"
|
Ảnh: Website ĐH Hoa Sen |
Đặc tính chung nhất của giáo dục đại học theo quan điểm của tôi là nơi những người trí thức góp phần phát triển những thế hệ trí thức mới. Dù thiên về nghiên cứu hay nhấn mạnh đào tạo nghề nghiệp, dù trong lĩnh vực học thuật hay ngành nghề đào tạo nào, giáo dục đại học không thể không quan tâm tạo những điều kiện tốt nhất có thể, những phương thức sáng tạo và hiệu quả nhất có thể để phát huy năng lực tư duy và ý thức trách nhiệm của người dạy, người học và cả những người đang quản lý đại học hay đang xa gần có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại học cũng không thể tách rời bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội nơi mình hoạt động, vì vậy dù là bản địa hay “nhập khẩu”, đại học cũng vẫn phải tính đến bối cảnh đó để có phần thích ứng và có phần tác động ngược lại, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
"
Có tạo được đột biến trong đào tạo hay không, chủ yếu tùy thuộc ở nội lực của từng trường, ở tầm nhìn của lãnh đạo, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn và tâm huyết của đội ngũ sư phạm, trình độ đầu vào, động cơ và năng lực nghiên cứu, học tập của sinh viên. Một phần khác tùy thuộc môi trường kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội trong đó nhà trường vận hành.
Còn trao -nói đúng hơn là trả lại -quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cấp trường, theo tôi chỉ đơn giản là bảo đảm điều kiện sống còn để một trường đại học thực sự là đại học. Không thể coi là trường đại học đúng nghĩa, dù ở đó có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, nếu nhà trường không có quyền tự chủ tối thiểu để minh định sứ mạng và mục tiêu, phương thức đào tạo; chọn lựa đối tác sư phạm, ngành học, lĩnh vực học thuật mà mình muốn phát triển, theo thứ tự ưu tiên và mức độ đầu tư các nguồn tài nguyên cho mỗi lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu mà mình cho là phù hợp.
Cũng thuộc về chức trách bình thường của các trường đại học là những công việc nghiệp vụ như tuyển sinh, thi, kiểm tra, xét tốt nghiệp, tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu, hội thảo khoa học, giảng dạy, học tập, quảng bá tri thức, các loại hình sinh hoạt trong và ngoài lớp học, trong và ngoài biên giới quốc gia để đào tạo, bồi dưỡng tri thức, năng lực và giúp người dạy, người học không ngừng mở rộng hiểu biết, tư duy, khám phá, sáng tạo. Nếu trong việc thực hiện chức trách bình thường đó của mình mà lẽ đương nhiên là phải chịu trách nhiệm tương xứng với quyền tự chủ được thực thi -trường đại học vẫn phải báo cáo, xin ý kiến, xin chủ trương, chờ cấp phép quá nhiều lần, cho nhiều việc quá cụ thể, chi li tới mức vụn vặt thì nó đang gặp trở ngại ngay trong thực tế vận hành hằng ngày.
Cho nên, thay vì tự hỏi nhau hoài về những giải pháp “thần kỳ” có khả năng “tạo đột biến”, tôi chỉ mong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng được trả lại bầu không khí thanh thản bình thường cần thiết cho người làm việc trí óc, để người thầy chuyên tâm làm giáo dục, làm khoa học, tập trung thời gian, trí tuệ của mình vào việc nghiên cứu khoa học, truyền đạt tri thức, bồi dưỡng nhân cách, cải tiến phương pháp, theo dõi những xu thế chuyển động của giáo dục trên thế giới, mở mắt mở lòng học hỏi từ kinh nghiệm thực tế và những trăn trở, ưu tư, tìm tòi, sáng tạo của các nước để tìm con đường phát triển phù hợp cho giáo dục Việt Nam. Sinh viên là người học đã trưởng thành, có đầy đủ quyền công dân. Họ cũng phải được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong những quyết định quan trọng thiết thân như chọn trường, chọn ngành học, chọn lộ trình học và một số môn học và cả chọn thầy, chọn cách tổ chức học tập thích hợp cho mình. Không ai có thể thay thế nhà khoa học, nhà giáo dục, thay thế người thầy trong quản lý đại học, trong nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn, tư vấn người học. Không thầy cô hay phụ huynh nào có thể làm thay sinh viên trong quá trình tự học, tự đào tạo, tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
"
Đọc toàn văn trên Báo Quân Đội Nhân dân:
http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/262/262/262/186363/Default.aspx