Trang

Sunday, December 29, 2013

Vụ Trần Trung trên báo Người cao tuổi: "Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên, Bộ GD&ĐT: Lạm thu, trù dập cán bộ, đuổi việc lao động đang mang thai… Hiệu trưởng vẫn bình yên vô sự"

Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên, Bộ GD&ĐT: Lạm thu, trù dập cán bộ, đuổi việc lao động đang mang thai… Hiệu trưởng vẫn bình yên vô sự

Cán bộ, giáo viên Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên (ĐHSPKT Hưng Yên) thuộc Bộ GD&ĐT gửi đơn đến Báo Người cao tuổi, tố cáo, phản ánh nhiều sai phạm liên quan đến PGS, TS Trần Trung, Hiệu trưởng nhà trường. Thanh tra Bộ kết luận hàng loạt sai phạm, trong đó nhiều nội dung vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự. Nhưng sau đó ông Trần Trung không bị xử lí hành chính hay hình sự, còn được tái bổ nhiệm Hiệu trưởng thêm nhiệm kì nữa…

Chưa đủ điều kiện đã mở khoa, tuyển sinh đào tạo Thạc sĩ
Ban hành nhiều văn bản trái quy định; tùy tiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, tuyển dụng cán bộ; lập nhiều khoản thu và quỹ trái pháp luật; kí trái thẩm quyền nhiều chứng chỉ; tự ý điều chuyển khoa May và Thời trang từ cơ sở 1 đến cơ sở 2, gây thất thoát hàng tỉ đồng; trù dập cán bộ; đuổi việc lao động đang mang thai, v.v… Đó là những nội dung đơn của cán bộ, giáo viên Trường ĐHSPKT Hưng Yên tố cáo đối với PGS.TS Trần Trung. Trong số đó, người công khai lên tiếng vạch trần hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng là ông Ngô Thanh Bình, cựu Trưởng phòng Đào tạo, cựu Trưởng phòng Hành chính Quản trị, cựu Trưởng phòng Quản lí Khoa học và Đối ngoại… hiện đang xin nghỉ không lương để đấu tranh chống tiêu cực.
Tại những lá đơn gửi Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng và báo chí, ông Bình liệt kê 9 nội dung sai phạm của ông Trần Trung, Hiệu trưởng, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng mang dấu hiệu hình sự. Đơn ông Bình viết: Thời điểm năm 2005 – 2006, nhà trường vẫn thiếu giảng viên cơ hữu có học vị Tiến sĩ, nhưng vẫn tiến hành mở một loạt khoa chuyên ngành: May, Thời trang, Kinh tế, Ngoại ngữ, Sư phạm Kĩ thuật… trong điều kiện các khoa này không có tiến sĩ nào, vi phạm quy định tại Điều lệ Trường đại học. Năm 2010, nhà trường lại tiến hành tuyển sinh đào tạo thạc sĩ, khi toàn trường chỉ có 3 PGS và 9 TS, không bảo đảm số giảng viên cơ hữu theo quy định là 5 TS thuộc ngành đăng kí đào tạo. Thế nhưng trên trang web của trường lại công bố gian dối là có 36 GS, PGS, TS. Không những thế, một số ngành chưa được phép, nhưng năm 2013 vẫn thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ.
Tự kí chứng chỉ quốc tế, vi phạm bản quyền
Trong lĩnh vực đào tạo, ông Trung ngang nhiên ban hành chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC, là loại chứng chỉ quốc tế do ETS Hoa Kỳ (tức Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ) phát triển từ chương trình trắc nghiệm TOEFL, ủy quyền cho IIG Việt Nam, là đơn vị duy nhất được phép cấp tại Việt Nam. Đây là việc làm trái quy định của Luật Giáo dục đại học và Quy chế văn bằng chứng chỉ. Nhà trường thanh minh, TOEIC chỉ là chứng chỉ lưu hành nội bộ. Tài liệu thu thập được cho thấy, Trường ĐHSPKT Hưng Yên lấy nguyên mẫu chứng chỉ TOEIC do ETS phát hành, nhưng in thêm dòng chữ nhỏ “Institutional” dưới chân chữ TOEIC, để giải thích là “giá trị nội bộ”. Cách giải thích này không có cơ sở, thiếu thuyết phục. Theo Từ điển Anh – Việt, từ Institutional được dịch nghĩa tiếng Việt là “(thuộc) cơ quan, có tính chất là cơ quan”. Khác hẳn nghĩa cụm từ “giá trị nội bộ”. Đây phải chăng là hình thức “lách”, để người xem dễ lầm tưởng với từ Institute có nghĩa là “Viện, Học viện, Trường, Hội sở”?! Mặt khác, việc lấy nguyên mẫu chứng chỉ của ETS, dẫn đến dễ nhầm lẫn là chứng chỉ do IIG cấp theo ủy quyền của ETS, là hành vi xâm phạm bản quyền, không thể “cãi” chỉ có giá trị trong nội bộ được.
Trên thực tế, nhiều sinh viên được cấp chứng chỉ này đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Ai dám chắc họ không sử dụng chứng chỉ TOEIC do ĐHSPKT Hưng Yên cấp, để minh chứng văn bằng chứng chỉ nhằm mục đích lên chức, lên quyền? Chưa nói đến việc sinh viên sẽ dùng chứng chỉ này để thay thế chuẩn đầu ra trong quá trình đào tạo. Thoạt nhìn, tưởng sai phạm này là nhỏ, song hệ lụy rất lớn, không những xâm phạm bản quyền, mà còn gây hậu quả khôn lường, cần phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu nhà trường.
Vi phạm thỏa thuận riêng biệt giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW)
Nhằm nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã kí kết với Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) về việc vay một khoản tiền để thực hiện dự án, với mục tiêu nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo cho 10 trường dạy nghề và trường đào tạo giáo viên dạy nghề, nằm trong 40 trường trọng điểm lĩnh vực này. Tổng kinh phí theo dự kiến khoảng 15.760.000 EUR (ơ-rô), trong đó có giá trị khoản vay là 11.346.043,54 ơ-rô. Trường ĐHSPKT Hưng Yên là 1/10 đơn vị (sau đó là 1/11 đơn vị) thực hiện dự án, với nguồn vốn vay 1.675.000 ơ-rô, vốn đối ứng là 251.300 ơ-rô để xây dựng 2 tòa nhà khoa May và Thời trang tại cơ sở 1, gồm các phòng của tòa nhà được thiết kế và xây dựng theo tính năng cắt, thiết kế, may… được các chuyên gia nước ngoài tư vấn, thiết kế… Khi dự án chưa bàn giao nghiệm thu xong, Hiệu trưởng Trần Trung đã kí quyết định chuyển toàn bộ sang cơ sở 2, trong khi tại cơ sở 2 là nhà điều hành, nên không có thiết kế mạng điện động lực, phải tốn hàng tỉ đồng để lắp đặt mạng điện mới và thay đổi công năng sử dụng.
Theo thỏa thuận riêng biệt được kí kết giữa Bộ Tài chính Việt Nam và KFW, bất kì thay đổi lớn nào trong thiết kế dự án đều phải được đồng thuận của KFW. Cơ quan thực hiện dự án phải thông báo ngay lập tức cho KFW về lí do, các giải pháp kế hoạch, kết quả của sự thay đổi (bao gồm cả kinh phí) và chỉ được thực hiện khi đã được KFW thẩm định, đồng thuận. Dự án sử dụng vốn do Bộ Tài chính vay của KFW, đương nhiên phải được coi là sử dụng vốn Nhà nước. Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 87/2010/TT-BTC ra ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính, về quản lí và xử lí tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước khi dự án kết thúc quy định: “Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi kết cấu, phụ tùng, linh kiện của tài sản; cho thuê, cho mượn tài sản hoặc tự ý sử dụng tài sản khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, việc Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT Hưng Yên tự ý chuyển khoa May và Thời trang từ cơ sở 1 sang cơ sở 2, có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái thỏa thuận riêng biệt giữa Bộ Tài chính Việt Nam với KFW và trái quy định tại Thông tư số 87/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Sai phạm này không nhỏ, không những vi phạm quy định của Nhà nước, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đầu tư giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính quốc tế, cần phải được xem xét xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.
 Hoàng Linh
Trần Trung muối mặt giải trình, nhưng những nhân sự bị trù úm hay bị buộc thôi việc & các sinh viên chiu thiệt thì ai đền bù cho họ?

1 comment: