Chuyện ồn ào của họa sĩ Thành Chương với kỷ vật nhà văn Kim Lân
TP - Nhà lưu niệm Kim Lân - ở ngõ 424 số 35 đường Trần
Khát Chân, Hà Nội do con gái nhà văn- họa sỹ Nguyễn Thị Hiền và 5 người
con làm cho ông, tạo được ấn tượng tốt đẹp. Nhưng rồi nảy sinh nỗi buồn.
Trầm tư trong không gian đầy kỷ vật của Kim Lân, chị Hiền (ảnh) tâm sự:
“Tôi buộc lòng phải lên tiếng để dư luận hiểu bản chất vấn đề...”.
|
Chị Hiền. |
Chị Hiền kể:
Sau khi bố tôi - nhà văn Kim Lân mất, anh em chúng tôi
muốn làm nhà lưu niệm bố, giữ nguyên hình ảnh về bố - ấm cúng, giản dị,
mộc mạc, tài hoa; lưu giữ những kỷ vật và giá trị tinh thần của ông.
Quan điểm chung là nhà lưu niệm do 7 người con làm,
không phân biệt giàu nghèo nam nữ, nơi đoàn tụ của con cháu như lúc sinh
thời bố tôi từng rủ rỉ: “Làm sao để các con cháu quấn túm với nhau”.
Chúng tôi thống nhất lấy ngôi nhà số 6 phố Hà Hồi, nơi
gắn bó 7 người con với cha mẹ để làm nhà lưu niệm và giao con trai
trưởng, họa sỹ Thành Chương tổng chỉ huy.
Nhưng 3 năm, việc làm nhà lưu niệm vẫn không nhúc nhích. Kỷ vật của bố trong ngôi nhà phố Hà Hồi ẩm mốc và hư hại nhiều.
Đúng 3 năm ngày giỗ bố, Chương tuyên bố với các em từ
nay sẽ không làm giỗ bố chung nữa, ai nấy tự làm, giỗ mẹ thắp nén nhang
là đủ, giỗ ông bà thì bỏ luôn.
Thế rồi ngôi nhà ở Hà Hồi đành bán đi, chúng tôi góp
chung một số tiền giao cho Chương để làm nhà lưu niệm ở phủ Thành
Chương. Những kỷ vật, đồ đạc của bố được gói ghém để chuyển lên phủ làm
nhà lưu niệm và thờ tự ở đây. Sau đó…
Trong bài trả lời một tờ báo và trên website của
Việt phủ Thành Chương cho biết những đồ đạc, kỷ vật của nhà văn Kim Lân
đã bị chị lấy đi?
Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật khiến tôi rất
buồn và bức xúc. Chuyện riêng gia đình, tôi chỉ muốn có gì thì đóng cửa
bảo nhau, nhưng Thành Chương đưa ra công luận những thông tin không đúng
sự thật, cố tình gây hiểu nhầm.
Ngoài việc nói sai sự thật trên báo, mạng của phủ Thành
Chương còn đưa lên vài bài nhưng tự ý cắt xén, thêm bớt nội dung so với
bản thảo của tác giả và bài đã in báo để nói sai sự thật về tôi, hạ
thấp ý nghĩa nhà lưu niệm của cha tôi. Em tôi đã cố tình xuyên tạc sự
thật về chị, vì mục đích gì? Em tôi muốn gì?
Theo chị, bản chất vấn đề ở đây là gì?
Một năm sau khi đồ dùng, kỷ vật của bố tôi được đưa
lên phủ, việc làm nhà lưu niệm vẫn không động tĩnh. Một số người bạn của
tôi, khi lên phủ Thành Chương muốn thắp hương cho nhà văn Kim Lân nhưng
không tìm thấy bàn thờ.
Họ thấy đồ đạc, kỷ vật của bố tôi bị bỏ ở gian kho sau
nhà, 10 phần hư hỏng 4, nhất là ảnh và đồ dùng của bố. Tôi và các em
giục Chương làm thì quan điểm của Chương lúc ấy là: Không làm nhà lưu
niệm của bố với anh em trong nhà, không muốn dính dáng vì sợ mọi người
sẽ lên phủ đòi chia tiền bán vé vào cửa. Chị em tôi đề nghị nếu làm nhà
lưu niệm ở phủ thì ghi trên tấm biển đại ý “Nhà lưu niệm do các con nhà
văn Kim Lân làm”.
Nhưng Chương nhấn mạnh: Nếu Chương làm nhà lưu niệm thì
đó sẽ chỉ là của riêng Chương, thuộc về Việt phủ Thành Chương thôi.
Không liên quan đến ai. Tôi và các em phản đối vì nhà lưu niệm phải là
của chung 7 người con theo ý nguyện của bố.
Sau đó Chương tuyên bố: Vậy anh em ai muốn làm nhà lưu
niệm cho bố thì làm, Chương không làm nữa, và bảo các em lên phủ mà chở
đồ đạc kỷ vật của bố về.
5 em tôi - Hạnh, Đức, Dũng, Ninh, Tuấn đã lên phủ chở
đồ về, khi đó tôi đang ở TPHCM. Ban đầu các em tôi đưa đồ đạc của bố về
rồi định làm nhà lưu niệm tại nhà con trai thứ 2 là họa sỹ Nguyễn Mạnh
Đức, nhưng nhà của Đức là nhà sàn, nhiều cái bất tiện. Rồi lại định làm ở
nhà họa sỹ Việt Tuấn- con trai út, nhưng Việt Tuấn lúc đó đang sửa nhà,
mà cũng chật chội nên lại thôi.
Sau đó các em gọi tôi ra Hà Nội họp, mời Chương nhưng
Chương không dự. 6 người thống nhất ký văn bản đưa kỷ vật sang nhà tôi ở
Trần Khát Chân để làm nhà lưu niệm cho bố tôi.
Sự việc là như vậy. Nhưng ra công luận, họa sỹ Thành
Chương lại “vẽ” ra một hình ảnh về tôi - họa sỹ Nguyễn Thị Hiền gần 70
tuổi bay từ TPHCM ra Hà Nội, một mình lên phủ Thành Chương giành đồ đạc
của bố mang về nhà riêng. May mà bố tôi nghèo, nếu không người ta nghĩ
tôi đi tranh của, thật đáng xấu hổ.
|
Một góc Nhà lưu niệm Kim Lân ở phố Trần Khát CHân, Hà Nội. |
Được biết sau đó ngôi nhà của chị ở Trần Khát Chân
được dùng làm nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân được nhiều bạn đọc biết đến,
tham quan. Rồi vì sao lại nảy sinh rắc rối mới?
Sinh thời, bố tôi không muốn khi mình mất đi sẽ được
thờ trên phủ Thành Chương. Bố tôi là nhà văn của người nghèo khổ, của
làng quê cả đời sống nghèo khổ, không muốn lúc chết lên phủ “nghênh
ngang” làm gì.
Bố bảo phủ là vinh dự của Chương chứ không phải của
thầy, thầy cám ơn ý định của Chương nhưng dứt khoát không muốn lên phủ,
không hợp với tính cách của thầy. Điều này bố đã dặn tất cả các con,
cháu, họ hàng và mọi người đều biết rõ.
Sau sự việc diễn ra như nói ở trên, cả 6 chị em tôi
thống nhất lấy ngôi nhà Trần Khát Chân mà tôi mua làm nhà lưu niệm cho
bố. 6 chị em cũng rất mong Thành Chương sẽ chung tay làm nhà lưu niệm.
Tôi đã gọi điện, viết thư cho Chương nhưng Chương không
hồi âm mà đứng ngoài cuộc. Chương cũng đã đòi lại phần tiền của mình
trong số tiền cả nhà góp chung để làm nhà lưu niệm cho bố.
Ngày khánh thành nhà lưu niệm Kim Lân, thân hữu bạn bè,
văn nghệ sỹ, lãnh đạo Hội Nhà văn và các thành viên trong gia đình đều
dự đông đủ, nhưng Thành Chương (con trai trưởng của nhà văn Kim Lân)
vắng mặt.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, họa sỹ
Thành Chương dẫn lời của một nhà văn cho rằng: “Nguyễn Thị Hiền là nữ
nhi ngoại tộc, việc thờ tự Kim Lân là của Thành Chương vì là con trai
trưởng”?
Điều này nếu có, sai với tinh thần của nhà văn Kim Lân.
Bố tôi không bao giờ trọng nam khinh nữ, phân biệt con trai con gái,
con trưởng con thứ. Quan điểm như vậy rất phong kiến, cổ hủ trong khi
bố là người từng viết Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ…
Họa sỹ Thành Chương cũng vừa khánh thành “Không
gian tưởng niệm Nhà văn Kim Lân” mà có báo đặt tên là “Không gian trắng”
ở phủ và nhấn mạnh “hồn cốt của cha tôi ở đây mà biểu hiện là bát
hương thờ tự này. Và chỉ ở đây mới có ý nghĩa tâm linh …”?
Tôi nghĩ Không gian trắng cũng rất hay, làm phong phú
hơn về nhà văn Kim Lân, một tư duy nghệ thuật mới mà anh chị em tôi đều
trân trọng, một tác phẩm sắp đặt đẹp Chương đã làm cho cha. Nhưng nếu
nói “hồn cốt cha tôi ở đây và chỉ ở đây mới có ý nghĩa tâm linh” thì
đúng là chẳng hiểu gì về tâm linh.
Khi cha mẹ mất đi, con cháu có nghĩa vụ lập bát hương
thờ cúng để ngưỡng vọng, chỉ cần thành tâm thì dù giàu nghèo, to nhỏ đều
tâm linh cả. Bát hương thờ bố trong phủ hay trong ngôi nhà tranh đều có
ý nghĩa như nhau.
Chẳng lẽ những bát hương mà 6 người con của Kim Lân thờ
bố mình tại nhà riêng lại không có hồn cốt và ý nghĩa tâm linh? Tôi
nghĩ rằng nếu nói như vậy thì người buồn nhất chính là bố tôi, kế đến là
nỗi buồn cho chúng tôi - những người con của nhà văn Kim Lân.
Anh Thành Chương là con trai trưởng nhưng
đã tự rời bỏ trách nhiệm, xa rời anh em ruột thịt. Anh em trong gia đình
rất muốn cùng anh làm nhà lưu niệm cho bố với tinh thần “anh em quấn
túm” như bố muốn, song anh đứng ngoài cuộc, lại lên báo than thở về sự
cô đơn của mình. Anh em tôi đã im lặng, nhưng anh Chương lên báo tiếp
tục phát ngôn không đúng về chị Hiền và 5 anh em tôi, khác nào gió đã
muốn lặng mà cây vẫn rung bần bật.
(Họa sỹ Nguyễn Việt Tuấn, con trai út của nhà văn Kim Lân)
|
Anh Thành Chương là người tư duy hiện đại
trong nghệ thuật cũng như cuộc sống, sao lại có tư tưởng cổ hủ “nữ nhi
ngoại tộc” hay “chỉ ở đây mới có ý nghĩ
tâm linh”?
Tôi ngờ rằng anh đã dùng quan niệm phong
kiến như một phương tiện để đạt mục đích. Việc anh nói “nếu ai muốn xem
đồ dùng, vật dụng một thời gắn bó với Kim Lân thì xin mời tới nhà chị
Hiền, còn muốn chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật đúng với tinh thần của
Kim Lân thì đến Việt phủ” là có ý sâu xa lấy cái này để phủ nhận cái
kia.
(Họa sỹ Nguyễn Từ Ninh, con trai thứ 6 của nhà văn Kim Lân)
|
Phùng Nguyên
No comments:
Post a Comment