Đặc điểm của chế độ quản lý tập trung bao cấp là từ tư duy cho đến hành động mỗi thành viên của hệ thống chủ yếu đều trông chờ, dựa dẫm vào cấp trên. Ít cần suy nghĩ, ít cần sáng kiến. Chỉ cần lĩnh hội, và thực hiện, chấp hành. Hệ lụy rõ nhất của chế độ bao cấp tư duy ấy là thủ tiêu ý thức tự chủ, tinh thần chủ động và khả năng độc lập suy nghĩ, tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo. Ngược lại khuyến khích ỷ lại, lười suy nghĩ, chỉ quen nghĩ theo, tin theo, làm theo một cách máy móc, mất dần ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chỉ còn lại trách nhiệm đối với cấp trên. Con người thay vì là một chủ thể tự do biến thành một phương tiện, một công cụ thực hiện một lý tưởng không phải do mình lựa chọn, tin tưởng và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.
Trong thời kháng chiến giành độc lập thống nhất, chế độ bao cấp khó tránh khỏi về kinh tế, mà về các mặt tư tưởng, văn hóa nó cũng có lý do chính đáng vì phải tập trung mọi cố gắng giành chiến thắng. Nhưng trong thời bình, đời sống có vô vàn nhu cầu đa dạng, thế giới cũng đã thay đổi nhiều, đất nước đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới, với biết bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chưa từng gặp trước đây. Nhiều điều mới hôm qua còn cho là đúng, là chân lý bất khả tranh luận, thì nay đều phải xem xét lại, phải nhìn nhận lại với đôi mắt khác. Ngược lại có những điều trước đây bị phê phán, bây giờ phải chấp nhận .
Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đêu cho thấy trong những điều kiện ấy mà dạy người theo cách áp đặt, ưc chế tư duy một chiều trong khi giáo lý giảng dạy trong nhà trường trái ngược với thực tế phũ phàng ngoài xã hội thì hệ lụy tất yếu dẫn đến phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng gây ra bất ổn trầm trọng trong xã hội. Những điều đang diễn ra trong xã hội ta không phải là ngoại lệ.
Cho nên phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuôc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hội nhập thắng lợi vào thế giới văn minh và cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực. Bằng không, cuộc hội nhập quốc tế của chúng ta luôn gặp khó khăn và cái mục tiêu ấy sẽ mãi mãi xa vời.
Cụ thể, giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy độc lập, cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn và nhất là nhân ái, lương thiện, trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Đó mới thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay."
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/93624/mo-duong-cho-giao-duc-khai-phong.html
Đọc thêm:
GS Phạm Xuân Yêm: Để có một nền giáo dục – khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng
GS Vũ Cao Đàm: Bàn về những nghịch lý giữa quản lý đào tạo với nhu cầu xã hội
GS Nguyễn Văn Tuấn: Làm gì để lọt vào danh sách đại học hàng đầu thế giới
Văn hóa Nghệ An: Singapore và cuộc chiến toàn cầu về tài năng
Đọc thêm:
GS Phạm Xuân Yêm: Để có một nền giáo dục – khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng
GS Vũ Cao Đàm: Bàn về những nghịch lý giữa quản lý đào tạo với nhu cầu xã hội
GS Nguyễn Văn Tuấn: Làm gì để lọt vào danh sách đại học hàng đầu thế giới
Văn hóa Nghệ An: Singapore và cuộc chiến toàn cầu về tài năng
No comments:
Post a Comment