Trang

Thursday, May 17, 2012

Nhớ ngày 19/5 đọc lại "Bản yêu sách của nhân dân An-Nam", "Tuyên ngôn độc lập", "Hiến pháp 1946" và "Sửa đổi lối làm việc"

Hồ Chí Minh 1946
Con người sinh ra suy nghĩ, tính nết không ai giống ai cho dù có sinh đôi cùng trứng! Vì thế không lạ gì khi có những suy nghĩ đánh giá khác nhau cùng một hiện tượng, sự việc. Đấy là cái gốc của nền dân chủ hiện đại, của tổ chức xã hội dựa trên những giá trị chung và sự tôn trọng cá nhân.

Ngày mai, 19/5, là ngày sinh nhật của người đã khai sinh ra chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- cố chủ tịch Hồ Chí Minh. Âu cũng là dịp để không chỉ meeting kỷ niệm, cần suy nghĩ về tư tưởng của Người và rút ra ít nhiều điều cho hiện thực hôm nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ ràng và cô đọng nhất trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó chính là tuyên ngôn về quyền con người và quyền dân tộc, là sự hội nhập giá trị dân tộc với giá trị nhân loại, là nền tảng xây dựng một nước Việt Nam hiện đại, đa dân tộc, đa xu hướng chính trị, vì các giá trị cốt lõi "Hòa bình", "Thống nhất", "Độc lập", "Dân chủ" và "Giàu mạnh". Các giá trị đó được thể hiện vắn tắt mà mạch lạc trong Hiến pháp 1946 mà Quốc hội đầu tiên đã thông qua.

Nhưng điều gì đã làm cho con cháu người tới thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, gần 100 năm sau ngày Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước đưa ra Bản yêu sách của nhân dân An-nam *) tại Hội nghị hòa bình Versailles (1919) và dù đã đi qua chiến tranh giành độc lập và thống nhất dân tộc được 37 năm vẫn còn lầm than trong bạo hành và nghèo hèn? Con cháu người đến hôm nay vẫn còn nêu những câu hỏi mà Người đã từng nêu trong Yêu sách, mục thứ 7, thế này :"Hành chính cai trị hay hành chính phục vụ?". (vietnamnet.vn, 18/5/2012)

Và nếu nói một việc cụ thể hơn thì điều gì đã làm cho chính đảng cách mạng do Người sáng lập, dìu dắt và rèn giũa lại phải lâm vào tình trạng mà đương kim Tổng bí thư đảng, ông GS.TS Nguyễn Phú Trọng đã phải cảnh báo là đe dọa "sinh mệnh đảng" và "sự tồn vong của chế độ" và chỉ ra tại Hội nghị TW4 rằng :
"chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan:  
Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.  
Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém."
Ông TBT nói điều này sau cả hơn chục năm Đảng kêu gọi học tập đạo đức Hồ Chủ Tịch. Tại sao học tập đạo đức Người mà hiện trạng càng ngày càng sa sút? Đã đến lúc cần phải đọc lại toàn bộ tác phẩm của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, rút ra những bài học về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức. Phải học tư tưởng, phương pháp tư duy và hệ thống giá trị trong tổ chức xã hội và ứng nhân xử thế chứ không thể chỉ kêu gọi học tập đạo đức một cách chung chung. Và thực tế ngay trong Trung ương đảng và Bộ chính trị có ai dám nói đã thực sự học được đạo đức của Người?

Mặc dù sau 65 năm, có nhiều vấn đề của cuộc sống/xã hội xẩy ra hôm nay chưa được đặt ra lúc đó, và mặc dù cái nhìn về khoa học/công nghệ/kỹ thuật lúc ấy còn thô sơ, sự lệch lạc/khuyết điểm cuả đảng viên và tổ chức đảng lúc ấy (năm 1947, mới cầm quyền 2 năm) cũng ở mức độ đơn giản, chưa nghiêm trọng, nhưng tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" thực sự có tầm nhìn xa và chứa đựng một số bài học quan trọng cho mọi tổ chức- nếu ta biết chắt lọc cho đúng. Đối với đảng cầm quyền, những bài học Hồ Chủ Tịch viết ra thật cụ thể, dễ học, chỉ cần người cán bộ có cái Tâm trong sáng thực sự vì dân vì nước là học được. Một trong nhiều bài học ấy hôm nay cũng có người viết lại: "Tin dân mọi việc sẽ thành công" (vietnamnet.vn, 18/5/2012) (và bổ sung ngày 19/5/2012 "Những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau"(vietnamnet.vn, 19/5), nhưng những cán bộ đảng có trách nhiệm có thuộc nằm lòng???

Sự suy thoái của đảng mà Hội nghị TW4 chỉ ra, xét về nguyên nhân gốc rễ, có thể nói đó là trong một thời gian quá dài sách "Sửa đổi lối làm việc" của Hồ Chủ Tịch đã chưa được sử dụng làm sách gối đầu giường của mỗi đảng viên và làm tài liệu phê và tự phê thường xuyên trong tổ chức đảng!

_____________________________
*) Trích bản dịch tiếng Việt "Bản yêu sách của nhân dân An-Nam"
1) Ân xá toàn diện cho những dân bản xứ vốn bị lên án vì những hoạt động chính trị
2) Cải tổ nền công lý Ðông Dương bằng cách ban cho nhân dân bản xứ những bảo đảm về công lýnhư những người Âu Châu được hưởng, và xóa bỏ toàn bộ guồng máy tòa án đặc biệt vốn là những phương tiện để khủng bố và đàn áp những thành phần có trách nhiệm của nhân dân An Nam.
3) Tự do báo chí và ngôn luận
4) Tự do lập hội và hội họp
5) Tự do di chuyển và xuất ngoại
6) Tự do giáo dục và tạo ra những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp trong mỗi tỉnh cho người dân bản xứ.
7) Thay thế chế độ cai trị bằng những sắc luật tùy tiện bằng một chế độ luật pháp.
Thay mặt cho một nhóm người An nam yêu nước
NGUYỄN ÁI QUỐC (Ký tên)
56, rue Monsieur le Prince, Paris
18 tháng Sáu năm 1919.

NGHE TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP do chính Hồ Chủ Tịch đọc:

No comments:

Post a Comment