Hydrophone do Trung Quốc chế tạo (Cty Shenzhen Yujie Electronics Co.,Ltd.) |
Các kết quả này cực kỳ nghiêm trọng không chỉ ở chỗ họ nắm chắc hoạt động của hải quân chúng ta và các nước bạn/đồng minh của chúng ta tại Quân cảng Cam Ranh, mà còn ở chỗ tín hiệu thủy âm đặc thù của mỗi loại tàu quân sự nổi và ngầm của ta (và của các nước bạn) đều sẽ bị phía Trung Quốc xác định. Các thông tin đó sẽ được cài đặt vào hệ thống phát hiện tàu trên các tàu chiến của Trung Quốc hay tại các sơ sở quân sự biển đảo của họ. Nhờ đó họ sẽ phát hiện và phân loại chính xác mục tiêu khi tàu ta tiệm cận họ nếu xảy ra chiến sự sau này!
Cứ cho là những người Trung quốc này không làm gián điệp sử dụng công nghệ cao thì họ cũng không thu thập thông tin bằng mắt thường, bằng ống nhòm sao? Tại sao một thượng tá chỉ huy đồn biên phòng có thể "điếc không sợ súng" vậy? Ai là người chịu trách nhiệm việc cho tình báo Trung Quốc cơ hội vàng để do thám và thậm chí có thể cài đặt các thiết bị nghiên cứu thủy âm tại Vịnh Nha Trang từ nhiều năm nay??? Xin hãy làm ngay việc trục xuất và tháo gỡ toàn bộ các cơ sở nuôi cá của người nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm đối với an ninh quốc phòng. Riêng khu vực Cam Ranh, thậm chí các cơ sở nuôi cá của đồng bào cũng cần xem xét việc phải chịu giám sát và thậm chí phải di rời sang khu vực khác nếu chúng ta thực sự không muốn mất cảnh giác.
Cập nhật 1/6/2012: Hết Khánh hòa lại Phú yên, còn những đâu nữa ta? Đọc: Người lao động, "Chuyên gia Trung Quốc nuôi cá trái phép":
"Vũng Rô là vùng nước sâu được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hóa dầu của tỉnh Phú Yên nên không cấp phép nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, nhiều năm qua, các chuyên gia Trung Quốc đã nhờ người Việt đứng tên chủ cơ sở để nuôi cá mú và cá bóp trái phép ở đây"Cập nhật 4/6/2012: Chúng ta quản lý rất chặt chẽ đăng ký tạm trú mà người TQ vào hoạt động tự do không bị kiểm soát là sao??? Đọc Vietnamnet.vn, "Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa!"
______________________
Đọc về phương pháp định vị tàu ngầm bằng thủy âm: How is sound used to find submarines?
Trung Quốc đi trước chúng ta hàng chục năm (30-40 năm?) trong vấn đề chiến tranh trên biển. Trên mạng TQ wenku.baidu.cn còn lưu bài "Định vị tàu ngầm bằng việc phát hiện các biến đổi trong tiếng ồn của môi trường như thế nào" của các tác giả Carl Leitner, Akira Negi, Katherine Scott, ĐH North Carolina xuất bản trên The UMAP Journal 1996. Trong bài này các tác giả Mỹ phát triển thuật toán phân tích tín hiệu thủy âm cho phép xác định vị trí tàu với sai số 25 mét trong vùng có diện tích 7 km x 7 km. Đọc "How to locate a submarine by detecting changes in ambient noise".
Xem thêm video (tiếng Anh): http://www.youtube.com/watch?v=4OgISrfPDfE và http://www.youtube.com/watch?v=ShMLml2AQNI&feature=fvwrel
Đọc: Sài gòn tiếp thị 30/5/2012: Người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh
Tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà), vùng nuôi cá mú được xem là lớn nhất Việt Nam, người Trung Quốc không chỉ thu mua mà còn sử dụng mặt nước vịnh để nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá mú.
Điều đáng nói là tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng này diễn ra từ lâu, nhưng chính quyền tỏ ra lúng túng.
Lồng bè do những người Trung Quốc điều hành. |
Bè cá Trung Quốc hoành tráng
Hầu như mọi ngư dân và người buôn bán nào ở gần cảng Cam Ranh đều biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm của người Trung Quốc. Ông Đạt, một chủ đìa tại đây nói đìa nuôi tôm hùm của A Xìu nằm cạnh cảng Cam Ranh, còn phía ngoài vịnh cách đó chừng 200m là lồng bè nuôi cá mú của những người Trung Quốc khác. Mỗi lồng bè nuôi cá, tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng.
Từ xa có thể thấy khu trại nuôi cá của A Xìu gồm những khu nhà kiên cố, có cả hàng rào, cổng cao khác hẳn với những khu trại tạm bợ của người Việt bên cạnh. Tuy nhiên, khi đến gần thì khu trại này đóng cửa.
Lên một chiếc tàu, chúng tôi rời cảng tiếp tục đến bè nuôi của người Trung Quốc phía ngoài vịnh. Bè này nằm cách cảng Cam Ranh chừng vài trăm mét và có thể thấy rõ quân cảng Cam Ranh ở phía bên kia bờ vịnh. Từ xa, bè của những người Trung Quốc nổi bật giữa biển bởi sự hoành tráng so với những chiếc bè nhỏ của người Việt gần đó. Các bè này cũng giống như trại nuôi cá của A Xìu: không bảng hiệu, được gắn với nhau, mỗi bè có nhiều lồng, trên bè có đến ba ngôi nhà lợp tôn kiên cố với tổng diện tích khoảng 100m2. Huy, một người địa phương làm công tại một bè cá của người Trung Quốc ở đây cho biết, ở bè này có sáu người Trung Quốc làm việc với gần 100 lồng. Ngoài ra họ còn thu mua cá mú khắp nơi nhưng nhiều nhất là tại Cam Ranh, Phú Yên và đảo Phú Quý.
“Người Trung Quốc ở đây ai cũng có thể nói được tiếng Việt, bởi họ qua đây đã sáu, bảy năm rồi. Người Trung Quốc cân cá, mua cá, xuất bán cá... còn em chỉ lo chăm sóc cá thôi. Mỗi năm có hàng ngàn tấn cá được xuất đi, khi nào đủ số lượng thì sẽ có tàu của Trung Quốc cập bè đưa cá về bên đó”, Huy nói.
Ông Đào Văn Hoà, chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh cho rằng vịnh Cam Ranh có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đặc biệt đối với vùng biển của đất nước. Vịnh Cam Ranh đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, kinh tế. Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng vịnh Cam Ranh của Tỉnh uỷ Khánh Hoà cũng xác định quá trình phát triển kinh tế ở vịnh này phải vừa bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, ổn định đồng thời kết hợp hài hoà với quốc phòng. |
Chúng tôi quan sát thấy xung quanh bè thấy có chừng ba, bốn chiếc tàu cá mang biển số Khánh Hoà, Bình Thuận đang chở cá đến để bán cho người Trung Quốc. Trên bè các bảng thông báo, thẻ đánh số đều được ghi bằng tiếng Trung. Tại một góc khác của bè, hai người đàn ông Trung Quốc tự xưng là A Ngán và A Keng vừa hút thuốc lào vừa quan sát những người Việt làm việc. A Ngán cho hay quê ở Quảng Châu, chuyên mua và nuôi cá mú. Cá mú đen thu mua về rồi nuôi tiếp, đến khi cá nặng chừng 1kg mới bán; cá mú nghệ nặng 10kg thì bán, có thể đóng thùng đi đường bộ hoặc tàu từ Trung Quốc qua thu mua tại bè. “Chúng tôi ở đây đã lâu, có người lấy vợ Việt Nam và tách ra làm riêng rồi”, A Ngán khoe.
Theo ông Hoàng Gia Ánh, chủ tịch hội nông dân phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, giá cá mú đen thương phẩm loại 1kg tại Cam Ranh hiện bán 200.000 đồng/kg, cá mú nghệ 250.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc tại các bè trên đang thu mua loại cá mú nhỏ 0,5 – 0,6kg với giá bằng 1/2 giá cá thương phẩm. “Họ thu mua cá nhỏ sau đó nuôi thêm rồi xuất khẩu, bởi làm như vậy lời hơn so với mua cá lớn rồi xuất ngay”.
Những người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh. |
“Họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”
Theo ông Nguyễn Thành Long, đội phó đội Quản lý thị trường số 3, tại Cam Ranh đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên; phường Cam Phúc Bắc có hai cơ sở, phường Cam Phú có một cơ sở. Riêng tại phường Cam Linh có hai cơ sở, trong đó cơ sở nuôi bè trên biển của công ty TNHH Song Phong. Song, ông Trần Tính, phó chủ tịch UBND phường Cam Linh cho rằng trên địa bàn chỉ có một cơ sở thu mua hải sản với khoảng 5 – 7 người Trung Quốc hoạt động, đứng tên kinh doanh là công ty TNHH Khải Hoàn của người Việt Nam. “Cơ sở này thuê đất trên bờ của người Việt, còn lồng bè trên biển thì họ tự làm chứ chúng tôi không cho phép”, ông Tính nói.
Ông Tính cho biết thêm ở khu vực lồng bè có người Trung Quốc hoạt động, hiện nhiều lực lượng đang quản lý: trạm kiểm soát của đồn Biên phòng cửa khẩu, đồn Biên phòng 384, công an… Rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng ông Tính phân bua: “Quá nhiều lực lượng song chúng ta đang lúng túng trong phân cấp xử lý vấn đề người nước ngoài. Qua các buổi giao ban chúng tôi đều có ý kiến về việc này, bản thân tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm”.
Cũng theo ông Tính, mỗi lần có mưa bão, phường ra di dời những người trên lồng bè vào bờ để tránh nguy hiểm, nhưng gặp khó khăn khi muốn đưa người Trung Quốc vào bờ. “Phần vì chúng tôi nói thì họ không hiểu, phần vì họ nghe dự báo thời tiết từ đài của họ nên họ không chịu di dời. Thực sự chúng tôi không biết họ có bao nhiêu người ở trên những bè đó”, ông Tính nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh Nguyễn Ngọc Sơn, thừa nhận trên địa bàn có một số người nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản. “Tuy nhiên, trên thực tế đến nay chưa có doanh nghiệp hay người nước ngoài nào xin phép nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Cam Ranh... Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.
BÀI VÀ ẢNH: LÊ ANH
Thương lái Trung Quốc khuấy động vùng trồng khóm Thương lái Trung Quốc thông qua thương lái các địa phương đã điều khiển giá thu mua khóm (dứa) tại các vùng chuyên canh khóm huyện Gò Quao, Giồng Riềng (Kiên Giang), Tân Phước (Tiền Giang), Vị Thanh (Hậu Giang) khiến giá mặt hàng này nhích lên được khoảng một tuần. Tuy nhiên, hoạt động mua bán khóm sôi động chỉ được một thời gian ngắn, sau đó rơi vào yên ắng. Hiện giá khóm loại 1 (từ 1,2kg trở lên) từ 3.800 – 4.000 đồng/kg. Ông Vu Suổi, chủ nhiệm HTX Thạnh Thắng (Hậu Giang) cho biết, thương lái Trung Quốc chỉ mua khóm loại 1, khóm hơi xanh chứ không mua khóm chín, khóm trái nhỏ. Tại Hậu Giang, các lái Trung Quốc chỉ tuyển lựa, thu mua thời gian ngắn rồi chuyển khóm về Trung Quốc bằng xe đông lạnh. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, không thấy thương lái Trung Quốc xuất hiện trở lại trên địa bàn. Chính vì vậy, nhiều thương lái Việt Nam và nông dân khóc ròng. NGỌC TÙNG |
Bài trên Tuổi trẻ 31/5/2012:
Thứ Năm, 31/05/2012, 07:25 (GMT+7)
TT - Ngay trong vịnh biển gần cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nhiều người Trung Quốc đến làm “chuyên gia nuôi trồng thủy sản” hàng chục năm nay nhưng việc quản lý những người này còn nhiều vấn đề.
Thượng tá Phan Lê Văn - đồn trưởng Đồn biên phòng Cam Ranh - cho biết có sáu người Trung Quốc đang ở trong khu vực vịnh biển Cam Ranh để làm chuyên gia nuôi trồng thủy sản cho các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú của người dân địa phương khoảng 9-10 năm nay. Tuy nhiên, theo người dân ở khu vực này, những người Trung Quốc ở đây chuyên nuôi trồng thủy sản rồi xuất về Trung Quốc chứ không phải là làm chuyên gia.
“Chuyên gia” Trung Quốc nuôi cá xuất khẩu
Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh Ảnh: Tạ Thành |
Ông Nguyễn Văn Quý, một người bán tạp hóa ở trước cổng cảng Cam Ranh (đường Nguyễn Trọng Kỷ, P.Cam Linh, TP Cam Ranh), cho biết ông quá quen thuộc với những người Trung Quốc nuôi cá tại vùng biển vịnh Cam Ranh. Theo ông Quý, có khoảng 10 người Trung Quốc thường xuyên ra vào cảng, ngoài ra còn có một số người VN làm thuê cho những người Trung Quốc này.
“Trong số những người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh có những người đã sang đây khoảng chục năm, có những người sang khoảng vài năm và cũng có những người mới sang mấy tháng. Họ nuôi chủ yếu là cá mú. Họ mang cá giống mú từ Trung Quốc qua, khi nuôi lớn rồi thì lại xuất về Trung Quốc. Cá mú này con to, có trọng lượng khoảng 20kg, giá khoảng 1 triệu đồng/kg”- ông Quý cho hay.
Chị Thuận, một người dân ở P.Cam Linh, cho hay những người Trung Quốc này ăn ở ngay trên lồng bè trong vịnh, cứ mỗi sáng sớm, những người Trung Quốc từ biển đi xuồng vào đất liền thu mua các loại cá nhỏ, sau đó chở ra cho ăn. “Tôi nói chuyện khá thường xuyên với hai chủ bè người Trung Quốc là A Giót và A Cang. Làm gì có chuyện người Trung Quốc được thuê qua đây làm chuyên gia nuôi trồng, vì họ bỏ tiền ra đầu tư rồi thuê người VN mình nuôi cho họ. Ai ở đây cũng biết vậy cả”. Ông A Cang cho biết, ông và những bạn bè người Trung Quốc tại đây cũng thường đi mua lại cá mú giống của người dân địa phương rồi nuôi thúc cho lớn, sau đó xuất về thị trường Trung Quốc.
Trên vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản của người Trung Quốc được xây dựng khá kiên cố. Mỗi bè rộng khoảng 100m2, trên đó xây dựng 2-3 ngôi nhà lợp tole màu để người Trung Quốc và những người VN làm thuê ở lại chăm sóc cá. Mỗi bè như vậy có rất nhiều lồng nuôi được liên kết chặt với nhau. Những bè cá này nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 200-250m về phía đông. Từ những vị trí đó có thể nhìn thấy khá rõ quân cảng Cam Ranh nằm về phía đối diện.
Nuôi trồng tự phát?
Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện trong khu vực này người dân nuôi khoảng 300ha cá mú, 10.000 lồng tôm hùm và cá mú. Ông Trần Văn Ớt - phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh - cho hay theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, do đặc thù của vùng biển này nên trong vịnh chỉ được phép nuôi trồng các loại thủy sản loại hai mảnh hoặc rong biển, không nuôi các loài thủy sản khác.
Cũng theo quy hoạch trên, đến trước năm 2015, phải di dời toàn bộ số lồng bè nuôi trồng hải sản trong vịnh Cam Ranh đến vùng biển xã Cam Bình. “Tuy nhiên, thời gian qua, do việc phân định tọa độ trên biển chưa thực hiện được vì địa phương chưa có kinh phí nên người dân nuôi trồng thủy sản tự phát. Cho đến nay, địa phương chưa cấp phép nuôi trồng hải sản ở vịnh Cam Ranh cho bất cứ ai, kể cả người trong và ngoài nước” - ông Ớt nói.
Được biết, cách đây một tuần, UBND TP Cam Ranh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hành chính các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh. Sáng 30-5, đoàn kiểm tra liên ngành này đã họp để báo cáo kết quả cho UBND TP Cam Ranh. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên chiều ngày 30-5, ông Trần Văn Ớt - trưởng đoàn kiểm tra - chỉ thừa nhận là có người Trung Quốc tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cam Ranh, song từ chối thông tin về kết quả kiểm tra, số lượng cũng như vai trò của những người Trung Quốc trên các lồng bè.
Ông Ớt chỉ tiết lộ rằng những người Trung Quốc này tham gia nuôi trồng thủy sản ở vùng diện tích mặt nước vịnh Cam Ranh do Cảng vụ Nha Trang quản lý chứ không phải do TP Cam Ranh quản lý. Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Kế Thân - giám đốc Cảng vụ Nha Trang - lại bác bỏ thông tin trên vì cho rằng cảng vụ không có chức năng cho phép nuôi trồng thủy sản! Trong khi đó, trưa ngày 30-5, ông Đào Văn Hòa - chủ tịch UBND TP Cam Ranh - chỉ nói ngắn gọn rằng hiện chưa nắm được báo cáo cụ thể của đoàn kiểm tra liên ngành.
“Nếu người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Cam Ranh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Hòa nói. Lãnh đạo UBND các phường có liên quan đến vịnh Cam Ranh như Cam Linh, Cam Phú... đều từ chối trả lời thông tin liên quan đến người Trung Quốc nuôi cá trong vịnh!
Chúng tôi cũng cố gắng tìm kiếm thông tin về việc xuất khẩu thủy sản nuôi tại vịnh Cam Ranh sang Trung Quốc thời gian qua, song mọi nỗ lực đều bất thành vì Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cam Ranh (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Cam Ranh) không cho phép vào vì hiện trong cảng đang sửa chữa một tàu hậu cần của Mỹ.
Nhiều thương lái Trung Quốc mua hải sản ở cảng cá Vĩnh Lương Tại cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa) thời gian qua có nhiều thương lái Trung Quốc đến mua các loại hải sản sau đó xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Một sĩ quan thuộc Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cho biết, hiện nay vẫn còn sáu thương lái Trung Quốc mua cá tại cảng này. Việc xử lý các thương lái Trung Quốc rất khó khăn khi họ luôn “núp bóng” các doanh nghiệp trong nước để sơ chế rồi xuất khẩu hàng. Đầu năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa bắt quả tang hai thương lái Trung Quốc mua cá “chui” và xử phạt hành chính mỗi người 15 triệu đồng. Song việc xử phạt không thực hiện được vì... không tìm được địa chỉ của các đương sự sau khi họ bỏ trốn khỏi VN. |
No comments:
Post a Comment