Nguồn: phattuvietnam.net, 11/9/2008 |
"Chung cuộc của mục đích sau cùng của văn hóa, giáo dục vẫn là mục đích đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho các cá nhân và cộng đồng của các thời đại. Nhưng, dục vọng và tư duy hữu ngã của con người luôn là yếu tố ngăn cách an lạc, hạnh phúc, luôn là yếu tố tạo ra các rối rắm tâm lý của các cá nhân để lại các hậu quả tiêu cực cho cộng đồng: điều này thì ở ngoài khả năng giúp đỡ của giáo dục và đào tạo của học đường. Vì thế nên đến một lúc nào đó giáo dục của học đường hiện đại sẽ cần đến sự tham khảo nền giáo dục Phật giáo rất trí tuệ, nhân bản, thiết thực hạnh phúc. Ở đây, chỉ nêu ra một số điểm tiêu biểu tượng trưng:
- Vai trò tâm lý giáo dục của học đường chỉ giúp cho sinh viên, học sinh hiểu mình, tiếp cận với các lo âu, phiền muộn hằng ngày và biết cách nhất thời đi ra khỏi các lo âu, phiền muộn đó mà không thể loại trừ các lo âu, phiền muộn ra khỏi tâm thức, tâm lý. Giáo dục Phật giáo thì có thể.
- Học đường chỉ giúp sinh viên, học sinh mở mang kiến thức và phát triển nhân cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì có thể giúp con người phát triển hiểu biết đến vô cùng, và phát triển nhân cách đến toàn thiện và toàn triệt.
- Giáo dục học đường chỉ có thể giúp sinh viên, học sinh chế ngự các tâm lý vị kỷ, và mở rộng vị tha. Phật giáo thì có thể giúp con người loại trừ sạch các tâm lý vị kỷ, và phát triển tâm lý vị tha đến vô tận.
- Học đường chỉ giúp con người mở ra các khả năng một cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì giới thiệu con người có một khả năng tâm lý vô hạn có thể được khai mở qua trí tuệ và con đường thiền định: tại đây mở ra niềm tin và ngõ đường đi vào sáng tạo.
- Học đường chỉ đề cập đến chỉ một cuộc sống hiện tại. Phật giáo thì giới thiệu nhiều kiếp sống qua nhiều cảnh giới, thiết lập niềm tin vào dòng sống đi vào an lạc lâu dài, bền vững.
- Các lý thuyết và triết lý giáo dục đương đại có ngã tính, thế nào cũng đi vào khủng hoảng sớm hay muộn trước thực tại vô ngã tính. Giáo dục Phật giáo xiển dương sự thật duyên sinh, vô ngã nên không rơi vào khủng hoảng. Đây là giáo lý mà học đường đương đại có thể tham khảo để điều chỉnh các lý thuyết."
Nguồn daibieunhandan.vn 8/10/2012. Đọc toàn bài phỏng vấn: Giáo dục là Quốc sách, Giáo dục là Vĩnh hằng!
Giáo dục là Quốc sách
Giáo dục là Quốc sách
Giáo dục là Vĩnh hằng!
08:45 | 08/10/2012
Đã thành thói quen, trước mỗi sự kiện của đất nước, ĐBQH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN cùng các PV báo ĐBND trao đổi. Giáo dục - đề tài mà Hòa Thượng lần này đàm đạo có thể nói là sở trường của vị tiến sỹ khoa học đáng kính của chúng ta, bởi đã hàng chục năm nay Hòa Thượng phụ trách công tác giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
PV: Thưa Hòa Thượng, lâu nay chúng ta vẫn gọi giáo dục là quốc sách, tuy vậy, hình như chúng ta còn mải mê nhìn những mục tiêu trước mắt mà sao nhãng việc dạy học con em chúng ta học và học thành người. Tôi nhớ, thời của chúng ta việc dạy con người mới xã hội chủ nghĩa biết căm thù và biết yêu thương, lúc ấy hoàn cảnh khó khăn hơn hiện nay, mà xã hội, trường học vẫn dạy người của thuở ấy nên người. Vậy lúc ấy chúng ta thật sự đã coi việc ấy là quốc sách còn giờ hình như chúng ta chỉ mới dừng ở câu và chữ?
Hòa Thượng Thích Chơn Thiện: Hẳn nhiên giáo dục là quốc sách của mọi quốc gia trong mọi thời đại. Bởi giáo dục làm nên văn hóa và văn minh. Giáo dục hình thành nhân cách của con người và mở rộng không giới hạn các kiến thức: chính những con người nầy xây dựng văn hóa và văn minh. Nhận thức tổng quan là vậy.
Giáo dục, một nền giáo dục toàn diện, nắm giữ hai vai trò đào tạo cơ bản: đào tạo con người chính nó, và đào tạo con người xã hội. Con người chính nó là con người rất người, hiểu mình và hiểu thế giới chung quanh với các mối tương hệ giữa cá nhân với gia đình, xã hội, thiên nhiên và môi trường sống, giữa các cá nhân với nhau, và sống hạnh phúc. Con người ấy đòi hỏi có đầy đủ các đức tính chấp nhận mình, tự tin, tự trọng, tự tri, tự trách nhiệm, niềm tin, tinh thần phân tích, phê phán, tinh thần phụng sự quốc gia, và các hỗ tương: chấp nhận nhau, kính trọng nhau, thân yêu nhau, tin tưởng nhau, cảm thông nhau. Con người ấy đòi hỏi có các khả năng chuyên môn để sinh sống, tồn tại, và để phục vụ gia đình và xã hội. Học đường có trách nhiệm xây dựng, đào tạo hai mặt đó của con người.
Vấn đề cơ bản nhất của giáo dục vẫn là: con người là gì? Để dạy nó những gì? Và dạy như thế nào? Dạy những gì là nội dung của giáo dục. Dạy như thế nào là phương pháp và kỹ thuật giáo dục. Từ đây, hệ thống giáo dục được xây dựng: cơ sở, trường ốc, ngân sách, và nhân sự tổ chức, quản lý, giảng dạy. Một hệ thống giáo dục thường bao gồm một Hội đồng giáo dục quốc gia để hoạch định đường hướng tổng quan; một Bộ giáo dục Đại học, và một Bộ giáo dục Phổ thông (từ mẫu giáo đến lớp 12). Các bộ đều được ba nhóm chuyên viên về Tâm lý, Quản trị, và Khóa trình đảm trách, từ Trung ương đến các Địa phương: ở Việt Nam cần hơn một nghìn chuyên viên Tiến sĩ khoa học Giáo dục để phân bổ ở Bộ, Sở, Trường; từ đó bổ sung dần cho đến hoàn bị. Các giảng viên, giáo viên đều có kiến thức về tâm lý giáo dục để giảng dạy, và dạy có kết quả. Con người là gì là vấn đề trọng tâm của triết lý giáo dục và tâm lý giáo dục mà học đường ở các nước thường có cái nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau. Điều nầy, gần đây trong cuộc nói chuyện với Bộ Gáo dục (báo ĐBND, 17.8.2012) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đặt vấn đề:
“… bây giờ ở Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa? Đã có một lý luận về khoa học giáo dục trong thời gian đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa? …. Hay trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì giáo dục Việt Nam trong thời kỳ này là cái gì? Tôi muốn gợi cái ý rất xa, mang tầm chiến lược lâu dài như vậy để các đồng chí suy nghĩ, nghiên cứu”.
Với Việt Nam, con người Việt Nam XHCN là gì? Ở đây có ba yếu tố cần xác định:
1. Con người, nói chung, là gì? (mỗi tôn giáo, hệ thống triết học có cái nhìn khác nhau; Việt Nam cần có cái nhìn riêng rất hiện thực của mình: con người là những gì mà con người đang có và đang là).
2. Việt Nam là gì? Nét đặt thù của Việt Nam là gì?
3. XHCN là gì?
Kết hợp ba yếu tố ấy thành con người Việt Nam XHCN, mẫu người giáo dục mà học đường Việt Nam phải cần đào tạo vì mục đích xây dựng đất nước lâu dài của xứ sở.
Nhất thời ta có thể phác họa:
1. Con người là cái gì rất người đang hiện hữu, không chụp phủ lên nó một khái niệm, tư duy trừu tượng, siêu hình nào. Con người gồm hai phần vật lý (có thêm sinh lý) và tâm lý. Con người vật lý do cha mẹ sinh ra, do thực phẩm nuôi dưỡng, cần có ăn, mặc, ở, có đời sống gia đình (và đời sống xã hội), có sự sống thỏa mái. Con người tâm lý là các hoạt động của tình cảm, ước mong, trí tưởng, tư duy, các kiến thức và trực giác sáng tạo; con người tâm lý còn có nhu cầu về niềm tin vào một lý tưởng, được sống tự do, hạnh phúc và thành đạt.
2. Việt Nam có ngôn ngữ, huyết thống riêng, có lịch sử của tự chủ, tồn tại và phát triển riêng, có một nền văn hóa dung hợp, đoàn kết, bất khuất.
3. XHCN đề cao tinh thần sống vì tập thể, cộng đồng, công bằng, bình đẳng (giai cấp và giới tính) và nhân văn.
Đó là ba nội dung cần được giáo dục, đào tạo bên cạnh các kiến thức chuyên môn về ngành, nghề, khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn.
Vấn đề còn lại sau cùng là vấn đề đầu tư để thực hiện tốt: đầu tư vào các sơ sở vật chất, đầu tư đào tạo nhân viên, tổ chức, quản trị và giảng dạy (đặt biệt là khoa học giáo dục ở Việt Nam còn rất trống trải). Có thể xem đây là chiến lược lâu dài. Các vấn đề lương bổng, thi tuyển, tốt nghiệp, các mục tiêu giáo dục giai đoạn (như vấn đề công nghệ hóa, hội nhập…) sẽ do Hội đồng giáo dục quốc gia nghiên cứu, đề bạt, dưới sự lãnh đạo của T.W Đảng, và sẽ do Quốc hội quyết định.
Giáo dục là một dòng chảy như mọi dòng chảy của hiện hữu, không đứng yên. Vì vậy, ngoài chiến lược lâu dài, còn có các mục tiêu giai đoạn để đáp ứng các yêu cầu giai đoạn của xã hội. Chúng ta không thể đòi hỏi có một hệ thống giáo dục ổn định lập tức, hay một hệ thống giáo dục đáp ứng mọi yêu cầu xã hội. Các mục tiêu chiến lược của giáo dục cũng cần được điều chỉnh như điều chỉnh Hiến pháp vậy. Một nền giáo dục mà thuần túy cung cấp kiến thức, thuần túy phục vụ mục tiêu kinh tế là một nền giáo dục khập khiễng, què quặt, cần được cấp thiết điều chỉnh như những gì đã bàn.
PV: Mục tiêu, lý tưởng của một thể chế chính trị nhìn từ góc độ giáo dục sẽ thấy sự đi lên hay – xin được nói ra – xuống dốc. Chúng ta đã nói hay, nhưng, hình như nó đang xuống dốc. Đã đến lúc – như Hội nghị Trung ương 6 lần này họp sẽ bàn về giáo dục như là quốc sách hàng đầu phải tập trung để đẩy mạnh. Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy nguy cơ này, vận hội này. Có phải thế không thưa Hòa Thượng?
Hòa Thượng Thích Chơn Thiện: Về tình hình tổng thể của giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều năm qua hầu như “đi xuống” và tụt hậu xa so với các nước trên thế giới, đã để lại nhiều sự quan tâm sâu sắc ở các nhà giáo dục từng trải đương đại. Trong bài “Giáo dục Việt Nam chênh vênh, lạc hướng” (Minh Hiếu) đăng trên báo ĐBND (ngày 3.10.2012), tác giả Minh Hiếu đã ghi lại một số lời phát biểu tiêu biểu:
- “Giáo dục của Việt Nam không chỉ lạc hậu, mà nguy hiểm hơn đang đi lạc hướng xa con đường chung của nhân loại, lạc điệu với thế giới văn minh”. (Giáo sư Hoàng Tụy)
- “Giáo sư Chu Hảo kiến nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về cải cách Giáo dục độc lập với Bộ GD – ĐT để thực hiện hai nhiệm vụ: tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra GD trong năm 2013; tổ chức soạn thảo đề án tổng thể về cải cách Giáo dục trong năm 2014 để chính phủ trình QH thông qua và tổ chức thực hiện từ năm 2015”. (Gs. Chu Hảo)
- Trong 6 kiến nghị của Liên hiệp các Hội Khoa Học Kỹ Thuật có hai điểm nỗi bật:
* “Tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập của chương trình – SGK, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển GD ngang bằng các nước”.
* “Thành lập Ủy ban GD – ĐT Quốc gia giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công tác đổi mới căn bản toàn diện nền GD Việt Nam”.
Trong bài nói chuyện với Bộ Giáo dục (17.8.2012) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định ý nghĩa đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện đại của ta rằng: “đổi mới toàn diện là đổi mới từ tư duy đến mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục của chúng ta…”.
Như thế là rõ là Đảng, Nhà nước đã thấy rõ nguy cơ của đà “xuống dốc” của giáo dục hiện đại của ta. Chẳng những chỉ đề cập vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục của VN hiện đại, mà còn đề cập đến chiến lược lâu dài của phát triển giáo dục. Phải vạch rõ hướng đi và tập trung đầu tư tích cực. Tình hình giáo dục sẽ nhanh chóng được cải thiện.
PV: Giáo dục là nâng cao dân trí. Là niềm tin. Là vĩnh hằng. Chúng ta đặt cả hy vọng của chế độ vào giáo dục, thưa Hòa Thượng?
Hòa Thượng Thích Chơn Thiện: Xây dựng chế độ là con người. Xây dựng và bảo vệ đất nước cũng là con người. Con người phát triển thì tùy thuộc vào một hệ thống giáo dục: một hệ thống giáo dục khập khiễng sẽ đào tạo thành những công dân khập khiễng; một hệ thống giáo dục tốt và toàn diện sẽ đào tạo nên những con người tốt và toàn diện. Vì thế mà niềm hy vọng của chế độ, của đất nước đặt trọn vào giáo dục. Còn có thể đặt trọn vào đối tượng nào khác hơn?
Hệ mẫu giáo có vai trò hình thành nhân cách. Hệ tiểu học và trung học tiếp tục phát triển nhân cách và trang bị các kiến thức phổ thông, thường nghiệm. Hệ Cao đẳng và Đại học thì giữ vai trò hoàn bị nhân cách và giảng dạy các kiến thức đại học về chuyên môn và ngành nghề. Hậu đại học thì nâng cao tầm nghiên cứu, nhận thức, mở rộng đến vô cùng. Qua một quá trình được đào tạo và giáo dục như thế, hẳn là đất nước và chế độ sẽ có những công dân tốt đáp ứng được các yêu cầu xây dựng và phát triển xứ sở. Đó là sự hy vọng và chờ đợi duy nhất. Do vậy mà đất nước cần dồn mọi nguồn lực có thể để đầu tư vào sự xây dựng và phát triển một hệ thống giáo dục tốt, vào sự đào tạo và xây dựng một đội ngũ giảng viên và giáo viên giỏi, vào việc xây dựng một hệ thống trường ốc biểu mẫu, và vào việc phát triển mạnh mẽ khoa học giáo dục của nước nhà. Giáo dục quả là tương lai của xứ sở, của văn hóa và văn minh của dân tộc. Chúng ta có thể nghĩ gì khác hơn thế.
PV: Thưa Hòa Thượng, người đời vẫn cho rằng, tôn giáo và cụ thể ở đây là Phật giáo đã cho con người một đức tin hiện hữu. Không ràng buộc. Tự nguyệån. Vậy, đào tạo con người mới – xin được nhấn mạnh là điều này cần phải làm lại – Con người mới XHCN cần gì nhiều hơn trước đây không? Từ kinh nghiệm của Phật giáo, Hòa Thượng gửi gắm điều gì với giáo dục Việt Nam hiện nay không? Thưa Hòa Thượng giáo dục là vĩnh hằng?
Hòa Thượng Thích Chơn Thiện: Với mẫu người giáo dục đề cập ở trên, tương đối là đáp ứng các yêu cầu xã hội lâu dài, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định của nó, không triệt để và chân xác như giáo dục của Phật giáo. Chung cuộc của mục đích sau cùng của văn hóa, giáo dục vẫn là mục đích đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho các cá nhân và cộng đồng của các thời đại. Nhưng, dục vọng và tư duy hữu ngã của con người luôn là yếu tố ngăn cách an lạc, hạnh phúc, luôn là yếu tố tạo ra các rối rắm tâm lý của các cá nhân để lại các hậu quả tiêu cực cho cộng đồng: điều này thì ở ngoài khả năng giúp đỡ của giáo dục và đào tạo của học đường. Vì thế nên đến một lúc nào đó giáo dục của học đường hiện đại sẽ cần đến sự tham khảo nền giáo dục Phật giáo rất trí tuệ, nhân bản, thiết thực hạnh phúc. Ở đây, chỉ nêu ra một số điểm tiêu biểu tượng trưng:
- Vai trò tâm lý giáo dục của học đường chỉ giúp cho sinh viên, học sinh hiểu mình, tiếp cận với các lo âu, phiền muộn hằng ngày và biết cách nhất thời đi ra khỏi các lo âu, phiền muộn đó mà không thể loại trừ các lo âu, phiền muộn ra khỏi tâm thức, tâm lý. Giáo dục Phật giáo thì có thể.
- Học đường chỉ giúp sinh viên, học sinh mở mang kiến thức và phát triển nhân cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì có thể giúp con người phát triển hiểu biết đến vô cùng, và phát triển nhân cách đến toàn thiện và toàn triệt.
- Giáo dục học đường chỉ có thể giúp sinh viên, học sinh chế ngự các tâm lý vị kỷ, và mở rộng vị tha. Phật giáo thì có thể giúp con người loại trừ sạch các tâm lý vị kỷ, và phát triển tâm lý vị tha đến vô tận.
- Học đường chỉ giúp con người mở ra các khả năng một cách giới hạn. Giáo dục Phật giáo thì giới thiệu con người có một khả năng tâm lý vô hạn có thể được khai mở qua trí tuệ và con đường thiền định: tại đây mở ra niềm tin và ngõ đường đi vào sáng tạo.
- Học đường chỉ đề cập đến chỉ một cuộc sống hiện tại. Phật giáo thì giới thiệu nhiều kiếp sống qua nhiều cảnh giới, thiết lập niềm tin vào dòng sống đi vào an lạc lâu dài, bền vững.
- Các lý thuyết và triết lý giáo dục đương đại có ngã tính, thế nào cũng đi vào khủng hoảng sớm hay muộn trước thực tại vô ngã tính. Giáo dục Phật giáo xiển dương sự thật duyên sinh, vô ngã nên không rơi vào khủng hoảng. Đây là giáo lý mà học đường đương đại có thể tham khảo để điều chỉnh các lý thuyết.
- Con người mới XHCN, với học thuyết vị tha vì cộng đồng, và với triết lý biện chứng có nhiều nét nhận thức rất gần gũi Phật giáo, vì vậy Giáo dục Phật giáo, văn hóa Phật giáo có thể có nhiều gợi ý hữu ích cho con đường giáo dục Việt Nam về lâu về dài. Tôi tin tưởng thế.
PV: Xin cũng được tin tưởng và chia sẻ niềm tin với Hòa Thượng. chọn một con đường cho giáo dục Việt Nam hiện đại sẽ là trí tuệ Đảng, trí tuệ dân có kế thừa và phát triển văn minh nhân loại. Giáo dục Việt Nam như Thày mong muốn sẽ là vĩnh hằng. Chân thành cám ơn Thày!
Thăng Long và Thanh Tâm thực hiện
No comments:
Post a Comment