Trang

Sunday, August 26, 2012

TS Bùi Trân Phượng: "phương thuốc cấp cứu (giáo dục Việt Nam) trong tầm tay mọi thầy cô giáo có lương tâm, cha mẹ có trách nhiệm và ngay trong bản thân từng người học tuổi thiếu niên và thanh niên là tự thay đổi chính kỳ vọng và não trạng của mình"


"Con đường thực hiện giáo dục theo tư tưởng Montessori (...) không hề đơn giản, vì người dạy trẻ cần học cách tôn trọng trẻ như một con người độc lập với cha mẹ, thầy cô, xã hội, một nhân cách tự do, một hạt giống đã chứa trong bản thân nó mọi tiềm năng phát triển. Giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất có thể để mỗi trẻ thơ trở thành con người mà nó có khả năng trở thành, chứ không phải là con người như người lớn mong muốn, kỳ vọng và thường áp đặt nó phải trở thành. Triết lý giáo dục nhân bản này sẽ chỉ phát huy tác dụng rộng rãi khi nó do người Việt thấm nhuần, áp dụng cho nhiều trẻ em Việt được hưởng thụ. Một bác sĩ nhi đã tự tìm hiểu phương pháp Montessori để trước hết là chữa trị rối nhiễu tâm lý cho cháu mình, rồi từ kinh nghiệm đó mở một trường mầm non Bambini. Sẽ tốt biết bao nếu có nhiều người biết tự cứu và mở rộng hoạt động cứu người như chị."
"Tự thay đổi, với các bậc phụ huynh là dũng cảm từ chối làm điều mà hình như "ai nấy đều đang làm", như hối lộ để chạy trường, chạy điểm, cho con đi "học thêm" với chính thầy cô giáo đang đứng lớp ở trường để được "yên thân" và mưu cầu thành tích ảo... Quan tâm xem các nhà trường "không tử tế" đang làm hỏng sự lương thiện tự nhiên của con mình như thế nào để giúp con tự vệ, thay vì chỉ quay quắt lo con không đạt "xuất sắc"...
Với thầy cô giáo, là không bon chen danh lợi mà an nhiên làm công việc người thầy, là truyền cảm hứng học hỏi và khám phá tri thức cho các em, hướng các em đến những giá trị đạo đức phổ quát như tự trọng và tôn trọng người khác, yêu công lý, khát tự do, phấn đấu vì bình đẳng, yêu thương giữa người và người... Dẫu có chịu áp lực áo cơm thì cũng giữ chút liêm sỉ của người thầy, bởi lý do cơm áo không thực sự giải thích được sự sa đọa về đạo đức. Biết bao nhiêu thầy cô giáo với thu nhập còm cõi vẫn đang là những nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp và được học sinh quý trọng; còn đánh bài bạc tỉ, mua dâm nữ sinh là đặc quyền của quan chức sâu mọt trong ngành giáo dục. Thái độ "mũ ni che tai, bàng quan thế sự" chỉ cốt yên thân hiện là phổ biến, với cớ "ai cũng vậy, nói có ích gì". Song nó tai hại bởi từ im lặng chịu đựng đến đồng lõa với cái xấu, cái sai, sự dối trá, gian lận, ranh giới như đường tơ kẽ tóc. Khi ấy, trách sao tuổi trẻ chỉ "lên án" sự vô đạo đức trong bài văn nhằm kiếm điểm mà thôi?
Còn các bạn trẻ, thay đổi là tỉnh táo, chủ động học cho mình, vì tri thức, kỹ năng và những ứng xử cần thiết trong nghề nghiệp sau này, học để suy nghĩ, tìm tòi và tự xác định những giá trị mà bạn có thể sống chết vì nó, chứ không thụ động "làm theo thiên hạ" hay theo sắp đặt của mẹ cha với tâm lý ỷ lại... Là thể hiện khí phách tuổi hai mươi, "giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha" thay vì đổ thừa thế hệ đi trước về mọi điều mình chưa làm được... Với mọi phương tiện truyền thông hiện đại trong tầm tay, tự mình tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra hằng ngày ở nước mình và nhiều nước khác, tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình, dám yêu thương, phẫn nộ và hành động từ trái tim, khối óc của chính mình... Nếu các bạn tự chủ - không có tự do, tự chủ đích thực nào lại chỉ chờ người ta ban phát trong một quan hệ xin-cho - tự cường, tự giáo dục mình thành người công dân có trách nhiệm... thì việc bạn vào đại học hay vào đời bằng con đường nào khác đều chẳng phải là đáng bận tâm lắm đâu. Giáo dục, như ý nghĩa ngàn đời giản dị của nó, trước hết là tự giáo dục, để nên người."

Chị Phượng quên một đối tượng (mà có lẽ đóng vai trò hết sức quyết định)- đó là các nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường, các vụ trưởng, bộ trưởng và cả Ban tuyên giáo, UB Giáo dục quốc hội, v.v. Họ là những stakeholder có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hoặc cấm cản mọi nỗ lực đòi hỏi đổi mới giáo dục của toàn Xã hội đã hàng chục năm nay!

Đọc: "Giáo dục trước hết là tự giáo dục" (Bùi Trân Phượng, tuanvietnam.vietnamnet, 26/8/2012)

Đọc thêm: "Giáo dục cổ truyền và giáo dục hiện đại" (TS Nguyễn Khánh Trung, vietnamnet, 26/8/2012)

No comments:

Post a Comment