Trang

Tuesday, April 17, 2012

Rác trí tuệ ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên


Lại lùm xùm chuyện rác trí tuệ lãnh đạo đại học! Trần Trung năm 2007 được ô Bành Tiến Long, thứ trưởng Bộ GDĐT lúc đó, giới thiệu về làm hiệu trưởng ĐH SPKT HY. Chuyện ô. Trung này với chuyện rác trí tuệ ở Thái Nguyên là ô. Phan Quang Thế, nguyên nghiên cứu sinh của ông Bành Tiến Long, (Muốn đổi mới giáo dục trước hết phải quét sạch rác-trí-tuệ đang được sử dụng làm lãnh đạo giáo dục), có một điểm chung: đó là 


đều được thầy Bành Tiến Long nâng đỡ mà trưởng thành!
http://docbao.com.vn/docbao/bao-bvpl/so-26656/bvpl_so_28.dec#trang-176015
http://www.baomoi.com/Truong-Dai-hoc-su-pham-ky-thuat-Hung-Yen-Nhieu-dau-hieu-vi-pham-can-duoc-lam-ro/59/8249918.epi
Đọc hơn 300 phản hồi của sinh viên và giảng viên copy lại từ baomoi.com ngày 18/4/2012 (đã bị baomoi xóa!): ~300 comment trên baomoi.com

Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên: Nhiều dấu hiệu vi phạm cần được làm rõ

Nhà báo & Công luận - 6 ngày trước 6177 lượt xem
(CL)-Vừa qua, báo Nhà báo và Công luận cùng một số cơ quan báo chí khác nhận được đơn và tài liệu của ông Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đối ngoại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tố cáo nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm liên quan đến ông Trần Trung, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường
Để rộng đường dư luận và thông tin một cách khách quan, PV đã nhiều lần liên hệ với Nhà trường nhưng đều không nhận được sự hợp tác. Căn cứ vào nguồn hồ sơ, tài liệu mà báo thu thập được, cho thấy những tố cáo của người dân là có cơ sở, rất cần sự vào cuộc làm rõ đúng sai của cơ quan chức năng...

Phép vua thua lệ trường
Theo đơn ông Bình tố cáo, nhiều năm qua ông Trần Trung, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường thường xuyên sử dụng ô tô 4 chỗ Toyota Camry 2.4 biển số 89B 25-28 làm phương tiện đi lại cá nhân từ Hà Nội đến trường và ngược lại. Điều này vi phạm Điều 6- QĐ số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Cty Nhà nước.


Theo Điều lệ trường Đại học (Ban hành kèm theo QĐ số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ). Theo khoản 2 Điều 41 của Điều lệ trường Đại học “Lãnh đạo khoa là Trưởng khoa, lãnh đạo viện là Viện trưởng (sau đây gọi chung là Trưởng khoa). Giúp việc Trưởng khoa có không quá 2 Phó trưởng khoa (đối với viện, là Phó viện trưởng). Nhiệm kỳ của Trưởng khoa là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ của Phó Trưởng khoa theo nhiệm kỳ của Trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại”. Ngoài ra, theo khoản 5 của Điều lệ này thì “Độ tuổi khi bổ nhiệm Trưởng khoa, Phó trưởng khoa trong các trường đại học công lập không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ; độ tuổi khi bổ nhiệm Trưởng khoa, Phó trưởng khoa của trường đại học tư thục được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”. Quy định của pháp luật rõ ràng như thế nhưng ông Trần Trung ký bổ nhiệm các chức danh chủ chốt chỉ có nhiệm kỳ 02 năm. Hơn nữa, dù là trường công lập, nhưng ông Trần Trung cũng tự ý ký Quyết định bổ nhiệm cho những người nghỉ hưu ở các trường khác giữ các chức danh chủ chốt như Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa, Trưởng bộ môn...Ký quá nhiều quyết định sai về thể thức và không có giá trị pháp lý, ông Trần Trung còn bị tố cáo về việc tuyển sinh sai quy định, trong đó ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh có 02 loại điểm trúng tuyển và hai loại học phí trong cùng 1 lớp học ( điểm trúng tuyển thấp thì đóng học phí cao hơn 90.000 đ/ tháng).


Hé lộ nghi án “Quỹ đen”
Trong đơn tố cáo, ông Bình khẳng định, có dấu hiệu thiếu minh bạch trong chi tiêu, quản lý tài chính tại Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Cụ thể là, ông Hiệu trường Trần Trung đã ký loạt các văn bản trong nhiều năm gây bức xúc trong tập thể giáo viên, sinh viên. Cụ thể là ngày 20/8/2008, ông Trần Trung đã ký Quy định tạm thời về thu và sử dụng tiền học lại và thi lại cho sinh viên, trong đó có mục Quản lý và điều hành chung: 7%. Ngày 7/11/2011, ông Trần Trung lại ký Quy định về thu và sử dụng tiền học lại, học cải thiện kết quả học tập và thi lại của học sinh, sinh viên, có mục chi quản lý và điều hành chung của nhà trường: 5%. Bằng chứng cụ thể là theo Bảng tổng hợp thanh toán tiền học lại, học cải thiện điểm, thi lại của học kỳ 3, năm học 2010-2011 của riêng khoa Điện- Điện tử, số tiền chi quản lý và điều hành chung đã lên tới gần 34 triệu đồng. Như vậy, số tiền trên nhân với các khoa nhân với các học kỳ, qua bao nhiêu năm học thì lên đến số tiền đến mức nào? Ai là người điều hành, quản lý số tiền đó? Và sử dụng với mục đích gì?


Bên cạnh đó, các phiếu chi của các đơn vị của trường cũng hé lộ nhiều vấn đề nghi vấn. Điển hình như các phiếu chi của Trung tâm Hưng Yên APTECH công nghệ thông tin và truyền thông, có nhiều khoản chi không theo bất kỳ nguyên tắc nào với nội dung chi như: Ngày 2/7/2011 chi 14.500.000 với nội dung: chi phí nhỏ lẻ. Ngày 2/7/2011 chi 22 triệu đồng chẵn với nội dung: chi tiếp Thứ trưởng (?!!). Đặc biệt có khoản chi liên tục, thường xuyên cùng với một nội dung: Uống nước nhớ nguồn. Cụ thể là ngày 26/1 chi 12 triệu, ngày 24/2 chi 8 triệu, ngày 13/6 chi 5 triệu, ngày 14/6 chi 20 triệu, ngày 16/6 chi 15 triệu, ngày 20/6 chi 30 triệu, ngày 2/7 chi 37 triệu..Một số tiền rất lớn như vậy đã đi đâu, phải chăng nội dung Uống nước nhớ nguồn là một loại “Quỹ đen” ? Đó là một câu hỏi lớn cần được làm rõ.


Thu học phí vượt trần, nhiều khoản thu bất thường?
Ngoài ra, mức thu học phí tại trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cũng bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể là, Hiệu trưởng Trần Trung đã ký Quyết định số 392/QĐ-ĐHSPKTHY ngày 06 tháng 6 năm 2011 về việc qui định mức học phí năm học 2011-2012, qui định mức thu học phí đối với Đại học chính qui là 395.000đ/tháng nhưng lớp công nghệ thông tin thu 7.500.000đ/5tháng và lớp Quản trị kinh doanh thu học phí 2.425.000 đ/5 tháng như vậy là vượt trần quy định của pháp luật. Theo Nghị định quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 mà Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/5/2010, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 như sau: Đối với ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn,du lịch mức học phí năm 2010-2011 là: 310.000 đ, năm 2011-2012 là: 395.000đ, năm 2012-2013 là: 480.000 đ; năm 2013-2014 là: 565.000đ; năm 2014-2015 là: 650.000đ.


Hơn nữa, ngày 20/9/2011, ông Trần Trung đã ra Thông báo yêu cầu chứng chỉ chung bắt buộc cho toàn trường: Chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC cho sinh viên các ngành không chuyên ngữ, IELTS cho các sinh viên chuyên ngữ. Chứng chỉ B++ cho các ngành không chuyên Công nghệ thông tin. Các chứng chỉ chuyên môn bắt buộc: Trình độ đại học tối đa là 3 chứng chỉ, trình độ cao đẳng tối đa 2 chứng chỉ. Thực ra, trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Việc sinh viên nộp học phí và thi để đạt trình độ tín chỉ đã là đủ , không cần thiết phải bắt buộc đóng tiền để học thêm chứng chỉ ngoại ngữ nữa. Được biết trước đó, nhiều sinh viên trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã tố cáo việc nhà trường bắt đóng 500.000đ/năm nhưng lại chỉ được nhận hóa đơn trắng, không có dấu đỏ. Mục đích thu tiền cũng không được nhà trường giải thích rõ ràng. Nhà trường giải thích việc thu tiền này nhằm tăng cường nhận thức công nghệ, kỹ năng thực hành và giáo dục toàn diện cho HSSV. Nhiều sinh viên cho rằng, việc áp dụng thu tiền đối với cả sinh viên mới vào trường và sinh viên sắp tốt nghiệp là không hợp lý, vì những đối tượng mới vào trường chưa được thực hành nhiều, còn những đối tượng sắp tốt nghiệp thì đang chuẩn bị đồ án, không còn đi thực hành nữa. Tuy vậy, đa số sinh viên vẫn nộp tiền nhưng chủ yếu là do tâm lý lo sợ bị nhà trường cấm thi, hạ mức điểm đánh giá rèn luyện… Lãnh đạo nhà trường cho rằng, nhà trường chỉ làm công tác tư tưởng để vận động sinh viên nộp tiền chứ không có chuyện bắt buộc và sinh viên đã nộp tiền rồi mà làm đơn đòi lại thì nhà trường sẽ giải quyết(?!!).Liên quan đến việc hóa đơn thu tiền không đúng quy định, lãnh đạo nhà trường thừa nhận là đã có sai sót trong quy trình thủ tục. Hơn nữa, Trường chưa có văn bản gửi Bộ để xin thu thêm khoản tiền này. Trường cũng biết là nếu có văn bản thì chắc chắn Bộ GD-ĐT cũng sẽ không đồng ý. Nhưng ở đây vì mục đích đào tạo nên trường vẫn quyết định làm (?!).Anh Bình còn cung cấp tài liệu tố cáo liên quan đến việc lập nhiều khoản thi trái quy định như tiền giấy thi, tiền giấy nháp, tiền học lại, tiền thi lại, tiền phôi bằng, tiền chứng chỉ các loại chuẩn đầu ra, tiền học cải thiện..


Bên cạnh những vấn đề nói trên, Dự án khoa May và thời trang tại cơ sở 1 (huyện Khoái Châu) là dự án vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ trong khuôn khổ dự án Đào tạo nghề Việt Nam. Dự án chưa kết thúc, chưa bàn giao thì Hiệu trưởng Trần Trung đã quyết định chuyển ra cơ sở 2 (huyện Mỹ Hào). Điều này vi phạm thông tư 87/2010/TT-BTC qui định việc quản lý và xử lý tài sản sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc. Việc này gây lãng phí hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến uy tín của trường đối với Dự án đào tạo nghề Việt Nam do Chính phủ CHLB Đức tài trợ. Tòa nhà khoa May và Thời trang xây bằng nguồn vốn đối ứng của Dự án, nay bị chuyển sang nơi khác nên không khai thác được công năng của tòa nhà, sai mục đích sử dụng của Dự án. Được biết, hiện nay tòa nhà này được sử dụng cho khoa Cơ khí Động lực.


Với những khúc mắc nêu trên, mong rằng các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin liên quan đến vụ việc trên.

Công Tâm

No comments:

Post a Comment