Trang

Tuesday, May 22, 2012

Gương khoa học gia: PGS.TS. Đặng Cẩm Hà và “Quy trình xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”

Tình cờ đọc được tin quan trọng này về một nhà khoa học nữ với công trình nghiên cứu hết sức quan trọng đối với môi trường và sức khỏe các thế hệ con người Việt Nam. Chúc mừng chị!

PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà nhận Huy chương vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc
21/5/2012 08:15 AM

Trong những ngày từ 3-6/5/2011, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nhận được giải thưởng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ. Tại đây, bà đã được trao Huy chương vàng cho sáng chế về “Quy trình xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”. Giải thưởng quốc tế này là sự ghi nhận quá trình phấn đấu nghiên cứu không mệt mỏi của PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự của bà.

Nghiên cứu công nghệ phân huỷ sinh học (bioremediation) để khử độc chất diệt cỏ/dioxin tồn đọng do chiến tranh để lại là đề tài mà PGS.TS. Cẩm Hà cùng các đồng nghiệp của mình tại Viện Công nghệ sinh học đã theo đuổi trong suốt 12 năm, bắt đầu từ năm 1999. Trải qua nhiều đề tài, dự án ở qui mô và các cấp quản lý khác nhau liên quan đến nghiên cứu: cơ bản, công nghệ, thử nghiệm qui mô lớn dần với các phân tích sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa và sự thay đổi nồng độ dioxin v.v., đề tài đã đạt được một số thành công nổi bật. Tháng 7/2010 đã báo cáo thử nghiệm xử lý khử độc thành công đối với đất nhiễm rất nặng chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Đà Nẵng ở quy mô 2 m3 hiện trường với 11 công thức khác nhau. Đây là sự hợp tác có hiệu quả giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Cục bảo vệ môi trường Hoa Kỳ. Tháng 2/2012, nhóm nghiên cứu lại tiếp tục nhận được kết quả phân tích hóa học đánh giá hiệu quả công nghệ trong xử lý làm sạch 3384 m3 đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa bằng phương pháp phân hủy sinh học thực hiện trong các lô “Chôn lấp tích cực “. Sau 27 tháng xử lý từ tổng độ độc trung bình ban đầu là 10.000 ng TEQ/kg đã chỉ còn 52 ng TEQ/kg đất khô, hiệu quả loại bỏ dioxin đạt 99,48%. Những thành công này của nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đứng đầu mở ra con đường xử lý khử độc để làm sạch một cách an toàn đất, trầm tích nhiễm chất diệt cỏ/dioxin với chi phí thấp và phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay của Việt Nam.

Với những kết quả vượt trội như vậy, “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 10246 cho Viện Công nghệ sinh học, Viện KHCNVN và các tác giả là Đặng Thị Cẩm Hà và Nguyễn Bá Hữu.

Đánh giá cao giá trị khoa học của công trình này cũng như năng lực nghiên cứu của người đứng đầu, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà tham dự Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động do Hiệp hội Nhà phát minh và Doanh nhân nữ thế giới (WWIEA) khởi xướng để tạo diễn đàn cho các doanh nhân và nhà khoa học nữ chia sẻ và trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tìm hiểu xu hướng công nghệ mới.

Trong số hơn 500 đại biểu từ 30 quốc gia, Ban tổ chức đã chọn trao giải thưởng cho những phụ nữ là chủ nhân của các nghiên cứu, sáng chế, mô hình mang tính đột phá và PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đã vinh dự nhận được Giải thưởng Vàng, một trong những giải thưởng cao nhất cho sáng chế mang tính chất mở đường của mình.

Vừa trở về từ Seoul, PGS. Đặng Cẩm Hà chỉ có thể dành cho chúng tôi một ít phút tranh thủ khoảng trống giữa những công việc bộn bề của bà. Ngay cả khi vừa trở về, PGS lại tiếp tục chuẩn bị cho các nhiệm vụ khoa học thường nhật của mình và các chuyến công tác tới đang cận kề. Có lẽ ai tiếp xúc với PGS.TS. Đặng Cẩm Hà ấn tượng đầu tiên cũng là sự quyết liệt của một người phụ nữ làm khoa học. Cách bà nhìn nhận, tiếp cận và giải quyết mọi vấn đề đều nhanh gọn, dứt khoát nhưng vẫn mang nét mềm mại, nữ tính của một người phụ nữ. Từ bà như toả ra ngọn lửa của lòng nhiệt tình, bầu nhiệt huyết với khoa học, khơi dậy trong những người xung quanh hoặc mới chỉ một lần tiếp xúc với bà sự cuốn hút, muốn được làm việc, niềm đam mê đối với công việc mà mình đã yêu thích và lựa chọn giống như bà.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà sinh năm 1952, hiện là nghiên cứu viên cao cấp, Nguyên trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện KHCNVN). Bà đạt học vị tiến sĩ năm 1991 và được phong học hàm Phó giáo sư vào năm 2005.

Trước khi công tác tại Viện KHCVN, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà trải qua quá trình đào tạo dài tại nước ngoài: tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ) , chuyên ngành sinh học năm 1975, lấy bằng tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo từ năm 1985-1995 bà đã về nước sau 10 năm tu nghiệp.

PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà là chủ nhiệm 22 đề tài, dự án ở nhiều cấp quản lý khác nhau (cấp Nhà nước, cấp Viện KHCNVN, hợp tác quốc tế …). Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà là công nghệ sinh học và tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường từ khi trở về nước. Từ nghiên cứu cơ bản sử dụng các công cụ mới, cập nhật đến nghiên cứu và áp dụng hiện trường công nghệ xử lý các nguồn ô nhiễm khác nhau thuộc nhóm hữu cơ khó phân hủy như dioxin, DDT, HCH, TNT, PAH và dầu mỏ cùng các sản phẩm của dầu mỏ đã được thực hiện. Các công nghệ hiện nay đã được áp dụng qui mô hiện trường là công nghệ phân hủy sinh học xử lý ô nhiễm dầu và chất diệt cỏ/dioxin. Công nghệ xử lý nước ô nhiễm dầu đã có tuổi thọ hơn 15 năm tại 5 kho chứa xăng dầu lớn nhất của miền Bắc nhưng chất lượng nước và chất thải rắn vẫn được đánh giá đạt tiêu chuẩn cao của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Đặng Cẩm Hà đã được công bố trên 120 bài báo tiếng Việt và 28 bài báo tiếng Anh trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà còn tham gia đóng góp ý kiến và soạn thảo những văn bản mang tính chất chiến lược đối với sự phát triển của Viện KHCNVN và ngành công nghệ sinh học nước nhà như Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và đổi mới đến năm 2020, Chương trình Công nghệ Sinh học cấp Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý, Xây dựng nhiệm vụ cho việc ứng dụng và phát triển kinh tế nền tảng sinh học trên cơ sở chìa khóa khoa học đầu tiên là phát hiện và khai thác nguyên liệu dy truyền từ vi sinh vật không thông qua nuôi cấy bằng công cụ Metagenomics cho Viện KHCNVN.

Khi mới trở về Việt Nam PSG TS Đặng Thị Cẩm Hà đã cùng một số đồng nghiệp xây dựng các dự án nhằm thu hút sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài và hợp tác song phương của Việt Nam. Dự án trang bị cho Viện Khoa học Việt Nam phòng thí nghiệm về môi trường từ quỹ không hoàn lại JICA Nhật Bản là một trong các đóng góp lớn lao của bà đối với sự phát triển tiềm năng trong nghiên cứu môi trường của Viện KHCNVN.

PGS TS Đặng Thị Cẩm Hà đã đào tạo nhiều nghiên cứu sinh, thạc sỹ, sinh viên cho các trường đại học khác nhau của Việt Nam. Bà luôn tâm niệm "Con hơn cha nhà mới có phúc" nên bà đã đào tạo một lớp cán bộ trẻ yêu khoa học và say mê nghề nghiệp và đã bắt đầu thành công trong sự nghiệp khoa học riêng của họ.

Với những cống hiến hết mình cho khoa học, bà đã nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng trong nước và quốc tế như giải Nhất giải thưởng VIFOTEC 2001, Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động VN, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường cùng năm 2001, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2005 và gần đây nhất là Giải thưởng vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc với sáng chế độc quyền “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học”.

Quỳnh Trang, Mai Lan
Phòng chuyên trách Trang thông tin điện tử Viện KHCNVN

Nguồn: http://vast.ac.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1419%3Apgsts-ng-th-cm-ha-nhn-huy-chng-vang-ti-trin-lam-quc-t-sang-ch-ca-ph-n-ti-han-quc-&catid=37%3Atin-khcn-trong-nc-&Itemid=34&lang=vi

No comments:

Post a Comment