Trang

Thursday, May 24, 2012

Về Luật Giáo dục

Chúng ta cứ kêu ca trình trạng dân chủ nước nhà. Nhưng chúng ta không chịu biết là có rất nhiều điều xảy ra trong cuộc sống chứng tỏ chúng ta quả thật dân chủ hơn cả Mỹ rất nhiều.

Một trong các thí dụ đó là quyền làm chủ của mỗi cá nhân chúng ta khi tham gia giao thông. Rõ ràng là đường ta, ta cứ đi, ai cũng có quyền, mặc kệ luật giao thông. Tình thế giao thông hỗn loạn mà người nước ngoài nào sang ta cũng kinh hãi. Đối với cơ quan công quyền thì Quốc lộ qua tỉnh ta, kể cả những quốc lộ hiện đại có rào tôn chắn hai bên như QL.5, ta cứ cắm biển đô thị hạn chế 50 km/h (những chỗ làm bẫy để bắn tốc độ phạt thì đặt biển 40 thậm chí 30 km/h)! Trong giới hạn cắm biển ấy thì tỉnh ta mặc sức quy hoạch đô thị hai bên đường, 5-7 năm sau lại nới rộng ra thêm mỗi bên vài km, mặc luật pháp nhà nước có hành lang an toàn cấm xây dựng. Kết quả là quốc lộ (nơi ô tô có giới hạn tốc độ 80 hoặc 100km/h) mỗi ngày một co ngắn lại. Thị xã Phủ lý, Ninh bình, Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, v.v. là các thí dụ trong vô vàn thí dụ ở khắp các quốc lộ trên Non sông Tổ quốc gấm hoa này. Vì thế đi dọc Việt Nam, QL1, con đường đã đi vào bao thơ ca, đang dần trở thành Đại lộ 1A. Trong một tương lai không xa khi đô thị nối liền đô thị, nó sẽ thật sự là đại lộ dài nhất hành tinh vì khắp cả trên 1000km nơi nào cũng sẽ hạn chế tốc độ đô thị 50km/h! Khi tỉnh phát triển đô thị chiếm quốc lộ làm đại lộ của tỉnh, thì ngành giao thông phải làm đường tránh "đô thị" như ở Thanh hóa, Vinh, Hà Tĩnh, v.v. là chuyện tất nhiên vậy!

Câu chuyện  GIÁO DỤC cũng vậy. Vì ai mà chẳng phải đi học, gia đình nào mà chẳng có ai đấy đang đi học, nên ai cũng phát biểu đóng góp ý kiến được cả. Vì thế gần như ai cũng có ý tưởng làm giáo dục và đều có thể làm hiệu trưởng và thậm chí cả TƯ LỆNH ngành Giáo dục được vậy. Ai biết một chút cũng tự cho mình là đúng, là duy nhất đúng. Lãnh đạo cao nhất thì cứ đẽo cày giữa đường, thời bộ trưởng Hiển ra được nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới toàn diện và triệt để*) chưa kip thực hiện...thì đến đời bộ trưởng Nhân lại viết Đề án đổi mới giáo dục 20??-2020**). Mất hơn tá bản thảo chưa thành và nghe nói tháng 10 này sẽ trình sau 15 lần hội thảo (và bản thảo?). Mà khen nghị quyết 14/2005 thì cũng phải nói là nhiều nội dung của nó đi ngược lại Luật giáo dục 2005, cũng đã được soạn thảo cùng thời. Điều ấy chỉ nói lên rằng những quan điểm tranh cãi tồn tại trong chính Bộ GD&ĐT. Chính trong cái đầu não giáo dục mà còn như vậy thì làm sao thống nhất được tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch hành động và triển khai thực thi đổi mới giáo dục, không kể khi thực thi xuống từng cơ sở sẽ còn vô vàn lực cản phải vượt qua!

Vì thế hàng chục năm nay rồi cái đề tài CẢI CÁCH GIÁO DỤC vẫn nóng hổi như ngày nào. Hôm nay ngành giáo dục dưới quyền bộ trưởng Luận trình ra Quốc hội bản thảo Luật Giáo dục 2012 (?) để thay thế cho Luật Giáo dục 2005 dù nội dung còn rất nhiều điều phải nói. Hãy đọc ý kiến một vài chuyên gia và chờ xem kết quả!
"Việc 150 sinh viên không được đi học chắc chắn sẽ không làm "chết" ai cả, nhưng cách làm việc tùy tiện, chộp giật đối với những quyết định của ngành giáo dục mới chính là điều làm cho xã hội lo lắng"
 "Bộ GDĐT đang đề ra hàng loạt chương trình cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa. Nhưng thiết nghĩ một việc làm đơn giản như trên còn làm chẳng ra đầu ra đũa, tùy tiện, ngẫu hứng như vậy thì việc hệ trọng cải cách cả một nền giáo dục tụt hậu, đầy sự bất cập sẽ được giải quyết như thế nào đây? Người dân sợ là sợ cung cách làm việc tùy tiện như vậy, và đó cũng là một câu trả lời cho việc, vì sao giáo dục lại chắp vá tới thế. Nếu không có tầm giải quyết các vấn đề một cách căn cơ, mà vụ dừng đề án 322 là một ví dụ nhỡn tiền thì có lẽ Bộ GDĐT hãy khoan nói tới chuyện cải cách giáo dục./." (Gia Bảo, Báo Tổ Quốc 25/5/2012, "Tùy tiện trong việc nhỏ sao nói được chuyện cải cách?")
Bổ sung ngày 26/5: Giáo sư Phạm Phụ nói cụ thể hơn:
"Nếu thông qua Luật Giáo dục Đại học (ĐH) trong kỳ họp Quốc hội lần này thì chúng ta làm ngược quy trình. Luật Giáo dục ĐH là nội dung phải hành lang hóa các đường lối chính sách của nhà nước. Đường lối của Giáo dục thể hiện ở chiến lược giáo dục. Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH đang được Quốc hội bàn thảo để thông qua trong hoàn cảnh chiến lược Giáo dục 2011-2020 được đưa ra để bàn thảo đã bị dư luận phê bình và đã rút vào im lặng cách đây 3 năm; Dự án Giáo dục ĐH 2 đang còn thuê tư vấn nước ngoài tốn hàng triệu đô la Mỹ để làm kế hoạch tổng thể trong 2 năm qua vẫn chưa xong! Điều quan trọng hơn cả là đến tận tháng 10-2012, hội nghị Trung ương 10 mới ra nghị quyết về GD&ĐT. Điều đó có nghĩa là các quyết định lớn về đường lối chính sách cho Giáo dục ĐH còn chưa có. Vậy thì Luật Giáo dục ĐH nay nếu được thông qua làm sao có thể “hành lang hóa” các chính sách lớn? Nói quy trình ngược là vì vậy. Theo tôi, có rất nhiều vấn đề quan trọng mang tính chiến lược nhưng chưa được đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần này. Ví dụ, vấn đề tài chính cho Giáo dục ĐH là một bài toán khó, cần có những quyết định về đường lối có nhiều vấn đề liên quan như: Học phí, công bằng xã hội, vấn đề quỹ cho sinh viên vay vốn… Đây là những vấn đề dường như vắng bóng trong Luật Giáo dục ĐH lần này" (Tienphong, 26/5/2012, Chưa nên thông qua Luật giáo dục Đại học kỳ này)
_________________
*)  Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020
**) Tuổi trẻ 7/5/2012: Tháng 10 sẽ trình đề án đổi mới giáo dục: “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”


Mặc dù "Học bổng 322: Ngừng cũng đúng!", nhưng cách ra quyết định ngừng tùy tiện  nói lên điều lớn lao hơn về sự thiếu chuyên nghiệp của lãnh đạo của Bộ GDĐT
ĐỌC THÊM:

+ Đọc GS Nguyễn Ngọc Trân về quá trình hình thành & sửa đổi Luật GD: tuanvietnam 24/5/2012, Dự luật Giáo dục Đại học: Tại sao phải thông qua ngay?;
+ GS Phạm Phụ về sự cần thiết có Chiến lược GD trước khi có Luật GD, Tienphong, 26/5/2012, Chưa nên thông qua Luật giáo dục Đại học kỳ này
+ Báo Giáo dục Việt Nam, 25/5/2012, Nguyên thứ trưởng Bộ GDĐT PGS. Trần Xuân Nhĩ: "Không kì vọng nhiều vào dự luật Đại học"
+ Báo Tuổi trẻ 25/5/2012: Chưa rõ “tự chủ đại học”
+ Báo Vnexpress, 25/5/2012, GS. Nguyễn Minh Thuyết, "Luật giáo dục đại học cần điều chỉnh phù hợp với thực tế"
+ Báo Tổ Quốc có bài viết tốt của Gia Bảo "Tùy tiện trong việc nhỏ sao nói được chuyện cải cách?"
+ Đọc Dân Trí 27/9/2011: Tìm hướng đi cho cải cách giáo dục

THỜI SỰ GIÁO DỤC
25/05/2012 10:41
(Toquoc) - Những ngày qua, ngành giáo dục lại gây xôn xao khi bất ngờ tuyên bố tạm dừng cấp học bổng cho các chỉ tiêu tuyển năm nay của Đề án 322 khi mọi công việc đã hoàn tất. Một sự việc thể hiện cách làm "ngẫu hứng", tùy tiện của Bộ này.
Giữa tháng 5, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) có thông báo về việc dừng cấp học bổng theo đề án 322 cho đối tượng sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện công trình đoạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010 và giải nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2011.
Nguyên nhân của việc dừng học bổng 322 là do không còn chỉ tiêu để xét cấp học bổng thạc sĩ bằng ngân sách nhà nước. Sinh viên nào tiếp tục chọn học thạc sĩ trong nước thì ngay sau khi tốt nghiệp thạc sĩ và Bộ này sẽ xét cấp học bổng để đi học trình độ tiến sĩ theo một đề án mới nối tiếp đề án 322 mà bộ đang xây dựng.

Cuộc đối thoại với phụ huynh và sinh viên trong diện Đề án 322 được tổ chức hôm 21/5 không thể giải quyết hết nỗi bức xúc (Nguồn: VTC.vn)
Được biết đề án 322 là một chương trình nhận được nguồn kinh phí rất lớn, từ năm 2.000 đến 2010 tới trên 2.500 tỉ đồng, trung bình mỗi năm chi 228,5 tỉ đồng.
Được thực hiện từ năm 2000, đã có gần 4.600 người được đi học nước ngoài, trên 3.000 lưu học sinh đã được đào tạo và trở về. Nhiều người trong số này đã giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp trở về đã không phát huy được năng lực, không có môi trường để phát triển tiếp.
Những bất cập của đề án được chính Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thừa nhận như phương thức đào tạo phối hợp gặp khó khăn do người học hạn chế về ngoại ngữ và bất cập lớn nhất là việc không quan tâm đến cơ chế ưu đãi thu hút người sử dụng và tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp.
Nhưng gạt sang một bên những lý do bất cập trên, cách dừng đề án của Bộ GDĐT năm nay thật là kỳ lạ. Với quyết định dừng này, có khoảng 150 sinh viên bị ảnh hưởng.
Ở đây không phải việc Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Vang sẽ lo được cho sinh viên bị ảnh hưởng như thế nào theo cách ông khẳng định trên báo chí. Mà nó thể hiện một việc làm tùy tiện của một cơ quan cao nhất về giáo dục.
Theo lý giải của ông Vang, đến nay, tổng số lưu học sinh đi học đã đạt chỉ tiêu nên không có cơ sở để được Bộ Tài chính cấp kinh phí cử thêm người đi học mới.
Dư luận đặt câu hỏi, việc cấp kinh phí này có phải là việc trong thoáng chốc mới tính được không? Bởi chắc chắn, đây là những việc đã nằm trong kế hoạch và phải được tính toán cụ thể cho từng năm và đó hẳn phải là một kế hoạch dài hạn.
Vậy mà Bộ GDĐT đã không làm nổi, vẫn cho thi cử, học ngoại ngữ tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc của cả thí sinh lẫn gia đình họ.
Cách giải thích của quan chức bộ không làm thỏa mãn người dân. Rõ ràng việc không có tiền là việc hoàn toàn có thể được dự báo trước.
Những quyết định gây bức xúc thường liên quan tới đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục thì càng gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ chuyện đổi giờ học tới thiếu trường mầm non hay đạp đổ cả cổng trường xin học cho con…. đều gây nháo nhào, gây tâm lý bất an cho xã hội.
Việc 150 sinh viên không được đi học chắc chắn sẽ không làm "chết" ai cả, nhưng cách làm việc tùy tiện, chộp giật đối với những quyết định của ngành giáo dục mới chính là điều làm cho xã hội lo lắng.
Ông cục trưởng tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm với các sinh viên này. Vậy ông chịu trách nhiệm thế nào và chịu trách nhiệm kiểu gì ở đây? Nếu ông cục trưởng là phụ huynh của một trong số 150 sinh viên kia thì ông sẽ nghĩ, sẽ phản ứng như thế nào? Vậy ông có vui lòng trước một lời tuyên bố chịu trách nhiệm một cách ráo hoảnh như thế không?
Nếu đề án có nhiều bất cập thì phải có một kế hoạch được thông báo sớm về việc dừng trước đó từ 1-2 năm chứ không phải là việc ngẫu hứng.
Bộ GDĐT đang đề ra hàng loạt chương trình cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa. Nhưng thiết nghĩ một việc làm đơn giản như trên còn làm chẳng ra đầu ra đũa, tùy tiện, ngẫu hứng như vậy thì việc hệ trọng cải cách cả một nền giáo dục tụt hậu, đầy sự bất cập sẽ được giải quyết như thế nào đây?
Người dân sợ là sợ cung cách làm việc tùy tiện như vậy, và đó cũng là một câu trả lời cho việc, vì sao giáo dục lại chắp vá tới thế. Nếu không có tầm giải quyết các vấn đề một cách căn cơ, mà vụ dừng đề án 322 là một ví dụ nhỡn tiền thì có lẽ Bộ GDĐT hãy khoan nói tới chuyện cải cách giáo dục./.
Gia Bảo

No comments:

Post a Comment