Trang

Tuesday, May 15, 2012

Về một nền giáo dục bất bình thường

Sự kiện phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm không có gì bất ngờ, cũng giống như những sự kiện chen lấn cố giành cho con một chỗ học mẫu giáo ở Thanh Xuân Bắc và nhiều nơi khác những năm qua mà thôi. Một khi nhu cầu không được đáp ứng, một khi chính sách giáo dục thả mặc tùy hứng cho các đời lãnh đạo. Một nền giáo dục không có chiến lược thực tế và ổn định hay nếu chiến lược có vạch ra (như nghị quyết 14/2005 của thủ tướng chính phủ về Đổi mới toàn diện và triệt để...*) chẳng hạn) mà không có kế hoạch triển khai hợp lý và kiên trì thì nước chảy bèo trôi, hỗn loạn xã hội là chuyện hiển nhiên vậy.

Đổi mới lại nền giáo dục phải xuất phát từ mục tiêu giáo dục. Đất nước cần những công dân thế nào trong 15-20 năm tới? Những kẻ chữ nghĩa rỗng tuếch nói sáo ngữ mà không hiểu nội dung hay nặng hơn là gian dối, nói một đàng làm một nẻo? Hay là những nhân cách mà vẻ đẹp nhân tính thể hiện qua từng ngôn từ, hành động, ứng xử?  Để giáo dục ra hai kiểu người ấy khác nhau một trời một vực, không chỉ ở nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá!

Nhưng giáo dục chưa đủ, trạng huống xã hội ảnh hưởng đến sự biến thái nhân cách- ở đây hoàn toàn có thể xảy ra một quá trình giải/phản giáo dục. Một tiến sỹ Nguyễn Văn Thành nói vấy đổ cho thế lực thù địch trong vụ Đoàn Văn Vươn, chống lại kết luận của thủ tướng, mà không bị trừng phạt thì cũng sẽ có một tiến sỹ nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Hào đổ cho dân và phản động nước ngoài móc nối dựng video công an đánh phụ nữ, nhân dân và nhà báo! Vì thế không chỉ phải đổi mới giáo dục, đất nước phải đổi mới tổ chức xã hội để kiểm soát được quyền lực công, xây dựng một xã hội minh bạch (trung thực) thì mới mong mục tiêu đào tạo đặt ra trong giáo dục sẽ đi cùng công dân suốt cuộc đời của họ!

Nhìn lại lịch sử, câu nói của cụ Hồ " Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em." cất lên từ 1945. Song gần 70 năm qua với ít nhất 3 thế hệ chúng ta đang đối diện với những thách thức gì, cả bên trong và bên ngoài? Nhiệm vụ giải phóng dân tộc kết thúc đã được gần 40 năm (1975-2012). Đó là khoảng thời gian đủ để nước Nhật bước ra khỏi đổ nát hoang tàn 1945 để trở thành một cường quốc những năm 1980! Thời gian đủ để Singapore trở thành một quốc gia hiện đại (1965-2000+). Còn sự sáng suốt của dòng giống con Lạc cháu Hồng đã làm được những gì, đưa dân tộc đến đâu, sánh vai được với những ai?

Đã đến lúc không thể lú lẫn bịt tai bưng mắt không dám nhìn vào thực tế đất nước, vào thực tế môi trường xung quanh (Đông Á và Đông Nam Á) và rộng lớn hơn là thực tế của 5 châu lục của thế kỷ 21 và không chịu học những trí tuệ mà nhân loại đã mất nhiều thế hệ sáng tạo hàng trăm năm qua nếu chúng ta thực sự muốn cho con cháu mỗi chúng ta được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp hơn, và được sống trong một xã hội nhân văn hơn! Một cái tâm sáng, một cái tầm trí tuệ và cái dũng của một con người có lương tri là những đòi hỏi ở mỗi người con của tổ quốc này phải có!
___________________
*) NGHỊ QUYẾTCỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2005/NQ-CP NGÀY 02 THÁNG 11 NĂM 2005 VỀ ĐỔI MỚI CƠ BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 - 2020: được ra đời nhưng có lẽ sẽ không bao giờ được thực hiện


Bản chất của công nghệ giáo dục là đào tạo năng lực- khái niệm được nói đến nhiều hơn 20 năm nay: competency-based learning (CBL), khác với quan điểm đào tạo truyền thống: knowledge-based learning (KBL) . Chương trình đào tạo ở Trường Thực nghiệm có thể chưa hoàn toàn tối ưu, nhưng tư tưởng "công nghệ" là đúng đắn xét trên phương diện khoa học giáo dục hiện đại. Nếu nhớ lại tư tưởng của Hồ Ngọc Đại được triển khai từ 1978 thì có thể thấy nền GD phổ thông nước nhà đã bỏ lỡ cơ hội để Đổi mới GD suốt hơn 30 năm qua! Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này thưa các thế hệ lãnh đạo anh minh? 
Đọc Tuần Vietnam 24/5/2012, "Đâu mới là mô hình Trường Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại?"
Đọc ý kiến của nguyên thứ trưởng bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ nhân chuyện trường Thực nghiệm: "Nguyên Thứ trưởng bàn chuyện phụ huynh đạp đổ cổng Trường Thực nghiệm";
Về nguyên nhân mô hình thực nghiệm bị cấm nhân rộng: "Điều gì đang xảy ra sau cánh cổng trường Thực nghiệm?"
Câu hỏi chờ Bộ GDĐT trả lời: "Xin được gửi về Bộ Giáo dục & Đào tạo" (Bùi Hoàng Tám)
Về sự tự do giáo dục: "Người Việt chưa có quyền chọn hệ thống giáo dục"
Nghe bài hát buồn về chuyện giáo dục nước nhà qua sự kiện trường Thực nghiệm:

No comments:

Post a Comment