Đọc "Muốn hay không muốn " của Nguyễn Thị Từ Huy từ mấy ngày nay trên Văn hóa Nghệ An. Muốn viết mấy dòng nhưng không thể dứt ra khỏi cuộc đấu trí lực Cống Rộc giữa Công luận và chính quyền Tiên Lãng-Hải phòng. Đoàn Văn Vươn thật xứng là bậc Đại-Trượng-Phu, như câu "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu". Từ Huy theo dõi vụ Tiên Lãng, nhưng tâm trí chị bị choán hết bởi hiện tình thê thảm của cái giới được gọi là trí thức, mà đáng lẽ với đạo đức truyền thống phải "Sĩ khả sát, bất khả nhục". Từ Huy nhìn thấy cái nguồn gốc bạc nhược "bần cùng hóa tinh thần" từ chính sách bần cùng hóa vật chất đang đẩy các nhà giáo vào thế "đói đầu gối phải bò", lụy cơm áo gạo tiền rồi dần phong hóa, và cả tha hóa-biến chất.
"Sự (tự) bần cùng hóa về tinh thần, về đời sống trí tuệ đã khiến cho đa phần giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay mất dần các phẩm chất tư duy, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính !" (Nguyễn Thị Từ Huy, vanhoanghean.com, 2012)Rồi chị nhấn mạnh:
"Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta nhận ra rằng thực ra trong mỗi người đều có một nguồn năng lượng rất lớn. Cần phải để cho nguồn năng lượng đó được giải phóng để biến thành sức mạnh; giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những định kiến, khỏi sự ràng buộc và hạn hẹp trong nhận thức."
Ảnh: http://cafehocthuat.blogspot.com |
Mong muốn của chị có duy ý chí quá không, vì một khi đã mất nhân phẩm trí thức- mà chị gọi là bản lĩnh văn hóa, ý thức về đúng-sai và đạo đức công dân- thì những con người đó chỉ còn là những sinh vật kinh tế hoặc chính trị hoặc cả hai trong một! Một bộ phận chấp nhận an phận, hy sinh lý tưởng để cứu lấy gia đình và tương lai con cái trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những người còn ít nhiều tự trọng. Một bộ phận trở thành những kẻ tội đồ đang đục nước béo cò, chúng chỉ hoạt động bởi động lực Lợi ích và để đạt được mục tiêu chúng làm mọi chuyện, phản bạn, lừa thầy, thâm chí bán nước, đục khoét nhân dân.
Không chỉ viết giãi bày tư tưởng, Nguyễn Thị Từ Huy những năm qua là một người thầy dấn thân đầy bản năng, một Nhà truyền Đạo. Tư tưởng của chị tỏa sáng qua nhiều trang viết của chị và các học trò của chị. Chị không chỉ muốn dạy cho học trò những kiến thức, chị muốn các em tư duy, nâng niu nuôi dưỡng những mầm xanh trí tuệ, truyền cho những học trò mình những niềm tin vào cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ của trí tuệ con người, chị muốn xã hội nhận biết, bảo vệ và sử dụng sức mạnh trí tuệ. Chị viết trong "Thầy - trò. Máu của trò quí giá hơn máu của ta":
"Thầy không chỉ truyền dạy cho trò, mà còn đánh giá được các giá trị của trò. Khi cần thầy sẵn sàng thừa nhận sự vượt trội của trò, giúp trò ý thức được vai trò và các năng lực của mình. Và có những lúc thầy phải hy sinh để bảo vệ trò, nếu điều đó là cần thiết cho tương lai chung của cả cộng đồng." (Nguyễn Thị Từ Huy, Cafehocthuat.blogspot.com, 12/11/2011)
Ngọn đuốc trí tuệ Nguyễn Thị Từ Huy đang cô đơn, lẻ loi trong màu xám xịt của môi trường trí tuệ Việt Nam hiện tại. Những tia sáng phát ra từ ngọn đuốc ấy- thay vì được phản chiếu, tán xạ, được cộng hưởng, được nhân lên tạo nên sức mạnh thay đổi lớn lao đẩy nhanh nhịp độ phát triển dân tộc- thì nó lại đang như một tiếng vọng lạc điệu, chìm nghỉm trong ngổn ngang hỗn tạp của một thời thời loạn lạc. Những loạn lạc mà chị nhìn thấy thật sâu sắc ở chính sự phủ nhận sức mạnh trí tuệ, sự coi thường những giá trị nhân cách, tư tưởng và sáng tạo cá nhân. Nỗ lực của chị, sẽ không ngoa khi nhắc lại những mong muốn của Phan Chu Trinh về "Đạo đức và luân lý Đông-Tây", là đem những mầm tốt tươi của đạo đức phương tây mà cấy vào cây văn hóa Việt Nam.
Đáng buồn nhưng sự thật là dù có truyền thống hiếu học, học cho hết "chữ thánh hiền", chứ dân tộc mình đâu có truyền thống tư duy sáng tạo? Ngược lại chúng ta có truyền thống lấy hết quyền dân tập trung trong tay những kẻ thống trị. Vì thế chúng ta vẫn đang thua phương Tây cả một thời đại. Nhận thức ấy hơn 100 năm trước Phan Chu Trinh đã thấy. Nhưng dân tộc đã chưa nhìn thấy! Rồi thời cuộc đẩy đưa vào cái vực thẳm thời đại với mấy chục năm bị cuốn vùi vào những cuộc chiến cùng với cái vòng kim cô "đào tận gốc trốc tận rễ" cả những tri thức khách quan lẫn tư duy độc lập.
Một sự thật là chưa bao giờ tình thế đối với kẻ có học bi đát như thời này. Thời phong kiến khi cái hiện thực trái ngược với cái đạo mình nuôi dưỡng, kẻ sỹ có thể từ quan về làng làm thầy dạy học hoặc khai thác ruộng đất tài sản gia đình, ông cha để lại, hay lên chốn non xanh núi đỏ như Chu An bỏ quê Thanh liệt mà sang núi Chí Linh mở trường dạy học, lánh đời gìn giữ lòng mình trong sạch và truyền Đạo cho đời sau qua bao thế hệ học trò. Thời bao cấp mấy chục năm qua nếu bất mãn với đời, kẻ sỹ đi đâu khi ruộng đất cũng như mọi tư liệu sản xuất khác đã bị công hữu? Những tấm gương Nhân văn-Giai phẩm còn đó! Cuộc đời Nguyên Hồng và Nguyễn Hữu Loan khảng khái bỏ chốn thị thành mà về làm nông dân còn đó!
Hơn 20 chục năm nay vì đói mà phải rụt rè vượt cái "vòng" cuồng tín để đổi mới. Mà cũng chỉ dám đổi mới kinh tế để cứu cái sự tồn tại sinh vật, mà cũng chỉ nửa chừng vì một mặt công nhận tư hữu tài sản vật chất nhưng còn giữ ruộng đất lại làm của chung (chỉ có Vua Quan mới có quyền) nên mới xẩy ra hàng ngàn, vạn vụ như anh Vươn- Cống Rộc suốt hơn 20 năm qua oan khuất vì lũ cường hào ác bá mới và cố giữ lại những tập đoàn kinh tế nhà nước nên mới có Vinashin, Vinacoal, ...làm mồi ngon cho lũ biến chất tham nhũng. Đổi mới tư duy, giải phóng sức mạnh tinh thần Việt- mà muốn thế trước hết phải công nhận con người được sở hữu Nhân phẩm, được tự do tư tưởng- cho đến nay vẫn chưa có. Vì thế mà người ta không tư duy logic. Vì thế mà có một rừng luật nhưng người ta hành xử bằng luật rừng. Vì thế mà năng lượng sáng tạo Việt Nam chưa được khơi dòng và Việt Nam phải phát triển kinh tế chỉ bằng lao động cơ bắp rẻ mạt và bán tài nguyên đất nước. Nếu 20 năm trước người ta sợ chệnh hướng cuồng tín thì ngày nay chỉ đơn thuần là sợ mất quyền lực. Sự thật người ta sợ các bộ óc mạnh, đủ trí tuệ tư duy giải quyết những vấn đề thời đại của dân tộc. Người ta dùng những kẻ kém năng lực, dễ sai bảo, làm nên đại dịch nhân tai khắp mọi lĩnh vực, mà nhìn vào hiện trạng quản lý kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... đâu cũng thấy đầy rẫy. Tất cả đang như Từ Huy nói:
Trong thực tế, nhiều bộ óc mạnh, nhiều trí tuệ mạnh đã chỉ được sử dụng để giải quyết những việc rất nhỏ nhặt, đôi khi buộc phải dùng chỉ để giải quyết vấn đề mưu sinh cá nhân mà thôi. Lúc ấy không những sức mạnh của những bộ óc đó suy giảm, mà sự suy thoái sức mạnh của các bộ óc đó sẽ kéo theo sự suy thoái sức mạnh của cả cộng đồng.(Nguyễn Thị Từ Huy, Cafehocthuat.blogspot.com, 12/11/2011)
Chỉ biết thương cho dân tộc. Một sự nhìn nhận giá trị Nhân phẩm, giải phóng Trí tuệ, sẽ phải đến. Nhưng thời gian chẳng đợi ai. Một dân tộc không biết bảo vệ và sử dụng trí tuệ của mình thì dân tộc ấy mãi chỉ là "trâu chậm uống nước đục" và sẽ chỉ mãi là nô lệ của thiên hạ. Còn Từ Huy thì phải ra đi, ít nhất thì cũng để cứu lấy trí tuệ của mình khỏi bị phong hóa ...
http://vanhoanghean.vn/van-hoa-va-doi-song/cuoc-song-quanh-ta/4021-muon-hay-khong-muon.html
Muốn hay không muốn
Nguyễn Thị Từ Huy
Ở Việt Nam hiện nay, ta thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần cùng hóa. Mà cả giới lao động trí óc cũng bị bần cùng hóa.
Trong khi mà trong xã hội hiện thời có những nghề cho phép một số người lao động hưởng lương lên đến cả trăm triệu đồng một tháng, thì lương khởi điểm của giáo viên nói chung chưa đến hai triệu, lương khởi điểm của giảng viên đại học trên hai triệu một chút. Lương của các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu còn thấp hơn, vì dù sao ngạch giảng dạy còn được cộng thêm một số phần trăm đứng lớp. Với giá cả hiện tại, mức lương đó không thể đảm bảo cho các sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của những người lao động trí óc, nhất là ở các thành phố lớn. Một chế độ lương như vậy là một chế độ lương mang tính chất bần cùng hóa. Người lao động trí óc bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Nghịch lý ở đại học (và các trường học nói chung) là sau khi mất nhiều năm học hành, cố gắng để đạt kết quả xuất sắc, người giảng viên được giữ lại trường giảng dạy, thì nỗi lo lắng bận tâm của họ không phải là trau dồi kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, mà là làm gì để sống. Vậy đấy, đi làm rồi, có được một nghề rồi, một nghề được xem là cao quý hẳn hoi, nhưng lại phải khốn khổ loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi : « làm gì để sống ? »[1]
Điều nguy hại đáng nói ở đây là : người lao động trí óc bị bần cùng hóa bởi chế độ lương phải lao vào các hoạt động kiếm sống, và sau một thời gian thì họ khó có thể giữ được các hoạt động trí óc, mặc dù lao động của họ vẫn được xếp vào loại lao động trí óc, ví dụ như nghề nghiên cứu hay đi dạy. Thực tế cho thấy là có một số giảng viên ở bậc đại học đi dạy rất nhiều nhưng để nói là họ có hoạt động trí óc thì rất khó, bằng chứng là họ không có công bố hoặc nếu có thì đó là những bài viết mà chất lượng khoa học thấp, ít hàm lượng tri thức và phát kiến, ít hàm lượng tư duy. Bài giảng của họ chỉ là tổng hợp lại kiến thức của người khác, đã thế nhưng kiến thức cũng không được thường xuyên cập nhật, bài giảng của họ có thể được soạn một lần để giảng trong nhiều năm và giảng ở nhiều nơi.
Một nghịch lý khác mà giới trí thức ở các nước phát triển rất khó có thể hình dung, nhưng đang là thực tế của xã hội chúng ta: giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị / tự bần cùng hóa cả về đời sống tinh thần. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến : những người, về nguyên tắc, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Không hiếm những lời phàn nàn kiểu như : giới văn chương gặp nhau không nói chuyện văn chương, mà nói chuyện bất động sản, đất đai, nhà cửa, ô tô.
Mặt khác đa số tự nguyện tuân theo những quy định thành văn và bất thành văn về cách thức tư duy, đường hướng tư duy, hệ quả tất yếu là sự nghèo nàn trong nội dung tư duy, và hệ lụy thê thảm nhất là không ít người có nguy cơ đánh mất khả năng tư duy và thói quen tư duy, dẫn đến việc mất khả năng phân tích, mất khả năng tự quyết định, chỉ còn biết chấp nhận và chờ đợi những quyết định từ trên xuống, dù những quyết định đó sai hay đúng, dù chúng có tác hại như thế nào chăng nữa. Thậm chí có những người còn rất trẻ cũng đã tỏ ra không biết làm gì nếu không được định hướng. Trong khi đó, hoạt động trí óc, về thực chất, là một hoạt động mang tính tự do ; và không có gì có thể tước đoạt được thứ tự do đó. Đối với tư duy tất cả đều được phép. Người ta có thể bị tước đoạt tự do công bố, tự do phát ngôn và trình bày công khai ; nhưng tự do tư duy thì không gì có thể động đến được. Do đó có thể nói rằng đa số thuộc giới lao động trí óc ở ta tự nguyện tuân theo các định hướng suy nghĩ từ bên ngoài, hoặc khép mình vào những giới hạn do tự mình đặt ra, và hình dung rằng giới hạn đó trùng với những gì được phép, không lấn sang khu vực của những gì không được phép. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự tự giới hạn này phản ánh một nỗi lo sợ nhiều khi thiếu căn cứ, bởi vì những gì « không được phép » đối với người này lại là « được phép » (đúng hơn là « tự cho phép ») đối với người kia. Cái vòng kim cô, do vậy, không phải chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài, mà nó còn có tính nội sinh. Giới lao động trí óc tự tạo ra cái vòng đó và để nó xiết chặt từ bên trong vỏ não. Sự tự nguyện này, xét kỹ, không gì khác hơn là hệ quả của sự bần cùng hóa tinh thần. Nếu như một bộ phận lớn thuộc giới lao động trí óc Việt Nam được gọi là « trí thức trùm chăn » thì đó chính là hậu quả của sự (tự) bần cùng hóa về phương diện tinh thần này. Bởi lẽ giờ đây, khi các thói quen và quán tính đã được thiết lập một cách vững chắc, nếu họ có hất cái chăn đi, thì việc trình bày ý kiến cũng hoàn toàn không đơn giản và không dễ dàng. Thử giả định rằng họ được chuyển sang sống ở các nước dân chủ và họ có toàn quyền phát ngôn về mọi chuyện mà không có bất kỳ một đe dọa nào hay một áp lực nào, thì liệu họ có thể tham gia phản biện như các trí thức ở các nước sở tại không ?
Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Chẳng hạn giới giáo viên có thể tự cho là chính đáng khi nhận phong bì của học sinh và phụ huynh. Họ lập luận rằng đấy là để bù lại sự bất công trong chế độ thù lao của nhà nước. Họ đã dùng cái sai này để sửa cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn đã không được lựa chọn. (Chúng tôi sẽ còn trở lại bàn sâu hơn về điều này). Họ thấy hay không thấy rằng, giữa cái phong bì và sự suy đồi đạo đức, sự suy thoái trầm trọng của nền giáo dục, có mối quan hệ khăng khít ? Họ thấy hay không thấy mối liên hệ nhân quả giữa cái phong bì và tệ nạn bằng cấp dởm, chức danh dởm, những thứ đã và đang đẩy chất lượng giáo dục xuống bờ vực thẳm ? Đơn giản là một khi đã nhận tiền của sinh viên thì họ không thể đánh trượt hay dành điểm kém cho luận văn hay luận án của sinh viên, dù cái luận văn hay luận án ấy có kém cỏi đến mức độ nào chăng nữa. Họ thấy hay không thấy rằng khi quyết định trao bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cho một người không có năng lực tương xứng với học vị đó, thì họ đã gián tiếp đẩy bao nhiêu thế hệ học sinh vào nguy cơ bị ngu hóa, bị bần cùng hóa về mặt trí tuệ ? Vấn đề không chỉ là việc cho ra đời một tiến sĩ dỏm, mà cùng với tiến sĩ dỏm đó là hàng loạt thế hệ thanh thiếu niên phải gánh chịu hậu quả. Rồi những người thầy kém sẽ tạo ra các thế hệ những người thầy kém tiếp theo, cứ như vậy mà kéo dài tình trạng suy thoái.[2] Vậy những người làm giáo dục muốn đẩy trách nhiệm ấy cho ai ?
Vấn đề đối với giới lao động trí óc không hẳn chỉ là hợp tác hay bất hợp tác. Voltaire từng bị triều đình bỏ tù vài lần, nhưng rồi sau đó cũng có lúc ông hợp tác với triều đình Versailles và triều đình của Friedrich II, rồi lại bất hợp tác. Goethe từng giữ nhiều chức vụ trong các triều đình của Đức thời bấy giờ. Hugo từng thực sự mong muốn tham gia triều chính, muốn có ảnh hưởng để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông trở thành người tin cẩn của Louis-Philippe năm 1844, và sau đó làm Nguyên lão nghị viên. Rồi tự lưu đày, từ chối trở về nước Pháp khi mà ông chưa thấy đất nước này có tự do. Dù ở thời kỳ nào trong đời họ, dù họ lựa chọn thái độ nào, hợp tác hay bất hợp tác, thì đó cũng là những nhân cách lớn, những trí tuệ lớn và những bản lĩnh văn hóa đáng nể trọng. Họ biết rõ họ làm việc vì ai, vì cái gì. Nhân loại đã được hưởng lợi rất nhiều từ sản phẩm của lao động trí óc của họ
Sự (tự) bần cùng hóa về tinh thần, về đời sống trí tuệ đã khiến cho đa phần giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay mất dần các phẩm chất tư duy, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính ! Do vậy mà thuật ngữ « trí thức trùm chăn » cũng chưa hẳn đã xác đáng. Bởi lẽ trí thức trùm chăn dù thơ ơ với thế sự thì ít ra cũng còn giữ được căn cốt của người trí thức.
Vấn đề quan trọng đặt ra cho giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay là làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bần cùng hóa cả về vật chất lẫn tinh thần. (Nếu nhìn vào các dấu hiệu của tài sản thì có vẻ như một số người thuộc giới lao động trí óc đã thoát khỏi sự bần cùng hóa về vật chất, nhưng nghịch lý là ở chỗ : phương thức mà phần lớn trong số đó sử dụng để thoát nghèo lại góp phần thúc đẩy quá trình bần cùng hóa về tinh thần ở họ. Điều này sẽ được đề cập vào một dịp khác.)
Nhưng có lẽ vấn đề còn quan trọng hơn là làm thế nào để, nếu không phải toàn bộ thì cũng là phần lớn, giới lao động trí óc của chúng ta mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa ấy, nhất là thoát khỏi sự bần cùng hóa về tinh thần. Để tránh sa vào duy ý chí, cần nói rõ hơn rằng, dù « Muốn » chưa phải là điều kiện đủ, thì đó cũng là điều kiện cần. Hiện nay còn quá ít những người có mong muốn này. Một khi còn chưa có sự mong muốn, khi mà tình trạng chung là chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp, thì việc đặt câu hỏi « làm thế nào » chỉ là một thứ xa xỉ phẩm mà thôi. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta nhận ra rằng thực ra trong mỗi người đều có một nguồn năng lượng rất lớn. Cần phải để cho nguồn năng lượng đó được giải phóng để biến thành sức mạnh ; giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những định kiến, khỏi sự ràng buộc và hạn hẹp trong nhận thức. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta có thể đi tới chỗ đồng ý với John Stuart Mill rằng : « …nguồn gốc của mọi thứ đáng trọng trong con người như một thực thể có trí tuệ cũng như một thực thể có đạo đức, đó là phẩm chất sửa lại sai lầm của mình »[3], và càng đồng ý với ông hơn về nhận định : « Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Không phải chỉ có bằng trải nghiệm không thôi. Phải có thảo luận để biết trải nghiệm cần được suy đoán ra sao. »[4]
Chỉ khi nào giới lao động trí óc có mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa này thì lúc đó họ mới nghĩ đến việc tìm giải pháp, tìm cách làm thế nào, khi đó họ mới có cơ may tìm lại được các giá trị của lao động trí óc. Bởi vì sự mong muốn sẽ kích hoạt trí não, sẽ khiến cho trí óc hoạt động, và sự hoạt động của trí óc là cách duy nhất giúp người ta tìm ra giải pháp tích cực nhất trong hoàn cảnh của mình. Như câu ngạn ngữ của người Pháp : « vouloir c’est pouvoir »[5], hoặc như Đam San của Tây Nguyên : « Ta sẽ đi tới nơi ta muốn ».
Vinh, ngày 24/1/2012
[1] Vì muốn tập trung vào chủ đề chính của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến một hiện tượng, đó là một số người thuộc giới lao động trí óc ở Việt Nam, bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, đã không ngừng nỗ lực làm việc. Đến mức mà, có lẽ các đồng nghiệp nước ngoài của họ cũng khó có thể hiểu được họ lấy đâu ra sức lực để có thể làm việc như thế trong một điều kiện tồi tệ như thế.
[2] Xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ mà người viết bài này từng chứng kiến khi còn ở Pháp : một sinh viên bậc master (tương đương với thạc sĩ ở Việt Nam) có cơ hội nhận học bổng làm tiến sĩ, nhưng cô ấy không nhận, và giải thích rằng, cô ấy tự thấy không có thiên hướng và không đủ khả năng làm nghiên cứu, vì thế cô ấy nghĩ rằng nên để suất học bổng đó cho người nào thực sự có năng lực và say mê nghiên cứu. Cô ấy sẽ tìm một việc phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Trong ví dụ này ta thấy rõ những gì mà nền giáo dục Pháp đã đạt tới trong việc giáo dục con người. Những gì được Rousseau nói tới từ thế kỷ XVIII : « Con người thực sự tự do chỉ muốn điều gì anh ta có thể, và làm điều gì anh ta thích » (Emille hay là về giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, NXB Tri Thức, 2008, tr. 95)
[3] John Stuart Mill, Bàn về tự do, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2005, tr. 56 .
[4] Như trên, tr. 56
[5] Muốn là có thể thực hiện được.
http://cafehocthuat.blogspot.com/
Bài viết của TS. Nguyễn Thị Từ Huy về chuyên đề: "Thầy - Trò. Máu của trò quí giá hơn máu của ta nhiều"
Thân gửi quí anh/ chị bài viết của TS. Nguyễn Thị Từ Huy cũng là chuyên đề được Tiến sỹ trình bày trong chương trình vào ngày 12 tháng 11 năm 2011
Thông tin chi tiết về đăng kí tham dự chương trình , click vào đây.
Thông tin chi tiết về đăng kí tham dự chương trình , click vào đây.
THẦY - TRÒ
« - Máu của trò quý giá hơn máu của ta nhiều ».
Đấy là lời của một thầy giáo nói với một học sinh, lời của Hiệu trưởng trường Hogwarts nói với Harry Potter, ở tập 6 của bộ phim dài tập nổi tiếng Harry Potter, tập này có nhan đề là « Harry Potter và hoàng tử lai ». Vị phù thủy già Dumbledore tự cắt tay lấy máu của mình mở lối đi, để bảo vệ dòng máu của cậu học trò Harry Potter.
Và đến khi phải uống chất độc tự làm suy yếu bản thân để có thể lấy được Trường Sinh Linh Giá, Dumbledore cũng giành lấy cái quyền uống, tức là nhận nguy hiểm về mình. Đáp lại câu hỏi của Harry : « Sao không để con uống ? », ông nói : « Vì ta già hơn, tinh khôn hơn và không quý giá bằng con ».
Khi nói rằng máu mình không quý bằng máu của Harry, khi nói rằng bản thân mình không quý giá bằng Harry, ông thầy phù thủy vĩ đại nhất của mọi thời đại có tự hạ giá mình không ? Không. Trái lại, ông ấy tự nâng cao giá trị của mình lên, vì không những ông biết nhận ra giá trị của Harry, mà ông còn biết bảo vệ các giá trị đó. Harry là một kẻ mạnh trong số những phù thủy tốt. Harry là kẻ được chọn để đối đầu và tiêu diệt thủ lĩnh hắc ám. Harry cần được bảo vệ. Cách ứng xử của các nhân vật ở đây hoàn toàn tương ứng với triết lý của Nietzsche, người kêu gọi : « phải luôn luôn bảo vệ kẻ mạnh… » Phải bảo vệ kẻ mạnh là Harry thì giới phù thủy mới có cơ may tiêu diệt cái ác. Những người tốt phải mạnh thì thế giới mới có thể được xây dựng theo nguyên tắc của cái thiện, cái đẹp. Nếu người tốt suy yếu, nếu trong mỗi người, phần tốt yếu hơn phần xấu thì cái xấu cái ác sẽ thắng và thế giới sẽ được thiết lập theo nguyên tắc của cái xấu và cái ác.
Vì thế mà phải bảo vệ kẻ mạnh, vì thế mà mỗi người phải bảo tồn phần mạnh mẽ trong chính mình để chống lại sự trỗi dậy của cái xấu và cái ác.
Harry, khi được thầy mình nói cho rằng mình quý giá hơn ông ấy, liệu có trở nên kiêu ngạo không ? Không ! Bởi vì nếu ông thầy hiểu được giá trị của trò, thì trò cũng sẽ hiểu được giá trị của thầy, hiểu được tầm lớn lao, vĩ đại của « sự hiểu biết ». Ở đây, hành động của Dumbledore không phải là biểu hiện của đức tính khiêm nhường, mà chính là sự thấu hiểu, là khả năng đánh giá được giá trị và năng lực của người khác, cũng tức là tự đánh giá được giá trị và năng lực của mình. Dumbledore biết mình có thể làm gì và không thể làm gì, biết rằng dù được thừa nhận là phù thủy vĩ đại, ông không thể đánh bại Voldemort, điều mà Harry có thể làm được. Vì thế mà ông hy sinh để bảo vệ Harry, bảo vệ kẻ mạnh nhất của cộng đồng phù thủy tốt, cũng tức là bảo vệ tương lai của cái thiện, bảo vệ thế giới khỏi bị chiếm lĩnh bởi cái ác.
Chính ở ví dụ này ta thấy được tinh thần của thầy và trò trong quan niệm của người phương Tây, ta hiểu sức mạnh của người phương Tây được tạo ra từ đâu. Từ cái ý thức bảo vệ kẻ mạnh của họ, từ ý thức sử dụng kẻ mạnh của họ. Tinh thần này được khẳng định khắp nơi. Có thể chọn ngẫu nhiên bài phát biểu của Bill Gates tại lễ tốt nghiệp của Ðại Học Harvard năm 2007 . Trong bài đó Bill Gates đưa ra yêu cầu này : « Hãy cho tôi có một yêu cầu cho các Trưởng khoa và các vị giáo sư – các nhà lãnh đạo trí tuệ ở đây, tại Đại học Harvard: Khi vị tuyển chọn giảng viên mới, bổ nhiệm chức vụ, xem xét lại chương trình giảng dạy, và xác định các yêu cầu của bằng cấp, xin hãy tự hỏi chính mình: Nên chăng những bộ óc tuyệt vời nhất của chúng ta được dành để giải quyết các vấn đề lớn nhất của chúng ta? »
Ông ta yêu cầu rằng những bộ óc mạnh nhất, những bộ óc tuyệt vời nhất phải được dùng để giải quyết các vấn đề lớn nhất. Yêu cầu đó không nằm ngoài cái nguyên lý phải bảo vệ kẻ mạnh, phải sử dụng kẻ mạnh. (Kẻ mạnh hiểu theo nghĩa của Nietzsche : là kẻ có khả năng sáng tạo, có các giá trị để dâng hiến, chứ không phải là kẻ dẫm đạp lên người khác, buộc người khác khuất phục quyền uy của mình).
Trong thực tế, nhiều bộ óc mạnh, nhiều trí tuệ mạnh đã chỉ được sử dụng để giải quyết những việc rất nhỏ nhặt, đôi khi buộc phải dùng chỉ để giải quyết vấn đề mưu sinh cá nhân mà thôi. Lúc ấy không những sức mạnh của những bộ óc đó suy giảm, mà sự suy thoái sức mạnh của các bộ óc đó sẽ kéo theo sự suy thoái sức mạnh của cả cộng đồng. Phải hiểu một cách đầy đủ về điều này: cần bảo vệ kẻ mạnh, cần tạo điều kiện cho kẻ mạnh phát triển sức mạnh của mình. Ở nhiều nơi trên trái đất này, kẻ mạnh – kẻ mang thiên hướng thiện- vẫn đang bị hủy hoại ; sức mạnh đang bị hủy hoại, từng giờ từng ngày, mà người ta không ý thức được, không thấy xót xa và tiếc nuối.
Trở lại với thầy trò nhà Harry Potter để thấy mối quan hệ thầy trò có thể được thiết lập theo phương thức : Thầy không chỉ truyền dạy cho trò, mà còn đánh giá được các giá trị của trò. Khi cần thầy sẵn sàng thừa nhận sự vượt trội của trò, giúp trò ý thức được vai trò và các năng lực của mình. Và có những lúc thầy phải hy sinh để bảo vệ trò, nếu điều đó là cần thiết cho tương lai chung của cả cộng đồng.
Nguyễn Thị Từ Huy
No comments:
Post a Comment