Trang

Thursday, June 27, 2013

TS Đặng Kim Sơn: Nông dân: Bị lấy đi nhiều hơn nhận về

"Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta nói nhiều đến công lao điều hành kinh tế vĩ mô giữ cán cân thương mại ổn định, lạm phát giảm, nhưng có một điều không ai nói đến đó là phần hy sinh to lớn của nông dân. Giá lúa gạo, nông sản rẻ thê thảm, trong khi nông dân thiệt hại thì lại giúp cho rổ hàng hoá khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp. Trong khi đó, đáng lẽ công nghiệp hoá và đô thị hoá thì phải lấy công nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn để đẩy đất nước lên, sau đó quay lại bù đắp cho nông nghiệp.

Trong các chính sách các tỉnh trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thời gian qua đã không tính đến giá môi trường, mất cân bằng trong tài nguyên. Chính chuyện hy sinh tài nguyên và môi trường mà làm cho việc phát triển công nghiệp và đô thị rất dễ dàng.

Chúng ta thấy nông nghiệp đóng góp 24% cho xuất khẩu, 20% cho GDP, nơi tạo việc làm cho một nửa lao động cả nước, nhưng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa được 10%, chi tiêu công cho nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong tổng chi tiêu công. Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ.

Tốc độ tăng GDP của nông nghiệp ổn định nhưng rõ ràng so với công nghiệp thì chỉ bằng 1/3 vì năng suất lao động của công nghiệp. Nếu như thế thì đáng lý công nghiệp phải hút lao động gấp đôi, gấp ba lần. Nhưng thực tế không phải vậy vì công nghiệp ngày càng đầu tư máy móc hiện đại, nên tính đến chuyện chuyển 80% trong số 30 – 40 triệu nông dân sang công nghiệp thì không có cửa để họ đi vào đô thị.

Đất đai là tài nguyên duy nhất mà Nhà nước giao cho nông dân, nhưng 61% nông dân chỉ có dưới 0,5ha; 32% từ 0,5 – 3ha; còn nông dân sản xuất lớn rất ít. Nông dân Việt Nam chịu sức ép về công nghiệp hoá: lấy đi tài nguyên đổ chất thải trở lại, chịu sức ép của biến đổi khí hậu, thiên tai, của xâm nhập mặn, chịu cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, sức ép của đô thị hoá. Trong khi đó nông dân phải đương đầu với giá cả biến động, không có bảo hiểm, không có thị trường giao sau, không có dự báo thị trường. Còn ốm đau thì đối mặt với tình trạng chăm sóc sức khoẻ ở nông thôn quá tệ.

Người thành thị được phòng chống thiên tai tốt hơn như triều cường đã lo nâng đường. Còn nông thôn, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh người dân gánh chịu hết, 70% chi phí phòng chống thiên tai là do họ tự bỏ ra từ vốn liếng sản xuất ít ỏi của mình. Hơn 40% hộ gia đình nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, họ không gượng dậy nổi."


No comments:

Post a Comment