Trang

Wednesday, January 18, 2012

Để hiểu khoa học Việt Nam- người trí thức xấu xí

Vừa rồi GS Nguyễn văn Tuấn viết trên blog bài "Nhìn khoa học Nga để hiểu khoa học Việt Nam" như sau:

"Tập san Nature có một bài phỏng vấn các nhà khoa học Nga về tình hình khoa học ở Nga hiện nay. Những người được phỏng vấn phần đông là các viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga. Trong bài này, các nhà khoa học Nga nói rất thật tình về tình trạng yếu kém của khoa học Nga hiện nay. Tôi thấy những vấn đề mà họ nêu cũng chính là những vấn đề mà khoa học Việt Nam đang gặp phải. Trong bài này, tôi chỉ tạm dịch một số ý của họ dưới đây để trước hết là làm tài liệu tham khảo cá nhân, sau là chia sẻ cái nhìn của các đồng nghiệp Nga cùng các bạn.
Đọc qua những vấn đề họ nêu, tôi có thể thấy những điểm chính như sau:
1. Hệ thống tài trợ nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập. Nhưng bất cập lớn nhất là họ thiếu những chuyên gia có tầm cỡ quốc tế để bình duyệt một cách khách quan. Bất cập thứ hai là họ không áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá một công trình khoa học, và do đó đã lãng phí cho những công trình khoa học dỏm.
2. Ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học lọt vào tay “những cây đa cây đề” không làm nghiên cứu thật. Do đó, có người cho rằng đó là một sự phân phối ngân quĩ một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó thì các quan chức phụ trách quản lí khoa học, theo đánh giá của một viện sĩ, là bất tài.
3. Tham nhũng. Nhà vật lí Alexander Samokhin nói rằng nền khoa học Nga là một phiên bản của xã hội Nga. Tình trạng tham nhũng ở Nga cũng ảnh hưởng đến khoa học. Nhiều nhà khoa học phàn nàn rằng các nhà khoa học được cấp kinh phí nghiên cứu phải hối lộ một số phần trăm nào đó cho các quan chức bất tài và tham nhũng của chính phủ.
4. Can thiệp của cơ quan an ninh. Thật khó tưởng tượng dù Liên Xô không còn nữa mà các cơ quan an ninh vẫn còn can thiệp vào khoa học!
Ngoại trừ vấn đề số 4, Việt Nam ta cũng đang đương đầu với vấn đề 1, 2, và 3. Nếu những vấn đề trên là di sản của thời Soviet, thì cũng có thể giải thích những vấn đề VN đang gặp phải là một phần di sản của một thời bao cấp. Nga đã mất gần 30 năm mà vẫn không lay chuyển được nền khoa học (do thiếu cải cách), còn Việt Nam ta chắc cần một thời gian lâu hơn nữa."
Đồng ý với GS Tuấn, chỉ xin bổ sung các đặc trưng Việt Nam, mà GS VS Nguyễn Văn Hiệu đã trình bày tương đối rõ:
"...sự đầu tư của nhà nước và xã hội còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ, mà ở nhiều nơi sự đầu tư đó lại không được sử dụng có hiệu quả, nhiều thiết bị quý, có giá trị lớn, rất hiếm khi được sử dụng; hàng loạt đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đúng thủ tục đã chẳng đem lại kết quả gì, bởi vì không có đủ giá trị khoa học để công bố mà cũng không thể áp dụng vào thực tiễn, lại cũng không được coi là một công việc dở dang và được làm tiếp cho đến cùng, cho nên đã chấm dứt không dấu vết."
"nhiều cán bộ khoa học, kể cả các nhà khoa học đầu đàn, cũng không có ý định làm khoa học một cách nghiêm túc, chỉ cốt đăng ký hết đề tài này đến đề tài khác để có kinh phí mà hoạt động và tăng thêm thu nhập nhờ các “khoản chi mềm”.
"Trước hết nói về sự lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước: nhiều thiết bị quý, thậm chí có cả một phòng thí nghiệm hiếm khi được sử dụng. Có một nguyên nhân là quyết định sai lầm của người lãnh đạo cơ quan chủ đầu tư, nhưng cũng còn một nguyên nhân nữa là chính nhà khoa học lập đơn hàng mua thiết bị đó thiếu tinh thần trách nhiệm. Bây giờ nói về việc quá nhiều đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu ứng dụng rất cụ thể sau khi kết thúc tốt đẹp thì lại chẳng ứng dụng vào đâu được. Một nguyên nhân là cơ quan quản lý không có được một Hội đồng khoa học đáng tin cậy và có đủ năng lực đánh giá được rằng với tiềm lực khoa học ở nước ta hiện nay mục tiêu của đề tài có khả thi hay không. Thường là không khả thi. Về phía nhà khoa học nhận nhiệm vụ thực hiện thì dù biết rằng không làm được nhưng cứ đăng ký bừa đi, chẳng mất gì mà lại chỉ được kinh phí thôi. Rất đáng tiếc rằng tình trạng này hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn." 
"Còn nói về tình trạng “lạm phát” các công trình khoa học những năm gần đây các báo cáo tại các Hội nghị khoa học gọi là quốc tế được chấm điểm khi xét công nhận giáo sư hoặc phó giáo sư. Thế là các viện nghiên cứu và các trường đại học đua nhau tổ chức hội nghị. Những đại biểu Việt Nam đến dự Hội nghị sẵn sàng nộp tiền để được đăng báo cáo của mình trong Proceeding. Có trường hợp chất lượng báo cáo quá kém nhưng vì Ban Tổ chức đã nhận tiền Hội nghị phí nên đành phải đăng. Có lần khi tham gia xét duyệt các báo cáo để đăng trong Proceeding tôi đã phát hiện ra rằng thường xảy ra trường hợp vài ba báo cáo thực ra chỉ là từng đoạn của cùng một báo cáo, được các tác giả tách ra thành nhiều báo cáo để được nhiều điểm. Cơ sở của việc tính điểm công trình để xét phong giáo sư và phó giáo sư là thế đấy. Vẫn có cả hai nguyên nhân: sự sai lầm của những người quản lý và sự thiếu lòng tự trọng của chính những người khoa học."(Nguyễn Văn Hiệu, Dantri.com.vn, 1/9/2011, "Khoa học Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”")
GS Chu Hảo nêu lên 4 đặc điểm xấu của trí thức Việt Nam hiện đại và chỉ rõ nguyên nhân:  
1.      Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.
2.      Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.
3.      Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.
4.      Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.  
"Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội." (Chu Hảo, viet-studies.info 19/1/2011, Dân chủ và trí thức):
    Tóm lại vấn đề trước tiên của khoa học Việt Nam là tính lương thiện của người làm khoa học. Vì sao vậy? 

    - Thực sự chúng ta chưa bao giờ có truyền thống nghiên cứu khoa học. Lý do có lẽ vì chúng ta duy tình, não trạng chúng ta không muốn tư duy lô-gic, chúng ta chưa thật sự tôn trọng sự thực khách quan.  
    - Văn hóa Việt Nam là nền văn-hóa-quan-chức, nghĩa là có chức thì có tất cả, quyền, tiền đầu tư, đề tài, học trò và có thể nặn bóp sự phát triển của đơn vị anh ta quản lý theo ý thích của mình. Muốn là quan chức khoa học thì cái bằng tiến sỹ chưa đủ, phải là đảng viên. Mà "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." (BCH TƯ Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 12-TQ/TW, 16/1/2012). 
    - Với trí thức thì bệnh háo danh lại càng nặng nề. Người ta sợ những người có năng lực hơn mình- dù người đó từng là học trò mình. Vì ghen tài tức danh mà người ta dám dùng mọi thủ đoạn, kể cả lợi dụng quy chế tổ chức, làm hại đồng nghiệp, xây bè kết cánh và chỉ sử dụng những người kém năng lực. Kết quả đẻ ra thế hệ học trò còn kinh khủng hơn thế hệ thầy. Câu chuyện Bùi Kiệm- Lục Vân Tiên mà Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tạo là một thí dụ về sự ghen tài-tức danh của não trạng người Việt có chút học thức.
    - Ngồi ở vị trí quản lý đồng nghĩa với việc sẽ bận rộn làm chính trị, có làm khoa học chỉ đại khái, nhưng lại rất thành đạt với nhiều thành tích nghiên cứu, vì:
    - Làm sếp đồng nghĩa được đầu tư mua sắm thiết bị, vật tư,v.v.; được chủ trì đề tài lớn nhiều tiền. Mà mua thiết bị thì được tiền % commission từ công ty bán thiết bị.
    - Làm sếp còn đồng nghĩa là đồng tác giả của đại đa số các xuất bản trong đơn vị. Rất ít cá nhân dám không mời "sếp" đứng tên cùng, nếu không nói ngược lại- Lợi tối thiểu là sẽ không bị cản trở, không kể nếu thành được làm cánh hẩu của sếp thì lợi đơn lợi kép.
    - Đa số cây đa cây đề vì thành tích nhiều thế nên nghiễm nhiên được coi là có đẳng cấp cao, thậm chí cả ở tầm quốc tế.  Cũng vì thế số này lại được ngồi trong các hội đồng xét duyệt đề tài, luận án, xét phong GS, v.v. mà quy chế xét duyệt đa phần nặng tính chủ quan, cảm tính. 
    - Vì quá trình cứ thế  luân chuyển xoay vòng nên trình độ chuyên môn và uy tín khoa học không đi cùng đạo đức. Và họ thường lũng đoạn, vơ vét đề tài, không ủng hộ người trẻ có năng lực, v.v.  
    Tham những ở ta vì thế không chỉ là ở việc chi % cho quản lý, mà chủ yếu là ở việc treo đầu voi bán thịt chuột trong khoa học, nghĩa là đề tài thì viết rất vĩ đại, nhưng kết quả thì không đáng kể để lấy càng nhiều tiền càng tốt. 
    Dù vậy, vẫn còn những nhà khoa học còn giữ được lương tâm, tuy nhiên đa phần họ không nắm cương vị quản lý và đang nhẫn nhịn sống mỏi mòn. Quan trọng hơn là một thế hệ mới, trẻ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển đang trở về. Nếu không sớm đổi thay thì lớp trẻ rồi sẽ bị tha hóa vào con đường quan chức. Và guồng quay nghiệt ngã của cơ chế lại tiếp tục lôi kéo họ vào con đường thoái hóa. Rồi tới thế hệ sau lại có người thở than về sự tuyệt tự! 


    Đọc Vũ Thị Nhuận: Chảy máu chất xám – Cần có một kế hoạch dài hơi và cái nhìn xa hơn;
    Vũ Cao Đàm, Walatas 13/3/2007: "Khảo luận về những chuẩn mực giá trị trong khoa học ở Việt Nam hiện nay",
    Tiasang số 9/2008: "Tính trung thực của người nghiên cứu khoa học",
    Tiasang 7/11/2008: "Những đóng góp về triết lý quản lý của Viện Quản lý Khoa học (1978-1996)",
    Tia sáng 26/3/2012: "Hội đồng khoa học vô hình".
    Đọc thêm về ý kiến trên Sài Gòn tiếp thị, 19/1/2012: "Hạ tầng tri thức có vững, khoa học mới đột phá"

    Vũ Cao Đàm
    Khảo luận về những chuẩn mực giá trị trong khoa học ở Việt Nam hiện nay
    Giáo sư Vũ Cao Đàm
    Sau một chặng đường phát triển, khoa học Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với sự hiện diện của một số lượng đông đảo các viện khoa học và trường đại học trong hầu khắp các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. 

    Trong bài này, chúng tôi không nhắc lại những thành tích khoa học đã đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông, mà chỉ mong muốn gợi lên vài suy nghĩ về những chuẩn mực giá trị trong khoa học ở Việt Nam hiện nay, mà bản sắc cốt lõi của nó được kết đọng trong suốt quá trình phát triển khoa học ở miền Bắc từ 1954 và trong cả nước từ 1975. 

    Về những thành tựu đã đạt được và những giá trị của khoa học đã tạo dựng ở miền Nam trước năm 1975 thì chúng tôi không dám lạm bàn, vì tự thấy không đủ thông tin. Chúng tôi hy vọng sẽ được học hỏi thêm từ các nhà nghiên cứu miền Nam trước năm 1975 để bổ túc vào chỗ thiếu hụt của chúng tôi. 


    1. Vài nét về sự phát triển hệ thống khoa học nước nhà 

    Ở nước ta, Đại học Đông Dương gồm 7 trường cao đẳng, được thành lập năm 1906 (có tài liệu tính từ 1902). Sau đó một số trường chuyển thành đại học, như Đại học Luật khoa, Đại học Y khoa, Đại học Khoa học v.v. [1] Nếu xem hoạt động khoa học, theo nghĩa của khoa học hiện đại, là một phần không thể tách rời của trường đại học, thì có thể nói, hoạt động khoa học của Việt Nam cũng được bắt đầu từ đó. Những năm tiếp theo, người Pháp đã lập một số viện và nha nghiên cứu trong một số lĩnh vực, như y học, vi trùng học, nông học v.v. trên tất cả các miền đất nước. Những cơ sở nghiên cứu về công nghệ hoàn toàn chưa có. 

    Năm 1945, mặc dầu chỉ tồn tại trong thời gian chưa đầy 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1945), Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã thực hiện những cải cách quan trọng trong giáo dục trung học với “Chương trình Hoàng Xuân Hãn” [2] – một chương trình vẫn còn để lại dấu ấn cho đến ngày nay. Trong những cải cách của Chính phủ Trần Trọng Kim, chúng ta không thể không kể đến quyết định chuyển ngữ tiếng Việt trong các nhà trường và trong hệ thống hành chính. Đó là những quyết định có ảnh hưởng sâu rộng đến việc chuyển ngữ tiếng Việt trong toàn bộ nền khoa học và đại học nước nhà. 

    Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định khai giảng lại trường đại học tại Hà Nội với danh xưng mới – “Đại học Quốc gia Việt Nam”[3] . Nói “khai giảng lại” có nghĩa, Chính phủ mới thừa nhận các truyền thống và giá trị khoa học của trường đại học trước đó. Điều này khác căn bản với chủ trương thay thế một hệ thống hoàn toàn mới đối với các trường đại học ở Hà Nội năm 1954 và ở Sài Gòn năm 1975. 

    Chỉ hơn một năm sau bước khởi đầu đó, cả dân tộc bị cuốn vào những năm kháng chiến chống cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp. Ngay trong vài năm đầu của chiến tranh, người Pháp đã chiếm đóng hầu hết các thành phố, dựng nên một chính phủ thân Pháp do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Chính phủ Bảo Đại đã dành mối quan tâm nhất định đến việc duy trì các trường đại học và cơ sở nghiên cứu đã hình thành từ trước chiến tranh.

    Một số nhà khoa học có tên tuổi đương thời đã về chiến khu Việt Bắc với Chính phủ Hồ Chí Minh, xây dựng ở đó những cơ sở đào tạo và nghiên cứu phục vụ kháng chiến, như Trường Đại học Y, một số trường cao đẳng, các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp. Đặc biệt một viện nghiên cứu vũ khí đã được thành lập, gọi tên là Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Quân giới, có cơ cấu mang dáng dấp các viện công nghệ hiện đại ngày nay, gồm các đơn vị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và, có cả xưởng pilot (pilot workshop) để chế tạo thử nghiệm các sản phẩm mẫu (prototype) do quá trình nghiên cứu tạo ra. Một số nhà khoa học có tên tuổi khác thì ở lại các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu trong vùng Chính phủ Bảo Đại kiểm soát hoặc ra làm việc ở nước ngoài cho đến cuối đời. 

    Sau Hiệp nghị Genève năm 1954, Việt Nam chia thành hai miền. Hầu hết các trường đại học trong vùng thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Bảo Đại đều chuyển vào miền Nam. [4] Trước khi tiếp quản các thành phố, lực lượng hoạt động nội thành của Chính phủ kháng chiến đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh chống di chuyển vào Nam các bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy nước, thiết bị khai thác mỏ và xí nghiệp công nghiệp, nhưng hầu như không có cuộc đấu tranh nào đòi giữ lại các trường đại học. Một số vị giáo sư già nói, giả dụ các trường đại học ở Hà Nội cũng có phong trào đấu tranh chống di chuyển vào Nam, thì có lẽ, số phận các trường được giữ lại cũng không khác mấy số phận các trường đại học ở miền Nam sau năm 1975: các toà nhà vẫn còn hầu như nguyên vẹn, nhưng đội ngũ giảng viên và mọi truyền thống học thuật của trường đều được thay thế bằng một hệ thống hoàn toàn mới. 

    Chính vì vậy mà, từ năm 1954 Chính phủ Hồ Chí Minh phải bắt tay từ đầu trong việc xây dựng các các trường đại học và các viện nghiên cứu ở miền Bắc. Có thể nói, sau 1954, các viện khoa học và các trường đại học ở miền Bắc được phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Ngoài những lĩnh vực truyền thống, một loạt lĩnh vực khác cũng đã được phát triển, đặc biệt là những lĩnh vực nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ. 

    Năm 1956, một số trường đại học được thành lập, như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Nông Lâm. Năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập với nhiêm vụ xây dựng kế hoạch và cấp phát kinh phí cho hoạt động khoa học trên toàn miền Bắc. Trong Uỷ ban cũng có một số đơn vị nghiên cứu, như Viện Toán học, Viện Vật lý học, Viện Triết học v.v. Năm 1965, Uỷ ban Khoa học Nhà nước tách thành Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Uỷ ban Khoa học xã hội, nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1975, các viện nghiên cứu thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tách ra để thành lập Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là hai viện trực thuộc Chính phủ, mang dáng dấp của Viện Hàn lâm khoa học (HLKH) Liên Xô. Trong công nghiệp xuất hiện một viện vừa nghiên cứu, vừa thiết kế, gọi là Viện Thiết kế Tổng hợp thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Trường Đại học Y khoa từ kháng chiến chuyển về tiếp thu cơ sở còn lại của Trường Đại học Y khoa vốn đang hoạt động trong thành phố Hà Nội. Có thể nói, hệ thống đại học và khoa học ở miền Bắc được phát triển một cách nhanh chóng và đa dạng trong thập niên 1960. Trong bước khởi đầu này, toàn bộ hệ thống khoa học và đại học được xây dựng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của Liên Xô. Đội ngũ trí thức miền Bắc được hình thành theo hai con đường, được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng: “cải tạo trí thức cũ (của chế độ cũ), đào tạo trí thức mới (của chế độ mới)” 

    Còn ở miền Nam trước năm 1975, theo ý kiến một số nhà nghiên cứu, thì sự phát triển khoa học và đại học đã kế thừa được những di sản của nền khoa học và đại học từ thời thuộc Pháp và thời Chính phủ Bảo Đại. Với lực lượng bổ sung do sự di chuyển của các trường đại học từ Hà Nội vào, hệ thống đại học ở miền Nam đã phát triển khá ngoạn mục với mạng lưới đại học và cao đẳng cả trong khu vực công lập, các tổ chức tôn giáo và tư nhân, phân bố khắp miền Nam, tỪ Huế, qua Đà Lạt, Nha Trang, đến Sài Gòn, Cần Thơ… Tuy nhiên, hệ thống đại học ở miền Nam đã bị thay thế hoàn toàn từ sau 1975 giống như tình hình ở Hà Nội sau năm 1954. Hàng ngũ giáo chức tan rã: số người từng tham gia các phong trào đối lập với Chính phủ Sài Gòn thì được trở lại các trường làm việc sau hơn một năm học tập chính trị; một số bị đưa đi tập trung dài ngày ở các trại cải tạo; số còn lại thì hoặc chuyển làm nghề khác, hoặc về ở ẩn hoặc ra làm việc ở nước ngoài. Toàn bộ hệ thống đại học ở miền Nam sau 1975 được thay thế hoàn toàn theo mô hình khoa học và đại học đã định hình ở miền Bắc từ trước 1975. 


    2. Hệ thống tổ chức khoa học ở Việt Nam hiện nay 

    Tuy hoạt động khoa học ở Việt Nam bắt đầu từ thời thuộc Pháp, nhưng mô hình hệ thống khoa học hiện nay, có thể nói, bắt đầu hình thành ở miền Bắc từ sau 1954 và trong phạm vi cả nước từ sau 1975. Quá trình phát triển có những đặc điểm nổi bật sau: 

    Thứ nhất, cho đến đầu thập niên 1990, về cơ bản Việt Nam đã xây dựng hệ thống khoa học và đại học theo kinh nghiệm của Liên Xô: các tổ chức nghiên cứu khoa học hầu như nằm tách biệt khỏi các trường đại học và xí nghiệp; trong trường đại học hầu như chỉ có phòng thí nghiệm giáo học, không có viện nghiên cứu và cơ sở thực nghiệm khoa học; xí nghiệp cũng không có các labô (laboratory) và xưởng pilot; ngay cả các viện nghiên cứu công nghệ (vốn đã nằm ngoài các xí nghiệp và trường đại học) cũng không có xưởng pilot. 

    Thứ hai, cho đến cuối thập niên 1980 hoạt động khoa học ở miền Bắc thuộc độc quyền của Đảng (ĐCSVN) và của Nhà nước. Toàn bộ tài trợ cho khoa học dựa trên một nguồn kinh phí duy nhất do Nhà nước cấp. Mọi hợp đồng giữa các cơ quan khoa học với nhau hoặc với xí nghiệp đều bị xem là bất hợp pháp. Chỉ đến khi ra đời Quyết định 175/CP của Chính phủ năm 1981, chủ trương cấm đoán này mới bị xoá bỏ. 

    Thứ ba, Nghị định 35/HĐBT ban hành ngày 28/1/1992 đã vạch một mốc quan trọng trong hệ thống khoa học Việt Nam: xuất hiện các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) ngoài khu vực nhà nước; nhiều cơ sở nghiên cứu trong trường đại học và xí nghiệp công nghiệp đã hình thành, nhưng hệ thống khoa học tách rời đại học trên đại thể vẫn tồn tại. 

    Cùng với những biến động trong hệ thống kinh tế và xã hội, hệ thống đào tạo và nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, và ngày nay có thể hình dung tóm tắt như sau:
    • Mạng lưới Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được thiết lập ở tất cả các tỉnh và thành phố; ở cấp quốc gia có Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trung ương, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (CTQGHCM) và các viện của ĐCSVN. Từ cuối thập niên 1980, hầu hết các viện của ĐCSVN ở cấp trung ương đều được nhập vào Học viện CTQGHCM trực thuộc Ban Chấp hành trung ương ĐCSVN. Tất cả các tổ chức xung quanh ĐCSVN, như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn đều có các học viện hoặc trường đại học và viện nghiên cứu.
    • Các viện nghiên cứu trong khoa học xã hội, khoa học tự nhiên được tổ chức thành các viện quốc gia trực thuộc Chính phủ theo dáng dấp của Viện HLKH Liên Xô trước đây. Tuy các đơn vị này trực thuộc Chính phủ, nhưng các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội có liên quan chính trị, tư tưởng và đường lối của ĐCSVN thì do Hội đồng Lý luận Trung ương (của Ban chấp hành trung ương ĐCSVN) quyết định. Chủ trương này vừa được nhắc lại trong quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
    • Một số trường đại học được đặt trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số viện và học viện trong các lĩnh vực quốc phòng, công an, công nghiệp, giao thông v.v. thì được đặt trực thuộc các bộ tương ứng về quốc phòng, công an, công nghiệp, giao thông v.v. Từ thập niên 1990, cùng với những cải tổ trong công nghiệp, xuất hiện các viện công nghệ trong các công ty, một vài viện đang thử nghiệm chuyển thành các “doanh nghiệp KH&CN”, được hiểu là những xí nghiệp chuyên “sản xuất” các công nghệ và những sản phẩm có trình độ công nghệ cao.
    • Ở các tỉnh và thành phố cũng có một số viện nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, kỹ thuật và công nghệ hoặc trạm trại thực nghiệm trong nông nghiệp.
    • Từ năm 1992, cùng với sự đa dạng hoá các thành phần kinh tế theo hướng thị trường, trong các hiệp hội và các tổ chức xã hội cũng bắt đầu xuất hiện các viện hoặc trung tâm khoa học. Các viện hoặc trung tâm này cung cấp những dịch vụ nghiên cứu hoặc tư vấn theo hợp đồng với các đối tác khác nhau trong xã hội.
    • Cũng từ 1992, hàng loạt tổ chức khoa học cũng xuất hiện trong các trường đại học, nhưng hoạt động khoa học ở các trường chưa thể so sánh được với các viện nằm ngoài đại học, nhất là các viện trực thuộc Chính phủ, có quyền ưu tiên rất cao về cung cấp các nguồn lực.
    • Tất cả các tổ chức khoa học và đại học đều được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN, thông qua mạng lưới tổ chức đảng các cấp (tất cả các viện trưởng, hiệu trưởng, khoa trưởng đều đặt dưới sự lãnh đạo của một bí thư đảng thuộc cấp tương ứng). Ban Khoa – Giáo (khoa học và giáo dục) thuộc Ban Chấp hành trung ương ĐCSVN lãnh đạo về đường lối của ĐCSVN trong toàn bộ hệ thống khoa học và giáo dục Việt Nam.
    Sự biến động của hệ thống tổ chức khoa học ở Việt Nam trong tiến trình cải cách kinh tế theo hướng thị trường có nhiều nét tương đồng với những biến đổi trong hệ thống khoa học ở các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Những biến đổi này hoàn toàn khác với những gì đã diễn ra ở miền Đông nước Đức: sau khi thống nhất đất nước, người Đức đã giải thể toàn bộ Viện HLKH Đông Đức, vốn được tổ chức theo mô hình Viện HLKH Liên Xô, đồng thời tổ chức lại hệ thống đại học ở Đông Đức theo mô hình của các nước phát triển. 


    3. Cơ sở hình thành các chuẩn mực giá trị trong khoa học ở Việt Nam 

    Một đặc điểm nổi bật, như đã mô tả ở trên, các cơ quan khoa học ở Việt Nam luôn gắn với một cấp hành chính: có cơ quan trực thuộc Chính phủ; có cơ quan tuy trong quyết định không ghi rõ là trực thuộc Chính phủ, nhưng lại có những điều khoản cho phép hoạt động với quyền hạn ngang một bộ của Chính phủ; có viện trực thuộc các bộ; có viện trực thuộc xí nghiệp và trường đại học; có viện trực thuộc các tỉnh, thành phố; các huyện cũng có những trạm, trại thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi. [5] Quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế theo hướng thị trường đã làm xuất hiện các tổ chức khoa học ngoài khu vực nhà nước. Những đặc điểm đó đã tạo cơ sở cho sự hình thành những chuẩn mực giá trị trong hệ thống khoa học Việt Nam. Chúng tôi xin tóm lược một số nét sau: 

    1. Vì cơ quan khoa học ở Việt Nam luôn được đặt trực thuộc một cấp hành chính, nên cũng được sắp xếp theo thứ bậc hành chính. Người lãnh đạo tổ chức khoa học cũng được gắn cấp bậc theo thứ bậc hành chính. Chẳng hạn, các viện trực thuộc Ban chấp hành trung ương ĐCSVN hoặc Chính phủ, như Viện KH&CN Việt Nam, Học viện CTQGHCM đều có cấp bậc ngang một bộ của Chính phủ, người đứng đầu các viện này có hàm bộ trưởng, cũng phải là ủy viên trung ương ĐCSVN hoặc uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSVN, được đưa vào Quốc hội; các viện thuộc các bộ hoặc các tỉnh được gán hàm ngang cấp “vụ” của các bộ.

      Cấp bậc của tổ chức khoa học quyết định quyền hạn và lương bổng của người đứng đầu tổ chức: người đứng đầu các viện trực thuộc Chính phủ có quyền hạn ngang bộ trưởng trong những quyết định về kế hoạch và tài chính, về tổ chức và nhân sự. Các đại học quốc gia cũng được hưởng quy chế như một bộ của Chính phủ.

      Như vậy, trong cộng đồng khoa học Việt Nam ở quốc nội, điều nổi lên rõ rệt trên bề mặt của xã hội, là sự sắp đặt địa vị và quyền hạn của cơ quan khoa học theo địa vị và quyền hạn được phân chia đẳng cấp trong hệ thống hành chính. Đây có lẽ là đặc điểm quan trọng nhất chi phối thang bậc giá trị của các cơ quan khoa học Việt Nam.

    2. Sự chi phối của cấp bậc hành chính vào giá trị khoa học được thể hiện trước hết ở sự phân biệt giá trị của công trình khoa học theo cấp bậc hành chính. Trong tiêu chuẩn xét thành tích khoa học để “phong” giáo sư ở Việt Nam, người ta tính điểm cho các thành tích nghiên cứu khoa học theo cấp bậc hành chính. Nếu đương sự hoàn thành đề tài “cấp nhà nước” thì được tính điểm cao hơn đề tài “cấp bộ”, đề tài “cấp bộ” thì được tính điểm cao hơn đề tài “cấp cơ sở”. Chính đây là nguyên nhân thúc đẩy người ta chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm các đề tài “cấp nhà nước”, hầu như ngày càng thiếu vắng những tìm tòi mang tính cá nhân của các nhà nghiên cứu. Đây có lẽ là thứ chuẩn mực độc đáo nhất thế giới. Với chuẩn mực này, người ta không biết sẽ xếp hạng thế nào đối với những công trình “cấp cá nhân” của Einstein với Lý thuyết tương đối, Marx với Tư bản luận, Khổng Tử với những pho “Kinh” đồ sộ, sử gia Ngô Sĩ Liên với Đại Việt Sử ký toàn thư?
    3. Báo chí trong nước nhiều lần nói về các quan chức làm chủ nhiệm chương trình danh nghĩa và gọi họ là “cai đầu dài” trong khoa học. Chúng tôi không muốn nói như vậy, bởi vì, thật ra khoản tiền cấp cho các đề tài không đáng là gì so với các khoản bổng lộc và tham nhũng có thể tìm kiếm được qua các chức vụ của họ. Đề tài và chương trình ấy chỉ có ý nghĩa trang sức cho chức vụ, hơn nữa, là cơ sở để tính điểm phong giáo sư và phó giáo sư... Ở trong nước hiện nay, rất nhiều người có hàm giáo sư mà không giảng dạy. Hơn nữa, theo điều tra của giáo sư Hoàng Tụy, hiện có tới 30% giáo sư và phó giáo sư “xứng đáng” được miễn nhiệm; còn theo thống kê của giáo sư Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, có tới 60% số giáo sư không sử dụng internet; một số giáo sư hoàn toàn không đọc hiểu một ngoại ngữ nào trong chính lĩnh vực chuyên môn của mình.
    4. Điều đáng suy nghĩ là, có những vị giáo sư tự thấy không đủ tư cách khoa học ở chính cái đơn vị nghiên cứu của mình, thì đã tìm cách có được những chức vụ Đảng hoặc chức vụ hành chính, lấy đó làm cái đệm để tiến lên các chức vụ cao hơn, rồi ở vị trí này, họ lại đi tìm kiếm những đề tài “cấp nhà nước”. Dù các giáo sư này viết ra những bản đề cương không mấy chất lượng, nhưng vì đây là đề xuất của cơ quan cấp cao, nên được vị nể và cuối cùng đề cương vẫn được phê chuẩn với kinh phí hàng tỉ đồng mỗi năm. Rồi các vị đã biến nhân viên các cơ quan hành chính, cơ quan đảng, thậm chí Quốc hội v.v. thành những “nhà” hoạt động khoa học. Trong nhiều văn kiện chính thức, người ta có thể đọc thấy chủ trương “phát động quần chúng tiến quân vào khoa học”... Và thế là, các xí nghiệp cũng “tiến quân vào khoa học”, thay vì họ phải sản xuất. Các xí nghiệp (quốc doanh) đã tiến quân vào khoa học bằng phong trào “mỗi công nhân một sáng kiến, mỗi kỹ sư một đề tài nghiên cứu” (?!). Có lẽ không một chủ doanh nghiệp tư nhân nào dám để mỗi công nhân đưa ra một sáng kiến và mỗi kỹ sư đưa ra một đề tài nghiên cứu để… làm thí nghiệm trên dây chuyền sản xuất… đáng ra phải rất ổn định của xí nghiệp. Một số nghị sĩ cũng dành thời gian làm nhiệm vụ… nghiên cứu khoa học, trong khi nhiều bộ của Chính phủ (cơ quan hành pháp) lại thay thế họ soạn thảo các dự án luật; một số giảng viên và sinh viên thì được huy động tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, kể cả việc tràn xuống đường phố dẹp ùn tắc xe cộ, thay thế công việc của cảnh sát giao thông. Một bộ phận xã hội bị đảo lộn chức năng và vai trò, trong đó có cả việc đảo lộn chức năng và vai trò của cơ quan khoa học. Hơn nữa, gần đây người ta lại thấy xuất hiện tiêu chuẩn về “nghiên cứu khoa học” trong một văn bản hướng dẫn xem xét nâng ngạch bậc cho chuyên viên hành chính: trong đó ghi rõ tiêu chuẩn “phải có một công trình nghiên cứu khoa học” (!) [6]
    5. Một vấn đề nổi lên trong hệ thống khoa học của Việt Nam là việc suy tôn các danh hiệu. Việt Nam có quá nhiều các loại danh hiệu để phong tặng cho đội ngũ giáo chức các cấp, nào là lao động tiên tiến, lao động giỏi, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, thầy giáo dạy giỏi, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú v.v. Các danh hiệu này vào đầu những năm 1950 – giai đoạn cao trào của cuộc kháng chiến chống Pháp đã từng có vai trò rất quan trọng, cổ vũ tinh thần cách mạng trong xã hội, nhưng nó đã mất dần tác dụng. Có nhiều nguyên nhân làm mất tác dụng của các danh hiệu này: có nguyên nhân khách quan do trình độ văn minh của xã hội ngày càng phát triển; có nguyên nhân do chính tiêu chuẩn của các danh hiệu này, chẳng hạn, tiêu chuẩn để phong “Nhà giáo ưu tú” là phải có 5 năm là … “chiến sĩ thi đua”, trong đó phải có 2 năm là chiến sĩ thi đua “cấp bộ”. Mà muốn là chiến sĩ thi đua, đương sự phải có thành tích trong công tác xã hội và các “phong trào quần chúng” chứ không phải chỉ có thành tích khoa học. Kỳ lạ, ở một số cơ sở nghiên cứu, những nghiên cứu viên không đến nghe đọc báo để tìm hiểu tình hình thời sự đầu giờ làm việc là bị cắt các danh hiêu lao động tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua.
    6. Các chức danh khoa học cũng không thực sự phản ánh giá trị đích thực của khoa học. Ở Việt Nam, “giáo sư” và“phó giáo sư” là “học hàm”, là cái “danh” do Nhà nước “phong”, không phải là một chức vụ lãnh đạo khoa học. Vài năm lại đây, Chính phủ quyết định đổi “học hàm” thành “chức danh”, nhưng về thực chất, nó vẫn mang ý nghĩa là một thứ “hàm”. Tiêu chuẩn để phong hàm giáo sư ở Việt Nam không căn cứ vào nhu cầu tổ chức và lãnh đạo khoa học trong một nền khoa học luôn phát triển, mà là một thứ tước vị dùng vinh danh suốt đời trong hệ thống khoa học tĩnh tại và bị hành chính hoá. Điều này thể hiện ở một số đặc điểm sau:

      Thứ nhất, phải có một số giờ giảng cho các lớp đại học và hướng dẫn luận văn sau đại học (post-graduate thesis). Như vậy có nghĩa, việc phong giáo sư chỉ dành cho những người làm việc trong các ngành vốn có sẵn sinh viên hoặc “được phép” đào tạo sau đại học bằng một văn bản quyết định hành chính. Điều này khác hoàn toàn với các nước có nền khoa học phát triển, là hiệu trưởng đại học (chứ không phải Nhà nước) “bổ nhiệm” chức vụ giáo sư khi có nhu cầu lựa chọn người lãnh đạo hoặc mở ra một ngành khoa học, đặc biệt coi trọng là những ngành mới, hoàn toàn chưa có sinh viên hoặc đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, người ta có thể hỏi, vì sao một số vị không giảng dạy mà lại được phong giáo sư ở Việt Nam? Điều này đơn giản: đương sự có thể đi xin xác nhận số giờ lên lớp, thậm chí có thể xác nhận bằng một văn bản hợp đồng giảng dạy có đầy đủ chữ ký và đóng dấu của trường đại học.

      Thứ hai, phải có những bài báo được đăng trên các tạp chí “được phép” xuất bản theo một quyết định hành chính. Thật không rõ các tạp chí nổi tiếng thế giới như New ScientistScience et VieEconomic Times v.v. đã “được phép” xuất bản theo những quyết định số bao nhiêu và của bộ nào trong các chính phủ? Làm sao để xuất trình những giấy tờ này khi một tác giả cần khai báo những công trình công bố trên các tạp chí nước ngoài? Còn nếu như các nhà đương cục không bắt xuất trình giấy tờ khi có bài được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài, thì người ta lại phân vân, vì sao lại phải xuất trình các quyết định hành chính khi đăng bài ở các tạp chí trong nước. Có lẽ các nhà đương cục không còn cách nào thẩm định giá trị của các tạp chí thay vì yêu cầu xuất trình một văn bản quyết định hành chính?

      Thứ ba, khi nói đến sự biến dạng của các giá trị khoa học, chúng ta không thể không nói đến nạn đạo văn, một sự băng hoại nghiêm trọng các giá trị đạo đức khoa học ở Việt Nam hiện nay. Một số người muốn nhanh chóng có công trình khai báo để xin “phong học hàm” đã tìm cách lấy cắp công trình của đồng nghiệp. Một số đạo chích bị tố giác trên công luận, và họ có thể nhất thời gặp khó khăn khi xin “phong học hàm”, nhưng họ đã chạy chọt các nhà lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cơ quan khoa học, cũng như các uỷ viên hội đồng học hàm các cấp… và cuối cùng, họ cũng đã được “phong” đủ các loại hàm cần thiết để tiến thân.

      Có những người thầy khả kính nay đã bước vào tuổi tám mươi, đã giảng dạy nhiều năm và có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng khi được hỏi, vì sao các thầy không nộp hồ sơ xin phong các loại danh hiệu, tước vị và học hàm, thì các thầy đã cười giễu cợt: “Ở thời buổi lạm phát giáo sư tiến sĩ và các loại hư danh này, thầy không muốn bị xếp lẫn vào số 30% trong hệ thống phân loại giáo sư của thầy Hoàng Tuỵ”
    7. Vài thập niên lại đây ở Việt Nam nổi lên trào lưu “phong” viện sĩ, đầu tiên là do Viện HLKH Liên Xô (tiếng Nga là академия, tiếng Anh là аcademy) khởi xướng. Viện này phong “viện sĩ” (academic hoặc member) cho những người có đóng góp vào sự phát triển khoa học của Liên Xô. Có ba loại viện sĩ: viện sĩ chính thức, viện sĩ thông tấn, viện sĩ nước ngoài. Một số người Việt Nam đã được phong “viện sĩ nước ngoài”, trong đó, có người đạt thành tích thật sự trong khoa học, chẳng hạn, Nguyễn Văn Hiệu được phong viện sĩ nước ngoài với phát minh “Sự bất biến kích thước tiết diện của các quá trình sinh hạt“ trong vật lý hạt nhân; song cũng có vị… bộ trưởng bỗng dưng được phong viện sĩ vì một thành tích rất lạ, được ghi trên mảnh bằng viện sĩ, là… “phát minh” … “công thức trộn vật liệu làm đường cấp phối.” [7]

      Bên cạnh các viện hàn lâm theo kiểu Liên Xô cũ, trên thế giới, kể cả ở nước Nga hiện nay, có nhiều loại hiệp hội cũng gọi tên là “академия” (tiếng Nga) hoặc “academy” (tiếng Anh). Các “academy” này trưng tên trên mạng kèm cả mẫu đơn để chiêu nạp các “member”, tức hội viên. Điều kiện không quá khắt khe: chỉ cần nộp đơn, kèm bản tiểu sử khoa học tự khai, đóng hội phí từ 35 đến 150 USD mỗi năm (tuỳ tổ chức), là trở thành “member” của các “academy” này. Nhưng vì ở trong nước chỉ mới quen một cách dịch “academy” là “viện hàn lâm”, cho nên “member” của các “academy”, đương nhiên sẽ được hiểu là “viện sĩ” của các “viện hàn lâm”, và cứ như thế, các “viện sĩ” Việt Nam mọc ra như nấm sau mưa. [8] Do không có thông tin đầy đủ, một số tờ báo ở trong nước, ngay cả thời gian gần đây, vẫn xưng tụng các “viện sĩ” này như một thứ “hàng hiệu” của khoa học Việt Nam. [9] Trong nhiều hội nghị khoa học, người ta cũng long trọng giới thiệu sự hiện diện của các “viện sĩ”. Có “viện sĩ” đương quyền đã dùng tiền nhà nước mở tiệc mời cả vài trăm người đến chúc tụng; có “viên sĩ” còn đòi Nhà nước cấp tiền đi họp “viện hàn lâm” và đòi có chế độ “đãi ngộ” đặc biệt cho mình.

    Có thời, Đại sứ quán một nước lớn ở Hà Nội đã thường xuyên mời các “viện sĩ” thuộc loại này đến toà đại sứ để trao “bằng”… “viện sĩ” và sau đó cho chiếu hình, loan tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ tổ chức nghi lễ trang trọng, tôn nghiêm, như muốn khoa trương ân sủng đã đôn một lớp người lên hàng trí thức thượng thặng cho dân tộc Việt Nam… Thật là một tấn tuồng bi hài, thảm hại cho nền khoa học nước nhà. 


    4. Thay lời kết luận 

    Chúng tôi thấy thật khó khăn đưa ra lời kết luận của bài viết này. Chúng tôi chỉ mong muốn nhận diện vài nét sơ bộ những yếu tố chi phối chuẩn mực giá trị trong khoa học ở nước ta, mà lứa tuổi bẩy mươi chúng tôi là những người trong cuộc. 

    Từ nhiều góc nhìn khác nhau, rất có thể, nhiều nhà nghiên cứu không tán thành những nội dung được đề cập trong bài này. Chúng tôi thiết nghĩ, đó cũng là điều đương nhiên, tuỳ thuộc chỗ đứng và quan niệm về chuẩn mực giá trị khoa học của mỗi người. Chúng tôi rất mong được đọc ý kiến chỉ giáo của các bạn đồng nghiệp. Riêng chúng tôi chỉ đặt ra một mục tiêu nhỏ bé là, cung cấp để cộng đồng khoa học tham khảo một góc nhìn về những gì mà tự chúng tôi thấy xa lạ với chuẩn mực đích thực trong cộng đồng khoa học thế giới. 

    Chúng tôi vẫn tin tưởng, một ngày nào đó, các thế hệ kế tiếp của cộng đồng khoa học Việt Nam, cả quốc nội và hải ngoại, sẽ thẩm định lại những giá trị đích thực của khoa học Việt Nam trên đường hội nhập vào cộng đồng khoa học của thế giới văn minh. 


    Tác giả
    : GS. TS. Vũ Cao Đàm, Đại học Quốc gia Hà Nội 

    Tiểu sử khoa học:
     Sinh năm 1937. Năm 1951, học trung học trong vùng Chính phủ Bảo Đại kiểm soát; 1961, tốt nghiệp đại học và ở lại giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội; 1974 nhận bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật ở Liên Xô cũ; 1978, Viện trưởng-sáng lập Viện nghiên cứu Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN, Việt Nam; từ 1995 đến nay, giảng dạy và Chủ nhiệm-sáng lập Bộ môn Quản lý KH&CN (Chair of Science and Technology Management), Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

    Những công trình chính có liên quan bài viết 
    1. Vũ Cao Đàm (2007), Suy nghĩ về chính sách khoa học và giáo dục Việt Nam trong thế giới đương đại, Nxb khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
    2. Vũ Cao Đàm (2005), Đánh giá Nghiên cứu khoa học, Nxb khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
    3. Vũ Cao Đàm (1995), Vietnam in a changing world, co-author and co-editor with Irene Nørlund (Denmark) and Carolyne Gate (The Netherlands). Curzor Press.



    © 2007 talawas 



    [1]Xem Nguyễn Q. Thắng (1994), Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, tr. 225-230
    [2]Gs. Hoàng Xuân Hãn khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật trong Chính phủ Trần Trọng Kim. 
    [3]Chúng tôi không tìm được văn bản thành lập mới Đại học Quốc gia Việt Nam vào năm 1945, mà chỉ tìm được biên bản phiên họp Chính phủ ngày 4/10/1945, trong đó ghi ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc mở cửa lại trường đại học vào 15/11/1945, với danh xưng “Đại học Quốc gia Việt Nam”.
    [4]Theo Nguyễn Q. Thắng (sách đã dẫn)
    [5]Cơ quan “trực thuộc”, một khái niệm được sử dụng trong hệ thống hành chính ở Việt Nam hiện nay, mang ý nghĩa là một cơ quan dưới quyền trực tiếp, chịu sự kiểm soát về mọi mặt của cơ quan cấp trên mà nó trực thuộc
    [6]Trong văn bản số 3543/BNV-CCVC ngày 26/9/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính (trong hệ thống hành chính) có quy định: (1) Phải có chứng chỉ học chuyển đổi để dự thi cao học do Học viện Hành chính Quốc gia cấp; (2) Có ít nhất một công trình hoặc đề tài nghiên cứu khoa học (cấp bộ, ngành, tỉnh) và được áp dụng có hiệu quả trong công tác quản lý.
    [7]Đường cấp phối là loại đường ở nông thôn, thường là do nông dân tự làm, mặt đường được gia cố (làm cứng) bằng một lớp đá đập vụn trộn với đất đồi.
    [8]Quý vị có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm triệu mục từ “Academy” qua Google, trong đó có những “Academy” rất ngộ, như “Cléo Dubois Academy of Sexual Making Arts”. Nếu gọi “member” của các “Academy” này là “viện sĩ”, thì thật sự không ai hiểu, các vị “viện sĩ” của “viện hàn lâm” này có thành tích nghiên cứu khoa học gì?
    [9]Có lần bắt gặp một bài xưng tụng “viện sĩ” trên một tờ báo thuộc ngành giáo dục, tôi đã gọi điện đến tổng biên tập để nói những điều như vừa trình bầy trên đây, thì được ông trả lời dứt dóng “Ông không biết thì đừng có nói. Người ta xuất trình cho toà báo cả “bằng viện sĩ” cơ mà!”. Thì ra, ngài tổng biên tập đã đọc cái tờ giấy viết tiếng nước ngoài… “Certificate” (Giấy chứng nhận hội viên) thành ra… “bằng” viện sĩ (!)

    “Bí mật” về khoa học, công nghệ nước nhà… mà ai cũng biết


    No comments:

    Post a Comment