Trang

Tuesday, April 16, 2013


"Vô sản toàn thế giới hãy tha thứ cho tôi?" - Lời bào chữa cho một triết gia bị kết án một cách oan ức

Dr. Michael Schmitdt-Salomon, thành phố Trier, CHLB Đức
Bạn đọc Dân Luận chuyển ngữ
Chia sẻ bài viết này

Karl Marx
Bản cáo trạng dựa trên những chứng cứ khủng khiếp: Hàng triệu con người đã bị đàn áp, bị bắt cóc, bị tra tấn và bị sát hại. Nạn nhân của một học thuyết, mà công cụ tra tấn, sát hại chống lại con người của nó được chính thức lập luận dựa vào những tác phẩm của một con người, ở đây và hôm nay đang ngồi trên ghế bị cáo: Karl Marx.
Tôi có biết đến bị cáo từ nhiều năm nay. Cuộc gặp gỡ có chủ định lần đầu tiên của tôi với ông ta xảy ra khi tôi mới là một thanh niên 14 tuổi và lý do của nó chủ yếu xuất phát từ "lòng yêu nước tỉnh lẻ" của mình, một thanh niên tình cờ lớn lên trong cùng một thành phố và hơn nữa cũng học ở cùng cái trường mà chàng trai trẻ tên Marx đã từng học. Chính vì thế mà tôi, vốn dĩ chỉ do tò mò và hầu như không bị vướng mắc vào bất cứ một hệ tư tưởng nào, đã chọn đọc bài luận tiếng Đức tốt nghiệp trung học của người bạn cùng trường nổi tiếng đó. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hỗn độn khó tả, phần thì ngưỡng mộ phần thì đau đớn mà cái bài luận ấy của anh ta đã để lại trong tôi. Đặc biệt những câu cuối đã làm cho tôi vô cùng rúng động:
"Những người được Lịch sử coi là vĩ đại, đó là những con người tự nâng mình lên mức cao quý bằng cách hoạt động vì cộng đồng; người đời tán dương họ là những con người hạnh phúc nhất, vì đã đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người; (...) Nếu ta chọn một điểm đứng mà ở đó ta có thể tác động nhiều nhất cho con người, thì khi đó không có sức nặng nào có thể đè bẹp được chúng ta, bởi vì chúng chỉ là nạn nhân của tất cả; khi đó ta không phải đang hưởng một thứ niềm vui nghèo nàn, nhỏ mọn, và ích kỷ mà là hạnh phúc của chúng ta đã thuộc về hàng triệu con người, những hành động của chúng ta tồn tại một cách thầm lặng, nhưng chúng tiếp tục tác động mãi mãi, và thân tro của chúng ta sẽ thấm đẫm những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý" (1)
Hôm nay, sau nhiều thập kỷ của chế độ độc tài Cộng sản (2), những dòng chữ lâm ly thống thiết của một cậu học trò 17 tuổi nghe có vẻ như nhạt nhẽo một cách kỳ lạ. Của đáng tội: thân tro của anh ta "thấm đẫm những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý". Con số lên đến hàng triệu. Tuy nhiên điều xảy ra chắc chắn là đã không như cách mà Marx khi đó mơ ước.
Sau đây tôi sẽ cố gắng phác thảo một cách ngắn gọn lịch sử tác động đầy phức tạp của triết gia và kinh tế gia vùng Trier này. Tôi sẽ tiến hành điều này qua ba bước. Trước hết tôi sẽ giải thích sự khác biệt giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin và từ đó chỉ ra rằng, sẽ sai lầm nếu coi Marx phải chịu trách nhiệm đối với những tội ác mà hệ thống Bolshevik đã gây ra. Bước thứ hai tôi chứng minh, cũng có thể nói là bước củng cố cho luận điểm trên, rằng những người Marxist trong hệ thống XHCN hiện thực, chính là những con người không được hoan nghênh, điều ngược với huyền thoại lưu truyền. Vâng, chính là họ đã bị liệt vào những đối thủ chống lại giới cầm quyền Cộng sản cần phải đản áp một cách triệt đề nhất. Cuối cùng tôi sẽ thảo luận về những cơ hội và rủi ro khi tiếp nối lại các bước tư duy marxist và đặt ra câu hỏi, rằng những tác phẩm của Marx ngày này còn có thể có ích đến mức độ nào, khi đề cập đến việc xậy dựng một xã hội thực sự cởi mởi và công bằng.

1. Chủ nghĩa Marx - Chủ nghĩa Lenin? Một mối mâu thuẫn nội tại

Rõ ràng rằng, Marx hôm nay ngồi trên ghế bị cáo, bởi vì người ta nhìn thấy ông chính là kẻ xúi dục về mặt tinh thần gây nên cái tai họa Cộng sản. Tuy nhiên ý tưởng cho rằng Marx chắc chắn phần nào đó là kẻ tội phạm bàn giấy, phải chịu trách nhiệm đối với những gì mà Lenin, Stalin và đồng bọn sau này có cái làm được có cái không, theo nhìn nhận của tôi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết vừa đối với những gì Marx viết cũng như đối với quá trình lịch sử đã đưa đến sự thiết lập nên hệ thống cai trị Bolshevik.
Ngay từ chuyện luôn lạm dụng quá đáng thuật ngữ "Chủ nghĩa Marx-Lenin" đã thể hiện đó là một lớp nấm độc, một mâu thuẫn nội tại. Những khía cạnh cơ bản của triết học Marx và triết học Lenin thức tế không thể dung hòa với nhau. Điều này thể hiện không chỉ ở sự khác biệt về khái niệm xã hội hóa và nhà nước hóa.
Xã hội hóa theo Marx đó có nghĩa là một sự kết hợp tự nguyện giữa các nhà sản xuất với nhau, nhằm xóa bỏ những hình thức sản xuất và tiêu thụ gây nên sự tha hóa, là sự hiện thực hóa của cái tôi vừa là cá nhân vừa là con người đích thực [Gattungswesen: con người không bị tha hóa]. Để làm rõ vấn đề này, xin phép dẫn ra đây trích đoạn tương đối dài từ một bài viết thủa ban đầu của Marx:
"Giả sử rằng, vì chúng ta là con người nên phải tiến hành sản xuất: sự có mặt của mỗi chúng ta và những người khác trong sản phẩm làm ra là đã có sự đồng ý từ hai phía. 1) Trong quá trình sản xuất tôi đã hiện thực hóa cá nhân tôi cùng với những đặc tính của nó vào sản phẩm và do vậy không những tôi vui thích khi làm ra nó, mà cả khi ngắm nhìn nó tôi nhận biết niềm vui của riêng tôi, nhân cách của tôi là sức mạnh vật chất được cảm nhận một cách rõ ràng và vì vậy không còn gì để nghi ngờ. 2) Khi anh tiêu thụ hoặc sử dụng sản phẩm của tôi thì tôi đã có được niềm vui trực tiếp, trực tiếp [...] trong ý thức, bởi vì lao động của tôi đã thỏa mãn nhu cầu của người khác và vì tôi đã tạo ra được một sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của nó. 3) và cảm thấy vui vì được làm nhân vật trung gian giữa anh và con người, có nghĩa là tôi đã có được niềm vui rằng anh đã coi tôi là một sự làm giàu thêm cho con người của riêng anh và là một phần thiết yếu của anh. Cũng có nghĩa là tôi vui vì anh thừa nhận tôi qua suy nghĩ và tình yêu của anh (đối với tôi), và vì qua sự tự thể hiện mình tôi cũng đã đóng góp cho sự tự thể hiện mình của anh. Như vậy tôi vui vì, rằng trong hoạt động của cá nhân tôi, tôi đã tạo nên được bản chất của tôi, tạo nên bản chất người đích thực, tạo nên được ý nghĩa cộng đồng. [...]
Lao động của tôi là sự thể hiện tự do lối sống, do vậy là niềm vui cuộc sống. [...] Trong lao động [...] là tài sản của tính cách cá nhân tôi, bởi vì cuộc sống cá nhân tôi đồng ý như vậy. Lao động là thực chất tài sản tôi tạo nên. Trong điều kiện sở hữu tư nhân nhân cách của tôi đã bị tước đoạt đến độ, hoạt động đó làm cho tôi căm giận, đó là một sự hành hạ và hơn nữa chỉ là một hoạt động ảo, bởi vậy cũng chỉ là loại hoạt động cưỡng bức và cũng chỉ vì sự bức bách ngẫu nhiên đến từ bên ngoài chứ không phải do sự bức bách nội tại cần thiết đã bắt buộc tôi." (3)
Vận dụng nhà nước hóa, đương nhiên cần thiết phải có một hệ thống cai trị quan liêu rộng khắp, sẽ hầu như không thể đem lại một phương thức sản xuất nhằm tạo điều kiện cho sự tự phát triển của cá nhân con người như vậy được. Hoàn toàn ngược lại! Theo Marx, giai cấp vô sản về nguyên tắc đứng ở vị thế mâu thuẫn trực tiếp với hình thức, qua đó các cá nhân của xã hội cho đến nay cùng thể hiện thái độ, [mâu thuẫn trực tiếp] với nhà nước, và phải lật đổ nhà nước đề thể hiện nhân cách của họ." (4)
Không hề quanh co, Marx chia sẻ sự đồng tình với lòng thù hận của Công xã Paris đối với - nguyên văn của Marx trong bản thảo đầu tiên về "Nội chiến ở Pháp" - "bộ máy nhà nước tập trung với các cơ quan hiện diện khắp mọi nơi, đan chéo nhau giữa quân sự, hành chính quan liêu, tôn giáo, tư pháp như một con trăn quấn chặt lấy cái xã hội dân sự đầy sức sống."(5)
Người theo chủ nghĩa tự do có lẽ cũng không thể diễn đạt hay đến vậy. Một cách nhất quán, Marx đã dành một vài dòng sau đấy viết về sự đam mê nhà nước của các cuộc cách mạng trước đấy, và những lời của ông ta cất lên như một sự linh cảm khủng khiếp về nỗi tang thương năm 1917: "tất cả mọi cuộc cách mạng [...] (kết quả) chỉ hoàn thiện bộ máy nhà nước, thay vì phải loại bỏ cơn ác mộng nghẹt thở này. Các cánh trong quốc hội và các đảng phải của giai cấp thống trị, luân phiên nhau tranh dành quyền thống trị, coi việc kiểm soát và chiếm quyền lãnh đạo bộ máy nhà nước khổng lồ đó chiến lợi phầm chủ yếu. Trọng tâm hoạt động của họ là tạo nên một lực lượng quân đội thường trực khổng lồ, một đám vô cùng đông những kẻ ăm bám trong bộ máy nhà nước và một núi nợ công."(6)
Do vì những khuyết tật đó, Marx tin chắc, rằng một cuộc cách mạng thực sự của dân chúng phải đặc biệt chú tâm đến việc nhanh chóng triệt tiêu bộ máy nhà nước. Cũng bởi vây cho nên ông ta đã ngợi ca Công xã Paris. Phương châm chính đã được ông ta diễn đạt một cách không thể hiểu khác đi:"Triệt tiêu hệ thống phân cấp nhà nước nói chung và thay thế những kẻ cai trị dân chúng cao ngạo bởi những đầy tớ có thể thay thế bất cứ lúc nào, thay thế tính trách nhiệm giả tạo bằng tính trách nhiệm thực sự, bởi họ luôn luôn làm việc dưới sự giám sát của công chúng."(7)
Lenin nhìn nhận sự vật đã khác biệt như thế nào. Khi Marx đặt câu hỏi "Nhà nước hoặc Chủ nghĩa Cộng sản?", thì Lenin đã quyết định một cách rõ ràng đứng về phía Nhà nước chống lại Xã hội Cộng sản. Ở Liên bang Xô viết của Lenin Nhà nước đã trở thành nhà tư bản trừu tượng quyền lực vô biên, một dạng đặc biệt của Chủ nghĩa Cộng sản mà Marx đã mô tả một cách khi bỉ là "thô thiển", là "hình thức thể hiện sự đểu cáng của tư hữu", nó "phủ nhận tính cách của con người ở khắp mọi nơi". (8)
Günther Wagenlehner đã có lý khi chỉ ra, rằng điểm khác biệt chủ yếu trong các quan điểm của Marx và Lenin xét cho cùng được lập luận, rằng Lenin hoàn toàn không biết làm gì với khái niệm mấu chốt của Marx đối với xã hội Cộng sản, cụ thể là sự tự thực hiện hóa con người [Selbstverwirklichung des Menschen]. (9) Thực vậy: Lenin lúc sinh thời không hề nghiên cứu sự phân tích của Marx về vấn đề tự tha hóa của con người trong xã hội tư bản cũng như về đòi hỏi sự tự hiện thực con người trong xã hội Cộng Sản. (Tuy nhiên ta cũng phải châm chước một điều, rằng một phần lớn những bài viết thủa ban đầu của Marx, mà trọng tâm đề cập của nó là những vấn đề này, thời Lenin còn sống chưa được công bố.)
Ngược lại với Marx, tư duy của Lenin không dựa trên truyền thống khai sáng của Châu Âu. Lòng nhiệt tình cách mạng của ông ta cũng không có nguồn gốc từ ý thức của một phong trào giải phóng tự do và nhân văn rộng khắp, mà chủ yếu là biểu hiện của một lòng hận thủ tầng lớp thống trị được kết tụ qua tiểu sử bản thân. Từ lâu trước khi ông ta bắt đầu đọc các tác phẩm của Marx và Engels, ông ta đã quyết đinh phải lật đổ bằng bạo lực chính thể Sa hoàng. Dưới sự dẫn dắt của người anh Alexander ông ta đã hăng hái đọc các tác phẩm của các lãnh tụ cách mạng Nga. Sự kiện đột phá để quyết định trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, đó là cái chết của người anh thân yêu, do tham gia vào vụ mưu sát Sa hoàng nên bị kết án tử hình. Anna, chị gái của Lenin đã mô tả tầm quan trọng của sự kiện này như sau: "Alexander Iljisch chết như một người anh hùng, máu của anh chói sáng như ánh hồng của ngọn lửa cách mạng so đường cho người em Wladimir tiếp bước" (10)
Lòng nhiệt tình cách mạng không gì ngăn cản nổi của Lenin sau này đã bị một số đông những người Nga marxist phê phán kịch liệt. Người ta cáo buộc ông đã lợi dụng tác phẩm của Marx theo cách một chiều cho các mục đích cách mạng của mình. Những lý thuyết gia maxist hàng đầu như Rylow và Plechanow (ông này nổi bật với khái niệm Chủ nghĩa duy vật biện chứng) đã chỉ ra, rằng Marx hiểu cách mạng xã hội chủ nghĩa là sản phẩm cuối cùng của sự phát tư bản chủ nghĩa và rằng ở Nga điều kiện cho một sự phát triển như vậy về mặt khách quan chưa có. Do vậy, những người marxist Nga đã tự nguyện tham vào Chính phủ lâm thời được thành lập sau cách mạng tháng Hai, đặt nền móng cho một sự phát triển tư bản chủ nghĩa, nghị viện và dân sự ở nước Nga.
Lenin, tư tưởng của ông ta không phải là không bị ảnh hưởng đáng kể bởi nhân vật khủng bố Netschjew, không muốn dính dáng đến một kiểu chủ nghĩa Marx tư duy theo kiểu tiến hóa như vậy. Ngay trong phát biểu đầu tiên sau khi từ Đức trở về ông ta đã kêu gọi lật đổ Chính phủ lâm thời. Đa số thành viên của hội nghị toàn thể đã lên tiếng phản đối dữ dội. Bogdnow đã quát to: "Đó là những ào tưởng của một thằng điên!" và Goldenberg, cũng như Bogdanow là người cộng tác với Lenin trước đây đã nhận xét một cách giận dữ: "Tất cả những gì chúng ta vừa nghe là một sự chối bỏ triệt để toàn bộ học thuyết xã hội dân chủ, toàn bộ lý thuyết khoa học của chủ nghĩa Marx. Chúng ta vừa được nghe thấy một sự thừa nhận rõ ràng và không chút nghi ngờ đối với chủ nghĩa Vô chính phủ. Kẻ tuyên cáo của nó, kế thừa của Bakunin, chính là Lenin. Lenin, người Marxist, lãnh tụ của đảng Dân chủ Xã hội vũ trang của chúng ta không còn nữa. Một Lenin mới đã xuất hiện, Lenin, người theo chủ nghĩa vô chính phủ." (11) (12)
Như chúng ta đã biết, đa số xung quanh Bogdanow và Goldenberg đã không thể giành chiến thắng. Là một chiến thuật gia khôn khéo, trong giai đoạn sau đó Lenin đã biết cách lần lượt loại trừ các thành phần marxist đối lập trong nội bộ đảng của mình và tung hê mảng nấm độc của chủ nghĩa Marx-Lenin thành con ngựa kéo duy nhất thực sự của chủ nghĩa Cộng sản. Những người Marxist chân chính từ đó trở đi bị coi là những kẻ không được mong muốn.

2. Không hoan nghênh những người Marxist! Cuộc chiến chống lại những trí thức mang tư tưởng marxist trong CNXH hiện thực.

Lew Kopelew đã từng nói, chủ nghĩa chống cộng ở Liên xô thuộc vào loại cực đoan nhất thế giới. (13) Quả thực vậy, không có một đất nước nào lại nổi danh đến thế vì đã đàn áp và triệt tiêu một số lượng người cộng sản nhiều như Liên xô. Từ những cuộc bắt bớ hàng loạt vào năm 1917 rồi qua sự kiện đập tan cuộc nổi dậy ở Konstadt cho đến những cuộc xử án công khai mang tính bôi nhọ tại Moscou cuối những năm 30: Trong số những nạn nhân của các chiến dịch thanh trừng thường luôn thấy có mặt những người đại diện cho chủ nghĩa Marx đi chệch đường lối của đảng. (và chúng ta không được quên: "11 trong số ủy viên bộ chính trị của Thälmann thì 6 người bị Stalin và 5 người bị Hitler thủ tiêu." (14)
Sau khi Stalin chết, mặc dù các biện pháp thủ tiêu theo nghĩa đen những người chỉ trích chế độ ít còn được vận dụng như trước đây, tuy thế không phải đã hết nguy hiểm khi chỉ ra hàng loạt những mâu thuẫn giữa tác phẩm của Marx với thực tế của CNXH hiện thực. Những trường hợp được nêu ra sau đây chỉ là những trường hợp nổi tiếng, trong đó những nhà tư tưởng trung thành với chủ nghĩa Marx, tức là những nhà phê bình chủ nghĩa Bolshevik đã từng bị bắt tù hoặc ít nhất cũng đã bị cô lập: ở Liên xô có Sachrow và Kopelew, ở Nam tư có nhóm "Thực tiễn" của Gajo Petrovic, ở CHDC Đức có Ernst Bloch, Robert Havemann, Wolf Biermann và Rudolf Bahro.
Bằng việc gán mác "Chủ nghĩa xét lại tư bản" giới đầu sỏ cầm quyền cộng sản đã tìm cách xuyên tạc bôi nhọ những đại diện của chủ nghĩa Marx đã đặc biệt nguyện trung thành với các trước tác mang tính nhân đạo chủ nghĩa của Marx. Petrovic, trong tạp chí "Thực tiễn" của ông từng có mặt phần lớn những bài viết của những thành phần "Xét lại chủ nghĩa Marx" hàng đầu (trong số đó có Bloch, Lukacs, Fromm, Marcuse, Habermas, Kolakowski và Lefebvre), đã tóm lược sự đồng thuận cơ bản của những ngươi marxist bất đồng chính kiến vào hai điểm sau:
"1. Chủ nghĩa xã hội, theo như Marx từng hiểu, đó không phải là một nền độc tài quan liêu, mà là một cộng đồng nhân văn của những con người đã được giải phóng. Chính vì thế nó không thể được hình thành nên qua quy định của nhà nước đối với đời sống xã hội cũng như bằng các biện pháp cưỡng bức, mà chỉ có thể qua sự phát triển nền Dân chủ, qua sự tiêu vong của nhà nước và qua áp dụng việc tự quản của người lao động trong sản xuất.
2. Chủ nghĩa Stalin không phải là nấc thang cao hơn trong sự phát triển của chủ nghĩa Marx, mà thực ra là sự phủ nhận bản chất của nó. [...]
Chủ nghĩa Marx là một triết học nhân đạo của tự do, chủ nghĩa Stalin là sự biện hộ giả danh triết học cho chế độ nô lệ.
Ở CHDC Đức có hai trường hợp xét xử những người chỉ trích chính quyền bằng các luận điểm marxist đã làm cho mọi người xôn xao, đó là trường hợp của Biermann Havemann và Bahro. Để làm ví dụ tiêu biểu cho nhiều trường hợp khác, sau đây tôi sẽ kể lại sơ lược câu chuyện thảm thương của hai người cuối.
Trường hợp thứ nhất: Robert Havemann, đảng viên đảng CS Đức từ năm 1932, tham gia kháng chiến thời Đế chế thứ 3 và từ năm 1950 đến năm 1963 là đại biểu Quốc hội CHDC Đức, ông ta mọi người xa lánh, bởi năm 1962 trong bài giảng nổi tiếng về chủ đề "Khía cạnh khoa học tự nhiên của các vấn đề triết học" tại đại học Humboldt ông ta đã diễn giải về vấn đề nền tảng của một "Biện chứng không giáo điều". (16) Havemann lên tiếng chỉ trích, rằng chủ nghĩa Marx đã bị biến dạng thành một hệ tư tưởng, trong đó sự thật không được quyết định thông qua quá trình thảo luận một cách khoa học và lý tính, mà thông qua các chỉ thị của đảng và các quy định của chính quyền. Đã có thời bộ máy của đảng từng tuyên bố gần như toàn bộ những lý thuyết khoa học tự nhiên có ý nghĩa lớn lao (trong số này có thuyết tương đối của Einstein, thuyết lượng tử của Bohr, thuyết cộng hưởng của Pauling, thuyết di truyền của Mendel, thuyết điều khiển học của Wiener) là không marxist, không khoa học và là kẻ thù giai cấp. Sự tổn hại đối với xã hội là vô cùng lớn. Ngoài ra toàn bộ cách tiếp cận vấn đề của nó cũng rất không marxist: "Từ Karl Marx [...] chúng ta biết một điều, rằng ông ta là một nhà khoa học. Ông ta chỉ lên tiếng với những lập luận, với những bằng chứng, với các con số và không hề bao giờ tìm cách nghiền nát đối thủ của mình bằng những lời rao giảng đạo đức và những ngôn từ sáo rỗng. [...] "De omnibus dubitandum est" (hãy nghi ngờ tất cả) đó chính là phương châm khoa học của Marx. Dĩ nhiên tất cả các lý thuyết và tư tưởng có nguồn gốc từ Marx cũng phải chịu như vậy, hơn nữa không chỉ được phép nghi ngờ mà còn phải luôn luôn tiếp tục nghi ngờ, nếu như muốn chủ nghĩa Marx trường tồn và trở thành nền tảng khoa học được thừa nhận của xã hội loài người." (17)
Chỉ vì phát biểu như vậy và vì những phát biểu tương tự không hợp thời mà Havemann ngay từ những năm 60 đã bị lột sạch mọi phẩm hàm trong đảng, trong trường đại học cũng như trong viện Hàn lâm khoa học. Như vậy vẫn chưa đủ: việc ông lớn tiếng chống lại việc tước quốc tịch trục xuất Biermann đã dẫn đên phiên tòa tai tiếng năm 1976 với kết cục là ông bị lãnh án cấm cố tại gia. Havemann bị cách ly tuyệt đối, không được phép tiếp đón khách tới thăm, ông ta và cả gia đình bi giám sát 24/24. Việc cấm cố bị thế giới lên án này mãi đến năm 1978 mới kết thúc, 4 năm trước khi người cộng sản Đức kiên cường qua đời, người đã bị chính đảng CS đàn áp, mỗi chỉ vì ông ta luôn nghiêm chỉnh tuân theo Marx và lối tư duy của Marx.
Trường hợp thứ hai: Rudolf Bahro cũng giống như Havemann ban đầu là người bảo vệ nhiệt thành chính quyền. Ngay từ năm 16 tuổi ông ta đã là đảng viên đảng cộng sản Đông Đức. Thế nhưng càng tìm hiểu kỹ sự phát triển của Liên xô, của CHDC Đức và các nước khác thuộc khối Wasawar, ông ta càng thấy nghi ngờ cái công trình CNXH hiện thực. Bước chia thay thực sự với hệ thống cai trị cộng sản xảy ra cuối những năm 60, sau khi "Mùa xuân Prag" bị đánh bại. Bahro không muốn đồng tình với chế độ CS áp bức nữa. Ngoài công việc chính là trưởng phòng tại liên hợp cao su suốt chín năm ròng ông đã bí mật viết một tác phẩm tuyệt vời phê phán các tình trạng của CNXH hiện thực. Tác phẩm mang tiêu đề: "Các giải pháp thay thế - Phê phán CNXH hiện thực". Do vì quyển sách với nội dung mang tính khiêu khích như vậy không thể nào được các nhà xuất bản quen tính đồng phục chính trị ở CHCD chấp nhận cho nên bản thảo đã được bí mật gửi sang Tây Đức. Năm 1977 nó ra mắt bạn đọc với số lượng được mua lên đến ba trăm ngàn bản, thuộc vào diện sách bán chạy.(18)
Một năm trước đó CHDC Đức đã tước quốc tịch trục xuất Wolf Biermann. Chính quyền Đông Đức vốn bị đau do bị một loạt cuộc phản kháng đã phản ứng một cách quyết liệt tương thích và đã cho Bahro nếm chịu sức mạnh của bộ máy đàn áp thuộc cái chính quyền mà trước đó ông ta đã phân tích: Gần 1 năm ông ta bị nhốt tù không có xét xử của tòa án. Phiên tòa xử kín đã kết án nhà chỉ trích chính quyền vào ngày 1.7.1978. Bahro bị lãnh 8 năm tù giam với lý do "Thu thập tin tức và tiết lộ bí mật". Nhờ có hàng loạt thỉnh cầu từ phương Tây Bahro đã không phải ngồi đủ thời gian kết án. Ngay năm 1979 ông ta đã bị trục xuất khỏi CHDC Đức sang Tây Đức. "Là người Đức theo chủ nghĩa xã hội, nếu đã vậy, anh ta phải thuộc về CHLB Đức", Bahro nói như thế - có thể không hoàn toàn vô lý - khi được trao sang Tây Đức.
Tôi làm quen với Bahro năm 1989 trước khi bức tường Berlin sụp đổ một chút và do vậy đây cũng là khả năng để quay trở lại Đông Berlin. Phải thừa nhận rằng, đôi khi cũng rất khó để có thể hiểu hết ông ta, bởi vì ông ta sau khi tiếp xúc với phong trào Bhagwan đã quen với một phong cách diễn đạt bí hiểm một cách không cần thiết, điều này đã thường xuyên gây nên lắm chuyện hiểu lầm. Tuy nhiên - cho dù lạ kỳ đến cỡ nào - bên kia lớp bao bọc của màn sương "thời đại mới" [Phong trào New-Age] và sau những khiêu khích chính trị ngây thơ vẫn là một Bahro, người bảo vệ nhiệt thành điều không tưởng của Marx về một "Đế chế của tự do" cho đến ngày ông ta qua đời vào tháng 12 năm 1997. Điều này chắc chắn đã làm cho ông ta trở nên nhà bất đồng chính kiến, kẻ ly khai, kẻ bị hiểu lầm cả ở bên Đông lẫn bên Tây. Người Marxist kiểu như vậy không được ưa chuộng ở cả hai phía của bức màn sắt.

3. Tóm lược và viễn cảnh: Các mối đe dọa và cơ hội của tư duy marxist

thuocphien_marx.jpg
Karl Marx: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.
Chúng ta tóm lược lại những gì đã nói cho tới đây: Chúng ta đã xác định được, rằng chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin có sự khác biệt nghiêm trọng trong khái niệm. Bởi vì Lenin nhầm lẫn giữa Xã hội hóa và Nhà nước hóa, cho nên ông ta ngay sau cách mạng đã phải tiến hành xây dựng một bộ máy nhà nước khổng lồ, chỉ huy tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Trong điều kiện như vậy cái đòi hỏi chắc chắn là không hay ho gì về một nền "Chuyên chính vô sản", mà đằng sau nó thực ra không có gì khác ngoài lời hiệu triệu "chống lại nền Dân chủ", đã bị lợi dụng để bào chữa cho chế độ độc tài đảng trị leninist. Qua đây đã hình thành một tập đoàn thống trị, tiến hành đúng những gì mà Marx đã từng phê phán đối với các cuộc cách mạng đam mê nhà nước trong quá khứ: Trọng tâm hoạt động của họ là tạo nên một lực lượng quân đội thường trực khổng lồ, một đám vô cùng đông những kẻ ăm bám trong bộ máy nhà nước và một núi nợ công."(20)
Các trí thức marxist từ rất sớm đã nhận thức được sự mâu thuẫn của phương thức leninist đối lý thuyết của Marx. Nhiều người trong họ đã coi cuộc cách mạng tháng 10 là sự kiện phản cách mạng đẫm máu, cái nó đạt được không có gì khác là thiết lập lại mối quan hệ phong kiến. Mặc dù giới thống trị CS đã tìm cách tiêu diệt triệt để một cách tàn bạo kiểu phê phán này, trong tất cả mọi quốc gia XHCN hiện thực liên tục tồn tại những thành phần đối kháng, họ chống lại hệ thống chỉ vì lẽ ở đó họ không làm thế nào để thấy được sự phù hợp của việc thực thi CNXH đối với nhận thức cơ bản về chủ nghĩa Marx của họ.
Chúng ta có thể nói: Trước hết có hai dấu hiệu, đủ để có thể giải thoát cho Marx khỏi việc phải chịu trách nhiệm về thảm cảnh mà những người CS đã gây ra: 1. Sự khác biệt rõ ràng giữa học thuyết Marx và thực tiễn của Lenin và 2. Việc nhận thức được, rằng hệ thống CS bản thân nó đã vận dụng sự tàn bạo khủng khiếp để đàn áp những trí thức có lập luận marxist.
Kết luận: Lời cáo buộc, Marx ở mức độ nào đó qua những bài viết của mình đã mắc tội xúi dục việc thảm sát hàng loạt trong chế độ CS, là không đứng vững. Tương tự cũng vô lý như vậy nếu khẳng định, rằng Nietzsche phải chịu trách nhiệm đối với việc sùng bái siêu nhân gốc Arier. Nhà bất đồng chính kiến người Nam tư, Gajo Petrovic đã có lý, khi ông ta viết, rằng một học thuyết chỉ phải chịu trách nhiệm, "với những gì trực tiếp nảy sinh từ nội dung của nó, chứ không phải cho tất cả mọi đúc kết mà một ai đó (có thể là một cá nhân, hoặc một nhóm người, hoặc một tổ chức) đã rút ra từ nó."(21) Marx không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm về những gì trái với học thuyết của ông ta.
Có phải, rằng như vậy, giờ đây việc hồi sinh tư tưởng Marx sẽ hoàn toàn không có vấn đề gì?
Chắc chắn rằng đối với câu hỏi này không thể trả lời đồng ý một cách chung chung được. Nó chủ yếu phụ thuộc vào cách thức làm việc với công trình của Marx. Một điều cực kỳ quan trọng đó là: Marx phải được đọc một cách có phê phán. Người ta sẽ làm hỏng hệ tư tưởng của ông ta, nếu như người ta bỏ qua sự thiếu sót, sai lầm và những mâu thuẫn nội tại của ông ta. Chỉ có đọc một cách có phê phán văn kiện của Marx mới có thể tránh khỏi cho chủ nghĩa Marx một lần nữa bị biến dạng thành một tôn giáo chính trị cực đoan. Quá là lâu, các linh mục của đảng CS đã chủ trì thánh lễ bạo lực. Quá là lâu có nghĩa là: Con sẽ tin vào điều đó hoặc là: Con sẽ tin vào điều đó!
Các nhà sử học gần đây với đề tài "CNXH Quốc gia là một tôn giáo chính trị" đã phác thảo một giải thích cực kỳ thúc vị cho những những vụ thảm sát tàn bạo trong Đế chế thứ ba. (22) Tôi nghĩ rằng, chủ nghĩa Bolshevik củng sẽ được hiểu rõ hơn, nếu như ta làm nổi bật lên được ý nghĩa tôn giáo của nó.
Không có gì để nghi ngờ, về việc Marx phải chịu trách nhiệm cho cách thức tiếp cận gần như kiểu tôn giáo trong các công trình của mình. Hệ tư tưởng Hegel, mà ông ta không hoàn toàn thoát ra khỏi, đã làm cho ông ta tin vào nguyên tắc thần học, rằng có những lối vào ưu tiên dẫn đến hiện thực tồn tại "tự trong nó". Marx quan niệm, rằng hệ tư tưởng của ông ta đã thể hiện đỉnh cao của một quá trình phát triển lịch sử lâu dài, rằng những kiến thức do ông phát triển ra trên cơ sở của việc loại bỏ các mâu thuẫn xã hội không còn bị trói buộc vào những thành kiến tư tưởng nữa và do đó "tự nó"đã là sự thật.
Như vậy cái mà Marx còn thiếu, đó là chút ít của thuyết bất khả tri, có nghĩa là, việc thấu hiểu cái giới hạn cần thiết có tính nguyên tắc của nhận thức con người. (23) Chủ nghĩa hoài nghi của Kant, bác bỏ về cơ bản nhận thức của "vật thể trong nó" [Ding an sich], là điều xa lạ đối với ông ta. Bởi vậy tư duy của ông ta cũng dễ bị tác động bởi chủ nghĩa giáo điều kiêu ngạo, một vướng mắc cơ bản của nhiều "triết gia thầy bói", điều mà trước hết là Karl Popper trong công trình nghiên cứu tuyệt vời của ông ta: "Xã hội mở và kẻ thù của nó" đã chỉ ra.(24)
Điều chắc chắn: có nhiều khía cạnh trong công trình của Marx, đòi hỏi phải có sự phê phán cụ thể. Trong số đó có thể kể ra (1) sự nhấn mạnh thái quá vào yếu tố kinh tế, (2) việc mô tả các tác giả và lý thuyết khác mang tính diễu cợt, nhiều chỗ không đúng mực, (3) các mâu thuẫn phần nào quá rõ trong tác phẩm của Marx (ví dụ như CNXH xuất hiện khi thì là kết quả của một cuộc cách mạng bạo lực, khi thì là kết quả tiến triển lớn mạnh của sự phát triển TBCN). Và cuối cùng dĩ nhiên cũng phải nhắc đến những điểm yếu cũng như những lỗ hổng trong lý thuyết kinh tế (ví dụ mô hình khủng hoảng của CNTB quá đơn giản nên dẫn đến sai lầm, những đánh giá sai lầm về tốc độ phát triển lực lượng sản xuất, việc phân tích chưa đầy đủ hệ thống tiền tệ cũng như việc đánh giá cao quá mức tính kế hoạch hóa trong sản xuất và tiêu dùng).
Tuy nhiên, mặc cho tất cả những thiếu sót trên, Marx không có gì phải ngại ngần khi được so sánh mình với những những triết gia đầy uy tín như Nietzsche, Schoppenhauer hoặc Kant. (chỉ cần nghĩ đến hình mẫu người phụ nữ của những triết gia nổi tiếng này hoặc nghĩ đến đóng góp của họ vào vấn đề công bằng xã hội nói chung.)
Nhiều cái trong số Marx viết ra trước đây cỡ 150 năm, đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Cho phép tôi giải thích một cách ngắn gọn để kết thúc:
Hãy lấy việc phê phán của Marx đối với tôn giáo làm ví dụ, do ý nghĩa ngày càng tăng của chủ nghĩa cực đoan mang tính tôn giáo trong nội bộ cũng như bên ngoài đạo Thiên Chúa những phê phán đó còn xa mới bị coi là lỗi thời. Ai đã từng tranh luận với một thành phần tôn giáo cực đoan (mà không bị rối trí), người đó sẽ phải đồng ý với điều Marx viết; rằng việc phê phán tôn giáo là "tiền đề của mọi việc phê phán". Giống như Feuerbach, Marx nhìn thấy trong thần thánh sản phẩn của óc tưởng tượng của con người. Tuy nhiên ông ta còn đi xa hơn Feuerbach, ở chỗ, trong các nghiên cứu của mình về sự khốn cùng mang tính tôn giáo - thay vì giả định có một con người trừu tượng có sẵn - ông ta đã dịch chuyển vị trí xã hội của con người có thực vào trung tâm điểm: "Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là tâm hồn của một thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Sự xóa bỏ tôn giáo như là một ảo tưởng hạnh phúc của nhân dân là sự đòi hỏi về hạnh phúc hiện thực của họ. Việc đòi hỏi xóa bỏ những ảo tưởng lơ lửng trên tình cảnh của mình, là sự đòi hỏi phải xóa bỏ tình cảnh, mà ở đó cần phải có những ảo tưởng. Phê phán tôn giáo trong cội nguồn cũng là sự phê phán sự tích thung lũng khô cằn, mà vầng hào quang của nó là tôn giáo."
Marx không chỉ mang tính thời sự khi là nhà phê bình tôn giáo, mà ngay cả nhận thức cơ bản về luân lý, về tư tưởng có phê phán của ông ta vẫn không hề mất đi sức công phá. Nền tảng của toàn bộ tác phẩm của Marx chính là cái nhu cầu cấp thiết, cần ghi lòng tạc dạ để thực hiện, nghĩa vụ đầu tiên của người công dân thế giới, cụ thể là "phải xóa bỏ mọi mối quan hệ, trong đó con người trở thành sinh vật bị hạ nhục, bị nô lệ, bị ruồng bỏ và bị khinh bỉ." (27) Sẽ khác đi ra sao ví dụ như hệ thống khoa học của chúng ta, nếu như nhu cầu thiết yếu của Marx là xuất phát điểm của quá trình tìm kiếm nhận thức được chấp nhận. Khi đó sẽ không cần phải có những hội nghị, những đợt tập huấn, những hội thảo chuyên đề, nơi các nhà khoa học vật vã giải thích vể phạm trù "năng lực tương lai". Cho dù thế nào: nếu làm theo như Marx, thỉ phương thức phát triển bền vững, từ lâu đã thấm vào tim óc mọi người. Bởi vì hơn một thế kỷ trước khi các quốc gia trên thế giới tụ họp tại Rio năm 1992 tiến hành lựa chọn hình mẫu phát triển bền vững làm khuôn mẫu cho chính sách quốc tế và quốc gia, Marx đã biết: "ngay cả toàn bộ một xã hội, một quốc gia, cho đến tất cả mọi xã hội hợp lại, cũng không phải là chủ sở hữu của trái đất. Họ chỉ là kẻ chiếm hữu nó, kẻ hưởng lợi (từ nó), là người cha tốt trong gia đình, (họ) phải để lại cái được làm tốt hơn lên cho thế hệ tiếp theo." (28)
Sự phê phán CNTB của Marx xảy ra từ một nhận thức có tầm nhìn rất xa đối với thực trạng ngày ấy của toàn bộ vấn đề về kinh tế cũng như về xã hội của phương thức sản xuất TBCN. Cảnh báo của ông ta ngày ấy đến nay cũng vẫn cần phải ghi nhớ: "[...] mỗi một tiến bộ trong nông nghiệp tư bản không chỉ là tiến bộ trong nghệ thuật bóc lột người công nhân mà đồng thời cũng là sự tiến bộ trong nghệ thuật bóc lột đất đai; mỗi một tiến bộ trong sự gia tăng sản lượng của nó trong một giai đoạn xác định cũng là sự hủy hoại một cách lâu dài cội nguồn của sự gia tăng. [...] Phương thức sản xuất TBCN do vậy chỉ phát triển kỹ thuật và phát triển sự kết hợp các quá trình sản xuất trong xã hội, trong khi đó nó đồng thời chôn vùi nguồn sản sinh sự giàu có: trái đất và người lao động."
Dường như đối với tôi không quá xa vời để đem ra đây mà khẳng định, rằng CNTB lệ thuộc vào những người cảnh báo như Marx và điều này đến nay chắc chắn vẫn thế. Theo tôi ở đây chúng ta đã chạm đến một khía cạnh có lẽ thú vị nhất của tác động lịch sử mang tính biện chứng của công trình của Marx: nhiều tiên đoán của Marx sở dĩ không thành hiện thực lí do chỉ bởi một điều, Marx quá quả quyết bảo vệ cho những tiên đoán của mình. Nhiều chính trị gia và doanh gia "tư sản" hiểu Marx "của họ" rất rõ, họ đã được cảnh báo ở mức độ nào đó và do vậy đã có thể kịp thời áp dụng các biện pháp chống đỡ, để ngăn ngừa các tình trạng nguy hiểm. (ở đây chỉ cần nhắc đến phương sách "Kinh tế thị trường mang tính xã hội", được Müller-Armack phát triển ra trong quá trình tự giác nghiên cứu Marx. (30) Vì vậy tội xin nghiêng mình mà nói, rằng những ai, chống lại Marx bằng cách thức như vậy, về toàn cục họ đấu tranh cho Marx nhiều hơn là những ai - giống như Lenin - đã nhân danh ông ta để đấu tranh. Một trò chơi ảo thuật biện chứng thực sự diệu kỳ, Marx có lẽ chắc chắn sẽ vui vì nó.
Tôi đi đến kết luận: sẽ vô nghĩa, khi tiếp tục đặt Marx lên ghế bị cáo, bởi vì công trình của ông ta làm nên - như đã được trình bày - không chỉ là vũ khí cho những người chỉ trích chính quyền quan trọng nhất trong CNXH hiện thực, chúng cũng còn là tài sản vô cùng quý giá đối với việc xây dựng một hệ thống trợ cấp xã hội tại các nền Dân chủ phương Tây. Ngoài ra không đươc phép quên rằng ngành khoa học xã hội và nhân văn với dáng dấp hiện nay nếu không có cú hích của Marx thật khó tưởng tượng nổi. Tư duy phê phán - lịch sử, việc vượt qua chủ nghĩa duy tâm, việc thấu nhìn những khía cạnh tư duy khoa học: tất cả những cái đó là những thành tựu, mà trước hết chúng ta phải cám ơn những tác phẩm của Marx, con người đã phải hứng chịu nhiều điều chưởi rủa.
Chúng ta hãy giải thoát cho nhà triết học về với sự tự do hoàn toàn xứng đáng được hưởng. Ông ta là nạn nhân đã quá lâu của Nhà nước XHCN mang dấu ấn của Lenin. Hãy giành cho ông ta một vị trí xứng đáng trong lịch sử: cách xa với các môn đệ không xứng đáng như Lenin, Stalin, Trotzki và Mao, thay vị thế bên cạnh những Sokrastes, Demokrit, Epikur, Spinoza, Erasmus, Hume, Voltaire, và Kant, Bentham, Feuerbach, Mill, Dewey, Darwin Russel và Popper.
Nhà xuất bản của tạp chí "Khai sáng và Phê bình" đã đưa Marx vào lời nói đầu của bộ tộc phả tư duy phê phán xuất bản lần đầu. Một ví dụ các trường học nên làm theo.
-------------------
Ghi chú
Anmerkungen:
1) MEW Bd.40, S.594
2) Eindrucksvoll, wenn auch umstritten (siehe z.B. Mecklenburg/Wippermann 1998; Pfahl-Traughber 1998) dokumentiert im „Schwarzbuch des Kommunismus“ (Coutois et al 1998)
3) MEW Bd.40, S.462f.
4) MEW Bd.3, S.77
5) MEW Bd.17, S.538
6) a.a.O., S.539
7) a.a.O., S.544
8) MEW Bd.40, S.534f.
9) vgl. hierzu Wagenlehner 1971
10) zitiert nach Wagenlehner 1971, S.24
11) zitiert nach Shub 1976, S.222f.
12) Goldenbergs Vergleich des Staatssozialisten Lenin mit dem Anarchisten Bakunin klingt reichlich verrückt, ist jedoch nicht völlig unbegründet. Tatsächlich zählten Bakunin und Netschajew zu den Inspirationsquellen Lenins. Von ihnen übernahm er den Typus des Berufsrevolutionärs, sowie die Bereitschaft zu Terror und direkter Aktion - unabhängig davon, ob nach Marxscher Theorie nun eine revolutionäre Situation vorlag oder nicht. Letzteres war auch Auslöser der entrüsteten Widerrede Goldenbergs.
13) siehe Böll, Kopelew, Vormweg 1984.
14) Biermann 1980, S.253
15) Petrovic 1980, S.180
16) Zum Fall Havemann siehe Havemann 1964, 1977, 1978 und 1980
17) Havemann 1980, S.30
18) Die erste und einzige DDR-Ausgabe erfolgte nach dem Fall der Mauer 1990.
19) Engels z.B. weist in seiner Kritik des sozialdemokratischen Programmentwurfs dezidiert darauf hin, daß die „demokratische Republik“ die „spezifische Form der Diktatur des Proletariats“ sei (vgl. MEW Bd.22, S.233ff.).
20) MEW Bd. 17, S.539
21) Petrovic 1980, S.190
22) vgl. Ley/Schoeps 1997
23) Zum Versuch einer agnostischen und dennoch engagierten Wissenschafts- und Gesellschaftstheorie siehe Schmidt-Salomon 1998
24) vgl. Popper 1980
25) MEW Bd.1, S.378
26) a.a.O., S.378f.
27) a.a.O., S.385
28) MEW Bd.25, S.784
29) MEW Bd.23, S.529f.
30) siehe z.B. Müller-Armack 1966
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Ba, 16/04/2013

No comments:

Post a Comment