Trang

Thursday, January 5, 2012

Hà Nội 365 ngày 284 trọng án và sự cấp thiết của Thượng Tôn Pháp Luật

Hà Nội vẫn được coi là nơi tụ hội tinh hoa, "Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Song còn đâu truyền thống thuần hậu tốt đẹp ấy, còn đâu nhân nghĩa lễ trí tín, lá lành đùm lá rách, lành cho sạch rách cho thơm,v.v.! Dù không nghi ngờ gì về nỗ lực và thành tích của lực lượng Công an Hà Nội, nhưng đọc mà kinh: Thống kê Hà Nội 365 ngày có 284 vụ trọng án, trong đó 83 vụ giết người (không cướp của?) + 9 vụ giết người cướp của... Đọc "Hà Nội “đau đầu“ với trọng án và phân làn giao thông". "Để giảm thiểu tình trạng trên, theo Tướng Nhanh, điều quan trọng là phải có sự tham gia của nhiều cấp trong đó gia đình, nhà trường. Gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái bởi hiện nay các vụ án mạng xảy ra nhiều ở độ tuổi thanh thiếu niên."

Phải, gia đình là đối tượng đầu tiên phải chịu trách nhiệm (và lĩnh nhận hậu quả) những việc làm do một đứa trẻ hư gây ra, nhưng Tướng Nhanh có biết câu chuyện này không:
"Năm Mạnh Kha lên 3 tuổi, đã mồ côi cha, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa tại chân núi, thấy người ta đào chôn xác chết, lăn khóc, về nhà cậu bé Mạnh Kha cũng bắt chước đào chôn, lăn khóc.
Bà mẹ của Mạnh Kha là Chương thị (về sau gọi là Mạnh mẫu) thấy thế thì nói:
- Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.
Nói rồi, Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Kha thấy người ta buôn bán đảo điên, thêm bớt tiền nong, thì cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước nô nghịch một cách đảo điên như người ở chợ. Mạnh mẫu thấy thế lại nói:
- Chỗ nầy cũng không phải là chỗ cho con ta ở được.
Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Cậu bé Kha thấy trẻ nhỏ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, tập đọc tập viết. Về nhà cậu bé Kha cũng bắt chước tập lễ phép và cắp sách vở. Bấy giờ Mạnh mẫu mới vui lòng nói:
- Chỗ nầy con ta ở được." (Đọc Vietsciences: "Mạnh Tử")
Vậy thì giáo dục là chuyện của Gia đình + Nhà trường + Môi trường xã hội. Không người cha mẹ nào, ông bà nào muốn con hư, không thầy giáo cô giáo nào muốn học trò mình không giỏi! Nhưng khi các giá trị nuôi dưỡng trong gia đình và giáo dục ở nhà trường ngược với những gì đang xảy ra trong xã hội, thì có một quá trình học khác xảy ra, đó là quá trình học ngược, tức là đứa trẻ mất dần lòng tin vào những điều học được từ gia đình và nhà trường và bắt đầu làm theo thói đời. Những trẻ bị tổn thương nhiều nhất sẽ trở thành mất dạy! Vào đời nếu nó leo lên được các cương vị quản trị xã hội, doanh nghiệp, nó sẽ tham nhũng quyền lực, tiền bạc,... còn nếu đời nó thất bại, nó có thể lành tính thì nghiện ngập, hung đồ thì trộm cướp... Những hạng người như thế ông bà mình ngày xưa vẫn dạy "Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"!

Vậy để cải biến con người trở lại lương thiện, xã hội trở lại thuần hậu và bình yên, thì giáo dục chưa đủ, phải có luật pháp tối thượng, cao hơn hết thảy bất kỳ ai, dù ở cương vị nào trong xã hội. Điều này đòi hỏi một triết lý tổ chức xã hội dân sự trên nền tảng của các công dân bình đẳng, tự do (đọc Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hiến pháp 1946). Một thể chế pháp quyền/thượng tôn pháp luật như thế chúng ta đã sẵn sàng xây dựng chưa?

1. Đọc thêm về Đinh La Thăng: "Khi Bộ trưởng "lục túi" người dân": "...việc ban hành một văn bản nhạy cảm như vậy vào ngày cuối cùng của năm, dịp mà hầu hết các cơ quan truyền thông nghỉ Tết Dương lịch, và dưới danh nghĩa "cách mạng chống ùn tắc", Bộ trưởng Thăng đã khôn ngoan hơn rất nhiều so với hôm ông "xin tiền trước QH".
Nhưng khôn ngoan để làm gì khi bản chất của câu chuyện là ông đã "lục túi" người dân dưới danh nghĩa giảm ùn tắc giao thông, đã đẩy áp lực trách nhiệm của một Bộ trưởng lên vai người dân."

2. Khi cơ quan công quyền phạm pháp:
Cập nhật 06/01/2012 03:25:51 PM (GMT+7)

Phát hiện gần 4.000 văn bản trái pháp luật

- Năm 2011, các cơ quan tư pháp đã phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói tại hội nghị triển khai công tác năm mới của  Bộ.
Theo ông Liên, hơn 1.000 văn bản trong số này có nội dung trái pháp luật. Một số đã được chính các cơ quan đơn vị xử lý.

Tỉ lệ phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm: năm 2007: 21%, 2008 24,9%, 2009 33,54%, 2010 19,24%, 2011 là 29,31%.


  Tỉ lệ phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm. Nguồn: Bộ Tư pháp
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác xây dựng các văn bản pháp luật vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm tình trạng luật, nghị định chờ văn bản hướng dẫn. Vẫn còn tình trạng thẩm định, góp ý chỉ mang tính pháp lý thuần túy hình thức, chưa gắn kết với yêu cầu chỉ đạo, điều hành và chưa loại  bỏ được những mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thẩm định. Nhiều địa phương vẫn còn trường hợp văn bản chưa thẩm định đã trình Ủy ban nhân dân ban hành. Liên quan đến chương trình xây dựng luật, ông Liên cũng cho biết thêm, hầu hết các bộ ngành và địa phương đã hoàn thành việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và đã gửi báo cáo về Bộ. Đây cũng sẽ là công việc được ưu tiên làm trong năm 2012. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Hiến pháp với trọng tâm là mô hình tổng thể bộ máy nhà nước, chế định phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tháng 1/2012 phải gấp rút hoàn thiện việc tổng kết thi hành Hiến pháp, mạnh dạn đề xuất các sửa đổi. Sau đó, ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức ba cuộc hội thảo tại ba miền lấy ý kiến các chuyên gia để có một bản đề xuất sửa đổi khoa học, sinh động, có giá trị bền vững lâu dài.
"Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một việc nóng bỏng mà Chính phủ đang mong chờ, đề nghị các các ngành phải làm tích cực", ông Phúc nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan tư pháp đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, tham mưu xây dựng các văn bản phục vụ yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Lê Nhung

3. Đọc: Luật Vẫn ở… trên trời!

No comments:

Post a Comment