộ về quyền lợi trong các trường đại học, để các nhà khoa học còn làm được khoa học có thể phối hợp làm việc, tập trung vào công việc, có một mức thù lao xứng đáng mà không chịu sự đố kỵ từ những người không còn làm khoa học nữa."

"Vì sao ông và các đồng sự đưa ra trang mạng Cùng viết Hiến pháp?
Mục đích là giúp người dân hiểu được những gì đằng sau câu chữ của Hiến pháp, để họ cảm thấy việc sửa đổi Hiến pháp liên quan thực sự đến họ chứ không phải của người khác.
Bản thân chúng tôi cũng thảo luận và dự kiến đưa ra một ý kiến tập thể của nhóm làm trang Cùng viết Hiến pháp vào ngày 31.3.2013."
"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của lời nói, của lý lẽ, ngay lập tức không thay đổi được gì, nhưng với thời gian lý lẽ sẽ thuyết phục được những người bản thân họ có thể không có quyền lực nhưng có khả năng thuyết phục những người đang có quyền lực. Tất nhiên phải có thời gian, Cùng viết Hiến pháp sẽ cố gắng hết mức giữ thái độ ôn hoà và khoa học"

Nguồn: Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Tôi tin vào sức mạnh của lý lẽ”(sgtt.vn, 13/3/2013)

No comments:

Post a Comment