Lãng phí ở Quảng Bình
NOVEMBER 26, 2012 BY 18 COMMENTS
Tác giả: Hoàng Nam
20 November 2012
Lời bình của Alan Phan:
Đây là hội chứng OPM (other people’s money- tiền người khác). Không gì đáng ngạc nhiên. Tôi chắc chắn hội chứng này hiện diện trên tất cả mọi tỉnh giàu nghèo của Việt Nam, cũng như mọi nơi trên thế giới.
Tỉnh nghèo ‘vung tay’ sắm xe công, lãnh đạo thi nhau xuất ngoại
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ thắt chặt chi tiêu công nhưng ở tỉnh nghèo Quảng Bình lại “vung tay” với những khoản chi công mà theo dư luận đánh giá là: không đúng thời điểm, kém hiệu quả…
Hơn 1 tháng nay, báo Quảng Bình thường đăng tràn trang quảng cáo mua xe công cho các ngành, địa phương trong tỉnh. |
Mua xe công hàng loạt
Khoảng một tháng nay, trang quảng cáo của báo Quảng Bình số nào cũng tràn ngập nội dung mời chào hàng cạnh tranh mua ô tô công của các cơ quan ban ngành, huyện, thành phố. Loại xe được mời chào hàng cạnh tranh đều có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình: Có 26 cơ quan, đơn vị, địa phương được UBND tỉnh cấp ngân sách mua xe trong đợt này.
Theo đó, 17 cơ quan hành chính cấp tỉnh được cấp ngân sách 100% kinh phí, 3 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh được hỗ trợ mỗi đơn vị 500 triệu đồng, 6 huyện được hỗ trợ 400 triệu đồng, riêng thành phố Đồng Hới là 500 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư mua xe là 17 tỷ đồng từ nguồn cấp bù ngân sách bị “hụt” cho Quảng Bình của ngân sách Trung ương.
Điều đáng nói là ngân sách của Quảng Bình bỏ ra để mua xe đợt này không chỉ dừng lại ở con số 17 tỷ mà lớn hơn nhiều.
Trên thực tế, hầu hết các đơn vị được hỗ trợ tiền mua xe đều phải “bù thêm tiền” để được sử dụng những xế hộp sang.
Theo giới kinh doanh ô tô, để mua được một chiếc Toyota Fortuner như nội dung mời chào hàng cạnh tranh của các đơn vị ở Quảng Bình vừa qua, ít nhất mỗi chiếc cũng phải trên 1 tỷ đồng.
Như vậy, thêm một lần nữa, hầu bao ngân sách vốn rất hạn hẹp của các đơn vị này có nguy cơ bị “gặm nhấm” vì những chiếc xe công.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính Quảng Bình, lí do tỉnh cấp ngân sách mua xe lần này là trên cơ sở thông báo số 374-TB/TU, ngày 12-9-2012 của Thường trực Tỉnh ủy về việc cho phép các đơn vị mua xe.
Nguyên nhân, năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Quảng Bình hạn chế mua xe công, nên sang năm nay phải mua hàng loạt.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, đã 3 năm nay Quảng Bình luôn hụt cân đối từ nguồn thu mỗi năm trên dưới 80 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, việc hụt cân đối này thì không có nguồn nào để bù mà phải tìm cách giảm bớt chi tiêu. Tuy nhiên, năm 2011, Quảng Bình “may mắn” được Chính phủ cấp thêm để bù vào phần hụt cân đối được 80 tỷ đồng nên dành một phần để mua xe công.
Dự kiến năm nay còn khó khăn hơn, Quảng Bình sẽ hụt cân đối khoảng 90 tỷ đồng, và vị lãnh đạo này tiên lượng là không có chuyện “may mắn” như năm 2011.
Thi nhau đi nước ngoài
Với lí do tham quan học tập kinh nghiệm, đào tạo, tham dự hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, khảo sát tình hình, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư,… lãnh đạo, cán bộ ở Quảng Bình thi nhau đi nước ngoài.
Tính đến hết tháng 10-2012, Quảng Bình có 98 đoàn lãnh đạo, cán bộ ra nước ngoài với những lí do nói trên, trong đó 59 đoàn nằm trong chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh, số còn lại là đi theo các chương trình của Trung ương, hoặc qua thư mời của các dự án với 782 lượt người xuất cảnh, ngân sách bỏ ra gần 10 tỷ đồng.
Nhiều xe công thường xuyên vào quán nhậu, phải chăng xe công đang bị lãng phí đơn, lãng phí kép. Ảnh: Xuân Hồng. |
Điều khiến dư luận bức xúc, là số tiền ngân sách bỏ ra để đi nước ngoài của lãnh đạo, cán bộ là rất nhiều so với tỉnh nghèo Quảng Bình nhưng hiệu quả mang lại thì không thấy. Thậm chí, có trường hợp vị lãnh đạo mang theo cả vợ con.
Một doanh nghiệp thường xuyên đi nước ngoài với các đoàn lãnh đạo cấp cao của Quảng Bình dưới danh nghĩa xúc tiến thương mại, đầu tư tiết lộ: Nói là đoàn cấp cao của tỉnh đi công vụ nhưng có lần ra nước ngoài chả thấy đối tác nào đón tiếp, không hơn kém khách du lịch bình thường.
Khi bài viết này lên khuôn thì hiện ở Tỉnh ủy Quảng Bình đang có hai đoàn đi nước ngoài. Một đoàn đi Nhật Bản, một đoàn đi Singapore mặc cho cách đây gần một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ ngành, địa phương hạn chế đi nước ngoài để ở nhà chỉ đạo giải quyết những công việc tồn đọng.
Cũng theo lời chủ doanh nghiệp này, mới đây nhất là đoàn của lãnh đạo UBND tỉnh sang Đức để xúc tiến đầu tư 1 tuần.
Thành phần đoàn kèm theo là những doanh nghiệp “không tên tuổi”, thậm chí có một chủ cây xăng bán lẻ cũng mang danh “đi xúc tiến đầu tư”.
Tại buổi “xúc tiến đầu tư” có 4 doanh nghiệp của Đức, số còn lại là Việt kiều làm ăn ở Đức. Suốt cả buổi, 4 đại diện của doanh nghiệp Đức không phát biểu câu nào, chỉ có một Việt kiều xin mảnh đất gần biển để xây nhà nghỉ.
Điều lạ là, nhiều đoàn cấp cao của Quảng Bình mang danh đi công vụ nhưng lại thông qua một công ty tư nhân kinh doanh du lịch, và việc ra nước ngoài của các đoàn này là theo dạng tour du lịch.
Chính vì thế có lần visa trưởng đoàn cấp cao của tỉnh bị dán lộn ảnh với người khác, buộc ông này phải ở lại làm visa còn đoàn vẫn bay theo kế hoạch.
Làm ăn là vậy nhưng công ty này thường được làm tour cho các đoàn cấp cao của tỉnh và giá thường cao hơn mức bình thường đến vài chục triệu đồng mỗi chuyến đi.
Đơn cử, trong chuyến đi xúc tiến đầu tư 1 tuần ở Đức vừa rồi, Cty TNHH Du lịch Phú Gia (Quảng Bình) nhận 115 triệu đồng để làm tour cho mỗi người, trong lúc đó các tour du lịch dạng này ở Hà Nội chỉ từ 80 đến 90 triệu đồng.
Việc đi nước ngoài tràn lan, không chỉ dư luận nhân dân phản ứng mà ngay cán bộ của Sở Tài chính là nơi cấp tiền cũng đã không ít lần phát biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh giảm đi nước ngoài vì không hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp trong nước vào “đầu tư hụt” hoặc đang đầu tư ở Quảng Bình thì cho rằng: Đi xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài đâu cho xa, hãy làm tốt môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong nước là đủ cho Quảng Bình sung túc.
Những công trình nghìn tỷ ở tỉnh nghèo
Không chỉ lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách mua xe công, đi nước ngoài mà Quảng Bình còn “mạnh tay” đầu tư những công trình nghìn tỷ trong bối cảnh cả nước “thắt lưng, buộc bụng” để lo cho an sinh xã hội.
Phải mất từ 400 đến 500 tỷ đồng để hiện thực hóa một trong nhiều phương án của trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình . |
Cây cầu nghìn tỷ
Ngày 31- 8, bên dòng Nhật Lệ, thuộc TP. Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Nhật Lệ II, nối trung tâm thành phố với bán đảo Bảo Ninh trước sự ngỡ ngàng của người dân.
Đây là cây cầu thứ hai bắc qua sông Nhật Lệ, được thiết kế nhịp chính cầu dây văng có chiều dài 515m, rộng 23,6m với 4 làn xe, trọng tải HL-93, với số vốn lên đến 936 tỷ đồng.
Lãnh đạo Quảng Bình cho rằng, cây cầu này sẽ tạo điểm nhấn cho không gian đô thị TP. Đồng Hới, đồng thời là cú hích để xã Bảo Ninh phát triển kinh tế du lịch.
Cây cầu Nhật Lệ II được khởi công trong bối cảnh thu ngân sách của Quảng Bình không đạt kế hoạch liên tục trong nhiều năm, cả nguồn thu của địa phương và nguồn Trung ương rót về vẫn không đủ bù chi.
Để xây cầu, Quảng Bình phải bán đất. Hàng loạt diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thu hồi để xây dựng cơ sở hạ tầng, bán đất lấy tiền xây cầu.
Một lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết: “Chủ trương xây cầu Nhật Lệ II đã nằm trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ của tỉnh vừa rồi nên phải làm. Nếu bán hết 4 khu đất hiện có cũng được vài ba trăm tỷ đồng để xây cầu, số còn lại chỉ biết mong chờ từ Trung ương thôi”.
Nhiều người dân đi qua bị tai nạn chết và thương tích nhưng cây cầu ở xã Nam Trạch (Bố Trạch) này vẫn không được sửa chữa. |
Tuy nhiên, thực tế những khu đất nói trên xây dựng hạ tầng xong rồi chẳng ai mua trong bối cảnh chung bất động sản đóng băng.
Để bán đất, Quảng Bình thông báo giảm giá khởi điểm của các khu đất đến lần thứ ba vẫn không có khách hàng. Rồi sáng kiến bỏ đấu giá, mà chuyển sang cấp đất có thu tiền cũng không thành công
. Nhiều doanh nghiệp khó lại càng thêm khó khi không thể thu hồi vốn hạ tầng từ tiền bán đất, lấy đâu ra để xây cầu Nhật Lệ II?
Một lãnh đạo về hưu của Quảng Bình cho rằng, việc trên sông Nhật Lệ phải có cây cầu thứ hai, thứ ba… là chính đáng nhưng trong tương lai chứ không phải lúc này.
Cũng theo vị cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, trong lúc cầu Nhật Lệ I vẫn chưa khai thác hết công năng thì cớ gì phải xây cầu Nhật Lệ II? Ngay đầu cầu Nhật Lệ I, phía Bảo Ninh, hàng loạt bãi “đất vàng” vẫn để trống, cây cỏ mọc um tùm, chưa ai đầu tư, thì làm gì phải làm cầu thứ hai để thu hút đầu tư? Còn nói, xây cầu Nhật lệ II là để tạo không gian đô thị, có nghĩa là làm đẹp, tô điểm cho TP. Đồng Hới thì càng chưa phải lúc. Thông thường người ta nghĩ đến làm đẹp khi “cơm no, áo ấm” chứ không phải lúc còn “giật gấu, vá vai”.
Được biết, Quảng Bình đã bỏ ra 40 tỷ đồng để làm các thủ tục đầu tư, tổ chức lễ khởi công cầu Nhật Lệ II.
Sau lễ khởi công, các nhà thầu chỉ để lại một ít máy móc mang tính trưng bày rồi ra đi. “Không bột lấy gì gột nên hồ?” – một công nhân đang canh giữ máy móc tại công trường cầu Nhật Lệ II nói.
Trụ sở 500 tỷ
Câu chuyện về cầu Nhật Lệ II chưa nguôi, thì mấy ngày nay dư luận lại “nóng” lên khi những mẫu thiết kế được trưng bày trong cuộc thi thiết kế trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Quảng Bình.
Ai cũng tấm tắc khen đẹp, hoành tráng, nhưng khi nghe đến số tiền để hiện thực hóa những mẫu thiết kế nói trên thì ai cũng giật mình.
Từ 400 đến 500 tỷ đồng cho trụ sở Tỉnh ủy mới, khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho một trụ sở công ở Quảng Bình.
Lý do để xây mới trụ sở Tỉnh ủy được sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình giải thích, là do trụ sở cũ xuống cấp, chật chội.
Một cựu lãnh đạo Quảng Bình từng được mời trong buổi tham vấn cho trụ sở mới của Tỉnh ủy nói với phóng viên: “Nói trụ sở cũ chật chội cũng đúng, nhưng Tỉnh ủy mới nhận bàn giao 2 tòa nhà 5 tầng của Tòa án tỉnh để lại thì cũng đủ chỗ làm việc. Trong lúc khó khăn chung thì mọi người cùng nhau chịu khó một chút, chật chội một chút có sao!”
Trong lúc Quảng Bình bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng những công trình hoành tráng không phải là cấp thiết, thì ngay trên chính địa phương này, mỗi ngày có khá đông học sinh, người dân phải bơi qua sông để đến trường và kiếm kế sinh nhai như: ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh); Rồi hàng chục cây cầu dân sinh khác xuống cấp, hết hạn sử dụng khiến nhiều em học sinh và người dân gặp tai nạn chết một cách oan uổng như cây cầu bê tông ở xã Nam Trạch, cầu bê tông Cây Khế ở thị trấn Lão (Bố Trạch); 8/9 cây cầu treo trên địa bàn hết hạn sử dụng cần sửa chữa, làm mới; …và nhiều công trình dân sinh khác đang cần những đồng vốn từ ngân sách để cải thiện đời sống của người dân.
Lãng phí nguồn lực đầu tư
Để thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu, mươi năm trở lại đây Quảng Bình đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng xây dựng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung, tuy nhiên hiệu quả mang lại không nhiều, thậm chí làm ra chỉ để phơi mưa nắng.
Đầu tư hạ tầng tràn lan
Trong quy hoạch, Quảng Bình có 8 khu công nghiệp, 2 khu kinh tế và 5 khu tiểu thủ công nghiệp với diện tích gần 2.000 ha. Đến nay đã có 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động, 3 khu đang được đầu tư xây dựng và 2 khu khác đang chuẩn bị đầu tư.
Theo lãnh đạo của Ban quản lí các khu Công nghiệp Quảng Bình, có 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Tây Bắc Đồng Hới hiện được lấp đầy khoảng 80% diện tích, Bắc Đồng Hới 30% và Hòn La 1 là 70%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì được biết, diện tích lấp đầy nói trên gần một nửa là nằm trên giấy. Thực tế là vậy nhưng Quảng Bình vẫn “mạnh tay” đầu tư tiền của vào những khu công nghiệp khác.
Điều khiến dư luận bức xúc, mặc dù rất ít nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, nhưng khu công nghiệp nào cũng hoành tráng, đồng bộ cơ sở hạ tầng. Nhìn những con đường thảm nhựa bóng loáng, rộng thênh thang, dài hun hút, điện cao áp sáng trưng nhưng không một bóng người khiến ai cũng chạnh lòng. Những người dân bị thu hồi đất cho khu công nghiệp Hòn La ở xã Quảng Đông cho biết: Đầu tư thì nhiều nhưng chẳng ai sử dụng, nắp cống thì bị đập trộm lấy sắt, bóng điện cao áp thì làm tiêu cho bọn trẻ con ném đá…
“Khi về lấy đất, họ nói cứ chấp hành đi rồi sau này sẽ thành công nhân cả, lương cao mà khỏe hơn làm ruộng nhiều. Chờ mãi chả thấy “ma” nào về đầu tư để cho chúng tôi “thành công nhân cả”. Chú coi, năm sáu năm trời rồi mà chỉ được một nhà máy gỗ dăm, vài dự án xây dựng lèo tèo nên con cháu họ vào làm hết chứ mô đến lượt. Làng tui giờ thành Chí Phèo cả rồi, dân nông nghiệp mà không có “lấy miếng đất cắm dùi”, còn đất đai của khu công nghiệp thì bạt ngàn cho cỏ mọc. Dân chúng tôi thì ngày một nghèo thêm, còn nhà nước thì lãng phí đất đai, tiền của rứa đó” – một người dân nói.
Không chỉ cở sở hạ tầng trong khu công nghiệp, mà ngoài khu công nghiệp Quảng Bình cũng đầu tư khá “mạnh tay”. Để kết nối khu công nghiệp xi măng Châu – Văn – Tiến (huyện Tuyên Hóa) với cảng Hòn La, Quảng Bình đã mở một con đường hoàn toàn mới chạy song song với QL 12A, số vốn lên đến gần 1.000 tỉ đồng.
Các chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, mục tiêu xây dựng con đường này là nhằm giảm tải cho QL 12A là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, điều đáng bàn là các nhà hoạch định đã cố tình kéo dài con đường một cách không cần thiết, thậm chí còn làm khó cho các nhà máy xi măng.
Giá như con đường mới nối với QL 12A phía dưới nhà máy xi măng sông Gianh, đoạn qua xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) thì sẽ tiết kiệm được cả trăm tỉ đồng và thuận đường vận chuyển cho các nhà máy xi măng. Đằng này họ lại kéo dài con đường vượt qua các nhà máy xi măng, lên nối với QL 12A, đoạn đầu cầu Châu Hóa. Như vậy, tới đây khi con đường hoàn thành, các nhà máy xi măng ở xã Văn Hóa, Tiến Hóa phải chở sản phẩm của mình đi ngược lên, rồi lại vòng về sau lưng nhà máy của mình mới ra được cảng Hòn La. Chi phí vận chuyển xi măng sẽ đội lên vì phải đi vòng vèo thêm nhiều km.
Dưới thảm có gai
Một doanh nhân sau một thời gian dài trải nghiệm ở Quảng Bình ví von chua chát: Môi trường đầu tư ở Quảng Bình như cái đó đơm tôm cá, ngoài cửa thì rộng nhưng càng vào thì càng hẹp và khi đã lọt vào trong thì không thể thoát ra.
Vị doanh nhân này vào Quảng Bình xin mấy chục ha đất, sau nhiều năm lăn lộn, các thủ tục để được cấp đất đã hoàn thành, thậm chí Nghị quyết của HĐND cũng đã thông qua. Nhưng khi đến “cửa ải” cuối cùng, chỉ là một chữ ký cấp đất của người có trách nhiệm nhưng không thể vượt qua. Đã gần 2 năm nay hồ sơ của dự án vẫn nằm trên bàn của vị lãnh đạo có trách nhiệm này. Và ông vẫn vồn vã mỗi khi gặp: “bận quá, không xếp được lịch đi kiểm tra thực địa để ký cho chú. Yên tâm, yên tâm anh ủng hộ chú…” – vị doanh nhân này kể.
Bao nhiêu tiền của bỏ ra để làm dự án giờ vứt đi thì tiếc nhưng đợi đến cấp đất thì không biết khi nào, giờ doanh nhân này như tôm, như cá nằm trong đó không lối thoát.
Một nhà đầu tư khác kể câu chuyện bi đát của mình: Ông vào đầu tư nhà máy theo lời mời gọi “trải thảm đỏ” của Quảng Bình. Theo quy định chung cũng như thỏa thuận: phía Quảng Bình sẽ bàn giao mặt bằng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường, điện, nước… (nôm na là phía ngoài hàng rào), nhà đầu tư chỉ việc vào xây dựng nhà máy. Lập dự án, khảo sát, thiết kế, khởi công xong nhà đầu tư mới ngã ngửa là mặt bằng chưa “sạch”. Yêu cầu mãi không được, để kịp tiến độ xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải tự đi thỏa thuận với từng hộ dân có đất để bỏ tiền đền bù.
Đền bù xong mặt bằng nhưng lại không có đường vận chuyển vật liệu, linh kiện để xây dựng nhà máy. Kêu mãi thì phía Quảng Bình nói, giờ tỉnh khó khăn, doanh nghiệp có tiền thì đầu tư làm đường trước, tỉnh sẽ bù sau. “Đâm lao thì phải theo lao” doanh nghiệp lại phải bỏ tiền thuê thiết kế một con đường vào nhà máy, chuẩn bị thi công thì dân trong làng ra chặn lại. Họ yêu cầu doanh nghiệp mở đường trong làng, nói là để làng có được con đường to, nhưng thực chất là mong được đền bù…. Và nhiều câu chuyện bi, hài khác mà chúng tôi không tiện viết ra đây.
Đáng ra nhà máy này chỉ xây dựng trong hơn 1 năm là có thể đi vào hoạt động nhưng vì sự “bội ước” của Quảng Bình mà đã gần 4 năm nay nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Sự lãng phí vô hình này thì không thể đo đếm được. Nếu những dự án đầu tư hoàn thành đúng tiến độ thì hàng ngàn lao động có việc làm, nhà đầu tư có thu nhập và tỉnh cũng có thu nhập…
Sau nhiều năm lăn lộn với Quảng Bình, nhà đầu tư này kết luận: Dưới tấm thảm bóng mượt kia có rất nhiều gai, ai không biết mà bước lên sẽ trầy da, chảy máu.
Hoàng Nam
Ơi anh chiến sĩ cang gác bầu trời
Mỗi ngày quê ta trưởng thành
Hạt giống cách mạng đã nảy mầm, nảy mầm XANH TƯƠI
Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy những gì mà ta yêu qúy
Quảng Bình quê ta ơi !
Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son
Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà
…
Nghe nói tác giả bài hát này khi đi chiến đấu vào đến Quảng Bình thì khiếp quá. Bèn nghĩ cách sáng tác khẩn cấp một bài để được sống. Ông trở nên nổi tiếng và được cử ngay đi Liên Xô du học… Xin chúc mừng tác giả!!!
Hàng ngày nhìn cha mẹ lặn lội đi sớm về khuya kiếm cho được đồng tiền thật quặn lòng, mà các ông ăn trên ngồi trốc làm như thế thật quá nhiều khi không hiểu lương tâm của các ông để đâu!
Cháu thực sự đã từng mong ước là mình có thể làm cái gì đó thay đổi tình hình càng ngày càng bi đát mà các ông đầu to đang gây nên kia, nhưng càng nghĩ càng thấy xa vời quá!
Có lễ mấy ông quan mua xe để kích cầu tiêu dùng và tiện thể kiếm chút phần trăm trong thời điểm kinh tế khó khăn này.
Còn dân sống chết thì kệ mày…?
hãy biết yêu thương và chia sẻ. nếu bạn làm giàu được trong vòng 10 năm thì hãy nghĩ sẽ giàu trong vòng 15 năm để làm việc nhẹ nhàng và đạo đức.