Trang

Monday, August 20, 2012

"Binh pháp Tôn Tử" hay tính liên tục trong chính sách thôn tính Việt Nam của các đời lãnh đạo Cộng sản Trung hoa

Độc giả Đỗ Trọng Nghĩa viết lời bình như sau về bài báo "Nhân dân nhật báo TQ “điểm mặt” nhóm chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa 1974" đăng trên giaoduc.net.vn ngày 18/8/2012:

Đỗ Trọng Nghĩa - 19/08/2012 22:13
"Chuyện từ Xưa đến Nay 
Chiếm Hoàng Sa của Việt Nam , lập thành phố Tam Sa, Binh pháp Tôn Tử đang được lớp hậu duệ ở Trung quốc thực hiện xuất sắc . 
Binh pháp Tôn Tử của Tôn Vũ giúp vua Ngô chinh phục các nước nhỏ láng giềng ,ra đời vào thời Xuân Thu nước Trung Hoa cổ đại, cách đây đã trên 2.500 năm. Thời đó chưa có quân chủng Không quân , Hải quân , chưa có các binh chủng pháo binh ,tên lửa , tăng thiết giáp như bây giờ nhưng những mưu lược và kế sách trong Binh pháp Tôn Tử vẫn còn nguyên giá trị, đang được lớp hậu duệ ở Trung quốc thực hiện xuất sắc trong việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa . 
Trước hết là kế “ Dĩ dật đãi lao “ ( dưỡng sức chờ thời ) của Đặng Tiểu Bình đã được thực hiện thành công xuất sắc để Trung quốc có sức mạnh cứng như hiện nay . 
Kế “ Vô trung sinh hữu “ ( từ không có làm ra có ) đã được họ thực hiện thành công ,chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam , lập ra thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm đưa quân ra đồn trú , với âm mưu áp dụng điều 121 của Công ước UNCLOS 1982 , đưa ra chủ quyền đối với các khu vực hàng hải của hòn đảo , bao gồm vùng đặc quyền kinh tế , thềm lục địa và vùng tiếp giáp , có diện tích khoảng 2 triệu Km2 đang thuộcvùng biển của các nước khác trong đó có Việt Nam. 
Từ năm 1974 , Trung quốc đã dùng kế “ Nhất tiễn hạ song điểu “ ( bắn một phát trúng 2 con chim ) , vừa tỏ ra đứng về phía CHXHCNVN để đánh quân của chính quyền Saigon , vừa chiếm được quần đảo Hoàng Sa mà CHXHCNVN lúc đó không thể lên tiếng phản đối . 
Cũng trong việc này họ đã dùng kế “ Sấn hoả đả kiếp “ ( hành động theo lửa ) , lợi dụng lúc quân viễn chinh Hoa Kỳ đã rút khỏi miền nam Việt Nam , quân đội Saigon đã suy yếu để đánh chiếm Hoàng Sa khá dễ dàng . 
Kế “ Ám độ trần sương “ ( Đi theo con đường không ai nghĩ đến ) cũng được họ dùng rất thành công . Chính Mao Trạch Đông , lúc đó là người được coi như Thánh sống của Trung quốc đã chỉ thị cho quân Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa mà không ai nghĩ đến ông ta làm việc này vì Trung quốc thường nói tình hữu nghị Trung – Việt là do Mao chủ tịch và Hồ Chủ tịch đã dày công vun đắp , chỉ có lớp hậu bối mới dám làm việc như thế. 
Năm nay 2012 , kế “ Tả đao sát nhân “ ( mượn đao người khác để giết người ) cũng đã được họ tận dụng , mua được tâm của Ngài Bộ trưởng ngoại giao Campuchia để chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông , có lợi cho yêu sách của Trung quốc . 
Chắc hẳn yêu sách của Trung quốc về đường chín đoạn ở Biển Đông không dừng ở đây và họ sẽ dùng kế “ Thuận thủ khiên dương “ ( nắm cơ hội mới xuất hiện để giành thắng lợi) để thực hiện yêu sách đó . 
Đọc Binh pháp Tôn Tử sẽ giúp ta hiểu người bạn láng giềng và đề phòng những điều bất ngờ có thể xảy ra. 
Đỗ Trọng Nghĩa

Nhân dân nhật báo TQ “điểm mặt” nhóm chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa 1974

Thứ bảy 18/08/2012 13:05
(GDVN) - Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tháng 5/1974 Mao Trạch Đông đã chỉ thị điều động 3 tàu hộ vệ mang tên lửa đạn đạo từ hạm đội Đông Hải xuống tăng cường cho hạm đội Nam Hải

Ngày 6/8 vừa qua, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin tờ Nhật báo Tế Nam giật tít: “Quyết định đánh trận cuối cùng trong đời Mao Trạch Đông: Đồng ý đánh Hoàng Sa” nói thẳng, việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là quyết định “đánh trận cuối cùng” của Mao Trạch Đông và là quyết định “đánh trận đầu tiên” của Đặng Tiểu Bình khi được phục chức.

Tân Hoa Xã: Mao Trạch Đông là người ra lệnh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Tiếp đó, ngày 9/8, Nhân dân nhật báo Trung Quốc bản điện tử lại tiếp tục đăng bài “Chiến tranh Hoàng Sa giữa Trung Quốc – Việt Nam 1974: Những tình tiết ít người biết đến” nhằm tiếp tục luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử.
Trong bài viết này, chính tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã “điểm mặt” 6 viên chỉ huy cao nhất của Trung Quốc thực hiện mệnh lệnh của Mao Trạch Đông, dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lúc đó đang do hải quân miền nam Việt Nam quản lý và thực thi chủ quyền.
Sau khi Mao Trạch Đông bút phê: “Đồng ý đánh!” vào báo cáo tình hình Hoàng Sa – Biển Đông do Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh soạn thảo,  Chu Ân Lai lập tực triệu tập hội nghị thành lập nhóm chỉ huy đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngay trong ngày 17/1/1974. Cùng ngày, Chu Ân Lai quyết định phương án điều động lực lượng quân khu Quảng Châu tham gia đánh chiếm Hoàng Sa.

Đặng Tiểu Bình (phải) và nhóm chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 

8 giờ tối ngày 17/1/1974, Chu Ân Lai chủ trì hội nghị thành lập nhóm chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa gồm 5 nhân vật: Diệp Kiếm Anh (cầm đầu), Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên, sau này bổ sung thêm Tô Chấn Hoa.
Nhóm chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa đã lập tức điều động 2 chiến hạm phá ngư lôi 396 và 389 của hạm đội Nam Hải thuộc căn cứ Quảng Châu, 2 chiến hạm 271 và 274 hạm đội Nam Hải thuộc căn cứ Du Lâm đổ bộ ra nhóm đảo Lưỡi Liềm tuần tra phục sẵn, đồng thời phái 4 đội dân binh vũ trang ra các đảo Duy Mộng, Quang Hòa Tây và đảo Quang Hòa.
Tiếp đó quân Trung Quốc phái 2 chiến hạm 281 và 282 tiến ra phía tây đảo Phú Lâm, đồng thời điều động 2 máy bay thuộc trung đoàn không quân 22 hạm đội Nam Hải tham gia yểm trợ. Phía Trung Quốc bài binh bố trận đã xong.

Chu Ân Lai (giữa) và Đặng Tiểu Bình (phải) chỉ đạo quân Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974
Sáng sớm 19/1/1974, Chu Ân Lai lại nhóm họp 5 viên chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa bàn phương án, đồng thời bổ sung thêm Tô Chấn Hoa vào nhóm này và giao việc chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình phụ trách.
Theo tài liệu Nhân dân nhật báo Trung Quốc đang tuyên truyền, cũng trong sáng sớm 19/1/1974, 3 tàu khu trục và một tàu hộ vệ của hải quân miền nam Việt Nam đang tuần tra tại khu vực nhóm Lưỡi Liềm thì phát hiện các tàu Trung Quốc đã xuất hiện gần đó.

Từ trái qua: Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Vương Hồng Văn
Theo tài liệu tuyên truyền của Nhân dân nhật báo, trận chiến đánh chiếm Hoàng Sa nổ ra ngày 19/1/1974. 10 giờ 22 phút sáng cùng ngày, 1 tàu Trung Quốc bị trúng đạn pháo của tàu hải quân miền nam Việt Nam. Tuy nhiên do quân Trung Quốc quá đông, chúng thực hiện chia cắt 4 tàu hải quân miền nam Việt Nam và dồn dập dội hỏa lực, chỉ 13 phút sau, quân Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong.
Ưu thế quân đông, tàu nhiều, quân Trung Quốc tấn công dồn dập, đến 2 giờ 52 phút chiều, theo tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc, quân Trung Quốc đã chiếm được các đảo chính thuộc quần đảo Hoàng Sa. Diệp Kiếm Anh báo cáo Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông chỉ thị tiếp tục đánh chiếm các đảo Quang Ảnh, Hoàng Sa và Hữu Nhật. 9 giờ 35 phút sáng 20/1/1974, quân Trung Quốc đổ bộ chiếm nốt 3 đảo này.

Từ trái qua: Trương Xuân Kiều, Tô Chấn Hoa, Trần Tích Liên
Theo tài liệu phía Trung Quốc đang tuyên truyền, trong trận đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, phía Trung Quốc chết 18 người, trong đó có Phùng Tùng Bách – Chính ủy tàu 274, bị thương 67 người, tàu 389 bị trúng đạn hỏng nặng. Tài liệu tuyên truyền của Nhân dân nhật báo không nhắc đến con số thương vong của hải quân miền nam Việt Nam trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tháng 5/1974 Mao Trạch Đông đã chỉ thị điều động 3 tàu hộ vệ mang tên lửa đạn đạo từ hạm đội Đông Hải xuống tăng cường cho hạm đội Nam Hải và chính Tưởng Giới Thạch đã đồng ý cho 3 tàu này đi qua eo biển Đài Loan xuống Biển Đông nhằm thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài.

No comments:

Post a Comment