Trang

Thursday, September 27, 2012

Phát hiện hợp lý về "dấu chân ngựa sắt Thánh Gióng" của KS Nguyễn Văn Tùng


Hà Nội từng bị "oanh tạc" bởi thiên thạch?
Dấu vết nghi hố thiên thạch ở phía tây Quế Võ-Bắc Ninh

27/09/2012 07:56:43
(Kienthuc.net.vn) - Trao đổi với Kienthuc.net.vn, kỹ sư địa chất (KSĐC) Nguyễn Văn Tùng, nguyên cán bộ của Liên đoàn Bản đồ địa chất - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra nghi vấn từng có rất nhiều mảnh thiên thạch rơi xuống Hà Nội.
Xuất phát điểm của nghi vấn này là những bức ảnh chụp từ vệ tinh và truyền thuyết “dấu chân ngựa Gióng”. Kienthuc.net.vn chuyển đến bạn đọc tóm lược nhận định này.

Đã từ lâu, tôi lần theo truyền thuyết “dấu chân Ngựa Gióng” để tìm hiểu về những vết tích có thực này. Năm 1995, khi nghiên cứu về Than bùn vùng trũng quanh TP Hà Nội, tôi được chứng kiến khá nhiều hố “vết chân ngựa Gióng” (hố nước nhỏ) trên cánh đồng Lỗ Giao xã Việt Hùng phía đông thị trấn Đông Anh.


Tôi không lạm bàn về các truyền thuyết tâm linh, về ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc ta chống giặc phương Bắc từ mấy ngàn năm trước. Dưới con mắt khoa học, tôi chỉ muốn đi tìm lại các “dấu chân ngựa Gióng” để giải thích một hiện tượng thiên nhiên vô cùng hiếm có, đã được nhân dân ta thần thánh hoá từ bao đời nay.
Có thể sau đây sẽ có thêm nhiều bài nghiên cứu sâu và nhiều tranh luận khoa học về vấn đề này. Cũng có thể, có nhiều người tỏ ý phản đối, cứ để cho truyền thuyết hào hùng chống giặc ngoại xâm Trung Quốc từ ngàn xưa sống mãi, hun đúc ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta, nhất là trong thời gian hiện nay. Nhưng cần nói ngay rằng, đây là hiện tượng có thật, từ xa xưa đã xuất hiện và để lại dấu tích trên đồng bằng Bắc Bộ. Những người làm công tác khoa học cần giải thích về nguồn gốc các hố này.
Nếu phóng to ảnh vệ tinh chụp đồng bằng phía Đông Bắc Hà Nội, ta sẽ gặp rất nhiều hình đa giác, hình oval màu thẫm nổi trên mặt đồng ruộng phẳng lỳ phía Đông thị trấn Đông Anh.
Lần theo các vết tích có thực (xin đừng tìm địa chỉ theo truyền thuyết dân gian) còn lại cho đến ngày nay, ta sẽ thấy các ao nhỏ “dấu chân ngựa Gióng” phân bố nhiều thành một dải rộng không đều, kéo dài từ các xã Liên Hà, Uy Nỗ, Xuân Nộn, Nguyên Khê của Đông Anh, qua sông Cà Lồ sang các xã Phủ Lỗ, Đồng Xuân, Mai Đình, Tiên Dược và Phù Linh của huyện Sóc Sơn.
Toàn tuyến kéo dài tới hơn 20km theo phương gần như kinh tuyến. Các dấu vết này còn  găp rải rác ở các xã bên cạnh với vài vết khá xa nhau, xa dải ao ta đang tìm kiếm.

Một vùng khác theo dân gian cũng thấy có nhiều vết ao nhỏ “dấu chân ngựa Gióng” là xung quanh thị trấn Phố Mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Tại đây, các ao nhỏ phân bố nhiều ở Phố Mới và các xã lân cận như Bồng Lai, Việt Hùng, Bằng An, Phương Liễu và Phượng Mao.
Khu vực làng Giang Liễu và nhà máy kính Việt Nhật cũng còn nhiều dấu vết. Có thể, các xã bên cạnh như Cách Bi, Đào Viên, Phú Lương, Quế Tân cũng có nhưng ít hoặc đã bị đất bồi trẻ vùi lấp nên không thấy rõ. Nhìn trên ảnh vũ trụ ta cũng thấy vùng này có rất nhiều vết hố nhỏ như Đông Anh - Hà Nội. Đây là các dấu hiệu không bình thường.

Có thể thấy rằng, hai khu vực dấu vết này không liền nhau. Dải Đông Anh kéo dài tới hơn 20km, còn vùng Quế Võ lại có dạng đoản, hơi kéo dài phương Đông Tây hơn 10km. Chính vì vậy, có nhiều câu chuyện về Thánh Gióng vùng Phù Đổng qua Đông Anh lên núi Vệ Linh lại gắn với những dấu vết bên thị trấn huyện Quế Võ. Việc nhầm lẫn này cũng là lẽ thường vì cả hai bên đều được gắn với dấu chân ngựa, dấu cây tre đằng ngà và tên làng Cháy.

Ý kiến nhận định ban đầu của tôi về nguyên nhân thực tế của sự thành tạo các hố nhỏ này là do Thiên thạch (Meteorite) rơi xuống Trái đất. Lần lại dấu tích, nhận xét có thể đây là dấu vết hai tảng thiên thạch rất lớn vỡ ra thành các viên đá lớn rơi xuống Trái Đất, tạo nên những hố lớn trên đồng bằng.

Một nhóm đá rơi ở vùng Đông Anh và một nhóm khác ở vùng Quế Võ. Vì hai dải này có phương kéo dài khác nhau nên có thể không rơi cùng một thời điểm. Nếu biết dấu vết từ ban đầu, ta sẽ biết rõ hướng rơi của dải thiên thạch vì quan sát được hình dạng các hố.
Đã qua hàng ngàn năm, do bàn tay con người tác động nên chỉ thấy các dấu vết đã bị phong hoá và san lấp còn lại. Nay căn cứ vào các dấu vết hiện hữu, từ các hố ao chuôm thưa dần và kéo dài nên có thể tạm thời xác định dải Đông Anh có hướng chạy lên Sóc Sơn và dải Quế Võ có hướng về phía Tây Bắc. Điều này cho thấy hai dải này có sự khác biệt”.
Nếu hướng nhận định này được công nhận thì cần có thêm các khảo cứu khoa học nghiêm túc về lịch sử, cổ địa lý, về sự ảnh hưởng của các thiên thạch đến môi trường hiện nay… Đặc biệt, có thể tìm thấy các viên đá thiên thạch cổ bị chôn vùi sâu trong tầng đất. Các tảng đá thiên thạch hiện nay rất có giá trị trên thị trường.

KSĐC Nguyễn Văn Tùng

Ảnh vệ tinh vùng Uy Nỗ, Đông Anh:
Vùng Phố Mới, Quế Võ:






Một dấu vết  thực tế trên cánh đồng Uy Nỗ - Đông Anh
http://www.thanhgiong.org/77/print-article.html
I. Diễn hóa tác phẩm truyền thuyết (Từ một trường hợp cụ thể - truyền thuyết Thánh Gióng)

Nòng cốt của mọi truyền thuyết trên thế giới và Việt Nam chính là những yếu tố liên quan đến lịch sử đích thực. Yếu tố lịch sử đó có khi đậm, khi nhạt nhưng không thể thiếu trong thể loại này. Đặc biệt, đó chính là chỗ dựa, là cơ sở quan trọng nhất để móc nối những mảnh khác nhau của truyền thuyết, làm nên một chỉnh thể tác phẩm.

Quá trình hình thành và lưu giữ các tác phẩm sử thi, tráng sĩ ca hay truyền thuyết các dân tộc trên thế giới có vai trò của các ca sĩ, nghệ nhân (Aeđơ) . Họ chính là những người thu lượm và nhào nặn lại các mảnh vụn của các truyền thuyết, các bài ca dân gian ở đây đó trong các địa phương rồi biểu diễn lại nó. Công thức đó là: Thu lượm -> ứng tác, biểu diễn -> THU LƯỢM -> ứng tác, biểu diễn -> thu lượm -> ỨNG TÁC, BIỂU DIỄN.

Các mảnh vụn của truyền thuyết hay sử thi vốn không phải là từ một tác phẩm bị vỡ tung ra mà ngược lại, nó là các mảnh được tạo ra, bịa ra từ sức hấp dẫn của “cái cốt lõi của sự thực lịch sử” trong tác phẩm kia.

Ở một số nước trên thế giới (đặc biệt là những nước có các ca sĩ hay nghệ nhân dân gian được chuyên môn hóa) như Nga, Hy Lạp, Ấn Độ, Italia… từ hàng trăm mảnh vụn khác nhau đó, các nghệ nhân dân gian đã nối lại thành mạch, chúng được lắp ghép và hoàn thiện sớm hơn. Điều này đã được nhà nghiên cứu người Nga E.M.Melêtinxki viết trong cuốn Nguồn gốc sử thi anh hùng.
Con đường hình thành những tác phẩm sử thi hay truyền thuyết là: móc nối các mảnh truyền thuyết và sáng tạo những bài ca dài cho cốt kể. Nếu không được móc nối chúng lại và thổi vào đó những lời ca hay lời thơ thì truyền thuyết vẫn chỉ là những mảnh nhỏ, rời rạc, vụn vặt ở các địa phương.

Truyền thuyết Việt Nam mặc dù là một dòng chảy dồi dào, liền mạch xuyên suốt lịch sử Việt Nam, nhưng nó chưa được sưu tập, xâu chuỗi lại thành một tác phẩm dài hơi, trọn vẹn hơn. Vì vậy, cho đến nay truyền thuyết Việt Nam vẫn tồn tại dưới dạng những mảnh nhỏ, khá đơn giản, tồn tại ở các địa phương. 

Truyền thuyết Gióng cũng vậy. Cốt lõi lịch sử của câu chuyện chính là: ở một địa phương thuộc trung châu Bắc Bộ Việt Nam có một dũng sĩ trẻ tuổi đã dũng cảm giết giặc ngoại xâm và hy sinh anh dũng (hoặc âm thầm trở về làm thường dân). Câu chuyện bình thường đó ở khắp đất nước Việt Nam nhiều năm có chiến tranh với giặc ngoài thì nơi nào cũng có.

Từ cái “cốt lõi lịch sử” đó, các làng, các vùng khác lại móc nối thêm những tình tiết ngày càng phong phú hơn. Cứ như thế, truyện ngày càng được nối dài thêm ra, li kì hơn lên. Các vết chân ngựa của dũng sĩ thành hồ ao, , cái vồ đập đất của nghĩa quân Gióng thành rừng tre rừng gỗ…Thực và ảo, lịch sử và mơ ước cứ đan cài vào nhau tạo nên sự phong phú và li kì của truyện. 

Tuy nhiên các mảnh truyền thuyết Gióng cho đến nay vẫn tồn tại ở các địa phương. Đa số người Việt Nam chỉ biết Thánh Gióng qua một mẩu truyện được kể trong sách giáo khoa lớp 6, chương trình THCS, dài 36 dòng mà thôi.

Đó quả thật là một thiệt thòi cho Gióng và thiệt thòi lớn cho nền văn học, văn hóa, lịch sử nước nhà. Đã đến lúc cần kể lại đầy đủ hơn truyền thuyết Gióng để người Việt Nam có cơ sở tự hào hơn về người anh hùng của dân tộc mình.

II. Các mảnh vụn của truyền thuyết Gióng ở địa phương

Truyền thuyết Gióng mà chúng tôi chọn khảo sát là dựa trên sự mô tả của GS Cao Huy Đỉnh trong tác phẩm Người anh hùng làng Gióng.

1. Khảo sát tư liệu: 
Các địa danh vùng trung châu Bắc Bộ có liên quan đến truyền thuyết Gióng
•    Liên quan đến sự ra đời của Gióng:
•    Liên quan đến sự chuẩn bị ra trận của Gióng:
•    Liên quan đến con đường ra trận và đội quân ra trận của Gióng:
•    Liên quan đến trận đánh của Gióng
•    Liên quan đến con đường lên núi Sóc của Gióng
•    Liên quan đến sự hóa thân, hiển linh của Gióng
•    Liên quan đến nghi lễ, hội lễ tưởng niệm Gióng và các tướng quân Gióng
Các đồ vật, vật thể có liên quan
•    Các vật thể tự nhiên: Sông Cầu, sông Hồng, sông Đuống, núi, hồ, ao chuôm, rừng…
•    Các đồ vật:  Liềm đá, chõng đá, thống đá, cơm, rau, cà, gựa sắt, gậy sắt, giáp sắt, nón sắt, vồ tre, vồ gỗ…

2. Liên kết tư liệu: 
-    Chặng 1: Sự sinh đẻ thần kì báo hiệu sự xuất hiện phi thường của người anh hùng
-    Chặng 2: Chuẩn bị cho cuộc ra trận
          + Tuyến 1: Chuẩn bị cái ăn, cái mặc
          + Tuyến 2: Chuẩn bị vũ khí
-    Chặng 3: Ra trận và chiến thắng
          + Tuyến 1: Dũng sĩ lên đường
          + Tuyến 2: Những người làm công việc khác nhau đi theo Gióng
          + Tuyến 3: Những người ở địa phương khác nhau đi theo Gióng
          + Tuyến 4: Những vùng đất dũng sĩ đi qua
-    Chặng 4: Thắng lợi trở về
          + Con đường và hành trạng của dũng sĩ trên đường trở về
          + Những người theo Gióng trở về quê hương
-    Chặng 5: Tình cảm của người dân đối với dũng sĩ và nghĩa sĩ
          + Thần thánh hóa hình tượng
          + Lập đền thờ ở các địa phương

III. Kể lại truyền thuyết Gióng như một tác phẩm trọn vẹn

Sau khi mã hóa các mẩu truyền thuyết ở các địa phương, chúng tôi móc nối các mảnh vụn, kể lại truyền thuyết Gióng theo 5 chặng trên.

NGƯỜI ANH HÙNG LÀNG GIÓNG
Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng Mốt có một bà lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng phúc đức, nhưng tuổi đã cao mà vẫn cô đơn. Một đêm Ông Đổng - thần mưa về hái cà ở làng, khiến trời mưa to gió lớn. Khi đi ông để lại một vết chân to kì lạ ở ruộng cà của bà lão. Sáng hôm sau bà ra ruộng vô tình dẫm phải vết chân ấy, tự nhiên thấy tâm thần rung động, về nhà thì thụ thai. Bà xấu hổ vì đã già rồi còn mang tiếng hoang thai, sợ dân làng dị nghị bèn bỏ lên rừng Trại Nòn ở. Sau 12 tháng bà sinh ra một bé trai, đặt tên là Gióng. Trời bỗng cho nhiều cua ốc để bà ăn lấy sữa nuôi con, cho bà liềm đá, thống đá, chõng đá để bà cắt rốn, tắm rửa và đặt con nằm. Chú bé rất bụ bẫm, khôi ngô nhưng ba năm cứ nằm trơ trơ chẳng biết nói năng gì khiến bà mẹ rất buồn phiền.

Bấy giờ có giặc Ân xâm phạm bờ cõi nước ta. Vua lo lắng, bèn sai sứ giả đi khắp nơi cầu người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng sứ giả rao, Gióng bỗng nhiên cất tiếng nói “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Khi gặp sứ giả, chú bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái gậy sắt, một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc vừa vui mừng vội về tâu vua. Nhà vua liền xuống lệnh cho dân hai làng, làng Na và làng Mòi thuộc bộ Vũ Ninh (nay là Quế Võ, Bắc Ninh) rèn vũ khí theo như lời Gióng.

Lạ lùng hơn, ngay sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Bà mẹ nghèo không thể nuôi nổi Gióng vì mỗi bữa Gióng ăn “bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”. Dân làng kìn kìn gánh gạo gánh cà đến phụ với bà mẹ nuôi Gióng. Các cô gái ra sông gánh nước về nấu cơm, muối cà cho Gióng ăn; còn các bà mẹ suốt ngày ngồi bên khung cửi dệt vải may áo cho Gióng. Khắp làng tiếng nói cười tíu tít, tiếng thoi dệt lách cách, lách cách. Hai làng được vua giao rèn vũ khí cho Gióng cũng xẻ núi lấy sắt, nổi lửa suốt ngày đêm, tiếng búa gõ vào đe vang động cả rừng núi Vũ Ninh, còn cứt sắt thì văng tứ tung khắp làng. Ngựa sắt rèn xong lần đầu mang đến, Gióng mới vỗ nhẹ đã bẹp rí. Mọi người lại mang về, lấy thêm nhiều sắt, rèn một con ngựa khác to lớn hơn, có đủ cả ruột gan tim phổi. Xong rồi, họ hè nhau đánh cho ngựa chạy thử, vết chân ngựa tạo thành 99 hồ ao san sát quanh làng.

Khi vũ khí được mang đến, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ to lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm gậy sắt, oai phong lẫm liệt. Áo may to rộng là thế mà không đủ che kín mình, bọn trẻ chăn trâu trong vùng vội chạy đi bẻ bông lau bồn sậy giắt thêm quanh người Gióng. Gióng nhảy lên mình ngựa, hô to “Có ai đi giết giặc với tôi không?”. Ngựa hí vang mấy tiếng, phun ra lửa, đưa tráng sĩ xông thẳng đến núi Trâu sơn, vùng Vũ Ninh, nơi có bọn giặc đóng quân. Những người nông dân đang đập đất dưới ruộng nghe tiếng Gióng gọi liền xách vồ theo chân Gióng ra trận. Những người đi câu mang cả cần câu chạy theo Gióng. Một bọn trẻ chăn trâu nghe tiếng Gióng gọi và thấy đoàn quân của Gióng ào ào ra trận liền cột trâu lại rồi nhập vào đội quân Gióng. Những người thợ săn cũng cầm tên nỏ chạy theo Gióng. Đến cả hổ báo nghe tiếng gọi của Gióng cũng quay đầu ào ào theo Gióng đi đánh giặc. Đội quân của Gióng ngày càng đông đảo và khí thế vô cùng hăng hái. Bọn giặc bị đánh tơi bời, tướng giặc bị giết chết, ngựa của hắn bị một gậy của Gióng đứt lìa đầu khỏi cổ, cái đầu văng đến tận chân dãy núi Phả Lại, nay ở đó còn một hòn núi độc gọi là hòn đầu ngựa. Gậy sắt gẫy, Gióng liền nhổ một bụi tre bên đường quật vào quân giặc khiến chúng chết như rạ. Những tên còn lại giẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Nơi bụi tre bị nhổ tạo thành một đầm rộng bằng bảy gian nhà lớn nên nay đầm vẫn được gọi là đầm Thất Gian. Bụi tre quật vào quân giặc bị tung ra thành nhiều nhánh, văng khắp ruộng đồng vùng Vũ Ninh, nên ngày nay ta còn thấy trên những cánh đồng Quế Võ, Gia Lương, Thuận Thành thỉnh thoảng còn có những bụi tre nho nhỏ mọc lúp súp bên bờ ruộng, đó là những nhánh tre bị văng ra từ bụi tre khổng lồ kia. Ngựa Gióng đi đến đâu, vết chân để lại thành hồ ao san sát đến đó, ngựa phun lửa dữ dội làm cháy cả một làng nên làng đó giờ vẫn mang tên Làng Cháy. Những bụi tre bên đường bị lửa táp vàng tạo thanh giống tre ngà nay còn nổi tiếng khắp vùng trung châu Bắc Bộ.

Giặc đã dẹp yên. Những người dân theo Gióng đánh giặc từ biệt chàng trở về quê hương. Bọn trẻ chăn trâu cũng trở về cởi dây buộc trâu mà chăn dắt chúng. Tráng sĩ thanh thản trở về. Chàng ghé thăm làng Mòi (tên chữ là Mai Cương), nơi dân làng đã rèn ngựa sắt cho mình. Khát nước, chàng quỳ gối, rướn mình uống nước ở giếng làng Bưởi Nồi (Gia Lương, Bắc Ninh). Chàng vừa ăn trầu nên nước quết trầu còn làm giếng làng có màu đỏ đến tận bây giờ. Uống nước xong, chàng phi ngựa đến bến Bồ Đề, dừng lại nghỉ chân bên bờ sông Hồng. Dấu chân ngựa Gióng còn in trên một phiến đá lớn tại thôn Phú Viên (Gia Lâm). Từ nơi đó, chàng phóng ngựa qua sông Hồng, lại ngồi nghỉ bên Hồ Tây nghe gió hồ mát rượi. Rồi chàng ngả nắm cơm khổng lồ bà mẹ và dân làng gói cho ra ăn, xong đánh một giấc ngon lành. Tỉnh dậy, chàng một mình một ngựa ra đi, bỏ quên lại nửa thanh gậy sắt. Dân làng bên hồ hè nhau khiêng nửa thanh gậy ấy về, lập đền thờ. Nay đền vẫn còn ở đầu làng Xuân La, bên bờ Hồ Tây. Tráng sĩ qua vùng Đông Anh, lại qua Phủ Lỗ rồi phi ngựa lên núi Sóc. Hai bên đường Gióng đi qua, đất nước đã thanh bình, đồng ruộng xanh tươi, dân cư yên ổn làm ăn, vết chân ngựa của chàng để lại ao chuôm san sát. Trước khi lên núi, chàng còn ngồi nghỉ với bọn trẻ chăn trâu ở Kẻ Khốn. Bọn trẻ lấy nón vục nước dưới khe mát rượi mời Gióng uống. Chàng hỏi tên làng, biết tên là Kẻ Khốn, chàng bảo: “làng mát và đẹp thế này, sao lại tên là Khốn, về nói với các cụ trong làng đổi tên là Kẻ Mát nhé”. Từ đó làng có tên là Kẻ Mát. Từ Kẻ Mát, Gióng phi ngựa lên núi Sóc. Chàng ghìm cương ngựa, cởi áo giáp vắt lên cây trầm già (cây đó nay vẫn còn trên đỉnh núi, người dân gọi là “Cây cởi áo”), chàng quay mình nhìn lại quê hương rồi một người một ngựa bay thẳng lên trời, mất hút trong mây xanh như mãi mãi hóa thân vào non sông đất nước. Dân lập đền thờ người anh hùng ngay dưới chân núi Sóc, quanh năm hương khói. Nhà vua nhớ công ơn phong là Người là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ ngay tại quê nhà. Từ đó, mỗi khi trời hạn, dân thiếu nước làm ăn lại lên đền Phù Đổng hay đền Sóc cầu đảo thì đều ứng nghiệm. Đặc biệt, bọn trẻ chăn trâu mà cầu đảo thì trời bao giờ cũng cho mưa lớn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà

No comments:

Post a Comment