Trang

Monday, April 8, 2013

TS Võ Nhơn Trí: " Việt-Nam cần đổi mới thật sự"

Nguồn: http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu/diemsach-vietnamcandoimoi.htm

Ðể xóa bỏ nỗi quốc nhục hiện nay Việt-Nam phải làm gì ?  
TS Võ Nhơn Trí đề nghị một kế hoạch gồm 10 biện pháp sau đây để khắc phục tình trạng tụt hậu ngày càng xa hơn và đuổi kịp các nước láng giềng. Ông tin rằng Việt-Nam phải có một thể chế chính trị dân chủ thật sự mới có thể thực hiện các biện pháp này. 
 1.         Cởi trói thật sự kinh tế tư nhân. 
2.         Cải tổ triệt để các xí nghiệp quốc doanh. 
3.         Cải cách sâu rộng hệ thống ngân hàng. 
4.         Thiết lập nhà nước pháp quyền công minh. 
5.         Thiết lập một hệ thống quản lý quốc gia hữu hiệu gồm ba thành phần bình đẳng là nhà nước, kinh tế tư nhân, và xã hội dân sự. 
6.         Nâng cao hiệu suất của nông nghiệp. 
7.         Tăng cường tri thức và công nghệ. 
8.         Tích cực hội nhập kinh tế vùng và thế giới. 
9.         Thiết lập mạng lưới an sinh xã hội và khắc phục tình trạng cách biệt giầu nghèo. 
10.       Tiến hành xây dựng con người kinh tế Việt-Nam.  
Trên đây là những biện pháp cấp thiết nhất để phát triển kinh tế Việt-Nam.  Một số lãnh vực khác cũng cần lưu tâm là cải thiện cấp bách hạ tầng cơ sở đặc biệt tại nông thôn, cải tổ luật lệ về đất đai và môi trường đầu tư ngoại quốc, phát triển các ngành tiểu công nghệ và công nghiệp nhẹ kể cả kỹ nghệ biến chế nông phẩm. Về kế hoạch phát triển dài hạn phải kể đến việc cải tổ các ngành giáo dục, y tế và môi sinh.  
Ðổi mới kinh tế và đổi mới chính trị
 Trong cuốn sách Việt-Nam cần đổi mới thật sự, TS Võ Nhơn Trí thảo luận hai vấn đề đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị riêng rẽ. Tuy nhiên theo tác giả, trên thực tế không thể tách rời hai loại đổi mới này. 
Trong 15 năm qua, tác giả nhận định rằng, kinh tế đã được cỏi mở một phần nào nhưng hệ thống chính trị vẫn nguyên vẹn ngoại trừ  một vài thay đổi ở ngoại vi.  Sau 1975, Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt-Nam đã được sửa đổi ba lần để nêu cao mục tiêu củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xã hội hóa miền Nam, và tăng cường khả năng quốc phòng chống lại sự xâm lăng của Trung quốc (1980); chính thức hóa nền kinh tế nhiều hộ sản xuất (1992); và sau chót là chính thức hóa chế độ kinh tế thị trường (2001). Cương lĩnh chính trị và cơ chế của Ðảng CSVN và nhà nước vẫn không suy chuyển.  Ðiều 4 Hiến pháp bảo đảm sự độc tôn của Ðảng CSVN, Nghị Ðịnh 31/CP Quản chế Hành chánh biến nhà ở thành nhà tù, Nghị Ðịnh 89/CP cho phép tạm giam vô thời hạn mọi công dân  vẫn còn đó.  
Theo tác giả, hiện tượng đông lạnh chính trị này đã đến thời điểm kìm hãm đổi mới về kinh tế.  Ông xác định rằng, cải tổ kinh tế không tự động dẫn đến mở rộng tự do về mặt chính trị, ở Việt-Nam cũng như ở Trung quốc... Sự phân đôi quá trình đổi mới như  Ðảng CSVN đang làm hiện nay không thể kéo dài mãi được... Bởi vì đến một lúc nào đó, nếu không đẩy mạnh cải tổ chính trị hơn nữa thì cải tổ kinh tế sẽ bị kìm hãm dần dần, thậm chí có thể tắc nghẽn. Và hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra hồi đầu năm 1997.  
Tác giả trích dẫn quan điểm của nhiều nhân vật về sự liên hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Ông Trần Ðộ ba năm trước đây đã nhận xét như sau: Trong nhiều nghị quyết của Ðảng cũng có nói tới cải cách chính trị đi đôi với cải cách kinh tế. Và có nói thêm cải cách kinh tế đi trước rồi tiến hành cải cách chính trị nhưng lại thấy mất tăm; thay vào đó là cải cách hành chánh mà suốt nhiều năm qua vẫn chưa đi tới đâu.  Theo tôi cải cách kinh tế hiện nay đang đòi hỏi phải có cải cách chính trị một cách mạnh mẽ và nếu không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế sẽ bế tắc.  
Theo tác giả thì gần đây hơn, ông Joseph Stiglitz, người đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế vào năm 2001, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Vietnam Economic Times vào tháng 3. 2002, nhẩn mạnh rằng phát triển không phải chỉ là tăng tổng sản lượng quốc nội (GDP) mà còn là tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội dân chủ thực sự và công bằng.  
TS Võ Nhơn Trí khẳng định rằng: Chế độ Hà-Nội hiện nay về cơ bản vẫn là một chế độ XHCN toàn trị, chứ không phải đã từ bỏ XHCN như một số người lầm tưởng. Vì vậy những người dân chủ phải đấu tranh để phi xã hội chủ nghĩa hóa chế độ này toàn diện. Ðể kết luận, TS Võ Nhơn Trí đưa ra nhận xét rằng Kinh nghiệm của các nước Trung Âu và Ðông Âu cho thấy rằng, nước nào kiên quyết thay đổi dứt khoát hệ thống chính trị cũ và hệ thống chính trị mới như Ba Lan, Hungari, Cộng Hòa Tiệp từ lúc khởi đầu đều thành công, cả về mặt phát triển kinh tế lẫn tiến bộ dân chủ thật sự về mặt chính trị. Ngược lại, các nước nào chỉ cải cách nửa vời về mặt chính trị và kinh tế thì không thành công cả về hai mặt này.   
Việt-Nam đang đứng trước những thử thách hết sức to lớn do những sự hội nhập kinh tế vùng và toàn cầu tạo ra. Mặt khác tự cô lập hóa không phải là một lựa chọn cho Việt-Nam. Do đó để chuẩn bị mở rộng cửa buôn bán với thế giới, nhu cầu đổi mới trong nội bộ về cả hai mặt kinh tế và chính trị trở nên thật sự cấp bách. Nếu phải đổi mới trong thế bị động, đất nước sẽ bị thua thiệt nhiều, khó có thể phát triển nhanh chóng, và tiếp tục tụt hậu.  Nếu những đổi mới được thực hiện trong thế chủ động, đất nước sẽ sớm ra khỏi cảnh nghèo đói.  
Cuốn sách  Việt-Nam cần đổi mới thật sự  của TS Võ Nhơn Trí là một tài liệu quý báu cho những người muốn tìm hiểu cặn kẽ về hiện tình ở Việt-Nam về cả hai mặt kinh tế và chính trị.  Ðọc sách của TS Võ Nhơn Trí, độc giả sẽ biết rõ hơn những quan điểm khác nhau về sự đổi mới tại Việt-Nam của những nhà trí thức và những nhà lãnh đạo trong và ngoài nước. ♣ 

No comments:

Post a Comment