Trang

Thursday, March 15, 2012

"Tiên Lãng - Hải Phòng có thể khái quát gần đủ về những điều cần phải chỉnh đốn Đảng hiện nay", tuy nhiên: "Nếu không có báo chí, vụ Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác"

Để lâu cứt trâu hóa bùn! Cập nhật Vụ cưỡng chế Tiên Lãng: Kéo dài thời gian vì "phức tạp" (15/10/2012)

Văn hóa Nghệ an 14/3: Từ Tiên Lãng, nghĩ về công tác chỉnh đốn Đảng
Vietnamnet 14/3: Tiên Lãng và bài học với truyền thông


Từ Tiên Lãng, nghĩ về công tác chỉnh đốn Đảng


CÓ lẽ, đã lâu lắm rồi, người dân và báo chí mới có được một lần nghẹn đầy những cảm xúc, sự hồi hộp và mong mỏi đối với sự kiện có một không hai là chờ đợi Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với “Vụ Đoàn Văn Vươn” (Vụ ĐVV) chiều ngày 10.2.2012! Nói như thế để thấy rằng sự phức tạp của vấn đề đất đai, tính nhạy cảm về sự bất cập, yếu kém của một bộ phận quan chức, những bức xúc của yêu cầu thay đổi, cái thấy được của ước nguyện về một cơ hội của niềm tin... đã trở thành sự tổng hòa tâm thức của triệu triệu con người - trong đó có cả sự quan tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Có quá nhiều nỗi đau...
Có hơn 1.200 bài báo và hàng chục nghìn comment viết về Tiên Lãng trong suốt 45 ngày qua (tính từ 5.1 đến 15.2.2012). Đây là kỷ lục (đáng buồn) về một sự kiện được giới truyền thông (không phân biệt lề phải hay lề trái) đặc biệt quan tâm! Tính chất chưa có tiền lệ ấy của Vụ ĐVV nói rằng sự búc xúc (thậm chí là phẫn nộ) của người dân và dư luận lên cao chưa từng thấy. Điều đó nói lên rằng các quan chức sai phạm với các mức độ khác nhau, ở Tiên Lãng - Hải Phòng là vô cùng trầm trọng. Tất cả các quan chức (mới xác định danh tính một số) ấy đều là đảng viên(!) Có nghĩa là, Tiên Lãng đã “vô tình” trở thành bước khởi đầu, điểm nhấn, nút mở của công tác chỉnh đốn Đảng. Trong chừng mực nhất định nào đó, có thể nói rằng từ Tiên Lãng - Hải Phòng có thể khái quát gần đủ về những điều cần phải chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Kết luận của Thủ tướng đã khẳng định chính quyền Tiên Lãng đã sai từ đầu tới... cuối về quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, việc thực thi cưỡng chế, cách bao biện cho những sai lầm, sự vô cảm trước nỗi khổ của người dân, sự quanh co khi phải đối diện với sự thật. Cái sai và cách ngang nhiên làm sai 100% ấy nói lên rằng khi cả một bộ máy bị thao túng bởi một quyền lực (hay một nhóm quyền lực) thì hậu quả sẽ tai hại như thế nào! Không phải ngẫu nhiên mà Lord Action đã thật chua chát khi ông “định nghĩa” về một trong những điều đau xót nhất của nền chính trị hiện đại là “Quyền lực tuyệt đối sẽ đẻ ra sự tha hóa tuyệt đối”. Cái bị “trưng bày” rõ nhất cho một nền dân chủ bị lạm dụng - lợi dụng là cả 300 con người biết - thấy ông Trưởng Ban Tuyên giáo huyện nói sai mà chẳng hề có bất kỳ một sự phản biện nào! Thử hình dung nếu địa phương nào cũng “im lặng là vàng” như tập thể cán bộ đảng viên Tiên Lãng thì làm sao có thể chỉnh đốn được những sai trái, bất công?
Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai được “làm mới” 3 lần, sửa đổi 2 lần rồi, bị nhiễu loạn bởi 400 các thông tư, nghị định dưới luật, gần luật đã tạo nên một mê hồn trận về sự quan liêu, khó hiểu, chồng chéo của các cách diễn đạt và “vận dụng” đầy tắc trách, thậm chí là đã tạo nên vô số kẽ hở cho sự vô cảm, mưu lợi cá nhân lộng hành. Vụ ĐVV là cái điểm tới hạn về sức chịu đựng của cái nồi áp suất - rất may là sức nóng bùng nổ của nó mới chỉ tạo ra hoa cải nhưng đủ để làm vàng mắt mọi sự ngộ nhận, làm sáng mắt mọi sự chần chừ cho việc thay đổi quyết liệt về chất lượng tư pháp, trong đó bao gồm cả việc phải thấy rõ thực trạng yếu kém của các cơ quan có trách nhiệm trong khi soạn thảo luật pháp.
Sự thiếu trung thực, sợ trách nhiệm, dám làm nhưng sợ bị mất ghế, mất quyền đã đẩy tất cả những ai có quyền lực cùng gặp nhau ở điểm đến của sự xót xa là dối gian, vòng vo và sợ hãi khi phải đối mặt với những sai lầm do chính mình gây ra. Chính cái cách hành xử kém cỏi đó của tư cách quyền lực hay bổn phận công bộc đã đun nóng thêm, tạo ra hàng trăm cái nồi áp suất trên cả nước liên tục sôi trào, chỉ chực chờ bung vỡ thành những diễn tiến khó lường. Lịch sử không cho phép cấu thành “nếu” cho những gì chưa xảy ra nhưng có quyền đặt câu hỏi nếu Thủ tướng không vào cuộc một cách dứt khoát (với nội dung sẽ xử lý và thời điểm được ấn định rõ ràng) thì điều gì sẽ xảy ra? Hành xử chậm chạp, kém năng động và vô cùng thiếu về ý thức chính trị bao quát, tính ù lỳ thiển cận của bộ máy chính quyền địa phương thực sự đáng báo động và là một trong những tồn tại không thể chấp nhận nếu chúng ta thích thú thường xuyên với hai từ trong sạch, phát triển, ổn định.
Sự chịu đựng không phải là vô hạn luôn là thông điệp chủ đạo của người dân bất kể thời đại nào. Và, như Lê Nin đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần - Người nông dân luôn suy nghĩ trên luống cày của họ. ĐVV cũng như bao người nông dân chỉ biết đến luống cày là chủ yếu mà người ta cố tình tước đoạt cái nguồn sống, nguồn nghĩ, nguồn để im lặng ấy thì bước đường cùng là điều tất phải xảy ra. Thành ngữ miền Trung có một câu rất hay: Cáo chết chó cụng le lại (Cáo bị dồn đến chỗ mạt lộ tử cùng thì đấy cũng là lúc con chó đuổi theo phải lè lưỡi ra mà chết). Những cái sai của ĐVV như đem đất đi cho thuê (để kiếm thêm tiền mở rộng sản xuất) là điều có thể hiểu được. Một khi coi đó là tội lỗi thì đó là kẻ không hiểu câu nói của Lê Nin: Trong mỗi nông dân luôn có hai con người - khi họ sản xuất lúa mì, họ gần gũi với giai cấp vô sản; khi họ bán lúa mì, họ gần hơn với giai cấp tư sản. Làm lãnh đạo mà chỉ quy chụp, không nhìn thấy những cái thuộc về cốt lõi của vấn đề thì không sai, không phạm ác mới là chuyện lạ. Tại sao không chịu hiểu rằng ngay cả sau khi cho thuê đất mà vẫn không đủ tiền tô lại mấy mảng tường, vẫn chỉ có thể lợp tôn xập xệ cho căn nhà hai tầng có nghĩa là gì? Còn đáng buồn hơn nữa là mới đây (14.2) ngay trong ngày lễ của tình yêu và sự sẻ chia, một nhà báo khá có tên tuổi còn “đặt vấn đề” rằng không nên quyên góp để giúp đỡ gia đình anh Vươn(?)... Từ những điều khái quát trên đây, có thể rút ra “những việc cần làm ngay” về công tác chỉnh đốn Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói.
Thứ nhất, chuyện Tiên Lãng, theo cách diễn đạt của ĐBQH Dương Trung Quốc thì chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Có nghĩa là những vi phạm tương tự hầu như ở địa phương nào cũng có. Vì thế, muốn chỉnh đốn hiệu quả thì phải bắt đầu từ việc hoàn chỉnh luật pháp, sao cho việc ngăn chặn mọi hành vi lạm quyền, lộng quyền trở thành thực tế. Rất nhiều sai phạm (lỗi cơ chế) đã bắt đầu từ cái sai đầu tiên: Chúng ta chỉ kêu gọi lòng tốt mà quên mất rằng xu hướng lạm quyền để tư lợi, vị kỷ là một thuộc tính tất nhiên của con người. Ai cũng có với mức độ nhiều hay ít mà thôi. Chính vì thế, luật pháp cũng như Điều lệ Đảng phải được sửa đổi, hoàn chỉnh theo nguyên tắc ít kẽ hở nhất, ít cơ hội nhất cho sự lợi dụng của chủ nghĩa cá nhân và lòng tham của con người.
Thứ hai, những hành động vô nguyên tắc, coi thường pháp luật, phát ngôn bừa bãi không mang tính dập lửa mà lại còn đổ thêm dầu vào lửa của không ít cán bộ lãnh đạo trung - cao cấp Tiên Lãng - Hải Phòng buộc phải đặt câu hỏi rằng, phải chăng trình độ của không ít cán bộ lãnh đạo thời nay quá bất cập với trọng trách được giao? Chỉ một địa phương thôi mà hàng chục lãnh đạo sai từ trên xuống dưới như thế phản ánh chân xác sự thật không thể nhắm mắt làm ngơ: Hoặc là những cán bộ - đảng viên đó chẳng hiểu gì về pháp luật, hoặc họ coi thường nó; hoặc họ kém về nhãn quan chính trị trước các vấn đề nhạy cảm hoặc họ không hiểu rằng cách làm, lời nói của họ đã và đang bôi xấu chế độ, làm giảm sút trầm trọng lòng tin của người dân... Vì thế, chỉnh đốn Đảng có nghĩa là phải sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo - những ai không đủ tâm và tầm thì nhất thiết phải đốn khỏi các chức vụ đương nhiệm. Công tác này phải diễn ra mạnh mẽ và kiên quyết trên cả nước. Thực tiễn cho thấy kiểm điểm dù sâu và sắc đến thế nào đi nữa cũng không thể làm đảo lộn được những tồn tại.
Thứ ba, tính trì trệ, quan liêu, vô cảm của đảng viên làm công tác lãnh đạo đã trở thành một căn bệnh trầm kha. Diễn tiến của bi kịch Tiên Lãng không ít khi như một hài kịch. Đê lấn biển của anh Vươn nằm ngoài đê của Nhà nước nhưng lãnh đạo Hải Phòng, Đài truyền hình Tiên Lãng và Hải Phòng cứ ngang nhiên nói rằng con đê đó hưởng lợi từ con đê của nhà nước(!) Một ngôi nhà 2 tầng hẳn hoi bằng bê tông cốt thép mà khi thì gọi là nhà, lúc là chòi - thậm chí, ngay cả sau khi Thủ tướng đã làm việc (10.2), trả lời trên VTV1, ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng còn gọi là “nhà chòi”(?)... Không thể kể hết sự vô lối của những sai lầm tương tự, chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng các vị quan trên hoàn toàn chỉ tay năm ngón, chẳng biết đời sống của dân thế nào. Từ đây, cần minh định rằng, tất cả cán bộ (đảng viên) nếu quan liêu, trì trệ, bảo thủ, xa dân thì phải được xếp vào hàng của sự cần được thay thế. Dù có lập luận theo cách nào đi nữa thì sự kém năng lực, vô cảm cũng là một loại tội ác.
Lời cảm ơn và hy vọng
Chị Nguyễn Thị Thương - vợ của ĐVV nói: “Cuối cùng, thì mong muốn của người dân chúng tôi cũng đã được đáp ứng... Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng. Cảm ơn ông đã giúp người dân chúng tôi lấy lại niềm tin...” (VNN, 7:03:32 PM (GMT+7). VNN đăng tải câu nói này sau khi kết thúc buổi họp báo chưa đầy 2 tiếng - có nghĩa là chị Thương đã trả lời gần như ngay lập tức sau khi buổi họp báo kết thúc.
Lời cảm ơn ngắn của một người phụ nữ chỉ quen với khói thuốc lào, cái tép, con tôm dài hơn mọi bản tụng ca. Nó đến từ sự xúc động chân thành nên đẫm nước mắt. Nó xuất phát từ sự oan ức, từ đôi mắt buồn khổ, đau đớn của một người đang là bị can tại ngoạicó chồng đang bị tạm giam nên chứa đựng sự bao dung, vị tha vô bờ bến. Chị Thương đã cảm ơn thủ trưởng cao nhất của những người đã gây ra thảm họa cho gia đình chị. Cái cách cảm ơn ấy quân tử hơn mọi lời mang định danh “quân tử”. Ai bảo những người ít học là tiểu nhân nên “không có nghĩa bao giờ” (Khổng Tử)? Ai bảo rằng họ không biết phân biệt rành rẽ cái lẽ giản dị mà công minh nhất của cuộc đời là công ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, làm sai phải bị trừng phạt thích đáng? Rất nhiều người nông dân khác nữa cũng sẽ thầm cảm ơn Thủ tướng khi họ nghĩ và tin rằng ông sẽ giải quyết rốt ráo, đầy đủ tất cả những gì Kết luận đã nêu. Xa và sâu hơn nữa, lời cảm ơn của một người thay mặt cho những gia đình đang bị những bất công ở khắp nơi chèn ép, những người rất có thể, nếu không có ĐVV, sẽ vẫn phải mặn đắng nỗi lòng khi hòa nước mắt chung cùng với biển cả nhọc nhằn để lấn biển, quai đê - mở rộng diện tích đất đai cho nước Việt chật chội, nghèo nàn...
Tính phức tạp của Vụ ĐVV đòi hỏi sự cẩn trọng của công tác xử lý. Nhưng, cẩn trọng không đồng nghĩa với cách làm nhìn trước ngó sau, cân này, đong nọ... Vì Thủ tướng chỉ mới Kết luận nên dư luận chưa thể đòi hỏi sự rạch ròi đầy đủ bản thông cáo báo chí về công hay tội của những con người đã đúng và sai. Tuy nhiên, đặt ra câu hỏi để hy vọng là quyền của người dân.
Tại sao phá nhà dân mà lại không bồi thường ngay một chỗ ở tương tự ngay trong mùa mưa phùn gió bấc là điều nhất thiết phải trả lời nhanh. Tại sao bổ nhiệm ông Đỗ Trung Thoại (Phó Chủ tịch UBND TP HP) làm Tổ trưởng Tổ công tác giải quyết Vụ ĐVV chỉ một ngày sau lại hạ chức xuống “tổ phó thường trực”? Cách làm ấy khiến dư luận nghĩ rằng công tác tổ chức cán bộ vô cùng tắc trách, tùy tiện. Đó là chưa nói chuyện ông Thoại đã từng vu khống cho dân thì không thể xứng đáng tham gia xử lý. Có đời thuở nào một người đã làm sai, nói sai rồi, bây giờ lại chỉ huy việc điều tra cái sai đó hay không? Rất nhiều những câu hỏi được đặt ra để mà hy vọng.
Tại sao “chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà” mà lại chỉ mới là “dấu hiệu vi phạm pháp luật” (chúng tôi nhấn mạnh - HV)? Một hành động đã cấu thành (hoàn thành) tội thì không thể còn là dấu hiệu được nữa. Chính quyền Tiên Lãng đã sai từ A tới Z cho nên cái tội chống người thi hành công vụ có thể chưa đủ nghĩa về mặt luật pháp? Trả lại đất cho gia đình hai anh Vươn và Quý là điều tốt đẹp mà Thủ tướng đã làm. Nhưng, nếu vẫn khép họ vào cảnh tù tội lâu dài thì lấy ai để sản xuất - chẳng khác gì cho chiếc xe máy mà không có người sử dụng? Sự thiếu trách nhiệm và những phát ngôn bị dư luận phẫn nộ của nhiều quan chức làm phương hại đến bộ mặt của chế độ mà chỉ kiểm điểm thì có đủ răn đe các quan chức khác, những lần khác hay không? Tại sao có thể phát ngôn bừa bãi theo cách cán bộ tuyên giáo trồng lên được cái cây nào thì y như rằng các quan chức thiển tầm, thiếu tâm vặt trụi ngay hết lá? Việc chính quyền Hải Phòng “chưa đầy đủ, nghiêm túc” khi báo cáo vụ việc với Thủ tướng - thực chất chỉ là một uyển ngữ phản ánh rằng các quan chức Hải Phòng đã gian dối với Thủ tướng, không xứng đáng để tham gia vào sự vận hành của bộ máy. Để họ lại chỉ càng làm cho chế độ và người dân nguy hại nhiều hơn. Rõ ràng, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để chỉnh đốn thực sự hay không?...
Rất nhiều câu hỏi được nảy sinh trên tinh thần của hy vọng và tin tưởng. Có một nhà báo đã viết rất chính xác rằng một trong những cái “được” của Vụ ĐVV chính là nó đã đem lại cơ hội để giải tỏa những bức xúc giữa người dân và chính quyền. Nếu giải quyết tốt cái tạm coi là bất đồng ấy thì toàn thể dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể có đủ tự tin và sự vững vàng để đi lên với tin tưởng và hy vọng. Và, quan trọng hơn nữa, phải nhận thức đầy đủ rằng: Thành công của công cuộc chỉnh đốn Đảng đang và sẽ triển khai có quan hệ mật thiết, sống còn đến sự tồn vong của chế độ. Những ung nhọt đang ủ bệnh gây bệnh bộ phận là điều không thể lảng tránh. Dùng kiểm điểm phê bình để “chữa chạy” chẳng khác gì nuôi dưỡng chúng cho đến khi bùng phát, tràn lan thì tai họa sẽ không thể nào lường nổi!


  Cập nhật 14/03/2012 10:12:43 PM (GMT+7)

Tiên Lãng và bài học với truyền thông

- "Qua truyền thông đại chúng, vụ ông Đoàn Văn Vươn không còn là vấn đề của Hải Phòng mà trở thành vấn đề của cả nước, nhất là trong thời điểm toàn Đảng chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn Đảng", ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông nói tại hội thảo bàn về nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông.


Hội thảo do do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức sáng nay (14/3) tại Hà Nội. Câu chuyện báo chí tác nghiệp trong vụ sai phạm đất đai ở Tiên Lãng cho thấy nhiều vấn đề đáng nghiên cứu về vai trò báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia tài nguyên đất đai.
Luôn đi đầu, nhưng phải tỉnh táo


Ông Lưu Đình Phúc: Trong đấu tranh chống tiêu cực, báo chí cần tránh thái độ nửa vời. Ảnh: Lê Nhung
"Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng", ông Lưu Đình Phúc nhận định. Với sức lan tỏa nhanh và rộng lớn, thông tin từ báo chí cũng góp phần cung cấp chứng cứ ban đầu cho cơ quan điều tra. Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề đất đai luôn là điểm nóng. Ông Phúc phân tích, điều đáng ghi nhận ở báo chí qua vụ ông Đoàn Văn Vươn là ở tính xung kích, đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền ở địa phương. Báo chí cũng đã thể hiện thái độ quyết liệt với mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ đúng sai vụ việc. Đồng thời đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm thông qua các bài phỏng vấn chuyên gia, nhà quản lý, cựu quan chức...
Nói như ông Vũ Văn Luân, thư ký liên chi hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng, “nếu không có báo chí, sự việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác”.
Một số nhà báo trực tiếp tác nghiệp ở Tiên Lãng cũng đã kể lại hành trình đi tìm sự thật và những khó khăn, chật vật do bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Để có được thông tin chính thống từ phía chính quyền, không chỉ báo chí mà nhiều cơ quan, đoàn thể khác đi giám sát cũng gặp không ít trở ngại.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Đặng Hùng Võ, cũng có nhiều  bài học cần rút ra và giới truyền thông cũng cần phải rất tỉnh táo khi vào cuộc phanh phui các vụ việc tiêu cực tương tự. Đặc biệt trong bối cảnh những thành công trong quá trình tác nghiệp ở Tiên Lãng đang dẫn đến tâm lý báo chí cũng sẽ dễ dàng “thắng” trong các vụ việc tương tự.
Ông Võ cho hay, là một trong những người được truyền thông tiếp cận phỏng vấn ngay khi vụ cưỡng chế vừa xảy ra nên ông dễ dàng quan sát và phân tích được phản ứng của một số cơ quan truyền thông với vụ việc. Có tờ báo chọn cách im lặng, có tờ đưa tin chung chung, cũng có những cơ quan báo chí lớn ban đầu đưa tin từ góc nhìn này, nhưng sau đó đã lựa chiều để đưa theo góc độ khác. Nhưng về cơ bản, báo chí đã dẫn dắt được sự việc, dẫn dắt được dư luận và là một trong các nhân tố thúc đẩy sự vào cuộc của Thủ tướng.
Báo chí phải đi đến cùng


Ông Vũ Văn Luân: Nếu không có báo chí, vụ Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác. Ảnh: Lê Nhung
Sở dĩ đưa ra khuyến cáo rằng giới truyền thông cần “tỉnh táo” trong những sự việc tương tự bởi theo thống kê của chính ông Võ, tỷ lệ các bài viết về tham nhũng trong đất đai, xây dựng trong gần 10 năm trở lại đây có những thay đổi đáng chú ý. Thống kê sơ bộ của ông Võ từ 12 báo lớn cho thấy giai đoạn 2000 - 2001, số lượng bài vở chống tham nhũng khá dồi dào trong khi sang đến thời kỳ 2006 - 2009 sau vụ PMU18, tin bài giảm đáng kể.
Ngay những vụ tiêu cực mà báo chí đã phanh phui như thống kê của ông Lưu Đình Phúc cũng là những vụ rất điển hình và báo chí đã thông tin chi tiết.
Theo ông Võ, báo chí đang đứng trước thách thức là trong nhiều vụ việc khác diễn biến tinh vi, phức tạp, nhà báo không dễ tiếp cận được tài liệu như trong vụ Tiên Lãng.


Thống kê bước đầu của Cục Báo chí đến ngày 10/3/2012: Có hơn 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng.
Từ góc độ nhà quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc tổng kết nhiều bài học cần rút ra nhân sự kiện tác nghiệp ở Tiên Lãng. Chẳng hạn, báo chí cần đi đến cùng trong đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, tránh thái độ nửa vời. Bởi thực tế câu chuyện ông Vươn đã từng được một tờ báo của Bộ Công thương phản ánh từ năm 2008 nhưng báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng một số tờ báo địa phương đã vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương nên đã làm giảm tính phản biện, khách quan của thông tin.
Nhiều tờ báo chạy theo xu hướng thông tin một chiều phê phán chính quyền, ngôn ngữ kích động, kèm theo hàng trăm phản hồi. “Đây là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết vấn đề chính trị có thể phát sinh”, ông Phúc nói.
Lắng nghe phản ánh của các nhà báo về việc bị cản trở khi tác nghiệp, ông Phúc cho rằng ngoài nỗ lực tự thân để kiếm tìm thông tin, nhà báo cần được tạo điều kiện hơn nữa. Chẳng hạn cơ quan công quyền chủ động cung cấp thông tin, phát ngôn phải thống nhất, tránh sơ hở…
Những thách thức trên cần sớm được gỡ bỏ khi nhà báo được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý thông thoáng. Theo ông Phúc, đó là khi luật Báo chí bổ sung đầy đủ quy định về quyền tiếp cận thông tin. Là khi các nhà báo được trang bị kiến thức pháp luật để đưa tin chính xác, khách quan. Và đặc biệt là nhà báo cần đeo bám đến cùng vụ việc, đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy nhà báo mới làm tròn trách nhiệm xã hội của mình.
Lê Nhung

No comments:

Post a Comment