Khóc ròng ở Ngàn Trươi (kỳ cuối): Không đất sản xuất, nguồn nước ô nhiễm…
Những đứa trẻ thay vì tới trường, nay chơi bời lêu lổng hết ngày này qua ngày khác.
Một chuyện lạ chưa từng thấy đang diễn ra ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh): Trong khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng ngập lòng hồ công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang vẫn chưa thực hiện xong thì toàn bộ trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế... của hai xã vùng lòng hồ là Hương Quang và Hương Điền đã chuyển đi hết, khiến người dân ở nơi cũ phải sống trong cảnh… không có “chính quyền”. Và khi chuyển đến nơi mới thì còn... thê thảm hơn! Hàng trăm hộ dân đang khóc ròng, không biết bám vào ai để kêu cứu…
Bài 1: Bơ vơ tại nơi ở cũ
Hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền (huyện Vũ Quang) đang sống trong cảnh không điện, không “chính quyền” quản lý, không cán bộ chỉ đạo sản xuất, hàng chục đứa trẻ không có trường để theo học... Họ cư trú vật vờ ngay trên mảnh đất quê cha đất tổ, nơi mà không lâu nữa sẽ trở thành vùng ngập lòng hồ công trình thủy lợi Ngàn Trươi.
Chưa đền bù vẫn giải tỏa
Tới ngày 14.11.2013, mới có 189 hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền thuộc huyện Vũ Quang di chuyển tới khu vực tái định cư Hói Trung (xã Hương Thọ) và khu vực Khe Ná - Khe Gỗ, xã Sơn Thọ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng ngập lòng hồ vẫn chưa được UBND huyện Vũ Quang thực hiện xong.
Hiện vẫn còn 239 hộ dân đang cư trú tại vùng đất bản địa. Người dân cho rằng, chính sách đền bù chưa thỏa đáng, còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do UBND huyện Vũ Quang rốt ráo chuyển toàn bộ trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế... hai xã này tới nơi tái định cư cách chỗ ở cũ khoảng 15-30km.
Chính quyền yêu cầu tất cả những hộ đi tái định cư phải chuyển đến Khe Ná - Khe Gỗ (xã Sơn Thọ) và Hói Trung (xã Hương Thọ) trước tháng 9.2013. Nhưng vì sao hàng trăm hộ dân vẫn chưa chịu rời nơi chôn nhau cắt rốn?
Ngôi trường tiểu học Hương Quang bị phá tơi bời (ảnh dưới). Ảnh: Anh Tuấn |
Tìm tới xã Hương Điền khi màn đêm bao phủ, khung cảnh làng mạc ở đây tiêu điều đến ghê rợn. Hàng trăm hộ dân đang sống trong cảnh thắc thỏm chờ mong việc giải quyết đền bù công minh, chi đúng, chi đủ của UBND huyện Vũ Quang.
Ông Đặng Văn Thân - Trưởng thôn Kiều - nói: “Thật lạ kỳ, dự án chưa có tiền vẫn bắt dân đi. Chúng tôi không chống lại chủ trương, đường lối. Nhưng ở đây trách nhiệm của Nhà nước đã hoàn thành mô mà cố tình rút cơ quan hành chính sang khu tái định cư, bỏ mặc bà con sống trong cảnh không có cơ quan chính quyền, đoàn thể thế này”.
Ở xã Hương Quang, toàn bộ trụ sở các cơ quan hành chính cũng đã bị phá dỡ chuyển sang khu tái định cư Hói Trung. Hàng trăm hộ dân bám trụ tại nơi ở cũ sống trong cảnh bơ vơ thế này”.
Chúng tôi mang những thắc mắc về sự ngược đời nói trên của người dân lên gặp ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang kiêm Trưởng ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và được trả lời: “Thắc mắc của người dân có lý, thực tế người dân không thể làm kịp.
Bởi có nhiều nhà họ sang bỏ móng rồi để đó chờ chọn ngày mới làm. Mỗi gia đình có dựng xong nhà cũng phải mất 3-4 tháng trời. Hơn thế, thời điểm di dời đúng vào mùa mưa bão nên nhân dân gặp rất nhiều khó khăn...”.
Rõ ràng là ông Phó Chủ tịch huyện Vũ Quang cũng thấu hiểu tình cảnh của bà con hai xã Hương Quang, Hương Điền, vậy nhưng sau đó ông vẫn lý giải nguyên nhân một cách rất vô cảm rằng: “Song ở đây, chúng tôi thực hiện theo kế hoạch tỉnh giao. Đúng ra đến hết tháng 8, người dân phải làm nhà tạm để di dời sang khu tái định cư. Nhưng quá trình kiểm kê mất cả năm trời nên hiện vẫn còn hàng trăm hộ đang trong giai đoạn lập biên bản áp giá, chưa chi trả tiền”.
Triệt đường mưu sinh
Tại nơi ở cũ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh làng mạc tiêu điều với những ngôi nhà bị phá nham nhở, xen kẽ có nhiều căn hộ khác với hàng trăm con người đang sống trong hoang mang.
Gia đình ông Lê Văn Thảo (trú thôn Kim Thọ, xã Hương Quang) có cả thảy khoảng 7.500m2 đất nông nghiệp, bình quân mỗi năm mang lại nguồn thu nhập 3,2 tấn lạc, ngô, đậu xanh; ngoài ra ông Thảo còn trồng 100 gốc bưởi Phúc Trạch đang kỳ thu hoạch đạt năng suất 40-70 quả/cây, mang về nguồn thu nhập 50 triệu đồng/năm.
Trường học, trạm y tế di dời về nơi tái định cư khiến việc học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân Hương Điền, Hương Quang bị ngừng trệ. |
Nhưng giờ thì vợ chồng ông đang bỏ mặc đồng ruộng để đầu tư thời gian tìm hiểu các văn bản, bộ luật để tự kiểm chứng xem rồi đây họ có được nhận đầy đủ các khoản đền bù chính đáng không! Tại thôn Tân Điền (xã Hương Điền), người dân có khoảng 22ha đất trồng cây nông nghiệp và các loại hoa màu. Song, việc sản xuất của nông dân cũng bị UBND xã Hương Điền dùng mọi biện pháp ngăn cản.
Anh Trần Quốc Toản (trú thôn Tân Điền) bức xúc: “Suốt hơn một năm qua, 18 hộ dân thôn Tân Điền đang tái diễn cuộc sống của thời kỳ “đồ đá” bởi “nhà đèn” đã cúp điện lưới. Chưa dừng lại, có lần toàn dân thôn Tân Điền xuống đồng sản xuất đã bị lực lượng chức năng do ông Lê Quang Toại và Phan Văn Giáp làm trưởng, phó đoàn đến ngăn cản quyết liệt, giằng xé với người dân đang cày bừa, trồng trỉa lạc trên diện tích đất do bà con canh tác từ nhiều năm qua khi chưa có quyết định thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hành động của họ chẳng khác nào triệt đường mưu sinh của bà con!”.
Nhiều trẻ thất học
Chính quyền hai xã Hương Quang, Hương Điền gấp rút chuyển tới nơi ở mới, cùng với đó là toàn bộ cơ sở trường học, trạm y tế cũng bị tháo dỡ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp dạy dỗ các cháu; đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn đều phải nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh chuyển sang nơi tái định cư làm việc trong những căn phòng, những ngôi trường mới nhưng có rất ít người đến khám - chữa bệnh, rất ít học sinh tới trường mỗi ngày. Ngược lại, người dân phải gửi con em của mình về quê, hoặc nương nhờ gia đình bạn hữu dưới xuôi để các cháu được tiếp tục chặng đường đèn sách.
Bà con phản ánh với PV Lao Động rằng: Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang còn nhiều bất cập nên họ chưa di dời. Ảnh: Anh Tuấn |
Song, thực tế không phải gia đình nào cũng làm được việc đó. Tại hai địa phương nêu trên vẫn còn hàng chục trẻ nhỏ đến tuổi vào mẫu giáo, lớp một thay vì đến trường đang phải ra đồng, lên đồi cùng cha mẹ để bươi đất, bắt dế... Vợ chồng anh Phan Tiến Đạt (người Lào, trú xóm Kim Quang, xã Hương Quang) sinh được 3 con.
Do gia đình thuộc đối tượng ưu tiên nên cháu đầu tên Phan Thanh Đô năm nay bước sang tuổi 11 được Trường dân tộc nội trú Hương Khê nhận về dạy dỗ. Nhưng đứa con thứ hai tên Phan Hải Đăng nay vừa tròn 5 tuổi, đáng nhẽ cháu phải theo học lớp mẫu giáo lớn, song do trường mầm non, cô giáo đã chuyển qua bên tái định cư cách nơi ở cũ tới 30km, nên vợ chồng anh Đạt đành để con ở nhà chơi lêu lổng cùng nhiều trẻ khác trong thôn.
Gia cảnh chị Trần Thị Duyên (ở xóm Kim Thọ, xã Hương Quang) không biết gửi hai con đi đâu nên vợ chồng chị đành cho sắp nhỏ nghỉ học giữa chừng.
Chị Duyên oán thán: “Trong khi con em hai xã phải ly tán khỏi bàn tay chăm sóc của cha mẹ đi tứ xứ để cái đầu khỏi bị “mù” thì những ngôi trường khang trang bên khu tái định cư lại trống rỗng ở nhiều lớp học. Nhìn hai đứa con - đứa lớn Phan Thế Hùng năm ni lên lớp 4, đứa nhỏ Phan Khánh Huyền lên lớp 2 - phải nghỉ học do bất khả kháng, tui đau lòng lắm”.
Ngoài chuyện con em bị thất học, chị Đinh Thị Thích (trú xóm Kim Quang) còn bức xúc cho rằng, họ đã bị “cướp” đi quyền được chăm sóc sức khỏe đối với trẻ nhỏ. “Hai đứa con tôi - Bùi Kim Oanh, năm nay học lớp 4 và cháu Bùi Trọng Tấn học lớp 2 - đang phải tạm thời nghỉ học ở nhà. Chúng không có điều kiện khám - chữa bệnh” - chị Thích nói.
Nghịch cảnh là tại nơi ở mới, những ngôi trường khang trang cùng với đội ngũ giáo viên lên tới hàng chục thầy, cô lại đang hằng ngày “ngồi chơi xơi nước”.
Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hương Điền - thừa nhận: Trường thì khang trang thật, so với trước đây nó quá đẹp, có 8 phòng chức năng, 5 phòng học. Song cả tập thể với 2 cán bộ, 5 giáo viên và 1 nhân viên nhưng ở thời điểm chúng tôi tới chỉ có... 8 cháu, trong đó có 4 cháu con cán bộ, 4 trẻ là con em người dân xã Hương Điền theo học, quả thật đáng buồn.
Về việc học tập của con trẻ hai xã Hương Quang, Hương Điền, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Đình Đức nói: “Kế hoạch đã triển khai, ngày 5.9 khai giảng năm học 2013-2014 tại khu tái định cư. Bà con phải đưa con đến đây nhập học. Việc không cho con tới trường của bậc cha mẹ là vi phạm Luật Giáo dục đấy”.
Qua những lời nói trên cho thấy quan điểm của ông Trưởng Ban chuyên trách bồi thường di dân rất mâu thuẫn. Chính ông thừa nhận người dân không thể làm nhà xong trong vòng hai tháng, giữa mùa mưa bão. Nhưng ông lại đặt ra yêu cầu bà con phải xách ba lô sang khu tái định cư dựng lều để đảm bảo cho con cái họ được đến trường quả là nghịch lý. (Còn tiếp)
Khóc ròng ở Ngàn Trươi (kỳ cuối): Không đất sản xuất, nguồn nước ô nhiễm…
Cảnh tiêu điều ở khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ. Ảnh: Anh Tuấn
Nguồn nước sinh hoạt ở khu vực Khe Ná - Khe Gỗ bị ô nhiễm, múc lên, chỉ cần đổ thêm vài giọt chè xanh, nước sẽ đổi sang màu đen thẫm. Những hộ đã di dời đến nơi ở mới tới thời điểm này vẫn chưa được cấp đất sản xuất. Hàng trăm hộ dân tái định cư của dự án thủy điện Ngàn Trươi đang đối mặt với một tương lai mờ mịt.
Làm trái quy định
Nhiều hộ dân nói với phóng viên Báo Lao Động rằng, Ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không gửi quyết định thu hồi đất nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thời gian cụ thể của việc chi trả tiền bồi thường cho người dân nhưng đã tự ý thu hồi đất là vi phạm nghiêm trọng những điều khoản liên quan tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009.
Điều này được xác nhận bằng một báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh: “Ban chuyên trách giải phóng mặt bằng dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) mắc các thiếu sót, cụ thể như công tác kiểm kê đất, xác định nguồn gốc đất, tài sản trên đất của một số hộ dân chưa chính xác. Việc ban hành quyết định thu hồi đất, phần căn cứ còn thiếu Nghị định 69/2009/NĐ-CP, thiếu thông tin về số tờ bản đồ, số thửa đất...”.
Anh Trần Quốc Toản (từng giữ chức Trưởng thôn Tân Điền, xã Hương Điền) phản ánh: UBND huyện Vũ Quang “nhập nhèm” trong việc ban hành quyết định thu hồi đất. Chính vì sự mập mờ này nên bà con không biết mình bị thu bao nhiêu mét vuông, thu những loại đất gì, mấy thửa, giá cả bồi thường cụ thể ra sao, vị trí tại đâu? Không rõ thời điểm tính giá bồi thường có được áp tương ứng với thực tế”.
Gia đình anh Toản có tổng diện tích đất bị thu hồi gồm 18.831,6m2 thể hiện trên các tờ bản đồ số 23, số 8 và số 6, có tên trong sổ mục kê địa chính. Nhưng khi gọi anh ra nhận tiền, UBND huyện Vũ Quang không gửi quyết định thu hồi...
“Chiều 9.2.2012, tôi đến gặp ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - đòi quyết định thu hồi đất. Lúc này ông Đức mới rút điện thoại ra gọi cho một nhân viên nào đó nói rằng: Hai thằng này (Trần Quốc Toản và Phan Tiến Dũng) hắn đang đòi quyết định thu hồi đất, về làm cho hắn. Thế nhưng phải đến ngày 11.2.2012, tôi mới nhận được quyết định. Lúc này, tôi mới biết họ ghi thiếu diện tích, sai loại đất, ngày ra quyết định lại được ban hành trước đó 1 năm” - anh Toản nói.
Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - xác nhận với phóng viên Báo Lao Động nội dung phản ánh của anh Toản là đúng. Song, ông Đức lại chống chế rằng, “trường hợp của gia đình anh Toản, Ban chuyên trách có gửi quyết định thu hồi đất của gia đình anh Toản đến UBND xã Hương Điền!”.
Ông Nguyễn Xuân Tình - trú thị trấn Vũ Quang - cho hay, năm 1997, ông được UBND xã Hương Đại, huyện Hương Khê cũ (nay là khu phố 2, thị trấn Vũ Quang) xác nhận cho khai hoang khu đất rộng gần 20ha ở khu vực khe nước Lặn trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi. Vườn keo của gia đình ông hiện bước sang năm thứ 6 nhưng Ban chuyên trách không xem xét bồi thường.
Ông Tình nói: “Đất rừng tôi được giao có giấy tờ hẳn hoi từ năm 1997, dự án thủy lợi đến năm 2004 mới bắt đầu quy hoạch. Vì vậy, tôi đề nghị Ban chuyên trách bồi thường cần xem xét lại để tránh thiệt thòi cho dân”.
Phần đất rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Tình, ban đầu ông Đức nói ở Vũ Quang không có việc giao đất rừng sản xuất cho dân vì nằm trong Vườn Quốc gia Vũ Quang nên rừng của ông Tình không được xem xét bồi thường.
Ấy nhưng, ông Đức lại lộ ra thông tin có những trường hợp được giao đất rừng có sổ lâm bạ hẳn hoi, có quyết định giao đất nên được bồi thường. Cụ thể ở đây là trường hợp gia đình ông Lê Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND xã Hương Quang - được bồi thường gần 2ha rừng sản xuất với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng(?).
Nước nổi váng như vại cà muối
Chúng tôi tìm đến khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ thuộc xã Sơn Thọ, tuy nhiên tình hình ở đây cũng thê thảm chẳng khác gì nơi ở cũ với việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, đất sản xuất nông nghiệp chưa có, điều kiện sinh hoạt hạn chế...
Theo kế hoạch sẽ có 139 hộ dân xã Hương Điền di dời đến Khe Ná - Khe Gỗ. Song thực tế tới thời điểm này mới có 88 hộ chấp nhận di dời, trong đó có 32 hộ đã làm nhà ở ổn định chủ yếu là cán bộ xã, giáo viên, cán bộ y tế. Tiếp chuyện chúng tôi là một người đàn ông dáng vẻ gầy gò, nước da ngăm đen đang lầm lũi phụ giúp vài ba thợ xây dựng nhà ở “miền đất hứa” tên là Hùng - người dân xã Hương Điền, là một trong ít ỏi các hộ dân “gương mẫu” đi đầu. Nhưng ông đang lo lắng bởi cơ ngơi, vườn tược ở nơi cũ, vợ con ông vẫn đang bám trụ.
“Nếu có đưa tất cả mọi người sang lúc này cũng chả biết làm gì để kiếm kế sinh nhai khi mà chỉ có mấy trăm mét vuông đất ở” - ông nói: “Cơ quan chức năng huyện Vũ Quang nói một đàng, làm một nẻo. Mặt bằng lo cho dân không đảm bảo, bà con phải bỏ tiền túi thuê máy xúc, máy ủi san lấp lại mới có thể bỏ móng dựng nhà. Mặt khác, khi họp, Phòng TNMT huyện nói theo quy hoạch của tỉnh người dân tái định cư tại Khe Ná - Khe Gỗ sẽ có đất nông nghiệp để sản xuất. Nhưng tôi sang đây làm nhà cả hai tháng nay vẫn chưa nhìn thấy hình hài thửa ruộng ngang dọc ở đâu ngoài tứ phía là rừng cây của người dân bản địa bao phủ”.
Cũng ở khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ, đơn vị thi công hạ tầng đã khoan 120 giếng nước sẵn sàng phục vụ sinh hoạt cho người dân tham gia tái định cư. Tuy nhiên khi múc lên, nước vẫn trong vắt, nhưng để ít phút ngoài ánh sáng mặt trời thì ngay lập tức nước nổi lên lớp váng như kiểu váng đóng trong vại cà muối. Tại Trường Mầm non Hương Điền, các cô giáo đang phải mua nước bình cho trẻ uống. Theo các cô thì cả trường hiện mới có hơn 10 cháu theo học, nếu không mua nước thì phụ huynh sẽ đưa trẻ về, các cô giáo trở thành... “thất nghiệp”.
Nước nhiễm sắt vượt 27 lần
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - thanh minh: Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân ở hai khu tái định cư Hói Trung và Khe Ná - Khe Gỗ trước đó đã được tính đến. Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra ba phương án lấy nước từ hồ chứa phục vụ sản xuất, lấy nguồn nước tự chảy hoặc khoan giếng. Cuối cùng để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đơn vị thi công quyết định chọn phương án khoan giếng. Cơ sở để khoan giếng đó là ở thời điểm xây dựng hạ tầng khu tái định cư, nhà thầu có khoan một số giếng lấy nước phục vụ thi công và sinh hoạt cho công nhân, nguồn nước đảm bảo, không có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Thế nhưng toàn bộ hệ thống giếng khoan cho người dân hiện bị nhiễm sắt nặng, không thể sử dụng được. Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - cho biết: Dự án được Cty tư vấn xây dựng Hà Tĩnh viết và trình UBND tỉnh phê duyệt xây dựng khu tái định cư từ năm 2005. Mọi vấn đề ở hai khu tái định cư không có gì bất thường, vì vậy tỉnh mới phê duyệt cho triển khai thi công, trong đó có việc khoan giếng.
Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, huyện đã cho lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm tài nguyên môi trường. Kết quả cho thấy, nước bị nhiễm sắt nặng, có chỗ vượt 10 lần, có chỗ vượt trên 20 lần.
“Hiện nay chúng tôi đang đau đầu về nguồn nước. Ban chuyên trách đã cho lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt. Phương án đưa ra là lấy nước tầng mặt ở độ sâu khoảng 10m. Nếu không được sẽ vẫn sử dụng nước giếng khoan hiện tại nhưng cho xây bể lọc tại từng cụm dân cư ”- ông Đức xác nhận.
Về đất sản xuất của người dân, ông Đức cũng cho rằng phản ánh của dân là đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi, khi đi tái định cư, người dân đã được hỗ trợ 48 tháng lương thực, vì vậy việc chưa có đất sản xuất cũng... không vấn đề gì (!?). Ngược lại, phía người dân cho rằng, Nhà nước hỗ trợ lương thực là để dân có thời gian tái thiết kinh tế, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng khi tiền hỗ trợ hết, chứ không phải chờ ăn hết tiền rồi mới đi làm.
Ông Nguyễn Đình Đức cho biết thêm: Hiện việc lập dự án cải tạo đất canh tác đang được triển khai. Dự kiến đến hết năm 2013 sẽ bàn giao đất rừng cho người dân. Đất sản xuất thì phải chờ xây dựng, san lấp, làm bậc tam cấp khoảng từ 500-1.000ha để cấp theo quy định.
Rõ ràng, những gì đang xảy ra ở dự án thủy điện Ngàn Trươi liên quan đến hàng trăm hộ dân của hai xã Hương Quang và Hương Điền là rất lạ - một câu chuyện lạ rất đáng xấu hổ!
Cũng ở Hà Tĩnh, cách thủy điện Ngàn Trươi đang được xây dựng không xa là thủy điện Hố Hô (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) - vừa được hoạt động trở lại sau khi khắc phục xong sự cố (nước lũ tràn qua đỉnh đập 1,5m) vào năm 2010. Và Nhà máy thủy điện Hố Hô từ nhiều năm nay là một “dòng” lũ mới, cộng với thiên tai hằng năm khiến cuộc sống của hơn 300 hộ dân ở hạ du dòng Ngàn Sâu chơi vơi, chới với... Mời bạn đọc đón xem câu chuyện tiếp theo liên quan đến thủy điện ở Hà Tĩnh trong số báo ngày mai (29.11).
Lao Động
ReplyDeleteeva airline vietnam
vé máy bay đi mỹ rẻ
hãng máy bay korean air
đại lý vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich