Trang

Tuesday, March 25, 2014

Một số thông tin/nhận định liên quan đến việc Ban Tuyên giáo xử vụ luận văn của Nhã Thuyên

1) DIÊN VỸ (8/2013): GỬI CHU GIANG + TUẦN BÁO VĂN NGHỆ TPHCM + KHOA NGỮ VĂN ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

2) GIANG NAM LÃNG TỬ (3/2014): VỀ HỘI ĐỒNG BÍ MẬT CHẤM LẠI LUẬN VĂN THẠC SĨ NHàTHUYÊN

3) Thông tin cho thấy Trường ĐHSP không chủ trương xét lại/hủy bỏ luận án: Trấn Thị Thực (11/2013)-Trường ĐHSP Hà Nội: Ông Minh tiếp tay cho “Kẻ bên lề” “nổi loạn” trên bục giảng?


 Khi tiếp cận một tác phẩm chúng ta cần suy xét kĩ lưỡng từng câu chữ của nó chứ không nên căn cứ vào đề tài nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu hay một chuyện bên ngoài là tác giả nhận được tài trợ của một tổ chức quốc tế để quy kết những điều xấu. Nếu như người ta muốn phê phán những tư tưởng “sai lệch” thì tôi e rằng việc lấy Nhã Thuyên ra làm đối tượng là một nhầm lẫn đáng tiếc.
NHỮNG TIẾNG NÓI NGẦM VÀ MỘT THÁI ĐỘ NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH CẦN ĐƯỢC TRÂN TRỌNG
Diên Vỹ
http://giangnamlangtu.wordpress.com/2013/08/03/dien-vy-gui-chu-giang-tuan-bao-van-nghe-tphcm-khoa-ngu-van-dh-su-pham-ha-noi/

Gửi Chu Giang, tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,
Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội
Bài viết này bàn về “thái độ chính trị” Nhã Thuyên thể hiện trong tập tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Nó phản hồi bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” của Chu Giang đăng trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo quan điểm của tôi “thái độ chính trị” của Nhã Thuyên không mâu thuẫn với một vị trí trong trường đại học chính thống của nhà nước. Tôi là bạn đọc, không có thẩm quyền gì để quyết định giữ Nhã Thuyên ở lại hay không, nhưng vẫn muốn góp lời. Khi một tác phẩm đã được biết tới thì người đọc là người có trách nhiệm với nó hơn.
Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh không đăng ý kiến trái chiều. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã yêu cầu Nhã Thuyên thôi việc. Sau đó báo chí dòng chính chuyển sự chú ý sang luận văn thạc sỹ về nhóm Mở Miệng Nhã Thuyên thực hiện và bảo vệ năm 2010, một văn bản chưa được công bố rộng rãi. Như Chu Giang viết trong số tiếp theo của Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, loạt tiểu luận của Nhã Thuyên không đáng bàn nhiều vì nó chỉ đăng trên internet, không mang tính pháp quy như luận văn. Tôi tưởng bài viết của mình đã thành “cũ” thì gần đây bắt gặp một bài báo lật lại Những tiếng nói ngầm với những phán xét nặng nề khiến tôi lại thấy mình muốn lên tiếng. Khi tiếp cận một tác phẩm chúng ta cần suy xét kĩ lưỡng từng câu chữ của nó chứ không nên căn cứ vào đề tài nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu hay một chuyện bên ngoài là tác giả nhận được tài trợ của một tổ chức quốc tế để quy kết những điều xấu. Nếu như người ta muốn phê phán những tư tưởng “sai lệch” thì tôi e rằng việc lấy Nhã Thuyên ra làm đối tượng là một nhầm lẫn đáng tiếc. Để góp lời vào một câu chuyện chung, tôi xin gửi bài viết của mình cho các diễn đàn, báo chí.
Hà Nội ngày 01 tháng 08 năm 2013
___________________
1. Giới thiệu
Trước cùng một văn bản người ta có thể có những đọc hiểu rất khác nhau. Dù không đồng tình, tôi xin ghi nhận cách Chu Giang tiếp cận chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên với bài viết “Có giải thiêng lịch sử được không?” đăng trên trang 16-17 tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 256, bộ mới, xuất bản ngày 30 tháng 5 năm 2013. Theo tôi hiểu, Chu Giang quan tâm đến việc đánh giá thái độ chính trị của người viết thể hiện qua tác phẩm. Ông cho rằng Nhã Thuyên đã lựa chọn một vị trí rõ ràng là chống đối chính quyền và phỉ báng lịch sử dân tộc, giống như những tác phẩm, tác giả mà cô ca tụng. Một người có thái độ chính trị như vậy theo ông không đủ tư cách để đảm nhận công tác giáo dục văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và bài viết của ông đề gửi Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi Nhã Thuyên công tác. Đó là một nỗ lực bảo vệ thế hệ trẻ, chính quyền hiện thời và lịch sử của dân tộc đã qua. Nỗ lực này không phải là vô ích; tuy nhiên, tôi hiểu Nhã Thuyên khác với Chu Giang nên mong được trao đổi.Tại thời điểm này cá nhân tôi đang làm việc cho một cơ quan nhà nước, có lòng tự hào dân tộc, kính trọng Hồ Chí Minh và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Tuy vậy tôi vẫn xin được bất đồng với tất cả những luận điểm của Chu Giang về Nhã Thuyên. Thái độ chính trị của Nhã Thuyên nếu đúng như Chu Giang mô tả có mâu thuẫn với nhiệm vụ giảng dạy văn học trong nhà trường chính thống hay không, không phải là điều mà tôi quan tâm bởi thực sự tôi thấy Nhã Thuyên không có thái độ như thế. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày cách hiểu của tôi về thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện qua chuỗi tiểu luận Những tiếng nói ngầm đăng trên Da Màu từ 18 đến 26 tháng 10 năm 2012. Tôi cho rằng cô ấy đã thể hiện một thái độ đúng đắn với đạo đức của một người làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Đó là một thái độ trung lập với các đảng phái chính trị và chế độ xã hội nhưng cam kết theo đuổi trí tuệ và các giá trị nhân văn trong phạm vi nghiên cứu của mình. Theo tôi đây không phải là thái độ đúng đắn duy nhất nhưng đó là một lựa chọn cần được tôn trọng nếu như ngành nhân văn của Việt Nam muốn đem lại những giá trị nhân văn cho đời sống. Những tiếng nói ngầm chưa tìm được chỗ đứng trên diễn đàn văn học chính thống (Da Màu là một diễn đàn văn học mạng phi chính thống) nhưng việc Nhã Thuyên giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.
2. Vị trí của nhà phê bình: trung lập với các đảng phái chính trị, chế độ xã hội và cam kết với những giá trị nhân văn
Tôi không thấy Nhã Thuyên lựa chọn vị trí ca tụng “những tiếng nói ngầm”. Nhã Thuyên lựa chọn tìm hiểu “một phiến cảnh thơ ca còn chưa sáng rõ” và đã làm điều đó với sự trân trọng đối tượng nghiên cứu của mình. Người nghiên cứu, ngay cả khi tìm hiểu kẻ thù hay những tội nhân bị cả xã hội nguyền rủa, có lẽ cũng cần giữ cái đức ấy.
Tôi xin dẫn lại đoạn văn trong lời ngỏ của Nhã Thuyên mà chính Chu Giang đã trích: “Tôi muốn làm nổi bật lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế.”
Khi đọc đoạn văn bản này tôi để ý đến việc Nhã Thuyên dùng hai từ “tỏ ra” và “dường như” để bày ra một thái độ cẩn trọng. Còn không gian văn học đó có “năng động” hay không thì tùy quan niệm của từng người. Tôi đồng tình với cách dùng từ “năng động” của tác giả và không cho rằng tính từ ấy có nghĩa ngợi ca. Những sáng tác và ấn phẩm phi chính thống đang có đời sống của chúng. Dòng văn học phản kháng tồn tại trong bất cứ một chế độ xã hội nào chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của Việt Nam.
Đoạn văn vừa trích dẫn chỉ thể hiện đối tượng nghiên cứu của tác phẩm còn vị trí của người nghiên cứu được Nhã Thuyên trình bày ở một đoạn văn khác trong lời ngỏ: “Tôi đang ở giữa cái bên lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa những đứt gãy và kết nối, giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không đứng về phía sự trấn áp.”
Vị trí Nhã Thuyên lựa chọn là sự chênh vênh ở giữa. Chu Giang trích dẫn lại rằng Nhã Thuyên lựa chọn “không đứng về phía trấn áp” và tự ngầm hiểu phía trấn áp là phía chính quyền. Thật ra bất cứ một cá nhân nào cũng có thể trấn áp những người khác. Theo tôi hiểu, “không đứng về phía trấn áp” có nghĩa là nhà phê bình không tìm hiểu dòng văn học phản kháng với sẵn mong muốn trấn áp nó.
Nhã Thuyên không viết phê bình với sự khách quan lạnh lùng của khoa học. Cô ấy chọn một đường hướng nghiên cứu nhân văn cam kết với sự trân trọng giá trị văn chương của “những hiện diện vắng mặt”. Sự trung lập mà tôi muốn nói ở đây là sự trung lập với các tham vọng chính trị nhằm xây dựng hay lật đổ một chính quyền. Nhã Thuyên đã rất kỹ tính khi không tự mình dùng một từ ngữ nào thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc. Không biết nhầm lẫn của Chu Giang đã diễn ra như thế nào nhưng toàn bộ những từ ngữ thể hiện định kiến với chính quyền và lịch sử dân tộc là của các tác giả và tác phẩm mà Nhã Thuyên nghiên cứu hoặc chúng mô tả một vấn đề là đối tượng quan tâm của các tác giả và tác phẩm đó. Tôi đã cất công tìm xem cụm từ “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Chu Giang trích dẫn được Nhã Thuyên sử dụng trong trường hợp nào và tìm thấy nó trong một câu viết tại đó nó được nhắc tới như một vấn đề mà các nhà thơ phản kháng quan tâm. Trong khi các nhà thơ phản kháng bày tỏ thái độ chống đối chế độ thì Nhã Thuyên không chọn vị trí đó. Người ta có thể đặt ra câu hỏi rằng tại sao Nhã Thuyên lại hứng thú với không gian văn học phản kháng nếu như cô ấy không muốn trấn áp hay tuyên truyền những luận điểm chống chính quyền. Tôi không biết rõ câu trả lời, và cũng không cần phải biết, nhưng nếu thử suy đoán, ta có thể thấy những lý do rất con người. Sự cấm kỵ một số đề tài nghiên cứu trong nhà trường có thể đã khơi gợi trí tò mò của nhà nghiên cứu. Cũng có thể cô ấy giàu lòng trắc ẩn với các thân phận bên lề. Hoặc thơ ca phản kháng có những giá trị văn chương thực sự cuốn hút.
3. Vấn đề nghiên cứu của Những tiếng nói ngầm: Mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị
Tôi đã dành nhiều công sức để đọc các tiểu luận của Nhã Thuyên và thấy rằng nhà phê bình này xác định công việc của mình là đi tìm giá trị văn chương của những tiếng nói chống đối chứ không phải là phán xét thái độ chính trị của những tiếng nói ấy. Dòng văn học ngầm thường hấp dẫn người đọc bởi thái độ chính trị của nó, và Nhã Thuyên muốn hướng sự quan tâm của mình và bạn đọc sang một vấn đề khác: tính văn học nghệ thuật của những sáng tác có đặc trưng chính trị đó. Có thể nói văn học nghệ thuật không tách khỏi chính trị, nhưng chúng cũng không trùng khớp hoàn toàn nên tra vấn mối quan hệ giữa thơ ca và chính trị là một lao động trí tuệ có ý nghĩa. Với tôi, cách đặt vấn đề của nhà phê bình không hề gượng ép, nó hợp với những băn khoăn của tôi. Tôi không sẵn một tâm thế ngợi ca dòng văn học phản kháng. Tôi đã gặp những tác phẩm mà nếu không phải là bàn chuyện chính trị thì chẳng đáng chú ý vì chúng không có gì thú vị về ý tưởng hay ngôn từ. Ở một chiều khác, tôi nghĩ rằng không tìm hiểu giá trị văn chương của dòng văn học này thì không công bằng, với bản thân mình và nhất là với văn chương.
Chu Giang có thể không thừa nhận những giá trị văn chương của các tác phẩm và tác giả như Nhã Thuyên nêu ra, nhưng Nhã Thuyên không hề ca ngợi lập trường chống chế độ và phỉ báng lịch sử. Nhã Thuyên chỉ nhận định rằng trong lịch sử văn học Việt Nam thì dòng văn học phản kháng mà cô nghiên cứu đặt ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa nhà thơ và thể chế, trình diễn những quan niệm mới về thi ca, và để lại một vài bài thơ làm cô xúc động. Nhã Thuyên xúc động trước Nguyễn Quốc Chánh chắc chắn không phải là vì cô có chung quan điểm chống chế độ và phỉ báng lịch sử mà vì ông là một con người có những nỗi đau, những tìm tòi và những câu thơ đẹp. Cô viết: “Đến giờ, tôi vẫn xúc động khi lần giở những trang sách cũ, lần giở những trang mạng để đọc ông, không phải một biểu tượng của chịu đựng và phản kháng, mà như một thi sĩ, kẻ luôn tìm cách vượt qua những giới hạn của cá nhân mình để tra vấn những tiềm năng thơ ca mới, những không gian mới cho thơ.” Chu Giang phê phán tư tưởng của Nguyễn Quốc Chánh, tuy nhiên điều này lại không hề liên quan tới Nhã Thuyên bởi cô không quan tâm tới việc phán xét thái độ chính trị của các tác giả đúng hay là sai, lợi hay hại cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhã Thuyên không thể trả lời câu hỏi nghiên cứu của Chu Giang vì đây không phải là công trình cộng tác giữa Nhã Thuyên và Chu Giang. Chu Giang sẽ cần tự viết riêng một tập tiểu luận khác để phát triển cách nhìn của mình. Những tiếng nói ngầm là sự xử lý hai câu hỏi nghiên cứu chính:
  • Mối quan hệ giữa nhà thơ về thể chế được gợi ra như thế nào từ những tiếng nói ngầm?
  • Đâu là những đóng góp mang tính thi ca của những tiếng nói ngầm?
    Theo tôi đó là những câu hỏi nghiên cứu có chất lượng – nghĩa là chúng đáng để hỏi và có thể trả lời.
Nhã Thuyên
Khi một nhà phê bình tìm kiếm giá trị văn chương của dòng văn học ngầm thì chưa chắc ấy đã là một sự thiên vị bởi càng khát khao nhìn thấy cái hay cái đẹp thì người ta lại càng phải chất vấn những gì mình gặp. Nhã Thuyên chất vấn những tiếng nói ngầm một cách quyết liệt, nhưng không phải là chất vấn về tính đúng sai của quan điểm chính trị. Như tôi đã trình bày ở trên, đó không phải là câu hỏi nghiên cứu Nhã Thuyên đặt ra. Cô chất vấn tính thi ca và diễn đạt những chất vấn của mình với một thứ ngôn ngữ tôn trọng mọi người. Những người chờ đợi một thứ ngôn ngữ nhạo báng dòng văn học chống đối có thể thất vọng, nhưng những người có một số khúc mắc về giá trị văn chương của dòng văn học này có thể tìm thấy những sẻ chia. Nhã Thuyên không chỉ trình bày về các đóng góp của những tiếng nói ngầm mà còn chỉ ra những nguy cơ mà thơ ca phản kháng chế độ có thể rơi vào. Từ những phần viết của Nhã Thuyên tôi nhìn thấy ba nguy cơ chính. Một là phản kháng chế độ có thể bị biến thành một yếu tố câu khách. Nó thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đời hoặc có thể tận dụng cho các mưu đồ chính trị. Hai là thơ ca phản kháng có thể không có giá trị thơ ca mà chỉ giống như việc người ta chống đối hoặc ủng hộ chế bộ bằng các hành vi khác. Ba là thơ ca phản kháng có khi cũng chỉ là sản phẩm nô lệ mà thôi. Cô viết: “Có điều, tự do là bất khả nếu chúng ta chỉ là sản phẩm nô lệ, dù ngợi ca hay chống đối…” Ở tiểu luận “Thơ ca của sự phủ định và sự phủ định thơ ca”, Nhã Thuyên gợi ra rằng tính chính trị của thơ ca không thể chỉ hiểu đơn giản là sự quan tâm tới việc chống đối hoặc ủng hộ chế độ. Thơ phản kháng cũng chẳng khác vì những văn bản tuyên truyền mà chính nó ghét bỏ nếu như nó không đạt tới tính chính trị của thơ ca- sự khơi dậy những điều mới mẻ.
Tóm lại, với cách đọc hiểu của tôi, tác phẩm Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên về cơ bản là một nghiên cứu mang tính chất vấn chứ không phải là một trình hiện những luận điểm ca tụng. Nếu có cái gì đó khiến người ta có thể nhầm lẫn với sự tán dương thì ấy là sự trân trọng tác giả dành cho đối tượng nghiên cứu, sự tìm tòi và nâng niu những giá trị nhân văn.
4. Lời kết
Tác phẩm phê bình của Nhã Thuyên “có vấn đề” có lẽ chủ yếu là vì nó tìm hiểu một chủ đề bị cho là cấm kỵ. Cô nghiên cứu một mảng thơ ca viết bởi những người chống lại các định chế xã hội, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là cô ra sức ủng hộ sự chống chế độ và giải thiêng lịch sử. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể lý luận rằng những xúc động của Nhã Thuyên trước dòng văn học ngầm có thể xui khiến người đọc có cảm tình với dòng văn học này và từ đó họ có thể bị tiêm nhiễm những quan điểm, ngôn ngữ độc hại nào đó. Cứ cho là có khả năng như vậy đi thì tôi nghĩ rằng khả năng đó là quá nhỏ. Văn chương của Nhã Thuyên không phải là thứ dễ đọc. Người đọc của cô là những người có học và tự chủ về lập trường chính trị.
Chu Giang và Nhã Thuyên là những người phê bình ở những thế hệ cách nhau khá xa. Trong đời sống chính trị của cả nước, có những chủ đề cấm kỵ thời xưa nay đã được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội, ví dụ như luật hôn nhân đồng tính và đề xuất đổi tên đất nước. Có cần coi dòng văn học phản kháng là một đề tài cấm kỵ nữa không? Về bản chất, dòng văn học này khác với các vấn đề xã hội nêu trên ở chỗ nó công khai chống lại chính quyền hiện thời. Tôi không cho rằng các diễn đàn chính thống của nhà nước cần ủng hộ dòng văn học này bằng cách xuất bản những tác phẩm của nó hay đem vào nội dung giảng dạy của nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng cần phải cản trở và loại trừ những nỗ lực tìm hiểu dòng văn học phản kháng hay quy định sẵn rằng bất cứ nghiên cứu nào về dòng văn học này cũng phải nói xấu nó. Chúng ta có thể cần quan tâm tới thái độ chính trị của một người để xét duyệt một vị trí trong nhà trường chính thống, thì ngay cả khi ấy thái độ chính trị Nhã Thuyên thể hiện ở Những tiếng nói ngầm là một thái độ mang tính xây dựng nên được hệ thống trân trọng. Việc cô có một vị trí ở Khoa Văn trường Đại học Sư phạm đem lại môt hình ảnh tốt đẹp về một chính quyền tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận. Đấy chẳng phải là một thành tựu hay sao?
© 2013 Diên Vỹ & pro&contra


GIANG NAM LÃNG TỬ
 Sau những lời lẽ lu loa, nổi nóng và nông nổi của mấy cây bút như GS Phong Lê, văn sĩ Vũ Hạnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu. vv…trên các tờ Văn nghệ TP.HCM, báo Quân đội, báo Nhân dân, Thanh tra và Văn nghệ, báo chí mạng nổi lên cơn bão phản ứng, bác bỏ mấy tờ báo nói trên.
 Bẵng đi một thời gian hơn nửa năm, những kẻ tìm diệt trí tuệ quyết tâm tận diệt.
 Một hội đồng chấm lại luận văn Nhã Thuyên được tổ chức bí mật !
 Nhà đạo diễn ẩn mình trong bóng tối.
Sau khi chấm hủy luận văn, lại ra công văn chỉ đạo báo chí.
Chuyện này sẽ nói ở cuối bài.
 Họ được mời họp bí mật để phủ nhận luận văn của Nhã Thuyên-Đỗ Thị Thoan.
 Sau khi giải tán Hội đồng 2 trong bí mật, lại có yêu cầu là không được tiết lộ về cuộc họp hội đồng chấm lại.
 Khi được bạn hữu hỏi đến thì giám khảo nào cũng giả vờ rằng “không biết có cái cuộc ấy”.
 Ôi phẩm chất, bản lĩnh và lương tri của các nhà khoa học !
 Còn gì thảm hại hơn thế nữa không ở một trường ĐHSP lớn nhất nước với một truyền thống lịch sử đáng tin cậy lâu nay ?
 Ai ngờ đâu Đảng ta ngày nay lại phải chui vào hoạt động “trong bóng tối” như những ngày tiền khởi nghĩa (trước CM tháng Tám1945) và trong thời Pháp tạm chiếm, Mỹ tạm chiếm !
 Bí mật đã “bật mí” !
 Được biết, danh sách Hội đồng bí mật chấm lại Luận văn thạc sĩ Nhã Thuyên (gọi tắt Hội đồng 2) gồm:
Chủ tịch Hội đồng (2):
PGS.TS Đoàn Đức Phương, Chủ nhiệm khoa Văn học, Đại học KHXH và NV, thành viên Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương.
 Phản biện :
 GS Đặng Thanh Lê, 84 tuổi, chuyên gia về văn học Việt Nam trung đại, ĐHSP.HN
 PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nguyên viện trưởng Viện văn học, thành viên Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương.
 PGS.TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, Đại học sư phạm Hà Nội
 PGS.TS Nguyễn Duy Đức, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhân tiện, xem Danh sách Hội đồng chính thức chấm Luận văn (gọi tắt Hội đồng 1), Hội đồng này đã chấm Luận văn Nhã Thuyên với điểm cao tuyệt đối:
Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Nguyễn Văn Long
Phản biện và thư ký:
PGS.TS Ngô Văn Giá
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp
TS. Chu Văn Sơn
TS. Nguyễn Phượng
Vài nhận xét, so sánh sơ bộ, tản mạn về hai hội đồng.
 Nhìn học vị, học hàm và chức vụ rềnh rang của Hội đồng chấm lại (hội đồng 2) thấy có vẻ  sẽ đè bẹp Hội đồng chấm trước (hội đồng 1).
 Học hàm cao nhất, cao niên nhất: GS Đặng Thanh Lê.
Đặc biệt Hội đồng 2 còn có hai ông Phương và Thưởng là hai ủy viên “Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương” (do đồng chí PGS.TS Đào Duy Quát chỉ huy), lại thêm một GV Học viện Chính trị quốc gia HCM nữa. Nhìn danh sách Hội đồng, người ta có thể hiểu đạo diễn đã viết kịch bản với một quyết tâm hủy diệt luận văn thạc sĩ rồi.
 Nhìn về chuyên môn, thấy Hội đồng 2 kém hơn là chắc chắn.
Hội đồng 2: không thành viên nào có công trình nghiên cứu gì về Văn học hiện đại, đương đại.
 Trong khi, toàn bộ thành viên Hội đồng 1 đều là những chuyên gia văn học hiện đại nổi tiếng trong giới văn đại học và công luận, báo chí văn học nghệ thuật.
 Đặc biệt, hội đồng 2 có GS Đặng Thanh Lê  khiến giới văn đại học không khỏi ngỡ ngàng. Lãng tử ưu ái dành nhiều dòng bàn bạc về vị giám khảo cao tuổi nhất trong làng đại học Văn.
 Bà Lê là con gái của cố GS ĐặngThai Mai, bà cũng là chị vợ của tướng Giáp. Chuyên đào sâu văn học trung cổ giai đoạn Nguyễn Du, bà suốt đời tầm chương trích cú, “dưới ánh sáng tư tưởng văn nghệ Mác- Lê” để nghiên cứu thân phận Thúy Kiều. Thực là, “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” . Trước thân phận hàng vạn cô Kiều đời nay, GS Lê ngoảnh mặt đi, ăn làm sao nói làm sao bây giờ! Bởi vì, bà đã lỡ giảng hùng hồn say sưa rằng “nhân vật Thúy Kiều là bản án gay gắt lên án chế độ phong kiến”, bây giờ bà đâu có biết dùng phương pháp nào, “dưới ánh sáng tư tưởng nào” để bàn chuyện “cô Kiều ngày nay”? Thân phận hàng vạn cô Kiều thời nay, những người sống cùng thời với bà, ở  quê bà hẳn cũng có không ít, đâu đâu cũng có – những thân phận ấy gọi là “bản án” gì đây nhỉ? Thôi,  im lặng là hơn.
 Bà hầu như cũng không bao giờ viết báo chí.
Bà làm ngơ trước mọi hiện tượng văn học đương đại sôi sục hay âm ỉ suốt từ 1954 tới nay. Có lẽ, bà chịu ảnh hưởng nhân sinh quan khá sâu đậm của nhà nho Đặng Thai Mai thân phụ bà. Cụ Đặng từng khuyên nhủ con rể là Đại tướng Giáp khi  tướng Giáp thất thế ở Đại hội Đảng 6. Cụ đã khuyên “thời của anh qua rồi, anh nên giữ gìn…” (đại ý như thế). Lời khuyên của cụ theo đạo xuất sử của nhà nho, thực chất là đạo “an phận thủ thường”, chẳng dính dáng gì với chủ nghĩa Mác Lê. Chính cụ Đặng đã lấy thân mình làm tấm gương; chuyện kể rằng khi chủ trì hiệu đính, dịch lại tập “Nhật ký trong tù”, cụ phát hiện một sự thật động trời, nhưng rồi cụ…im lặng. Và bây giờ cụ sẽ mang phát hiện ấy đi hỏi tác giả là cụ HCM đồng hương ở thế giới bên kia thôi.
 Mặt khác, nữ GS Đặng Thanh Lê suốt hơn nửa thế kỷ qua, không bao giờ bàn tán nửa lời về văn học hiện đại.
 Tưởng đâu bà Lê, con nhà nho nòi, đã biết câu “lão giả an chi”, thế nào mà đùng một cái, “ma dẫn lối quỷ đưa đường / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (Truyện Kiều, câu 2665), bà nhận lời đi chấm lại Luận văn Nhã Thuyên với tư tưởng chỉ đạo phải hủy diệt.
 Còn đâu là tính thận trọng, tính chính danh của một nhà khoa học tự biết mình và tự trọng. Bà Lê bây giờ tuổi hạc đã cao, nghĩ quơ quào thêm được cái gì hay cái nấy, bà quên hết đạo lý của người trí thức. Bà còn ham muốn gì nữa – danh vọng, tiền tài ?
 Lại cũng cần nói thêm: cha bà, GS Đặng Thai Mai từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện văn học, sau đó truyền lại cho chồng bà, PGS. Nguyễn Văn Hoàn cũng chức vụ phó Viện trưởng viên ấy. Chồng kế nhiệm cha.
 Liên tưởng tới Hội đồng 1 có PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, đương kim Viện trưởng Viện văn học. Khi chấm lại Luận văn, bà Lê hẳn có liên tưởng so đọ chút ít về cha và chồng từng giữ chức vụ ấy . “Anh Điệp viện trưởng non choẹt, làm sao bằng cha và chồng mình được, sao dám chấm điểm 10 cho một Nhã Thuyên nào đó chứ ?!”
 Trên đây là mấy điều tâm đắc nhất Lãng tử bàn về vị giám khảo cao niên nhất của Hội đồng phúc khảo.
 Sau có lời bàn sơ sơ về các giám khảo còn lại.
 Trong Hội đồng 2 lại có Phan Trọng Thưởng, cựu Viện trưởng Viện văn học, tiền nhiệm của đương kim Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp ( “Viện trưởng “mới” làm sao bằng mình được!”… ).
 Những sự trùng hợp ấy không phải được chọn ngẫu nhiên bởi một đạo diễn bí mật (lại bí mật nữa !).
 Có thể nói đạo diễn kịch bản “phúc khảo bí mật” này có toan tính khá thâm thúy, họ tận dụng thành ngữ cổ “văn nhân tương khinh”, hoặc “Con gà tức nhau tiếng gáy”.
 Cũng phải bàn thêm về  một nhân vật giám khảo 2 nữa: PGS. TS Lê Quang Hưng.
 Cha Hưng là nhà giáo lão thành Lê Bá Hán dạy Đại học Vinh từng được coi là chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học “dưới ánh sáng tư tưởng mác xit” với bộ “Lý luận văn học” đồng tác giả. Công trình đó bây giờ bị coi là vô cùng lạc hậu. Sau cái “vô cùng lạc lối” ấy, ông Hán không cập nhật được gì, không có gì mới so với đồng tác giả GS Trần Đình Sử vẫn tiếp tục tiến xa. (GS Trần Đình Sử được mời Hội đồng tư vấn về LV Nhã Thuyên sau khi báo chí Đảng la lối, ông lại viết bài bênh vực Nhã Thuyên và phê phán những kẻ phê phán vô lối ). Giới văn đại học ngày nay hầu như đã quên ông Hán rồi (cũng như đã quên bà GS Đặng Thanh Lê, vì những công trình bất cập của hai vị). Ông Hán kịp để lại một TS nối nghiệp, tên là Lê Quang Hưng, anh này chưa có một công trình gì cho ra hồn về văn học đương đại – giai đoạn Luận văn Nhã Thưyên đang nghiên cứu. Lê Quang Hưng này trước đây cùng dạy một tổ với TS Chu Văn Sơn (giám khảo Hội đồng 1). Lê Quang Hưng ắt có nhiều “cảm hứng” phê phán Luận văn thực triệt để, điều này cũng dễ hiểu thôi, thói đố kỵ của trí thức non.
 Có thể bàn đôi chút về chức danh chủ tịch Hội đồng 2: PGS.TS Đoàn Đức Phương.
Mang danh một khoa Văn của trường ĐH khác, cho được cái chữ khách quan. Nhưng cũng biết rằng hai khoa Văn này về truyền thống là hai trường phái nghiên cứu từng rất khác nhau, không mấy hợp ý nhau. Đoàn Đức Phương cũng chưa phải là một chuyên gia được khẳng định về văn học hiện đại, đương đại, chưa có một bằng chứng rõ ràng nào về thành tích nghiên cứu của anh ta.
 Than ôi, các vị giám khảo chấm lại hẳn đã được dặn dò, được “quán triệt tư tưởng”, được “đạo diễn” trả thù lao hậu hĩ, lại ghi thêm điểm cho sự thăng tiến về sau.
 Tái bút
 Nhiều người kinh ngạc về Công văn Ban tuyên giáo chỉ đạo báo chí, CV đó đã viết “Học hàm thạc sĩ Đỗ Thị Thoan”.
 Xin đề nghị sửa lại ngay,  đó là: “học vị thạc sĩ”.
(ảnh” trích công văn)cv BTG
 Chứng minh:
 1. Từ điển Hán-Việt, Đào Duy Anh, giới nghiên cứu ai cũng công nhận là cuốn tự điển chữ Nho tin cậy nhất hiện nay, có ghi mục từ:
            Học vị, 學位cái danh vị của chính phủ cấp cho khi học nghiệp đã xong.
(Học nghiệp đã xong: tức là tốt nghiệp một khóa đào tạo).
(và chú thêm tiếng Pháp: titre).
           Không có mục từ “học hàm”.
 2. Từ điển Tiếng Việt năm 1997 của Trung tâm từ điển học Việt Nam.
Trang 438, ghi “Học vị: Danh vị cấp cho người có trình độ học vấn nhất định, thường là trên đại học. Học vị tiến sĩ”.
Mục từ này tương tự với từ điển Đào Duy Anh.
Trang 437 ghi “Học hàm: cấp bậc của người nghiên cứu-giảng dạy ở bậc đại học. Học hàm giáo sư”.
 3. Từ điển Lạc Việt:
 Phần Việt- Anh
“Học hàm”: Professorship, học hàm giáo sư.
 “Học vị”:  An academic distinction: danh hiệu học vị học thuật.
 Với quan niệm “học hàm” như trên, cùng với ý đồ định hướng cho tiếng Việt “máy bay trở khách MH 370”,  Ban tuyên giáo có tham vọng giữ cả vai trò “định hướng” cho ba ngôn ngữ, chống lại ba từ điển Hán- Việt- Anh nữa đấy !
 Kết
 Đề nghị 1: Tước học vị, học hàm của những người bí mật chấm lại luận văn Nhã Thuyên.
Đề nghị 2: Ban tuyên giáo nên đi học bổ túc ba ngôn ngữ Việt- Hán- Anh nếu muốn giữ cả trọng trách “định hướng ngôn ngữ” cho ngành đại học nước nhà.
 Đề nghị 3: Trường ĐHSP Hà Nội cần công khai giải trình vụ việc trên báo Giáo dục & Thời đại, tờ báo ngành hoặc báo chí khác.
 GNLT


Trường ĐHSP Hà Nội: Ông Minh tiếp tay cho “Kẻ bên lề” “nổi loạn” trên bục giảng?

Báo Người cao tuổi đã nêu rõ con đường đưa ông Nguyễn Văn Minh (con một gia đình phản cách mạng) lên chức Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Chính ông Minh kí tiếp nhận ThS Đỗ Thị Thoan, tác giả luận văn “Kẻ bên lề”, mang nội dung không lành mạnh, trở thành giảng viên dạy môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài “gieo mầm chống phá” cho sinh viên…
“Vô hiệu hóa các GS, PGS”, tiếp nhận người “có vấn đề” làm giảng viên
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Trường ĐHSP Hà Nội, trong đó có chức Trưởng ban An ninh chính trị – Bảo vệ nội bộ; chỉ đạo trực tiếp phòng Tổ chức Cán bộ… nên hồ sơ lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học của ông bị tố giác khai gian dối, nhằm lọt vào hàng ngũ của Đảng và giữ quyền lực cao nhất Trường, được giữ trong “lô cốt”. Dưới thời ông làm Hiệu trưởng, tổ chức cán bộ của Trường biến động nhiều, đề bạt tạo “ê-kíp”, “thanh trừng ngầm” và tuyển dụng cán bộ.
Với ông Minh, cuộc chiến quyền lực diễn ra từ khi ông tranh chức Trưởng khoa Vật lí năm 2010, (vừa được công nhận là đảng viên chính thức, chưa kinh qua chức Phó Chủ nhiệm khoa). Người tranh cử nặng kí với ông Minh là GS, TS Đặng Văn Soa, giảng viên cao cấp, Thư kí Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Vật lí, có tuổi đảng gấp nhiều lần ông Minh, gia đình ông Soa có nhiều người tham gia cách mạng và hi sinh vì nước. Cuộc so găng này, 2 người bằng phiếu nhau, ông Minh được lên chức Trưởng khoa. Trong danh sách tranh cử Hiệu trưởng, ông Soa là 1/10 người được giới thiệu theo thông báo của Trường nhưng không nhận được thông báo để gửi hồ sơ tranh cử. Khi ông Minh lên chức Hiệu trưởng, ông Soa bị ông Minh cắt chức Phó trưởng khoa nhiệm kì 2010 – 2015, trong khi 3 năm (2009 – 2012) ông Soa nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ GD&ĐT và Trường ĐHSP Hà Nội. Gần đây mọi người mới biết ông Soa bị “thanh trừng”. Còn GS,TSKH Vũ Văn Hùng, Trưởng phòng Khoa học (người có số phiếu cao sau ông Thái trong cuộc bầu Hiệu trưởng đợt 1, đứng sau ông Minh trong đợt 2, cũng bị thanh trừng, vì ông là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở Trường ĐHSP Hà Nội, phát giác và không chịu “nới tay” với bộ hồ sơ khoa học ứng cử chức danh Giáo sư của ông Minh. Ông Hùng bị chuyển từ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ sang làm Trưởng phòng Tạp chí, gần như ngồi chơi xơi nước, cực chẳng đã phải dứt áo ra đi. GS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng bị o bế cũng phải ra đi. Còn GS,TS Trần Đăng Xuyền; PGS,TS Kiều Thế Hưng (cựu Phó Hiệu trưởng) nhận được văn bản của trường đưa kí tên xin nghỉ không giữ các chức vụ cũ mà không biết lí do vì sao? Dưới quyền Hiệu trưởng mới, cuộc “cải tổ” tổ chức không thông qua Đảng ủy nhiều trường hợp, lộ rõ “phe cánh” của Hiệu trưởng. Thật trớ trêu, 2 người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất lại được đề nghị bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng (hiện 2 vị trí này chưa được Bộ GD&ĐT phê chuẩn). TS Nguyễn Minh Thủy, nhận chức Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ phải xác nhận ngay danh mục các bài báo quốc tế của ông Minh là đúng (không có các bài báo chứng minh). Ông Đinh Quang Thú, người dịch lá thư ngày 21/9/2012 của GS In-Sang-Yoong gửi ông Minh (PV – chưa thấy bản gốc để đối chứng), cứu nguy cho ông Minh học vị Giáo sư nghiên cứu ở Hàn Quốc, quá tuổi lãnh đạo vẫn được nguyên chức Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế…
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh.
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh.
Trong khi một số GS, PGS phải dứt áo ra đi, hoặc an phận, Hiệu trưởng Minh với quyền Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn nhân lực nhận về một số giảng viên trẻ có “vấn đề” như cô Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên cử tuyển của tỉnh Tuyên Quang làm giảng viên Khoa Sư phạm Kĩ thuật. Từ đây phát lộ đường dây “chạy vào đại học qua đường cử tuyển” ở trường này. Ông Minh cũng kí nhận ThS Đỗ Thị Thoan, người “nổi tiếng” với luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa” (gọi tắt là “Kẻ bên lề”, dùng văn chương để giải thiêng lịch sử và lãnh tụ, bị phê phán gay gắt là luận văn trá hình mang nội dung phản chính trị, kích động phản loạn, bị đề nghị hủy luận văn, hủy học vị ThS của Đỗ Thị Thoan.
“Mạch ngầm” chống phá  ở Khoa Văn
Chính PGS,TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, người hướng dẫn cho luận văn “Kẻ bên lề”, nâng đỡ trò
ThS Đỗ Thị Thoan, tác giả luận văn “Kẻ bên lề”.
ThS Đỗ Thị Thoan, tác giả luận văn “Kẻ bên lề”.
Thoan. Luận văn được hướng dẫn năm 2009, cũng là năm bà Bình thai nghén môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài. Thầy trò họ cố gắng tìm hội đồng “có tiếng nói chung” để có 10/10 điểm xuất sắc. Ở trường ĐHSP Hà Nội, nhiều người biết đến ông Nguyễn Đăng Mạnh, nhà phê bình có tên tuổi, với học hàm Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cây cao bóng cả ở Khoa Văn, cuối đời danh tiếng đã trút hận trong hồi kí của mình lên “Cụ Hồ”, người đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Ông Mạnh vi phạm khoản 4, Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị vì “Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”, sự kiện xảy ra năm 2008. Nhưng, ít người biết ông là thầy hướng dẫn luận văn Tiến sĩ cho bà Nguyễn Thị Bình. Điều này cho thấy “có sự liên kết, dòng chảy ngầm trong tư tưởng chính trị, từ thầy Nguyễn Đăng Mạnh đến trò Nguyễn Thị Bình, rồi Đỗ Thị Thoan. Ông Mạnh kiên tâm giấu mình để có các danh hiệu cao quý, ngót 80 tuổi mới bộc lộ tư tưởng, phe phái, thì bà Bình cũng khéo giấu mình gần 20 năm để trở thành PGS,TS, Nhà giáo ưu tú. Cái khác, là ông Mạnh dùng văn chương “hồi kí” chuyển tải thiên kiến của mình, còn bà Bình dùng luận văn đưa vào nhà trường nghiên cứu, mượn giảng đường Khoa Văn cho Đỗ Thị Thoan “gieo mầm chống phá cách mạng” qua lớp lớp sinh viên, những thầy cô giáo trẻ. Để “có đất” cho người “gieo mầm độc”, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh với cương vị Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn lao động đã kí tiếp nhận Đỗ Thị Thoan là giảng viên của Trường ĐHSP Hà Nội.
Luận văn “Kẻ bên lề” đầu độc sinh viên
Luận văn “Kẻ bên lề” là đề tài nghiên cứu khoa học tại Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội, đã đáng báo động, nguy hại hơn khi tác giả luận văn này thành giảng viên, đưa tư tưởng phản chính trị, kích động bạo loạn, giải thiêng lịch sử dân tộc, “giải thiêng lãnh tụ” trên giảng đường, đầu độc sinh viên – là những thầy cô giáo trẻ, nguy cơ lệch lạc quan điểm, tư tưởng. Năm học 2012 – 2013 Khoa Văn đưa môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy (năm đầu tiên), đây là khoa duy nhất trong hệ thống giáo dục Đại học cả nước có môn học này.
Theo PGS,TS Đoàn Đức Phương, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngay lĩnh vực nghiên cứu, trường này cũng loại trừ vấn đề nhạy cảm chính trị này. Với nhiệm vụ đào tạo giáo viên, Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội xây dựng môn học và đưa vấn đề nhạy cảm chính trị này lên bục giảng làm gì? Quy định của Bộ GD&ĐT khi xây dựng môn học mới rất rõ ràng, phải có Hội đồng Khoa học khoa và trường thẩm định và phản biện, giáo án cụ thể, có các tài liệu theo nguồn xuất bản chính thống. Còn biên bản của Hội đồng Khoa học Khoa Văn cùng giáo án và các tài liệu liên quan việc giảng dạy của Đỗ Thị Thoan, PGS,TS Đỗ Hải Phong, Chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội cho là bản quyền – bí mật của khoa và tác giả, họ giữ trong “lô cốt”. Được biết, môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài bà Bình xây dựng từ năm 2009, khi ông Đỗ Việt Hùng là Trưởng khoa, ông Nguyễn Viết Thịnh là Hiệu trưởng, nhưng trường không chấp nhận môn học này. Khi ông Minh lên làm Hiệu trưởng, kí tiếp nhận ThS Thoan, người bảo vệ luận văn “Kẻ bên lề” xuất sắc, đang thất nghiệp làm giảng viên như bà Bình đề nghị. Môn học này mang mã số PHIL 325, là chuyên đề tự chọn kép với chuyên đề “Những vấn đề phê bình văn học Việt Nam” nhưng Khoa Văn đã chọn môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy (2 tín chỉ, 30 tiết lên lớp).
Theo ông Đỗ Hải Phong, Chủ nhiệm Khoa Văn và ông Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, họ không nhận được văn bản nào của sinh viên và PA83 Công an Hà Nội phản ánh về nội dung giảng dạy của cô Thoan, nhưng thực tế cán bộ PA 83 đã trực tiếp trao đổi với Trưởng khoa và Hiệu trưởng việc sinh viên phản ánh nội dung giảng dạy và tài liệu “ngoài luồng” Đỗ Thị Thoan gửi cho sinh viên. Sự vụ xảy ra trên bục giảng Khoa Văn và tiểu luận “Những tiếng nói ngầm” của Nhã Thuyên có nội dung giống luận văn “Kẻ bên lề”, thấy rõ quan điểm đào tạo và sai lầm có hệ thống của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại. Tại Hội nghị phê bình văn học toàn quốc lần thứ III mới đây, PGS,TS Phan Trọng Thưởng, Thường trực Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật TW đánh giá “Kẻ bên lề” là luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động, khi cho rằng Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo. Đỗ Thị Thoan có thái độ công khai, đồng tình với tư tưởng của các phần tử chống Đảng, phá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, Khoa Văn và Trường ĐHSP Hà Nội có họp “rút kinh nghiệm”, nhưng thực tế vẫn đâu vào đó. Họ hóa giải những sai phạm thành vô phạm. Cho rằng, nội dung luận văn “Kẻ bên lề” không sai phạm, Đỗ Thị Thoan cũng không sai phạm nội dung giảng dạy. Theo ông Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Văn, sau một năm dạy thử, năm học 2012 – 2013 khoa không đưa môn Văn học Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy, thế nên bà Bình có văn bản đề nghị không kí tiếp hợp đồng với ThS Thoan. PGS,TS Nguyễn Thị Bình vẫn đương chức Tổ trưởng, bởi cả khoa lẫn trường đã “coi trời bằng vung” hóa giải các sai phạm. May thay sự “nổi loạn” trên giảng đường của Đỗ Thị Thoan sớm bị chấm dứt, còn người “đẻ và tiếp máu cho luận văn”, tiếp tay cho Đỗ Thị Thoan đầu độc những thầy cô giáo trẻ tư tưởng phản động vẫn vô can, vì ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban An ninh chính trị – Bảo vệ nội bộ của trường, muốn giấu chuyện này trong “lô cốt”.
Trần Thị Thực

1 comment: