Trang

Thursday, March 28, 2013

Luật sư Nguyễn Tiến Lập Bàn về luật hóa sự lãnh đạo của Đảng


Bàn về luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài 1: Phân biệt giữa quyền lực của Đảng và quyền lực của nhân dân
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Nguồn: Tia Sáng, 28/3/2013


Người dân nói chung, trong đó có cộng đồng trí thức, đang tích cực thảo luận một cách rộng rãi về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp 1992 và một trong các vấn đề được coi là “nhạy cảm” khi góp ý, đi cùng với các ý kiến và quan điểm khác nhau, là vị trí và vai trò của Đảng CSVN được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp 1992 và cũng là Điều 4 (giữ nguyên) của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Quan điểm của tác giả cho rằng trước hết, không thể tránh né vấn đề này, bởi lẽ bản chất và trọng tâm của Hiến pháp là nói về quyền lực công (hay quyền lực nhà nước), trong khi Đảng CSVN lại đang nắm giữ quyền lực đó trên thực tế, vậy thì làm sao có thể bàn đến tổ chức quyền lực nhà nước mà lại bỏ qua vai trò của Đảng CSVN. Thứ hai, như một cơ thể sống được vận hành bởi các dòng khí hay năng lượng, quyền lực công trong xã hội chính là các dòng khí và năng lượng ấy; do đó, nếu không được tổ chức hợp lý để vận hành tốt, cơ thể sống cũng như đời sống xã hội sẽ bị rối loạn.

Nói về việc sở hữu hay nắm giữ quyền lực nhà nước, Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ghi rõ rằng: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” ; trong khi đó Điều 4 lại khẳng định: “Đảng CSVN … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đương nhiên, hai điều khẳng định có tính nguyên lý căn bản này đã và đang tồn tại trong cả Hiến pháp trước đây, không chỉ tại văn bản dự thảo sửa đổi này. Vẫn đề ở chỗ sự tồn tại song song của hai nguyên lý này có là điều mâu thuẫn, bất hợp lý và phi thực tế hay không, xét cả về lý thuyết và thực tế? Và đó chính là bài toán đang cần lời giải từ các học giả và nhà chuyên môn, trong đó có giới luật học.

Trước hết nói về quyền lực. Bàn về Hiến pháp tức là nói đến quyền lực nhà nước. Xét theo ý nghĩa chung, khác với các loại quyền lực khác, quyền lực nhà nước có tính đặc thù ở chỗ gắn với bộ máy và phương tiện cưỡng chế thi hành như cơ quan hành chính, thủ tục pháp lý, lực lượng vũ trang v.v.. Do đó, một khi Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp tuyên bố rằng mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân thì phải hiểu rằng người dân không thể thực thi các quyền lực ấy một cách trực tiếp được mà phải thông qua bộ máy nhà nước do mình thành lập lên. Hay nói một cách khác, chủ thể nắm giữ và thực thị quyền lực nhà nước chính là bộ máy nhà nước, mà không phải người dân.

Đương nhiên, trên thực tế có các tình huống mà nhân dân thực thi quyền lực của mình một cách trực tiếp, đó là cách mạng. Khi đó, như ông cha ta đã từng nói: “Chở thuyền, đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền đi cũng là dân”, nhân dân sẽ là người phá bỏ hoặc làm thay đổi căn bản nhà nước đang tồn tại để thiết lập nên một nhà nước mới nhằm bảo đảm tốt hơn cho việc đáp ứng các nguyện vọng của mình.

Chính theo bản chất của sự việc như vậy, cho nên Hiến pháp của nhiều nước có một cách diễn đạt khác, khúc triết hơn, đó là “quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân” chứ không phải là “thuộc về” họ. Nói như vậy tức coi nhân dân là “nguồn của quyền lực” chứ không phải chủ thể nắm giữ hay thực thi quyền lực. Nếu cùng nhau xác định như thế thì lời kêu gọi của nhiều người vừa qua rằng chúng ta hãy làm để cho “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là không chính xác và phi thực tế. Nói đúng hơn phải là làm sao để Nhà nước bảo đảm cho người dân thực thi được các quyền cụ thể của mình.

Vậy còn quyền lực của Đảng. Câu hỏi là quyền lực của một Đảng được hình thành như thế nào và Đảng có nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước hay không?

Ở bất cứ quốc gia nào khi người dân bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị thì Đảng hình thành. Quyền lực của Đảng, hiểu theo khả năng mà nó tác động vào tiến trình vận hành và phát triển của xã hội, được kết tinh từ ý chí và hành động của các đảng viên và những người ủng hộ Đảng. Số lượng Đảng viên và những người ủng hộ Đảng càng đông thì đương nhiên Đảng càng mạnh. Tuy nhiên, quyền lực đó của Đảng (gọi là quyền lực chính trị) không nhất thiết đồng nghĩa với quyền lực nhà nước, bởi sự phân biệt ở đây không phải là khả năng tác động mà là cách thức tác động vào các tiến trình xã hội. Chẳng hạn, Nhà nước có thể ra lệnh cho lực lượng cảnh sát thực thi hoạt động cưỡng chế thực thi pháp luật trong khi Đảng không thể làm như vậy. Với giới hạn tự nhiên và khách quan như vậy, ở đâu cũng vậy, Đảng muốn hiện thực hóa quyền lực chính trị của mình đều phải tiến hành thông qua Nhà nước, mà việc đầu tiên là phải giành lấy quyền được can thiệp vào Nhà nước ấy. Tuy nhiên, sự hình thành, cấu trúc và chức năng của Nhà nước lại là một phức hợp, bởi Nhà nước không chỉ là phương tiện dành cho Đảng sử dụng, mà quan trọng hơn nó còn là công cụ của người dân để tổ chức các hoạt động xã hội. Có nghĩa rằng, có rất nhiều hoạt động mà Nhà nước buộc phải làm theo chức năng thông thường của nó mà không có sự tác động chính trị của Đảng, chẳng hạn như bảo đảm và duy trì trật tự công cộng và cung cấp các dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Do đó, như một nguyên lý và thực tế phổ biến, các Đảng chính trị khi tham gia vào quyền lực nhà nước thường chỉ tham vọng chi phối hoặc tác động vào các định hướng phát triển lớn hay chính sách cơ bản của Nhà nước mà thôi.

Trở lại Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi với quy định rằng Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều khẳng định rất quan trọng này, đồng thời cũng gây tranh cãi trong thời gian qua, cần được lý giải như thế nào?

Có ba câu hỏi cần được trả lời trước hết, đó là: thứ nhất, không có Đảng thì Nhà nước có hình thành được không? Thứ hai, sau khi hình thành rồi thì Nhà nước có cần Đảng lãnh đạo hay không? V�thứ ba, Đảng có cần và có thể lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện đối với cả Nhà nước và xã hội hay không?

Có thể nói trong xã hội hiện đại, nếu không có sự tác động và hỗ trợ của các đảng phái chính trị, Nhà nước rất khó hình thành bởi xây dựng Nhà nước là một công việc rất gian nan và phức tạp, đòi hỏi không chỉ nhiều sức lực mà còn cả tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Chỉ có những người có nhiệt huyết và hiểu biết, có lý tưởng, ý chí và bản lĩnh được tập hợp trong các tổ chức Đảng mới có thể đứng ra lãnh đạo quần chúng trong xã hội để hình thành nên Nhà nướcđồng thời
trong một thế giới đa dạng và phức tạp như hiện nay thiếu một lực lượng chính trị tiên tiến làm nòng cột, Nhà nước đó rất dễ dàng mất đi phương hướng hành động đúng đắn của mình. Phân tích như vậy để thấy rằng Đảng lãnh đạo Nhà nước là cần thiết và có cơ sở.
Nhưng Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cách nào? Đó là bài toán khó. Bởi lẽ, sự lãnh đạo của Đảng cũng tạo ra các nguy cơ cho chính bản thân Nhà nước và xã hội nếu: thứ nhất, Đảng không hấp thụ thường xuyên được các yếu tố tinh hoa từ xã hội thì sẽ suy thoái và dẫn Nhà nước suy thoái theo;thứ hai Đảng chỉ nghĩ tới quyền lợi ích kỷ của mình thì sẽ dẫn tới sự xung đột với bộ phận nhân dân còn lại; v�thứ ba, Đảng can thiệp một cách tuyệt đối và toàn diện vào đời sống Nhà nước và xã hội thì sẽ tạo ra sự đơn điệu, sơ cứng trong đời sống, làm thui chột sự sáng tạo của nhân dân. Chính vì vậy, ở phần lớn các quốc gia, Đảng chỉ lãnh đạo bằng đường lối và chủ trương chính sách lớn, thông qua sự can thiệp vào các yếu tố ở thượng tầng kiến trúc như nhân sự lãnh đạo chủ chốt và cấp cao, cũng như tinh thần và nội dung của các đạo luật cơ bản liên quan đến đời sống phát triển quốc gia và con người. 

Việc này cũng đồng nghĩa với một thực tế khác là Đảng không thể lãnh đạo xã hội, bởi so với Nhà nước thì xã hội luôn luôn rộng lớn hơn, phong phú và đa dạng hơn, trong khi Đảng, bao giờ cũng vậy, chỉ là tổ chức chính trị của một bộ phận hay nhóm người cụ thể. Việc duy trì đời sống tự nhiên của xã hội bằng việc giữ cho nó không bị phiến diện hay bóp méo bởi các khuynh hướng chính trị khắt khe, nhiều khi quá hẹp hòi và thực dụng sẽ không thể tạo cho quốc gia luôn luôn có một sức sống mãnh liệt để ứng phó và thích nghi với mọi đổi thay của thế giới.Vì vậy một Đảng chính trị nếu muốn mở rộng các tác động và ảnh hưởng của mình lên đời sống xã hội cần phải được thực hiện thông qua quảng bá và thuyết phục để mọi người đi theo mà tuyệt nhiên không thể là sự áp đặt.

Tóm lại, có thể chốt lại ở đây điều gì? Nhân dân là chủ thể quan trọng nhưng không nắm giữ mà tạo ra nguồn gốc của quyền lực. Quyền lực nhà nước luôn luôn nằm trong tay chính bản thân Nhà nước. Nhà nước đồng thời cần được sự lãnh đạo và dẫn dắt của Đảng chính trị. Vấn đề, do đó, ở chỗ Nhà nước cần được tổ chức làm sao để bảo đảm rằng luôn luôn duy trì và bảo vệ được tính nguyên vẹn của nguồn gốc quyền lực, đồng thời lại được định hướng bởi lực lượng tinh hoa nhất của xã hội được kết tinh trong Đảng chính trị. Nguyên lý này, có thể được mô phỏng như một cái cây cần có bộ rễ chắc bám vào đất để đứng một cách vững vàng, đồng thời cần cái ngọn vươn cao để hấp thụ sự khí trời trong lành, nếu không như vậy, sẽ dẫn đến sự trì trệ, bất ổn thậm chí rối loạn. 

Bài 2: Các bất hợp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước hiện nay

No comments:

Post a Comment