Trang

Wednesday, September 4, 2013

Phunutoday: Giáo dục Việt Nam 'ép' học sinh phải giàu

http://phunutoday.vn/doi-song/giao-duc-viet-nam:-nha-ngheo-khong-duoc-di-hoc-31702.html

Giáo dục Việt Nam 'ép' học sinh phải giàu

Cập nhật lúc 14:10 03/09/2013

(Đời sống) - Cứ vào mỗi dịp đầu năm học mới là các bậc phụ huynh học sinh trên cả nước lại phải đau đầu với đủ các vấn đề nào là xin cho con em học trường nào, với thầy cô nào, mua sắm dụng cụ học tập ra sao, xoay sở để đủ đóng góp các khoản đầu năm cho nhà trường...Tất cả dường như đã tạo nên một vòng xoáy, một mê hồn trận bủa vây lấy các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc học hành của trẻ lại phát sinh thêm một số vấn đề mà có lẽ bất kỳ ai khi nhắc đến cũng đều cảm thấy vô cùng xót xa, đó là việc phân hóa giàu nghèo, lớp học 'giàu' trong trường công lập, đồ đi học cũng bắt phải theo kiểu nhà giàu...
Chỉ vừa mới đây, các bậc phụ huynh trong cả nước đã không khỏi bức xúc trước các vụ việc như thầy giáo cắt dép học trò nghèo, hay trường tiểu học ở vùng quê nghèo may đồng phục giá một tạ thóc..
Theo đó, vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua, hàng chục phụ huynh, học sinh Trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) rất bức xúc vì con em họ bị giáo viên tịch thu, cắt dép; trong số đó, nhiều học sinh thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn.
Em Ngô Thị Quỳnh Như, lớp 10A9, rưng rưng nước mắt kể với phóng viên báo Tin tức: Nhà em nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê. Đôi dép của em có giá 135.000 đồng, bằng gần 2 ngày làm thuê của mẹ. Vậy mà em mới đi học 2 ngày đã bị thầy giáo cắt bỏ. Hôm bị thầy cắt dép, em phải đi chân trần trên quãng đường hơn 2 km để về nhà và mẹ em phải đi mua nợ giày ba ta để con đi học theo nội quy nhà trường.
Hoàn cảnh cháu Lê Phú Cường (học cùng lớp với em Như) còn bi đát hơn vì là hộ đặc biệt khó khăn, nhà ở tạm trên phần đất mượn của người quen nên khả năng mua dép mới thay thế càng xa vời...
Mô tả ảnh.
Em Ngô Thị Quỳnh Như
Trước đó, việc trường tiểu học Văn Bình may đồng phục với mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng cũng khiến dư luận không khỏi xôn xao bàn tán.
Trước đến nay các bậc phụ huynh vẫn cho rằng trường tư, trường quốc tế với nguồn vốn đầu tư của tư nhân, cơ sở vật chất to đẹp, thu học phí cao, dành cho con em nhà giàu. Trường công với nguồn lực hạn hẹp của ngân sách công, điều kiện dạy và học hạn chế, học phí thấp, dành cho con em nhà nghèo.
Nhưng đấy là khi chưa có mô hình lớp VIP, lớp chất lượng cao trong trường công lập xuất hiện. Thời gian gần đây, mô hình này xuất hiện ở khá nhiều trường công lập trong cả nước mà đã khiến đây là sự lựa chọn hàng đầu cho các gia đình giàu có và tạo sự phân hóa lớn giữa các học sinh. 
Cách thức điều hành của không ít trường hiện theo kiểu phụ huynh nào mạnh chi thì có thể sắm đủ thứ cho lớp học của con mình, biến lớp học của trường công thành riêng của con nhà giàu, gây ra sự phân hóa phản cảm trong môi trường giáo dục.
Toàn bộ sàn lót gỗ trong một lớp “VIP” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Nội (Ảnh TNO)
Theo thông tin từ báo Thanh niên, năm ngoái trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) gây bất bình trong dư luận khi cho phép phụ huynh của 2 lớp 1A và 1B biến lớp học của con mình trở thành lớp… đặc biệt dành cho con nhà giàu, bất chấp những lớp xung quanh vẫn học ở những phòng học cũ kỹ với các phương tiện dạy học nghèo nàn.
Theo bảng chi phí đầu tư xây dựng lớp 1A của ban đại diện hội phụ huynh học sinh (HS), riêng hệ thống bảng tương tác của lớp này đã mất gần 168 triệu đồng. Đồng thời, lớp học này còn đầu tư và sửa chữa gần như toàn bộ cơ sở vật chất trong lớp như: bàn ghế của HS và cô giáo, sàn nhà, máy điều hòa, rèm cửa, hệ thống điện, chiếu sáng, sơn cửa, xây dựng trong lớp và hành lang. Tổng số tiền để đầu tư lớp học ở đây lên hơn 300 triệu đồng, biến lớp học trở thành một “ốc đảo” sang trọng khác thường.
Sự phân hóa này được dự báo sẽ càng trở nên đáng sợ với việc Bộ Giáo dục ban hành Quy định chính thức về học phí chất lượng cao trong trường công lập.
Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy, dường như ngành giáo dục nước ta đang cố gắng phổ cập giàu trong toàn ngành khi bắt buộc gia đình học sinh phải giàu: đồ đi học phải là kiểu nhà giàu, trường học cũng sắp có trường giàu...
Và cũng vì thế người ta lại càng có cớ để lo lắng việc tiến tới gia đình học sinh không giàu thì ... thôi khỏi đi học.
Phan Anh (Tổng hợp)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Trần Bách (nhận xét lúc:03/09/2013 21:59)
Xin hỏi : Đâu là nhà trường XÃ HỘI CHỦ NGHĨA - và nếu vậy nhà trường đó có phải là nhà trường XÃ HỘI CHỦ NGHĨA hay không - Bạn nào trả lời hộ tôi....Trả lời
Thạch Sùng (nhận xét lúc:03/09/2013 19:32)
Thực trạng của ngành giáo dục làm chúng tôi vô cùng xót xa cho giai cấp nghèo, một giai cấp một thời được đánh giá là cách mạng triệt để nhất.Trả lời
huyentv (nhận xét lúc:03/09/2013 17:41)
Trong tương lai gần gia đình nào giầu có mới được cho con đi học , còn nghèo thì ở nhà chăn trâu thôi.Trả lời
trần đức huy (nhận xét lúc:03/09/2013 15:36)
nền giáo dục nước nhà đang quá tiêu cực, cháu mong các bác lãnh đạo mạnh tay hơn nữa, người nghèo thì rất nhiều mà lứa tuổi học sinh ai cũng phải họcTrả lời
hồng chiến (nhận xét lúc:03/09/2013 15:29)
mình thấy một số bộ phận giáo viên đúng như bài viết ,bây giờ họ chỉ đua nhau xem ai thu nhập nhiêu hơn ai ,trên lớp thì bớt chương trình để bắt học sinh học thêm các môn.mình rất mong các bác lánh đạo vào cuộc...và nhiều vấn đề tiêu cực khác.Trả lời
phương hoa (nhận xét lúc:03/09/2013 14:47)
người Hà Nôị mắc cái bệnh tinh tướng,sĩ diện hão, có tí tiền là đi ti toe khoe của, bày đặt. Mình rất ghét con người Hà Nội, mình thấy nó thật lố bịch, tầm thường.Trả lời

1 comment: