Trang

Saturday, January 14, 2012

Đôi lời với nhà văn Nguyên Ngọc: "dân đã trở nên bất trị" hay là quan bất trị dồn đẩy dân đến đường cùng của cuộc mưu sinh?

Tôi vốn rất tín nhiệm nhà văn Nguyên Ngọc, không chỉ vì ông là tác giả của những "Đất nước đứng lên" hay "Rừng xà-nu" đã làm nên một phần nhận thức tư tưởng của thế hệ chúng tôi, mà còn vì tự nhận mình chia sẻ rất nhiều tư tưởng ông thể hiện qua các quan điểm và hành động trong văn hóa, giáo dục hơn hai chục năm qua. Vì thế tôi giật mình khi thấy ông viết về vụ Tiên Lãng-Đoàn Văn Vươn như thế này:
"Và dân đã trở nên bất trị vì bị đẩy đến đường cùng" (Nguyên Ngọc, trong "Không nhỏ chút nào")
Dân ta là dân của một nước độc lập, chế độ ta là một chế độ dân chủ và cộng hòa, dù đang là Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý với rất nhiều bất cập đe dọa sự "tồn vong của chế độ" (Nguyễn Phú Trọng, "Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ"), nhưng trong quan điểm chính thống Nhân-dân vẫn đang là chủ. Người dân phải được ở vị trí lựa chọn, đánh giá, kiểm soát vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng và Nhà nước. TS Võ Trí Hảo gần đây trích lại Hồ Chí Minh rằng:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân. Người viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". 
"Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa". Như vậy, Người đã luôn khẳng định: Dân là chủ, Chính phủ là "đầy tớ" của dân." (Võ Trí Hảo, "Quyền "đuổi đầy tớ” của dân")
Vì thế nhận thức rằng người dân cần phải bị trị (nên mới có lúc trở nên "bất trị" chống lại kẻ thống trị) là quan điểm lạc hậu, đối lập nhân dân với lãnh đạo/tầng lớp thống trị. Quan điểm như thế là của giới thống trị, dựa trên luận điểm về sự u mê tăm tối trí tuệ, ngu dốt nhận thức của người dân, mà ngày nay ngay cả trong các chế độ tư bản điển hình ở Bắc Mỹ, Tây Âu hay Úc, Nhật cũng không còn được ai chấp nhận nữa!

Trong vụ Tiên Lãng, rõ ràng chính quyền địa phương, mà người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ tịch huyện Lê văn Hiền, đã lạm dụng quyền lực, tùy tiện vận dụng luật pháp, tùy tiện huy động tòa án và sử dụng công cụ chuyên chính vô sản (công an/quân đội), lừa dối, cướp và phá tài sản của một hộ dân lao động chân chính. Khi sự việc vỡ lở thì chúng sử dụng xã hội đen ngăn cản phóng viên tìm hiểu sự thật. Sự kiện Đoàn Văn Vươn vì thế cho thấy sự suy thoái của hệ thống quyền lực nhân dân, ít ra là ở Tiên Lãng, từ vai trò " các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân" đã biến thái trở thành kẻ thống trị nhân dân, nhẫn tâm chà đạp lên lợi ích chính đáng của người dân, độc ác đẩy người lương thiện đến đường bước đường cùng,  phải quyết sống chết với chính quyền.
"Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả pháp luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng..." (Đặng Hùng Võ, "Sự kiện Tiên Lãng và "giọt nước tràn ly"") 
Xem bản đồ vệ tinh khu trang trại anh Vươn lấn biển. Ở gần Cửa Văn Úc của hệ thống sông Thái Bình.
Thông tin bổ sung:
"Đoàn Văn Vươn sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em. Dù gia cảnh khá nghèo khó nhưng bố Vươn, ông Đoàn Văn Thiển, là một Đảng viên gương mẫu tại địa phương với 20 năm làm Bí thư chi bộ thôn. Học hết trung học phổ thông, Vươn đã học tiếp hệ tại chức Đại học Nông nghiệp, trở thành kỹ sư nông nghiệp, về quê cùng em trai Đoàn Văn Quý đầu tư vào đầm nuôi thủy sản. Năm 1993, Vươn cùng vợ con ra bãi bồi ven biển đầu tư cải tạo khu vực nuôi tôm. Tại địa phương, Vươn là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn và chưa từng có tiền án, tiền sự" (Anh Thế-Quốc Đô, "Khởi tố vụ nổ mìn, xả súng làm 6 chiến sĩ trọng thương")
Thêm về ý kiến của ông Đặng Hùng Võ: "Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng- Hải Phòng: Việc cưỡng chế đã sai!": "Lãnh đạo ở một số địa phương là đại diện cho người dân để nắm chính quyền nhưng họ lại luôn muốn khẳng định quyền lực vô biên của mình và sẵn sàng bất chấp để bảo vệ nó. Điển hình là cuộc họp báo ngày 12-1, lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn một mực cho rằng mình đúng. Thậm chí, họ còn viện ra Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đất đai năm 1993 để bảo vệ nhưng lại chẳng hiểu gì."
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: ""Ví dụ về thu hồi đất đai không “trong sáng” đã xảy ra ở nhiều địa phương. Khi tôi còn là đại biểu quốc hội khóa X, ở Bình Định đã từng xảy ra vụ thu hồi đất, ban đầu nói là thu hồi lợi ích quốc gia, nhưng cuối cùng thực chất là để chính quyền chia chác nhau."
"Về thông tin cho rằng người dân xã Vinh Quang, Tiên Lãng đang bị chính quyền cấm không được trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói rằng, họ đã làm trái lại với quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận của nhân dân. Nếu như không có gì khuất tất, không có gì phải che giấu thì tại sao chính quyền phải “bịt miệng” dân như thế? Chính quyền như vậy không những không coi dân ra gì, thì không thể nói tới việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân.", (GDVN, 16/1/2012: "Vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: Tướng Thước lên tiếng")


Không nhỏ chút nào!  

 Nguyên Ngọc *
Mấy hôm nay xôn xao cả nước vụ cưỡng chế tàn bạo và chống cưỡng chế tuyệt vọng ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Hẳn là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, tối 11-1-2012, tại trung tâm văn hóa Pháp L‘espace ở Hà Nội có buổi giới thiệu tập “Hoa Đường tùy bút” *, tác phẩm cuối cùng của Phạm Quỳnh *. Trong một bài nhỏ tên là “Chỉ buộc chân voi” ở sách ấy, Phạm Quỳnh viết về vấn đề đạo đức xã hội như sau:
“Nền nếp của gia đình, trật tự trong xã hội, kỷ luật của cá nhân, phần nhiều cũng chỉ căn cứ ở mấy sợi chỉ vô hình do đạo đức tôn giáo đời đời dùng để ngăn cái thị dục vô nhai của người ta, ngăn cái xuẩn động vô ý của quần chúng … Cho nên những sợi chỉ vô hình đó, chúng ta phải biết giữ gìn mà tôn trọng. Mỗi khi đụng chạm đến, phải hết sức cẩn thận, vì đã đứt rồi không sao nối lại được nữa …
Thứ nhất là kẻ có trách nhiệm trị dân trị nước, lại phải thận trọng lắm, và phải nhớ rằng một dân không biết kính nữa là một dân bất trị vậy.
 Đọc, cứ nghe như Phạm Quỳnh đang nói về chính Tiên Lãng, Hải Phòng !
 Có phải dân đã bất kính vì kẻ cầm quyền đã tự mình làm cho người ta không còn kính được nữa. Và dân đã trở nên bất trị vì bị đẩy đến đường cùng.
Sợi chỉ đạo đức đã bị đứt. Vụ Tiên Lãng không nhỏ chút nào !
N.N.
+ Đọc thêm: Nguyễn Khôi viết về Hoa đường tùy bút của Phạm Quỳnh (Vunho). “Tùy bút 3 : Chỉ buộc chân voi -  Voi ở đây ví như sức mạnh bản năng của đám đông (quần chúng), muốn “buộc” họ (quản lý họ) thì phải bằng những sợi chỉ vô hình (nay có thể hiểu là Tôn giáo, ý thức hệ, đạo đức, chủ nghĩa này nọ…). Đó là những sợi chỉ mong manh nhưng cũng là sợi chỉ thiêng liêng, nhờ đó mà loài người mới thành xã hội có kỷ cương, nếu không thời chỉ là những đám đông ô hợp, hỗn hào, loạn tạp. Nhận thức này còn nguyên giá trị với hôm nay khi ‘mùa xuân Ả Rập’ đang diễn ra ở Bắc Phi ?“.
Phạm Quỳnh (Wikipedia).

No comments:

Post a Comment