Kết thúc hội nghị TW4: Vẫn chưa đổi mới được tư duy, dù đã chỉ ra được sự biến tướng của "vũ khí sắc bén xây dựng Đảng phê và tự phê" thành "tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau...". Đây chính là bộ phận chủ đạo của cơ chế lọc ngược dẫn đến tình trạng "thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm" hay "thẳng thắn thật thà thì thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương", v.v. xuất hiện truyền khẩu (văn học dân gian) thời bao cấp, cả lúc cuộc chống Mỹ chưa thành mà TBT, vốn là dân Tổng hợp Văn, thuở hàn vi chắc đã được nghe và vẫn còn nhớ ?
Điều chỉnh hành vi cá nhân và tâm lý xã hội phải bằng các biện pháp tác động được vào các quy luật của động lực cá nhân và động lực xã hội chứ mong gì ở sự tự giác của những kẻ có lòng tham mà lại được "làm “người đứng đầu của những người đứng đầu”; có quyền hạn rộng, vượt ra ngoài phạm vi tổ chức đảng; có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm về pháp lý."! (đọc Bùi Đức Lại "Vai trò bí thư trong công tác cán bộ"; đọc "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Phải trị những kẻ tham nhũng, tiêu cực", đọc thêm Đỗ Minh Tuấn về tham số nhân cách!).
Hồ Chủ Tịch, 29/5/1969, ảnh lưu trên Corbis |
Và các biện pháp ấy chỉ có 2, đều đã được nêu rõ trong Hiến pháp 1946:
1) Thượng tôn pháp luật
2) Dân chủ thực sự của những con người tự do và bình đẳng.
TBT nên đọc thêm bài này để thấy hình ảnh trái ngược của xã hội hiện tại: "quần chúng" lao động nghèo, lao động vất vả, thì sống, hành xử có đạo đức, có tình nghĩa, còn các quan (đảng viên cương vị cao) lại phè phỡn, dư tiền phạm pháp! Đọc Báo Pháp luật TPHCM: "Quan chức tiền đâu nhiều thế?"
26/12/2011: "Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ" là tiêu đề bài viết trên Vietnamnet hôm 26/12/2011 thông báo về khai mạc Hội nghị TW 4 khóa XI. Thử search google: "Chỉnh đốn Đảng" có 393 kết quả. Từ "Chỉnh đốn lại Đảng" có 287 kết quả. "Sinh mệnh của Đảng" có 279 kết quả. Sự thật là chưa bao giờ vấn đề được đặt ra nghiêm trọng đên mức này- là "sinh mệnh" và "tồn vong" của một chính Đảng, đang là độc nhất của cả một dân tộc - vì thế chúng ta chờ đợi ở Đảng những giải pháp quyết liệt, đúng quy luật xã hội để Đảng sẽ là một tổ chức của trí tuệ, dũng cảm, trong sạch, văn minh, trong một dân tộc "Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Cụm từ "Sinh mệnh của Đảng" là sáng tạo hoàn toàn mới của TBT Nguyễn Phú Trọng. Cụm từ đầu "Chỉnh đốn Đảng" được nói nhiều lần các năm gần đây, đặc biệt là vài ngày gần đây do TBT Trọng kêu gọi " Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ"! Cụm từ sau, "chỉnh đốn lại Đảng", mặc dù kém phổ biến trên Internet hơn, ra đời đã lâu, từ năm 1968, trong Di chúc Hồ Chủ tịch: "Sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân chúng ta đã hoàn toàn thắng lợi...Theo ý tôi việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng". Và Hồ Chủ Tịch cũng nêu rõ mục tiêu của Chỉnh đốn lại là để "mỗi đảng viên", "mỗi chi bộ" "toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân" !
Tại sao Cụ Hồ lại nói đến "chỉnh đốn lại" và trước đó còn cẩn thận rào đón "Theo ý tôi" ngay từ khi sức mạnh của Đảng còn vô song và cuộc chống Mỹ còn chưa thắng lợi? Điều ấy có thể hiểu là ông Cụ đã nhìn thấy những bất cập/lệch lạc, những nguy cơ,... cần phải "chỉnh đốn lại" vì "mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ" có thể không/chưa toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân? Và có lẽ ông Cụ cảm thấy mình là thiểu số, thậm chí duy nhất, nên ông Cụ dùng chữ "Theo ý tôi"? Giả định này có lẽ đúng vì phải tới khoảng trên chục năm nay, nghĩa là sau 3 thập kỷ, người ta mới nói nhiều tới "chỉnh đốn Đảng" (không có chữ "LẠI"), tức là chỉ khi sự suy thoái về đạo đức và bất cập về năng lực đảng viên đến mức không thể không nhìn nhận, số đông mới chấp nhận nói đến sự chỉnh đốn tổ chức Đảng!
Nhưng ông Cụ không nêu cụ thể phải chỉnh đốn thế nào. Đời TBT Mạnh đưa ra giải pháp là "Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh" mà "tệ tham nhũng lãng phí, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao" - nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng- "chưa bị đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng". Còn bây giờ (43 năm kể từ 1968) ông TBT Trọng nhìn nhận "là công việc rất khó, rất phức tạp, ..., là công tác con người, dễ đụng chạm...", nên đề ra giải pháp: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; (tự) cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, (tự) tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”.
Có thể diễn giải giải pháp của ông Trọng bằng 1 từ: "Tự"!
Thực ra TBT Trọng là giáo sư tiến sỹ khoa học nhân văn, nên đâu phải không biết các quy luật tâm lý con người, các vấn đề về nhu cầu, thỏa mãn nhu cầu và tham vọng cá nhân, các vấn đề về giáo dục, tôn giáo, luật pháp, dân chủ và nhân cách, văn hóa, v.v. Và đâu phải ông không biết các lý thuyết quản trị và xây dựng tổ chức, về quyền lực và trách nhiệm, trao quyền và kiểm soát quyền lực, các quy luật phát triển xã hội và văn minh nhân loại,... Vậy tại sao giải pháp "chỉnh đốn lại" Đảng đầu tiên ông nghĩ ra lại là "tự" ? Điều chỉnh hành vi cá nhân và tâm lý xã hội phải bằng các biện pháp tác động được vào các quy luật của động lực cá nhân và động lực xã hội chứ mong gì ở sự tự giác của những kẻ lỡ có lòng tham mà lại được "làm “người đứng đầu của những người đứng đầu”; có quyền hạn rộng, vượt ra ngoài phạm vi tổ chức đảng; có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm về pháp lý."! (đọc Bùi Đức Lại "Vai trò bí thư trong công tác cán bộ"; đọc thêm Đỗ Minh Tuấn về tham số nhân cách!)
Có phải TBT Trọng thấy "việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm" mà trước đây nguyên TBT Mạnh lấy tấm gương cụ Hồ để các đồng chí học tập còn không thành, nên giờ tốt nhất là để các đồng chí tự giác gương mẫu, tự sửa lấy mình, và nhờ thế tổ chức Đảng tự được chỉnh đốn ?
,
29/12/2011: Đọc Nguyễn Đăng Tấn: "Quyết tâm chính trị và sức ỳ hệ thống". Bài viết này phân tích rõ, và gần như đã chỉ ra giải pháp gồm 2 mảng việc phải làm: 1) áp đặt pháp luật bình đẳng mà bất kỳ ai cũng phải tuân thủ, bất kể người đó ở cương vị nào. Đây là giải pháp áp đặt, bắt buộc và 2) lập quyền dân rộng rãi cho tất cả mọi công dân trên 18 tuổi như hiến pháp quy định. Dân chủ không chỉ cho phép lựa chọn được chính nhân quân tử, mà nó còn là cái kênh phản hồi thông tin, cái gương soi, và là sức mạnh để đảm bảo pháp luật được thực thi chính trực, loại bỏ những kẻ không xứng đáng khỏi hệ thống công quyền. Nhưng tại sao tác giả không nói thẳng ra mà cứ đặt câu hỏi, rồi lại vòng vo trích dẫn lại giải pháp "Tự" của TBT Trọng làm kết luận? Tại sao ai cũng biết phải làm gì mà ai cũng ngại va chạm, dám mổ xẻ vấn đề mà không dám đấu tranh trực diện bằng những giải pháp thực tiễn?
Cụ thể:
1- "Luật Hồng Đức lý giải: "Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương. Giữ nghiêm kỷ cương là phải giữ gìn từ những kỷ cương hàng ngày, từ những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất. Kỷ cương nhỏ nhặt nhất không giữ được thì làm sao giữ nổi kỷ cương phép nước".
Trong hệ thống của chúng ta, kỷ cương thường bị xem nhẹ, ai nói cứ nói, ai làm cứ làm hay chỉ nói mà không làm, có luật pháp nhưng không tuân thủ, xem nhẹ lợi ích tập thể, chú trọng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… Chính đây là sức ỳ của hệ thống, là lực cản đối với sự phát triển."
Kết luận1 là phải Thượng tôn pháp luật!
2- " "có cơ chế giám sát chặt chẽ và kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Cơ chế như thế nào để có thể kịp thời thay thế được người không hoàn thành nhiệm vụ, cơ chế nào để trừng trị những kẻ bao che lẫn nhau là điều còn bất cập. Quần chúng có đủ nhận thức để biết ai làm được gì cho dân cho nước, ai bao che cho ai nhưng vấn đề là làm thế nào để người dân có quyền và tổ chức nghe dân như thế nào? Vai trò của người dân trong việc bãi miễn những người không đủ tín nhiệm ra sao."
Kết luận 2 là phải có Dân chủ thực sự! (người dân được mở mồm/tự do ngôn luận và được thực sự lựa chọn/phế bỏ những người đại diện cho mình. Đọc thêm Võ Trí Hảo: Quyền "đuổi đầy tớ” của dân)
Cả 2 kết luận này đều có trong Hiến pháp 1946! Có phải Hồ Chủ Tịch nghĩ không cần nhắc lại các giải pháp "chỉnh đốn lại Đảng" trong bản Di chúc vì ông Cụ đã viết ra từ lâu trong Hiến pháp 1946?
31/12/2011: Kết thúc hội nghị TW4: Vẫn chưa đổi mới được tư duy, dù đã chỉ ra được sự biến tướng của vũ khí sắc bén xây dựng Đảng "phê và tự phê" thành "tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau ...". Đây chính là bộ phận chủ đạo của cơ chế lọc ngược dẫn đến tình trạng "thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm" hay "thẳng thắn thật thà thì thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương", v.v. xuất hiện truyền khẩu (văn học dân gian) thời bao cấp, cả lúc cuộc chống Mỹ chưa thành mà TBT, vốn là dân Tổng hợp Văn, thuở hàn vi chắc đã được nghe và vẫn còn nhớ ?
Đọc tổng kết Hội nghị TW4: "Bí thư phải chịu trách nhiệm về tham nhũng tại cơ quan"& "Ủy viên Trung ương phải tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi":
-"Nếu mỗi người (tự) chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động."
-"Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi sự cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại."
- "Đề cập về tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư cho rằng đây là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất, đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu điểm, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá khách quan về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác, trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình."
- "Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì mỗi người hãy tự học và làm theo ngay đi, không tốn tiền tốn của gì cả, càng không phải chờ cơ chế, chính sách nào hết..."
- "Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau ..."
No comments:
Post a Comment