Trang

Monday, February 17, 2014

Loạt bài về chiến tranh chống bành trướng Bắc kinh 1979 và quan hệ Việt Nam- Trung quốc trên Văn hóa Nghệ An

NGUYỄN THỊ MAI HOA:
Mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ Việt - Trung và chiến tranh biên giới tháng 2 - 1979
Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc đối với Việt Nam sau tháng 2 - 1979
Giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam những năm chống chiến tranh phá hoại (1965 - 1972)

HỒ KHANG:
Chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng 2 - 1979


MÂU THUẪN, XUNG ĐỘT TRONG QUAN HỆ VIỆT - TRUNG VÀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI THÁNG 2 - 1979

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ bảy, 15 Tháng 2 2014 15:19
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 2.1979Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 2.1979
Trong những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam Việt Nam (1975), Trung Quốc là nước tiếp tục giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam. Theo một logic thông thường, lý ra sự hợp tác, quan hệ truyền thống giữa hai nước càng phải được củng cố, phát triển. Tuy nhiên, từ giữa năm 1975, do nhiều nguyên nhân lịch sử, chính trị.... quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rạn nứt và trở nên không bình thường, rơi vào tình trạng thường xuyên căng thẳng dẫn đến đến đối đầu, xung đột với sự kiện đỉnh cao là cuộc tấn công của Trung Quốc dọc theo biên giới phía Bắc Việt Nam (2-1979).
1- “Khoảng lặng” trong quan hệ Việt - Trung
Sau năm 1975, điều bất thường là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu bộc lộ nhiều “lỗ hổng” và mang dáng vẻ lạnh nhạt. Dường như không phải ngẫu nhiên mà đúng lúc Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tại Bắc Kinh, tờ Nhân dân nhật báo ngày 18-9-1975 đã đăng 6 ảnh lớn về các đơn vị quân đội Trung Quốc ở Hoàng Sa[1]. Tương tự, một ngày sau khi phái đoàn Việt Nam rời khỏi Trung Quốc, các bức ảnh lớn về Hoàng Sa tiếp tục xuất hiện trong những tờ báo uy tín tại Bắc Kinh. Nhìn chung, chuyến thăm Bắc Kinh tháng 9-1975 của Lê Duẩn được các nhà quan sát coi như một thất bại chính trị - ngoại giao[2], bởi mặc dù được tiếp đón có vẻ như trọng thị, song phái đoàn đã rút ngắn thời gian lưu lại tại Bắc Kinh và đã không mở tiệc chiêu đãi để cảm tạ lòng hiếu khách của người Trung Hoa như vẫn thường thấy trong thông lệ ngoại giao. Phái đoàn đã rời Bắc Kinh đúng hai ngày trước khi kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1-10), mà không đưa ra bất cứ một phát biểu hoặc thông cáo nào về cuộc viếng thăm. Tiếp đó, ngày 26-11-1975, sau khi Đoàn Việt Nam kết thúc chuyến thăm hữu nghị Liên Xô, tờ Quang minh nhật báo có bài viết về Hoàng Sa và Trường Sa với lời báo động không giấu giếm: "Một số đảo vẫn chưa trở về trong tay nhân dân Trung Hoa… Tất cả các đảo thuộc về Trung Hoa đều phải trở về lãnh thổ của Tổ quốc"[3].
Tuy hai nước còn cố gắng kiềm chế, tránh xung đột, nhưng từ giữa những năm 1976, quan hệ Việt - Trung đã xấu đi rất nhanh chóng với các tranh cãi liên quan đến vấn đề biên giới, vấn đề người Việt gốc Hoa và đặc biệt về vai trò của Liên Xô trong các vấn đề thế giới, khu vực. Trong bài phát biểu của Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ ngày 24-9 đến 24-10-1976) xuất hiện những cụm từ nhiều hàm ý: “Ta thắng là nhờ có sự giúp đỡ tích cực của Liên Xô, Trung Quốc, của phe ta, của thế giới, Liên Xô và Trung Quốc giúp ta rất nhiều. Không có sự giúp đỡ của họ ta khó lòng thắng được. Ta phải luôn luôn biết ơn Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác đã giúp ta; ta nói cho con cháu ta mãi mãi nhớ ơn họ. Nhưng chúng ta phải độc lập, tự chủ bởi vì trong quan hệ quốc tế, mỗi nước có lập trường riêng do vị trí và quyền lợi mỗi nước một khác, cho nên giữa các nước anh em, khó có sự nhất trí với nhau, có khi về những vấn đề rất quan trọng đối với một nước trong phe, cũng không nhất trí được”[4].
Tháng 2-1977, Trung Quốcngỏ ý với Việt Nam rằng, không sẵn sàng cung cấpviện trợ cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh[5].
Cũng vào thời kỳ này, biên giới Việt Nam - Campuchia liên tục có xung đột. Chính phủ Việt Nam không dưới một lần đề nghị Trung Quốc giúp đỡ dàn xếp, mong muốn thông qua hợp tác với Trung Quốc tác động tới phía Campuchia, song Trung Quốc đã im lặng. Việc Trung Quốc từ chối ủng hộ Việt Nam trong việc tìm kiếm các phương thức giải quyết căng thẳng biên giới với Campuchia càng cho thấy những vết nứt sâu hơn trong quan hệ hai nước. Điều đáng chú ý là trong thời điểm phức tạp, nhạy cảm của quan hệ Việt Nam - Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Hoa đã chính thức phát biểu (30-7-1977): “Chúng tôi ủng hộ lập trường chống đế quốc xét lại Liên Xô của Campuchia... và sẽ không thể ngồi nhìn bất cứ sự can thiệp nào đối với chủ quyền Campuchia hoặc thèm khát lãnh thổ nào bởi đế quốc xã hội. Chúng tôi sẽ ủng hộ Campuchia trong cuộc đấu tranh và có các hành động nhằm bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia Campuchia bằng mọi sự giúp đỡ có thể”[6]. Ngầm sau lời tuyên bố đó, người ta dễ dàng nhận thấy ẩn ý “chống lưng” của Ban lãnh đạo Trung Quốc đối với tập đoàn Polpot-Iêngxari.
Ngày 20-11-1977, Lê Duẩn sang thăm Trung Quốc một lần nữa. Đây được coi như một nỗ lực nhằm hàn gắn những vết rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc, thực hiện việc cố gắng cân bằng quan hệ giữa Việt Nam - Liên Xô; Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy rằng, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Lê Duẩn đã được đón tiếp với một thái độ vừa phải (nếu không muốn nói là lạnh nhạt), trái ngược với sự trọng thị và nồng nhiệt được dành cho Polpot trước đó một tháng[7]. Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của Lê Duẩn chẳng những không làm cho quan hệ hai nước ấm lên, mà bộc lộ những bất đồng mới. Trong cuộc hội đàm giữa Lê Duẩn và Hoa Quốc Phong, mặc dù hai bên đều tránh nói đến một vấn đề tế nhị trong quan hệ hai nước là những tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa, song sự khác biệt về quan điểm đối với việc nhìn nhận thế giới, chiến tranh và hòa bình… đã bộc lộ ngày càng rõ. Lê Duẩn bày tỏ quan điểm không tham gia vào cuộc tranh cãi Trung - Xô thông qua việc "chân thành cảm ơn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác về sự nhiệt tình, giúp đỡ to lớn đối với Việt Nam". Không khí có vẻ căng thẳng hơn, khi Lê Duẩn đề nghị những nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu Campuchia Dân chủ chấp nhận một giải pháp cho cuộc xung đột trên tuyến biên giới Tây Nam, nhưng Trung Quốc đã không mấy mặn mà. Cuối cùng, giống như chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9-1975, Lê Duẩn cũng đã ra về mà không mở tiệc khoản đãi “những người Trung Hoa anh em”.
Về phía Trung Quốc, từ cuối năm 1977, các văn kiện của Quân khu Quảng Châu luôn nhấn mạnh tinh thần "phải chuẩn bị các mặt để đánh Việt Nam", tuyên truyền: "Việt Nam là tay sai của Liên Xô, có tham vọng xâm lược Campuchia, Lào, chiếm Đông Nam Á, thực hiện bá quyền khu vực, phải đánh cho bọn xét lại Việt Nam, không đánh là không thể được và phải đánh lớn. Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa"[8]. Tháng 1-1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột Việt Nam - Campuchia. Một lần nữa Trung Quốc không đáp ứng. Trong khi đó, tháng 1-1978, Bà Đặng Dĩnh Siêu, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Phnompenh và ký một hiệp định xúc tiến viện trợ quân sự cho Campuchia Dân chủ, bắt đầu chuyển vũ khí đến Campuchia. Thậm chí, trong chuyến thăm, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tuyên bố, Trung Quốc sẽ không tha thứ cho một cuộc tấn công nào vào liên minh của họ (ngụ ý ám chỉ Việt Nam đã rõ, mặc dù không nêu đích danh).
2- Những đợt sóng mới
Sự rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung trở nên sâu sắc và chuyển dần sang trạng thái căng thẳng, xung đột thể hiện qua hàng loạt sự kiện rắc rối khác, mà trước tiên là vấn đề người Việt gốc Hoa.
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là nơi có số lượng tương đối lớn Hoa kiều làm ăn, sinh sống, "lên tới hơn 20 triệu người (năm 1978)"[9]. Ở Việt Nam có khoảng 1,2 đến 2 triệu người Hoa đến lập nghiệp từ lâu đời, là một trong những thế lực kinh tế mạnh mẽ, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Hoa kiều được gọi là “đội quân thứ năm” trong chính sách tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Người Hoa là một bộ phận cùng hợp thành cộng đồng dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc thống nhất trong đa dạng.Cư dân người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc nhóm ngôn ngữ Hán của ngữ hệ Hán – Tạng[10]. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX, quy chế đối với người Hoa ở Việt Nam không khác gì so với cư dân thuộc các cộng đồng dân tộc khác[11]. Trong chiến tranh và xây dựng đất nước thời bình, người Hoa đã “đồng cam cộng khổ”, sát cánh cùng các dân tộc Việt Nam.
Về phía Trung Quốc, trước năm 1949, Trung Quốc yêu cầu tất cả các Hoa kiều tiếp tục giữ quy chế công dân Trung Quốc, hoặc có hai quốc tịch. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đòi duy trì quyền lãnh ngoại (quyền có thể can thiệp vào nước khác để bảo vệ kiều dân của mình). Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á đã đưa ra những đạo luật hạn chế các hoạt động của người Hoa, đặc biệt là hạn chế quy chế hai quốc tịch. Năm 1950, theo sáng kiến của Chu Ân Lai, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức từ bỏ yêu sách về quyền lãnh ngoại, coi như là sự chấp nhận những nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia.
Năm 1955, ở miền Bắc Việt Nam, theo thỏa thuận của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, "người Hoa cư trú ở miền Bắc Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"[12], sau dần dần chuyển thành công dân Việt Nam, được hưởng những quyền lợi như người Việt Nam và tự nguyện nhận quốc tịch Việt Nam. Cho đến năm 1975, giữa Việt Nam - Trung Quốc không có bất cứ một bất đồng nào trong vấn đề người Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Còn ở miền Nam Việt Nam, từ năm 1956, dưới Chính quyền Ngô Đình Diệm, Hoa kiều đã gia nhập quốc tịch Việt Nam để có điều kiện dễ dàng làm ăn, sinh sống[13].
Tháng 4-1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Vấn đề người Hoa được Trung Quốc nêu lên. Trung Quốc coi việc Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp, động chạm tới người Hoa ở một số thành phố lớn miền Nam như một sự công khai thách đố chính sách bảo vệ Hoa kiều hải ngoại mà Trung Quốc vừa công bố[14]. Một phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam được dấy lên. Trung Quốc đưa ra chính sách "đoàn kết với giai cấp tư sản Hoa kiều", kêu gọi chống lại chính sách "bài Hoa" của Việt Nam; đồng thời, loan truyền trong cộng đồng người Việt, gốc Hoa những luận điệu kích động[15]về một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa Việt Nam - Trung Quốc, gây tâm lý hốt hoảng trong quần chúng người Hoa. Do sự khuyến khích đó của Trung Quốc và với sự im lặng đồng tình ngầm của Việt Nam muốn tống xuất hiểm họa của "đội quân thứ năm", trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc[16]. Ngày 30- 4-1978, Chủ nhiệm Văn phòng Hoa kiều vụ đã phát biểu bày tỏ "sự quan tâm đối với hiện tượng Hoa kiều ở Việt Nam về nước hàng loạt", hứa hẹn "sẽ sắp xếp thích đáng cho những Hoa kiều đã trở về một cách vội vàng". Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng "nạn kiều", Trung Quốc lập ra các trạm đón tiếp dọc theo biên giới hai nước, tuyên bố sẽ gửi hai tầu chuyên chở sang Việt Nam để đón "nạn kiều" về nước, nói trắng ra rằng, tàu Trung Quốc sang Việt Nam không phải để đón người Hoa, người Việt gốc Hoa, hay Hoa kiều muốn đi Trung Quốc", mà đón "nạn kiều"[17].Tháng 5-1978, Trung Quốc đơn phương đưa tàu sang đón người Hoa về Trung Quốc[18]Ngày 12-7-1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới Việt Nam – Trung Quốc, làm cho hàng vạn người Hoa muốn đi Trung Quốc bị kẹt lại, tạo nên tình trạng mất an ninh ở khu vực biên giới. Đến khi các đợt ra đi của người Hoa trở nên ồ ạt, Trung Quốc lại đưa ra điều kiện là người Hoa muốn về Trung Quốc phải chính thức xin giấy phép hồi hương do Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cấp, cần có hộ chiếu xuất cảnh của Chính quyền Việt Nam. Trung Quốc chỉ đón nhận những “nạn kiều người Hoa” đang bị Chính quyền Việt Nam ngược đãi, chứ dứt khoát không nhận về “người Việt gốc Hoa”, hay người Hoa có quốc tịch Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, trong khi Trung Quốc khêu lên vấn đề bảo vệ Hoa kiều một cách mạnh mẽ, thì ở Campuchia, do chính sách khủng bố trong nước của Chính quyền Campuchia, hàng vạn Hoa kiều chạy khỏi Campuchia, song Trung Quốc đã không có bất cứ một động thái phản đối nào.
Sự ra đi đông đảo của cư dân người Hoa đã làm cho tình trạng kinh tế tại các vùng biên giới phía Bắc Việt Nam trở nên tồi tệ. Hàng vạn người Hoa vội vã bỏ nhà cửa, chuẩn bị “hồi hương” đã phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế nhỏ trong các hộ gia đình, làm tăng thêm tình trạng khan hiếm hàng hoá tiêu dùng một cách gay gắt, đánh mạnh vào nền kinh tế Việt Nam vốn đã khủng hoảng. Vấn đề người Hoa ở Việt Nam và phong trào đòi trở lại quốc tịch Trung Quốc đã làm mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trở nên phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân làm căng thẳng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau năm 1975.
Việc Trung Quốc đơn phương cắt viện trợ cho Việt Nam là một trong những nguyên nhân tiếp theo làm cho sự căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung ngày càng gia tăng. Ngày 12-5-1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Công hàm cho Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc thông báo quyết định cắt 21 dự án ở Việt Nam, với lý do là để chuyển các khoản tiền cùng vật chất trong các dự án này cho người Hoa hồi hương sinh hoạt và lao động sản xuất. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã gửi Chính phủ Việt Nam Công hàm ngày 30-5-1978 hủy bỏ thêm thêm 51 dự án khác[19], cũng với lý do cách đối xử của Chính phủ Việt Nam đối với người Hoa là gánh nặng tài chính cho Trung Quốc, do Trung Quốc phải giải quyết vấn đề người Hoa nhập vào Trung Quốc từ Việt Nam[20]. Chỉ trong tháng 5-1978, Trung Quốc đã cắt 72 trong số 111 công trình viện trợ[21],gây cho Việt Nam nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Ngày 3-7-1978, Trung Quốc gửi thêm một công hàm nữa cho Chính phủ Việt Nam thông báo chấm dứt mọi trợ giúp kinh tế, kỹ thuật[22]và rút tất cả các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam về nước[23].Ngày 22-12-1978, Trung Quốc đơn phương hủy bỏ việc chuyên chở trên tuyến đường sắt liên vận từ Hà Nội đến Bắc Kinh. Lý giải việc cắt toàn bộ viện trợ, ngoài  lý do vì “gánh nặng rất lớn về tài chính của Trung Quốc trong việc sắp xếp sản xuất và đời sống cho nạn kiều”[24], Trung Quốc còn đưa thêm lý do “Việt Nam ngày càng chống Trung Quốc, bài Hoa một cách nghiêm trọng, phá hoại các điều kiện tối thiểu nhất để các chuyên gia Trung Quốc tiếp tục công tác tại Việt Nam”[25], nên “Chính phủ Trung Quốc mới buộc phải quyết định ngừng viện trợ kinh tế, kỹ thuật cho Việt Nam, điều cán bộ Trung Quốc ở Việt Nam về nước”[26].  Cần lưu ý rằng, từ chối viện trợ cho Việt Nam với lý do “gánh nặng kinh tế giải quyết vấn đề người Việt gốc Hoa”, nhưng trong dịp Vương Thượng Vĩnh, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đến Phnôm Pênh đàm phán với Son Sen (2-1976), những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ký viện trợ quân sự cho Campuchia một khoản tiền không hề nhỏ, trị giá 226 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) trong ba năm (1976-1978)[27].
Cắt viện trợ cho Việt Nam vào thời điểm Việt Nam mới ra khỏi khói lửa chiến trường, đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước và gồng mình bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam, quả thật, Trung Quốc đã giáng một “đòn chí tử” có tính toán vào nền kinh tế của Việt Nam đang trong thời kỳ bấp bênh, khiến Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những thử thách mới.
Cùng với việc đơn phương cắt bỏ mọi khoản viện trợ mà hai bên đã ký kết, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự. Ngày 17-6-1978, Trung Quốc yêu cầu các lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải dời về nước. Quan hệ Việt - Trung tiếp tục đi xuống một bước.
Đi kèm với vấn đề người Hoa,“câu chuyện Campuchia” tiếp tục là một nhức nhối mới trong quan hệ Việt - Trung.
 Ngay từ giữa những năm 60 (XX), các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có kế hoạch nắm trọn vấn đề Campuchia, phục vụ  mục đích tạo vùng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á, sau khi nhận thấy “những biểu hiện bướng bỉnh” của Việt Nam đi chệch quỹ đạo mà Trung Quốc muốn sắp đặt. Từ năm 1973, Ban lãnh đạo Trung Quốc đã có chỉ thị: "Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam - TG) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta"[28].Nói như nhà báo Gareth Porter (tờ Dân tộc, New York), thì “Campuchia đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm bao vây ảnh hưởng của Việt Nam tại Đông Nam Á”[29]. Thực hiện kế hoạch nắm Campuchia, Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Campuchia Dân chủ. Theo tính toán của nhà nghiên cứu D.R.SarDesai, “từ năm 1975-1978, Trung Quốc cung cấp cho Campuchia súng đại bác, súng cối, súng bazoca, súng đại liên, súng trung liên, vũ khí các loại, xe cộ và xăng đầu đầy đủ để trang bị cho đội quân 200.000 người. Trung Quốc cũng viện trợ cho Campuchia một khoản tiền rất lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc đã gửi khoảng 10.000 cố vấn và chuyên gia quân sự sang Campuchia để hỗ trợ và rèn luyện quân đội Pôn Pốt”[30]. Nhà báo Marish Chandona[31] cung cấp một thông tin: Nếu tháng 7-1977, Campuchia chỉ có 6 sư đoàn, thì vào tháng 1-1978, Campuchia có 25 sư đoàn, Trung Quốc đã cung cấp vũ khí để lập ra 19 sư đoàn mới trong ba năm[32].
Những năm 1975-1976, Trung Quốc vẫn còn muốn giữ quan hệ, duy trì ảnh hưởng của mình tại Việt Nam, muốn Việt Nam đứng về phía mình để chống Liên Xô, giảm ảnh hưởng của Liên Xô tại Việt Nam và vùng Đông Nam Á; do vậy, Trung Quốc vẫn đóng vai trò trung gian hoà giải khi những cuộc đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Campuchia mới bắt đầu diễn ra. Nhưng từ đầu năm 1977 trở đi, khi quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia trở nên gay gắt, rồi dẫn đến tan vỡ ngoại giao vào cuối năm 1977 và tiếp diễn chiến tranh trong năm 1978, quan hệ Việt – Trung cũng chuyển sang một tình trạng xấu hơn, phức tạp hơn, nhất là khi Trung Quốc ủng hộ cả chính trị, lẫn quân sự cho chế độ Khơme Đỏ.Từ tháng 9 đến tháng 10-1977, Pôn Pốt có chuyến thăm dài ngày tới Trung Quốc, nhằm thắt chặt thêm quan hệ liên minh được thiết lập. Sau chuyến thăm này, tháng 12-1977, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Đông Hưng đã tới thăm Campuchia và đi thị sát những vùng gần biên giới Việt Nam. Tuyên bố của Phó Thủ tướng Uông Đông Hưng cũng mạnh mẽ hơn và đầy hàm ý: “Không một lực lượng nào có thể đứng cản trở quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia, hai nước sẽ là đồng chí với nhau mãi mãi”[33]. Tháng 3-1978, các kỹ sư Trung Quốc xây dựng lại đường xe lửa Konpongthom - Phnôm Pênh và ở lại tại chỗ sau khi sửa xong. Ngày 12-7-1978, lần đầu tiên, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công khai buộc tội Việt Nam “tìm cách sáp nhập Campuchia vào một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Việt Nam”[34]. Ngày 4-11-1978 (một ngày sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước có giá trị 25 năm), Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng đi Phnôm Pênh để tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chính sách của Campuchia[35]. Theo Cơ Bằng Phi, thì đó là sự trả lời trực tiếp của Trung Quốc đối với việc ký Hiệp ước Việt - Xô. Tháng 1-1979, Việt Nam đưa quân vào Campuchia, lật đổ chế độ Pôn Pốt và đối với Trung Quốc, "việc không thể chấp nhận được đã thành sự thật"[36].  Một thời gian ngắn sau khi Phnompenh bị thất thủ, tờ Nhân dân Nhật báo (27-1-1979) đã có bài viết, trong đó chứa nhiều hàm ý: “Sự thất thủ của Phnompenh không có nghĩa là chiến tranh chấm dứt mà chỉ là khởi đầu”. Nói một cách cụ thể hơn, đối với Trung Quốc, "vấn đề Campuchia đóng vai trò vật xúc tác để đẩy các quan hệ với Việt Nam vượt quá một điểm không thể nào quay trở lại được nữa"[37].
Campuchia bị mất, Thái Lan trở nên một địa bàn quan trọng để Trung Quốc có thể tiếp tục giúp đỡ cho Khơme Đỏ. Tháng 1-1979, Đặng Tiểu Bình bí mật cử Uỷ viên Bộ Chính trị Gừng Giao cùng Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long khẩn cấp sang Bangkok, hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Kriangsak tại căn cứ không quân Utapao. Thái Lan lúc này không còn giữ thái độ trung lập nữa, đồng ý để Trung Quốc sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tiếp tế cho Khơme Đỏ. Đồng thời, trước sự vận động của Trung Quốc, sau hơn mười năm vắng bóng trên chính trường, ông Hoàng Sihanouk xuất hiện, đại diện cho Campuchia đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu Đại hội đồng ra nghị quyết buộc Việt Nam phải rút quân ra khỏi Campuchia[38].
Trong thời gian này, bên cạnh những khúc mắc như đã nói ở trên, xung đột biên giới trên bộ và tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là một trong biểu hiện cụ thể, tập trung nhất trạng thái bất bình thường trong quan hệ Việt - Trung, nó đẩy quan hệ Việt - Trung rơi xuống nấc thấp nhất.
Với Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 1.406 km, từ ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào đến bờ biển vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh – Quảng Đông), đi qua 7 tỉnh biên giới phía Việt Nam, tiếp giáp với hai tỉnh phía Trung Quốc[39]. Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới thực tế lịch sử, đến cuối thế kỷ XIX đã trở thành đường biên giới pháp lý (được luật pháp quốc tế thừa nhận). Theo R.V.Pretcot thì đây là "một trong những biên giới được xác định tốt nhất trong khu vực"[40].
Từ giữa năm 1975, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng do những hoạt động vũ trang từ phía Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi với những xung đột ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn vào cuối năm 1976. Tháng 3-1977, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới Cao Lạng - Quảng Tây. Đoàn Việt Nam yêu cầu bàn biện pháp chấm dứt các vụ vi phạm biên giới quốc gia và trở lại đường biên giới lịch sử, trong khi đó, Đoàn Trung Quốc chỉ đề nghị bàn biện pháp ngăn ngừa xung đột, giữ nguyên trạng trong khi chờ Chính phủ hai nước đàm phán giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Từ năm 1978 đến đầu năm 1979, mức độ xâm phạm lãnh thổ, vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ tháng 7-1978, Trung Quốc đã sử dụng hành động này phục vụ cho mục đích công khai và chuẩn bị tạo cớ, gây cuộc tấn công dọc theo toàn tuyến biên giới Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, công bố trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 15-2-1979, số vụ xâm phạm vũ trang của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ, tháng 1 và những tuần lễ đầu tháng 2-1979 tăng lên 230 vụ[41]. Cùng với những hoạt động vũ trang trên vùng biên giới đất liền với quy mô ngày càng rộng lớn, nhịp độ ngày càng tăng, Trung Quốc còn cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời, cho tầu thuyền xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Trong năm 1978, đã cho trên 100 lượt máy bay xâm phạm vùng trời và 481 lượt tầu thuyền hoạt động khiêu khích trên vùng biển Việt Nam[42].
Trên biển Đông, vấn đề tranh chấp quan trọng nhất của Trung Quốc đối với Việt Namliên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 10-9-1975, phía Trung Quốc gửi công hàm cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa-TG). Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Lê Duẩn dẫn đầu vào tháng 9-1975, phía Việt Nam nêu vấn đề chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Trong cuộc gặp ngày 24-9-1975, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng, phía Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc, nhưng cần theo nguyên tắc hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng. Đặng Tiểu Bình cũng bày tỏ rằng, sau này hai bên có thể thương lượng, bàn bạc. Ngày 12-5-1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ. Ngày 30-7-1977, Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa tuyên bố: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa - TG) mà không cần phải thương lượng gì hết”[43].
Sau mỗi lần Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố và gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
3- Chuẩn bị ngoại giao và tiến hành cuộc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2- 1979
Song song với việc liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, tập trung những quân đoàn chủ lực lớn dọc theo biên giới Việt – Trung.Theo nguồn tin từ Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA (sau này được các báo chí Mỹ tiết lộ), thì từ giữa năm 1978, Trung Quốc đã hoàn chỉnh các phương án tác chiến, các đơn vị bộ đội Trung Quốc đã sẵn sàng mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn chống Việt Nam, “vấn đề còn lại là chỉ chờ đợi thời cơ là bật đèn xanh”[44].Trong những buổi họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ giữa năm 1978 - cuối năm 1978, nhiều biện pháp “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự được đưa ra[45]. Ngay cả thời cơ cũng được Trung Quốc tạo ra và chuẩn bị kỹ càng sau một loạt những sự kiện “nạn kiều”, “Việt Nam xâm chiếm, vũ trang khiêu khích biên giới Trung Quốc”.Cũng cần nói thêm rằng, một bước chuẩn bị quan trọng của Trung Quốc trước khi tiến hành tấn công Việt Nam là việc Trung Quốc đã kịp ký với Nhật Bản Hiệp ước hoà bình, hữu nghị(vào ngày 12-8-1978, có giá trị trong mười năm và sẽ tái ký sau đó), nhằm thu xếp, tạo thế cân bằng chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á có lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc có thể rảnh tay đối phó với Việt Nam.
Ngày 5-11-1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm các nước ASEAN để tập hợp lực lượng cho bước đi sắp tới về Việt Nam. Việc Việt Nam – Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện (3-11-1978)[46]là món quà bất ngờ cho Đặng Tiểu Bình trong chuyến đi này. Tuyên truyền rằng, việc ký Hiệp ước Việt - Xô là mối de dọa đối với các nước ASEAN, Đặng Tiểu Bình kêu gọi thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, khối nước ASEAN để cân bằng lại quyền lợi của các nước Đông Nam Á và nói rõ quyết tâm của Trung Quốc không để khu vực Đông Nam Á rơi vào tay Việt Nam. Tại Bangkok, theo yêu cầu của Đặng Tiểu Bình, Thái Lan đồng ý cho phép máy bay Trung Quốc quá cảnh qua vùng trời Thái Lan để đi Campuchia và trở về. “Liên minh giữa Bắc Kinh và Bangkok đã mở ra con đường mòn Đặng Tiểu Bình xuyên qua Thái Lan và biến Thái Lan thành một cái khoen chặn chiến lược an toàn của Trung Hoa tại Campuchia”[47].
Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình không giấu giếm ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với Việt Nam. Thái độ của từng nước ASEAN có điểm khác nhau, nhưng đều cho rằng cuộc xung đột Việt Nam- Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc là “nhân tố không ổn định đối với hoà bình khu vực”. Tuy nhiên, khi Việt Nam nghiêng về phía Liên Xô, các nước ASEAN cũng nhận thấy cần phải nhích hơn chút nữa về phía Trung Quốc.
Chuyến đi Mỹ của Đặng Tiểu Bình tháng 1-1979, sau đó là tới thăm Nhật cũng là nằm trong mục đích chuẩn bị cho cuộc tấn công Việt Nam vào tháng 2-1979. Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình đã thông báo về ý định chuẩn bị tấn công Việt Nam, mong muốn là có được sự hỗ trợ về tinh thần từ phía Mỹ. Khi tiếp xúc bí mật với Brzezinski. Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Đối với Việt Nam, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối phó” và nhấn mạnh: “Các ngài nhớ kỹ một điều là những lời phát biểu của tôi trong chuyến thăm nước Mỹ sẽ hoàn toàn được chứng thực bằng những hành động”[48]. Đặng Tiểu Bình cũng bảo đảm rằng, cuộc tấn công Việt Nam sẽ giới hạn và nhanh chóng. Chuyến đi của Đặng Tiểu Bình sang Mỹ là một chuyến đi thành công, “Đặng Tiểu Bình đã chuẩn bị tinh thần cho các đồng minh một cách chắc chắn rằng sẽ thực hiện sự trừng phạt như đã loan báo”[49]Hai tuần sau chuyến thăm, ngay trước khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Đại sứ Mỹ Malcolm kín đáo khuyến cáo Ngoại trưởng Gromutko là Liên Xô nên tự kiềm chế trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam, để khỏi ảnh hưởng đến việc Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Hiệp ước SALT mà Liên Xô rất mong muốn.
Trước dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc công khai tuyên bố: “Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô”; “Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục”; cuộc tiến công của Trung Quốc vào Việt Nam sắp tới là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trước thái độ đó, báo chí và chính giới Mỹ không có phản ứng công khai, cònA.Kosyginthì nhận định: Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình là một bản “tuyên bố chiến tranh với Việt Nam”.
Nhìn chung lại, thông qua các bước chuẩn bị ngoại giao, Trung Quốc thấy rằng, nếu đánh Việt Nam, Mỹ sẽ đồng tình, các nước ASEAN ít nhất cũng không lên tiếng phản đối, Liên Xô sẽ có phản ứng, nhưng không có khả năng mang hải quân can thiệp. Còn Việt Nam đang đứng trước những khó khăn nghiêm trọng, những thách thức về kinh tế, chính trị, nhất là sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (với số lượng thương vong bằng 74% trong kháng chiến chống Pháp), đánh Việt Nam lúc này là thuận lợi.
Từ giữa tháng 12-1978, Trung Quốc đã chọn lực lượng quân đội từ năm quân khu và đưa áp sát biên giới Trung - Việt. Từ ngày 1 đến ngày 13 tháng 1-1979, phía Trung Quốc liên tiếp có nhiều phát biểu và bình luận mà nội dung là tố cáo Việt Nam xâm lược, lên án Việt Nam “chiếm” Phnôm Pênh. Trung Quốc kêu gọi Campuchia Dân chủ đánh lâu dài và hứa sẽ ủng hộ toàn diện. Trung Quốc đưa ra Hội đồng Bảo an Dự thảo nghị quyết đòi Việt Nam rút quân, kêu gọi các nước chấm dứt viện trợ cho Việt Nam.
Từ ngày 9 đến ngày 12-2-1979, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị để nghe báo cáo của Đặng Tiểu Bình và đánh giá tình hình. Hội nghị quyết định tấn công Việt Nam và thành lập Bộ Chỉ huy chung[50]. Ngày 16-2-1979, Trung Quốc tổ chức cuộc họp phổ biến ý nghĩa của cuộc chiến tranh sắp tới chống Việt Nam cho cán bộ cao cấp các ngành. Trong cuộc họp này, Đặng Tiểu Bình nêu mục tiêu, cái lợi, hại của cuộc chiến tranh chống Việt Nam, nhấn mạnh đây là cuộc phản kích tự vệ, hạn chế về thời gian và không gian[51]. Ngày 17-2-1979, sau sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cả hai phương diện trong nước và quốc tế, Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) và đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam.  Các nhà bình luận phương Tây gọi cuộc tấn công của Trung Quốc dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam (1979) là "cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ", hay "cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứba". H. Kissinger đánh giá về cuộc chiến tranh này như sau: “Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của cộng sản cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc”[52].
Về phía Trung Quốc, biện minh cho hành động của mình, Trung Quốc tuyên bố đây chỉ là “một cuộc phản kích để tự vệ” (?!). Thực chất, "đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu Trung Quốc"[53]. Trung Quốc "có sự chuẩn bị kỹ càng về các mặt"[54].Mục đích của Trung Quốc trong cuộc chiến là xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, làm giảm tiềm lực quốc phòng, kinh tế, làm suy yếu Việt Nam, hạ uy thế chính trị, quân sự của Việt Nam, thể hiện vai trò nước lớn trong khu vực và củng cố đoàn kết nội bộ. Một chiến thắng quân sự sẽ đập tan huyền thoại chiến đấu của quân đội Việt Nam, thoả mãn tinh thần “Đại hán”, nâng cao uy tín nước lớn Trung Hoa. Mặt khác, lợi dụng vào dân số và quân số đông đảo, số lượng vũ khí dồi dào, Trung Quốc dự định bằng cuộc hành quân chớp nhoáng, chiếm đóng một số thị xã dọc biên giới, phân tán mỏng lực lượng quân sự của Việt Nam, buộc Việt Nam phải rút bớt quân từ chiến trường Campuchia về nước, cứu nguy cho Khơme Đỏ. Ngoài ra, Trung Quốc tấn công Việt Nam còn nhằm mục đích kiểm tra tính chặt chẽ của Hiệp ước phòng thủ Liên Xô - Việt Nam, thăm dò phản ứng của Liên Xô, thách đố “liên minh quân sự” Việt - Xô. Hành động quân sự để đối phó với Việt Nam sau khi Việt Nam vừa ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô là một thách đố liều lĩnh, nhưng có tính toán. Chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra khi Liên Xô trả đũa, Trung Quốc muốn cho Liên Xô biết quyết tâm của Trung Quốc không thể để bị bao vây, không thể chấp nhận ảnh hưởng gia tăng của Liên Xô tại Đông Nam Á; đồng thời, chứng minh cho các quốc gia Đông Nam Á thấy có thể tin cậy vào Trung Quốc để ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam và tham vọng của Liên Xô thông qua Việt Nam. Nhà nghiên cứu Gilbert Padoul nhận định: Trung Quốc đánh trận 17-2, còn mang tính chất thông điệp với Việt Nam và thế giới: “Trung Quốc không thể chấp nhận một Đông Dương dưới sự giám hộ của Liên Xô và Việt Nam”[55]. Nhận xét trên của Gilbert Padoul không phải là ngẫu nhiên, bởi Đặng Tiểu Bình đã không chỉ một lần tuyên bố: “Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Xô có 70% ảnh hưởng ở Việt Nam, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc”[56].
4- Việt Nam hành động
Cuộc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc (1979) là nấc thang cao nhất thể hiện thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ngay sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, trong ngày 17-2-1979Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố:“Nhân dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, anh dũng, bất khuất đã từng đánh thắng mọi kẻ xâm lược, tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩaViệt Nam, lại được bạn bè khắp năm châu đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của những người cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình”[57].Ngày 18-2-1979, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết “kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, chặn đứng và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác của bọn phản động Trung Quốc”[58].Ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi,trong đó có đoạn viết:Quân thù đang giày xéo non sông đất nước ta (…).Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ. Cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược đang diễn ra(…) Đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc lần này là nghĩa vụ dân tộc vẻ vang”[59].
Ngày 1-3-1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 67, Về việc phát động và tổ chức toàn dân chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, nêu bật nhiệm vụ “xây dựng thế phòng thủ vững chắc của đất nước, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đánh bại quân xâm lược Trung Quốc”[60]. Tiếp đó, ngày 3-3-1979, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 16, Về cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược, dự đoán chiến tranh có thể diễn biến theo hai tình huống:Một là, địch bị chặn lại ở các vùng biên giới, bị tiêu diệt lớn, buộc phải rút quân về nước. Hai là, địch tạm thời chiếm được một số thị xã và huyện biên giới, mở rộng chiến tranh đến Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ và lan ra cả nước”[61]. Trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải giữ vững tư tưởng chủ đạo: “Nỗ lực vượt bậc, tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời phải chuẩn bị mọi điều kiện để đánh lâu dài, lâu bao nhiêu cũng đánh, quyết đánh thắng hoàn toàn quân địch. Phải nắm vững phương châm “làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường để tiêu diệt địch; tiêu diệt địch để làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường”[62]. Về quân sự, Nghị quyết xác định: 1Quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược ở biên giới; 2- Cả nước ráo riết chống chiến tranh xâm lược, sẵn sàng, mạnh mẽ, vững chắc chiến đấu ở các tuyến trung du và đồng bằng; 3- Triển khai kế hoạch bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng; 4-Tiến hành bố phòng, chuẩn bị chiến đấu ở khu vực hậu phương trực tiếp (từ Hà Nội đến Thanh Hoá-Nghệ Tĩnh) và trong cả nước[63].
Trên tinh thần “tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ từng mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Trên các mặt trận dọc tuyến biên giới phía Bắc, chiến thuật “biển người” của Trung Quốc đã không thể phát huy tác dụng trước ý chí bảo vệ non sông, đất nước và lòng quả cảm của những con đất Việt. Máu đã đổ trên dải đất biên cương, quân xâm lược đã bị giáng trả thích đáng: Ở hướng Cao Bằng, các cánh quân Trung Quốc đều bị bộ đội địa phương, dân quân Cao Bằng đánh chặn, bị phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới;trên tuyến Hoàng Liên Sơn, sau 7 ngày bị dân quân, tự vệ cùng các lực lượng vũ trang đánh trả quyết liệt, hai quân đoàn Trung Quốc vẫn không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích; trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ, hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng ở Hà Tuyên,hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui tại Quảng Ninh, tháo chạy sát về biên giới.
Ngay khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, đấu tranh đòi Trung Quốc rút quân. Ngày 18-2-1979, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tuyên bố có đoạn viết: “Việc Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam chứng tỏ một lần nữa rằng, Bắc Kinh có thái độ vô trách nhiệm biết nhường nào đối với vận mệnh của hoà bình và Ban lãnh đạo Trung Quốc sử dụng vũ khí một cách tuỳ tiện, đầy tội ác biết nhường nào!.. Những hành động xâm lược đó trái với những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế, càng vạch trần trước toàn thế giới thế giới thực chất chính sách bá quyền của Bắc Kinh ở Đông Nam Á”[64]. Nhiều nước trên thế giới ratuyên bố lên án Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải lập tức rút quân về nước. Nhiều cuộc vận động ủng hộ Việt Nam về tinh thần và vật chất đã được phát động. Một số nước khác (kể cả Anh, Mỹ) yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về tình hình Đông Nam Á và tác động đối với hoà bình thế giới.
Ngày 14-3-1979, trước sự chống trả của quân, dân Việt Nam ở biên giới, trước sức ép của dư luận và có lẽ tự cho là đã "dạy" cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Trong điều kiện đó, ngày 6-3-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 69, nhận định về tình hình và đưa ra chủ trương trong điều kiện Trung Quốc rút quân. Chỉ thị của Ban Bí thư ghi rõ: Tối 5-3-1979, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ra Tuyên bố về việc "Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu rút quân từ 5-3-1979", khẳng định: “Trong khi chấp nhận cho địch rút quân, chúng ta luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng giáng trả địch đích đáng, nếu chúng lật lọng, trở lại xâm lược nước ta lần nữa”[65]. Chỉ thị nhấn mạnh thêm: “Không được một chút mơ hồ nào đối với âm mưu cơ bản của bọn phản động Trung Quốc là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta (…) luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đập tan bọn xâm lược”[66].  Về mặt quốc tế, “cần giương cao chính nghĩa của ta, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và bảo vệ hòa bình, xúc tiến việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, bảo vệ Việt Nam"[67]. Bên cạnh việc “chấp nhận cho Trung Quốc rút quân”, để trả lời, phía Việt Nam cũng phản kích đánh vào Malipô, Ninh Minh, hai thành phố biên giới của Trung Quốc[68].
5- Từ quá khứ đến hiện tại
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa - chính trị tồn tại khá lâu đời so với nhiều mối quan hệ địa - chính trị khác trên thế giới. Trong suốt chiều dài quan hệ, Trung Quốc luôn ứng xử với Việt Nam theo tinh thần nước lớn - tư tưởng có nguồn gốc sâu xa trong xã hội Trung Quốc. Từ sau năm 1975, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược chống Liên Xô, đặc biệt là chống ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á và phá hoà hoãn Xô - Mỹ. Cũng từ năm 1975 trở đi, đối với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, một Việt Nam thống nhất, thực hiện chính sách độc lập, tự chủ bị coi là trở ngại cho chiến lược chống Liên Xô và chiến lược mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á - địa bàn “mở nước” cổ truyền của Trung Quốc. Hơn nữa, từ giữa năm 1976, Việt Nam đã dần dần rồi đi tới dứt khoát từ bỏ hình động đầy thận trọng giữa Liên Xô và Trung Quốc, một hành động được duy trì một cách tương đối trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngả hẳn sang phía Liên Xô, từ chối những đòi hỏi mới của Trung Quốc. Chính vì thế, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam mang tính nước lớn và hai mặt rõ rệt: Vừa lôi kéo, vừa kiềm chế, chèn ép. Khi thấy Việt Nam vượt ra ngoài quỹ đạo của mình và quan hệ không như ý muốn, Trung Quốc lập tức tiến hành các biện pháp mang tính trừng phạt: Rút chuyên gia, cắt viện trợ, gây nên làn sóng tuyên truyền về vấn đề "nạn kiều", lôi kéo người Hoa bỏ về nước; hậu thuẫn, ủng hộ Polpot - Iengxari tiến công Việt Nam từ hướng biên giới Tây Nam, dùng Campuchia như con đê ngăn chặn Việt Nam, gây ra các sự kiện khiêu khích vũ trang với mức độ xung đột ngày càng tăng ở biên giới Việt - Trung… Hành động bộc lộ sự đối đầu cao độ trong một chuỗi những sự kiện này là cuộc tấn công ồ ạt với 60 vạn quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam (17-2-1979), nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học" – một hành động như các nhà phân tích nước ngoài nhận xét: Trước nhân dân thế giới, trước các dân tộc châu Á, “Trung Quốc hiện ra như một nước siêu cường, quân phiệt và bá quyền, hoàn toàn có khả năng áp bức các nước láng giềng yếu hơn"[69].
Với những điều vừa trình bày ở trên, có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc luôn có hai mặt: Thực chất và hình thức - hai mặt này không phải bao giờ cũng tương đồng. Về mặt hình thức, quan hệ hai nước được thừa nhận trong một khuôn khổ có tính chuẩn tắc mà cả hai nước cùng công nhận, song về thực chất, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phản ánh tương quan lực lượng và lợi ích giữa hai quốc gia, nhưng là hai quốc gia láng giềng lớn và nhỏ, với các chỉ số so sánh cách biệt.
Về phía Trung Quốc, tăng cường, mở rộng ảnh hưởng, trở thành cường quốc khu vực và thế giới là cái lõi của mọi quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Đối với khu vực, Việt Nam vẫn là một nhân tố chính yếu mà Trung Quốc cần quan tâm và kiềm chế, nhằm thực hiện mục đích của mình một cách ít trở ngại nhất. Chính sách kiềm chế Việt Nam của Trung Quốc là nhất quán và lâu dài, tồn tại song song với mục tiêu chiến lược nêu trên; vì vậy, nó vẫn tiếp tục là nguyên nhân của những khó khăn, thách thức trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, vấn đề nổi cộm, có ý nghĩa trọng yếu đối với an ninh quốc gia và vị thế đất nước liên quan đến quan hệ Việt - Trung là tranh chấp trên biển Đông, liên quan đến hai quần đảoHoàng Sa và Trường Sa.
Với tầm quan trọng của biển Đông, Trung Quốc coi đây là "không gian sinh tồn" với ý định rõ ràng là phải sở hữu bằng được các quyền lợi sống còn của biển Đông, mở rộng cương vực sinh tồn, tạo thêm sức mạnh trong cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong các tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn có các hành động khó lường và yêu sách lấn dần không định rõ. Nói cách khác, chiến lược của Trung Quốc dường như đồng thời: Củng cố khả năng hải quân, mở rộng khả năng hiện diện hiện thực, từ đó hợp thức hóaviệc chiếm đóng.Có vẻ như Trung Quốc đã phát triển một chính sách ba không để giải quyết các vấn đề trên biển Đông: Không định rõ yêu sách, không đàm phán nhiều bên, không quốc tế hóavấn đề, bao gồm cả không có sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực[70]. Đó là cách, như Valencia.M.J bình luận: “Trung Quốc đang tìm cách viết nên luật lệ của chính mình cho trật tự thế giới, thay bằng việc chấp nhận các nguyên tắc đang tồn tại”[71]
Đối với các tranh chấp biển Đông, Việt Namkhông thể và không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với lãnh hải và thềm lục địa của mình. Tuy nhiên, tồn tại bên cạnhvà giải quyết tranh chấp với một người láng giềng khổng lồ luôn có khát khao thống trị thực sự là một áp lực đối với Việt Nam - Trung Quốc là một thực tế, là một câu chuyện "không bao giờ kết thúc". Trung Quốc, Việt Nam núi biển liền nhau như môi với răng, có mối quan hệ không chia cắt về địa dư, khi muốn gây sức ép, Trung Quốc không thiếu cách thức và lý do.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục nối quá khứ với hiện tại và định hình con đường đi tới tương lai, là cuộc đối thoại nghiêm khắc giữa hiện tại với quá khứ, kết nối ngày hôm qua với hôm nay. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã lùi xa vào lịch sử 35 năm, thế giới đổi thay nhanh chóng, lịch sử đầy ắp các sự kiện, các thăng trầm khó đoán định trước. Tuy nhiên, lịch sử khách quan và công bằng, không thể đơn giản và dễ dàng xé bỏ trang này, hay trang kia theo ý muốn chủ quan. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã là một dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong ký ức và lương tri của loài người – của những ai đang phấn đấu cho công bằng và công lý. Nhiều câu hỏi của ngày hôm nay có thể có câu trả lời từ những bài học lịch sử xương máu đã qua.



[1]Marwyun S.Samules: Tranh chấp biển Đông, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, 1982, tr.127.
[2]Trong khi đó, cuộc đi thăm hữu nghị Liên Xô do Lê Duẩn dẫn đầu vào tháng 10-1975 lại được đánh giá là thành công. Việt Nam đã ký hiệp định phối hợp kinh tế quốc gia với Liên Xô trong 5 năm (1976-1980) và nhận được 500 triệu USD viện trợ với trên 400 hạng mục công trình.
[3]Marwyun S.Samules: Tranh chấp biển Đông, Tlđd, tr.7.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.37, tr. 333.
[5]Pao Min Chang: Cuộc tranh chấp Trung - Việt và vấn đề thiểu số người Hoa, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội, 1982, tr.16.
[6]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.122.
[7]Hàng vạn người đã được huy động đứng dọc quãng đường từ sân bay về Thủ đô Bắc Kinh, vẫy cờ, hoa chào đón Polpot, còn cuộc đón tiếpLê Duẩn không khí lặng lẽ một cách bất thường. Tờ Nhân dân nhật báo đã đăng những bức ảnh đen trắng về chuyến thăm của Lê Duẩn, chứ không phải là các bức ảnh mầu như thông lệ khi có các vị thượng khách đến thăm.
[8]Bộ mặt thật, phản động, phản bội của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và sự đầu độc của chúng đối với quân đội Trung Quốc, Báo cáo của Cục tuyên truyền đặc biệt, Tổng cục chính trị, Tập tài liệu văn kiện Trung ương, Lưu tại Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, tr.2.
[9]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sách trắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.19.
[10]Người Hoa di cư đến Việt Nam từ lâu đời, kéo dài trong nhiều thời kỳ khác nhau với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Họ đến cư trú ở hầu hết các nơi, tập trung đông nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và các thị xã, thành phố lớn. Trải qua quá trình lịch sử, dần dần họ đã hoà nhập với cư dân bản địa và trở thành công dân của Việt Nam. Họ đã góp phần cùng các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam làm phong phú và phát triển nền văn hoá, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.
[11]Người Hoa được hưởng các quyền lợi dân sự giống như người Việt, được đối xử bình đẳng như người Việt. Từ đầu thế kỷ XIX, trẻ em do hôn nhân dị chủng giữa người Hoa và người Việt được coi là người Việt và được hưởng đầy đủ các quyền lợi chính trị như người Việt khác.
[12]Ramses Amer:  Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991, tr.8.
[13]Chính quyền Sài Gòn cũng có những quy định đưa Hoa kiều trở thành công dân Việt Nam. Ngày 7-12-1955, Chính quyền Sài Gòn đưa ra đạo luật số 10 quy định tất cả trẻ em sinh ra do hôn phối giữa người Hoa và người Việt đều được xem là công dân Việt Nam. Sau đó, ngày 21-8-1956, đưa tiếp Đạo luật số 48, theo đó tất cả người Hoa sinh ra tại Việt Nam đương nhiên trở thành công dân Việt Nam. Đạo luật này được áp dụng cho tất cả người Hoa sinh ra tại Việt Nam ở mọi thời điểm, kể cả trước đó (Nguồn: Ramses Amer, người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung- Việt, Kuals Lumpur 1991, tr. 10).
[14]Từ cuối năm 1976 sang đầu năm 1977, ở Trung Quốc có sự thay đổi chínhsách đối với vấn đề gọi là "người Hoa ở hải ngoại". Nếu trong thời kỳ "cách mạng văn hoá" người Hoa ở nước ngoài bị phân biệt đối xử và nghi ngờ, thì từ đầu năm 1977, Trung Quốc lại mong nhận được sự giúp đỡ của người Hoa ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Chính sách đối với Hoa kiều ở hải ngoại lần đầu tiên được công bố qua một bài viết của Liêu Thừa Chí, Chủ tịch Uỷ ban Hoa kiều Hải ngoại vụ (đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 4-1-1978), trong đó tuyên bố: Trung Quốc sẽ giành quyền bảo vệ tất cả Hoa kiều hải ngoại còn mang quốc tịch Trung Quốc.
[15]Trung Quốc lan truyền tin rằng, "Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Hoa về nước xây dựng Tổ quốc"; "ai không về là phản bội Tổ quốc".
[16]Tuy nhiên, bên cạnh dòng người Hoa đổ về Trung Quốc, với nhiều người Việt gốc Hoa thực dụng hơn đã coi đây là cơ may để đến được thế giới Tây phương - điều mà những người Hoa ở Đông Nam Á hẻo lánh không mơ tới được (BBCVetnamese.com, 10-2-2009).
[17]Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985),Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng.
[18]Chỉ trong vòng vài tháng, 17 vạn người Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm quaNxb Sự thật, Hà Nội, 1979,tr. 86). Sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới (12-7-1978), nhiều người Hoa vẫn cố vượt biên. Theo tính toán của Ramses Amer “thì con số người Hoa ra đi cụ thể từ tháng 4-1978 đến cuối tháng 12-1979 là khoảng trên dưới 25 vạn người” (Nguồn: Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - ViệtKuals Lumpur, 1991, tr. 46).
[19]Hội đồng tương trợ kinh tế COMECON đã nhận đảm đương giúp Việt Nam 21 công trình lớn mà Trung Quốc bỏ dở.
[20]Ramses Amer: "Sino-Vietnameses Normalization in the Light of Crisis of the late 1970s", In: the "Pacific Affairs", Vol.67, N3, Fall 1994, University of British Columbia Canada, 1994,  tr. 360-361.
[21]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, t. 2, tr. 113.
[22]Từ năm 1976, Trung Quốc giảm dần và đến năm 1978 thì cắt hẳn viện trợ: Khoảng 500 triệu đô la thiết bị và 300 triệu đô la/năm hàng hoá, vật tư, trong đó có 34 vạn tấn lương thực, 43 vạn tấn xăng dầu, 30 triệu mét vải và 1 vạn 5 tấn bông, 14 vạn tấn phân bón, 15 vạn tấn ximăng, 20 vạn tấn than mỡ v.v...(Nguồn: Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế –xã hội trong 5 năm 1981-1985, Trình hội nghị lần thứ 11 của BCHTƯ Đảng CSVN, khoá IV, Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng).
[23]Ramses Amer: "Sino-Vietnameses Normalization in the Light of Crisis of the late 1970s", In: the "Pacific Affairs", Vol.67, N3, Ibid, tr.32.
[24]"Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, số 2, Bản dịch, Lưu tại Phòng Thông tin- tư liệu, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng, 1988),  tr.12.
[25]“Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Tlđd, tr.12.
[26]“Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Tlđd, tr.12.
[27]Về kế hoạch viện trợ này, Vương Thượng Vĩnh đã tuyên bố: “Trung Quốc sẽ đưa sang Campuchia 13.300 tấn vũ khí, trong đó có 4.000 tấn súng đạn, 1.301 xe các loại. Trung Quốc sẽ đào tạo cho Campuchia một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn rađa, xây dựng và trang bị một sân bay quân sự, cung cấp cho Campuchia bốn tầu hộ tống và bốn thuyền cao tốc phóng ngư lôi, trang bị một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn thông tin liên lạc, ba trung đoàn pháp binh, đào tạo 471 phi công, 157 sĩ quan hàng hải và xây dựng căn cứ hải quân, mở rộng xưởng sửa chữa vũ khí và cảng kép”. Riêng năm 1977, Trung Quốc cấp cho Campuchia 450 khẩu pháo lớn, 244 xe tăng, 1200 xe các loại, 52 máy bay và hai vạn cố vấn trực tiếp nắm và chỉ đạo tất cả mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, xây dựng cho Campuchia một lực lượng vũ trang từ 7 sư đoàn lên 23 sư đoàn
[28]Bộ mặt thật, phản động, phản bội của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và sự đầu độc của chúng đối với quân đội Trung Quốc, Tl d, tr.2.
[29]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Bản dịch, lưu tại thư viện quân đội. tr. 9.
[30]Dẫn theo Ngô Vĩnh Long; Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao và công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ sau khi miền Nam được giải phóng, Tạp chí Thời đại mới, số 6/tháng 12-2005.
[31]Phóng viên tờ “Tuần châu Á”.
[32]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.23.
[33]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam,Tlđd, tr.46.
[34]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.47.
[35]Tuy Uông Đông Hưng chuyển chính thức ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc là không đồng ý đưa quân Trung Quốc sang Campuchia trực tiếp chiến đấu, nhưng khuyên Campuchia kháng chiến lâu dài bằng chiến tranh du kích và hứa sẽ hết sức ủng hộ Campuchia Dân chủ, gửi qua Campuchia gần 3 vạn cố vấn quân sự. Pôn Pốt lên đài phát thanh ca ngợi “sự  ủng hộ vô điều kiện” của Trung Quốc với Phnôm Pênh trong cuộc chiến đấu chống Việt Nam.
[36]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.4.
[37]Michael Lelfer: Xét nghiệm lại cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Bản dịch, Lưu lại Thư viện Quân đội, 1979, tr.1.
[38]Nghị quyết tuy được đại đa số tán thành, nhưng bị Liên Xô phủ quyết. Còn Sihanouk sau khi dự Đại hội đồng đã bí mật gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Andrew yêu cầu được tị nạn chính trị, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý bởi họ vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc được hai tuần và Đặng Tiểu Bình sắp sang thăm hữu nghị Hoa Kỳ.
[39]Đường biên giới với Trung Quốc được phân định trong các Công ước ngày 26- 6-1887 và ngày 20-6-1895 giữa Chính quyền Pháp (đại diện cho Việt Nam lúc bấy giờ) và nhà Thanh (đại diện cho Trung Quốc). Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 26-6-1887 đã hoạch định lại một số đoạn biên giới tiếp giáp giữa Bắc Kỳ với Vân Nam và nói rõ đường kinh tuyến 105°43' là đường phân chia chủ quyền các đảo. Công ước bổ sung hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 20-6-1895 thống nhất hoạch định các đoạn biên giới mà hai bên còn gác lại trong các văn bản hoạch định trước và hoạch định mới đoạn biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam từ sông Đà đến sông Mê Công. Trên cơ sở của các bản Công ước này, từ năm 1889 đến năm 1897, trên toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Pháp và nhà Thanh đã hai bên đã tổ chức phân giới, xác định 314 vị trí mốc và đã cắm được 341 mốc giới trên thực địa. Nhìn chung, trong quá trình đàm phán thương lượng về biên giới, chính quyền Pháp và nhà Thanh đã vận dụng một số nguyên tắc phổ biến của pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế trong quá trình xác lập đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung quốc, thực hiện đầy đủ các bước từ xác định nguyên tắc, hoạch định, phân giới và tiến hành cắm mốc trên thực địa cũng như các thủ tục pháp lý khác. Về mặt pháp lý, Công ước năm 1887 và Công ước bổ sung năm 1895 cùng các biên bản, bản đồ phân giới cắm mốc thực hiện hai Công ước là một thể thống nhất các văn bản pháp lý bổ sung cho nhau, cung cấp khá đầy đủ các yếu tố về đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.  Như vậy, về cơ bản, hai công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 thừa nhận đường biên giới lịch sử truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình phân giới cắm mốc, phía Pháp đã nhân nhượng một số vùng lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc như Giang Bình, Bát Trang (Quảng Ninh), Đèo Luông (Cao Bằng), Tụ Long (Hà Giang). Trong giai đoạn chế độ Quốc dân đảng ở Trung Quốc, quan hệ biên giới giữa Pháp và Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống mốc giới được bảo vệ, nhưng lợi dụng tình hình Pháp bị sa lầy và thất bại liên tiếp trong chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã có hành động di chuyển, phá hoại một số mốc giới, lấn chiếm quản lý nhiều khu vực đất đai sang phía Việt Nam.
[40]R.V.Pretcot : Những biên giới của Đông Nam Á, Nxb Membuốc, 1977, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr. 60
[41]Bị vong lục Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo Nhân dân ngày 16-2-1979,tr.4.
[42]Bị vong lục Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tlđd.
[43]D. Xtêphanov:Trung Quốc bành trướng trên hướng biển, Nxb Quan hệ quốc tế, Hà Nội,1980, tr. 144.
[44]Lê Kim: Một bước thất bại của bọn bành trướng Bắc Kinh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.12.
[45]Trong đó có đề nghị của Uỷ viên Bộ Chính trị Uông Đông Hưng đem quân tham gia trực tiếp tham chiến ở Campuchia; đề nghị của Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu[45] ào ạt tấn công Việt Nam; đề nghị của Chính uỷ Hải quân Sử Chấn Hoa đem hạm đội Đông Hải xuống vịnh Thái Lan yểm trợ vùng duyên hải Campuchia. Cuối cùng, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận kế hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Đặng Tiểu Bình (Nguồn: Hoàng Dung: Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Việt Nam thư quán Online).
[46]Ngày 3-11-1978, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện. Bên cạnh những điều khoản về quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, điều 6 của Hiệp ước còn nhấn mạnh: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, hai bên sẽ trao đổi với nhau nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hoà bình, an ninh của hai nước”Cùng với Hiệp ước này, lực lượng hải quân Liên Xô tăng cường sự có mặt tại Vịnh Cam Ranh và biển Đông. Việt Nam trở thành một trọng điểm trong chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Liên Xô. Ở Cam Ranh, Liên Xô có khoảng 20-30 tầu chiến; 1 sân bay và một số tàu ngầm với lực lượng tổng cộng là 7.000 binh sĩ. Cam ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài trong so sánh với các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài.Tuy biết rằng, Hiệp ước này được ký kết sẽ gây chấn động và bất lợi về chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhưng tình thế lúc này khôngcho phép Việt Nam chần chừhơn được nữa.

[47]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, 1988, p. 394.

[48]Lê Kim: Một bước thất bại của bọn bành trướng Bắc Kinh, Sđd, tr.12.
[49]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Tlđd, tr.4.
[50]Tạp chí Sở nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, số tháng 2-1981, Bản dịch, lưu tại thư viện quân đội.
[51]Có ít nhất hai lý do để Trung Quốc thực hiện kế hoạch “tấn công giới hạn”: Thứ nhất, Việt Nam cũng là một địch thủ đáng ngại. Trung Quốc không thể nào chịu nổi một cuộc chiến lâu dài, quy mô, bởi nó sẽ gây trở ngại cho chính sách “bốn hiện đại hoá”; thứ hai, một cuộc tấn công giới hạn, nhanh chóng sẽ không gây ra một phả ứng mạnh mẽ trong dư luận thế giới, hay một cuộc tấn công trả đũa từ Liên Xô
[52]Dẫn theo “Kissinger bàn về Trung Quốc”, Pháp luật, Trang thông tin điện tử báo Pháp luật T.P Hồ Chí Minh, ngày 12-2-2012.
[53]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.91.
[54]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.91.
[55]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Tlđd, tr.8.
[56]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.61.
[57]Báo Nhân dân, ngày 18-2-1979, tr. 1.
[58]Báo Nhân dân,  ngày 19-2-1979, tr.1.
[59]Báo Nhân dân,  ngày 5-3-1979, tr.1.
[60]Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 67, ngày 1-3-1979,  Về việc phát động và tổ chức toàn dân chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc,Văn phòng lư trữ Trung ương Đảng.
[61]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979 “Về cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược”, Văn phòng lư trữ Trung ương Đảng.
[62]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979, Tlđd.
[63]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979, Tlđd.
[64]Báo Nhân dân, ngày 19-2-1979, tr.1.
[65]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979  “Về chủ trươngcủa ta trước tình hình bọn phản động Trung Quốc rút quân”, Lưu tại Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng.
[66]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979, Tlđd.
[67]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979, Tlđd.
[68]Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 448.
[69]Những tác động chiến lược của cuộc chiến tranh Đông Dương, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr. 12.
[70]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.59.
[71]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Tlđ d, tr.59. 

CHÍNH SÁCH "BÊN MIỆNG HỐ CHIẾN TRANH" CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU THÁNG 2 - 1979

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 06:59
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc đối với Việt Nam sau tháng 2 - 1979
Sau một thời gian cân nhắc, chuẩn bị kỹ càng mọi phương diện, ngày 17-2-1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, đưa60 vạn quân cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Trong giờ phút nguy nan, toàn thể dân tộc đã đồng lòng, cùng một ý chí, một quyết tâm giáng trả, bảo vệ biên cương đất nước. Trung Quốc đã phải rút quân, song cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, mà chuyển sang một trạng thái mới, không kém phần nguy hiểm – nửa có hòa bình, nửa có chiến tranh.
1- Trì hoãn và đàm phán không thực chất
Ngược dòng lịch sử, không phải chỉ đến sau khi xung đột biên giới phía Bắc (2-1979) nổ ra, phía Việt Nam mới chú trọng giải quyết vấn đề biên giới. Các cuộc đàm phán về biên giới đã được thực hiện từ trước đó, nhằm giải quyết những xung đột nhỏ. Cuộc đàm phán đầu tiên về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc được tiến hành từ  ngày 15-8-1974 đến  ngày 22-11-1974, cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Cuộc đàm phán thứ hai về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước diễn ra ở Bắc Kinh (từ ngày 10-1977 đến ngày 6-1978) cũng ở cấp Thứ trưởng ngoại giao[1]. Các cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận nào, ngoài việc dàn xếp gác lại khu vực tranh chấp ở giữa vịnh Bắc Bộ cho đến khi cùng đạt được thỏa thuận. Sau khi cuộc đàm phán của hai bên tạm dừng, các vụ việc căng thẳng ở biên giới ngày càng gia tăng và như trình bày ở trên, tháng 2-1979, cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc diễn ra, xung đột biên giới Việt - Trung đã lên tới đỉnh điểm.
Sau khi chiến tranh biên giới năm 1979 kết thúc, đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối lại. Trước khi bước vào đàm phán với Trung Quốc, Nhà nước Việt Nam có chủ trương về một đợt đấu tranh ngoại giao mới. Nhận định rằng, Trung Quốc có thể dùng đàm phán ngoại giao và trì hoãn đàm phán để che đậy cho những bước đi tiếp theo, Việt Nam xác định sách lược thích hợp là phải kéo bằng được Trung Quốc ngồi vào đàm phán, chủ trương: Một mặt, tiến hành các bước thúc đẩy đàm phán, tranh thủ dư luận quốc tế, tìm ra chỗ yếu, làm sâu thêm các mâu thuẫn, kéo Trung Quốc xuống thang từng bước; mặt khác, khẩn trương tăng cường lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng đánh bại mọi bước phiêu lưu quân sự mới[2]. Bên cạnh đó, lường định những tình huống có thể xảy ra, các cấp lãnh đạo chiến lược Việt Nam dự báo rằng, có một khả năng thứ hai: Trung Quốc không chịu ngồi vào bàn đàm phán. Trong trường hợp đó, vẫn phải tỏ ra thiện chí, tích cực tranh thủ dư luận thế giới, để Trung Quốc tự bộc lộ bản chất và các toan tính[3].
Cuối cùng, cuộc đàm phán Việt –Trung lần ba diễn ra vào năm 1979 với hai vòng đàm phán[4]Trong vòng đàm phán thứ nhất, lập trường hai bên tóm tắt như sau: Phía Việt Nam cho rằng, trước hết cần giải quyết các vấn đề cấp bách để vãn hồi hòa bình, tạo không khí thuận lợi để giải quyết những vấn đề khác. Đoàn Việt Nam đưa ra đề nghị về "Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu cho một giải pháp về những vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc", với phương án ba điểm để giải quyết vấn đề biên giới: Chấm dứt chiến sự, phi quân sự hóa biên giới; khôi phục giao thông, vận tải bình thường; một giải pháp cho bất cứ vấn đề lãnh thổ nào trên "cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử mà các Hiệp định Trung - Pháp năm 1887 và 1895 đã thiết lập"[5].Phía Trung Quốc kiên quyết từ chối những đề nghị của Việt Nam, đưa ra đề nghị tám điểm của mình, bác bỏ việc phi quân sự hóa biên giới, đề nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ trên "cơ sở những công ước Trung - Pháp"[6], chứ không phải trên cơ sở đường ranh giới thực tế do các Hiệp định đó đưa lại. Trung Quốc cũng đòi Việt Nam thừa nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc"[7]; Việt Nam phải rút quân ra khỏi Trường Sa, thay đổi chính sách với Lào và Campuchia, giải quyết vấn đề Campuchia. Như một bộ phận của giải pháp cho vấn đề biên giới, Trung Quốc đưa tiếp vấn đề Hoa kiều ở Việt Nam (nhận lại những người Hoa đã ra đi) và quan hệ Việt Nam với các nước khác: "Không bên nào sẽ tham gia bất cứ khối quân sự nào chống bên kia, cung cấp căn cứ quân sự hoặc dùng lãnh thổ và các căn cứ các nước khác chống lại phía bên kia"; "Việt Nam không tìm kiếm bá quyền ở Đông Dương hay ở bất cứ nơi nào"[8] làm điều kiện để tiến hành thương lượng.
Vòng đàm phán thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8-6-1979. Đoàn đại biểu Việt Nam đưa "Dự thảo thỏa thuận" về việc hai bên cam kết không tiến hành các hoạt động thám báo và trinh sát dưới mọi hình thức trên lãnh thổ của nhau; không tiến hành bất cứ hoạt động tiến công, khiêu khích vũ trang nào, không nổ súng từ lãnh thổ bên này sang bên kia, cả trên bộ, trên không, trên biển; không có bất cứ hành động gì uy hiếp an ninh của nhau. Việt Nam cũng đưa ra những quan điểm của mình về "chống bá quyền" với ba nội dung chính: 1- Không bành trướng lãnh thổ dưới bất cứ hình thức nào, chấm dứt ngay việc chiếm đoạt đất đai của nước kia, không xâm lược, không dùng vũ lực để "trừng phạt" hoặc để "dạy bài học"; 2- Không can thiệp vào quan hệ của một nước với nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không áp đặt tư tưởng, quan điểm, đường lối của mình cho nước khác; 3- Không liên minh với các thế lực phản động khác chống lại hòa bình, độc lập dân tộc[9]. Nhìn chung, trong vòng đàm phán này, Trung Quốc chủ yếu chỉ trích Việt Nam về việc “buộc” Trung Quốc phải thực hiện “chiến tranh tự vệ” (?!), đề cập đến một số vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước và lập trường tại khu vực, không tập trung giải quyết thực chất vấn đề biên giới.
Qua hai vòng đàm phán, bộc lộ rõ thêm hàng loạt vấn đề:
Thứ nhất,Việt Nam muốn tập trung vào bàn bạc, giải quyết những vấn đề liên quan đến xung đột vũ trang giữa hai nước và tìm cách giảm căng thẳng ở biên giới chung, còn Trung Quốc đưa ra phạm vi thảo luận quá cách biệt (sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia, chấp nhận sự trở lại của người Hoa, công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... là những điều phi lý, xâm hại đến chủ quyền quốc gia dân tộc của Việt Nam). Chính vì thế, kết quả đạt được là hạn hẹp, chỉ dừng lại ở mức độ bước đầu bàn bạc về những biện pháp đảm bảo hoà bình, ổn định trên vùng biên giới, về thoả thuận không bên nào đóng quân trên các điểm cao biên giới, lùi quân đội về phía sau, thỏa thuận giải quyết việc trao trả người của hai bên bị bắt.
Thứ hai,phía Trung Quốc lưu ý rằng, cuộc xung đột biên giới trên bộ không thể chấm dứt nếu như Việt Nam không chịu từ bỏ chủ quyền trên các nơi sở hữu ở biển Đông, rút khỏi Campuchia, chấm dứt liên minh với Liên Xô, không thamgia liên minh quân sự, hoặc cho nước ngoài sử dụng căn cứ quân sự của mình, hoặc sử dụng lãnh thổ và căn cứ ở nước khác…Thái độ áp đặt của Trung Quốc đối với Việt Nam đã rõ,nhất là khi Trung Quốc lấy quan hệ của Việt Nam với các nước khác làm một bộ phận của giải pháp biên giới.
Thứ ba,Trung Quốc chủ yếu coi các cuộc đàm phán là diễn đàn để thăm dò thái độ, thể hiện lập trường, quan điểm trên nhiều vấn đề khác nhau, chưa tập trung đàm phán thực chất và trực tiếp vào các vấn đề biên giới, các vấn đề biên giới có được đề cập thì cố tạo ra những quan điểm khá cách biệt, vì thế,các cuộc thương lượng bị bế tắc ngay từ đầu. Trong những cuộc thương lượng, có thể thấy rõ một điều: Giải quyết tranh chấp biên giới thực chất là một “dền dứ” chính trị.
Đầu năm 1980, Trung Quốc đơn phương đình chỉ vòng ba, không nối lại đàm phán. Việt Nam liên tiếp gửi công hàm yêu cầu họp tiếp vòng ba, nhưng Trung Quốc làm ngơ. Trong những năm 1979-1982,  Việt Nam nhiều lần đề nghị nối lại các cuộc đàm phán đã bị Trung Quốc đơn phương bỏ dở, nhưng Trung Quốc vẫn một mực khước từ[10]. Sở dĩ Trung Quốc chưa muốn nối lại đàm phán là vì giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam chưa phải là mối quan tâm thực sự của Trung Quốc lúc này và diễn biến quan hệ Việt - Trung không chỉ là câu chuyện giữa hai nước, mà còn bị chi phối bởi tình hình, các diễn biến ở Campuchia – một vấn đề khá “nhạy cảm” ở khu vực và trong nhiều mối quan hệ quốc tế liên quan. Trung Quốc chờ đợi để Khơme Đỏ giành được một thế nào đó ở Campuchia, còn Việt Nam phải dàn lực cả trên hai hướng biên giới, rơi vào thế cô lập về ngoại giao, khó khăn về chính trị, sa lầy trong khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong lúc đó, Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm và thắt chặtthêm các quan hệ liên minh ở Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu lâu dài ở khu vực, nhất là tại thời điểm đó, Trung Quốc nhận định tình hình thế giới, khu vực đang chuyển biến theo một xu thế có lợi cho mình.
Những năm 1982, 1983 và 1984, tại diễn đàn đàm phán bình thường hóa quan hệ Xô – Trung ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Trung Quốc nêu vấn đề quân đội Việt Nam ở Campuchia, đề nghị Liên Xô phải đôn thúc Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia, coi việc Liên Xô tiếp tục ủng hộ quân đội Việt Nam tại Campuchia là trở ngại lớn nhất cho việc bình thường hóa quan hệ Trung - Xô. Điều này cho thấy, Trung Quốc muốn thông qua Liên Xô buộc Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia, dính lứu Việt Nam vào vấn đề cải thiện quan hệ Trung – Xô. Giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam chưa phải là mục tiêu thực sự của Trung Quốc. Nói cách khác, từ chối và trì trệ trong các cuộc đàm phán, tranh thủ các nước ASEAN, hướng tâm lý các nước ASEAN vào việc chống Việt Nam, Trung Quốc muốn làm cho Việt Nam bị cô lập thêm trong khu vực và trên thế giới bằng cách cầm chân những nhà lãnh đạo Việt Nam vào những cuộc đàm phán không kết quả.
2- Xâm lấn và gây rối trên bộ
Trong khi đàm phán đang trì trệ, Trung Quốc liên tục mở những cuộc tiến công, xâm nhập, pháo kích vào lãnh thổ Việt Nam. Trong những năm 80 (XX), tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc liên tục ở trong tình trạng căng thẳng, có chiến sự với mức độ thấp hơn chiến tranh. Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ trong năm 1980, đã phát hiện 300 lần các toán vũ trang Trung Quốc xâm nhập biên giới, hoạt động phục kích 88 vụ, tấn công 60 vụ, trinh sát, thám báo 136 vụ, xâm nhập khác 17 vụ, gây nhiều thiệt hại cho phía Việt Nam[11]. Địa bàn xâm nhập tập trung là một số xã vùng cao thuộc 14/248 huyện biên giới như Phong Thổ (Lai Châu), Mường Khương ( Hoàng Liên Sơn), Đồng Văn (Hà Tuyên), Trùng Khánh (Cao Bằng)[12]
 Ngày 5-6-1981, Trung Quốc bắn hàng nghìn quả đạn pháo sang nhiều khu vực thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, sau đó dùng lực lượng đánh chiếm khu vực bình độ 400 ở phía Nam, cột mốc 26, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ngày 7-6-1981, Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm một số điểm cao thuộc tỉnh Hà Tuyên. Tổng kết lại, về chiến tranh lấn chiếm ở biên giới, tính từ tháng 3-1979 đến hết tháng 9-1983, Trung Quốc đã cho lực lượng vũ trang xâm nhập biên giới Việt Nam 48.974 vụ, trong đó xâm nhập biên giới trên bộ 7.322 vụ có nổ súng, khiêu khích; xâm nhập vùng biển 28.967 vụ; xâm nhập vùng trời biên giới 12.705 vụ (với hơn 2.000 tốp máy bay). Trung Quốc bắn pháo thường xuyên vào các vùng dân cư, có khi hàng nghìn quả đạn, tiếp tục lấn chiếm đất đai (chiếm dải bình nguyên 400 thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho đến năm 1997 vẫn chưa rút),tổ chức hàng chục vụ xâm canh, xâm cư, các hoạt động di dịch, đập phá cột mốc, dựng bia, chôn mộ trong đất Việt Nam. Thậm chí, ngày 1-2-1984, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang cùng đoàn cán bộ cao cấp đã đến thăm cao điểm 400 (mà Trung Quốc đặt tên là Pakhason) để uý lạo quân đội, thể hiện mục đích chiếm giữ đất đai lấn chiếm được đến cùng. Cũng tính đến tháng 3-1983, Trung Quốc còn chiếm giữ 89 điểm của Việt Nam[13].
Các cuộc tấn công, lấn chiếm của Trung Quốc càng dồn dập hơn vào năm 1984. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Sa Lực Mân Lực công khai nói rằng, ngày 28-5-1984, quân Trung Quốc đã cho “hàng vạn khẩu pháo đồng loạt nổ vào một điểm (mà tác giả gọi là Lão Sơn), thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên[14]. Các cuộc tiến công trong năm 1984, như hãng AFP nhận xét (27-4-1984): Trung Quốc chủ trương tạo ra tình hình căng thẳng tại biên giới như là một phương tiện gây sức ép, nhằm buộc Việt Nam phải thay đổi chính sách. Đây chính là cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống Việt Nam, cái mà tác giả cuốn “Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc” Sa Lực Mân Lực gọi là “cuộc chiến đấu giằng co trong hơn 1.800 ngày”[15]. Các nhà quan sát nước ngoài ghi nhận từ tháng 7-1980 đến tháng 8-1987, dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã xảy ra 6 cuộc chạm trán nảy lửa vào các tháng 7-1980, tháng 5-1981, tháng 4-1983, tháng 6-1985, tháng 12-1986 và tháng 1-1987[16]. Theo tuyên bố của Ngoại Trưởng Trung Quốc Ngô Ngọc Khiêm trong buổi họp báo ở Xinhgapo ngày 29-1-1985, trong năm 1985, Trung Quốc đã điều thêm tám sư đoàn bộ binh cùng gần hai mươi sư đoàn đã đóng chốt từ trước, áp sát dọc biên giới Việt – Trung; đồng thời, triển khai hơn 650 máy bay chiến đấu, ném bom tại các sân bay gần biên giới[17]. Còn theo Báo Nhật Bản Sankei Shibunm ra ngày 14-1-1985, Trung Quốc đã đưa số máy bay đến gần biên giới Việt - Trung lên gần 1.000 chiếc. Đài BBC ngày 6-2-1985 cho biết: Trung Quốc có 400.000 quân đóng dọc biên giới Việt – Trung. Tạp chíNghiên cứu vấn đề quốc tế của Trung Quốc số 2-1982 đã lý giải mục đích của việc bố trí một lực lượng lớn quân đội ở sát biên giới với Việt Nam “là để kìm giữ một phần binh lực của Việt Nam ở tuyến biên giới phía Bắc, do đó làm lợi cho cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Campuchia”[18]. Cũng cần nhấn mạnh là trong mùa khô 1984-1985, quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch đánh thẳng vào vùng đất thánh và xoá sạch các căn cứ của ba phái Khơme cắm sâu vào đất Thái Lan, nên những năm 1984-1985, biên giới Việt - Trung liên tục căng thẳng và có sự dàn thế trận của quân đội Trung Quốc.
Cùng với các hoạt động quân sự thấp hơn chiến tranh, Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây rối nội bộ, mua chuộc người của các dân tộc thiểu số, trong đó có người Hoa, tiến công chính trị, phá hoại kinh tế, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý[19]. Trung Quốcráo riết thực hiện chiến lược phá hoại toàn diện và lâu dài với nhiều thủ đoạn, làm cho tình hình ở các vùng giáp biên thường xuyên không yên ổn[20],phá hoại một cách toàn diện tư tưởng, chính trị, kinh tế, quốc phòng[21]. Kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt này rất phức tạp, Trung Quốc đánh phá bằng nhiều mưu mô, trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều hướng, trên nhiều địa bàn, bằng nhiều lực lượng, nhiều hình thức, kết hợp đánh từ trong ra, ngoài vào, tiến hành bao vây, phong toả kinh tế từ bên ngoài, tiến hành phá hoại máy móc, đốt cháy kho tàng... gây thiệt hại cho sản xuất. Trung Quốc tổ chức buôn lậu, đầu cơ tích trữ, phá hoại tiền tệ, lũng đoạn thị trường, ra sức lợi dụng những sơ hở, thiết sót trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để làm nghiêm trọng thêm những khó khăn về kinh tế, đời sống Việt Nam[22]. Trung Quốc thường khiêu khích vũ trang, sử dụng hoạt động lấn chiếm, phá hoại phòng tuyến bảo vệ biên giới, tung gián điệp, thám báo, biệt kích vào nội địa, kích động chia rẽ dân tộc, xây dựng cơ sở vũ trang, gây phỉ, tiến tới lấn chiếm một vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người, lập những cái gọi là “một khu tự trị”, hoặc “một nước tự trị”[23]. Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (11-1981), Lê Duẩn phát biểu: “Nước ta đang ở trong tình hình vừa có hoà bình vừa có chiến tranh. Hội nghị lần thứ IV của Trung ương Đảng năm 1978 đã nhận định như vậy. Hiện nay và trong nhiều năm sắp tới, tình hình nước ta cũng sẽ là như vậy (…) Bắc Kinh đe doạ độc lập chủ quyền của nước ta từ bốn mặt. Và trong những điều kiện nhất định, không loại trừ khả năng địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn”[24]. Đặc biệt, từ cuối năm 1980, Trung Quốc câu kết Fulro, với tàn quân Pôn Pốt, lập căn cứ ở Đông Bắc Campuchia, lập hành lang Tây Nguyên- Campuchia –Thái Lan, phá hoại công cuộc xây dựng Tây Nguyên và một vài nơi thuộc vùng núi Nghĩa Bình, Phú Khánh[25].
3- Gây sức ép từ hướng biển
Trong các ngày 22-2-1980, 27-2-1980 và 2-3-1980 tại vùng biển Tây  Nam quần đảo Hoàng Sa, tầu Hải quân Trung Quốc đã tổ chức bắt cóc một số thuyền đánh cá của ngư dân hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Nghĩa Bình[26].Từ năm 1979 đến năm 1982, diễn ra các sự kiện cho thấy những tính toán lâu dài trong chiến lược biển Đông của Trung Quốc: 1- Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc công bố một thông cáo quy định "bốn vùng nguy hiểm" ở Tây Nam đảo Hải Nam, trong đó có vùng trời của quần đảo Hoàng Sa và buộc máy bay dân dụng của các nước khác phải bay qua đây vào những giờ doTrung Quốc quy định, 2- Công bố một bản quy định cho máy bay dân dụng nước ngoài bay vào không phận của Trung Quốc, tính cả không phận quần đảo Hoàng Sa (7-1979); 3- Thành lập lữ đoàn Hải quân đầu tiên ở đảo Hải Nam (12-1979);4- Máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra trên không đầu tiên ở quần đảo Trường Sa (1-1980); 5- Đưa Sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giang và trang bị cho hạm đội những trang bị hiện đại nhất để xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự, trạm tên lửa ở đảo Hải Nam; 6- Hoàn tất các công trình phòng thủ trên Hoàng Sa, cho nhiều tàu ngư lôi và hàng trăm tầu cá Trung Quốc đường đột tiến vào vùng lãnh hải của Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ (1981); 7- Năm 1982, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc Dương Đắc Chí viếng thăm quần đảo Hoàng Sa và tàu hải quân của Trung Quốc, Việt Nam đã đụng độ[27]ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa[28].
Ngày 15-4-1987, Trung Quốc đã ra tuyên bố lên án quân đội Việt Nam “chiếm đóng” đảo đá Ba Tiêu thuộc quần đảo Trường Sa(?!). Bản Tuyên bố nói rằng, mục đích của Việt Nam khi triển khai quân đội một cách bất hợp pháp ở đảo Ba Tiêu là để chiếm hữu thềm lục địa gần đó và mở đường cho việc khai thác dầu trong tương lai.Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏiBa Tiêu và chín hòn đảo khác,bảo lưu quyền thu hồi các đảo này vào một thời điểm thích hợp. Thậm chí, Trung Quốc còn tuyên bố mạnh mẽ: “Chừng nào mà quân đội Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốcvẫn còn thống nhất hành động trong việc chống lại kẻ thù, thì hoàn toàn có thể ngăn chặn hành động bành trướng tàn bạo của Việt Nam và thậm chí còn giáng trả nặng nề”[29].Từ ngày 15-5 đến ngày 6-6-1987, Hải quân Trung Quốc diễn tập lớn và tổ chức các cuộc nghiên cứu hải dương học ở khu vực quần đảo Trường Sa. Động thái này làm phức tạp hơn tình hình đã vốn phức tạp và nhằm chứng tỏ rằng Hải quân Trung Quốc có khả năng thực hiện những cuộc hành quân hỗn hợp ở cả vùng biển gần lục địa, biển khơi và Trung Quốc có thể làm điều Trung Quốc muốn.
Sang năm 1988, Trung Quốc tiếp tục trì hoãn các cuộc gặp gỡ, có những hành động ở biển Đông làm căng thẳng thêm tình hình. Tháng 1-1988, một lực lượng lớn tầu chiến của Trung Quốc hoạt động xâm chiếm tại bãi đá Chữ Thập và Châu Viên[30], xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, làm bàn đạp để mở rộng các hành động lấn chiếm trên quần đảo. Ngày 26-2-1987, lực lượng của Trung Quốc đã đổ bộ lên hai đảo san hô trong quần đảo. Ngày 20-2-1988, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu chiến hoạt động ở lãnh hải Trường Sa của Việt Nam. Tình trạng chung đã trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
Tham vọng của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sađã lên đến một mức độ mới – Trung Quốc gây ra cuộc hải chiến đẫm máu vào tháng 3-1988 gần cụm đảo Sinh Tồn, khiến 3 tàu vận tải của Việt Nam bị bắn chìm, 20 người hy sinh và 74 người khác bị mất tích[31]. Nhận xét về cuộc đụng độ, Giáo sư Luật học Gerardo Martin C.Valero viết: "Đó là cuộc đụng độ hải quân trầm trọng nhất ở khu vực Trường Sa kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai"[32]. Xung đột này xảy ra vào thời điểm "vấn đề Campuchia" đang đi vào giải quyết, trùng hợp với những căng thẳng ở Campuchia. Đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc không chỉ triển khai thực hiện chiến lược mở rộng lãnh hải, mà còn nhằm giải tỏaáp lực cho lực lượng Polpot đang bị bao vây ở Campuchia. Nhà nghiên cứu Quách Minh, Hiệp hội Khoa học xã hội Quảng Tây viết về mục tiêu của cuộc tấn công này như sau: “Thứ nhất, tuyên cáo quần đảo Nam Sa (Trường Sa - TG) là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc, Trung Quốc có quyền bảo vệ, bất cứ thế lực nào đều không thể muốn làm gì thì làm trong lãnh hải thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc; Thứ hai, tỏ rõ Trung Quốc có thực lực bảo vệ biên giới trên biển và hải đảo, cho dù quần đảo Nam Sa cách đại lục Trung Quốc tương đối xa, nhưng lực lượng Hải quân Trung Quốc vẫn cónăng lực bảo vệ”[33]. Tác giả này cũng thừa nhận rằng, sau xung đột ngày 14-3-1988, "khu vực hoạt động của tàu thuyền Hải quân Trung Quốc được mở rộng, thậm chí có thể phủ khắp các đảo đá ngầm mà Việt Nam chiếm đóng"[34].
Tính trong năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa, xây dựng hệ thống dàn khoan khung sắt với những thiết bị vệ tinh và thông tin, ra sức củng cố những điểm này làm bàn đạp cho những bước tiến mới. Không lâu sau “cuộc hải chiến”, tháng 5-1988, tờ Nhật báo Quân đội nhân dân - tiếng nói chính thức của quân đội Trung Quốc đã có bài viết, trong đó tuyên bố: Hiện nay Hải quân Trung Quốc có thể bảo vệ lãnh hải gần bờ Trung Quốc, cả chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và biển khơi xa lục địa hàng trăm hải lý. Bằng tuyên bố này, Trung Quốc đã tỏ cho các nước láng giềng xung quanh biển Đông biết quyết tâm cao của mình là có khả năng chiếm đóng các đảo trong quần đảo Trường Sa mà các nước này đang có tranh chấp chủ quyền.
Trước những hành động xâm chiếm trái phép của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã liên tục gửi công hàm phản đối đến Bắc Kinh (ngày 17 và 23, 26 tháng 3-1988), đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán, thương lượng để giải quyết những bấtđồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như những vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa; đề nghị Trung Quốc trong khi chờgiải quyết tranh chấp, hai bên không dùng vũ lực và tránh mọi đụng độ để tình hình không phát triển xấu thêm. Việt Nam cũng thông báo cho Liên Hợp Quốc về tình hình này. Song phía Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm giữ các nơi đã chiếm được và khước từ thương lượng, giữ quan điểm về "chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Nam Sa” (Trường Sa-TG).
Ngày 13-4-1988 (tròn một tháng sau cuộc hải chiến khốc liệt với Việt Nam ở quần đảo Trường Sa), Quốc hội Trung Quốc khóaVI đã phê chuẩn thành lập Khu hành chính Hải Nam[35], có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 4-1988, Trung Quốc đặt lại tên cho các đảo, đá, bãi cạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và sáp nhập hai quần đảo vào địa phận Hải Nam - Trung Quốc. Tuy việc thành lập tỉnh là công việc nội bộ của Trung Quốc, Hải Nam được "chuyển cấp" theo một trình tự hợp hiến, đúng với luật pháp Trung Quốc, nhưng Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thì không thể coi là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việc làm này của Trung Quốc là nhằm đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của mình, mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía Nam tới quần đảo Trường Sa ở cực Nam biển Đông - đây là việc làm bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng phản đối việc thành lập đặc khu Hải Nam của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên truyền chính sách mở cửa của Hải Nam là nhằm phát triển kinh tế, thực chất, Hải Nam đang dần dần được biến thành một cơ sở kinh tế, căn cứ quân sự hùng mạnh. Điều đó trở thành một yếu tố làm bất ổn định đối với sự phát triển chính trị- ngoại giao tại khu vực. Xét thời điểm xảy ra những sự kiện liên quan đến biển Đông của Trung Quốc, thì những nỗ lực vươn mạnh trên biển của Trung Quốc được đẩy mạnh vào cuối những năm 80 (XX) – đây là thời điểm được Trung Quốc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, không hề ngẫu nhiên. Lúc này, Việt Nam đang bị bao vây, cấm vận, bị cô lập trong quan hệ ngoại giao và sự cô lập gia tăng sau "sự kiện Campuchia". Việt Nam chưa có những liên kết chặt chẽ với ASEAN, đang phải bận tâm với nhiều khó khăn, tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, trong tranh chấp, vì thế, Trung Quốc sẽ dễ đạt được nhữngthỏathuận có lợi. Valencia Mark.J đã có lý khi nhận xét rằng, "Trung Quốc đang cố tình khiêu khích Việt Nam vào một cuộc chiến để xua đuổi các nhà đầu tư khỏi Việt Nam và ngăn cản mức tăng trưởng kinh tế cạnh tranh của Việt Nam"[36].
Một bước tiến mới của Trung Quốc là từ tháng 1-1989 đến tháng 9-1990, Trung Quốc liên tục có các hành động như: Đặt bia chủ quyền trên các đảo đã chiếm được; tập trận, khảo sát khoa học… trong lãnh hải quần đảo Trường Sa[37]. Đây là những hành động mà Trung Quốc thực hiện ráo riết, tranh thủ tình hình đàm phán còn chưa ngã ngũ, một mặt, nhằm khẳng định "chủ quyền" của mình trên biển Đông (?!); mặt khác, khẳng định chiến lược mở rộng ra biển Đông không thay đổi của mình. Như vậy, sở dĩ Trung Quốc còn chần chừ, chưa muốn đi vào đàm phán và giải quyết vấn đề lãnh hải một cách thực chất với Việt Nam, bởi Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội tạo chỗ đứng trên trên biển Đông.
4- Đôi điều suy ngẫm…
Từ sau chiến tranh biên giới năm 1979, dù đã rút quân và tuyên bố sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, song trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhiều mặt chống phá Việt Nam, tập trung vào bốn vấn đề chính: 1- Bao vây, cô lập về kinh tế, chính trị, ngoại giao; 2- Gây sức ép quân sự trên đất liền và vùng biển; 3- Tăng cường chiến tranh tâm lý, chiến tranh hàng hoá; 4- Đẩy mạnh các hoạt động tình báo.
Các hoạt động kể trên của Trung Quốc kéo dài, gây nên tình trạng căng thẳng thường xuyên, có chiến sự với mức độ thấp hơn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và ở vùng lãnh hải của Việt Nam – đó là “chính sách bên miệng hố chiến tranh” đẩy Việt Nam phải duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu -  đây không chỉ một gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia vốn đã rất khó khăn, mà còn gây nên sự mất ổn định, khiến Việt Nam khó lòng tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Hành động đó của Trung Quốc là nhằm làm cho Việt Nam bị chảy máu thêm trong khi Việt Nam đang đứng trước những bất lợi[38].
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với bốn mũi nhọn nhằm vào Việt Nam của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc là quốc gia có khả năng tính toán, tìm kiếm những cơ hội để thực hiện chính sách của mình theo những đường díc dắc. Trung Quốc luôn có khả năng đưa kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, có độ bao quát để kiềm tỏa một quốc gia nào đó. Tồn tại bên cạnh một quốc gia như vậy, Việt Nam không có con đường nào khác là phải tự mạnh lên, bởi lợi ích quốc gia dân tộc được đảm bảo ở mức độ nào, tùy thuộc vào đất nước mạnh hay yếu; thành công hay hạn chế trong quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thực lực mỗi nước.Nói một cách thẳng thắn, trong quan hệ mọi mặt với Trung Quốc về chính trị, kinh tế, văn hóa… do thực lực của Việt Nam còn yếu, nên đối diện với Trung Quốc, Việt Nam chẳng những khó có thể đạt được những lợi ích ngang bằng, mà còn thường bị thuathiệt. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi quan hệ hai nước tiếp tục căng thẳng, đối đầu, trong lúc "vấn đề Campuchia" còn đang là một rắc rối của Việt Nam, Việt Nam bị bao vây, cấm vận và cô đơn trong quan hệ đối ngoại, lẻ loi trên trường quốc tế, Trung Quốc tiếp tục lấn lướt Việt Nam hơn 10 năm, bất chấp mọi luật lệ. Phải chăng vì lúc này Trung Quốc nhận thấy Việt Nam đang còn yếu, khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị? Do thế và lực còn yếu, Việt Nam khó lòng đương đầu với Trung Quốc trong các xung đột, tranh chấp, dễ Trung Quốc chèn ép?
Thực lực của một quốc gia được hiểu là sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, địa vị, ảnh hưởng quốc tế…, Nói gọn lại, đó là ba thanh tố: An ninh, phát triển và vị thế quốc tế.Cần nhìn thẳng vào sự thật là bước vào những năm cuối của thế kỷ XX, trước cuộc chạy đua quyết liệt của các nước nhằm tìm ra lợi thế so sánh tối ưu của mình, chiếm lĩnh các đỉnh cao về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, hội nhập với thế giới, Việt Nam đã bỏ lỡ mất nhiều cơ hội. Không thể để hào quang quá khứ che lấp một sự thật nghiệt ngã: Việt Nam còn nghèo và chậm phát triển. Không chỉ lúc bấy giờ, mà cả hiện nay, để thoát ra khỏi tình trạng đó, giải quyết tận gốc những “điểm nghẽn” cản trở phát triển của đất nước là yêu cầu bức xúc của thực tiễn, đòi hỏi phải có một đường hướng phát triển khoa học với nội dung cốt lõi VÌ DÂN –DĨ DÂN VI BẢN làm nền tảng cho những hành động, giải pháp phù hợp, quyết liệt. Mấu chốt của mọi mấu chốt nằm ở chỗ sau khi và trên cơ sở một đường hướng như vậy đã được xác lập, phải xây dựng/tổ chức cho được cơ chế và hệ thống quản trị xã hội thông minh, lành mạnh, trí tuệ làmnền, làm cội, làm rường cột, phản ánh bản chất của một chính phủ/nhà nướcthân dân, yêu dân, trọng dân một cách thực chất. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới tránh được nguy cơ tụt hậu, không đánh mất cơ hội phát triển, mới có sự đồng thuận xã hội để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và quan trọng nhất, để tồn tại và vươn lên ngang hàng với các quốc gia tiến bộ, văn minh.






[1]Gồm 4 vòng đàm phán; Trưởng đoàn phía Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền, Trưởng đoàn phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long.
[2]Ban Bí thư: Thông tri số 80, ngày 5-4-1979, Về đợt đấu tranh ngoại giao mới của ta, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[3]Ban Bí thư: Thông tri số 80, ngày 5-4-1979, Tlđd.
[4]Từ ngày 18- 4-1979 đến ngày 18-5-1979 , Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán tại Hà Nội với với 5 phiên họp toàn thể; vòng hai được tiến hành tại Bắc Kinh từ ngày 8-6-1979  đến ngày 6-3-1980 với 10 phiên họp toàn thể.
[5]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Báo Nhân dân, ngày 16-5-1979.
[6]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[7]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[8]Đề nghị ba điểm của phía Việt Nam và đề nghị tám điểm của phía Trung Quốc, Tlđd.
[9]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.194-196.
[10]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V,, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, t.1, tr. 154.
[11]Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Sơ kết hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch ở biên giới phía Bắc và công tác đánh địch của ta, Tài liệu không công bố, Lưu tại thư viện Quân đội, tr.4
[12]Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng: Sơ kết hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch ở biên giới phía Bắc…Tlđd, tr.4
[13]Bác bỏ tin thêu dệtBáo Nhân dân, ngày 24-3-1983.
[14]Sa lực Mân Lực: 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Bản dịch của Cục nghiên cứu, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1992, tr.44.
[15]Sa lực Mân Lực: 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Tlđd, tr.45.
[16]Ramses Amer:  Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991, tr.58.
[17]Nguyễn Thành Lê: Một tiêu điểm của cuộc chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.55.
[18]Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, số 2/1981, Bản dịch, Lưu tại thư viện Quân đội,  tr.26.
[19]Đảng Cộng sản  Việt Nam:Nghị quyết số 36, ngày 24-2-1981 của Bộ Chính trị “Về nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng”,Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[20]Ban Bí thư: Chỉ thị số112, ngày 29-6-1981, Củng cố toàn diện, vững chắc vùng biên giới phía Bắc, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[21]Ban Bí thư:  Chỉ thị số 119, ngày 19-10-1981, Về nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của địch, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[22]Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị, ngày 25-10-1982, Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đập tan âm mưu kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng, bá quyền Trung Quốc câu kết với đế quốc Mỹ, tối mật, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng, ĐVBQ 757.
[23]Nghị quyết số 03 của Bộ Chính trị, ngày 25-10-1982, Tlđd.
[24]Bài phát biểu của Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (11-1981), Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[25]Ban Bí thư: Thông báo số 25, ngày 27-6-1981 Tiếp tục giải quyết vấn đề Fulro kết hợp với phát triển kinh tế- văn hoá ở Tây Nguyên, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[26]Ban Bí thư: Thông tri số 111, ngày 11-4-1980,  Về việc đối phó với âm mưu của Hải quân Trung Quốc bắt cóc ngư dân ta, Lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng.
[27]Phía Trung Quốc thông báo đã bắt giữ một tàu thuỷ Việt Nam, vì đã “xông vào vùng nước thuộc lãnh thổ Trung Quốc".
[28]Greg Austin: Biên giới trên biển của Trung Quốc: Luật quốc tế - lực lượng quân sự và sự phát triển của quốc gia, Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.73.
[29]Dẫn theo Jonk Chao:Biển Nam Trung Hoa: Những vấn đề biên giới liên quan tới các quần đảo Nam Sa và Tây Sa, Bản dịch, Lưu tại thư viện Quân đội, tr. 69.
[30]Là hai bãi san hô còn lập lờ mặt nước thuộc quần đảo Trường Sa.
[31]Sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc huy động một biên đội tầu chiến gồm 6 chiếc, có trang bị tên lửa và pháo 100 ly tấn công 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở cụm đảo Sinh Tồn. Khi các tàu cứu hộ của Việt Nam mang cờ chữ thập đỏ đến cứu các tàu bị bắn chìm, thì bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, bao vây. Sau khi thực hiện hành động vũ lực trên, Trung Quốc đã chiếm thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho xây "đài quan sát biển", mà thực chất là "tiền đồn an ninh biển" (marine observatory) trên một trong những nhóm đá có tranh chấp chủ quyền.
[32]Quần đảo Trường Sa: Liệu có còn thích hợp khi tranh cãi về vấn đề chủ quyền, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý quốc tế, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.5.
[33]Quách Minh (chủ biên):Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Bản dịch, Lưu tại Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 1990, tr.200.
[34]Quách Minh (chủ biên):Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Tlđd, tr.201.
[35]Bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
[36]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.679.
[37]Tháng 1-1989, Hải quân Trung Quốc tổ chức một hội nghị về quần đảo Trường Sa. Cũng trong tháng 1-1989,Trung Quốc đặt bia chủ quyền lên các bãi đã chiếm được từ năm 1988, thể hiện một bước tiến mới. Tháng 2-1989, một đoàn đại biểu ba Tổng cục (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) của Quân đội Trung Quốc đã đến thăm các đảo mà Trung Quốc chiếm được trong quần đảo Trường Sa. Tháng 3-1989, một Bộ Chỉ huy đặc biệt được thành lập ở Quân chủng Hải quân để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 5-1989, Hải quân Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận lớn (gồm cả ba hạm đội, máybay Hải quân, lính thuỷ đánh bộ) ở một khu vực nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Các nhiệm vụ triển khai gồm chiến tranh trên biển, chiến đấu trên không, chiến đấu chống tầu ngầm và đổ bộ. Liên tục từ tháng 5 đến tháng 9-1989, Trung Quốc tổ chức huấn luyện đội 15 chiếc tàu thuộc Hạm đội biển Đông về tập trận bao vây, chống bao vây, tiếp tế xa và tàu ngầm. Ngày 9-3-1990, Trung Quốc kết thúc đợt khảo sát khoa học ở quần đảo Trường Sa đã bắt đầu từ ba năm trước đó và 10 ngày sau cho nhiều tàu đánh cá từ Quảng Châu đến đánh cá ở Trường Sa.
[38]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.199. 

GIÚP ĐỠ QUÂN SỰ CỦA LIÊN XÔ CHO VIỆT NAM NHỮNG NĂM CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI (1965 - 1972)

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ năm, 13 Tháng 2 2014 09:56
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong cuộc đối đầu lịch sử với một đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần, có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, Việt Nam luôn nhận được sự đồng tình, cổ vũ của các lực lượng khác nhautrên thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ không tách rời sự ủng hộ quốc tế to lớn, trong đó có sự giúp đỡ của Liên Xô – quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh với những vũ khí chiến lược tối tân, hiện đại. Viện trợ quân sự toàn diện của Liên Xô, nhất là vào những thời điểm quan trọng của cuộc kháng chiến, đã tăng cường và tạo ra sức mạnh đáng kể cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Quyết định tăng cường viện trợ cho Việt Nam
Từ giữa những năm 60 (XX), ở Đông Nam Á diễn ra những thay đổi nhanh chóng. Mỹ tăng cường sự hiện diện, củng cố quyền lực trong khu vực, đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á chống lại “nguy cơ của chủ nghĩa Cộng sản”. Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của Liên Xô, một mặt, vừa tiếp tục có thái độ thù địch với Liên Xô, vừa "tìm kiếm quan hệ với Washington để cân bằng địa vị với Liên Xô”[1], đẩy nhanh hòa hoãn với Mỹ; mặt khác, tích cực giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ, thông qua Việt Nam mở rộng ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á. Những sự kiện nêu trên minh chứng cho vị trí địa - chiến lược, địa – chính trị và địa – quân sự quan trọng của Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung và tác động, ảnh hưởng, buộc Liên Xô phải nhìn nhận, cân nhắc lại quan hệ với khu vực này, khởi động lại chính sách châu Á. Trên con đường khẳng định vị thế, tham gia vào các vấn đề của khu vực, Việt Nam - quốc gia "điểm nóng" là sự lựa chọn thích hợp, "một kênh quan trọng giúp Liên Xô có thể thâm nhập vào Đông Nam Á, cô lập, ngăn chặn chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không rơi vào thế yếu một khi Trung Quốc hòa hoãn với Hoa Kỳ"[2]. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Liên bang CHXHCN Xô-viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin dẫn đầu đến Việt Nam vào tháng 2-1965 là dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt trong quan hệ Việt – Xô với cam kết giúp đỡ toàn diện, cung cấp vũ khí củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam, chống lại sự tấn công bằng không lực của Mỹ. Đó là lựa chọn – như phân tích của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ, "đảm bảo cho sự có mặt và ảnh hưởng lâu dài của Liên Xô ở Việt Nam (…). Đó cũng là cách Liên Xô giúp đỡ Việt Nam cộng sản chiến thắng – một chiến thắng không gắn với và khuyếch trương uy tín, thanh thế của Trung Quốc"[3].
Tháng 4-1965, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, thỏa thuận và ký kết hiệp định về viện trợ quân sự. Ngày 10-7 và ngày 21-10 -1965, hai nước ký thêm hai thỏa thuận về viện trợ bổ sung. Trong các thỏa thuận và quyết định hỗ trợ quân sự cho Việt Nam của Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết, nội dung viện trợ, giúp đỡ được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch dài hạn,bao gồm:1- Cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự chuyên biệt; 2- Biệt phái các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Quân đội Việt Nam tiếp cận, sử dụng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự được viện trợ, giúp sửa chữa và hiện đại hóa chúng; 3- Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các mục đích quân sự; 4- Chuyển giao giấy phép, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc sản xuất đạn dược, một số loại vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như các hướng dẫn kỹ thuật khác; 5- Đào tạo quân nhân Việt Nam trong các cơ sở quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô[4]. Theo các bản cam kết và ghi nhớ, các loại trang thiết bị quân sự Liên Xô viện trợ cho Việt Nam gồm: Tên lửa đất đối không (SAM), pháo cao xạ, thiết bị ra đa, thiết bị vô tuyến điện tử, bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu MiG-17, máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-21, IL-28, máy bay tiêm kích SU-17, máy bay vận tải IL14, LI-2, xe tăng T-34 và T-54, khí tài vượt sông; một số khí tài thông tin, phòng hóa[5]… Nhìn chung, vũ khí, khí tài đa dạng về chủng loại, tối tân, hiện đại, có khả năng phát huy tốt trên chiến trường Việt Nam. Theo thỏa thuận, vũ khí, khí tài được vận chuyển tới Việt Nam qua hai ngả: Bằng đường sắt qua Trung Quốc và đường biển qua cảng Hải Phòng. Để dễ dàng, nhanh chóng vận chuyển hàng viện trợ, A.N. Kosygin đề nghị Trung Quốc cho phép sử dụng sân bay Côn Minh, lập cầu hàng không qua không phận Trung Quốc, song Trung Quốc từ chối. Sau một thời gian đàm phán, Trung Quốc đồng ý để viện trợ cho Việt Nam được vận chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc và “để đạt được thỏa thuận, Liên Xô đã chuyển cho Trung Quốc 50 triệu rúp”[6]. Đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, Liên Xô huy động thường xuyên 20 tàu vận tải cỡ lớn của Công ty vận tải Biển Đen và Viễn Đông.
 Chính phủ Liên Xô khẳng định rằng, viện trợ cho Việt Nam được thực hiện trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Xô –viết, tuân thủ các điều ước, hiệp ước và thông lệ quốc tế, trên tinh thần anh em, tương trợ lẫn nhau và tình cảm quốc tế vô sản sâu sắc.
2. Viện trợ vũ khí, khí tài và đào tạo nhân lực quân sự bậc cao
Mức độ viện trợ, các loại vũ khí, khí tài Liên Xô giúp đỡ Việt Nam chưa bao giờ được hai nước công bố chính thức. Thu thập từ những nguồn khác nhau, số liệu viện trợ không thống nhất và cách thức thống kê cũng không đồng nhất: Theo số lượng, khối lượng, chủng loại, trị giá…
 Theo một số tài liệu lưu trữ của Cục lưu trữ Liên bang Nga, vũ khí của Liên Xô được tăng cường chuyển tới Việt Nam từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, mặc dù những thỏa thuận cụ thể chỉ đạt được từ tháng 4 -1965. Thực hiện các hiệp định, thỏa thuận và cam kết[7], từ tháng 3-1965, “lực lượng phòng không của Việt Nam được trang bị pháo cao xạ 37 mm và súng phòng không 57 mm. Từ tháng 7-1965, tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao SA-75 Dvina (SAM) đã có mặt ở Việt Nam”[8].
Về trị giá viện trợ từng năm, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên Xô (10-1965), từ năm 1962đến năm 1965,Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị quân sự(trong đó cócả máy bay) trị giá gần 200 triệuUSDvàhơn một nửa số này (60%)được chuyển cho Việt Namtrong năm 1965[9]. Cũng về viện trợ trong năm 1965, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế(IISS, Luân Đôn) cung cấp số liệu sau: Năm 1965, trị giá viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là  210 triệu USD (chiếm 60% tổng viện trợ kinh tế)[10]. Năm 1967, theo Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Liên Xô (12-1967), đây là năm Liên Xô cung cấp viện trợ cao nhất cho Việt Nam[11], còn Viện IISS không đưa ra trị giá cụ thể, chỉ thống kê chủng loại, số lượng vũ khí: “Đến tháng 9-1967, Liên Xô đã gửi đến Việt Nam các máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21, IL-28,máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, 6.000 súng phòng không, tên lửa đất đối không và 200-250 bệ phóng tên lửa cùng hàng ngàn súng phòng không các loại”[12]. Theo thống kê của Việt Nam, trong điều kiện chiến sự diễn ra ác liệt, căng thẳng, Bộ Quốc phòng “đề nghị Liên Xô gửi gấp ngay sang số khí tài quân sự trong kế hoạch viên trợ năm 1967, đặc biệt cấp thiết là các máy bay chiến đấu MiG-21,F13 và MiG-17 F, tên lửa bổ sung cho số đã dùng trong chiến đấu, đạn cao xạ, trang bị cho đơn vị tên lửa bảo vệ bờ biển, các khí tài chống nhiễu, các trạm rađa SNAR-6, các loại khí tài bổ sung cho những thiệt hại trong chiến đấu và trang bị cho các trung đoàn tên lửa phòng không”[13]. Số lượng cụ thể Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị là: “1 trung đoàn MiG-17 F (32 máy bay chiến đấu + 10 cơ số đạn + 5 cơ số bom); 1 trung đoàn MiG-21 F13 (24 máy bay chiến đấu + 2 máy bay huấn luyện + 10 cơ số đạn + 480 quả tên lửa + 5 cơ số bom); 12 MiG-17 F bổ sung cho tiêu hao. 1.500 quả tên lửa B-750B, 75 quả tên lửa CA-65M, 288 quả tên lửa CA-75M, hai bộ điều khiển tên lửa PCHA-75M, 7 bệ phóng tên lửa, 1 trạm lưu động trung tu khí tài tên lửa phòng không SA-75M. 150.000 viên đạn 57 ly, 2,5 triệu viên đạn 12,7 ly, 1,5 triệu viên đạn 14,5 ly, 3 triệu viên đạn 37 ly và 2 trạm khí tượng, rađa pháo mặt đất, cao xạ”[14]. Trả lời yêu cầu của Việt Nam, ngày 4 -5-1967, Liên Xô gửi thư thông báo về nội dung viện trợ quân sự, không chỉ đáp ứng đầy đủ, mà còn quyết định giúp đỡ thêm lương thực[15].
Về viện trợ quân sự trong năm 1968 (thời gian Việt Nam chuẩn bị và thực hiện cuộc Tổng tiến công chiến lược Mậu thân 1968), theo thống kê của Tổng cục 10[16], Bộ Quốc phòng Liên Xô, “Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 357 triệu rúp (tương đương 369,7 triệu USD[17]), chiếm 2/3 tổng toàn bộ viện trợ mọi mặt”[18], còn Viện IISSđưa ra con số: “Năm 1968, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Chính phủ Bắc Việt Nam  đạt 542 triệu rúp (tương đương với 209 triệu USD), trong đó 361 triệu rúp không hoàn lại”[19]. Như vậy, con số từ hai nguồn thống kê trên có sự chênh lệch và cách quy đổi tỷ giá hối đoái của Viện IISS thấp hơn một nửa so với quy định của Bộ Tài chính Liên Xô. Số liệu thống kê về viện trợ trong năm 1968 của Viện IISS gần với số liệu báo cáo của Bộ Quốc phòng Liên Xô về viện trợ trong hai năm 1966-1967: “Tổng trị giá viện trợ trang thiết bị quân sự cho Việt Nam từ tháng 1-1966 đến tháng 12-1967 là 500 triệu rúp (xấp xỉ 550,5 triệu USD)”[20]. Về phía Việt Nam, trong các tài liệu lưu trữ, chỉ có số liệu thống kê chung cho cả ba năm 1965-1968: Khối lượng viện trợ là 257.912 tấn, trị giá ước khoảng 1.173 triệu rúp[21] (khối lượng này theo Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Bộ Quốc phòng là 226.969 tấn[22], có sự chênh lệch, song không đáng kể). Theo đánh giá chung, những năm 1965-1968, Liên Xô là nước viện trợ quân sự chủ yếu với trị giá lớn nhất cho Việt Nam. Báo cáo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho thấy “Liên Xô viện trợ nhiều nhất vào hai năm 1965 - 1967, có nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, nhưng phần lớn đã qua sử dụng, trừ MiG -21, ĐKZ- B, cao xạ 23 ly, xe kéo pháo bánh xích, ô tô”[23].
Những năm 1969-1972, theo Thống kê số liệu viện trợ quốc tế,Bộ Quốc phòng, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đạt 143.793 tấn[24]. Giai đoạn 1965-1971, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Liên bang Nga, "tổng giá trị viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 1 tỷ 579 triệu USD, tính trung bình vào khoảng 2 triệu UDS/ ngày”[25]. Về các loại vũ khí chiến lược, trong giai đoạn này,“Việt Nam nhận được từ Liên Xô 2.056 xe tăng, 1.708 xe bọc thép, 7.000 khẩu súng và súng cối, hơn 5.000 khẩu pháo cao xạ và bệ đỡ, 158 tổ hợp tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, 100 tàu chiến”[26]. Ngoài ra, “Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng và đưa vào sử dụng 117 cơ sở quốc phòng”[27].Trong những năm 1965-1972, riêng tên lửa phòng không, “Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 tổ hợp SA-75 Dvina và 7.658 tên lửa”[28]. Năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, Liên Xô gửi gấp sang Việt Nam một số tên lửa S-125 (SAM 3), song do triển khai chậm, nên các tên lửa này đã không kịp tham gia chiến đấu[29].
Không chỉ viện trợ trang bị kỹ thuật, Liên Xô còn giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, chiến sĩ để tiếp nhận, sử dụng hiệu quả vũ khí viện trợ, nhất là những vũ khí hiện đại. Báo cáo của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam cho biết: “Riêng năm 1966, đã có 2.600 người Việt Nam được gửi đào tạo ngành không quân và phòng không tại Liên Xô. Trong năm 1966, Liên Xô đào tạo cho Việt Nam đội ngũ đủ để xây dựng một trung đoàn phòng không, kỹ thuật viên cho một trung đoàn không quân và hàng chục phi công”[30]. Tháng 2-1966, “Chủ tịch Đảng Cộng sản Canada, Tim Buck trả lời phỏng vấn Radio Djakarta,đưa ra một thông tin về khoảng 5.000 người Việt Nam đã được đào tạo từ năm 1965 đến 1966 ở Liên Xô để phục vụ trong lực lượng phòng không, không quân”[31]. Chủ tịch Tim Buck cũng nói thêm rằng, đây là thông báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Canada đến thăm Hà Nội vào cuối năm 1965. Theo Thượng tướng A.I.Hyupenen, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam (1972-1975), “riêng năm 1966, 1.342 người lính Việt Nam bắt đầu học tập trong các trường quân sự của Liên Xô; trong hai năm 1966 -1967, các cơ sở giáo dục quốc phòng Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 3.000 quân nhân”[32], đến hết năm 1975, “Liên Xô đào tạo cho Việt Nam ước tính là 13,5 nghìn quân nhân”[33]. Mặc dù gặp phải rào cản ngôn ngữ, trình độ, song các học viên Việt Nam đã nắm bắt kiến thức nhanh chóng, nỗ lực hoàn thành các khóa học.
3. Gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam
Ngoài việc tăng số lượng và chủng loại vũ khí trang bị, Liên Xô đề nghị gửi một số đơn vị sang bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng, gồm: “Một lữ đoàn tên lửa, hai trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, bảo đảm; một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay chiến đấu), một tiểu đoàn địa cầu, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật”[34]. Phía Liên Xô dự kiến khi các đơn vị trên sang Việt Nam, Việt Nam sẽ giao nhiệm vụ chiến đấu, Liên Xô chỉ huy chiến đấu, thời gian ở Việt Nam một năm, chi phí hoạt động do Liên Xô đảm bảo, cơ sở đóng quân và bảo vệ do Việt Nam đảm nhiệm, các phân đội máy bay sử dụng sân bay Nội Bài và Cát Bi; việc ký kết hiệp định về các vấn đề nêu trên ở Hà Nội sẽ thông qua Ủy ban kinh tế hai bên. Vì một số lý do khách quan và để tránh va chạm với Trung Quốc, Bộ Chính trịĐảng Lao động Việt Namquyết nghị không nhận các đơn vị chiến đấu của Liên Xô gửi sang Việt Nam, mà xin trang bị, đề nghị Liên Xô cử chuyên gia sang giúp.
Tại cuộc hội đàm ngày 27-3-1965(Hà Nội), trong năm 1965, Liên Xôquyết định cử 290 chuyên gia giúp huấn luyện kỹ thuật cho lữ đoàn tên lửa phòng không, 14 chuyên gia huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không, 14 chuyên gia giúp huấn luyện cho hải quân, tổng số tất cả là 318 người[35].
Ngày 6-7-1965, Hội đồng Bộ trường Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết ban hành Quyết định № 525-200,Về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[36]dù biết rằng sự có mặt của các chuyên gia quân sự Xô-viết tại Việt Nam là một mạo hiểm cho hòa hoãn Xô – Mỹ. Quyết định № 525-200 nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia: “Trong thời gian ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng Phòng không-không quân Việt Nam đủ khả năng tác chiến”[37]. Công tác chuẩn bị gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam đã được Nhà nước Xô viết, Bộ Quốc phòng Liên Xô khẩn trương xúc tiến, thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng. Các chuyên gia quân sự phải đáp ứng những yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sức khỏe…. Ứng viên vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao và bắt buộc phải qua được "cửa ải" khắt khe của Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưuvà sau đó là cuộc phỏng vấn – thẩm định của Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Xô-viết[38]. Hầu hết các chuyên gia đều là những sĩ quan, hạ sĩ quan từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và chiến tranh Triều Tiên 1953, được tôi luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, trình độ kỹ thuật – quân sự cao và là vốn quý của lực lượng vũ trang Liên Xô. Sau thời gian chuẩn bị, chọn lựa, Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia đầu tiên được chỉ định, gồm: Chỉ huy trưởng Thiếu tướng G.A. Belov[39]; Phó Chỉ huy trưởng phụ trách chính trị Đại tá M. Borisenko và Trưởng nhóm chuyên gia Phòng không Đại tá A.M. Dưza[40].Từ năm 1967, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam qua các thời kỳ là: Thượng tướng Abramov (1967-1969; Trung tướng B.A. Stolnikov (1968-1970); Thiếu tướngN.K. Maksimenko (1970-1972) và Thượng tướng A. I.Hyupenen (1972-1975)[41].
Tháng 4-1965, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên có sĩ số 100, dưới sự chỉ huy của Đại táA.M. Dưza đã đến Việt Nam với nhiệm vụ “nhanh chóng huấn luyện và đưa vào chiến đấu hai trung đoàn Phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam”[42]. Cũng trong tháng 4-1965, Trung tâm huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Đại tá M.Tsygankov đã đến Việt Nam; trên cơ sở đó, hình thành hai Trung tâm huấn luyện quân sự số 1 và 2. Từ ngày mùng 1-5 đến 15-5-1965, Bộ Quốc phòng Liên Xô gửi đến Việt Nam thêm hai Trung tâm huấn luyện quân sự[43]. Trong một thời gian ngắn, cả bốn Trung tâm đã đi vào hoạt động, “đến cuối năm 1966, số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tại 4 trung tâm huấn luyện lên đến 786 người”[44]. Từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1967, “Bộ Quốc phòng Liên Xô đã gửi sang Việt Nam thêm 6 Trung tâm huấn luyện tên lửa –phòng không, mỗi một Trung tâm đảm nhiệm huấn luyện một trung đoàn Phòng không Việt Nam”[45]. Tính ra, “từ tháng 4-1965 đến tháng5-1966, đã có 2.266 chuyên gia Phòng không Liên Xô đến Việt Nam”[46] và trong khoảng thời gian đó, “các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đào tạo tại chỗ 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích”[47].
Để lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, phục hồi các khí tài bị hư hại, kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu, Liên Xô cử đến Việt Nam một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật quân sự. Họ hoàn thành “những loại công việc mà ngay tại Liên Xô, để thực hiện chúng, cần phải có những thiết bị đặc biệt của những xưởng cố định”[48]. Tại sân bay quân sự Nội Bài có các phi công quân sự Liên Xô “làm nhiệm vụ huấn luyện các chiến sĩ Không quân Việt Nam kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay”[49]. Họ bay trên những chiếc máy bay kiểu Xpáccơ không được trang bị vũ khí, hoặc những máy bay chiến đấu MiG-21U trong tình trạng bất cứ lúc nào sân bay cũng có thể bị phong tỏa và những chiếc Xpáccơ có tốc độ chậm có thể bị bắn hạ. Hàng đêm, “các phi công Liên Xô đã tìm cách thực hiện xoay vòng được 20 chuyến bay huấn luyện, hoặc nhiều hơn”[50]. Không hiếm trường hợp, máy bay luyện tập do chuyên gia Liên Xô điều khiển bị máy bay Mỹ truy đuổi và các phi công đã phải hạ cánh thẳng xuống sân bay, không có các thiết bị định vị. Cùng với các chuyến bay huấn luyện, các phi công Liên Xô còn đảm nhận những nhiệm vụ khác như “thực hiện các chuyến bay thử nghiệm kiểm tra sau khi bảo trì trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian trong ngày”[51].
Năm 1964, Liên Xô và Việt Nam đã ký một Hiệp định, theo đó, “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp Liên Xô thu thập, đánh giá những mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự Mỹ”[52]. Đầu năm 1965, Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô thành lập nhóm chuyên gia quân sự thu nhặt, nghiên cứu chiến lợi phẩm của Mỹ và tháng 10-1965, Đoàn chuyên gia khoa học quân sự, “gồm các chuyên viên cao cấp của các Học viện quân sự, Viện nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng, các chuyên gia - cán bộ thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng, chuyên gia điện tử, thiết bị dẫn đường, thông tin liên lạc”[53]… sang đến Việt Nam và lập tức bắt tay nghiên cứu. Từ năm 1965 đến năm 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam tất cả “40 chuyên gia quân sự cao cấp các ngành công nghiệp quốc phòng”[54] cho mục đích trên. Từ tháng 5-1965 đến tháng 1-1967, nhóm chuyên gia “lượm lặt, lựa chọn và gửi về Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ”[55]. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô biên soạn những tài liệu quân sự giá trị, “đưa những đề xuất điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại trang thiết bị quân sự của Mỹ”[56]; cho phép “giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xô-viết phát triển nhanh chóng”[57].
Từ cuối năm 1966 đến tháng 5-1968, Liên Xô gửi sang Việt Nam ba nhóm chuyên gia khoa học quân sự: Nhóm chuyên gia khoa học tên lửa[58], nhóm chuyên gia công nghiệp quốc phòng (85 người)[59], nhóm chuyên gia quân sự gây nhiễu và tác chiến điện tử (do Trung tá V.X. Kixilov chỉ huy)[60]. Ba nhóm chuyên gia nêu trên có nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến hệ thống tên lửa phòng không S-75, cải tiến bộ khí tài tên lửa, tìm ra phương thức gây nhiễu và chống nhiễu hiệu quả. Các chuyên gia quân sự Liên Xô nỗ lực làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn và trong một thời gian ngắn đã kịp thời chuyển giao kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao đáng kể hiệu suất chiến đấu cho lực lượng cho Phòng không - không quân Việt Nam.
Từ tháng 4-1965 đến tháng 12-1974, Liên Xô cử một đội tầu tình báo Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (trong đó có những tàu ngầm thuộc loại hiện đại nhất) “thường trực tại khu vực biển Đông – Vịnh Bắc Bộ - đảo Gyam với nhiệm vụ trinh sát, đảm bảo hoạt động chiến đấu cho các đơn vị vũ trang Xô-viết và Việt Nam”[61]. Tình báo Hải quân Liên Xô theo dõi và cung cấp thông tin về thời gian cất cánh, chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ, hoạt động của các chiến hạm Mỹ phong tỏa bờ biển Việt Nam. Trong năm 1965, “đội tàu ngầm của Liên Xô đã tiến hành 12 lượt trinh sát tại vùng biển Philippines và biển Đông; trong năm 1966, số lượng trinh sát tại các vùng biển nêu trên tăng hơn gấp đôi, đạt 27 lần”[62]. Những năm 1964-1974, trong vùng biển Việt Nam vàvùngbiển gần Việt Nam, thường xuyêncó “17 đội tàu trinh sát liên tục hoạt động, thực hiện 94 lượt trinh sát, mỗi lượt kéo dài từ 3-4 tháng’[63]. Nhờ các thông tin tình báo do Hạm đội Thái Bình Dương cung cấp, lực lượng Phòng không – không quân Việt Nam luôn chủ động di chuyển, ẩn tránh, hoặc đón đánh Thần Sấm, B-52.
Từ tháng 10-1968 đến cuối năm 1972, nhằm giúp Việt Nam chống lại chiến lược phong tỏa bờ biển của Mỹ, rà phá bom mìn trên các cửa cảng, Liên Xô gửi đến nhóm chuyên gia bom mìn (Chỉ huy trưởng, Đại tá Hải quân S. Buito), các thợ lặn Hải quân (Chỉ huy trưởng, Chuẩn úy V.Palamarchuk)[64]. Bên cạnh đó, trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, sát hải phận Việt Nam, “hai chiếc tàu gỡ mìn và vớt thủy lôi số hiệu PR.264A "MT-4", "MT-5" dưới sự chỉ huy của Đại tá D.T. Lukas tích cực rà tìm, phá nổ bom mìn, giải tỏa vùng biển”[65]. Được sự trợ giúp của các chuyên gia bom mìn Xô viết, các cửa cảng nhanh chóng được mở trở lại, đón những chuyến hàng viện trợ, tăng cường tiềm lực cho Việt Nam trên chặng đường cuối cùng giải phóng đất nước.
Theo thống kê của Tổng cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, "từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam”[66]; “13 chuyên gia quân sự Liên Xô đã hy sinh”[67]. Vì lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình và những đóng góp to lớn đối với nhân dân Việt Nam, “2.190 chuyên gia quân sự được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000 chuyên gia quân sự được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[68].
4Những con sóng ngầm
Các trang bị vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ đã phát huy tác dụng tích cực trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam được tăng cường nhanh chóng. Đến cuối năm 1965, bộ đội chủ lực miền Bắc tăng từ 195.000 người lên 400.000 người, các quân, binh chủng tăng gấp ba lần so với năm 1964. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân phát triển vượt bậc với pháo phòng không, tên lửa đất đối không, ra đa cảnh giới, không quân tiêm kích… bố trí thành thế trận liên hoàn có thể đánh địch ở những độ cao khác nhau, vừa bảo đảm tác chiến rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng bảo vệ những trọng điểm giao thông, những khu vực quốc gia trọng yếu. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại nói riêng, trong kháng chiến chống Mỹ nói chung không tách rời sự ủng hộ, giúp của Liên Xô. Song bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ cũng như nhận sự giúp đỡ, viện trợ củaLiên Xô không phải mọi lúc, mọi nơi đều “xuôi chèo, mát mái”…
Trong khối xã hội chủ nghĩa, Liên Xô và Trung Quốc là hai quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị to lớn, quan trọng, hàng đầu không chỉ trong nội bộ khối, mà cả trên thế giới. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đứng trước những thách thức, trở ngại, khó khăn, Liên Xô, Trung Quốc cũng là hai nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn Xô – Trung là một trong những trở ngại chính, ảnh hưởng đến hiệu quả ủng hộ, đến khả năng phối hợp hành động.
Ở vào bối cảnh quan hệ với Trung Quốc rơi vào “điểm chết”, Trung Quốc thậm chí đã coi Liên Xô là “kẻ thù số một” còn nguy hiểm hơn cả Mỹ, không ngừng tập hợp lực lượng, tuyên truyền, vận động chống Liên Xô, Liên Xô luôn lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Liên Xô phê bình Việt Nam để “cái bóng Bắc Kinh” phủ xuống quan hệ Việt – Xô, Việt Nam “thiên vị Trung Quốc”, phụ thuộc vào Trung Quốc trong đường lối đánh Mỹ và đường lối quốc tế, để bàn tay của Trung Quốc nhúng sâu vào chiến tranh Việt Nam. Liên Xô chỉ trích Việt Nam: “Khi Trung Quốc vu khống Liên Xô, Việt Nam không phản đối, chỉ im lặng, mà im lặng tức là đồng ý”[69]. L.I.Breznierv từng nhận xét: “Chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam những biểu hiện phản ánh sự phụ thuộc vào Trung Quốc”[70].
Giúp đỡ Việt Nam, Liên Xô mong muốn Việt Nam đứng hẳn về phía Liên Xô, yêu cầu Việt Nam “phải lựa chọn dứt khoát một con đường hoặc dựa vào Liên Xô hoặc tiếp tục liếc nhìn Trung Quốc”[71]. Để kéo Việt Nam ra xa Trung Quốc, Liên Xô tìm cách đẩy Việt Nam xích mích với Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam tự đàm phán về vận chuyển hàng quá cảnh của Liên Xô qua lãnh thổ Trung Quốc, hy vọng qua đó, Việt Nam nhận ra bản chất của người anh em “môi hở răng lạnh”.
Trong điều kiện mâu thuẫn Xô – Trung ngày càng trầm trọng, Liên Xô chủ trương vận động Trung Quốc phối hợp hành động, vừa nhằm tạo thuận lợi cho việc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, vừa nhằm đặt Trung Quốc vào thế khó xử nếu không chấp thuận.Liên Xô cảnh báo Việt Nam: “Phải để mắt tới các hoạt động của họ, cụ thể là việc vận chuyển vũ khí và huấn luyện quân sự của họ. Nếu không, quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể chuyển từ tốt sang xấu, ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai nước”[72].
Khi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á và Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của Liên Xô đang tích cực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này, Liên Xô khởi động lại chính sách châu Á, coi Việt Nam "là một kênh quan trọng giúp Liên Xô có thể thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, cô lập, ngăn cản chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không rơi vào thế yếu một khi Trung Quốc hòa hoãn với Hoa Kỳ"[73]. Vì thế, viện trợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô còn có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, lan tỏa ảnh hưởng, làm cho Việt Nam gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc Liên Xô hơn. Tháng 4-1968, Liên Xô đề nghị đặt một hệ thống cố vấn quân sự từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các Cục chủ yếu của Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục hậu cần, các quân chủng đến các đơn vị quân đội Việt Nam có trang bị vũ khí của Liên Xô với tổng số khoảng 273 người[74]. Trong cuộc gặp gỡ cấp cao tháng 3-1967, Liên Xô gợi ý cử cố vấn bên cạnh Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam[75]. Về yêu cầu của Liên Xô, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị không đồng ý chấp nhận, song xử lý phải hết sức khéo léo.
Một cách tổng quát, những năm 1965-1972,nhìn  nhận, phân tích những mảng khuất đằng sau sự ủng hộ, giúp đỡ củaLiên Xô đối với Việt Nam, có thể thấy:
Một là,thái độ tiêu cực của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam ở một số thời điểm, trong một số vấn đề dừng lại ở giới hạn nhất định. Dù còn có những quan điểm không thống nhất với Việt Nam, song nhìn chung, Liên Xô chủ yếu trao đổi, bàn bạc, ít khi áp đặt, không ra điều kiện, không ra tối hậu thư, các bất đồng giữa Liên Xô và Việt Nam không bị trầm trọng hóa, dừng lại trong phạm vi hẹp.
Hai là, Liên Xô giúp Việt Nam vì nghĩa vụ với đồng minh, vì sự gắn bó ý thức hệ, vì tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam, song còn vì Việt Nam kiềm chế, làm cho Mỹ suy yếu, sa lầy có lợi cho Liên Xô, tạo điều kiện để Liên Xô cân bằng thế  chiến lược với Mỹ. Hết lòng giúp Việt Nam, Liên Xô còn có mục tiêu đề cao vị thế trong phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ các nước dân tộc, làm thất bại tính toán mở rộng vùng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khả năng “nói chuyện” với Mỹ của Trung Quốc – đối thủ mà về lâu về dài, Liên Xô cho rằng sẽ hết sức nguy hiểm.
Thứ ba,ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, ngoài yếu tố ý thức hệ, Liên Xôđồng thời theo đuổi, thực hiện và đảm bảo những lợi ích quốc gia riêng, dung hòa giữa lợi ích quốc gia dân tộc với yếu tố ý thức hệ, trong đó lợi ích quốc gia là yếu tố bất biến, quyết định. Đó cũng là cơ sở, là điểm quy chiếu quan trọng cho việc nhìn nhận, lý giải, đánh giá mức độ, cách thức, yêu cầu và mục tiêu… của từng giai đoạn, nội dung và cách thức ủng hộ của Liên Xôđối với Việt Nam trong nhữngnăm kháng chiến chống Mỹ.


[1]Letter from Allen S. Whiting to Henry Kissinger, 16 August 1969, enclosing report, "Sino-Soviet Hostilities and Implications for U.S. Policy",National Archives, Nixon Presidential Materials Project, box 839, China.
[2]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh mật của Liên Xô, Nxb. Yauza, Eksmo,M, 2008, (tiếng Nga), tr. 189.
[3]Soviet TacticsConcerningVietnam15 July 1965, CIA  Released Documents,  National Archivesand Records Administration, Special Memorandum RO,13-65.
[4]Đảng Cộng sản Liên Xô qua các nghị quyết, quyết định của các đại hội, hội nghị và các phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương(1898-1986), Nxb Chính trị, M, 1983, tr. 378.
[5]Bản ghi nhớ về viện trợ quân sự giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại diện Chính phủ Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 21-10-1965, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 140, tài liệu số 55, tr.2.
[6]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 189.
[7]Từ năm 1965 đến năm 1972, Việt Nam và Liên Xô đã ký kết gần 20 thỏa thuận, cam kết, ghi nhớ và hiệp định về viện trợ quân sự.
[8]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 30-5-1965(tài liệu giải mật), Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 114, tài liệu số 15, tr.4.
[9]Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  26-10-1965, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 140, tài liệu số 55, tr.2.
[10]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Archives,The International Institute For Strategic Studies, Volume I,p.5.
[11]Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  28-12-1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 152, tài liệu số 5, tr.3.
[12]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Tlđd,p.7.
[13]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,tài liệu trữ Bộ Quốc phòng, phông BTTM, hồ sơ 1146.
[14]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,Tlđd.
[15]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,Tlđd.
[16]Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, trực tiếp điều phối và thực hiện viện trợ quân sự cho Việt Nam.
[17]Tỷ giá quy đổi USD theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên Xô:1USD =0,9 rúp.
[18]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1968, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 145, tài liệu số 21, tr.6.
[19]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Archives,The International Institute For Strategic Studies, Volume II,p.7.
[20]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 142, tài liệu số 26, tr.7.
[21]Tổng hợp số liệu, (tài liệu họp Quân ủy Trung ương), Quân ủy Trung ương, 1969, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ, Bộ Quốc phòng, tr.119.
[22]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, hồ sơ 795, sô 15.
[23]Bộ Tổng tham mưu, Báo cáo Thường trực Quân uỷ Trung ương về đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quân sự năm 1968,ngày 8-5-1967, tài liệu trữ Bộ Quốc phòng, phông BTTM, hồ sơ 1150.
[24]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Sđd.
[25]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Nxb. Politresyrxu, M, 2000, (tiếng Nga), tr.100.
[26]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.100.
[27]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.100.
[28]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1972, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 150, tài liệu số 25, tr.8.
[29]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 326.
[30]Báo cáo của Đại sứ quan SSSR tại Việt Nam gửi  Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  25-12-1966, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 142, tài liệu số 12, tr.8.

[31]States of Sovist and Chinese Military Aid to North Vietnam,Special Report, Page 5, Central- intelligence agency,CIA  Released Documents,  National Archivesand Records Administration.

[32]A.I.Hyupenen, Hỗ trợ kỹ thuật quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, Tuyển tập “Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…”, M, 2000, (tiếng Nga), tr.44.
[33]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 30-12-1975, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 160, tài liệu số 20, tr.9.
[34]Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tlđd, quyển 12.
[35]Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, quyển 12, Tlđd.
[36]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 345.
[37]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 348
[38]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 349.
[39]Thiếu tướng G.A. Belov là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ tháng 9-1965 đến tháng 10-1967. Trước đó, Đại tá A.M. Dưza phụ trách nhóm chuyên gia Phòng không từ tháng 4-1965 đến tháng 9-1965.
[40]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, M. 2003, tr.40.
[41]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.40.
[42]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 349.
[43]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 350.
[44]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, M, 2000, tr.44.
[45]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.47.
[46]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.47.
[47]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, M, 2000, tr.234.

[48]P.A.Iacolevik: Đặc thù công việc kỹ sư trưởng trung đoàn tên lửa phòng không ở Việt Nam, M, 2008, (tiếng Nga), tr.6.

[49]V.B.Alecsandrovik: Nhật ký chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, M, 2008, (tiếng Nga), tr.56.
[50]V.B.Alecsandrovik: Nhật ký chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, TLđd, tr. 26.
[51]I.P. Ivanovik: Những chiếc MiG trên bầu trời Việt Nam, M, 2012, (tiếng Nga), tr. 77.
[52]I.V. Gaidyk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, M, 1996, (tiếng Nga), tr.30.
[53]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, Tlđd, tr.342.
[54]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.97.
[55]C.G.Ivannovik: Từ ghi chép của nhà thử nghiệm, M, 2009, tr.34.
[56]I.V. Gaidyk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr.30.
[57]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd., tr.414.
[58]Trong nhóm chuyên gia khoa học tên lửa có nhà khoa học tài năng phụ trách thiết kế tên lửa S-75 và chuyên gia quân sự “huyền thoại I.P.Shavkun”- người đã có công lớn hiện đại hóa tên lửa phòng không SAM, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng huân chương “Chiến thắng” hạng 1,2,3.
[59]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd., tr.424.
[60]H.H. Kolecsnik: Về sự tham gia của các chuyên gia quan hệ trong chiến tranh Việt Nam, M, 2009, (tiếng Nga), tr.99.
[61]A. Sirocorad: Những chiếc tàu trinh sát, Tạp chí Đồng đội, Số 1, 2012 (tiếng Nga), tr.14.
[62]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, M, 2006, (tiếng Nga), tr.45.
[63]К.V. Asinhinovik: Những trang sử chưa viết của hạm đội Thái Bình Dương, M, 2008, (tiếng Nga), tr.34.
[64]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, Tlđd, tr.46.
[65]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, Tlđd, tr.48.
[66]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd, tr.320.
[67]Tạp chí “Sư tử vàng”, số 73-74. Theo Tạp chí này, ngoài 13 chuyên gia quân sự hy sinh do bom đạn Mỹ, còn có 3 chuyên gia mất tại Việt Nam vì bệnh tật.
[68]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd, tr.324.
[69]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước,Tlđd, tr. 49.
[70]The Polish-Soviet Talks in Moscow: October 10-15, 1966, Andrzej Paczkowski, ed. Tajne Dokumenty Biura Politycznego PRL-ZSRR, 1956-1970. London: Aneks Publishers, 1996.
[71]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước,Tlđd, tr. 49.
[72]Discussion between Zhou Enlai and Ho Chi Minh, Hanoi,1 March 1965, Ibid.
[73]АлександрОкороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.152.
[74]Tài liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 569.
[75]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Tlđd, tr. 36. 

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG THÁNG 2 - 1979

  •   HỒ KHANG
  • Chủ nhật, 16 Tháng 2 2014 15:18
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng 2 - 1979
1- Ba khúc mắc lớn
Chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng 2-1979 bùng nổ sau một loạt các khúc mắc, bất đồng và mâu thuẫn - những khúc mắc hoặc mới nảy sinh, hoặc đã được tích tụ qua năm tháng theo chiều dài quan hệ giữa hai quốc gia tuy cùng ý thức hệ, song không ít những “đồng sàng dị mộng”.
Vấn đề “nạn kiều”
Người Hoa là một trong số 54 dân tộc cùng hợp thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam. Họ di cư đến Việt Nam từ lâu đời, kéo dài trong nhiều thời kỳ với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Họ đến cư trú ở hầu hết các nơi, tập trung đông nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và các thị xã, thành phố lớn của Việt Nam. Trải qua quá trình lịch sử, dần dần, người Hoa đã hoà nhập với cư dân bản địa và trở thành công dân của Việt Nam. Họ đã góp phần cùng các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam làm phong phú và phát triển nền văn hoá, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, người Hoa đã sát cánh cùng nhân dân cả nước chiến đấu gian khổ, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Năm 1955, theo thỏa thuận của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, "người Hoa cư trú ở miền Bắc Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"[1], sau dần dần chuyển thành công dân Việt Nam. Cho đến trước năm 1975, giữa Việt Nam - Trung Quốc không có bất cứ một bất đồng nào trong vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Ở miền Nam Việt Nam, Chính quyền Sài Gòn cũng có những quy định đưa Hoa kiều trở thành công dân Việt Nam thông qua hai Đạo luật số 10 (7-12-1955) và số 48 (21-8-1956)[2]. Chính phủ Việt Nam sau giải phóng đã coi người Hoa ở cả hai miền là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhưng sau đó, vì những chủ ý của mình, Trung Quốc đã không thực hiện thỏa thuận năm 1955 và phủ nhận thực tế lịch sử về người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam, coi tất cả người Hoa ở hai miền là công dân Trung Quốc để trực tiếp lãnh đạo họ[3]. Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tổ chức hàng loạt các tổ chức quần chúng Hoa kiều (như Hội cứu vong Hoa kiều, Hội học sinh Hoa kiều yêu nước...) với mục đích kích động “tâm lý huyết thống” trong người Hoa, khơi lên phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc. Khi quan hệ hai nước trở nên phức tạp, Việt Nam đã có chính sách di dời những người gốc Hoa sống sát biên giới Việt – Trung ra xa “vùng nhạy cảm”.
Tháng 4-1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Hoa về nước “xây dựng Tổ quốc” và “ai không về là phản bội Tổ quốc”. Trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc. Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng"nạn kiều", Trung Quốc lập ra các trạm đón tiếp dọc theo biên giới hai nước, tuyên bố sẽ gửi hai tầu chuyên chở sang Việt Nam để đón "nạn kiều" về nước. Sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới (12-7-1978), nhiều người Hoa vẫn cố vượt biên. Theo Ramses Amer, con số người Hoa ra đi cụ thể trong các tháng từ tháng 4-1978 đến cuối tháng 12-1979 là khoảng trên dưới 25 vạn người[4]. Trung Quốc không ngừng lên án “Việt Nam ngày càng chống Trung Quốc, bài Hoa một cách nghiêm trọng”[5]. Vấn đề người Việt gốc Hoa bỗng chốc trở thành một khúc mắc lớn trong quan hệ Việt – Trung.
Vấn đề Campuchia
Do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã luôn có mối quan hệ chặt chẽ Dưới chế độ thực dân, ba nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung cảnh ngộ bị ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đè nặng, mọi quyền dân tộc đều bị tước đoạt. Điều đó đã khiến ba nước Đông Dương xích lại gần nhau, cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung. Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia đã sát cánh bên nhau trong chiếnhào chống Mỹ. Từ năm 1976, dưới sự bảo trợ của một số nước, tập đoàn Pôn Pốt-Iêngxari đã dựng lên một chế độ diệt chủng cực kỳ tàn bạo, có một không hai trong lịch sử ở Campuchia, dưới danh nghĩa xây dựng “Chủ nghĩa cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”. Vừa vào Phnôm Pênh, tập đoàn Pôn Pốt đã đưa ra một Chỉ thị tám điểm, trong đó có điểm trục xuất Việt kiều và tăng cường quân đội ở biên giới. Chỉ trong vòng ba tháng, gần 200.000 Việt kiều ở Campuchia bị cưỡng bách hồi hương, tràn về các tỉnh biên giới của Việt Nam. Tập đoàn Pôn Pốt-Iêngxari đã có sự liên hệ chặt chẽ với những nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari tiến hành một chiến dịch thanh trừng nội bộ với những cuộc tàn sát vô cùng man rợ đối với nhân dân Campuchia. Về đối ngoại, Pôn Pốt - Iêngxari thi hành một chính sách phản động, hiếu chiến, tuyên truyền Việt Nam “xâm lược Campuchia”, “ép Campuchia vào Liên bang Đông Dương”, kích động đầu óc cực đoan và hận thù giữa hai dân tộc.Chính quyềnPolpot đã tiến hành các cuộc xâm lấn, đánh chiếm biên giới Việt Nam liên tục trong thời gian dài với cường độ gia tăng[6].Lý giải về điều đó, giáo sư D.R.SarDesai,Đại học Califonria cho rằng: "Sở dĩ Campuchia dám đánh Việt Nam như thế là vì có sự ủng hộ và xúi giục của Trung Quốc"[7].Khi xảy ra xung đột biên giới do tập đoàn Polpot gây ra, Việt Nam đã tích cực đề nghị đàm phán, giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình, mong muốn “hai bên gặp nhau càng sớm càng tốt, ở bất cứ cấp nào để cùng nhau trên tinh thần hữu nghị anh em giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước”[8], song phía Campuchia liên tục khước từ và không ngừng tấn công đánh phá các điểm dân cư dọc biên giới hai nước.
Sau một số bước chuẩn bị và mở rộng chiến tranh, đến ngày 21-12-1978, Polpot sử dụng 10 sư đoàn, mở chiến dịch tiến công trên toàn tuyến biên giới phía Nam, mục tiêu chủ yếu là chiếm thị xã Tây Ninh của Việt Nam. Ngày 23-12-1978, vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược. Trước yêu cầu khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 26-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đưa quân vào Campuchia, xóa bỏ chế độ diệt chủng, giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia.Với sự giúp đỡ của Việt Nam, nước Campuchia mới được xây dựng trở lại. Tuy nhiên,Trung Quốc coi việc Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng là một trong những trở ngại chính trong quan hệ Việt – Trung, bởi Trung Quốc coi Campuchia là một mắt xích quan trọng phục vụ việc tạo vùng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò trung tâm “trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm bao vây ảnh hưởng của Việt Nam"[9] tại khu vực này, “sau khi không thể nắm được Việt Nam trong quỹ đạo của mình"[10]; do vậy, hành động của Việt Nam đã làm đảo lộn các kế hoạch được cân nhắc của Trung Quốc. Đặc biệt, việc không lâu sau chuyến thăm của  Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng(4-11-1978) tới Phnôm Pênh, Việt Nam “cả gan” đưa quân vào Campuchia, đánh bại tập đoàn Pôn Pốt-Iêngxari, khiến 3 vạn cố vấn Trung Quốc phải lội rừng sang Thái Lan và khoản tiền viện trợ cho Campuchia trị giá 226 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) bị tốn một cách vô ích được Trung Quốc coi là “hành động không thể chấp nhận”, “vuốt mặt không nể mũi”. Vấn đề Campuchia trở thành một trong những ngáng trở nặng nề trong quan hệ Việt – Trung.Cũng cần nói thêm rằng, Trung Quốc đã tích cực ủng hộ về tài chính, tiếp tế cho ba phái Campuchia – FUNCINFEC (tức Đảng và Mặt trận đoàn kết Quốc gia vì một  Campuchia độc lập, trung lập, hoà bình và hợp tác), Mặt trận Giải phóng Nhân dân Khơme (KPNLF) và phái Campuchia Dân chủ (PDK) -  tiến hành cuộc chiến tranh chống CHND Campuchia. Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc hợp tác với Mỹ trong các hoạt động nhằm mục tiêu cô lập Việt Nam trên trường quốc tế và từ chối công nhận CHND Campuchia. Chính sách cô  lập và không thừa nhận  này được áp dụng trong cấp độ khu vực, trong việc hợp tác với ASSEAN và ở mức độ toàn cầu, thông qua Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi mà phái Campuchia dân chủ được phép tiếp tục đại diện cho nước Campuchia.
Xung đột biên giới, lãnh thổ, lãnh hải
Trong quan hệ giữa nhiều quốc gia, vấn đề biên giới là một trong những vấn đề vô cùng nhạy cảm. Đối với mọi quốc gia, việc xác định đường biên giới là một việc cần thiết và quan trọng, bởi biên giới là một sáng tạo pháp lý để xác định chủ quyền. Biên giới, chủ quyền lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng và bất khả xâm phạm (inviolabilite). Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
 Nằm trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.510 km, tiếp giáp với ba nước: Lào (2.067 km); Campuchia (1.137 km); còn với Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới dài khoảng 1.350 km. Đây là đường biên giới nằm giữa sáu tỉnh vùng núi phía Bắc (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) của Việt Nam và hai tỉnh (Vân Nam và Quảng Tây) của Trung Quốc. Đường biên giới với Trung Quốc được phân định trong các Công ước ngày 26- 6-1887 và ngày 20-6-1895 giữa Chính quyền Pháp (đại diện cho Việt Nam lúc bấy giờ) và nhà Thanh (đại diện cho Trung Quốc). Trên cơ sở củacác bản Công ước này, từ năm 1889 đến năm 1897, hai bên đã tổ chức phân giới và đã cắm được 341 mốc giới trên thực địa. Như vậy, đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới thực tế lịch sử, đến cuối thế kỷ XIX đã trở thành đường biên giới pháp lý. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, những biến đổi về chính trị, những thay đổi về mặt thiên nhiên đã làm cho biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trên thực địa có một số thay đổi, đặc biệt là giữa hai bên đã có những nhận thức khác nhau đối với một số khu vực trênđường biên giới, dẫn đến nảy sinh những bất đồng, tranh chấp. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp của tình trạng căng thẳng, bất bình thường trong quan hệ Việt - Trung. Ngoài ra, trước đây, do phương tiện và điều kiện còn hạn chế, nên lời văn vàbản đồ nhiều đoạn biên giới theo hoạch định giữa Chính quyền Pháp và nhà Thanh không được đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Một số văn bản, bản đồ gốc bị thất lạc, đường biên giới được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ lớn với nền địa hình được thể hiện tổng hợp, nhiều nơi rất khác so với địa hình tự nhiên trên thực địa[11]. Việc phân giới, cắm mốc cung có hạn chế nhất định: Toàn bộ mốc giới đều không được xác định bằng lưới toạ độ, vị trí của nhiều mốc giới cũng không được mô tả chính xác, một số mốc bị xê dịch so với vị trí vẽ trên bản đồ, nằm không đúng vị trí hoặc thất lạc, bị hư hỏng, địa hình, địa vật cũng có nhiều thay đổi. Do vậy, đã từng xảy ra những tranh chấp nhỏ (do việc xâm canh, xâm cư, xây dựng cầu cống qua sông, suối của dân cư hai bên...), nhưng những xung đột này mang tính chất cục bộ và nhất thời. Những tranh chấp đó được hai Đảng, hai Nhànước Việt Nam, Trung Quốc giải quyết trên tinh thầnhợp tác, hữu nghị. Có thể thấy điều này qua các sự kiện từ giữa những năm 1950. Đó là cuộc hội đàm tại Nam Ninh (Trung Quốc) giữa đại diện các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Ninh[12](Việt Nam) với đại diện các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) (từ ngày 6 đến 9-11-1956) về vấn đề biên giới. Trên cơ sở thoả thuận giữa các tỉnh biên giới, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trao đổi thư từ thống nhất giải pháp xử lý những tranh chấp ở biên giới giữa hai nước vào năm 1957 và 1958. Ngày 2-11-1957, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi thư choTrung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ quan điểm: “Vấn đề quốc giới là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý đương có hoặc được xác định lại do Chính phủ hai nước quyết định”[13]. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam còn nêu rõ: Trước khi giải quyết hoàn toàn những vấn đề phát sinh, hai nước phải giữ “đúng nguyên trạng đường biên giới đã hình thành do lịch sử để lại”; nhất thiết cấm các nhà chức trách và các đoàn thể địa phương không được thương lượng với nhau để cắm mốc giới hoặc cắt nhượng đất cho nhau; bất kỳ một bất đồng, tranh chấp nào có thể xảy ra đều phải được giải quyết bằng thương lượng. Hàm ý của bức thư trên là hai bên cần căn cứ vào các Công ước về hoạch định biên giới mà Pháp và Trung Quốc đã ký cuối thế kỷ trước để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Tháng 4-1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với những đề nghị của Việt Nam[14]. Như vậy, trước năm 1975, những vấn đề về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ bản vừa thể hiện tính nguyên tắc, tôn trọng luật pháp quốc tế, vừa thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Nhưng sau năm 1975, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng do những hoạt động vũ trang từ phía Trung Quốc.  Trước thực tế đó, Việt Nam luôn giữ thái độ đúng mực, kiên trì quan điểm giải quyết vấn đề biên giới bằng thương lượng hoà bình. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi với những xung đột ở biên giới và  từ tháng 7-1978, Trung Quốc đã sử dụng hành động này phục vụ cho mục đích chuẩn bị tạo cớ, gây cuộc tấn công dọc theo toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam Khi tấn công Việt Nam, Trung Quốc luôn tuyên bố lý do chiến tranh chính là do Việt Nam “lấn chiếm đất đai”, “quấy rối biên cương” của Trung Quốc[15].
Trên biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra những tranh chấp và xung đột chủ yếu xoay quanh vấn đề chủ quyền, lợi ích của mỗi nước ở Vịnh Bắc Bộ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số khu vực khác. Trong một khoảng thời gian dài (từ khi hai nước đặt quan hệ đến trước năm 1973), Việt Nam và Trung Quốc hầu như không có vấn đề phức tạp nào về Vịnh Bắc Bộ. Đến năm 1973, Việt Nam thông báo cho Trung Quốc ý định ký hợp đồng với các công ty nước ngoài để thăm dò, tìm kiếm dầu ở Vịnh Bắc Bộ và đề nghị thương lượng để phân chia lãnh hải ở khu vực này. Trung Quốc đồng ý mở cuộc thương lượng, nhưng đòi không cho phép các công ty của nước thứ ba tham gia vào việc khai thác nguồn tài nguyên ở Vịnh Bắc Bộ, không chấp nhận việc thăm dò ở khu vực hình chữ nhật vĩ tuyến 180- 200 và kinh tuyến 1070 –1080.
Sau năm 1977, Trung Quốc ký hợp đồng với Liên hiệp các công ty dầu khí của Mỹ để tiến hành khảo sát địa chấn ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Lập tức vấn đề trở nên căng thẳng. Việt Nam cũng đưa ra những hợp đồng tương tự với các công ty châu Âu.
Ở Vịnh Bắc Bộ, Chính quyền Trung Quốc bắt đầu ấn định những hợp đồng với các công ty nước ngoài trong những lô giáp giới các khu vực tranh chấp, có khi mở rộng đường biên giới vượt khỏi Công ước 1887 và tiến hành những cuộc diễn tập quân sự tại đây. Điều này làm tiếp tục bùng nổ một số cuộc đụng độ giữa hai bên.
Trên biển Đông, vấn đề tranh chấp phức tạp nhất liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do chính sách độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, song Trung Quốc luôn cho rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sở dĩ trở thành chủ đề tranh chấp chính trong quan hệ Việt – Trung là do những hành động của Hà Nội[16].
2- Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến
Đối với trong nước
Trước dư luận trong nước, Trung Quốc công khai tuyên bố: “Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô”; “Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục”; cuộc tiến công của Trung Quốc vào Việt Nam sắp tới là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.Theo truyền thống, Trung Quốc đề cao việc chuẩn bị tinh thần cho nhân dân và binh sĩ, tổ chức quán triệt về “tính chính nghĩa”, “nghĩa vụ vẻ vang” và “trách nhiệm” của mỗi binh sĩ, mỗi công dân trong cuộc “chiến tranh trừng phạt”.
Bắc Kinh tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là nhân dân vùng ven biên về cuộc chiến "phản công" chống lại các khiêu khích của Việt Nam. Khi chiến tranh xảy ra, Tân Hoa xã tuyên bố: "Các lực lượng biên phòng Trung Quốc đã hành động khi tình hình trở nên không thể chấp nhận được và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của Việt Nam”.
Trung Quốc ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, tập trung những quân đoàn chủ lực lớn dọc theo biên giới Việt – Trung. Trong những buổi họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ giữa năm 1978 - cuối năm 1978, nhiều biện pháp “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự được đưa ra, trong đó có đề nghị của Uỷ viên Bộ Chính trị Uông Đông Hưng đem quân tham gia trực tiếp tham chiến ở Campuchia; đề nghị của Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu[17] tấn công Việt Nam bằng chiến lược; đề nghị của Chính uỷ Hải quân Sử Chấn Hoa đem hạm đội Đông Hải xuống vịnh Thái Lan yểm trợ vùng duyên hải Campuchia. Cuối cùng, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận kế hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Đặng Tiểu Bình. Sau khi Đặng Tiểu Bình trở về từ chuyến thăm Mỹ (đầu tháng 1-1979), Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp kỳ họp dài ngày ở Bắc Kinh (Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị từ ngày 11- 11 đến ngày 15- 12-1978), sau đó những người thuộc phe Đặng Tiểu Bình như Đặng Dĩnh Siêu được cử vào Bộ Chính trị, Triệu Tử Dương được bầu làm Tổng Bí thư. Những người thuộc phe Hoa Quốc Phong như Uông Đông Hưng, Trần Hồng Quý, Vũ Đệ… bị loại[18]. Đặng Tiểu Bình bắt đầu thâu tóm một cách vững chắc quyền hành ở Trung Quốc. Nayan Chanda nhận xét: “Sự củng cố quyền lực của Đặng bên trong Đảng giờ đây có thể làm cho ông ta xúc tiến chính sách ngoại giao không ai có thể tranh cãi như trước kia”[19]. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận hầu hết những đề nghị của Đặng Tiểu Bình về việc áp dụng một chính sách kinh tế cởi mở và lập trường mềm dẻo trong vấn đề Đài Loan để dễ dàng bình thường hoá quan hệ với Mỹ, chấp thuận đường lối “bốn hiện đại hoá” và sau cùng là mở một cuộc tấn công xâm lấn giới hạn vào lãnh thổ Việt Nam.
Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương ủng hộ Khơme Đỏ và tán thành đề nghị của Hứa Thế Hữu dùng lục quân đánh vào Việt Nam và chờ tình hình diễn biến và tiếp tục xem xét bước sau[20]. Giữa tháng 12-1978, Trung Quốc họp Hội nghị công tác Trung ương bàn kỹ thêm về tình hình. Hội nghị cho rằng, ít có khả năng Liên Xô can thiệp quân sự ồ ạt đánh vào Bắc Kinh. Nếu Liên Xô chỉ can thiệp ở quy mô vừa hay nhỏ, Trung Quốc có thể đối phó được, nếu Trung Quốc chỉ tiến hành chiến tranh phản kích tự vệ đối với Việt Nam thì có khả năng không có phản ứng quốc tế bất lợi. Hội nghị nhận định: Phía Việt Nam cho rằng, do đường lối bốn hiện đại hoá nên có ít khả năng Trung Quốc sẽ có hành động quyết định đối với Việt Nam, nhưng Trung Quốc cần có hành động mạnh mẽ để tỏ quyết tâm, mà không làm hại đến chương trình “bốn hiện đại hoá”, tiến quân vào đánh rồi rút lui chiến lược, chứng tỏ Trung Quốc kiểm soát được tình hình, có khả năng phá thế bao vây của Liên Xô và Việt Nam, làm thất bại lớn chiến lược của Liên Xô ở châu Á[21].
Đối với khu vực lãnh thổ tiếp giáp Liên Xô, Trung Quốc không thể không quan tâm tới sự hiện diện của hơn 40 sư đoàn của Liên Xô đóng dọc theo biên giới Xô - Trung. Với Hiệp ước đã ký với Việt Nam ngày 3-11-1978, Liên Xô có đủ lý do và biện pháp để trả đũa. Cho nên cùng lúc với việc thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận phía Nam, Trung Quốc cũng thành lập một Bộ Tư lệnh mặt trận phía Bắc, thống nhất chỉ huy các quân khu Tân Cương, Lan Châu, Bắc Kinh, Chấn Giang và Hắc Long Giang.
Đối với thế giới
Về  mặt quốc tế, để tạo những thuận lợi cho cuộc chiến được trù định, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ càng. Trước hết, Trung Quốc đã kịp ký với Nhật Bản Hiệp ước hoà bình, hữu nghị (12-8-1978), có giá trị trong mười năm và sẽ tái ký tiếp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á để Trung Quốc có thể an tâm đối phó với Việt Nam.
Ngày 5-11-1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm các nước ASEAN để tập hợp lực lượng cho bước đi sắp tới về Việt Nam. Đặng Tiểu Bình kêu gọi thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, tuyên truyền về sự bành trướng của Liên Xô ở Đông Nam Á qua Việt Nam, kêu gọi không để khu vực Đông Nam Á rơi vào tay Liên Xô và Việt Nam. Tại Thái Lan, Đặng Tiểu Bình nhanh chóng tìm được sự hậu thuẫn, “mở ra con đường mòn Đặng Tiểu Bình xuyên qua Thái Lan và biến Thái Lan thành một cái khoen”[22] trong chiến lược Đông Nam Á của Trung Quốc.
Đối với Mỹ, từ tháng 5-1978, Brezinski- Cố vấn của Tổng thống Jimmy Carter đã đến Bắc Kinh để bàn về việc xây dựng mối quan hệ chiến lược lâu dài giữa hai nước. Brezinski nêu một số quan điểm có lợi cho phía Trung Quốc và đáp ứng một số yêu cầu của Trung Quốc. Đặc biệt, hai bên bàn việc phối hợp chống Liên Xô và Mỹ tuyên bố sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Cuối tháng 12-1978, Trung Quốc xúc tiến đàm phán với Mỹ về bình thường hoá quan hệ. Ngày 13-12-1978, Đặng Tiểu Bình tiếp Woockock[23] - đặc phái viên của Tổng thống Catter và tuyên bố chấp nhận dự thảo thoả thuận do Mỹ đưa ra và lời mời của Tổng thống Mỹ đi thăm Mỹ trong tháng giêng 1979. Thông cáo chung Mỹ - Trung ngày 15-12-1979 công bố việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Thông cáo này được đánh giá là cử chỉ “thúc đẩy liên minh Hoa-Mỹ tiến nhanh hơn trong khi bóng đen chiến tranh hiện ra ở chân trời”[24]. Trong chuyến thăm Mỹ (1-1979), “Đặng trực tiếp đưa ra nhiều đòi hỏi trong chuyến đi Hoa Kỳ của ông. Ông ta muốn đuợc ủng hộ và thông cảm về kế hoạch tấn công Việt Nam cộng sản”[25]. Ngày 28-1- ngày đầu tiên tới Hoa Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã đề nghị Brzezinski thu xếp cuộc họp riêng với Tổng thống Carter để thảo luận vấn đề Việt Nam[26]. Đặng Tiểu Bình tuyên bố: Trung Hoa phải phá vỡ chiến lược của Liên Xô, “xem việc ấy là cần thiết để ngăn chặn tham vọng điên cuồng của họ đối với Việt Nam và cho họ một bài học hạn chế thích đáng”[27]. Đặng bảo đảm rằng cuộc tấn công hạn chế cả về mặt thời gian và không gian, yêu cầu là Hoa Kỳ “ủng hộ tinh thần” đối với quốc tế[28].
Với Liên Xô, dù tin rằng, “Việt Nam sẽ không lôi kéo Liên Xô mở cuộc tấn công lớn vào Trung Hoa”[29], song Trung Quốc cũng có những bước đi phòng bị. Trong khi chuẩn bị và cả khi tiến hành tấn công Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục những cuộc hội đàm thường lệ với Liên Xô về vấn đề biên giới, nhằm tỏ cho Liên Xô biết cuộc tấn công Việt Nam là một vấn đề riêng biệt, không ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
3- Trung Quốcthực hiện cuộc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2- 1979
Bình minh ngày 17-2-1979, khi màn sương dày còn bao phủ những ngọn đồi trên biên giới Việt – Trung, Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch được nung nấu và chuẩn bị kỹ càng nhiều tháng trước đó. Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại tấn công dọc theo biên giới phía Bắc, đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam - "đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu Trung Quốc"[30].Trung Quốc gây ra Chiến tranh biên giới 1979 với Việt Nam mà không cần những lý do thuyết phục, không cần bị tấn công (trong khi năm 1964, Mỹ phải viện sự kiện vịnh Bắc Bộ mới có cớ đưa quân vào Việt Nam), tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, qua đó khẳng định vị thế nước lớn và “quyền” hành xử bất chấp luật lệ.
Nguyên nhân chủ đạo, chính yếu nhất của cuộc tấn công Việt Nam do Trung Quốc khởi xướng là để răn đe Việt Nam, làm giảm tiềm lực quốc phòng, kinh tế, làm suy yếu Việt Nam, hạ uy thế chính trị, quân sự của Việt Nam, chiếm một số khu vực lãnh thổ có tính chiến lược, buộc Việt Nam phân tán một phần lực lượng lên phía Bắc, giải vây cho Campuchia; đồng thời, nâng cao uy tín nước lớn, chứng minh cho các quốc gia láng giềng, nhất là khu vực Đông Nam Á thấy có thể tin cậy vào Trung Quốc để ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam và tham vọng của Liên Xô.
Bắt đầu vào ngày 17-2, kết thúc vào ngày16-3-1979, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam do Trung Quốc gây ra có thể chia làm 2 giai đoạn: 1- Tấn công (17-02 đến 5-3-1979); 2- Rút lui ( 6-3 đến 16-3-1979).
Đương đầu với số lượng quân hùng hậu của Trung Quốc, lực lượng trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam tương đối mỏng, chủ yếu là lực lượng địa phương, chỉ có một bộ phận chủ lực, song với tinh thần không để mất dù chỉ một tấc đất biên cương, quân và dân Việt Nam đã chặn đánh quyết liệt, tiêu hao lực lượng, hạn chế tốc độ tiến quân, kìm chân đối phương. Sau 17 ngày đọ sức với lực lượng tại chỗ của Việt Nam, bằng sức mạnh áp đảo, sử dụng chiến thuật “biển người”, Trung Quốc mới chiếm được một số mục tiêu: Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Đường (Lào Cai), Phong Thổ (Lai Châu). Trung Quốc đã phá hủy hầu như hoàn toàn 4 tỉnh biên giới của Việt Nam và 320 xã, thiệt hại về người và của là vô cùng to lớn. Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích, bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam. Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Một số sư đoàn chính qui Việt Nam được điều từ Campuchia và Lào đã về tới sát mặt trận. Liên Xô bắt đầu tăng quân tới biên giới Trung - Xô. Kể từ lúc quân đội Trung Quốc rút lui, bộ đội Việt Nam không tấn công truy kích.
Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung tuy ngắn ngày, nhưng Trung Quốc đã có những thiệt hại khá lớn: Ngân sách quốc gia Trung Quốc năm 1979 bị thâmhụt 17,6 tỷ NDT, trong số đó có 2,04 tỷ NDT bị dốc vào phụ chi cho cuộc chiến tranh biên giới và phía Trung Quốc "thừa nhận 20.000 thương vong"[31].
Về trình độ, khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc, dựa vào một số tư liệu tổng kết cuộc chiến tranh 1979 của Quân khu Quảng Châu và cuốn “70 năm Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”, hai nhà nghiên cứuEdward C. O'Dowd và John F. CorbettJrđã đánh giá như sau: Chiến thuật cơ bản của bộ binh khi tấn công Việt Nam vô cùng đơn điệu. Lực lượng pháo binh chưa phát huy được tác dụng hữu hiệu. Kỹ năng của các công trình dã chiến tương đối lạc hậu. Công tác trắc địa có vấn đề. Hệ thống bảo đảm hậu cần kém hiệu quả (…). Qua đó còn thấy công tác huấn luyện là một trong những khâu yếu kém của quân đội, phải cải cách biên chế…[32].
4- Những bài học lớn
Thứ nhất, Trung Quốc là nước lớn, tồn tại kề cận Việt Nam và là nước luôn có vấn đề biên giới, lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng. Trung Quốc luôn có những tính toán và bước đi khó đoán định; do vậy, muốn tồn tại bên cạnh một người láng giềng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, là nước nhỏ, Việt Nam phải luôn đề cao cảnh giác; đồng thời, có đối sách uyển chuyển, mềm dẻo, nhưng cương quyết, không lùi bước trước sức ép một cách bị động. Bắt đầu, diến tiến và kết thúc của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 cho thấy, Việt Nam sẽ không bị chi phối và kiềm tỏa, nếu tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế, nhất là trong điều kiện hiện nay, tiếng nói của cộng đồng thế giới có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của mỗi quốc gia. Việt Nam đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, có vị thế trong khu vực, trên thế giới, được sự ủng hộ của nhiều tổ chức toàn cầu (IMF, WB, UNDP, APEC..) - đây là một đảm bảo an ninh tốt cho Việt Nam chèo chống trước sóng gió.
Thứ hai,thực tiễn cho thấy nhận thức, sự hiểu biết của Việt Nam về Trung Quốc, về chiến lược của Trung Quốc, các toan tính của Trung Quốc trước và sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vẫn chưa đầy đủ, còn nhiều thiếu hụt. Nhiều lúc, nhiều nơi, Việt Nam chưa hiểu thấu Trung Quốc, chưa nắm bắt trúng, đúng các ý đồ của Trung Quốc.Thời gian sau năm 1975, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có thể khắc họa bằng hình ảnh “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, tuy bề mặt vẫn còn hữu nghị, song bên trong đã hé lộ những vết nứt khó lòng hàn gắn và mặc dù một số cán bộ cấp cao của Việt Nam đã nhận thấy những vấn đề bất thường trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhận thấy chiều hướng ngày càng xấu đi trong quan hệ giữa hai nước, song Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam vẫn thiếu cảnh giác, thiếu nhạy bén và có phần bị động trong xử lý quan hệ Việt - Trung. Rút kinh nghiệm từ quá khứ, trong khi Trung Quốc luôn luôn tồn tại cận kề, đôi lúc không thể đoán trước, thì lợi ích, chiến lược và chính sách của Trung Quốc cần phải được tính đến, nghiên cứu, đánh giá để đề ra chủ trương phù hợp. Cần nhận thức rằng, đường lối đối ngoại của Trung Quốc mang tính cổ truyền đặc trưng là mở rộng ảnh hưởng, mở rộng địa bàn hoạt động, mở rộng cương vực sinh tồn, với cái bất biến là vị trí và quyền lực; từ đó, có hệ thống giải pháp, chính sách và chiến lược phù hợp.
Thứ ba, luôn luôn kiên định lợi ích dân tộc, bảo tồn lãnh thổ, lãnh hải. Hiện nay, giữa Trung Quốc và Việt Nam, vấn đề lãnh hải, đặc biệt là xung quanh tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa đang là vấn đề nổi cộm. Nhìn từ góc độ bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, trước hành động xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam bất chấp dư luận, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam đánh thắng các thế lực thù địch, giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc[33], "kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, chặn đứng và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược"[34]. Đáplời kêu gọi, trước phút nguy nan của Tổ quốc, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết giáng trả, bảo vệ vẹn toàn đất nước. Phát huy tinh thần ấy, hiện nay, trong những tranh chấp ở biển Đông, khi Trung Quốc đã chiếm giữ một số đảo, mà "với thời gian nếu như không có sự phản đối từ phía quốc gia kia và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, thì sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia chiếm hữu"[35], Việt Nam cần phải hành động cương quyết, thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo tồn lợi ích quốc gia, tuyệt đối không để bất kỳ một thế lực nào đụng chạm đến chủ quyền, đến độc lập tự do của dân tộc.

........................................
[1]Ramses Amer:  Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991, tr.8.
[2]Ramses Amer: Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung- Việt,Tlđd, tr. 1
[3]Từ cuối năm 1976 sang đầu năm 1977, ở Trung Quốc có sự thay đổi chính sách đối với vấn đề gọi là “người Hoa ở hải ngoại”. Nếu trong thời kỳ “cách mạng văn hoá” người Hoa ở nước ngoài bị phân biệt đối xử và nghi ngời, thì từ đầu năm 1977, Trung Quốc lại mong nhận được sự giúp đỡ của người Hoa ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước.
[4]Ramses Amer: Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung- Việt,Tlđd, tr. 46.
[5]"Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, số 2, Bản dịch, Lưu tại Phòng Thông tin- tư liệu, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng, 1988),  tr.12.
([6]) Theo số liệu của Ban Tổng kết quân sự - Bộ Quốc phòng thì từ tháng 5-1975 đến cuối năm 1975, chúng gây ra 110 vụ xung đột, lấn chiếm 20 điểm biên giới. Năm 1976, chúng gây ra 280 vụ, tăng 2,7 lần so với năm 1975, năm 1977 gây ra 1.850 vụ, tăng 6 lần so với năm 1976.
[7]Dẫn theo Ngô Vĩnh Long; Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao và công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ sau khi miền Nam được giải phóng, Tạp chí Thời đại mới, số 6/tháng 12-2005.
[8]Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam (1975 - 1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, Tập 2 tr. 110.
[9]Cuộc xung đột Trung Quốc - Việt Nam(1980), Chuyên san, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.9.
[10]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.2.
[11]Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb Sự thật,  Hà Nội, 1979, tr.9.
[12]Tức Quảng Ninh ngày nay.
[13]Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Sđd, tr.7.
[14]Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Sđd, tr.7.
[15]Sa lực Mân Hạ: 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Bản dịch của Cục nghiên cứu, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1992, tr.39.
[16]Eric Hyer: The South China Sea Disputes: Implications of Chiná s  Earlier Territorial Settlements, In: the “Pacific Affairs”, Vol.98, N1, Spring 1995, University of British Columbia Canada, 1995, p. 36-37.
[17]Bí thư và Tư lệnh quân khu Quảng Châu (gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây), bảo vệ Đặng Tiểu Bình trong cuộc thanh trừng lần hai. Được cử làm Tổng chỉ huy trong cuộc tấn công dọc biên giới phía Bắc Việt Nam.
[18]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, 1988, p. 337. 
[19]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 337. 
[20]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 337. 
[21]Chiến tranh của Trung Quốc đánh Việt Nam, 1979, các vấn đề, quyết định và tác động, Bản dịch, Thư viện quân đội.

[22]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, 1988, p. 394.

[23]Cựu chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân xe hơi, Trưởng phái đoàn thiện chí Mỹ sang thăm Việt Nam
 năm 1976.
[24]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 339.
[25]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 361.
[26]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 361.
[27]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 361.
[28]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 361.
[29]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, p. 338.
[30]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, 1980, tr.91.
[31]32 năm chiến tranh biên giới Trung - Việt, BBC Vietnamese.com, ngày 16-2-2011.
[32] Mỹ quốc nhân nhãn trung đích Trung Việt chiến tranh…, http://www.milchina.com, ngày 29/4/2010.
[33]Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân dân, ngày 5-3 -1979, tr. 1.
[34]Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc, Báo Nhân dân, ngày 19-2 -1979, tr. 6.
[35]Viện Sử học,Kỷ yếu hội thảo phát triển khu vực châu Á-Thái bình Dương và tranh chấp biển Đông, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 386.

1 comment: