Trang

Wednesday, January 25, 2012

Phản biện xã hội trong ngôn ngữ Ngô Bảo Châu

"Nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học, và rộng hơn là trong cuộc sống." (Ngô Bảo Châu, phát biểu tại Cung hội nghị quốc gia, 29/8/2010)
Trong cái tình trạng suy thoái chung của khoa học và giáo dục (Để hiểu khoa học Việt Nam- người trí thức xấu xí), những trí thức hàng đầu có tâm lại được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp như Ngô Bảo Châu thực sự mang lại hy vọng le lói cho những ai có trăn trở về nền KH và giáo dục ĐH nước nhà.

Xem lễ mừng công giải Field tối 29/8/2010 về, trong tôi cảm xúc lắng đọng:
  1. Ngô Bảo Châu đã rất khiêm nhườngkiên nhẫn đóng vai phụ hết buổi lễ.
  2. Phát biểu của Ngô Bảo Châu tuyệt vời, nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa. Vì nếu hiểu được thì người ta đã làm đổi thay được nền Khoa học & Giáo dục nước nhà rồi. (Người ta trong buổi lễ thì có đủ quan chức chính phủ, từ thủ tướng tới các lãnh đạo GD&ĐT và KHCN)
Rồi viết vài dòng chia sẻ với người thân: " Mặc dù con người VN thông minh, gia đình hy sinh cho việc học của con và XH có khuyến khích con trẻ học tập, nhưng Khoa học Giáo dục nước nhà không thể phát triển được vì đụng chạm đến gốc rễ xã hội: 3 yếu tố vật chất (con người/tiền bạc/tổ chức) có thể đạt được, nhưng các yếu tố văn hóa (giá trị tuyệt đối của tri thức, tự do tuyệt đối trong sáng tạo và đạo đức học thuật) thì phải mất vài thế hệ để thay đổi."

Ngôn ngữ Ngô Bảo Châu thể hiện một trí tuệ cảm xúc xuất sắc. Lọc ra trong dòng chảy cảm xúc là mạch trí tuệ sáng suốt của một nhân cách khoa học. Nhân chuyện dư luận mạng lao xao về phát biểu gần đây (mà tôi không thấy có gì sai) của Ngô Bảo Châu về trí thức và phản biện xã hội (Thư Hiên, Tuoitre, 20/1/2012, "Giáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai"), xin chia sẻ lên mạng các ý kiến khái quát về một chiến lược xây lại nền Toán học nói riêng và khoa học nói chung mà anh đã thể hiện trong buổi tối 29/8/2012.

Thấy gì qua các phát biểu của Bảo Châu: Trước hết đọc bài phát biểu của anh ở phía dưới, sau đó sắp xếp lại những đoạn câu đánh dấu vàng theo logic của một bản thảo Kế hoạch chiến lược, thì ta có nội dung anh muốn gửi gắm "(giải Field đang) tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn về chất nền Toán học Việt Nam nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung" như sau:
(Anh nói về) sự thay đổi lớn về chất nền toán học Việt Nam nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung:
Đánh giá hiện trạng: Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi
1)    Trong xã hội: hầu hết các gia đình Việt Nam việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học (...) vẫn là sự hiếm hoi.
2)    Trong giới khoa học: tinh thần yêu thương đoàn kết (như) trong cộng đồng toán học Việt Nam là cái rất hiếm hoi.
Để thay đổi:
1)    Nỗ lực cá nhân/xã hội: kiến thức của mỗi người và sự cố gắng của Nhà nước, Chính phủ qua những quyết sách đúng đắn dũng cảm
2)    Xây dựng cộng đồng/giới trí thức:
-         người đi trước nắm tay người đi sau: nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học, và rộng hơn là trong cuộc sống. (Và với các bạn trẻ thì) luôn giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mình đã chọn
-         nếu không có sự đoàn kết, tình yêu thương lẫn nhau cùng tinh thần nghiêm khắc không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác không theo kịp bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ.
Những tiền đề cho sự thay đổi lớn về chất:
1)    Yếu tố tinh thần: 
-         (nhận thức xã hội về) giá trị tuyệt đối của tri thức
-         (biến nhận thức thành hiện thực) môi trường học tập lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của những nhà khoa học; (Cụ thể) là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng trong các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.
2)    Yếu tố vật chất:
-         Nhân tài: nhóm nghiên cứu khoa học, kết hợp những nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau và những sinh viên, nghiên cứu sinh tràn trề đam mê khoa học.
-         Vật lực: nguồn hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ (…) cũng như các tổ chức tư nhân, 
-         Tổ chức (quản trị): cách tổ chức công việc hiệu quả 
3)    Yếu tố cá nhân các nhà khoa học trẻ: 
-         (có) niềm đam mê khoa học; 
-         việc học hành là ưu tiên số 1 của bố mẹ
-         được cộng đồng (khoa học) nuôi dưỡng


Toàn văn bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu (Tienphong, 30/8/2010)

Kính thưa...

Trước hết, tôi xin bày tỏ tấm lòng cảm kích của tôi đối với nhà nước, chính phủ đã tổ chức buổi lễ mừng công hôm nay với một tấm lòng trân trọng và chân thành.
Tôi thực sự cảm động khi nhận thấy niềm vui, niềm tự hào về giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đồng bào cả nước, bắt gặp sự hân hoan, niềm tự hào trong mắt các bạn học sinh, sinh viên trong buổi lễ hôm nay làm niềm hân hoan, tự hào của cá nhân tôi nhân lên nhiều lần.
Lần đầu tiên, giải thưởng Fields, giải thưởng quan trọng nhất của toán học đã được cho một nhà toán học xuất thân từ một nước đang phát triển. Sự kiện này có thể tạo tiền đề cho sự thay đổi lớn về chất nền toán học Việt Nam nói riêng và công tác nghiên cứu khoa học nói chung.
Đó là điều mà cá nhân tôi và rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý khoa học tâm huyết đang rất hy vọng. Nhưng trước khi nói về tương lai, tôi nghĩ, chúng ta nên điểm lại quá khứ để tìm hiểu cái gì là nguyên nhân, những nhân tố tích cực nào đã đưa đến thành công ngày hôm nay.
Tôi xin tâm sự một vài điều. Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Tuy không ai thích thú những chuyện ôn nghèo, kể khổ, ta vẫn không thể không nhớ rằng những yếu tố đã tạo thành con người của chúng ta, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng bố mẹ đã phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần 20 năm trở lại đây, tôi sinh sống ở nước ngoài, rất lâu ở Pháp và gần đây ở Mỹ, tiếp xúc với cuộc sống của người nước ngoài, tôi hiểu ra một điều rằng: tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa của tôi có thể thiệt thòi hơn về cái ăn, cái chơi nhưng về học tập thì chưa chắc.
Sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số 1 của bố mẹ. Có lẽ, vì bố mẹ là những nhà khoa học nên niềm đam mê khoa học, giá trị tuyệt đối của tri thức đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào mà tôi không biết!
Trong hầu hết các gia đình Việt Nam việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, trong suy nghĩ chủ quan của tôi, vẫn là sự hiếm hoi.
Điều kiện thuận lợi đặc biệt nữa cần kể đến là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng Toán học theo nghĩa rộng.
Từ thầy Tôn Thân - giáo viên chuyên toán trường Trưng Vương đến thầy cô khối chuyên toán A0 trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho đến nhiều nhà khoa học trẻ thời đó đã dạy tôi với tất cả tâm huyết của mình, hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn lúc đấy. Tôi không thể kể tên được hết các anh, nhưng xin lấy một ví dụ, như thầy Phạm Hùng khối chuyên Toán. Tôi đến học thầy trong căn phòng 8 m2, lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc bắc vì thầy hay đau ốm, nhưng thù lao thầy nhận từ bố mẹ tôi đôi khi là cân đường, đôi khi là một vỉ thuốc bổ.
Trong cộng đồng toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là một điều hết sức tự nhiên. Gần đây do được cọ xát với một số ngành khoa học khác tôi mới hiểu ra rằng, tinh thần yêu thương đoàn kết trong cộng đồng toán học Việt Nam là cái rất hiếm hoi và đáng quý.
Khoa học của nước chúng ta nói chung và toán học nói riêng chưa có một sự xuất sắc trên thế giới nhưng nếu không có sự đoàn kết, tình yêu thương lẫn nhau cùng tinh thần nghiêm khắc không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác không theo kịp bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ.
Cái may mắn tiếp theo là việc được Chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học đại học. Là một sinh viên người nước ngoài nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp, chưa một lần nào tôi cảm thấy mình được kém ưu tiên so với sinh viên Pháp.
Ngược lại, chính giáo sư trưởng khoa toán trường ĐH Sư phạm Paris nơi tôi học đã khuyên tôi nên làm việc với giáo sư Laumon, lúc đó là một nhà toán học Pháp xuất sắc nhất. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành nhà Toán học chuyên nghiệp.
Ông là một người thầy tuyệt vời. Trong số 6 -7 học trò của ông thì tính đến nay có 2 được giải thưởng Fields. Và gần đây nhất, cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong giáo sư trường Harvard, khi chưa đầy 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm khoa học của ông Laumon và một vài đồng nghiệp do ông lãnh đạo không chỉ có tôi và anh Lafforgue, người đoạt giải thường Fielsl 2002, mà còn rất nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc khác.
Ôn lại thời gian này, tôi hiểu sự quan trọng của nguồn sức mạnh của nhóm nghiên cứu khoa học, kết hợp những nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau và những sinh viên, nghiên cứu sinh tràn trề đam mê khoa học.
Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi nhưng cũng mang lại vinh dự xứng đáng cho cho cộng đồng khoa học Pháp cũng như cộng đồng khoa học Việt Nam.
Mấy năm nay tôi có may mắn hiếm hoi được làm việc tại viện nghiên cứu cơ bản cao cấp ở Princeton. Viện được thành lập từ những năm 30, là nơi Albert Einstein đã làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ giáo sư cơ hữu mà hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu thế giới, viện thường xuyên đón các nhà khoa học trẻ  làm việc trong thời gian 1 đến 2 năm.
Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức tư nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của viện Princeton là cái đáng để học tập. Sau 50 năm, một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử nghiên cứu khoa học, viện đã trở thành lá cờ đầu của Toán học, Vật lý lý thuyết và đóng vai trò rất lớn trong sự hình thành lịch sử toán học Mỹ, và vào thời điểm hiện tại, đóng vai trò số 1 không phải bàn cãi.
Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton, rất có thể, bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành ở thời điểm này. Ngoài ra, với sự tiếp xúc với những thiên tài như Gerard Laumon, tôi đã định hình rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi bổ đề cơ bản đã được hoàn thành.
Từ trải nghiệm làm việc ở Pháp cũng như ở Mỹ tôi hiểu ra rằng môi trường học tập lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của những nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng trong các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.
Cuối cùng tôi xin nhắc đến một người, là nhà khoa học, người bạn lớn của Việt Nam. Đó là ông Henry Rogermortier. Khi còn là sinh viên, Henry đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp phản đối chính sách thực dân ở Đông Dương. Sau này, ông đã qua Việt Nam nhiều lần và trở thành người bạn thân thiết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập Ủy ban Khoa học kỹ thuật hợp tác Việt - Pháp. Tôi có may mắn sống trong nhà ông nhiều năm, học được rất nhiều từ con người của ông. Ông không bao giờ nói dài như tôi đang làm. Nhưng qua việc làm của ông, tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học, và rộng hơn là trong cuộc sống.
Đấy là điều mà tôi muốn nói với cá nhà khoa học Việt Nam, những nhà quản lý và tất cả những người làm cha làm mẹ.
Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi nhưng kiến thức của mỗi người và sự cố gắng của Nhà nước, Chính phủ qua những quyết sách đúng đắn dũng cảm chính là tiền đề cho sự chuyển biến theo một chiều hướng tích cực.
Cuối cùng, tôi xin chúc các bạn trẻ luôn giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mình đã chọn!
Xin cảm ơn quý vị!



Viết thêm 27/1/2012: 
1) Lịch sử dân tộc, ít nhất từ 1945 tới nay, cho thấy vấn đề không phải là các khái niệm mà là sự hiểu cho đúng và triển khai cho trung thực các khái niệm vào thực tiễn. Cứ xem xét hai khái niệm Tự-do, Hạnh phúc trong tên nước là rõ! Nhìn xa hơn, toàn bộ lịch sử phát triển ngôn ngữ-trí tuệ của dân tộc cũng cho thấy: ứng với một khái niệm/giá trị cho dù có tốt đẹp đến mấy đều xuất hiện các phản khái niệm/phản giá trị mà trong cuộc sống chúng luôn có xu hướng lấn át giá trị đích thực. Lấy thí dụ khái niệm Quân tử, lịch sử cho thấy thời nào cũng vậy, số lượng Ngụy quân tử, tức những kẻ có học miệng nói chữ thánh hiền nhưng hành xử theo lợi riêng/ý thích riêng, luôn nhiều hơn và thường lấn át trên chính trường! Ở đầu thế kỷ 21 khi cả xã hội Việt Nam vẫn đang tụt sau các dân tộc khác ở Tây-Âu, Bắc Mỹ, Nhật hay châu Úc cả một thời đại văn minh (Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh là những người nhận thức điều này trên 100 năm nay mà đến nay số đông dân tộc ta đã hiểu ra?) những kẻ có học, hơn ai hết, phải làm gì góp phần thúc đẩy sự đổi thay của đất nước, thay vì lo nghĩ về những định nghĩa mới cho một khái niệm cũ? (Kể cả khi bạn đưa chữ TRÍ THỨC viết hoa vào thang giá trị thì xã hội này sẽ ngay lập tức lạm phát NGỤY TRÍ THỨC- những kẻ lý luận phản biện xã hội có thể còn hay hơn bạn, dùng ngôn từ còn mạnh mẽ hơn bạn, nhưng khi quyền lực vào tay, chúng hành xử không hơn gì, nếu không nói là khủng khiếp hơn những kẻ độc tài gia trưởng mà bạn đang muốn đả phá!)
2) Phản biện xã hội là việc bất kỳ người nào có hiểu biết và có tâm cũng có thể làm được, trong khuôn khổ hiểu biết của mình mà các đóng góp có mức độ sâu sắc và chính xác khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng thế mà từ Tô Đông Pha đến Nguyễn Trãi và đến nay vẫn đúng: "Nhân sinh thức tự đa ưu họa"/Người đời biết chữ nhiều âu lo và tai họa! Song cái góp phần làm đổi thay hiện thực là việc các phản biện đó được lắng nghe thế nào và thực hiện thế nào. Vì chỉ có kết quả đổi thay trong thực tiễn mới góp phần đưa dân tộc này tiệm cận văn minh nhân loại. Và chỉ đến khi trên đất nước này (cũng như Trung hoa) có nền Dân chủ chân chính thì câu thơ của Tô Đông Pha mới mất đi chữ "họa" để thành "Nhân sinh thức tự đa ưu"! 
3) Ngô Bảo Châu là một trí thức dấn thân và anh chọn tiệm cận tích cực (proactive!), vì có ai bắt anh phải vật lộn mong gieo mầm văn hóa khoa học trên quê hương! Anh có quyền cứ ở bên Mỹ, mỗi năm gắng nhận 1-2 sinh viên Việt Nam vậy là có tâm với đất nước lắm rồi! Vì thế hãy trân trọng mọi cố gắng đóng góp, dù lớn nhỏ, của anh, cũng như của mọi trí thức khác như anh, vì thế hệ trẻ hiện tại và vì tương lai dân tộc. Và để đóng góp được trực tiếp như anh đang làm, trong một môi trường hỗn loạn giá trị như trên quê hương hôm nay, anh cần compromise nhất định với hiện thực, miễn là những compromise đó không làm tổn thương những giá trị tinh thần anh nuôi dưỡng.
4) Vấn đề khoa học và giáo dục nước nhà là thiếu những chuyên gia thực sự đủ tầm và có tâm, mà thực sự không quốc tế hóa thì khoa học và giáo dục ĐH nước nhà không bao giờ có thể đổi thay được. Bảo Châu đã đúng khi chọn cho Viện Toán mới cái mission làm lò ấp các ý tưởng và nuôi dưỡng nhân tài khoa học: "Vai trò của viện là nhìn thấy những nhóm nghiên cứu mới có tiềm năng, hỗ trợ họ về cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Tôi rất hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học chủ động đến với viện với những dự định mà mình ấp ủ." Mong sao sẽ có nhiều trí thức Việt đang thành đạt ở ngoại quốc sẽ làm như Ngô Bảo Châu và chúc anh thành công với những thành quả đầu tiên trong 5-7 năm nữa của Viện Toán cao cấp!

No comments:

Post a Comment