Trang

Monday, October 21, 2013

"Sách giáo khoa ‘bỏ quên’ Đại tướng!"- Các nhà sử học hay các nhà tuyên huấn-văn hóa- tư tưởng phải chịu trách nhiệm việc này???


"Đại tướng không được nhắc trong SGK 
Tìm hiểu của Thanh Niên Online cho thấy, cụ thể, ở SGK Lịch sử lớp 9, phần sử Việt Nam có 21 bài, trong đó có bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) ở trang 119, có nêu diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Tương tự, trong SGK Lịch sử lớp 12, bài 20 với cũng nội dung trên, dù nêu chi tiết hơn về diễn biến trận đánh Điện Biên Phủ, nhưng cũng không một lần nhắc tên nhân vật lịch sử: Võ Nguyên Giáp. 
“Ở cấp tiểu học, phần sử trong sách Lịch sử và Địa lý 5, từ bài 1 đến bài 6 là những bài học về nhân vật lịch sử như: Trương Định, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu… Nhưng chưa có bài nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, bà Nguyễn Thị Hào, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) cho biết. 
Bà Nguyễn Ái Hằng - nguyên Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Trong SGK lịch sử ở cấp 3, những bài chính đều không nhắc tới Đại tướng. Ở những bài phần tham khảo, đọc thêm có thể hiện một số nhân vật lịch sử, nhưng cũng không có thông tin nào xoay quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Học sinh nói gì?
“Suốt 12 năm phổ thông, em không được học gì về Đại tướng. Đến khi Đại tướng mất, thông qua báo đài, em mới thật sự hiểu biết về cuộc đời của ông. Em mong là SGK có thêm bài học về Đại tướng, để tất cả học sinh chúng em đều được học, đều được biết”(Nguyễn Quang Mẫn, học sinh lớp 12A1, Trường THCS, THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM)
Mười năm học phổ thông, thật tình em chỉ nghe tên Đại tướng chứ chưa hề xem, học, hay được kể. Lấy chuyện từ cá nhân em để thấy rằng, học sinh chúng em thật sự đang thiếu một bài học về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguyễn Thị Tú, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM)
“Năm em học lớp 6, trong một bữa cơm, em nghe ba kể về tài chỉ đạo quân sự của Đại tướng. Nhưng qua lời kể của ba, em nhớ nhiều điều về Đại tướng trong đó có sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng từ đó, em nhớ luôn chi tiết trận đánh, quân ta giành đồi A1 như thế nào, kéo pháo đánh trận ra sao… Em cũng hơi khó hiểu là từ trước giờ, chưa có thầy cô nào nói gì về Đại tướng cho chúng em nghe. (Mai Thy, lớp 10A1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM)
 Đọc Người Lao Động 21/10/13: "Không mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều đáng tiếc"
Nhiều đại biểu Quốc hội bất ngờ khi khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay 21-10 không có 1 phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng có công lao và đóng góp lớn cho đất nước và nhân dân vừa từ trần."

Ông GS Đinh Xuân Lâm là người chủ biên sách GK Lịch sử hiện đang sử dụng? Đọc: Hình ảnh Đại tướng sẽ đậm nét trong SGK sau 2015

Ý kiến xác đáng của ô. Dương Trung Quốc: Phải thay đổi nhận thức lịch sử (Petrotimes, 24/10/2013)


Phải thay đổi nhận thức lịch sử

(PetroTimes) - Dư luận đang bày tỏ sự bất bình về việc sách giáo khoa lịch sử của các cấp học, không có dòng chữ nào nói về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chỉ có vài bức ảnh minh họa. Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
(Năng lượng Mới số 268)
PV: Thưa ông, dư luận đang xôn xao về chuyện bộ sách giáo khoa lịch sử các cấp học của chúng ta không hề nhắc một chữ nào đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù trong đó có nói rất nhiều đến các chiến thắng lớn của quân đội nhân dân trong lịch sử đương đại. Là một nhà sử học, quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Ông Dương Trung Quốc: Có thể nói, sự ra đi của Đại tướng đã thức tỉnh chúng ta rất nhiều điều. Điều mà dễ nhận thấy nhất là tình cảm kính trọng, yêu thương, cảm phục vô bờ bến của người dân dành cho Đại tướng… Đúng là Đại tướng của nhân dân, cả cuộc đời ông dành cho dân, cho nước. Sự ra đi của Đại tướng và đám tang của ông làm chúng ta nhận ra nhiều điều mà lâu nay chúng ta không nhận thấy.
Lòng dân là thế đấy. Không có cái gì giấu được dân. Yêu thương hay ghét bỏ… Chỉ đến lúc về cõi vĩnh hằng mới có thể nhận thấy chân giá trị trong mỗi con người.
Ông Dương Trung Quốc
Việc phát hiện trong hệ thống sách giáo khoa của chúng ta không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một điều đáng suy nghĩ. Theo tôi, đúng là với lịch sử đương đại, các vấn đề đánh giá cá nhân là điều không đơn giản. Có rất nhiều sự kiện, nhiều con người mà phải có một thời gian thì sự đánh giá mới chính xác, đi vào lòng dân và sử sách.
Hình như ở nước ta, từ lâu nay đã hình thành quan điểm né tránh các yếu tố cá nhân. Theo tôi nghĩ, ngay như Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhắc đến nhiều cũng là nhắc đến như biểu tượng của một yếu tố mang tính chất đặc trưng của một thời đại thôi. Những chi tiết liên quan đến đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một nhân vật nhiều khi chúng ta cũng né tránh.
Vì thế mà phát hiện này có thể nói lên cả 2 điều: một là quan điểm của chúng ta lâu nay, thứ hai là sơ suất của chúng ta. Phải phân tích cả hai điều đó cho thấu đáo.
Ví dụ như, khi nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, đương nhiên là sẽ có một tập thể tướng lĩnh, có đông đảo chiến công của quân đội, nhân dân, nhưng vai trò của cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất rõ ràng và đã được công nhận. Không nói kỹ về vai trò Tư lệnh chiến dịch của Đại tướng đúng là khó có thể chấp nhận được. Cũng qua việc này, tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội để chúng ta xem xét lại không chỉ riêng trường hợp Đại tướng, mà còn nhiều người khác. Chúng ta có nhiều tướng lĩnh giỏi, có công trạng đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc, nên việc tôn vinh là rất cần thiết, đặc biệt là trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Ví dụ, trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, chúng ta rất ít khi nhắc đến gương mặt của các tướng lĩnh. Việc làm tượng các tướng lĩnh là một việc rất nhiều người e ngại, người này hay người kia, ai làm trước, ai làm sau. Tôi là người bên Hội Sử học. Trong hoạt động “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, tôi tổ chức rất nhiều kỷ niệm các tướng lĩnh, làm rất nhiều tượng các tướng lĩnh. Nhưng khi tặng cho các đồng chí bên bảo tàng thì các đồng chí ấy có nói là rất muốn làm, nhưng rất e ngại vì không có chủ trương. Ngẫm cũng thấy buồn…
Dần dần chúng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử thì mới thấy được lịch sử không vô nhân xưng, lịch sử có bóng dáng con người và là những tấm gương để mọi người có thể học hỏi. Không có con người thì lấy đâu ra lịch sử?
Tôi nghĩ rằng, riêng việc chúng ta xem xét lại sách giáo khoa với những chi tiết liên quan đến Đại tướng là cần phải làm ngay. Còn việc thay đổi sách giáo khoa thì phải có quy trình theo quy định của luật pháp và trên cơ sở quan điểm nhất quán. Dẫu sao, sách giáo khoa cũng là mang tính chất chuẩn mực quốc gia.
PV: Thưa ông, đang có một câu hỏi được đặt ra là các nhà soạn sách giáo khoa không phải là không am hiểu lịch sử, họ biết rất rõ, nhưng lại không đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào trong sách giáo khoa là do những lý do cá nhân mà bị ảnh hưởng từ thời kỳ trước - thời kỳ mà vai trò của Đại tướng hầu như không được nhắc đến nhiều trong các dịp nói về những chiến thắng quan trọng?
Ông Dương Trung Quốc: Trong ký ức các thế hệ như tôi và anh thì đều nhớ kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - trong sự kiện lịch sử ấy, người ta hầu như không nhắc đến Đại tướng.
Bây giờ, nếu mổ xẻ chuyện này thì cũng ra nhiều vấn đề đấy. Tất nhiên là có những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, xã hội. Tôi nghĩ đó là chuyện thường thấy trong xã hội hiện đại. Quan trọng là khi đã trở thành một tri thức lịch sử thì phải tìm được một sự đồng thuận cao của xã hội.
Ai là người có thể xác định thước đo này?
Có lẽ chính lễ tang Đại tướng vừa rồi - mà tôi hay sử dụng hình tượng là nhân dân đã bỏ phiếu tín nhiệm cho Đại tướng. Và chính sự “bỏ phiếu” này mới làm cho chúng ta nhận thức ra rất nhiều điều về Đại tướng và nhiều vấn đề khác. Nếu không thì chỉ là những chi tiết lịch sử mà không ai là người đứng ra thẩm định, đánh giá. Chúng ta nói đến vai trò, trách nhiệm của nhà sử học và rõ ràng, chúng ta phải có thay đổi về nhận thức lịch sử.
Nhưng tôi nghĩ, có lẽ không nên trách những nhà biên soạn sách giáo khoa. Theo quy trình của làm sách, phải có những cơ quan cuối cùng thẩm định. Tôi cho rằng, điều này là một trách nhiệm tổng thể, chứ không nên quy kết vào bất kỳ cá nhân nào cả. Nhưng dù thế nào chăng nữa, việc không đưa Đại tướng vào những chiến công đã được sử sách ghi nhận là thiếu sót quá lớn. Tôi hy vọng rằng, bộ sách giáo khoa lịch mới sẽ được sửa chữa thiếu sót này.
PV: Thưa ông, vua Đường Thái Tông của Trung Quốc có một câu rất hay là “Soi vào tấm gương bằng đồng thì thấy được râu tóc của ta. Soi vào tấm gương của lịch sử thì thấy được việc ta làm hôm nay đúng hay sai”. Vậy với tư cách là một nhà sử học, theo ông, câu nói đó hiện nay có còn giá trị không?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ những câu đã trở thành danh ngôn thì đã là một tổng kết của lịch sử rồi. Nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta hiện nay không có tư duy lịch sử, mà nặng về tư duy nhiệm kỳ.
Phải nghĩ rằng, sau này lịch sử sẽ viết về cá nhân mình, thời đại mình đang cầm quyền như thế nào. Như thế thì người ta sẽ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn đối với việc thực thi vai trò của mình. Tư duy lịch sử rất quan trọng. Đương nhiên là lịch sử thì phải có thời gian, chúng ta không thể quá sốt ruột được. Với tất cả thay đổi, chúng ta sẽ thấy rất rõ sự công bằng, công minh của lịch sử.
Tôi cũng rất hy vọng rằng, các nhà lãnh đạo hiện nay hãy nhìn vào lễ tang của Đại tướng để mà thấy lòng dân. Và nhớ câu của cụ Nguyễn Trãi: “Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước”.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Như Phong (thực hiện)

1 comment: