Trang

Friday, January 27, 2012

Đổi mới là dám vì dân vì nước!

Thưa bác, cắt nỗi đau lợi ích kinh tế chưa đủ, phải dám chấp nhận trung thực để minh bạch, sòng phẳng với nhân dân, trả lại cho dân quyền được mở miệng và quyền lựa chọn và phế bỏ đầy tớ của mình- tức là tái cấu trúc thể chế để thượng tôn luật pháp và xây dựng một chế độ thực sự dân chủ- của dân, do dân và vì dân! 

Đọc phỏng vấn bác Đoàn Duy Thành, có họ cùng anh Vươn, nguyên bí thư Hải Phòng 1982-1986, trên báo Diễn đàn doanh nghiệp 28/1/2012:
Đổi mới là dám cắt bỏ nỗi đau 
(DĐDN) Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”. Theo tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm. Trao đổi với DĐDN nguyên Phó thủ tướng, nguyên Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Thành cho rằng, cho dù có đổi mới hay cải cách gì thì mục đích cuối cùng vẫn phải hướng tới cuộc sống tốt đẹp, ấm no cho nhân dân. Nghĩa là làm cho toàn dân giàu, chứ không chỉ có một số nhóm người giàu.

Theo ông Đoàn Duy Thành: tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi là sức mạnh mềm vô giá đối với dân tộc ta. Cuộc đổi mới toàn diện lần này cũng cần được tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh soi sáng.
- Là người đã từng tham gia và theo sát công cuộc đổi mới từ những ngày còn sơ khai, ông có thể so sánh lần đổi mới này với lần đổi mới mở đầu từ Đại hội VI (12/1986) ?
Nếu nói 25 năm đổi mới là chưa đầy đủ. Thực tế, chúng ta đã thí điểm khoán nông nghiệp từ những năm 1979 – 1980. Đến kỳ họp tháng 12/1986 Đại hội VI, chúng ta mới ban hành Nghị quyết về đổi mới toàn diện. Để đi đến được việc ban hành một nghị quyết đổi mới toàn diện năm 1986 là cả một quá trình trải nghiệm từ thực tế và đấu tranh về tư tưởng vô cùng gian nan.
Mặc dù, yêu cầu về đổi mới lúc đó rất bức bách, nền kinh tế VN đang bên bờ vực của sự phá sản. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, cơ cực. Theo báo cáo chúng tôi nhận được khi đó, đã có hơn 100 người chết đói tại Thanh Hóa… Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt. Ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận. Từ đó, đồng chí Trường Chính đã đưa ra những bài học kinh nghiệm về “lấy dân làm gốc” phải tôn trọng quy luật, hành động theo quy luật. Đó chính là sự trở lại với tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sự bám trụ của những tư duy cũ không dễ gì có thể thay đổi ở một số người trong ban lãnh đạo cấp cao. Tôi còn nhớ khi đó, có đồng chí trước lúc nhắm mắt còn nói: “Tôi ân hận vì đã đồng ý với các đồng chí cho khoán 100”. Có nghĩa là, đến phút cuối cuộc đời đồng chí đó vẫn không khỏi băn khoăn về tính đúng đắn của công cuộc đổi mới.
Thực tế về sau này, đã chứng minh cho sự đúng đắn của công cuộc đổi mới. Nhiều người lúc đó chắc khó có thể hình dung nhờ những chủ trương khoán 100, khoán 10 mà chúng ta từ một nước thiếu lương thực trầm trọng triền miên trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, như hiện nay.
Nhưng nói đến nỗi băn khoăn, mất mát của nhiều người lúc đó, chỉ là mất đi một quan niệm, một lối mòn tư duy. Khi đó, mọi người chẳng ai có tài sản gì đáng kể. Còn lần đổi mới này thì lại khác. Nếu muốn đổi mới thành công, một số người không chỉ mất đi những quan niệm, hay tư duy cũ kỹ mà còn mất đi cả lợi ích vật chất. Những thứ mà người ta hay gọi là lợi ích nhóm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ hoặc phải bị mất đi. Đổi mới lần này phải đánh cho được, cho trúng và phải loại trừ các thói làm ăn bất chính, chộp giựt cùng tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ trong bộ máy nhà nước. Tuy về yêu cầu đời sống, đổi mới lần này không giống như lần trước nhưng lại vô cùng khó khăn, vì nếu trước đây toàn Đảng, toàn dân đồng lòng thì giờ đây công cuộc đổi mới vấp phải những phản ứng không nhỏ từ các nhóm lợi ích. Vì vậy không chỉ cần có một chủ trương đúng, chính sách đúng mà cần một bản lĩnh chính trị kiên cường.
- Trở lại vấn đề phải soi sáng tư tưởng, lý luận Hồ Chí Minh cho công cuộc đổi mới hiện nay. Theo ông, di huấn nào trong kho tư tưởng, lý luận của Người cần được chú trọng ?
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” cần trở thành kim chỉ nam trong mọi cuộc đổi mới, mọi chính sách cải cách, cũng xuất phát từ lợi ích nhân dân mà phải tiến hành sự nghiệp đổi mới. 25 năm qua, chúng ta đã thu được khá nhiều thành tựu, vượt qua được giới hạn của một nước nghèo để bước sang một ngưỡng cửa mới, nước có thu nhập trung bình thấp. Đời sống của người dân đã bớt khổ hơn, về cơ bản không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Chúng ta đã bắt đầu bước chân vào kinh tế thị trường. Hàng hóa đã đầy đủ và đa dạng đáp ứng cho nhiều nhu cầu hơn, ở nhiều cấp độ khác nhau.
Tuy nhiên, tiến trình đổi mới đã bắt đầu đến ngưỡng của sự trì trệ. Nền kinh tế đang bộc lộ nhiều bất ổn. Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Người giàu thì ngày càng giàu lên nhanh chóng, còn người nghèo thì khó thoát khỏi cảnh nghèo. Thậm chí, không ít người đang quay trở lại lo ăn, lo mặc từng ngày. Kể cả những người không thuộc diện đó thì nhìn chung, nhân dân lao động vẫn quanh ra, quẩn vào lo toan cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Mức sống đã có dấu hiệu giậm chận tại chỗ, thậm chí ở nhiều lĩnh vực có biểu hiện thụt lùi.
Bên cạnh đó, trong khi chúng ta đổi mới thì nền kinh tế thế giới cũng vận động và biến đổi không ngừng. Thu nhập bình quân của người dân VN đã tăng lên trên 1.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, so với các nước phát triển vẫn chỉ bằng 1/40 – 1/50. Thậm chí ngay trong ASEAN chúng ta cũng kém nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Thai Lan từ 4 – 10 lần. Hơn nữa, cùng với sự tăng trưởng về GDP theo đầu người được công bố hàng năm, mức sống hạnh phúc của con người (tức là chất lượng của cuộc sống dân cư) đã được các quốc gia chú trọng nhiều hơn. Việc tiếp cận dịch vụ y tế, tiếp cận giáo dục, sự chia sẻ lợi ích trong xã hội, chế độ phúc lợi và an sinh xã hội hay đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh văn minh… đang liên tục được nâng lên.
So sánh như vậy để thấy yêu cầu đổi mới, cải thiện đời sống nhân dân đã đến lúc cấp bách. Không phải như yêu cầu của lần đổi mới trước là thoát khỏi cái đói... Lần đổi mới này là yêu cầu của sự phát triển bền vững và công bằng, một nấc thang mới của xã hội văn minh. Theo tôi, nếu đổi mới để nâng GDP mà khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng, tổng thu nhập của xã hội lại chủ yếu rơi vào một nhóm người thì đổi mới chẳng phải vì dân, nó trái ngược với tư tưởng, lý luận đạo lý Hồ Chí Minh.
Chúng ta phải đổi mới để mọi người dân lao động đều được hưởng lợi ích từ những nguồn lợi mang tính quốc gia một cách công bằng, hiệu quả nhất. Không ít những nguồn lợi như tài nguyên khoáng sản, đất đai hay lợi thế kinh doanh…thời gian gần đây đã bị chuyển thành tiền, ngoại tệ, bất động sản để rơi vào một nhóm người. Sự mất cân bằng lợi ích trong xã hội đã kìm hãm, thậm chí kéo lùi tiến trình phát triển chung.
- Lợi ích nhóm đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, giải quyết nó không hề dễ dàng. Đây phải chăng cũng là điều căn bản mà lần đổi mới này phải giải quyết, thưa ông ?
Giải quyết lợi ích nhóm đúng là một trong những nội dung mấu chốt của đổi mới lần này. Lợi ích nhóm đang làm biến dạng, méo mó từ chính sách kinh tế đến đời sống chính trị và truyền thống đạo đức, văn hóa của toàn xã hội. Chính vì lợi ích nhóm quá lớn đã làm suy giảm khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, suy giảm lòng tin và ý chí phấn đấu đóng góp cho sự phát triển chung cả đất nước.
Chúng ta phải đổi mới để lợi ích nhóm không còn ngự trị làm ảnh hưởng tới lợi ích của mọi người dân. Để bảo vệ và duy trì lợi ích nhóm, không ít người sẽ cố kết, cản trở tiến trình đổi mới. Tuy nhiên, mọi thứ rồi cũng đều phải theo quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Sự cố kết, cản trở có thể khiến tiến trình đổi mới bị chậm lại, nhưng chắc chắn nó sẽ vượt qua. Đổi mới là một quy luật liên tục của xã hội.
- Nói đến huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, đây là bài toán khá hóc búa vào thời điểm hiện nay, thưa ông ?
Lần đổi mới này là yêu cầu của sự phát triển bền vững và công bằng, một nấc thang mới của xã hội văn minh.
Đổi mới là sẽ khiến nhiều cái mới ra đời và nhiều cái cũ phải mất đi. Nói cách khác, có nhiều thứ phải trả giá. Đã có một số người đưa ra quan điểm, cái giá của đổi mới lần này là chấp nhận và bỏ qua những sai sót từ nền kinh tế đang có để lại. Nếu chúng ta chấp nhận công khai hóa toàn bộ những tài sản, từ bất động sản, ngoại tệ gửi ở nước ngoài đến tiền gửi các ngân hàng của mọi người, chấp nhận những tài sản không rõ nguồn gốc này để mọi người cùng mang ra đầu tư cho phát triển kinh tế nước nhà. Đây không phải là thỏa hiệp với tham nhũng, mà có thể xem như một cuộc đại phẫu để cắt bỏ dứt điểm nỗi đau từ những sai lầm của chính sách.
Dung hòa lợi ích trong xã hội là những bài học kinh nghiệm chúng ta cần phải học hỏi từ nhiều quốc gia đi trước, nghĩa là trả thù đời phải biết “bao dung”. Phải công khai, minh bạch và làm trong sạch bộ máy hành chính và cơ chế vận hành để mọi người dân đều yên tâm đóng góp cho tiến trình đổi mới. Từ góp vốn kiếm lời hợp pháp đến xây dựng chính sách có lợi cho toàn bộ xã hội. Cái chúng ta đang thiếu nhất hiện nay là con người và vốn. Với một mô hình góp vốn hoàn toàn công khai, minh bạch, lợi ích sẽ mang đến cho cả người góp vốn và xã hội. Người lao động sẽ có nhiều việc làm hơn, cơ hội về hợp tác mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ đến nhiều hơn với nền kinh tế. Mọi người dân và người có tiền cần phải được tiếp cận các cơ hội đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Không còn cảnh bó buộc trong đầu tư bất động sản để giá cứ mãi đẩy lên cao, hay gửi ngân hàng trong nước, ngoài nước gây lãng phí nguồn tài lực. Làm được như vậy không những huy động được vốn đầu tư trong nước mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi lại nhắc lại một lần nữa, tư tưởng, lý luận đã xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Đây là kim chỉ nam cho mọi cuộc đổi mới của VN.     

Bá Tú

No comments:

Post a Comment