Trang

Monday, January 23, 2012

Suy nghĩ Xuân Nhâm Thìn: Dân-chủ và Pháp-trị để phát triển đất nước và hòa hợp dân tộc

Rồng chùa Dạm, Bắc Ninh (Thời Lý) 
Trong thời khắc chuyển giao năm mới, lẽ thường là nhìn lại cái đã qua và nghĩ đến ngày mai. Nhìn lại 1/4 thế kỷ đổi mới, GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Tokyo) chỉ ra cái chất lượng phát triển yếu kém với những cơ hội bị bỏ lỡ và những nguy cơ lệ thuộc kinh tế vào TQ. Ông chỉ ra bài học Hàn quốc mà chúng ta chưa có/chưa học được:
"Lý do đầu tiên phải kể đến đó là tố chất của những người lãnh đạo, đó là những nhà chính trị mà tinh thần yêu nước vượt qua những niềm tin ý thức hệ, luôn trăn trở về con đường đưa đất nước đuổi kịp các nước tiên tiến. Họ cũng là những người thức thời, quy tụ và sử dụng được nhiều người tài giỏi, có tâm huyết với sự nghiệp xây dựng đất nước. Lý do thứ hai cũng rất quan trọng là Hàn Quốc từ rất sớm đã có cơ chế thi tuyển công chức nghiêm ngặt để từ đó họ xây dựng được bộ máy hành chính mạnh, hiệu suất cao. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, Hàn Quốc xây dựng được quan hệ lành mạnh, hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. Cùng với các yếu tố đó thì giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ luôn được Hàn Quốc quan tâm hàng đầu. 
Việt Nam có nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước nhưng chủ yếu là những chính sách, chiến lược cụ thể, còn những yếu tố thuộc nền tảng thể chế và xã hội, nền tảng văn hóa, giáo dục... những tiền đề để cho các chính sách, chiến lược cụ thể ấy thành công, thì hầu như chưa được chú trọng nghiên cứu, hoặc có nhưng chưa được thực thi, áp dụng." (Giáo sư Trần Văn Thọ: Cơ hội bỏ lỡ và nguy cơ lệ thuộc)
TS Nguyễn Đức Thành (ĐHQGHN) cho rằng cần 5 trụ cột, bao gồm 1) Tư duy duy-lý, 2) Văn hóa dân chủ, 3) Kinh tế thị trường, 4) Xã hội công dân và 5) Nhà nước pháp quyền. (Việt Nam: 5 trụ cột để hướng tới tương lai)

Trong 5 yếu tố này có những quan hệ nhân quả. Một dân tộc hiện đại phải được xây dựng trên nền tảng các công dân tự do và bình đẳng. Đó là một chính thể dân chủ. Sự tự do cá nhân đồng nghĩa với một nền kinh tế thị trường được vận hành trong một chế độ pháp trị đảm bảo sự bình đẳng cá nhân trước pháp luật. Xã hội công dân là con đẻ của nền dân chủ, tư duy duy lý và văn hóa dân chủ là điều có thể học được và thực hành được ở nhà trường, gia đình và xã hội. Chính nền giáo dục nước nhà đang thiếu những điều kiện thể chế tự do- dân chủ này để được thực sự đổi mới, lột xác!

Khi bắt đầu Đổi mới, đáng tiếc, những trí tuệ đi tiên phong của đất nước nhìn thấy được nhu cầu dân chủ hóa và vai trò của nhà nước pháp quyền như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách, trước sau đều bị vô hiệu hóa. Phát triển một nền kinh tế thị trường không đi cùng với một chế độ pháp trị và một nền dân chủ trong hoàn cảnh đạo đức truyền thống đã bị hàng chục năm thực thi triết lý vô thần thánh xóa bỏ đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa tư bản tàn bạo hơn cả chủ nghĩa tư bản sơ khai. Khi con người không còn biết tu nhân tích đức để phúc-lộc lại cho con cháu, sự tha hóa do lòng tham lan tràn như đại dịch, để càng lâu biến thái càng tàn bạo. Đáng tiếc sự biến thái đó xảy ra mạnh mẽ nhất trong nhóm người có điều kiện nhất tiếp xúc với các lợi ích- chính là những người được Đảng giao nắm Quyền-dân. Họ là những Đảng viên. Vì thế, đáng tiếc- nhưng là một sự thực- chính các Đảng viên nắm quyền lãnh đạo đang là đối tượng bị dịch bệnh nguy hiểm nhất. Chính Tổ chức Đảng đã đẩy họ vào chỗ thử thách sự tha hóa bởi lòng tham bản năng trong môi trường tự do lũng đoạn quyền lực do không bị bất kỳ một sự kiểm soát nào của thể chế- luật pháp và công luận- những điều chỉ có trong một nền pháp trị và dân chủ chân chính. Và đến lượt mình, chính chúng, những kẻ đã bị lòng tham và quyền lực làm tha hóa, đang làm biến thái chế độ. Vì thế, sự kiện Tiên lãng 5/1/2012 chỉ là một thí dụ kinh điển cho sự mục nát thể chế khi quyền lực "nhân dân" mặc sức lộng hành trở thành bạo quyền cướp đoạt nhân dân.

Lãnh đạo đất nước đã sẵn sàng chưa cho việc xây dựng nền móng của một nước Việt Nam hiện đại, một nước Việt Nam hùng cường của những con người tự do sáng tạo (khẩu hiệu cũ gần 60 năm Nhân văn giai phẩm!), nhân ái và đoàn kết trong tinh thần dân chủ và đa văn hóa? Một đất nước như vậy hẳn sẽ là niềm tự hào của con cháu Lạc-Hồng dù ở trên đất mẹ hay đang hòa nhập nước người. Khi đó thì chẳng cần lời kêu gọi nào, chính sách nào, Hòa-hợp-dân-tộc hẳn đã là hiển nhiên (Hòa hợp dân tộc: Không thể chờ nước chảy đá mòn). Và đất lành chim đậu, không chỉ chim Lạc chim Hồng bay đi rồi lại trở về tổ, mà Việt Nam sẽ thành một quốc gia văn minh đa văn hóa, đa chủng tộc của những con người yêu chuộng hòa bình, tự do, dân chủ.

Và quốc sách để con rồng Việt Nam bay lên thật đơn giản, chỉ ba yếu tố thôi- như ba hạt đậu thần cổ tích bất kỳ ai có tư duy độc lập cũng có thể tự tìm ra được: Kinh tế thị trường, Luật pháp và Dân chủ!

No comments:

Post a Comment