Trang

Monday, July 16, 2012

Văn hóa tiểu nông, văn hóa đảng và hiện đại hóa dân tộc

Sau tất cả các sự cố trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước, y tế và giáo dục, v.v.  ta thấy bất cập lớn nhất của chính quyền Việt Nam từ trung ương tới địa phương, các ban ngành, mọi lĩnh vực là các lãnh đạo ở mọi vị trí đa phần thiếu năng lực và đạo đức công vụ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình. Chính vì thiếu cái cốt lõi này mà chính sách thiếu tính toàn diện, triệt để (thậm chí sai) và thiếu nhất quán theo thời gian.

Tại sao thế? Xét từ nguồn gốc thì có một giải thích là vì khi giành được chính quyền (miền Bắc từ 1954, miền Nam từ 1975) đại đa số lãnh đạo dân sự xuất thân là các chiến sỹ cách mạng vốn không thiếu khôn ngoan và kinh nghiệm phá hoại và diệt giặc trong chiến tranh, nhưng chưa bao giờ được trang bị những hiểu biết và kỹ năng quản lý trong các lĩnh vực được phụ trách. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên thì phần lớn do tinh thần cách mạng còn cao, còn nhân cách vì công việc, vì người dân. Song sau một vài thế hệ lãnh đạo, năng lực và đạo đức lãnh đạo sa sút dần, dẫn đến sự suy thoái đội ngũ mà nghị quyết 4 TW vưa qua đã chỉ ra. Hỏi về sự suy thoái này, một vị cán bộ sắp nghỉ hưu trả lời rằng có một thực tế là năng lực đạo đức thế hệ sau không bằng người đi trước, mà nếu chỉ cần học được 60-70% đạo đức- năng lực thế hệ trước là đã quý lắm rồi! Quả thực như thế thì sau 4 đời thì họ chỉ còn học được tối đa (0.7)^4 = 0.24 (24%) của thế hệ đầu, còn đến đời thứ 5 thì chỉ còn (0.7)^5 = 0.17 tức 17%, tức chỉ khoảng 1/6 thế hệ đầu, còn đến đời thứ 7 thì chỉ còn khoảng 8% và đời thứ 9 thì chỉ còn 5% nhân cách, năng lực của lãnh đạo đời đầu tiên !(Về nguyên TBT NĐM) Nếu xem xét các triều đại phong kiến, thì ta giật mình nhận thấy tính toán nêu trên phản ánh thực tế quan sát thấy trong lịch sử là sự tồn tại các chu kỳ thời đại. Cụ thể là cứ khoảng trên dưới 10 đời là sự suy thoái thảm đến mức xã hội hỗn loạn, trộm cướp giặc giã nổi lên khắp nơi và một triều đại khác sẽ thay thế, rồi lại suy thoái....

Quay trở lại chuyện ngày nay. Vậy nguyên nhân của suy thoái tổ chức xã hội là gì và làm gì để tránh suy thoái? Câu trả lời nói trên có vẻ đơn giản nhưng nó phản ánh một sự thật có ý nghĩa nguồn cội sâu sắc, đó là nguồn gốc suy thoái tổ chức xuất phát từ chính tâm lý cá nhân lãnh đạo: lãnh đạo ta có một tâm lý đặc trưng là không thích cấp dưới giỏi hơn mình. Khái quát việc này, GS TS Trần Ngọc Hiên, nguyên phó GĐ Học viện hành chính Hồ chí Minh cho rằng: "Tất cả đều từ nguồn gốc sâu xa về văn hóa mà ra. Chúng ta từ một nước nông nghiệp, thành phần đại diện trong này là tiểu nông. Mà đặc điểm của tiểu nông khi cầm quyền thì kinh lắm. Tiểu nông là anh đói nghèo nên rất ghét tầng lớp giàu có, tầng lớp có học." *) Sự tồi tệ của hệ thống tổ chức đến mức nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi trả lời câu hỏi: "Sức mạnh của ông-để sống đúng như ý muốn của mình - là gì?" đã thật lòng chia sẻ:   Chính là lẽ sống “mình vẫn là mình” đi đôi với chữ “nhẫn”; " tim có bị dao đâm rỉ máu cũng nghiến răng chịu đựng, lấy công việc mà mình yêu thích làm thang thuốc hàn gắn nỗi đau". "Tôi cũng đã từng trải qua biết bao thử thách, thậm chí bị trù úm, gièm pha đủ điều chứ đâu có sóng yên biển lặng. Nay nhìn lại thấy rợn tóc gáy, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua nổi! "**)

Như vậy để thực sự chính đốn được tổ chức xã hội nhất thiết phải giải quyết vấn đề văn hóa nói chung và văn hóa tổ chức đảng phái nói riêng. Phải hiện đại hóa dân tộc để vượt qua những hạn chế tâm lý tiểu nông đang thủ cựu trong tinh thần mỗi người dù ở vị trí nào, lãnh đạo cao thấp và cả mọi cá nhân trong xã hôi. Những vấn đề cụ thể phải làm, xin bàn trong các lần khác, tuy nhiên MINH BẠCH***) là chìa khóa quan trọng đầu tiên để kiểm soát mọi tổ chức/doanh nghiệp/đảng phái. Lãnh đạo ta đã đủ dũng cảm để dám minh bạch, để nhân dân kiểm soát được mọi hành vi và đạo đức của lãnh đạo chưa?

_____________________________
*) Tầm Nhìn: Làm quan để kiếm chác, thế có chết không! ; đọc thêm "“khôn người ta ghét, dại người ta khinh, thông minh người ta không dùng”"
**) Đọc Vũ Khoan: "Giữ tâm bình an trong sóng gió"
***) Không minh bạch - Nguyên nhân chính của mọi thất bại?; và Khó phát triển nếu không minh bạch

Đọc thêm: Các doanh nghiệp nhà nước đang nợ hơn 1.000.000 tỷ đồng! và Nợ xấu: Tự gây ra sao đòi nhà nước xử lý?
Và phân tích xác đáng của KS Nguyễn Văn Thạch về việc nhân danh "định hướng XHCN" lãnh đạo chính phủ đã trao tài sản nhà nước, dồn nguồn lực của dân tộc đầu tư cho những doanh nghiệp "cha chung không ai khóc", kết quả là bị những "nhà quản lý" não trạng tiểu nông + lưu manh hóa tham nhũng rút ruột: Đất tan nước nát vì đâu? dẫn tới món nợ cả triệu tỷ nói trên!


Về problem solving: http://www.mindtools.com/pages/article/newTMC_00.htm
Về động lực cá nhân, nhân cách và sự tự quyết: Self-Determination Theory (Deci and Ryan)
_________
Vì từ 20/7/2012 Tầm Nhìn tạm bị đóng cửa, nên copy các bài liên quan lại đây:




Chủ nhật, 15/7/2012 16:02 GMT+7

Làm quan để kiếm chác, thế có chết không!

Bản in ấnEmail
Cỡ chữ
Ý kiến bình luận (1)
(Tamnhin.net) - Chúng ta có nhiều giá trị phù hợp với xu thế thời đại, nhưng đáng tiếc là đang bị những cái thực dụng che khuất mất. Đó là những chia sẻ của GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tiểu nông khi cầm quyền thì kinh lắm!

Những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, Vinalines được dư luận rất quan tâm. Người ta nói nhiều tới những cường hào mới. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Tôi từng đọc một bài viết Làm quan là kế mưu sinh. Làm quan cũng là một nghề nghiệp để kiếm chác. Thế có chết không! Trong khi ta vẫn yêu cầu cán bộ phải là đầy tớ của dân. Nhưng thực tế lại làm trái ngược, thế mà ít ai nói đến nơi đến chốn.

Không phải không nói đến. Dân nói nhiều rồi mà không thay đổi được nên chán không muốn nói nữa.

Đó là lỗi từ phía quan chức. Anh thành tâm xin nghe, người ta sẽ nói. Và nghe xong anh thể hiện thái độ tiếp thu, sẽ chấp hành... thì trí tuệ của dân sẽ phát triển. Các chuyên gia gọi đây là cái vốn xã hội, rất quan trọng. Ta chưa khai thác được vốn xã hội, thế mới sinh ra nhiều chuyện. Thế mới có những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, Vinalines. Căn bệnh đó không được bốc thuốc đúng.

Nhưng qua những vụ việc này mới thấy vai trò của báo chí rất lớn!

Đúng vậy. Tôi rất mừng. Nhà nước mà biết lắng nghe xã hội, nghe doanh nghiệp sẽ biết phải làm gì, thay đổi gì, đề bạt cán bộ thế nào cho đúng thì càng uy tín hơn. Nếu không sẽ bị động. Như vụ Tiên Lãng là rất bị động, có nghe dân đâu. Nếu hỏi dân thì họ cho biết ngay. Nhưng đằng này lại làm kiểu tự phát tư lợi.

Theo ông, căn bệnh đó là do đâu?

Tất cả đều từ nguồn gốc sâu xa về văn hóa mà ra. Chúng ta từ một nước nông nghiệp, thành phần đại diện trong này là tiểu nông. Mà đặc điểm của tiểu nông khi cầm quyền thì kinh lắm. Tiểu nông là anh đói nghèo nên rất ghét tầng lớp giàu có, tầng lớp có học. Vì thế, khi phong trào lên để chống lại những cái đó thì hăng hái lắm. Nhưng đến khi thắng lợi cầm quyền thì cũng muốn làm ông quan này, quan nọ, cũng muốn đòi phong bì, lễ lạt, xưng hô đầy đủ...
Từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế thị trường cũng là một chuyển đổi về văn hóa. Nước nào chuyển đổi văn hóa càng sớm thì phát triển càng lành mạnh, càng bền vững. Nước nào có văn hóa phát triển chậm thì tất cả những nhược điểm cũ của lịch sử sẽ phát triển lên.
GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đó là gót Asin...

Những điều này chúng ta đã nhìn thấy từ trước?

Bác Hồ đã nói rất nhiều về cái nạn nội xâm này. Lênin cũng đã chỉ ra tính tự phát tiểu tư sản là kẻ thù chủ yếu của CNXH. Tính tư lợi đó, không những trong quan mà trong dân cũng tự phát kinh lắm. Quan thì muốn phong bì, dân thì muốn lấn chiếm, ông nào cũng thế, tâm lý tiểu nông là thế: anh xây nhà cao thế này, tôi phải cao hơn một tí, anh lấn ra một ít tôi phải ra thêm tí nữa.

Đó là gót Asin và đáng buồn là giờ đang có cơ hội bốc lên, che lấp tất cả những gì là hào khí trước đây. Tự phát tư lợi sẽ đưa đến ngõ cụt, sẽ va chạm lẫn nhau, hơn nữa là cản trở lớn. Chuyển sang kinh tế thị trường, bản chất là xã hội hóa, khác hoàn toàn với cơ chế bao cấp, cơ chế tiểu nông. Nhưng nhiều cán bộ thì không chuyển đổi đúng, nông dân không chuyển đổi đúng. Không khắc phục cái này thì mức sống càng cao sẽ còn nhiều vấn đề.

Như những vấn đề mà các nước phát triển đang gặp phải?

Tiền bạc là sức hút kinh lắm. Còn tham vọng của con người dường như không có giới hạn. Rồi nó thành thói quen, thành nhân sinh quan lạc lối. Nó có đất phát triển vì chúng ta không có cơ chế kiểm soát, không có cơ chế minh bạch công khai. Dù chả ai giấu được đâu, trang trại ở đâu, biệt thự thế nào, nhận hối lộ ra sao... nhiều người biết chứ.
Kinh tế thị trường đem lại mức sống, nhưng lối sống thế nào là bản chất, là độ cao thấp của cuộc sống. Lối sống thực dụng, hưởng thụ đang phá vỡ tất cả. Đấy là đi lầm đường rồi. Cái đó cũng còn là do mặt trái của thị trường dẫn tới và nhà nước không điều chỉnh được. Suy cho cùng vẫn là văn hóa, văn hóa của cộng đồng và của bản thân từng người.

Làm sao để có văn hóa đó, thưa ông?

Kinh tế là nguồn gốc phát sinh văn hóa. Kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp thì phát sinh văn hóa như ta nói. Muốn xây dựng văn hóa thì bắt đầu phải xây dựng kinh tế thị trường rất tốt, từ sản xuất, tiêu dùng, không hàng giả, không lừa đảo... Văn hóa trong sản xuất, trong lao động, trong tiêu dùng, thương mại... là cơ sở của mọi nền văn hóa tinh thần khác.

Văn hóa phải phát sinh từ một nền kinh tế định hướng nhân văn, vì con người. Định hướng nhân văn là sức ép của thế kỷ XXI, cả Mỹ cũng phải chuyển hướng. Như ta đã thấy, mọi thể chế độc tài, tư lợi, chuyên chế đều lần lượt phải thất bại, Trung Đông, Bắc Phi, hay phong trào chiếm phố Wall... Một nền kinh tế mà không có môi trường văn hóa mới thì sẽ trở nên hoang dại, lừa đảo nhau. Có văn hóa mới phát triển bền vững được.

Theo tôi, những cái đó đâu có gì xa lạ với đường lối phát triển của ta, cũng là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh?

Những mục tiêu tốt đẹp trong đường lối của ta rất hợp với thực tế này. Nhưng vấn đề là ta mới chỉ đưa ra mục tiêu mà không thấy xu thế.
Mục tiêu là một nguyện vọng xuất phát từ thực tiễn, ví dụ nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ta nói thế thì rất tốt, nhưng phải biết khi nào, nấc thang nào mới đến để mà nắm lấy. Vấn đề nhà nước pháp quyền có từ khi có kinh tế thị trường nhưng trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa thì nó gắn với lợi nhuận. Còn khi đã chuyển sang kinh tế tri thức, nhà nước pháp quyền của dân mới có cơ sở thực hiện.
Ta nói phát triển xã hội công bằng, bình đẳng... bây giờ thành vấn đề của chính tất cả các nước. Ta có những giá trị thể hiện thời đại mới như giá trị Hồ Chí Minh nhưng ít khai thác để tận dụng mà bị những cái thực dụng trước mắt che khuất. Những bước ngoặt như thế này phải luôn nghiên cứu từ văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
"Khi chúng ta chưa quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: Cán bộ là đầy tớ của dân, tức quyền lực là của dân, anh chỉ đại diện để giải quyết yêu cầu của dân chứ không phải quyền lực của anh, thì rất khó đổi mới. Khó vì lợi ích riêng còn che chắn, chưa hài hoà với lợi ích chung. Chừng nào chúng ta hiểu được cái đó thì đổi mới rất nhanh.
Nhà nước trước hết nghe dân, nghe doanh nghiệp, nghe tư vấn, phản biện của các nhà khoa học thì mới đưa ra được những chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Anh là quan chức anh phải làm cho dân đổi đời, phải làm những cái gì lợi cho dân chứ không phải làm cho Nhà nước để kê khai thành tích. Mọi thứ phải bắt đầu từ cán bộ. Cán bộ mà tốt thì dân sớm trở thành dân tốt. Những điều này nghe thì không có gì mới nhưng mà trong cuộc sống quá mới, quá khó."


Theo Bee

Ý kiến của bạn
Nói tốt làm hay khó quá?!
Chúng ta có được cách mạng tháng 8 thành công, có thắng lợi trọn vẹn mùa xuân lừng lẫy 1975, và có 30 đổi mới bước đầu khá ngoạn mục. Kết quả đó do đâu mà có, do dược lòng dân, được lòng dân do đâu mà có, do cán bộ đảng viên, đặc biệt là người chỉ huy gương mẫu một lòng một dạ vì dân. Một đảng viên được giao làm tư sản nắm trong tay một nguồn kinh phí rất lớn, song không một chút tơ hào cho cá nhân. Khi chiến đấu chỉ huy xông lên trước. Khi tù đày không chút lung lay. Ngày nay khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, hình như mọi cái tốt đẹp xưa kia biến đi đâu mất, đau xót nhất là nó lại biến mất ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, quyền cao chức trọng. Họ có tri thức cả đấy chứ, đại đa số còn được coi là trí thức nữa, cũng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cả. Thế mới chết, một khi hiểu biết cộng hưởng với lòng tham lại được cơ chế thị trường cổ vũ thì mưu mô kiếm chác sẽ ngày một tinh vi khó kiểm soát. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ là một cuộc chiến không kém phần gay go quyết liệt, cuộc chiến này chỉ thắng lợi khi và chỉ khi có được một đội ngũ cán bộ đứng đầu các cấp biết chống lại thắng lợi lòng tham của chính mình. Đúng là quá khó, song tôi vẫn tin là nó sẽ xuất hiện sớm. bởi vì trong lúc một bộ phận không nhỏ dùng mọi thủ đoạn để vơ vét của dân của nước, thì có một bộ phận khác cũng không nhỏ vẫn nâng niu trân trọng các huy hiệu 30, 40, 50... tuổi đảng và kiên nhãn tìm đường cứu cho nó trở thành bất tử. Trong lúc bọn vô liêm sỉ vớ được chức quan béo bở bóc lột cả đồng nghiệp và người thân, thì vẫn có rất nhiều các hành động nghĩa hiệp trong dân chúng cứu giúp dân nghèo, dậy học, chữa bệnh miễn phí ... và cao hơn và may hơn cả đó là có một đường lối vẫn kiên quyết chống lại cái nguy cơ làm mất đi thành quả của hơn nữa thế kỷ toàn dân phấn đấu hy sinh vô bờ bến mới có được. Hãy phát động trí tuệ toàn dân hiến kế, sáng tạo các biện pháp cụ thể với Đảng và nhà nước để phòng chống thắng lợi tệ nạn tham nhũng. Lịch sử sẽ ghi nhận một trang mới về chống tham nhũng huy hoàng và oanh liệt không kém các trang oanh liệt, hào hùng trong quá khứ của dân tộc. Muốn làm được điều đó hãy dựa vào trí tuệ của toàn dân - bài học muôn thủa.
Dương Bá Trực






Không minh bạch - Nguyên nhân chính của mọi thất bại? 
Bản in ấnEmailCỡ chữ Ý kiến bình luận (1)
(Tamnhin.net) - Loại bệnh nào rồi cũng sẽ có thuốc chữa nhưng riêng bệnh "giấu kín" thông tin, hay thông tin bị bóp méo, sai lệch quá lớn với thực tế thì quả thật là "thuốc tiên", thậm chí không tìm ra thuốc để mà chữa. Do vậy căn bệnh không minh bạch, kém công khai là nguyên nhân chính dẫn đến kinh tế bị chậm phát triển hoặc phát triển lệch pha, đồng thời cũng là mảnh "đất sống" cho các kiểu tội phạm "tham nhũng" phát triển thành "bầy đàn", không thể triệt tiêu được vì vậy giải pháp của mọi giải pháp là "công khai minh bạch" đưa mọi thứ ra ánh sáng thì kẻ trộm khó mà "ăn vụng". Giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch trên mọi trận tuyến. Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội vấn đề gì, lĩnh vực nào được đưa vào "tầm ngắm" để thanh tra, kiểm tra đều thấy tình trạng báo cáo sai nói "không đúng" hoặc không chính xác với thực tế được coi là chuyện "hiển nhiên", còn báo cáo đúng thì được coi là "lạ". Ví như: Báo chí đưa tin về sự suy giảm của nền kinh tế và hiện tượng "nợ xấu" gia tăng nhưng cho đến giờ phút này thì con số thực của "nợ xấu" là bao nhiêu? Không ai biết và cũng chẳng ai thông báo chính xác được? Rồi thông tin, báo cáo về lãi lỗ của các doanh nghiệp nhà nước...cũng vậy, những sai phạm được đưa ra rồi cũng không tìm ra con số chính xác để xử lý..., mọi vấn đề gì bị phát hiện cần đưa ra để công khai thì lại bị bưng bít "bịt miệng" thế là tất cả xã hội cứ "chạy" trong tình trạng "bán tin, bán nghi" "thật giả lẫn lộn", không biết tin vào cái gì vì thông tin nào cũng bị "bóp méo". Còn về lĩnh vực hành chính tổ chức cán bộ cũng có hiện tượng chẳng minh bạch. Ví như gần đây báo chí đưa tin có xã với hơn 9000 dân có đến 500 “cán bộ”. Xã không biết chính xác, huyện cũng chẳng rõ, tỉnh phải vào cuộc và báo cáo khẩn cấp lên Thủ tướng: Không có chuyện có 500 “cán bộ” mà chỉ mới…có 205. Một quan chức Bộ Nội vụ cho biết cả nước có hơn 900.000 “cán bộ” thôn, xã. Cải cách hành chính luôn được đề cao, và chúng ta đã chi không biết bao nhiêu tiền để quản lý cán bộ công chức mà tình trạng vẫn như thế thì rất khó chấp nhận. Thông tin như vậy thì hoạch định chính sách ra sao. Người ta nghĩ trong hệ thống ngân hàng thì kỷ luật thông tin cao hơn nhiều. Nợ xấu là bao nhiêu? Không ai biết. Lúc thì nói chỉ hơn 3%, rồi 6%, lúc lại bảo 10%, nhưng rồi có lẽ sợ “nhạy cảm” lại không thấy ai chính thức nói đến con số 10% ấy nữa. Gần đây lại có con số 8,6 % và một số tiền đến 202 tỷ đồng, con số tài chính mà cứ nhảy múa kiểu "bọ gậy" gặp trời mưa như vậy thì căn cứ vào đâu để lập công ty xử lý nợ xấu AMC. Có thể nói cả các lĩnh vực ví như quân lệnh như sơn cũng vậy, cả những nghề cao quý như lĩnh vực đào tạo, lương y như từ mẫu cũng thế. Chỉ thấy con số báo cáo hình thức và thành tích thôi, còn con số thực thì không bao giờ biết chính xác như vậy thì căn cứ vào đâu để các nhà quản lý điều hành xã hội lo toan, tính toán để tìm cách ổn định trật tự xã hội chứ nói gì đến lập phương án cho sự phát triển. Trong y học bác sĩ cần bắt được bệnh rồi mới tìm thuốc chữa cho bệnh nhân, nhưng với căn bệnh trầm kha thế kỷ này "không công khai, minh bạch". Từ đó nó phát đi các "vòi bệnh như bạch tuộc" như hệ thống các loại bệnh "chạy", các hình thức bệnh "tham nhũng" bệnh bưng bít thông tin bệnh gian lận... rồi cuối cùng là cả bệnh lừa cả chính mình. Nhiều thứ bệnh thế làm sao tìm ra đúng bệnh mà cắt thuốc. Thậm chí đến lúc "cuống" thì cắt nhầm thuốc, điều trị ngược hoặc ngay cả "phẫu thuật" cũng nhầm thì lại được coi là không lạ? Và như vậy thì thật khó khăn cho mọi sự điều hành ổn định và làm chậm sự phát triển đất nước. Trong kinh doanh những nhà hoạch định chính sách cần xử lý thì việc được cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác là cần thiết và mới có phương án phòng và xây dựng kế hoạch phát triển "đúng và trúng" được, còn thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, thì quả là quá khó đối với tất cả mọi người chứ không nói gì đến nhà lãnh đạo và các nhà khoa học nghiên cứu xử lý bằng thông tin con số và thực tế không đồng điệu. Vấn đề cần nói đến là nếu có cách làm đúng, sẽ có thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn, ít phế thải thông tin hơn. Và quan trọng nhất thông tin được cập nhật, tích tụ là một tài nguyên vô giá không chỉ cho việc quản lý hữu hiệu hơn mà còn giúp cho việc hoạch định chính sách, đào tạo người, phân bổ nguồn lực quý giá nhất – con người – một cách hiệu quả hơn và góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Xã hội càng phát triển công nghệ hiện đại và tiên tiến thì việc cải cách hành chính là việc cần làm và vấn đề kiểm tra theo dõi giám sát các hoạt động của xã hội theo ngành và lĩnh vực là điều cần thiết và cũng cần sự công khai minh bạch về tổ chức cán bộ, bộ máy làm việc cần gọn nhẹ và hiệu quả. Vì nếu trước kia ta quản lý một khối lượng như vậy rải khắp mọi nơi trên khắp đất nước là chuyện lớn và rất khó, ngày nay đó là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Với số liệu tập trung ở một nơi thông tin chính xác thì cấp Trung ương có thể phân tích “giúp” do có chuyên gia giỏi hơn và nhắc nhở các cấp dưới một cách đầy đủ và dễ ràng, nhưng thực tế thì "ôi thôi" con số báo cáo "báo cày" cử nhảy múa từng cấp độ và rồi không thể tìm ra con số thực và chính xác là gì số "thập phân" hay vố "vô tỷ" vì vậy sự thực thông tin đã bị béo méo trước khi đưa vào xử lý rồi do vậy kết quả xử lý chắc cũng chẳng thể khả thi và hiệu quả? Ví như ta có một hệ thống báo cáo công khai minh bạch như vậy, thì Văn phòng Chính phủ hay Bộ Nội vụ, có thể kiểm tra ngay trong vòng vài phút xem chuyện xã có 500 cán bộ thực hư ra sao và khỏi cần phải vào cuộc “rầm rộ” và “khẩn cấp” như vừa qua rồi báo cáo lên vẫn không thể "đúng" vì từ trước đến nay có báo cáo nào là chính xác đâu? Đã có quá nhiều “kế hoạch tổng thể”, đã có quá nhiều lời hô hào cải cách hành chính nhưng chưa thấy mấy kết quả. Xây dựng một vài hệ thống như vậy có thể giúp xóa bỏ tình trạng thiếu rõ ràng, cát cứ thông tin, che giấu, thậm chí bóp méo thông tin.Thực hiện gì chăng nữa, xây dựng kế hoạch cao cấp hay sơ cấp hay đẳng cấp gì gì đi nữa mà không công khai minh bạch thông tin thì tất cả những giải pháp đưa ra đều như "ếch ngồi đáy giếng" mà kêu ? Cánh cửa nhìn ra thế giới rộng mở nhất là đối với vấn đề quản lý nền kinh tế xã hội mọi cá nhân, gia đình, tập thể, tổ chức xã hội, thành phố, tỉnh, vùng, miền và quốc gia, khu vực hay thế giới đều cần biết rõ thông tin và cần nhận định chính xác hai chữ "mình là ai? Cần phải làm gì? Do vậy những chủ thể nào nêu trên mà thiếu sự công khai minh bạch chắc chắn sẽ là những chủ thể có đeo luôn cái mác và thực tế luôn là chủ thể chậm tiến bộ, chậm phát triển... Hay nói cách khác thiếu minh bạch thì khó có thể phát triển. Quan trọng hơn, sự không minh bạch, sự không nhất quán về thông tin gây lãng phí nguồn tài nguyên vô giá là con người. Điều này thì quá đúng đối với xã hội chúng ta hiện nay "nguyên nhân của mọi nguyên nhân là không minh bạch". Vì vậy cần thực hiện chiến dịch đối lập là giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch trên mọi trận tuyến thì sẽ thành công và phát triển. Theo tôi hiểu điều này để làm được là rất khó nhưng có khó thì vẫn phải tìm cách đưa ra và thực hiện vì nó là cái gốc của thành công, Chúng ta phải chung sức chung tay và chung lòng cùng toàn dân "vượt khó " với nhiều "rào cản" nhưng vẫn cần phải có ý chí để đi qua. Dù biết là rất khó nhưng nếu các nhà lãnh đạo cứ điều hành và quản lý theo chiều hướng không biết rõ sự thực ta có cái gì và cần phải làm gì trong một biển thông tin hỗn độn thật giả, trắng đen thì quả thực là quá nguy hiểm. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay mà những điều thật thì bị bưng bít, còn những gì không thật lại phô trương cái giả lấn áp cái thật, cái thiện thắng cái ác thế là chúng ta tự đánh mất niềm tin nhân dân và một khi đã mất niềm tin tức là chấp nhận đánh mất tất cả ? Có làm gì thì cũng vô nghĩa mà thôi ? Mong sao điều đó đừng sảy ra ? Từ trong sâu thẳm của lòng mình những người dân yêu nước vẫn trông chờ và ngóng đợi tìm kiếm những nhà lãnh đạo của dân có tâm có tầm để dân còn có được hai chữ "niềm tin". Vì sự thực mãi mãi vẫn là sự thực còn sự bao che bưng bít thông tin không thực chỉ có thể tồn tại một thời gian nhất định chứ không bao giờ sống mãi như sự thực trường sinh. Cần công khai minh bạch để có thể thành công. Biết rằng là rất khó những vẫn cố hy vọng và chờ đợi thành công với sự chân thành và thẳng thắn của con người và xã hội. Mai Huy PT

No comments:

Post a Comment