Trần Ngân
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/TranNgan_ThuTuongQuyetLiet.htm
"...có thể thấy rằng thủ tướng Dũng đã “quyết liệt” trong rất nhiều lĩnh vực nhưng bất hạnh thay cho thủ tướng và người dân Việt Nam là hầu như lĩnh vực nào mà được thủ tướng “quyết liệt” điều hành và chỉ đạo thì lĩnh vực đó chỉ có càng ngày càng tệ đi. Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng thì tăng trưởng ngày càng đi xuống. Quyết liệt kiềm chế lạm phát thì lạm phát ngày càng tăng lên đến mức cao thứ nhì thế giới trong năm 2011. Quyết liệt kiềm chế tham nhũng thì tham nhũng và đi kèm với nó nạn chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền ngày càng lan rộng và ăn sâu vào nền kinh tế, vào thể chế, vào toàn bộ xã hội. Quyết liệt điều hành đám con cưng tập đoàn thì đám con cưng ngày càng ăn tàn phá hại, nợ đầm nợ đìa…
Có thể có người cho là từ “quyết liệt” với thủ tướng Dũng đã trở thành “sáo ngữ”, nói quen miệng nên đụng đâu nói đó. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Việc thủ tướng Dũng liên tục dùng từ này thể hiện rõ tư duy của ông về cách điều hành nền kinh tế nói riêng và điều hành nhà nước nói chung. Thủ tướng cho rằng có thể dùng ý muốn, ý chí chủ quan của mình để can thiệp vào sự vận hành khách quan của nền kinh tế và bắt nền kinh tế đi theo ý muốn chủ quan của mình. Điều này là hết sức nguy hiểm. Khi một quốc gia chấp nhận nền kinh tế thị trường tức là cũng phải chấp nhận rằng, về cơ bản thị trường thông minh hơn trí khôn chủ quan của con người. Kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm qua cho thấy, dù có nhiều khiếm khuyết thì thị trường vẫn là cơ chế kinh tế tốt nhất để tạo ra của cải và sự phồn vinh cho xã hội. Một nhà nước khôn ngoan là nhà nước xây dựng một cơ chế thị trường minh bạch, dựa trên cơ chế cạnh tranh để cho các chủ thể trong nền kinh tế tự vận hành và nhà nước chỉ là người tham gia chỉnh sửa những khuyết tật của thị trường như hiện tượng ngoại ứng, độc quyền hay thiếu hụt hàng hóa công. Nếu cứ cố gắng dùng các công cụ hành chính can thiệp mạnh và hướng các nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế đi theo ý muốn chủ quan của mình thì gần như không tránh khỏi thất bại cay đắng.
Thực tiễn nền kinh tế Việt Nam trong vài năm qua đã cho thấy điều đó rất rõ. Chính vì thủ tướng Dũng đã muốn các tập đoàn con cưng của mình nhanh chóng “sánh vai” với các tập đoàn lớn trên thế giới nên đã “quyết liệt” dồn quá nhiều nguồn lực khan hiếm cho những cái cối xay tiền như Vinashin, Vinalines, EVN, TKV[i]... Đáng lẽ phải chống lạm phát bằng cách minh bạch hóa chi phí của các tập đoàn nhà nước, tạo cơ chế để bắt buộc các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường thì lại can thiệp thô bạo bằng các mệnh lệnh hành chính như chỉ thị không được tăng giá điện, giá than… làm thị trường ngày càng trở nên méo mó và cuối cùng khi không kìm được giá nữa thì phải tăng đột ngột ở biên độ cao làm cho nền kinh tế phải chịu các cú sốc không đáng có.
Việc liên tục dùng từ “quyết liệt” ở tần suất cao cũng cho thấy tính cách của thủ tướng Dũng là chỉ thích làm việc theo suy nghĩ chủ quan của mình, không muốn nghe những lời can gián hay nói trái của cấp dưới. Điều này thể hiện quá rõ qua việc thủ tướng giải thể Ban nghiên cứu của Thủ tướng ngay khi mới nhậm chức hay ký Quyết định 97/2009/QĐ-TTg thu hẹp đáng kể quyền phản biện của các tổ chức. Bản thân Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW là một viện nghiên cứu của chính phủ nhưng khi phê phán chính phủ nhiều quá cũng bị thủ tướng nhắc nhở:
Người đứng đầu Chính phủ đề xuất Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”. (Vietnamnet, 8/12/2011)
Một quốc gia mà người lãnh đạo cao nhất không muốn nghe những lời nói trái của trí thức, chỉ thích nghe tâng bốc, nịnh bợ mình thành “thủ tướng xuất sắc nhất châu Á”, chỉ thích làm theo ý muốn chủ quan của mình thì làm sao quốc gia đó có thể phát triển trong một môi trường quốc tế cạnh tranh ở mức độ rất cao như hiện nay? Nguy hiểm hơn nữa là tư duy điều hành này của thủ tướng Dũng vẫn không có gì thay đổi dù thủ tướng đã phải chịu sức ép mà xin lỗi trước Quốc hội vào cuối năm 2012. Cứ nhìn những chỉ đạo trong thời gian gần đây của thủ tướng thì vẫn đầy những từ “quyết liệt”. Ngạn ngữ phương Tây có câu rất hay là: “You cannot teach an old dog new tricks” nghĩa là “Bạn không thể dạy trò mới cho một con chó già” rất đúng trong trường hợp này. Như vậy đã có thể nhìn thấy trước tương lai của Việt Nam trong những năm tới, nếu thủ tướng Dũng còn nắm quyền rồi.
...
Tóm lại, nếu thủ tướng Dũng và bộ máy dưới quyền vẫn tiếp tục giữ tư duy điều hành nền kinh tế theo kiểu “quyết liệt” như từ giữa năm 2006 tới nay thì thủ tướng càng Quyết, nền kinh tế sẽ càng Liệt hay nói đúng hơn là thủ tướng và bộ máy của mình đang Quyết (tâm) làm đất nước Liệt đi như thực tế đang diễn ra.
[i] Cùng với Phó thủ tướng lúc đó là ông Sinh Hùng đã ký văn bản ép các ngân hàng cho Vinashin vay 10.000 tỷ(Vneconomy, 25/9/2008) thì thủ tướng Dũng cũng chỉ đạo ngân hàng cho Tập đoàn điện lực EVN vay 10.000 tỷ để làm vốn lưu động (Tuổi trẻ, 6/9/2011)"
No comments:
Post a Comment