Những vụ bê bối rúng động xã hội 

“Quả bom” bê bối đầu tiên là vụ nhân viên y tế của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ăn bớt vaccine của trẻ em. 
Sự việc bùng nổ vào ngày 19.4 khi một ông bố đưa con đi tiêm đã phát hiện nhân viên y tế chỉ tiêm 2/3 lọ vaccine cho con mình, còn 1/3 lọ cán bộ này đã giữ lại. 
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vào cuộc điều tra và phát hiện việc ăn bớt vaccine là có thật và nhân viên y tế đó bị buộc thôi việc. 
Không lâu sau, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức “phát nổ” đã làm dư luận ngỡ ngàng. 
Từ tháng 7.2012 đến tháng 5.2013, hơn 1.000 phiếu xét nghiệm huyết học được BV đa khoa huyện Hoài Đức nhân bản và trả cho hơn 2.000 bệnh nhân. 
Chủ mưu của vụ việc này chính là ông giám đốc BV. 
Công an vào cuộc điều tra, 10 người bao gồm nguyên giám đốc và phó giám đốc BV, nguyên trưởng khoa xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa và một số nhân viên trong khoa xét nghiệm bị khởi tố. 
Tiếp nối là vụ 21 bệnh nhân phong đang điều trị tại khoa Điều trị nội trú - Trung tâm Da liễu Hà Đông  bị ăn bớt thuốc điều trị và bị “ép” ăn thịt sống bị phanh phui vào tháng 9.2013. 
Cả 21 bệnh nhân trên đều là những bệnh nhân phong nặng, trong số đó có người đã cụt tay, cụt chân, khả năng tự sinh hoạt cũng không còn. Thế nhưng, họ đã bị cắt thuốc điều trị. Các hộ lý phát gạo, rau, thịt sống cho người bệnh để họ tự xoay xở. 
Chỉ đến khi một y tá của khoa đi thăm khám cho bệnh nhân phát hiện một số bệnh nhân kêu khóc đau đớn vì không có cơm ăn và bệnh tật thì vụ việc mới vỡ lở.
Vụ BS Nguyễn Mạnh Tường của BV Bạch Mai – chủ cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường - làm chết một phụ nữ khi nâng ngực rồi ném xác phi tang vào ngày 19.10 khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Một cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân mọc lên giữa trung tâm thủ đô, ngang nhiên hoạt động không phép. 
Đúng 1 tháng sau, ngày 19.11, tại phòng khám tư của BS Phạm Anh Sơn – Trưởng khoa Nhi  của BV Đa khoa huyện Thường Tín - lại làm chết bệnh nhi 16 tháng tuổi. Trước đó vài tháng, vị BS này cũng đã làm chết một bệnh nhi. 
Ngay sau đó, phòng khám Thăng Long (quận Long Biên) mổ trĩ trái phép cho bệnh nhân khiến bệnh nhân suýt chết cũng được phát giác...
Bộc lộ khoảng tối trong công tác quản lý
Vì sao ngành y tế Hà Nội trong mấy tháng qua liên tiếp xảy ra những sự cố khủng đến như vậy? Câu trả lời là: “Ung nhọt” đã đến ngày phải bục vỡ!? 
Nhận định này có phần đúng. Bởi lẽ, tất cả những sự việc bê bối khi bị đưa ra ánh sáng đã bộc lộ  một khoảng tối của việc quản lý. 
Các vụ việc ăn bớt vaccine của trẻ em, ăn bớt thuốc, đồ ăn của bệnh nhân phong, “ăn” xét nghiệm của người bệnh... đều cho thấy trách nhiệm của các cấp quản lý “có cũng như không”. 
Tất cả những sự việc đau lòng đó đều do chính những cán bộ y tế bức xúc mà tố giác, do người nhà bệnh nhân tố cáo đến các cơ quan báo chí. Đến khi bại lộ, Sở Y tế mới vội vã vào cuộc. Còn trước đó khi nhận được các đơn thư khiếu kiện, Sở Y tế Hà Nội vẫn để đó “nghiên cứu” và có ý “đóng cửa bảo nhau”. 
Có thể nói vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động “chui” gây chết người đã đẩy những bê bối của ngành y tế Hà Nội lên đỉnh điểm. 
Sở phủ nhận  trách nhiệm, cho rằng chỉ quản lý những cơ sở thẩm mỹ đã cấp phép và đổ lỗi do chính quyền quận Hai Bà Trưng đã không quản lý các cơ sở hoạt động trên địa bàn. 
Nhưng đến vụ BS Phạm Anh Sơn – Trưởng khoa Nhi – BV Đa khoa huyện Thường Tín - mở phòng khám tư không phép làm chết  2 trẻ nhỏ trong vòng 5 tháng thì có lẽ Sở Y tế không thể đổ lỗi cho ai. 
Mới đây, ngày 25.11 khi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Văn Dung – Phó Giám đốc Sở Y tế - thừa nhận sai phạm của BS Sơn rất nghiêm trọng và quan điểm của sở là xử lý nghiêm. 
Việc đổ trách nhiệm cho cấp dưới đã không lặp lại. Tuy  nhiên, trước sai phạm rành rành của BS Sơn, Sở Y tế Hà Nội lại lúng túng không biết phải xử lý như thế nào. 
Bà Trần Nhị Hà - Trưởng phòng cấp phép Sở Y tế Hà Nội - cho biết, sẽ gửi công văn lên Bộ Y tế để hỏi cách xử lý(!?).
Bao biện cho những yếu kém của Sở Y tế, ông Dung cho rằng việc quản lý hoạt động khám - chữa bệnh ngoài công lập còn khó khăn bởi ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề còn hạn chế. 
Riêng tại huyện Thường Tín có 5 phòng khám có BS công lập hành nghề ngoài giờ không phép; quận Hà Đông có 10 phòng khám không phép... Vậy xin hỏi, các lãnh đạo, cán bộ của Sở Y tế sẽ làm gì để hạn chế những bê bối?