Trang

Saturday, March 10, 2012

Sáng chế máy phát điện chạy nước của nhóm TS Nguyễn Chánh Khê- câu chuyện đèn treo ngược thời hiện đại?

Hôm thứ 4 ngày 7/3/2012 một người bạn là một nhà văn-nhà báo hỏi tôi có biết về sáng chế máy điện chạy bằng nước của TS Khê và hỏi về mức độ nghiêm túc của vấn đề. Tôi đã ngạc nhiên vì anh và tôi đang nói chuyện Tiên Lãng, lan man sang chuyện evolution của xã hội rồi đột ngột anh hỏi chuyện này và giải thích báo chí đang rất sôi động!

Tôi có biết chuyện này từ hồi tháng giêng khi báo chí giới thiệu thiết bị của TS Khê, nhưng rồi từ đấy không theo dõi nữa. Tôi trả lời anh thiết bị của TS Khê là kết quả nghiên cứu công nghệ nghiêm túc và nó bao gồm 2 phần: một phản ứng tách hydro ra khỏi nước và một pin nhiên liệu kết hợp khí hydro ấy với o-xy để tạo ra điện, mà bí quyết của TS Khê nằm ở vật liệu phản ứng tạo hydro. Anh bảo nhưng tại sao TS Khuê lại giấu bí quyết, tôi cho rằng TS Khuê có quyền làm vậy nếu ông muốn giữ để phát triển sản phẩm thương mại và bạn tôi đã đồng ý.*)

Tìm đọc lại thì thấy gần đây câu chuyện này đã được TS Giáp văn Dương- một người nghiên cứu hóa vật liệu- đã có bài phân tích khá kỹ, đúng nhưng chưa đủ, Xung quanh "máy phát điện chạy... nước", Tia Sáng 29/2. Đáng tiếc là trong quá trình phản biện TS Dương đã nghiêng (chủ quan) về phía số đông các nhà khoa học nghi ngờ, thậm chí sử dụng ngôn ngữ khá nặng như "Đã qua rồi thời giả kim thuật", thay vì giữ thái độ phản biện xây dựng để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Chuyện lại rộ lên hôm qua mà qua các blog của GS Nguyễn Đăng Hưng (Tôi ra về với bao nỗi ngổn ngang. Có một cái gì lạ lùng chưa có câu giải thích! Tôi tự bảo mình đâu phải chuyên gia ngành này. Đành chờ vậy… Bí mật mà…) và GS Nguyễn Văn Tuấn (Văn hoá khoa học qua vụ máy phát điện chạy bằng nước) tôi được biết hôm 9/3 TS Khê có buổi thuyết trình cho nhiều chuyên gia "mặt tiền" của nền KH nước nhà.

Kết quả sáng tạo thể hiện qua cuộc biểu diễn của nhóm TS Khê là nghiêm túc. Rõ ràng hydro đã được tạo ra bằng một phản ứng hóa học và được biến thành điện năng qua trung gian pin nhiên liệu (fuel cell). Ta có thể kết luận vật liệu nano của TS Khuê sẽ bị hao hụt theo thời gian, và nước cũng có thể bị nhiễm bẩn theo thời gian- sẽ phải thay mới. Có hai câu hỏi mà cái hội đồng các nhà khoa học đã không hỏi là: 1) thời gian bổ sung nước và bột nano là bao lâu và 2) phế thải có an toàn với môi trường không?

Việc phân tích để biết bột nano này là chất gì cũng đơn giản nếu sản phẩm được đem bán trên thị trường. Tạm thời đó chắc có thể là một hợp chất hữu cơ vì chế tạo được từ "gạo, bột năng".

Sự ồn ào của báo giới phần lớn là vì những nhà khoa học của ta mới biết một mà chưa biết hai, vội tuyên truyền sự nghi ngờ do hạn chế hiểu biết cá nhân mà quên sự lương thiện trí thức chính là khả năng học hỏi khám phá những điều mình chưa biết. Không kể những khoa học gia nội địa, vốn hạn chế nhiều điều, ý kiến các khoa học gia đang làm việc ở nước ngoài có trọng lượng vì tính "ngoại". Vội phản biện mà chưa giành đủ thời gian tìm hiểu cho thấu đáo- nhất là những bình luận không sai nhưng chưa đủ mà kết luận lại phủ định mang tính chế giễu ("giả kim hoàn") của TS giáp văn Dương, nhà nghiên cứu hóa vật liệu lâu nay vốn được biết đến với các phản biện xã hội, và những nhận xét tiêu cực (về đạo đức khoa học) của GS Tuấn.

Nhớ lại câu chuyện được kể như một giai thoại "trên tờ tap chí Trung Bắc Chủ Nhật, số ra ngày 17.10.1943, nhà văn Đào Trinh Nhất (1950-1951), người chuyên viết về lịch sử, ký sự, đã có bài báo đề cập đến đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những “chuyện lạ nước ngoài” như:
Đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên) v.v." Vua kinh dị giao cho đình thần bàn. Các quan bàn xong tâu:
- “Quy luật tự nhiên là nước chẩy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường, không đúng sự thật. Bọn Phan Thanh Giản bị họ bầy trò quỷ thuật làm cho quáng mắt”. (theo Trung Bắc Chủ Nhật, 17.0.1943)." (Về giai thoại “Cây đèn treo ngược…”; CÓ HAY KHÔNG CÂU CHUYỆN “CÂY ĐÈN TREO NGƯỢC” ? )

Thực tế thì sáng chế của TS Khê rất có thể dựa trên các nghiên cứu xuất bản mới trong vòng vài năm qua của một nhóm các GS Mỹ mà tôi sẽ viết rõ hơn khi có thời gian. TS Khê, vì thế, là một nhà nghiên cứu công nghệ nhạy bén và sáng chế của ông cần được ủng hộ phát triển. Mỗi nhà khoa học chân chính hãy học TS Khê, làm được một điều gì thật cụ thể cho đất nước, triển khai nó thành sản phẩm mang lại lợi ích và công ăn việc làm cho đồng bào thì dân tộc ta mới mong phát triển được.Còn cứ đục nước béo cò, vơ vét tiền thuế của nhân dân để đẻ ra những sản phẩm chỉ vì danh, vì lợi cá nhân thì đến bao giờ dân ta mới được mở mày mở mặt với thiên hạ đây? (Đọc chuyện khoa học trong nước hiện nay: Để hiểu khoa học Việt Nam- người trí thức xấu xí)

Viết thêm sau thông tin chi tiết về "Kết luận về báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê tại cuộc Hội thảo “Máy phát điện chạy bằng nước” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào buổi sáng ngày 9 tháng 3 năm 2012":
- Kết luận như trên là nghiêm túc và sáng chế cần được ủng hộ. Sự thật là máy phát được điện, và điều ấy là do phản ứng của chất chưa biết với nước, chất đó có thể là chất khử, xúc tác và cả chất mang/trữ năng lượng, có thể là tổ hợp của tất cả!
Khả năng ứng dụng phụ thuộc giá thành so với điện- khả năng ứng dụng trên phương tiện giao thông phụ thuộc giá thành so với ac-quy+ điện. Các vấn đề khác như ô nhiễm (do khí sinh ra, dung dịch thải loại) cần được quan tâm.
- Sớm muộn việc minh bạch hóa thông tin sẽ phải có. Trước mắt trong giai đoạn R/D, nếu nghiên cứu do tư nhân tài trợ thì không có gì phải bàn. Còn việc cấp kinh phí từ tiền thuế của nhân dân đòi hỏi mức độ minh bạch hóa thông tin nhất định từ phía TS Khê, ít nhất trong giới hạn các chuyên gia có trách nhiệm thẩm định đề án để duyệt chi tiền và giám sát kết quả đề án.
- Viết thêm về môi trường NCKH nước nhà: Ở VN ta chưa có văn hóa nghiên cứu khoa học và hiếm PTN nào có môi trường nghiên cứu thực sự (môi trường tinh thần!). Việc tranh giành đề tài, cướp công đồng nghiệp, lạm dụng chức quyền khai thác công sức và trí tuệ cấp dưới,…, trong nghiên cứu khoa học không phải là chuyện cá biệt. Vì thế phản ứng tự vệ tất nhiên nẩy sinh là con người ta cố gắng giữ kín bí quyết cho mình. Cực đoan đến mức có người thầy nghỉ hưu đến nơi mà vẫn cứ giữ kiến thức, không muốn trò học hết “chữ” của mình. Tất cả lại được cộng hưởng với cơ chế quản lý KH tập trung quyền lực trong tay các quan chức + hệ thống quyết định của các tổ chức chính trị.
Vì thế để phát triển KH&CN ở ta rất nhiều việc phải làm. Tiền bạc đầu tư có thể mất 1-2 năm, còn cái môi trường tinh thần là việc không dễ gì xây dựng trong cơ chế quản trị xã hội hiện nay.
Vì thế ở giai đoạn thư nghiệm TS Khê chưa muốn công khai kết quả là điều dễ hiểu. Để đánh giá cần có cái nhìn khách quan.
- Tìm thông tin về các xuất bản của TS Khê tôi thấy có 2 papers trên Photographic Science & Engineering 28 (1984) pp 191-195 & 195-199, có 3 US patents số 4504506, 4699862 & 4868079.
- Thông tin về PTN của TS Nguyễn chánh Khê: PHÒNG THÍ NGHIỆM NANO
- Tin đồn trên một trang mạng về TS Khê- mong là ông Khê sẽ minh bạch thông tin để tránh tin đồn thổi không hay: http://webdien.com/d/showthread.php?s=ea9dd61ec10b434cf6ff68e6ee96e23f&t=30167
- Phản hồi đa chiều trên trang GS Nguyễn Đăng Hưng:
Tôi ra về với bao nỗi ngổn ngang...


No comments:

Post a Comment