Trang

Sunday, February 5, 2012

Tư duy Trần Đăng Khoa ?

Nhân đọc bài "Nhà thơ Trần Đăng Khoa luận bàn vụ Đoàn Văn Vươn", 
một mớ lộn xộn suy nghĩ, 
những trích dẫn kiểu "Bần cùng thì tất biến"(???)*
hoảng vì  tư duy của thần đồng năm xưa!

Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa là một hiện tượng ám ảnh hầu hết chúng ta, tất cả những ai tuổi thơ yêu những góc sân và những khoảng trời, để rồi khi trưởng thành  cứ phải ngỡ ngàng, trăn trở về thần tượng của mình. Vì lớn lên chẳng thấy Khoa làm thơ, hay đúng là có làm mà bạn đọc chẳng nhớ được bao lăm. Rồi anh nổi đình nổi đám với mấy chuyện "chân dung" kiểu Lê Lựu đi Mỹ đưa tất lên mũi ngửi!

Gần đây, đọc trên Lê Thiếu Nhơn thấy có "Chân dung Trần Đăng Khoa". viết ngay từ hơn chục năm trước, sau khi Khoa đã cho ra mấy tập chân dung những người khác. Trung Trung Đỉnh, người có điều kiện gần gũi Khoa đã bình thơ Khoa thật hay, và không biết chuyện thật hay sáng tạo mà có cả một lý thuyết, cũng phi thường như các mẩu giai thoại về các nhân vật phi thường trong lịch sử, rằng ngày xưa có một bà mẹ đẻ ra đứa con thần đồng, năm nọ con lên mấy, trát quan trên đòi, thương con...

Biết Khoa có người anh là Trần Nhuận Minh. Tìm trên mạng, giật mình vì ở Nhuận Minh cũng có một giọng thơ với Đăng Khoa như... bác với chú! Thử đọc hai bài thơ này:

 


Những năm chú ra trận
Thím buồn vui một mình
Thím bảo những năm ấy
Là những năm hoà bình.

Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người.

Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chẳng buồn lau.

Thế rồi… biết vì đâu
Yên lành không chịu được
Vợ con, chú đánh trước
Xóm giềng chú đánh sau.

Chớ dại mà can chú
Chú nhất cả huyện rồi
Giặc nào chú cũng thắng
Có thua, thua ông trời!

Chỉ thương thím Hai Vui
Mặt mũi luôn thâm tím
Đến bây giờ chiến tranh
Mới đến thật với thím.

Chú đòi phải li dị
Mỗi con về một nơi
Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại thành cười.

Nghe đâu thím lên tỉnh
Rửa bát cho người ta
Thấy ai quen cũng lánh
Những mặt phấn quần hoa…
                                

Bà và Cháu

Bà ngồi yên rất lâu
Bóng tạc lên vách đất
Dải khăn vuông đội đầu
Gió lọt vào phơ phất...

Ôm Hương, tay run run
Bỗng nhiên, bà chớp mắt
Nhớ ngày xưa đói nghèo
Thương ông, giặc Pháp bắt

Sục sạo tìm du kích
Giặc đốt hết xóm làng
Bố Hương vượt lửa đạn
Bơi qua Lục Đầu Giang

Ông đi, ông để lại
Cái vành tang cho bà
Vết nhăn hằn sâu mãi
Và hắt hiu tuổi già

Sau hòa bình, bố về
Xóm làng còn đủ cả
Chỉ vắng mẹ Hương thôi
Bố ngồi trơ như đá...

Rồi lạy bà, bố đi...
Hương mới sinh, bé choắt
Đất nước sao nhiều giặc
Đánh đến giờ chưa xong!...

Cái bao tượng của bà
Thắt bụng dần nhỏ lại
Cả một đời lo toan
Lưng bà giờ như gẫy

Bà vẫn vui công việc
Chả lúc nào ngơi tay
Khi bà thăm trận địa
Khi bà trồng hàng cây

Bà vẫn nuôi bộ đội
Suốt hăm mấy năm trời
Nhiều chú đeo súng lục
Cưỡi bình bịch về chơi

Thư các chú gửi về
Không tuần nào không có
Chú thì đóng Sơn La
Chú thì ra Cồn Cỏ

Chú thì giữ Hàm Rồng
Chú thì xa, xa nữa...
Thư đi mấy tháng đường
Nhiều bức nhòe một nửa

Lâu nay, Hương không thấy
Chú nào về thăm đây
Bà bảo: Các chú bận
Đánh Mỹ suốt đêm ngày

Những lúc sợ bà buồn
Hương lượn tròn, múa hát
Bóng chuối trùm nửa sân
Trăng ngời ngời như bạc...

Bài dưới thì mang danh Đăng Khoa, tất nhiên rồi, còn bài trên là của Nhuận Minh! Thế rồi tối qua thấy trên Giáo dục Việt Nam có chuyện "Nhà thơ Trần Đăng Khoa luận bàn vụ Đoàn Văn Vươn (kỳ 1)". Đọc mà hãi, thử một đoạn này xem Khoa muốn nói điều gì nhân chuyện anh Vươn:
"Người nông dân thì mất đất, trong khi nhiều đất thu hồi thì lại để bỏ hoang. Bần cùng thì tất biến. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một bài học chua xót. Sẽ còn thê thảm hơn, nếu các nhà quản lý không chịu coi đó là một bài học cần phải rút kinh nghiệm một cách cay đắng. Đã thế, người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê. Chỉ bỏ ra chừng non tỉ bạc là đã có thể có cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh nhà quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống." 
Có thực đây là tư duy trưởng thành của cái cậu bé đã vẽ nên bức tranh mạch lạc, sinh động và ấm áp hồn quê trong "Góc sân và khoảng trời" ?
----------
* "Bần cùng sinh đạo tặc" + "Cùng tất biến, biến tất thông" = sáng tạo mang tên thần đồng: "Bần cùng thì tất biến". Rồi đem áp dụng cho anh Vươn thì có nghĩa là "anh Vươn vì bần cùng nghèo khổ gây nên biến loạn"?



Nhà thơ Trần Đăng Khoa luận bàn vụ Đoàn Văn Vươn (kỳ 1)
Thứ bảy 04/02/2012 06:51 
(GDVN) - “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có được sướng cũng không sướng được… Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận”.
Vào một ngày áp Tết Nhâm Thìn, tôi có dịp cùng ăn trưa và trò chuyện với Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khi biết tôi có ý định viết về vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn, ánh mắt ông đượm buồn, bảo: Nông dân thời nào cũng khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có được sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của một ông vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng lại mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ!
"Nông dân khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa"
Tôi thấy là đời sống của người nông dân bây giờ cũng khá hơn rồi chứ, vì sao ông lại nghĩ rằng thời nào họ cũng khổ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Khá là khá cái vỏ ngoài thôi. Phải nhìn vào thực chất đời sống của họ, chất lượng sống của họ, mới thấu hiểu được. Làng tôi là làng Điền Trì. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà hiểu được người dân quê. Ngay như bố mẹ tôi, năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn không chịu rời quê và sống cũng rất khổ, trong khi con cháu đều sống ở thành phố. Nếu chú về nhà tôi chú sẽ quy kết anh em tôi không chu đáo với bố mẹ, để bố mẹ quá khổ cực. Bố mẹ tôi không chịu được thành phố. Bao nhiêu  tiền tôi đưa cho, mẹ tôi cũng gom lại rồi cất đi, rồi tích cóp cho các cháu. Sinh hoạt rất tằn tiện, cứ như thời Chị Dậu, đến độ anh em tôi nhịn không nổi, nhưng rồi các cụ vẫn vậy, chẳng thay đổi được.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Người nông dân có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận
Ngồi vào mâm cơm, cái bát chẳng lành, đũa cũng cọc cạch, cái cong, cái vẹo. Cốc chén sứt sẹo, cóc cáy. Có lần, ông anh tôi mang về những bộ bát đũa rất đẹp của Nhật, quăng tất cả bát đũa cũ ra bụi tre. Ấy vậy mà, chúng tôi đi rồi thì bà cụ lại lọ mọ ra nhặt hết về. Đấy, thế có phải phải khổ không. Được sướng cũng có sướng được đâu. Tôi muốn thuê người giúp việc cho cụ, cụ giãy nảy: “Mày định biến tao thành địa chủ à mà sắm người hầu, rồi người ta lại đấu tố à?”. Những vụ đấu tố địa chủ - mà địa chủ đều là những người cày thuê cuốc mướn nhờ tằn tiện mà có của ăn của để - từ thời nảo thời nào vẫn còn ám ảnh bà cụ. Chú bảo thế có khổ không?
Hình như ông không chỉ nói tới nông dân thuần túy mà còn muốn đề cập đến những vấn đề lớn hơn?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Phải nói thế này, nước ta dù có đổi mới thì đa phần người dân vẫn phải bám vào nông nghiệp. Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Nước ta có tới trên 80% làm nông nghiệp, xuất khẩu gạo trong top thứ hai thế giới, cũng có nghĩa là chúng ta xuất khẩu mồ hôi nước mắt đứng thứ nhì thế giới, chứ không có nghĩa dân ta giàu thứ nhì thế giới. Một tạ thóc bây giờ có được giá lắm cũng chưa tới triệu bạc, mà một vụ mùa thì được mấy tạ chứ?
Nông dân khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá. Đất nước mình đang tiến từ nông nghiệp tới công nghiệp. Đó là xu hướng lành mạnh. Nhưng tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có cả nông dân ở những cấp cao. Có nhiều anh rất trang trọng, hoành tráng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một anh nông dân cóc cáy, quê mùa.
Khi góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, tôi đã nói một ý: “Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kỳ. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người rồi hết nhiệm kỳ thì hạ cánh an toàn, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu”.

"Nói gì thì nói, đời sống của người nông dân phải được đảm bảo"
Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở một làng quê ở tỉnh Nam Định (cùng làng với Nhà thơ Nguyễn Bính). Vì thế, tôi rất thích bài “Hạt gạo làng ta” của ông. Và có lẽ, hai câu thơ “Nước như ai nấu, chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy” cũng đã lột tả hết cái sự chịu đựng đến vô tận của người nông dân rồi… Rồi tới ngày tôi học đại học, cô giáo chủ nhiệm hỏi tôi sau này có ước mơ gì. Tôi trả lời: Ước sẽ làm được một điều gì đó cho người nông dân bớt khổ. Trong tâm thức, cái hình ảnh những người nông dân với đôi chân trần lội ruộng vào những ngày rét buốt tới cắt da cắt thịt khiến tôi bị ám ảnh cho đến tận bây giờ. Vì lẽ đó, tôi mong có thể làm được một điều gì cho họ… Mà nói vui một chút thì nếu không có người nông dân, chắc gì đã có những tác phẩm kinh điển như “Hạt gạo làng ta”…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhìn vào các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn những người này đang bám đồng ruộng. Không thể phủ nhận là hiện nay đời sống nói chung của chúng ta là có khởi sắc, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất. Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ, người cày lại đang mất ruộng. Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái.
Người nông dân thì mất đất, trong khi nhiều đất thu hồi thì lại để bỏ hoang. Bần cùng thì tất biến. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một bài học chua xót. Sẽ còn thê thảm hơn, nếu các nhà quản lý không chịu coi đó là một bài học cần phải rút kinh nghiệm một cách cay đắng. Đã thế, người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ hay trang trại ở quê. Chỉ bỏ ra chừng non tỉ bạc là đã có thể có cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh nhà quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ viết về thảm cảnh này của người nông dân chỉ có bốn câu, mà lần nào nhớ đến, tôi cũng bị ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất/ Táp về thành phố/ Bán mình trong các chợ người/ Định nói một điều/ Nhưng rồi tôi im lặng”.
Cái im lặng của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ. Anh nhà quê ra phố, mang những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nông dân thời nào cũng khổ
Nghe ông nói vậy, tôi chợt nhớ ra, cách đây ít lâu có đọc được một thông tin: Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất châu Á. Thông tin này được công bố bởi một công ty ở nước Anh. Nghiên cứu ấy của họ xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong 178 nước và lãnh thổ. Bảng chỉ số này gồm có sự hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ và dấu ấn môi trường - tức diện tích đất cần có để người dân sống tốt và khả năng tiêu thụ năng lượng. Đọc thông tin ấy, thấy vui vì họ đánh giá cao đời sống của dân ta, nhưng cũng buồn, vì thực chất nó chưa được như vậy...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chỉ riêng nghĩa của hai chữ “hạnh phúc” thôi cũng đã rộng lớn lắm rồi: Người nào đói thì được ăn no đã cảm thấy hạnh phúc; người không có nhà thì cần nơi để ngủ; người lại nghĩ phải nhiều tiền mới sướng, mới là hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều người khác thì đơn giản là họ hài lòng với cuộc sống đang có, không gặp phải những gì bất chắc quá lớn thì là hạnh phúc; đôi khi hạnh phúc chỉ là những cảm giác tưởng chừng rất nhỏ nhoi, đó là được nghe giọng nói của người thân, được chăm sóc người mình thương yêu…
Tuy nhiên, nói gì thì nói, đời sống của người dân (trong đó phần lớn là nông dân) phải được nâng tầm, phải được đảm bảo thì mới có thể tạm yên tâm, chứ chưa thể khẳng định là hạnh phúc. Hạnh phúc làm sao được khi mà còn quá nhiều người nông dân dân chịu cảnh bần hàn; hạnh phúc sao được khi mà còn biết bao em nhỏ đến trường mà không đủ ăn đủ mặc; hạnh phúc sao được khi mà vẫn còn quá nhiều gia đình phải chịu đựng những nỗi đau từ tột cùng từ đâu đó ập đến (như kẻ giết người Lê Văn Luyện đã tiêu diệt cả một gia đình, đem đến nỗi bất an cho cả mấy dòng họ, rồi sự lo lắng cho cả một xã hội sau này)… Vì thế mà những thông tin kia cũng chỉ như một quan điểm cá nhân mà thôi, chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình.
Trước đây, đã khá lâu rồi, tôi có dịp được trò chuyện với một lãnh đạo cao cấp của nước ta, khi ông đi công tác từ Nga, Pháp… về. Ông bảo rằng, đi công tác mới biết dân mình sướng, vì đang đứng trên đỉnh của cái chóp nón. Và lúc đó, tôi có nói vui với ông rằng, điều ấy thì hẳn đúng rồi, nhưng không biết là đỉnh của cái nón úp, hay ngửa (Cười).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhiều năm tháng gắn liền với đời sống nông dân-nông thôn, vì thế mà ông có những góc nhìn khá thú vị về sự việc liên quan tới Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Ông gọi đó là “Chị Dậu, Anh Pha” của thời hiện đại… Trân trọng mời đọc giả đón đọc tiếp cuộc đối thoại của phóng viên với Nhà thơ Trần Đăng Khoa ở kỳ sau.
Ngọc Quang


CHÂN DUNG TRẦN ĐĂNG KHOA

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Tôi có ông anh là giáo viên trường làng, từ khi đứng trên bục giảng, cho tới lúc đã về hưu hàng chục năm rồi, vẫn chỉ đau đáu có một mong muốn là làm thế nào trông thấy nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Trần Đăng Khoa thật, được một lần. Số là ông anh tôi cũng có máu thơ phú vẽ vời, thành thử mới có cái ước muốn được trông thấy thần tượng của mình đến như thế. Khổ, cả đời làm nghề nhà giáo, lại ở sâu tút lút trong một làng quê hẻo lánh, chỉ có sách giáo khoa văn học với lại nghe đài (mà đài là chiếc máy ga-len tự chế), cộng với thứ thông tin chủ yếu là lời đồn, chứ hồi ấy làm gì đã có mấy sách, với lại báo chí, truyền hình. Truyền hình đúng là chưa thể nghĩ tới. Sách truyện văn thơ thì lèo tèo, lúc nào nom ông anh tôi cũng ngơ ngơ ngác ngác vì khao khát thông tin, vì càng chịu khó "săn" tin càng chỉ được nhận những thông tin thất thiệt, đôi khi chỉ do một tay "ếch" ba hoa nào đó ngồi đáy giếng phán chuyện triều đình, nghe sướng tai, đã niềm khao khát, khiến những người thật thà như anh tôi tin sái cổ, thành thử làm sao anh biết được thiên hạ  không chỉ có hai cha con ông ấy, một "cây đa" với một "chú cuội thần đồng" trong làng thơ Việt. Tất nhiên ông anh tôi cũng có biết thêm vài anh tài nữa, chẳng hạn như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính của thời trước, chứ còn các nhà thơ trẻ đương đại thì rõ ràng chỉ có Trần Đăng Khoa là nhất. 

Có lần mấy thầy giáo, bạn anh tôi tới nhà tôi chơi, họ đố nhau, nếu bỗng nhiên được trông thấy, được gặp mặt một vị nhà văn nhà thơ thì chọn ai? Đa số là Tố Hữu, tất nhiên. Cũng có người chẳng biết chọn ai. Riêng anh tôi vẫn kiên quyết thứ nhất là Trần Đăng Khoa, thứ nhì  mới tới Tố Hữu. Thời ấy anh tôi dám đặt Trần Đăng Khoa lên trên Tố Hữu là cả một vấn đề, không gàn dở thì cũng là tay liều mạng dám phạm thượng xếp thứ hạng ngược đời thế! Tiếng đồn ở làng tôi, tất nhiên là trong giới sành điệu văn thơ, có một tin  ngấm ngầm rằng, Trần Đăng Khoa còn dám sửa cả thơ Tố Hữu từ Đường ta rộng thênh thang tám thước thành Đường ta rộng thênh thang ta bước nữa là! Hồi ấy Trần Đăng Khoa mới đâu chín mười tuổi, lại đã được phong thần đồng, được toàn đảng toàn dân  ca ngợi, đài báo tuyên truyền, thơ Trần Đăng Khoa được cánh học sinh cấp hai, cấp ba như tôi (lớn hơn Khoa cỡ chừng tám chín mười tuổi) chép trong sổ tay, anh nào hóng được vài chuyện về thân thế sự nghiệp của "em bé làm thơ Trần Đăng Khoa " coi như là người tài giỏi, là tay đáng nể trọng lắm. Chính ông anh tôi là tay hay có những nguồn thông tin giật gân về Trân Đăng Khoa và Tố Hữu nhất, vì anh là bạn thân với "chú Tỷ" cán bộ phát hành báo chí dưới huyện. Chú Tỷ không những đã nhiều lần được gặp Trần Đăng Khoa với lại cả Tố Hữu mà còn được nghe họ nói chuyện, thậm chí còn "hỏi vặn" họ khi họ hỏi những người nghe xem có ai còn muốn hỏi gì nữa không? Có lần đi họp trên huyện trên tỉnh về, anh tôi khoe: 
- Tao suýt nữa được gặp trưởng ty văn hoá với nhà thơ Tố Hữu, ấy vậy mà lại sểnh toi mất cả mẻ gặp cây đa cây đề trong làng văn, chỉ vì nghe tin Trần Đăng Khoa về thăm thành đoàn Hải Phòng, nên tao và mấy thằng bạn mới bỏ hội nghị đến đấy. Đến đấy mới biết Khoa nó không tới được vì bận tiếp khách nước ngoài, khi trở lại hội nghị thì ông trưởng ty đã lôi Tố Hữu lên Thành ủy rồi!
 Tôi hồi ấy cũng đã mười lăm mười bẩy tuổi, và cũng là tay thích xem sách, hóng chuyện văn thơ, nhưng vẫn còn tồ tẹt ngớ ngẩn lắm, nên mới há mồm ra mà nghe, rồi nói phụ vào, vẻ luyến tiếc thay:
- Thế là "Cháo trứng cũng hỏng, cháo lòng cũng trơ", ai bảo anh "đứng núi nọ trông  núi kia" làm gì?

Cái cú sểnh mẻ cá to ấy, cho mãi tới bây giơ vẫn là nỗi luyến tiếc lớn, không biết đến bao giờ phai mờ được, nếu như không có tôi là thằng em ruột của anh, sau ba mươi năm, bằng chiếc xe con bóng loáng của cơ quan, điệu được Trần Đăng Khoa và Trạng Lựu về nhà cho anh tôi chiêm ngưỡng. Phải mở ngoặc đơn ở chỗ này, vì anh tôi biết tôi cùng cơ quan với Trần Đăng Khoa và Lê Lựu nên lấy làm tự hào lắm, nhiều lần thúc tôi kéo các chú ấy về chơi. Sau tiểu thuyết "Thời xa vắng" Lê Lựu nổi danh như cồn, lại được "cử đi Mỹ thuyết khách", tất nhiên là theo cách nói của anh tôi. Khi Lê Lựu về nhà lại được "cử đi nói chuyện về nước Mỹ" khắp nơi, nhưng ở làng tôi thì chỉ được nghe băng catsete, thuê mỗi tối bảy ngàn đồng. Sau khi nghe cái băng Lê Lựu kể những cuộc đối thoại nảy lửa của anh với các nhà văn, các học giả Mỹ, anh tôi khoái quá nên mới gọi Lê Lựu là Trạng Lựu. Cùng một lúc mà anh không những được trông thấy mà còn được nắm cả tay, cụng cả li, gắp cả thức ăn bỏ vào bát cho Trạng và cho Thần Đồng thì hỏi còn có hạnh phúc nào lớn hơn? Các cụ ta có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh", cấm có sai. Thấy tôi quá suồng sã với Trạng Lựu, anh tôi phải gọi tôi ra sau nhà chỉnh cho một trận. Khi chiều chúng tôi vừa về đến nhà, anh tôi hỏi tôi nên sắm món gì, tôi bảo canh cua đồng nấu với rau đay, mồng tơi, và nếu có thể thêm quả mướp, thêm bát cà pháo muối chua, thêm đĩa tôm kho mặn, Trạng và  chú Khoa đều thích các món ấy. Anh tôi mới đầu không nhất trí, ý anh là phải làm cỗ, phải thịt vài con gà, thậm chí mổ lợn, cho "quân" xuống ao đánh cá, nó mới ra cái thú đón khách trọng tận trên Trung Ương về, mở mày mở mặt với làng với xã. Ấy thế mà tôi lại chỉ đưa ra cái thực đơn mỏng tèo, với những món ăn quê mùa đãi khách sang bậc nhất, thật không xứng với tấm thịnh tình của anh tôi, không xứng với chú Kiểm lái xe oai vệ như võ sĩ cùng chiếc xe con bóng nhoáng của chú đậu ở trước sân nhà. Mà anh tôi, kể cả chị dâu tôi cũng là trí thức, là giáo viên, ba đời chuyên nghề "bảo học", gia đình tôi được gọi là gia đình gia giáo, thậm chí hiện anh còn đang được bà con coi là bậc trưởng lão ở làng, nghĩa là còn trên thằng Hồng em họ tôi giữ chức trưởng thôn, chứ đâu phải chỉ có chân đất mắt toét, như Trạng Lựu vừa mới nói với anh tôi rằng, chính Trạng, chính cả "thằng Khoa, thằng Đỉnh" cũng đều là một lũ nhà quê chân đất mắt toét cả! Chao ôi, phải được xem Lê Lựu với Trần Đăng Khoa về ngồi trong mâm cơm giữa làng quê Bắc Bộ, mới thấy được sức mạnh tiềm tàng của cả hai con người trông bề ngoài ụt ịt, nhem nhuốc mà hoá ra sinh động đến mê mẩn lòng người, kể cả người nhà quê. Anh chị tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi chén xong ba bát canh cua rau đay với lại cà pháo, không ai động đũa đến thịt gà, giò chả, hiến cho gia đình tôi nghe vài ba câu chuyện tầm phào, chưa ai kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì cả Trạng và Thần Đồng, hai nhà trí thức thần tượng của anh của chị, của bao nhiêu công chúng cần lao, lại hồn nhiên nằm lăn  ngay ra chiếu ăn giữa nhà thi nhau ngáy. Anh chị tôi  nhắc các cháu đụng bát, đụng đũa nhè nhẹ, đi lại nhè nhẹ, với một thái độ hết sức cẩn trọng, khiến tôi và chú Kiểm lái xe cứ phải đánh mắt cho nhau cười mủm, rõ ra cái lối "bụt chùa nhà không thiêng" thật...

*  
Từ ngày quen biết Trần Đăng Khoa tới nay, dễ có đến suýt soát hai chục năm rồi. Suýt soát hai chục năm ấy, kể cả lúc ở bên "Tây Nga" lẫn khi trở  về Hà Nội, Sài Gòn, về miền Trung, lên Tây Nguyên vào làng đồng bào dân tộc, rồi lẩn thẩn trong luỹ tre của làng quê Bắc bộ, lúc nào tôi cũng thấy anh "đánh" bộ quân phục không quân hàm quân hiệu, nhàu nhàu, âm ẩm, mông mốc, chừng như suốt mấy chục năm qua nó không được giặt, nó không được là ủi, nó vẫn rùng rục cũ kỹ đậm đà bản sắc mồ hôi dầu như chính ông chủ có vóc dáng khoai tây của nó. Luôn luôn có ý thức về sự nổi tiếng của mình, nhưng Trần Đăng Khoa quyết không phải hạng người lập dị về phương diện trang phục. Trang phục đối với anh chỉ là một thứ vải tiện thể khoác lên người, che lấp đi cái phần cần che lấp. Ấy thế mà trong tủ áo của anh, (tất nhiên là hồi chưa vợ) tôi thấy có đến ba bộ comple, loại may đo đắt tiền hẳn hoi, của đáng tội, thỉnh thoảng Trần Đăng Khoa cũng có diện cái món này, nhưng nhìn anh trong cái món ấy nó mới khôi hài làm sao: Một củ khoai tây đóng vai con ốc bươu chính hiệu! Chơi với Trần Đăng Khoa mãi mà vẫn chẳng bao giờ lường được trong cái đâu hói sớm kia đang có những toan tính láu cá nào. Anh luôn luôn là một thằng bạn láu cá. Nhờ anh việc gì là anh sốt sắng nhận lời, nhưng cái việc ấy nhất định không bao giờ có trong đầu anh ngay sau khi lời hứa như đinh đóng cột, cái bắt tay như sẵn sàng sẻ nửa cơ ngơi, và nếu ta nhắc thêm lần nũa, y như rằng được nghe anh "tung ra" một câu thề độc, rất độc, cho kẻ sai lời hứa. Rồi anh quay lưng, nhìn theo tấm lưng âm ẩm mồ hôi quân phục vì dầy cơ bắp quá mà không cung cấp đủ chiều dài để nó có thể cong cong xuống một chút, đang cắm cúi đi kia, đâu có biết là mình sẽ hố với hắn, nếu cứ đinh ninh rằng công chuyện mà hắn nhận giúp ta rồi sẽ tốt đẹp. Ta chợt thấy lòng ta dâng lên một tình cảm buồn thương, một nỗi buồn thương xa vắng chẳng thể nào cắt nghĩa được. Anh  không có thói quen phải ngượng ngùng khi có ai đó trách anh vì thất hứa. Sự thất hứa thường xuyên và lỗi hẹn thường xuyên không làm giảm uy tín của Trần Đăng Khoa đối với bạn bè. Bởi vì bạn bè, ai đã chơi với hắn thì đều phải coi chuyện đó là chuyện vặt, chuyện của thằng Cuội ngồi gốc cây... thơ, một cây thơ được ăn thứ nước giếng thơi của nền văn hoá xa xưa làng xã Việt. Một thứ thơ như ca dao, hò vè dân dã. Một thứ thơ được bắt nguồn từ câu chuyện kể: 

Em thường rải cái nong
Ra gữa sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya


Câu chuyện về ông trăng nôm na là thế này: Đêm nay đêm rằm, ai treo ông trăng cao thế, ông nhìn chúng em và ông khoe ông có cái mặt tròn. Đấy, một em bé tám tuổi bình thường, (tất nhiên phải sinh ra và lớn lên ở thôn quê Bắc bộ) thì cũng có thể kể được như thế. Nhưng đến ba khổ sau, khi vượt ra khỏi khuôn khổ của câu chuyện kể thì không phải chú bé nào cũng tả được. Đúng là tả:

Dưới sân em trông trăng
Có quả thị thơm lừng
Nải chuối tiêu thơm mát
Ông trăng nhìn thấy xôi
Là ông nhoẻn miệng cười
Áng chừng ông thích lắm
 
Nhưng đến cái câu cuối của khổ này thì không còn là tả nữa, mà đó là cái nhìn, hay nói đúng hơn, cái cảm của thi sĩ. Ta không thể tin một chú bé tám tuổi mà lại có thể thốt lên, tưởng là bình thường, nhưng vì nó được dẫn dụ từ kể sang tả để rồi đưa ta tới cái cảm khác thường :
Trăng nở vàng như xôi

Xin bạn cứ đọc lại từ đầu toàn bộ khổ thơ, bạn sẽ thấy cái câu cuối ấy nó có ý nghĩa xuất thần, vượt ra khỏi câu chuyện được em bé khéo tả thế nào. Ở khổ ba, khổ bốn cũng tương tự như vậy.
Tôi không có ý định làm cái việc phân tích thơ Trần Đăng Khoa, nhưng khổ nỗi, động đến anh ta tức là động đến thơ, nhất là thơ thời thơ ấu của anh. Nó vừa nôm na, trẻ con lại vừa được em khéo kể, khéo tả, khiến cái việc ấy, cái cảnh ấy ta chẳng lạ gì, vậy mà rồi ta lại cứ thấy lạ lùng thay cái cậu bé này...

Mưa
Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Du dưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Mưa
Mưa
ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp...
Rơi Rơi...
Đất trời mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa...

                 l967

Tôi cố tình chép hết bài thơ này ra đây để minh chứng cho nhận xét của mình rằng thơ thời thơ ấu của Trần Đăng Khoa bao giờ cũng bắt đầu bằng câu chuyện kể, rồi tả, rồi bỗng dưng xuất thần. Năng lực tả cảnh thôn quê của Trần Đăng Khoa qua bài "Mưa" thần kỳ này không có gì đặc biệt, mà sao nó cứ luẩn quẩn với ta, mới mãi với ta, đọc lên sao nó cứ xối thẳng vào cảm xúc của ta, ký ức của ta, tạo nên trong ta một bức tranh quê truyền thống, một bức tranh quê đặc sệt quê mùa mà sao vẫn thanh cao, huyền diệu. "Đánh Thần Hạn" cũng là một bài đặc sắc chất phóng túng của thơ Trần Đăng Khoa. Tôi không đánh giá cao những bài lục bát thời ấy của anh. Thơ lục bát thời thơ ấu của Trần Đăng Khoa bộc lộ một lối tư duy dễ dãi bình dân thôn dã, gần với ca dao, gần với lời cho các làn điệu chèo hơn là thơ:
 Tay em cầm một cành đào
Ngày mồng một tết chúng em vào thăm anh
Các anh ở giữa đồng xanh
Giơ tay ra đón, các anh cũng cười
 Cành đào em tặng rất tươi
Thấy các anh khoẻ,  các anh cười, em yêu
  

Ngay cả bài "Đêm Côn Sơn", một bài được nhiều nhà bình luận đánh giá cao, thì theo tôi đọc lên vẫn bị chất ca dao hò vè lấn át, mặc dù có cái câu rất độc: "Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". Quả  thật, tôi thấy cái câu ấy vẫn không đủ sức dắt nổi toàn bài ra khỏi miền ca dao thôn dã. Thơ lục bát đã làm nhiều nhà thơ lẫy lừng của ta sa lầy vào cõi trần tục nôm na của ca dao hò vè, nó là cái bẫy, là bãi chiến trường thử lửa đối với tài năng. Vượt qua cái hơi hướng của ca dao hò vè để đến được với cõi thiêng của nó thật gian lao khổ luyện, luyện đến khi không còn thấy cái sự luyện ấy nữa, mới thành thơ được. Thật tình tôi chỉ thấy có nhà thơ Huy Cận (thời "Lửa Thiêng") là người đến được với nó một cách tự do, thoải mái . Nhưng cũng chính Huy Cận là người sa lầy một cách thảm hại  không tài nào hiểu được ở những bài sau này.
Ta Ka Nô! Ta Ka Nô!
Anh đi chụp ảnh quân thù bắn anh
Anh là cờ đỏ long lanh
Anh là ánh sáng trong lành nên chi
Kẻ thù nó bắn anh khi 
Tay câm máy ảnh đang ghi nắng chiều.
Quả tình, đọc xong ta không còn lời nào để bình thêm được nữa!


           *
Thằng Cuội trong dân gian không phải là thằng Cuội xấu, mặc dù chú ta cũng mắc đủ thứ tội nợ, cái tội nợ to nhất vẫn là thói cuội, thói đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Hình tượng thằng Cuội là điển hình của anh nông dân láu vặt nhưng chẳng bao giờ làm nên tội danh, có khó chịu, có ghét anh ta thì cũng thế, cũng chỉ gây nên  nỗi bất bình trong chốc lát, rồi thôi, rồi đâu lại hoàn đấy, thành thử Cuội vẫn hoàn Cuội và ta lại không thể rút kinh nghiệm được, lần sau lại tin hắn, lại bị mắc lỡm bởi cái lối thật thà bằng cha mách qué của hắn. Tóm lại giận thì giận, mà thương càng thương. Hình như trong cuộc sống dân gian của người Việt cư trú ở châu thổ sông Hồng không thể thiếu được sự hiện diện của thằng Cuội. Không có Cuội thì buồn mà có Cuội thì nhiều khi cuộc sống bị đảo lộn. đến sôi máu, cáu tiết, giận điên lên được. Ấy vậy mà "Cuội Khoa" đây còn được lên thành phố, được ra cả nước ngoài tham quan, học hỏi, điều tốt Cuội học được nhiều, nhưng cái chất cuội trong con người anh ta không cách gì gột rửa được, nhiều khi thấy nó đậm nhạt khác nhau, nhưng cái cốt lõi của nó thì như các cụ nói, nó đã thành tật. Làm cái gì mà không cuội một tí là y như rằng nó cứ bứt rứt trong lòng. Hề hề, cuội cuội làm cho cuộc sống tươi lên, nhưng nếu quá đi thì nó lại thành ra thói tật.Cái giận của bạn bè đối với Trần Đăng Khoa chính là cái giận ấy. Một biên tập viên ở một tòa báo chưa có kinh nghiệm chơi với Trần Đăng Khoa, sau khi đặt được anh viết cho bài "làm cái đinh"  cho số báo về khoe với Tổng biên tập và cả cơ quan, đến ngày ấy là "Khoa đã hứa là đem đến tận nơi ". Có người khuyên anh ta là nếu đã đặt thì phải thúc, phải bám chặt lấy hắn như bà Định bám "thắt lưng địch", may ra mới lấy được bài. Mà chắc chắn là bài hay, bài làm cái "đinh" được. Anh bạn phóng viên nọ tin vào lời hứa, tin vào cái bắt tay "sẻ nửa cơ ngơi" của Trần Đăng Khoa, tin vào câu thề độc "làm chó ăn cứt cho con ông nếu tôi sai hẹn" nên đến ngày giờ hen, cứ đi ra đi vào hóng đợi. Mãi không thấy Trần Đăng Khoa đến. Anh ra quán giải khát trước cơ quan chờ cho bớt căng thẳng. Chờ hàng tiếng nữa vẫn không thấy. Một chú bé bán báo đi ngang qua, tiếng rao: "Alô! Báo mới đây! Có tin mới Trần Đăng Khoa đối thoại với lão Chộp, người bắt sống  viên đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đây!" khiến anh chồm tới níu vai chú bé bán báo lại, ấn tiền vào tay chú, giật lấy tờ An Ninh Thế Giới, miệng lẩm bẩm:  "Thằng đểu! Thằng mất dạy! Nó đã hứa, đã thề với mình...".

Té ra sự thể là thế này: Hai ba hôm trước gì đó, Trần Đăng Khoa đã viết xong bài cho anh bạn phóng viên nọ, theo yêu cầu hẳn hoi. Trên đường đem bài đến đưa trước hẹn, tình cờ gặp Hữu Ước dọc đường, Hữu Ước hỏi có gì mới đưa đây đăng ngay. Khoa ta quên phắt lời thề với anh phóng viên nọ, thò tay trong túi, móc luôn cái bài lẽ ra đem nộp kia, đưa cho Hữu Ước. Hữu Ước phải hỏi lại một câu đại loại thế này: "Ê Cuội, bài này chưa in đâu thật chứ?" - "Chưa. Tôi thề với ông.". Thề bồi của Cuội là cái đinh! Nhưng với tính nhanh nhạy của nghề làm báo, lại thuộc tính bạn nên Hữu Ước đem về đọc ngay, cho in ngay. Anh bạn phóng viên kia đành phải "trám" bài khác vào cái trang dành cho lão Chộp bị chộp hụt! Còn Trần Đăng Khoa thì vẫn coi đó là chuyện bình thường, chuyện đơn giản. Đúng là "đơn giản tôi là Trần Đăng Khoa",  vậy thôi.

           *
Có ba người trong đoạn đời làm thơ thời niên thiếu  của Trần Đăng Khoa tạo nên ảnh hưởng trực tiếp đến thi pháp của em. (Tôi gọi "em" đây là em Khoa thời bấy giờ). Và cả của anh, nhà thơ Trần Đăng Khoa bây giờ. Đó là mẹ, gồm cả quê hương với góc sân và khoảng trời nhà em. Đó là Xuân Diệu thi sĩ và bạn bè văn thơ. Người thứ ba, ấy là Tố Hữu. Tố Hữu vừa là nhà thơ vừa là nhà chính trị, nhà quản lý văn nghệ.

Có thể nói tập thơ xuất sắc nhất của Trần Đăng Khoa cho tới bây giờ, vẫn là tập "Góc sân và khoảng trời". Sau này anh tập hợp tất cả thơ  thời niên thiếu lại thành tập "Thơ tuổi ấu thơ". Nó được làm ra hồn nhiên trong một không gian cực kỳ lành mạnh và trong trẻo. Chỉ có góc sân và khoảng trời quê hương, và mẹ, hay nói chính xác hơn là chỉ có trong vòng tay của mẹ hiền, tài năng của chú bé ấy mới phát lộ một cách tự nhiên như lúa như khoai trên đồng đất quê nhà những mùa vụ bội thu. Nó chính là vẻ đẹp dân giã vừa rất đơn giản lại vừa huyền diệu.
Con bướm vàng
Con bướm vàng
Bay nhẹ nhàng
Bên bờ cỏ
Em thích quá
Em đuổi theo
Con bướm vàng
nó vỗ cánh
Vút lên cao
Em nhìn theo
Con bướm vàng
Con bướm vàng...
 

Chẳng có gì nhiều, ngoài một em bé và con bướm vàng, bên bờ cỏ, không nhắc gì tới cánh đồng nhưng sao ta cứ thấy một cánh đồng ngát hương hoa. Không thể đơn giản hơn và cũng không thể huyền diệu hơn khi tuổi thơ của ta được đầm mình trong hoa thơm cỏ lạ nơi đồng nội quê mình.
Thơ tuổi thơ của Trần Đăng Khoa ngộ nghĩnh, cái ngộ nghĩnh mang bản sắc của những bài hát đồng dao:
Đã ngủ rồi hả trầu?
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ...


            Hay:
Đoàn người bước lên lưng Cua
Tay cầm cào cỏ
Răng bừa
Chiêng dồn, trống thúc
áo quần rách bươm
Phấp phới
Người trẻ đứng trên
Người già đứng dưới
Bạn nhỏ đứng giữa đôi càng

...
Rồi :
Hay nói ầm ĩ
Là con vịt bầu
Hay hỏi đâu đâu
Là con chó vện....


 Và đây nữa:
Ò...ó...o...
Ò...ó...o...
Tiếng gà
Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt
Tròn xoe
...

Và nữa:
-Than ơi!
Bạn từ đâu ra
Mà bạn đen thế?
-Tôi từ đáy bể
Mắt tôi có ngọc trai

...
Sự trưởng thành trong mỗi câu thơ, trong mỗi bài thơ, kể cả ý tưởng lẫn cấu tứ, sáng dần lên, chững chạc dần lên, vừa giữ được bản năng gốc chân quê hồn nhiên trong sáng, lại vừa lịch lãm diệu nghệ. Đó là một bước tiến mới vô cùng quan trọng, bởi tự nó khẳng định được chân tài và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn, ấy là những bài thơ sau khi em Khoa đã tiếp xúc với văn đàn mà người dẫn dắt đáng yêu nhất, đáng trân trọng nhất phải kể đến Xuân Diệu. Xuân Diệu như là người mở cổng cho Trần Đăng Khoa bước vào Ngôi Nhà Thơ. Hơn thế, ông là hướng dẫn viên du lịch, dẫn chú bé nhà quê tới Tao Đàn và giới thiệu chú với văn nhân thi sĩ, đồng thời giới thiệu họ cho chú biết thế nào là Vườn Thơ, thế nào là Rừng Thơ, thế nào là Người Thơ...

Thơ Trần Đăng Khoa ở thời điểm này trở nên thơ hơn, không còn phải kể lể, không còn phải tả cảnh tả người mà vẫn chở được cái tình quê, cái hồn quê vốn dĩ rất gần với thơ, nhưng nếu không có những cuộc tiếp xúc mới mẻ với các bậc trưởng lão trong làng Thơ làng Văn, hẳn chú bé Khoa vẫn chỉ là chú bé Em kể chuyện này mà thôi.
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy

...
Đúng như sự vận động thông thường của cuộc sống. Những cuộc tiếp xúc không bao giờ dừng lại nếu như sự phát triển của thơ Trần Đăng Khoa không muốn dừng lại. Hay nói đúng hơn, Trần Đăng Khoa từ tấm bé, vừa mới phát lộ tài năng là đã chìm ngập trong một không gian lộng lẫy bởi những cuộc tiếp xúc đầy hào quang cộng thêm âm vang của tiếng đồn và sự truyền tụng. Chú bé không đủ sức chống đỡ, nhưng bằng bản năng dân giã, bằng tiềm tàng của sức mạnh hồn nhiên mà nền văn hoá làng xã đã cho phép em sống chung với bão lũ, tự mình bươn chải với tiếng tăm của mình! Nếu ví sự ảnh hưởng của Xuân Diệu đối với Trần Đăng Khoa như vẻ đẹp thuần khiết của hương hoa đồng nội gặp sự chăm chút, tỉa tót của nhà nghệ nhân khi cắm hoa và cả khi đặt hoa trong bối cảnh chung của ngôi nhà nghệ thuật thì sụ ảnh hưởng của Tố Hữu lại có một vị thế vô cùng trọng đại. Bản thân thơ của Tố Hữu và ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần của toàn Đảng, toàn dân thời ấy có một sức mạnh bao trùm.
Không phải ngẫu nhiên chú bé làm bài "Hạt gạo làng ta" lại đề kính tặng chú Xuân Diệu . Bài "Nửa đêm tỉnh giấc"  đề kính tặng chú Huy Cận.  Còn bài "Ò ó o..." thì kính tặng chú Tô Hoài. Chỉ riêng Tố Hữu là Trần Đăng Khoa lấy luôn đầu đề bài thơ một cách trang trọng là "Kính tặng chú Tố Hữu" 
...
Bây chừ đất nước trong tay
"Dẫu chưa toàn vẹn đã bay cờ hồng"
Chú ngồi dặn cháu trong phòng
Ôi lòng chú cũng như lòng mẹ cha

...
Thơ Tố Hữu và cái bóng của ông đã trùm phủ lên chú bé và tài năng thơ mới phát lộ của chú. Cho mãi tới tận bây giờ, Trần Đăng Khoa đã nhiều phen vẫy vùng để vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng, nhưng có lẽ cũng phải tới những năm gần đây điều ấy mới diễn ra ở tập thơ "Bên cửa sổ máy bay"(l985). Chứ còn trước đó anh vẫn chưa thoát ra khỏi tần sóng quá mạnh với lực hút chừng như không lúc nào giảm sút của ông. Đây, bài thơ hồi Trần Đăng Khoa làm năm 1969 với tựa đề "Đất trời sáng lắm hôm nay"
 Bác ơi! Cháu đến đây rồi
Ba Đình phượng đỏ một trời tiếng ve
Cháu nghe Hà Nội vào hè
Hồ Gươm nước biếc, bốn bề hoa tươi
Sang năm Bác tám mươi rồi
Bác ơi! Bác thấy trong người khoẻ không?

...
Nếu Trần Đăng Khoa sinh năm l956 thì năm làm bài thơ này anh 13 tuổi. Còn nếu anh sinh năm 1958 thì mới mười một tuổi. Một chú bé mười một, mười ba tuổi viết bài thơ về lãnh tụ ...tràn ngập âm hưởng Tố Hữu.
Và:
 Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời
Là Tổ Quốc đang một còn, một mất... 


            *
Tôi đã từng nhiều lần không tin cái anh bạn đang ngồi nói chuyện với mình đây lại là do chú bé làm thơ Trần Đăng Khoa lớn lên mà thành. Những bài thơ ấy với con người này sao chẳng thấy tương xứng với nhau chút nào. Bản thân sự tương xứng ấy không liên can gì tới hình thức nhan sắc bề ngoài, nhưng ít ra nó cũng có liên can. Tôi ngờ rằng sau khi làm được một mớ thơ, nói theo cách nói của người nhà quê, thấy con mình nổi tiếng quá khiến bà mẹ lo lắng. Cái cách lo lắng đề phòng của người nhà quê cũng dân giã, bình thường, ấy là lo người ta lấy mất con mình, nên đem nó dấu vào trong bồ thóc như dấu củ khoai củ ráy. Sự thể không đơn giản thế bởi đất nước có chiến tranh. Gà mái mất con vì bom đạn thù, nó còn điên dại lồng lên đi tìm, như trong một bài thơ khá hay của Trần Đăng Khoa đã kể, huống chi bà mẹ đẻ ra được chú hài nhi người ta gọi là Thần Đồng! Khiếp lắm! Thôi thì dấu trong rương trong hòm không xong đành phải bày trò đánh tráo. Thằng anh con bác Cả hơn thằng em hai tuổi vốn tính cũng láu lỉnh thông minh, lại muốn bay nhảy nên cho nó thế vào chân em , vừa được tiếng vừa được miếng, lại giữ được con, lại lo được cho cháu! Thế là nghị quyết gia đình được đưa ra bàn bạc giữa hai nhà. Hai nhà nhất trí. Cái anh chàng Trần Đăng Khoa sinh năm 1956 chính là Trần Đăng Khoa bây giờ. Còn em bé làm thơ Trần Đăng Khoa hồi ấy (sinh năm l958) đã thành ông nội, ông ngoại, con đàn cháu đống ở làng. Từ ngày có người anh ra đi thay cho mình, "Khoa thật" trở nên buồn bã không thơ phú văn chương nữa. (Tất nhiên anh ta phải mang cái tên của ông anh họ). Còn "Khoa anh" thì lại cứ tưởng mình là thiên tài, là Trần Đăng Khoa thật, thành thử suốt ngày lo trau dồi văn thơ, chữ nghĩa, té ra anh ta cũng là tay có khiếu, sáng tác được khá nhiều thơ hay, được bộ đội cho đi học sĩ quan rồi cho đi vào thực tế đời sống, làm cán bộ ở Hải Quân, rồi lại đi học trường viết văn Nguyễn Du, hết Nguyễn Du tiếp tục sang Liên Xô học trường viết văn lớn nhất thế giới, ngôi trường mang tên văn hào Gooc-Ky... Sau bẩy năm du học ra trường về nước, đã có cơ quan văn học lớn nhất trong quân đội chờ sẵn để tiếp nhận.

Tôi đã đem câu chuyện "Cuội"này của tôi ra kể cho Trần Đăng Khoa nghe, nghe thấy có lý nên anh ta mới ậm ờ cho qua. Kết quả bao nhiêu năm đảng và quân đội chăm lo cho nhân tài, quả được anh đền đáp không đến nỗi nào, bằng những tập thơ tập văn sau này, với những bài thơ những câu chuyện về lính đảo và đặc biệt tập sách "Chân dung và đối thoại" của anh gần đây được những người hâm mộ cổ vũ nhiệt liệt, và cả những người không đồng ý với anh tranh cãi kịch liệt. Cái kịch liệt ấy tạo nên một không khí mới cho văn đàn tẻ nhạt nhiều năm qua. Mà thực chất bản thân những điều khiến nhiều người tranh cãi kịch liệt ấy cũng  chỉ xoay quanh mấy trò xiếc của anh chàng Cuội ngồi gốc cây... thơ, được Trần Đăng Khoa dựng lên. Âu đó cũng là một sự đóng góp rất đáng kể cho đời sống văn nghệ vậy. 
                                                     
Tháng 9 năm 2000

No comments:

Post a Comment