"Mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì đẹp quá rồi, có ai phản đối gì đâu. Vấn đề là làm thế nào để đạt mục tiêu đó. Và chính điều này liên quan đến hiến pháp. Hiến pháp hiện giờ cản trở mục tiêu trên và một trong những điều cản trở lớn nhất là điều 4. Điều 4 làm cho đất nước không có dân chủ và chính nó làm tha hoá Đảng CSVN. Vấn đề này nhiều người đã phân tích nên tôi không nói lại hoặc là sẽ nói vào một dịp khác. Nhưng tôi phải phân tích cách hiểu sai của anh khi anh viết:
“Có những kẻ cơ hội dựa vào một số sai lầm của Đảng ta để kêu gọi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng. Phải thấy một chân lý giản đơn rằng, con người ta ai cũng có sai lầm, có làm việc là có sai lầm, có cái sai mới dẫn đến có cái đúng. Với quan niệm rộng lượng mà triết lý, cụ thể mà phổ quát, người Việt ta có câu “ngọc còn có vết” là vì thế”.
Trước hết, anh Tú đã hiểu sai 2 điều sau đây:
1. Bỏ điều 4, anh nghĩ là chúng tôi “đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng”. Chúng tôi đâu có bảo Đảng không được lãnh đạo mà chỉ muốn sự lãnh đạo của Đảng CSVN (hay bất cứ đảng nào) phải chính danh.
Cho nên Kiến nghị 72 ghi rất rõ, anh Tú nếu chưa đọc xin đọc lại đoạn này:
“Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền”.
Nghĩa là đảng nào được nhân dân lựa chọn thì chính danh, thì trở thành đảng cầm quyền, chứ không thể mặc định một cách bất bất biến, đó là nguyên tắc của một nhà nước dân chủ. Một đảng hôm qua tiến bộ, hôm nay có thể lạc hậu, nhưng ngày mai có thể lại tiến bộ. Tuỳ mỗi lúc như thế nào mà nhân dân lựa chọn hay không lựa chọn.
2. Tính chính danh sẽ làm cho Đảng CSVN mạnh lên, giúp Đảng luôn luôn đào thải những phần tử thoái hoá. Cho nên Kiến nghị 72 viết tiếp:
“Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.
Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận”.
Tôi là một đảng viên, cũng như hầu hết các vị nhân sỹ trí thức ký Kiến nghị 72 (đợt 1) là đảng viên, lẽ nào không mong đảng mình giành được quyền lãnh đạo? Nhưng muốn thế phải giành được quần chúng bằng sự chính danh, bằng sự tín nhiệm chứ không thể ép buộc.
Sau nữa, anh phải đem đạo lý ra để bảo vệ sai lầm của Đảng thì quả là bi hài và cũng không đúng đạo lý! Nếu đã chấp nhận Đảng cầm quyền một cách mặc định bất biến như anh thì phải chấp nhận mọi sai lầm của Đảng thôi, kể cả Đảng có đưa dân tộc này đến chỗ diệt vong. Nếu nhân dân đã giao phó sinh mệnh của mình cho Đảng một cách vĩnh viễn thì “lượng cả bao dong” của nhân dân cũng là vô nghĩa!
Anh Tú lấy công lao của Đảng trong quá khứ để Đảng cầm quyền vĩnh viễn lại càng hớ. Anh viết: “Việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta...”
Anh Tú ạ, thứ nhất, không ai quên Đảng CSVN đã từng “hy sinh xương máu” nhưng cũng phải thấy đấy là xương máu của cả dân tộc mà Đảng chỉ là một bộ phận. Hàng vạn quần chúng vô danh đã chết, đã bị tù đày trong các cao trào do Đảng phát động hay trong chiến tranh vệ quốc, suốt từ Xô viết Nghệ Tĩnh, qua khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, qua kháng Nhật, kháng Pháp, kháng Mỹ, kháng Pôn-pốt, kháng Tàu Cộng, số quần chúng vô danh này chắc chắn nhiều hơn đảng viên của Đảng hàng ngàn lần. Không có nhân dân thì Đảng không làm nên cái gì cả. Mà trớ trêu là nhân dân hy sinh như thế mà đến nay lại không có tự do, hạnh phúc. Nhiều người đã ủng hộ Đảng, ủng hộ kháng chiến hết lòng nhưng nay lại là nạn nhân của chính những quan chức mà họ đã tận tình chở che, đùm bọc. Và xương máu nhân dân đổ ra trước khi có Đảng cũng gián tiếp góp phần cho Đảng về sau. Từ các cuộc giữbán đảo Sơn Trà (1858), giữ thành Gia Định (1859 – 1862), giữ thành Hà Nội (1873, 1882), cuộc phản công ở kinh thành Huế (1885), rồi cả một phong trào Cần vương rộng lớn với hàng chục cuộc khởi nghĩa (1885 – 1900), rồi các cuộc vận động cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học,... Những phong trào ấy đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng dòng máu quật cường của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện để Đảng CSVN, người lãnh đạo cuộc chạy tiếp sức cuối cùng, giành thắng lợi. Không có các phong trào trước đó để dân tộc trưởng thành thì cũng không có sự thành công về sau. Giai đoạn 1900 – 1945, cái giai đoạn mà anh Tú cho là đất nước trong cảnh tối tăm mù mịt ấy, thực ra đó chỉ là một mặt của đời sống, một mặt khác, nhờ cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ các nhà cách mạng và trí thức, dân tộc ta đã trưởng thành vượt bậc, từ ý thức dân tộc, ý thức cá nhân đến văn hoá, văn học, nghệ thuật. Là người nghiên cứu văn học Việt Nam, chắc anh Tú thừa hiểu điều đó.
Thứ hai, theo cách lý luận của anh thì hàng loạt dòng tộc ở nước ta đều có quyền đòi hỏi cái quyền lãnh đạo đất nước, bởi vì cha ông họ cũng đã từng “hy sinh xương máu”, cũng đã từng đưa đất nước phát triển, lớn mạnh”. Có lẽ chỉ có thời các vua Hùng, thời An Dương Vương, Hai Bà Trưng do sự ghi chép còn mù mịt, nên nay ta khong biết con cháu các cụ ấy là ai, chứ từ Lý Bí là chúng ta có thể tìm được hậu duệ của những vị tiền nhân có công lập quốc. Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn đều có thể tìm được “người thừa kế” ngai vàng hôm nay dễ dàng. Và nếu như thế lịch sử không thể nào kết tội được những Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,... vì họ đều là con cháu của các triều đại có công.
Thứ hai, theo cách lý luận của anh thì hàng loạt dòng tộc ở nước ta đều có quyền đòi hỏi cái quyền lãnh đạo đất nước, bởi vì cha ông họ cũng đã từng “hy sinh xương máu”, cũng đã từng đưa đất nước phát triển, lớn mạnh”. Có lẽ chỉ có thời các vua Hùng, thời An Dương Vương, Hai Bà Trưng do sự ghi chép còn mù mịt, nên nay ta khong biết con cháu các cụ ấy là ai, chứ từ Lý Bí là chúng ta có thể tìm được hậu duệ của những vị tiền nhân có công lập quốc. Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn đều có thể tìm được “người thừa kế” ngai vàng hôm nay dễ dàng. Và nếu như thế lịch sử không thể nào kết tội được những Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,... vì họ đều là con cháu của các triều đại có công.
No comments:
Post a Comment