Trang

Tuesday, April 17, 2012

Nguyễn Thị Từ Huy: "Việt Nam ngày nay cần có những người lãnh đạo hiểu rằng hình ảnh của quốc gia chính là hình ảnh của họ, hình ảnh của nhân dân cũng chính là hình ảnh của họ. Vinh và nhục của đất nước chính là vinh và nhục của họ."

Với cái tiêu đề thật khiêm tốn "Sách và các nhà quản lý giáo dục" Nguyễn Thị Từ Huy nói những chuyện thật lớn tác động đến vận mệnh dân tộc, mà nhìn xa hơn nó lý giải sự khác nhau về thân phận dân tộc, ít nhất là giữa 4 quốc gia ảnh hưởng Khổng giáo là Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Việt Nam hiện đang khủng hoảng trên nhiều phương diện, không ai có thể phủ nhận điều đó, nhưng bài viết này không nhằm trình bày các khủng hoảng. Để giải quyết các khủng hoảng đó, vấn đề của Việt Nam là, trong bộ máy quản lý và lãnh đạo các cấp cần có  những người hiểu một số điều căn bản, nền tảng, mà thiếu chúng thì sẽ không có những chuyện khác, sẽ không có các giải pháp cũng như các chương trình phát triển hiệu quả. Việt Nam cần có những người lãnh đạo hiểu rằng quyền lợi của họ gắn với lợi ích của tổ quốc, của dân tộc. Cần có những người hiểu rằng sự thành công của họ phụ thuộc vào sự phát triển của đất nước, phụ thuộc vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của toàn thể nhân dân, chứ không phải chỉ của một bộ phận nhỏ đặc quyền đặc lợi. Việt Nam ngày nay cần có những người lãnh đạo hiểu rằng hình ảnh của quốc gia chính là hình ảnh của họ, hình ảnh của nhân dân cũng chính là hình ảnh của họ. Vinh và  nhục của đất nước chính là vinh và nhục của họ. 
Việt Nam cần có những người lãnh đạo ở các cấp hiểu rằng: uy tín của họ gắn với uy tín của đơn vị, của quốc gia. Và uy tín của đơn vị hay của quốc gia tuyệt đối không đồng nhất với túi tiền cá nhân. Dù cho họ có là những người giàu nhất thế giới đi chăng nữa, nhưng nếu đa số nhân dân lầm than, đất nước lụn bại, thì xét về mặt chính trị và xét ở cương vị lãnh đạo, họ không thể được coi là những người thành công, mà thực chất đấy là sự thất bại thảm hại của họ trên chính trường. Họ có là những người giàu nhất thế giới nhưng người dân của họ đến củ sắn cũng không có mà ăn thì thành tựu của họ về mặt phát triển cũng chỉ được đánh giá bằng những củ sắn thiếu đó. Họ có là những người giàu nhất thế giới mà đất nước bị xếp vào hạng các nước nghèo nhất, thì họ cũng chỉ là đại diện cho một dân tộc nghèo hèn mà thôi. Và trên cương vị lãnh đạo, họ phải chịu trách nhiệm vì đã để cho quốc gia lâm vào tình trạng tồi tệ ấy. Khủng hoảng của đất nước chính là khủng hoảng của lãnh đạo, chính là biểu hiện của sự bất lực và thất bại của giới lãnh đạo trong công việc quản lý và điều hành quốc gia.
 Việt Nam cần có những người lãnh đạo hiểu rằng sự thành công trong sự nghiệp chính trị, hay sự thành công trong vai trò lãnh đạo không phải ở chỗ dành được một cái ghế nào đó, mà là ở chỗ: khi ngồi trên cái ghế đó họ làm được những gì để ghi lại dấu ấn của họ, để ghi lại giá trị của họ, để giúp cho sự phát triển của khu vực mà họ điều hành. Việt Nam cần có các nhà lãnh đạo biết sử dụng quyền lực để tạo ra sự phát triển thay vì bị quyền lực điều khiển và dẫn tới kìm hãm xã hội. "
Và chị cảnh báo điều những ai có học và có trăn trở về vận mệnh dân tộc đều có thể nhìn thấy:
" Tình thế toàn cầu hóa khiến cho các nước không thể tự cô lập mà còn có thể giữ được sự yên ổn. Còn một khi đã tham gia vào cục diện chung, nếu nền giáo dục không đào tạo được những con người đủ năng lực đưa đất nước tới sự hội nhập, đủ phẩm chất để chinh phục và được công nhận ở đẳng cấp quốc tế, thì sự tụt hậu rất có thể kéo theo sự lệ thuộc, kéo theo sự nô lệ dưới nhiều hình thức: nô lệ về văn hóa, về kinh tế, về chính trị… "

Đọc toàn văn trên Văn hóa Nghệ An:  "Sách và các nhà quản lý giáo dục": http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/sach-va-cac-nha-quan-ly-giao-duc
Đọc thêm GS Văn Như Cương: "đội ngũ các nhà quản lí GD của ta còn chưa xứng tầm để thực hiện cái quyết định đúng đắn về đổi mới GD"

No comments:

Post a Comment