Mấy trường đại học công này đang bán kiến thức cho sinh viên như mấy hàng cơm bụi: gọi món rồi, dù nhà hàng chưa kịp chế biến, mà không ăn nữa vẫn bị bắt phải trả tiền!
Thứ tư 30/05/2012 06:05
(GDVN) - "Bạn goi một bát phở người ta làm xong xuôi rồi mà đứng lên không ăn nữa, như vậy là không được. Do đó đã đăng kí là phải đóng tiền dù học hay không", TS. Phạm Văn Bổng – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói.
Cùng mang tên trường ĐH Công nghiệp, cùng thuộc Bộ Công thương, Trường ĐH CN Hà Nội nghĩ sao về phạt đóng học phí gấp đôi của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM? Báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với TS. Phạm Văn Bổng – Trưởng phòng đào tạo trường ĐH CN HN về vấn đề này.
Hình phạt đóng học phí của Trường ĐH CN TP.HCM bị coi là quá tàn khốc với sinh viên |
Gọi phở rồi mà không ăn tất vẫn phải trả tiền
Thưa TS Phạm Văn Bổng, cùng là trường thuộc Bộ Công thương, ông nghĩ sao về quy định phạt học phí gấp đôi và phải học vào học kì sau/môn đóng tiền trễ của trường ĐH CN TP.HCM?
Ông Phạm Văn Bổng: Mỗi trường có một quy định về hình phạt khác nhau. Nhưng khi sinh viên đóng học phí không đúng kì han, lớp học đó phải hủy bỏ nên sinh viên phải đóng học phí là chuyện đương nhiên.
Về mặt nguyên tắc học theo tín chỉ nếu đã đăng kí là phải nộp học phí. Ngay đầu kì phải nộp học phí ngay. Nếu trường nào tha cho thì được, còn nếu không tha cho bắt phải đóng hai lần cũng không phải là sai. Hệ đào tạo tín chỉ thì đã đăng kí học là phải trả tiền dù bạn có học hay không học.
Cũng giống như bạn đi vào quán phở, bạn goi một bát phở người ta làm xong xuôi rồi mà mình đứng lên bảo không ăn nữa, như vậy là không được. Không thể đến trưa bạn quay lại rồi bảo cho tôi ăn bát phở lúc sáng. Do đó, bạn muốn ăn bát thứ hai thì phải trả tiền cho lần trước. Do đó đã đăng kí là phải đóng tiền dù học hay không
Nhưng trong trường hợp này, đăng ký nhưng chưa học cũng giống như người ta gọi bát phở nhưng chủ quán chưa làm, và người mua bảo không ăn, như vậy cũng cần phải trả tiền cho câu nói của mình?
Ông Phạm Văn Bổng: Tôi nghĩ rằng xử phạt thế nào là lựa chọn và cách giải quyết của từng trường.
Nếu sinh viên nôp muộn 5 môn bị phạt đến khoảng 2,5 triệu đồng. Theo ông đây có phải là số tiền quá lớn với sinh viên?
Ông Phạm Văn Bổng: Tất nhiên là đối với sinh viên thì số tiền 250.000 đồng cũng là quá lớn. Nhưng nếu không muốn bị phạt thì các bạn hãy làm đúng theo nguyên tắc.
Theo ông việc phạt bằng kinh tế khá lớn đối với sinh viên đóng học phí muộn có phải là cách giải quyết của các trường hiện nay?
Ông Phạm Văn Bổng: Thật ra tôi thấy rằng trong hệ thống 400 trường ĐH, CĐ tôi mới biết có hai Trường ĐH FPT và trường này áp dụng hình thức phạt tiền sinh viên, còn các trường khác sẽ có những biện pháp giải quyết riêng.
Theo ông hình thức phạt tiền như vậy có phải quá hà khắc với sinh viên, nó có phù hợp với nền kinh tế đất nước đang rất khó khăn hiện nay?
Ông Phạm Văn Bổng: Tôi cũng chưa nghiên cứu kĩ nên cũng khó trả lời được.
ĐH Công nghiệp Hà Nội: Đuổi học nếu không đóng học phí sau lần thông báo thứ 2
Theo ông hình phạt như thế này có đủ sức răn để sinh viên đóng đúng hạn?
Ông Phạm Văn Bổng: Tất nhiên hình phạt nào cũng có tác dụng răn đe. Nhưng răn đe đến đâu thì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có khi hình thức phạt nghiêm khắc quá cũng có thể làm cho sinh viên không phục và càng phản kháng. Nhưng nếu hình thức phạt quá nhẹ thì lần sau sinh viên vẫn cứ tiếp tục như thế cũng việc quản lí sẽ rất khó khăn. Do đó áp dụng quy định như thế nào mỗi trường cần phải cân nhắc cho kĩ lưỡng quá trình đào tạo, bản chất, điều kiện của sinh viên.
Vậy với sinh viên trường ông, nếu sinh viên đóng tiền muộn thì sẽ có cách giải quyết như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Văn Bổng: Với trường tôi vào học kì các em được thông báo đóng học phí. Hết thời hạn đó nếu chưa đóng thì chúng tôi sẽ có thông báo đến tận sinh viên và gia đình sinh viên đó. Chúng tôi sẽ cho ra một khoảng thời gian nhất định để sinh viên đóng học phí. Nếu không hoàn thành học phí trong khoảng thời gian khoảng nửa tháng đó thì ngay lập tức trường sẽ có thông báo buộc thôi học.
Hết hạn đóng học phí lần hai rồi thì sinh viên coi như vi phạm hình thức kỉ luật của nhà trường và sẽ không được học tiếp ở trường, coi như bị đuổi học. Trường này không giống như trường kia là cho đóng học phí hai lần để vẫn được đi học tiếp.
Trường ĐH CN TP.HCM và các cơ sở trực thuộc không đồng nhất các thông báo đến sinh viên, theo ông cách làm này có đúng không?
Ông Phạm Văn Bổng: Nếu cùng một hệ thống trường mà có những quản lí khác nhau là không đúng. Do đó nhà trường cần phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho các sinh viên. Chứ nếu trường này có thông báo, trường kia không có thông báo như thế là không công bằng với sinh viên.
Ông có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên trường ĐH CN TP.HCM?
Ông Phạm Văn Bổng: Tôi biết rằng đã cho con đi học thì gia đình nào cũng sẽ cố gắng thu xếp tiền học cho con. Hiện nay còn có nhiều chính sách ưu đãi như cho vay nợ để đi học. Chính vì thế tôi nghĩ nếu như sinh viên đến hạn đóng học phí mà không đóng thì đa phần là do sinh viên đó đã trót tiêu mất số tiền học phí đó.
Tôi chỉ có một lời khuyên như thế này: nếu đã là sinh viên thì dù là sinh viên trường nào cũng cần phải biết tôn trọng quy định của trường đề ra. Đặc biêt là về vấn đề học phí đã có thông báo cụ thể thì cần phải đóng học phí trước kì hạn.
Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!
No comments:
Post a Comment