Trang

Saturday, June 9, 2012

Khi gian dối chế ngự được Giáo dục và Khoa học, nó đã trở thành giá trị phổ biến

Thói gian dối-ăn cắp đời nào, xã hội nào cũng có.  Chỉ có điều các ràng buộc xã hội, bao gồm đạo đức xã hội, tôn giáo và luật pháp, có kiểm soát (trừng phạt) được sự gian dối hay không mà thôi. Thời các cụ ngày xưa cũng có bọn "lừa thầy phản bạn" như Lý Thông trong truyện cổ hay Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiên, v.v.

Trong xã hội ta ngày nay thói gian dối không còn là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức xã hội, mà đang trở thành một thuộc tính khi cái ác lấn át cái thiện. Nó đang là phổ biến bởi sự tê liệt của đạo đức trong một xã hội thiếu luật pháp nghiêm minh và cũng không còn niềm tin tôn giáo. Nó phát triển được vì có những cơ chế xã hội đang cho phép, thậm chí khuyến khích sự gian dối ngang nhiên tồn tại*). Thói gian dối còn trở thành bản năng tự nhiên của một lớp người hãnh tiến. Hãy xem lại video clip của một Nguyễn Văn Thành nói với các cụ lão thành CLB Bạch Đằng về vụ Cống Rộc, hay một Nguyễn Khắc Hào báo cáo thủ tướng và lãnh đạo 63 tỉnh thành về vụ Văn Giang, hay tiểu sử thăng tiến đầy thành tích làm ăn thua lỗ của Dương Chí Dũng, v.v.!

Trong một môi trường mà người thầy thuốc chỉ cần 2-3 năm làm việc là bị tha hóa biến chất, một cử nhân sư phạm muốn xin được đi dạy thì bài học đầu tiên là phải biết mất hàng chục triệu lót tay, v.v. thì thói gian dối là gì? Một sự xấu hổ, hay lẽ đời phải sống chung với nó, hay tệ hại hơn nữa là sự tự nguyện chà đạp lương tri để làm chủ cuộc chơi bằng ăn cắp và dối trá giỏi hơn kẻ khác? Các hạng người khác nhau trong xã hội này đang có các lựa chọn khác nhau như vậy. Và chính các sự lựa chọn, nhiều khi thật đau đớn, đang làm con người trở nên vô cảm, và tha hóa!

Chuyện cháu học sinh dũng cảm sử dụng camera bút (chỉ quay mà không xem được) để lột trần bản chất dối trá của hệ thống GD cùng với vụ 3 dự án ODA của Đan Mạch đưa đến cho bạn đọc một tấn bi hài kịch khác, sau những bi hài của Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cái Răng trong nông nghiệp và những Vinalines, PetroVietnam, Sông-Đà cùng Bộ GTVT với vị "tư lệnh" họ Đinh nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp và GTVT. Lần này là sự bốc mùi trong hai lĩnh vực GD&KH- vốn được mong đợi là nơi bảo tồn và gìn giữ những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

Bi hài hơn nữa là trong chính kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này ngành GD bắt các cháu làm bài thi rằng "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội". Cái camera có khả năng ghi hình nhưng không có khả năng xem lại hình thì có khác gì cái máy tính điện tử được phép đưa vào phòng thi, vì nó không có khả năng giúp người học sinh quay cóp! Vậy thì cháu học sinh này đã dũng cảm vạch trần sự thật cần thiết để thực sự "nói không với tiêu cực trong giáo dục". Những ai không dám nhìn vào sự thật, không dám công nhận sự thật dối trá đang trắng trợn tồn tại tràn lan trong chính ngành giáo dục, thì có làm được bài thi về "Thói dối trá..." nói trên không và có đủ nhận thức để cải tạo cái nền giáo dục và khoa học đang suy đồi này không?
_____________
*) Một thí dụ là chủ nghĩa thành tích "làm láo báo cáo hay"! Thí dụ khác là thói gia trưởng và thích nghe nịnh của những kẻ các chức quyền.

Đọc:
- Ý kiến ông Đào Trọng Thi-Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, Dân Trí 5/6/2012: Không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”; Ý kiến PTT Nguyễn Thiện Nhân và BT Phạm Vũ Luận về vụ thi cử ở Bắc Giang. Vietnamnet 7/6/2012: Phó Thủ tướng: Chuyện Bắc Giang là danh dự ngành giáo dục; Lời bình của Tam Thái trên Phụ nữ Today 8/6/2012: Nghe Bộ trưởng Giáo dục lên lớp về dại khôn, dối trá… 
- TS. Nguyễn Minh Hòa viết về động lực NCKH, Sài Gòn tiếp thị, 6/6/2012: "Nghiên cứu khoa học: Mục đích hay công cụ kiếm sống?"; vietnamnet 11/6/2012:"Điểm danh các dự án ODA có sai phạm, tiêu cực"
- Vietnamnet, 8/6/2012: "Học sinh tố tiêu cực ở Bắc Giang được mời học"
- Nguyễn Hiền, Dân Trí, 8/6/2012: "Khó tin nổi màn "ảo thuật" nghìn tỷ của Vinalines!"
- "phải chăng các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, ca sĩ... đều ẩn tàng mục đích tuyển gái cho các đại gia?", Giao Cảm, Sài Gòn tiếp thị, 8/6/2012: "Trưng tên gái gọi, giấu tên gọi gái"
- Báo Đất Việt, 6/6/2012: "'Không có nông dân mua dâm nghìn đô'"
- Kỳ Duyên, Vietnamnet, 9/6/2012: "Cái đẹp, dối trá và... "
- Tuoitre, 2/5/2012: "Phí làm đường cao tốc: đắt hơn cả Mỹ"
Chuyện Vinalines lại không lỗ, vậy thì Dương Chí Dũng bị oan rồi! Đọc BBC, 8/6/2012: "Vinalines lỗ hay lãi?" Các đại biểu QH đã quá lo xa? Dân Trí, 24/5/2012: "Vinashin, Vinalines chứng tỏ tham nhũng nghiêm trọng hơn thời PMU18"
- Đất Việt 9/6/2012, Phát biểu của đại biểu QH Dương Trung Quốc: "Nước nhà gặp nhiễu sự, dân còn giúp Nhà nước?"

No comments:

Post a Comment